Đạo phật khất sĩ / Lịch sử - Tổ chức / GIÁO HỘI TĂNG-GIÀ KHẤT SĨ VIỆT NAM
SƠ LƯỢC SỰ THÀNH LẬP & PHÁT TRIỂN
CỦA GIÁO HỘI TĂNG-GIÀ KHẤT SĨ VIỆT NAM
Hành Vân
Về Giáo hội Tăng-già Khất sĩ, đó là chí nguyện lập đạo độ đời của đức Tổ sư Minh Đăng Quang, có từ năm 1947. Trong bộ Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang viết từ năm 1952 đã có tên gọi này. Bài Chơn lý 20 – Cư Sĩ, Tổ sư viết mục đầu tiên là GIÁO HỘI TĂNG-GIÀ DU TĂNG KHẤT SĨ, trong đó có đoạn: “Bởi Giáo hội Tăng-già Khất sĩ tu Giới Định Huệ, không có sự học nương văn tự của bước đầu. Khất sĩ là pháp tu hành sau sự tập học của cư sĩ, chỉ là một lớp riêng rất ít của chúng sanh…”. Đến Chơn lý 47 – Đạo Phật, Tổ sư viết: “Nào ai đã thành Phật như Phật xưa rồi đâu? Và thế nào là Giáo hội Tăng-già Khất sĩ khi xưa ra làm sao? Vì sao đạo Phật xưa gọi là đạo, chớ không phải gọi là tông giáo, hay học Phật?...”.Và lần thứ ba, trongChơn lý 61 – Hòa Bình, Tổ sư viết: “Còn hòa là như trong Giáo hội Tăng-già Khất sĩ không không danh lợi, các sư sống chung nhau hiệp một, với số đông nhiều đủ hạng bậc, mà gọi là chúng hiệp hòa.”. Đó là trong bộ Chơn Lý, còn trong Sổ Đoàn Du Tăng, tờ đầu tiên Tổ sư viết ngày 8/9/1953, xin phép ông Tỉnh trưởng châu thành Vĩnh Long đến Tịnh xá Ngọc Viên chứng kiến Đoàn Du Tăng Khất Sĩ khởi đi hành đạo, trước khi ký tên ngài ghi: “Giáo hội Tăng-già Khất sĩ – Minh Đăng Quang”. Với những đạo lý đã nói, tổ chức Giáo hội Tăng-già Khất sĩ của Tổ sư không phải là một giáo hội hành chánh. Không thấy rõ đặc điểm này, có nhiều người nhận xét rằng: “Thời Tổ sư Minh Đăng Quang hành đạo vẫn chưa có một Giáo hội Tăng-già Khất sĩ được chính quyền thừa nhận.”
Kế thừa chí nguyện của Tổ sư Minh Đăng Quang, chư Tăng, Ni đệ tử ngài hành đạo phát triển mạnh mẽ. Khi đã lớn mạnh, đến năm 1960 bắt đầu có danh xưng Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam, đầu tiên là trong quyển Minh Đăng Quang Pháp Giáo của Hàn Ôn.
Theo hồi ký của HT. Giác Ngộ viết năm 2011, vào năm 1961 Giáo đoàn IV TT. Thích Giác Nhiên bắt đầu vận động xin phép thành lập Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam. (Năm đó Pháp sư in Chơn Lý toàn tập, nơi gáy bìa sách có hàng chữ GIÁO HỘI TĂNG-GIÀ KHẤT SĨ VIỆT NAM.) Đến năm 1965, Pháp Sư Thích Giác Nhiên đưa Giáo đoàn IV về hành đạo vùng Sài Gòn – Gia Định và tìm đất để xây dựng Hội sở Trung ương cho Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam.
Ông Lý Văn Thạnh pháp danh Thiện Phước, chủ hãng xe đò Lộc Thành ở Phú Lâm – Chợ Lớn có một khu đất lớn. Ông chấp thuận hiến cho Pháp sư Giác Nhiên một lô đất rộng có thể xây dựng được một ngôi tịnh xá lớn làm Hội sở cho Giáo hội, sau hãng xe của ông. Nhưng sau ông thay đổi ý, muốn xây dựng một tòa tháp lớn cao chín tầng làm trung ương, cấp cho mỗi tôn phái một khu đất chung quanh đủ để làm văn phòng sinh hoạt. Do đó Pháp sư Giác Nhiên không nhận.
Pháp sư quay về Gia Định, gặp bà Liên Ngọc đệ tử tại gia của Tổ sư Minh Đăng Quang, người trước đây đã từng hộ trì Tổ sư hành đạo. Chuyến đi lịch sử Tổ sư vắng bóng ở Cái Vồn bắc Bình Minh năm 1954, bà cùng với hai người bạn là bà Thiện Ngọc và bà bác vật Lầu bị bắt chung với Tổ sư. Bà Liên Ngọc giới thiệu Pháp sư đến gặp bà Diệu Kiến để thương lượng về khu đất sau nhà bà để xây dựng Hội sở Trung ương. Buổi ban đầu còn nhiều trở ngại, nhưng sau này bà Diệu Kiến phát tâm cúng dường khu đất trên 5000m2, đủ điều kiện xây dựng Tịnh xá Trung Tâm, làm Hội sở Trung ương cho Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam. Đây là một khu đất để hoang, nhóm du đãng vùng cây Quéo lấy đó làm chỗ tụ hội. Khi quý sư về dọn dẹp khai phá xây dựng bị trở ngại. Nhưng nhờ lúc ấy đoàn về đông khoảng 40 vị nên chúng không dám phá.
Đại đức Giác Ngộ, Trị sự trưởng Đoàn Pháp sư Giác Nhiên là người đứng ra lo công việc xây cất Tịnh xá Trung Tâm, trong vòng ba tháng phải hoàn tất để làm lễ Tự tứ và Vu-lan năm 1965. Quý sư xây dựng tạm một ngôi chánh điện dài 28m rộng 12m, sường gỗ, lợp tole, vách cửa tole; xây thêm ba dãy nhà Tăng hai bên và phía sau một dãy nhà khách cư sĩ, thêm nhà ăn, nhà bếp, hai dãy nhà vệ sinh công cộng.và tám cái cốc cho chư Tăng hai bên phía trước. Trong vòng ba tháng nhà cửa đã hoàn tất để có thể đủ điều kiện tổ chức một đại lễ Vu-lan và Tự tứ Tăng. Nhà xây dựng bằng gỗ, lợp bằng tole, lá là chính, cất kín hết cả khu đất để có thể dung chứa 150 vị Tăng, Ni trong đoàn và các đoàn Ni tu tịnh về tham dự, như đoàn các Ni sư Ngân Liên, Trí Liên, Cung Liên, Hà Liên v.v.. với số Phật tử Sài Gòn – Gia Định và các nơi về tham dự vào khoảng 2000 người. Đây là lần đầu tiên Giáo đoàn IV làm lễ Tự tứ Vu-lan lớn nhất, người tham dự đông nhất. Kể từ đó về sau, Tịnh xá Trung Tâm là Hội sở Trung ương của Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam, các cuộc đại lễ Vu-lan hay kỷ niệm Tổ sư Minh Đăng Quang đều tổ chức tại đây.
Tìm hiểu thêm, ta được biết: Do Pháp sư Giác Nhiên quê ở Cờ Đỏ – tỉnh Phong Dinh (nay là huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ), một vùng Cách mạng, nên chính quyền không cấp phép thành lập Giáo hội cho Pháp sư. Được sự khuyến khích của Tăng tín đồ, đại đức Giác Tường và đại đức Giác Nhu thuộc Đoàn Thượng tọa Giác Chánh (Giáo đoàn I) đứng ra xin phép thành lập Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam. Ngày 22 tháng 4 năm 1966, theo Nghị định số 405/BNV/KS, chính quyền chính thức cho phép Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam được thành lập và hoạt động như các Giáo hội Phật giáo khác ở xứ Nam Việt trong thời này. Trụ sở Giáo hội tại Tịnh xá Trung Tâm, số 98, đường Nguyễn Trung Trực, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Ban đầu, Giáo hội do Thượng tọa Thích Giác Nhiên làm Tổng Trị sự trưởng, TT. Thích Giác Tường làm Phó Tổng Trị sự trưởng và TT. Thích Giác Nhu làm Tổng Thư ký, ĐĐ. Thích Giác Phúc làm Phó Tổng Thư ký, ĐĐ. Thích Giác Ngộ làm Phụ tá Điều hành của Tổng Trị sự trưởng.
Còn Giáo hội Tăng-già Khất sĩ do Sư trưởng Minh Đăng Quang sáng lập, trụ sở tại Tịnh xá Ngọc Viên – thị xã Vĩnh Long, được các vị khất sĩ gọi tắt là Giáo hội chánh. Giáo hội chánh được tổ chức đơn giản và trong sáng theo đường lối Đức trị của đạo Phật cổ truyền: mọi việc được chư tỳ-kheo cùng bàn bạc, không nặng về chức phận và quyền lực. Nhưng xét theo thế gian pháp, lúc này Giáo hội chánh của Đạo Phật Khất Sĩ vẫn có tính cách nội bộ, chưa có tư cách pháp lý. Đứng đầu của Giáo hội chánh là ba vị do Sư trưởng Minh Đăng Quang tấn phong: Thượng tọa Giác Chánh, Trưởng lão Giác Tánh và Tri sự Giác Như. Bấy giờ cả ba vị này đều không có thân phận gì trong Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam.
Đến năm 1971, các giáo đoàn cùng về Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam, thừa nhận đây là Giáo hội của năm giáo đoàn. Trong kỳ đại hội năm 1971, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam suy tôn Trưởng lão Giác Tánh làm đức Tăng chủ, và thành lập hai viện: Viện chỉ đạo gồm quý trưởng lão tôn túc chứng minh, Viện hành đạo gồm quý thượng tọa, đại đức có năng lực đảm đương Phật sự. Trong quyển Nguồn Gốc Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam của Thượng tọa Giác Lý, do Tịnh xá Trung Tâm – Phú Lâm ấn hành năm 1971, có nêu thông tin này:
“Kỳ đại hội tại Hội sở Trung ương Tịnh xá Trung Tâm số 98 đường Nguyễn Trung Trực, Gia Định, điện thoại số 40420, tất cả 5 đoàn đều có về tham dự vào ngày 28 tháng 8 năm Tân Hợi 1971 (Ngày 16/10/1971).
1. Đoàn Thượng tọa Giác Chánh
2. Đoàn sư Trưởng lão Giác Tánh
3. Đoàn cố Trưởng lão Giác An
4. Đoàn Thượng tọa Thích Giác Nhiên
5. Đoàn đức Thầy Lý…”
Từ đó Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam có thành viên là năm giáo đoàn Tăng và hai đoàn Ni, với cơ sở tịnh xá khoảng hơn 100 ngôi, Tăng, Ni khoảng 1000 vị, hoạt động mạnh khắp hai miền Nam Việt và Trung Việt, được các tổ chức Phật giáo khác ở Việt Nam thừa nhận là giáo hội chính của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam do đức Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập. Đồng thời, từ đấy sự đơn giản và trong sáng của một Giáo hội Tăng-già Khất sĩ dần dần bị đánh mất, để cho chức phận và quyền lực lên ngôi, không sao còn bình đẳng vô trị nữa.
Năm 1981, giới Tăng-già Phật giáo toàn quốc Việt Nam vận động thống nhất chung về một Giáo hội Phật giáo. Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam là tổ chức Giáo hội đại diện Phật giáo Khất Sĩ Việt Nam tham gia thống nhất. Đến tháng 11 năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập, từ đó tổ chức Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam giải tán, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam của đức Tổ sư Minh Đăng Quang được tiếp tục duy trì trong một hình thức mới. Sự hình thành và phát triển của Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam đại khái là như vậy, từ năm 1960 đến năm 1981, hơn 21 năm.
Hành Vân, tháng 01/2019.
Các bài liên quan
- Khất Sĩ gì đây ?
- GHI CHÚ VỀ HỆ PHÁI KHẤT SĨ
- 70 năM
- ĐẠO TỔNG HỢP BẮC ‒ NAM PHẬT GIÁO
- so sánh 2 ĐẠO
- QUAN ĐIỂM TÍCH CỰC VỀ NĂM VIỆC ĐẠI THIÊN
- Nối truyền Thích-ca Chánh pháp
- Vấn đề TRỤ TRÌ trong Giáo pháp Khất sĩ
- Chơn lý số 23 – HỌC CHƠN LÝ
- Các đoàn thể Khất sĩ ở Việt Nam
- CẦN CÓ MỘT TIỂU SỬ HOÀN CHỈNH
- Sen nở miền Châu Đốc
- Kỳ tích của Trưởng lão Giác Tỵ
- Nguồn Khất Sĩ Nam Việt
- Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
- Xem lại Minh Đăng Quang Pháp Giáo
- Album ảnh Ts. Minh Đăng Quang
- Nguồn gốc Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam
- TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG TỪ HUỆ
- 405 CƠ SỞ TỊNH XÁ, TỊNH THẤT...
- 405 CƠ SỞ TỊNH XÁ, TỊNH THẤT
- BỨC THƠ GỞI CHƯ NAM NỮ KHẤT SĨ
- ĐỨC TỔ SƯ MỞ ĐẠO Ở LÀNG PHÚ MỸ
- LƯỢC SỬ ĐỨC TS. MINH ĐĂNG QUANG
- LƯỢC SỬ ĐỨC NHỊ TỔ GIÁC CHÁNH
- SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN của ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ
- Con đường ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ
- LƯỢC SỬ TƯỞNG NIỆM ĐỨC TÔN SƯ MINH ĐĂNG QUANG