Đạo phật khất sĩ / Giáo dục - Hoằng pháp / Sám Hối
SÁM HỐI
KS. MINH BÌNH
1
Trong Chơn lý 59 – Sám Hối, Sư trưởng Minh Đăng Quang đã dạy một số điều:
Sám là tự hối điều lỗi của mình. Sám hối là biết tội lỗi của mình mà muốn sửa đổi. Hối là răn dạy, là tiếc điều lỗi trước, hối cải, hối hận, hối họa, hối ngộ, hối quá, hối tội, hối tâm. Sám hối cũng nghĩa là ăn năn chừa bỏ. Ăn năn chừa bỏ tức là tắm rửa trong sạch, không còn xấu đen dơ bẩn và bỏ sự chấp chứa tội lỗi, kêu là xả đọa. Thế nên gọi là sám hối thì được xả đọa.
Kẻ biết sám hối xả đọa sẽ được tấn hóa, giải thoát an vui. Người sám hối phải là bậc trí huệ, sẽ đắc giới và thiền định. Vậy nên gọi sám hối phải là đạo Phật, vì hằng xét thấy lỗi, ấy tức là đạo Phật, con đường giác ngộ, linh sáng sẽ thường hiển hiện.
Tội lỗi chẳng phải hại cho xác thân không thôi, mà nó sẽ giết hại tâm hồn ta nữa, việc mình làm là chỉ hại lấy mình.
Phiền não là con sâu, nó đục khoét tâm ta, ăn hại tâm. Khi thương quá hết biết, ghét quá hết biết, mừng hay giận quá hết biết, buồn hay vui quá hết biết… Đó tức là sự tiêu diệt, cái ta hư hoại.
Các nhà sư phải biết tự sám hối xả đọa, rồi chỉ dạy cho người sám hối xả đọa, để đời thành cõi yên vui. Thế nên chư Bồ-tát khi xưa mới bày ra cách Sám hối hồng danh. Hồng danh là danh từ pháp lý của chư Phật, là chữ đỏ nêu gương trong quyển sổ vàng lịch sử của đạo Phật. Các danh Phật ấy là pháp lý, giáo lý, đạo lý, chớ không phải có ông Phật tên đó. Nhưng nói vị Phật nào có những tên đó cũng được, vì Phật là có đủ các pháp.
Vậy quyển Sám hối Hồng Danh là con đường dắt dẫn người sám hối xả đọa, giải thoát tấn hóa, tu theo các danh từ pháp lý ấy để đặng sau này thành Phật, chớ chẳng phải lạy ông Phật đó để ông ấy tha tội cho.
Sám hối Hồng Danh là phép sám hối dạy tu cho cư sĩ còn lòng tự ái cao trọng, chứa tội, không dám nói lỗi của mình ra, của những kẻ phàm tâm. Chớ những bậc muốn tu hạnh Thánh, cầu xuất gia giải thoát, thì phép sám hối là phải nên tự xưng khai ra ngay giữa hội chúng, có như thế mới được xả đọa ngay liền, không còn tái phạm, thì mới trông tu hành đến ngay quả Phật. Chính sự đại hùng đại lực, dõng mãnh tinh tấn xưng khai ấy mới đáng gọi là bậc Thánh nhơn trong sạch, mới phải gọi là phép sám hối chơn chánh, đúng lý, ít ai làm được. Do đó mà thiên hạ đặng chỗ tin cậy, tùng phục, nên họ mới xưng tặng là các nhà sư.
…
*****
2
Sám hối vốn là chuyện của ta, không phải là chữ nghĩa của ai dạy bảo. Các bậc thầy có dạy sám hối là dạy cho kẻ có tội lỗi mà không chịu từ bỏ, tu sửa. Các ngài từ bi thương xót mà chỉ dạy, nếu ta thật lòng học hỏi thì phải xem xét lại mình, nhận ra tội lỗi, ăn năn chừa bỏ, làm cho mình được trong sạch.
Tội lỗi là gì? – Những nghiệp ác của thân, miệng, ý là tội lỗi. Thân có ba nghiệp ác là giết hại, trộm cắp, và dâm dục. Miệng có bốn nghiệp ác là nói dối, khoe khoang, đâm thọc, và rủa chửi. Ý có ba nghiệp ác là tham lam, sân giận, và si mê. Đã nêu được tên mười điều tội lỗi, tiếp theo phải nêu cụ thể hơn.
Mười điều tội lỗi nêu cụ thể hơn sẽ là: Giết hại gồm có giết người, phá thai, giết thú lớn, giết thú nhỏ, giết cây, và giết cỏ. Trộm cắp là lấy của không được cho, dù là vật nhỏ mọn. Dâm dục là hành vi giao cấu với một thân thể khác. Nói dối là nói không thật với ý gạt người. Nói khoe khoang là nói khoe của, khoe tài, khoe đức, khoe sức, khoe công danh, khoe sự nghiệp… với ý mong người khen ngợi, cầu cạnh mình. Nói đâm thọc là lời nói gây chia rẽ. Chửi rủa là mắng nhiếc, nhục mạ người cho hả giận. Tham lam là tâm chiếm đoạt sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp của trần gian. Sân giận là tâm tức tối khi không được như ý. Si mê là tâm mê thích thân thể, vật chất, công danh, sự nghiệp, chùa to, Phật lớn, một lý tưởng, một nghệ thuật… do ngu si.
Đây là mười điều tội lỗi của ba nghiệp thân, miệng và ý. Mỗi nghiệp ác lại có nhiều tướng trạng chứ không đơn giản. Nếu nhân lên ba phần tự làm, xúi người làm, và thấy điều ác tỏ vẻ vui thích là thành 30 điều ác. 30 điều này nhân lên ba thời đã qua (quá khứ), đang ở (hiện tại) và chưa tới (vị lai) lại thành 90 điều ác… Nói vậy có vẻ máy móc, giáo điều, nhưng quả thật trong đời có lắm điều ác trên mười điều ác căn bản. Như giao cấu với một cái thân nhựa thì cũng là điều ác thứ ba. Như lấy một bài viết của học trò rồi điền tác giả là mình thì cũng là điều ác thứ hai. Như lén gởi một tin nhắn chửi người thì cũng là điều ác thứ bảy. Như mỗi chiều đi ngang nhà hàng xóm, thấy mấy anh em đang nâng ly liền vui miệng nói lớn: “Dô, dô!”, nói rồi lo về nhà làm việc, thì cũng là điều ác thứ mười, tỏ ý mê thích rượu chè. Cho đến làm một điều gì đó không tốt, tuy chưa đến mức thành một điều ác thì cũng xếp vào loại ác nghiệp, thuộc về 30 điều ác sắp đến v.v…
Kể ra được rồi thì xem lại mình có những ác nghiệp đó không? Như ta có lỗi gì trong mười lỗi đó thì tự xét lấy, rồi ăn năn chừa bỏ. Đây là tu đạo Sám hối, tức là tu đạo Phật vậy.
*****
3
Sám hối là ăn năn chừa bỏ, nếu không căn cứ theo những điều tội lỗi thì có thể căn cứ theo chỗ phát sinh tội lỗi. Bên phái Thiền Trúc Lâm – Việt Nam mỗi tối đều sám hối sáu căn. Bởi trong Kinh Lăng Nghiêm, các đức Phật đã dạy sư Anan rằng: Đầu mối luân chuyển sanh tử chính là sáu căn, mà đầu mối chứng Niết-bàn, giải thoát cũng chính là sáu căn chứ không gì khác.
Sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; là sáu cửa ra vào của tâm. Như ý đã là tâm, sao lại nói ý là một cửa của tâm? – Ý vốn là ý chí của bản ngã, là thức thứ bảy, chính là một cửa của tâm. Hàng ngày tâm kẻ phàm ra vào cái khuôn khổ bản ngã, một định dạng, một lập trình, một chỗ chấp, từ đó biến hóa khôn lường như con khỉ Tôn Ngộ Không.
Sáu căn ô nhiễm, vọng động, lập thêm một tầng thấy biết nên phải sám hối. Mọi thấy biết tự nhiên không qua cái khuôn của bản ngã là sáu đường thần quang, là diệu dụng. Thấy biết qua ngã là gốc vô minh, thấy biết hồn nhiên là Niết-bàn rồi, không cần đi về đâu hay đợi kiếp nào nữa. (Tri kiến lập tri tức vô minh bổn. Tri kiến vô kiến tư tức Niết-bàn.) Xưa có người đến hỏi đạo với một vị hòa thượng: “Không biết đầu đường đi về Niết-bàn ở chỗ nào, xin ngài vui lòng chỉ giúp.”. Hòa thượng già ấy bước xuống giường, đi mấy bước ra sân chùa gõ mạnh đầu gậy nói: “Chính là chỗ này!”. Người hỏi ngẩn ngơ…
Sám hối sáu căn thật khỏe, thật tế nhị, mau chóng. Trong 114 Điều Luật Nghi Khất Sĩ, Sư trưởng Minh Đăng Quang dạy: “Cấm xuất gia mà mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không trong sạch (như kẻ thế).”. Ý nghĩa “như kẻ thế” giải đúng ra sẽ hiểu được pháp tu sáu căn, mà hàng ngày chấp lỗi thì ta cứ lấy thời khóa sám hối sáu căn làm công vậy.
*****
4
Sám hối là ăn năn chừa bỏ, nếu không căn cứ theo ba nghiệp, sáu căn, thì căn cứ theo giới điều Phật dạy. Giới điều Phật dạy là khuôn khổ đạo đức cho người tu, hễ vi phạm thì phải sám hối. Hàng cư sĩ có năm giới, tám giới, bậc sa-di có 10 giới, bậc tỳ-kheo có 250 giới. 250 giới Tỳ-kheo gồm có:
1. Bốn đại giới – trục xuất
2. Mười ba giới tổn hại Tăng tàn – giáng cấp
3. Hai giới không định
4. Ba mươi giới phá sự thanh bần – cấm phòng sáu bữa
5. Chín mươi giới hành phạt – quỳ hương
6. Bốn giới đặc biệt – xưng tội xả đọa
7. Một trăm giới nhỏ phải học – sám hối
Và thêm bảy pháp giải hòa diệt tránh là thành 250 giới. Nương vào giới luật người tu tránh được các pháp bất thiện ở đời. Lấy giới làm thầy thì đời tu hành chỉ đi lên chứ không bị sa đọa. Có giới mới thành Tăng, còn Tăng là còn đạo Phật, nên nói: “Giới luật còn thì đạo Phật còn, giới luật mất thì đạo Phật mất.”. Như có người tu xuề xòa không giữ giới trang nghiêm, kết quả là ít ai muốn làm đệ tử vị ấy, nên vị ấy tuy có duyên phước cất được chùa mà không độ được chúng xuất gia. Cũng có người tu độ được chúng xuất gia mà không giữ được chúng, thế mới biết giới hạnh thôi chưa đủ, cần phải được giới thể thanh tịnh.
Bậc chu toàn 250 giới là bậc đã thanh tịnh sáu căn. Như khi ngài Nhị Tổ Giác Chánh còn ở Pháp viện Minh Đăng Quang vào thập niên 1980, thiền sư Duy Lực có đến luận đạo với ngài. Lúc đó hòa thượng Giác Ngộ có mặt, về sau thường kể với chúng rằng: Thiền sư Duy Lực hỏi vài điều, đức Thượng tọa Nhị Tổ trả lời, ngài có nói một câu: “250 giới tôi không phạm một giới nào.”. Xem sách Duy Lực Ngữ Lục thấy nói khá nhiều về Giới luật. Khi nhắc đến luật sư Hoằng Nhất, một danh Tăng Trung Quốc thế kỷ XX, thiền sư Duy Lực hay nói: “Luật sư Hoằng Nhất tinh thông giới luật. Ngài dù đã thọ giới Tỳ-kheo mà lại nói mình chỉ mới giữ được năm giới cư sĩ thôi…”
Đạo Khất sĩ nghĩa là đạo làm Tăng, tức là chú trọng giới luật trước vậy. Nền tảng của giới luật chính là ba nghiệp trong sạch, là sáu căn thanh tịnh, là quả A-la-hán. Hễ tam nghiệp hằng thanh tịnh thì đồng Phật vãng Tây phương. Hễ sáu căn trong sạch thì sanh ra 6000 công đức như Kinh Pháp Hoa nói. (Mắt, mũi, thân thanh tịnh đều có 800 công đức; tai, lưỡi, ý thanh tịnh đều có 1200 công đức.) v.v…
*****
5
Sám hối là ăn năn chừa bỏ tội lỗi, bậc đại trí nhắm ngay nhân tội lỗi mà sám hối. Kinh Địa Tạng nói: Chúng sanh cõi Ta-bà hễ giở chân cất bước đều tạo tội. Hãy nói tội lỗi ở đâu mà sanh ra nhiều thế? Dĩ nhiên là tội lỗi từ tâm địa chúng sanh sanh ra, không phải do thiên thần hay quỷ dữ nào đem đến cho ta.
Tâm địa chúng sanh là nhân của tội lỗi. Cổ đức dạy:
Tội do tâm khởi theo tâm sám
Tâm diệt rồi thì tội cũng mất
Tội tiêu, tâm diệt thảy cùng không
Vậy mới gọi là chơn sám hối.
(Tội tùng tâm khởi tương tâm sám
Tâm khởi diệt thời tội diệc vong
Tội vong, tâm diệt lưỡng câu không
Thị tắc danh vi chơn sám hối.)
Tâm địa đó căn bản là tham, sân, si, gọi là ba độc, nhân sanh tất cả độc hại ở thế gian. Nếu tâm không khởi tham, sân, si thì làm gì có tội lỗi nào ở đời. Do tham, sân, si mà tạo ra thuốc nổ, súng đạn, tên lửa, vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học, các thứ thuốc độc… Nhưng làm sao cho tâm không khởi tham, sân, si, một khi ý căn còn đó? Chính ý căn là si, sanh ra tham, tham không được như ý sanh ra sân, biến hiện đủ ác pháp. Ngày nào còn ý căn thì ngày đó muôn ngàn ý niệm còn tuôn trào không dứt.
Đức Phật Thích-ca đã dạy, phiền não là rắn độc, nó sẽ giết hại tâm hồn ta. Vậy nên người trí lo xua đuổi, trừ bỏ, đánh tan, lặng trong phiền não. Ngay nơi tâm si, tham, sân mà sám hối là sám hối một lần trọn xong. Trong bài Hồng Danh Bửu Sám đọc mỗi tối rằm, 30 ở các tịnh xá có đoạn:
Các việc ác tạo thành từ trước
Tham, sân, si đã trót gieo nhân
Từ lời, từ ý, từ thân
Nay con sám hối một lần trọn xong.
Ai có thể sám hối một lần trọn xong? Ai có thể một phát dứt tuyệt được ý căn? Trong kinh bảo bậc A-la-hán mới xả được thức thứ bảy.
*****
6
Luận về tội lỗi thì trên là nói theo quan điểm của nhà Phật. Nhà Phật y theo nhân quả báo ứng mà nhận định một việc là tội hay là phước, rất khách quan. Mười ác pháp của ba nghiệp thân, miệng, ý hay chiêu cảm lấy những quả khổ nên gọi đó là tội lỗi. Tội lỗi là của kẻ gây tạo, không hẳn là tội lỗi với Phật, trời nào. Bởi là tội lỗi của mình nên chính mình phải chịu quả báo, cũng không phải do Diêm vương nào hành phạt. Chính Diêm vương xưa kia vì tâm sân mà tạo ra địa ngục hành phạt chúng sanh, nên mỗi ngày Diêm vương cũng phải chịu quả báo uống nước đồng sôi. Tự Diêm vương muốn thế thiên hành đạo, không có ai bầu Diêm vương lên để làm điều đó, cũng không có bậc bề trên nào ban cho Diêm vương quyền hành phạt chúng sanh cả. Nào ai đã gặp Diêm vương hồi nào mà mắc tội với ổng? Vậy Diêm vương có thể hành phạt được ai cũng phải y theo nhân quả báo ứng của người đó. Như thế chúng sanh nên sợ tội lỗi của mình chứ đừng sợ Diêm vương.
Thường khi một người tạo ác pháp lại không biết đó là ác, đến khi chịu quả khổ người cứ than trời trách đất, không hiểu vì sao mình phải chịu khổ. Nếu người biết nhận tội theo lời Phật dạy thì người sẽ biết sám hối, do vậy được tiêu nghiệp, được hết khổ. Mà chi bằng ngay từ khi chưa tạo ác nghiệp người biết học hỏi nhân quả tội phước theo lời Phật dạy thì hay hơn cả.
Theo pháp thế gian thì tội lỗi là quy định của xã hội, căn cứ trên những thiệt hại của nó gây ra cho mình và cho người trong hiện tại, trong khoảng thời gian mọi người có thể biết được. Với những phạm vi và mức độ đó, luật pháp thế gian không quy định giết gà để ăn, mổ heo để bán, nói tán tỉnh phù phiếm, nói công kích nhau, uống rượu, tích chứa vàng bạc, đầu cơ tích trữ, cướp mật của ong, cướp tổ của chim yến v.v… là tội lỗi. Thuần phong mỹ tục của thế gian cũng hạn chế so với nhà Phật, ví dụ chỉ cấm tà dâm chứ không cấm dâm, khuyến khích sự trang điểm sửa soạn chứ không cấm làm đẹp, cho sự mơ màng là hay hay trong khi nhà Phật đề cao chánh niệm, thích ánh sáng lung linh chớp tắt hơn là Phật quang phổ chiếu v.v…
Lại hỏi tại sao thế gian này có ác pháp tồn tại? Ác pháp tồn tại tức là nó có một vị trí, có một giá trị nào đó trong thế gian. Ác pháp, nhìn khách quan như Sư trưởng Minh Đăng Quang thường nói, là pháp của trẻ con. Trẻ con cần vọc đất cát, trẻ con cần ở dơ, cần ăn, cần ngủ… Nó đang lo sống với thân thể vật chất cho nên không thể không ác. Người lớn sống với tinh thần nên thiện, và ông già sống với tâm nên chơn. Vật chất là ác, tinh thần là thiện, tâm là chơn. Ác – Thiện – Chơn là ba bậc giáo lý tự nhiên của vũ trụ, đã tồn tại từ xưa.
Có một số triết gia cho rằng ác tồn tại vì thiện tồn tại, vì có thiện ở đời nên có ác ở đời, thiện ác bổ sung nhau, cũng như âm dương đồng tồn tại. Nên có những họa sĩ Nhật Bản vẽ truyện tranh đã vẽ Thượng đế và Ma vương là anh em sinh đôi, lại đặc biệt ở chỗ đồng sinh mạng. Hễ Thượng đế tồn tại thì Ma vương tồn tại, hễ trang anh hùng nào tiêu diệt Ma vương thì Thượng đế diệt vong. Nói thế này không đúng, đưa đến hiểu lầm rằng tại thiện mà có ác, hoặc ác là mặt trái của thiện. Xưa nay nhà Phật dạy đạo lý Duyên khởi chứ không nói như thế. Ở đoạn trên, cách nói của ngài Minh Đăng Quang đã thừa nhận sự tồn tại khách quan của ác pháp. Ác pháp vẫn tồn tại khách quan trong thế gian, nhưng nó không phải là chỗ đến, không phải là mục đích của cuộc sống.
Đã là ác pháp thì báo ứng là ác quả. Đó là những quả khổ, cần thiết cho chúng sanh giác ngộ. Khổ đế là bài học căn bản cho chúng sanh. Chúng sanh kinh nghiệm bài học Khổ đế sẽ biết ăn năn sám hối, sẽ lên lớp.
*****
7
Vậy giác ngộ giải thoát là do biết ăn năn chừa bỏ tội lỗi mà được. Các bậc Thánh nhân đều xuất thân là hàng phàm phu! Từ bùn nhơ hoa sen vươn lên, từ chỗ tội lỗi người tu tiến bước. Xưa Thích-ca cũng từng là phàm phu, do biết ăn năn chừa bỏ tội lỗi mà ngài thành Phật!
Tội lỗi xét ra có hai tính chất: một là phổ quát, hai là không kiên cố. Tội lỗi không cá biệt, tâm ma không chừa ai, nó phổ quát. Nên Phật xưa đã dạy rằng: “Các ngươi đừng quá tin ở tấm lòng của các ngươi. Các ngươi hãy rán giữ mình, đừng để say đắm về hình thức. Ngày nào còn say đắm về hình thức thì ngày đó còn phải khổ. Đến chừng nào đắc quả A-la-hán rồi các ngươi mới có thể tin tưởng ở tấm lòng mình.”
Tội lỗi không kiên cố như nhiều người thường nghĩ. Như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói: “Vết mực nào xóa bỏ không hay!”, tội lỗi sau khi sám hối đúng pháp sẽ không còn. Tội lỗi sẽ được giải quyết, chính vì vậy mới có sự tu tập sửa đổi xưa nay. Nhưng nhiều người thường nhìn kẻ tay lỡ nhúng chàm với ánh mắt e dè. Đừng nói chi người đời, ngay nhà Phật cũng có nhiều người có thành kiến về tội lỗi.
Khi ra Hà Nội thăm viếng các cảnh chùa, có một thầy miền Nam ra trụ trì ngoài ấy đã kể rằng: Ra Hà Nội hành đạo, mình không dám nhận người hơn 30 tuổi cho xuất gia. Nếu có ai hơn 30 tuổi đến xin xuất gia mình phải lựa lời giới thiệu họ vô Nam tu! Hỏi ra mới biết, ở miền Bắc Việt ngày nay, người lớn tuổi đi tu sẽ không được coi trọng bằng người đi tu từ nhỏ. Nếu thầy ấy nhận người như thế là phá lệ, sẽ bị coi thường…
Xưa Vô Não giết hại đến 999 người để cắt lấy 999 ngón tay làm chuỗi đeo. Đến người cuối cùng, hắn định giết cả mẹ cho đủ số để đắc đạo. Đức Phật thương xót kẻ si mê nên kịp thời xuất hiện, độ cho Vô Não tỉnh ngộ, theo Phật xuất gia. Bấy giờ vua Ba-tư-nặc đến hầu Phật, thưa rằng hiện có tên Vô Não ở gần đây, mọi người phải đề phòng. Đức Phật hỏi vua: “Nếu kẻ ấy xuất gia làm Tăng sư thì nhà vua sẽ đối xử thế nào?”. Vua Ba-tư-nặc thưa: “Con sẽ cung kính và cúng dường Vô Não như đối với các sư khác.”. Nghe thế Phật chỉ Vô Não đang ngồi gần sau vua, vua Ba-tư-nặc sợ dựng hết lông tóc, nhưng sau đó vẫn làm như lời đã nói.
Buông dao đồ tể thành Phật tức thời, câu này chắc nhiều người đã biết. Người đi tu từ nhỏ chưa hẳn là bậc thanh tịnh. Người lớn tuổi đi tu chưa hẳn là không thanh tịnh. Kẻ tội lỗi nào cũng còn cơ hội, dù đọa địa ngục như chàng trai bất hiếu tiền thân Phật vẫn có thể kịp sám hối! Thông điệp này rất quý giá phải không?
*****
8
Sám hối là đạo cứu độ chúng sanh của chư Phật. Đạo Sám hối lập thuyết trên nền tảng Thiện – Ác khách quan, lấy Khổ đế làm bài học thật tế, lấy ăn năn chừa bỏ làm pháp tu, có sở chứng là ba nghiệp thanh tịnh, với đối tượng giáo hóa là những chúng sanh tội lỗi, thể hiện đức từ bi cứu độ chúng sanh của chư Phật v.v...
Nói về Thiện – Ác ở đời, người ta tranh luận mãi không thôi. Họ tranh luận vì công kích nhau, vì biện hộ cho mình, vì bảo vệ quan điểm sống, vì lợi ích trước mắt… những thái độ rắc rối. Nhưng đức Phật đã chỉ ra 10 nghiệp ác và 10 nghiệp thiện cụ thể, đâu cần phải tranh luận nữa. Ta hãy y theo trí tuệ của Phật, đừng để mình rơi vào tình trạng thiện ác tương tranh.
Ta hãy lo tu sửa lấy mình, kỵ nhất là cứ lo dòm ngó ai. Như có xét hành vi của ba nghiệp phải xét kỹ chứ không thể chỉ hời hợt bên ngoài. Xin nêu một số trường hợp:
– Ví dụ trong thế chiến II, nếu cứu hàng triệu người bằng cách giết Hitler thì có tội giết hại không?
– Trong trường hợp này vẫn có tội giết một người mà công rất lớn, mọi người sẽ chỉ thấy công trạng chứ chẳng ai trách tội giết hại Hitler. Nếu có thể, chỉ cần bắt giam Hitler là được rồi.
– Như có người đã hôn mê mấy tháng, gia đình mời một vị sư đến đọc kinh cầu nguyện và rút ống thở cho bệnh nhân được chết, thì nhà sư có tội giết hại không? Nếu không có tội sao gia đình không làm, một hai xin nhà sư kia làm giúp?
– Đặt mình vào trường hợp nhà sư đó thì mình sẽ không rút ống thở của người bệnh giúp cho gia đình nọ, dù họ có cúng dường cho mình năm, mười triệu gì đi nữa. Bởi vìmình chưa rõ tình trạng của người hôn mê, vị ấy có thể tỉnh lại không, vị ấy có muốn chết không, bác sĩ có ý kiến gì... Còn gia đình quyết định rút ống thở của người bệnh là chuyện của họ, người ngoài không tiện có ý kiến.
– Như có người đùa giỡn với bạn, lỡ xô bạn té đập đầu chết, thì có tội hay không?
– Trường hợp này gọi là ngộ sát, chưa cấu thành tội giết người, luật pháp thế gian có phân định rồi, nhà Phật cũng đồng quan điểm.
– Như hòa thượng Chí Công (đời Lương Võ Đế) bảo người giết bồ câu nấu cho ngài ăn, ăn xong hòa thượng nhả ra lại thành chim bồ câu bay đi, thì có tội giết hại không?
– Ngài có thần lực khiến chim bồ câu đó tạm chết cho ngài ăn, xong trả lại như cũ, mình không lường được. Kinh Lăng Nghiêm, Phật bảo số thịt hàng ngàn chư Tăng đệ tử ngài ăn trong mấy chục năm là do ngài hóa hiện ra, có thể cũng như trường hợp này.
– Như có nhà sư đã đắc định, chủ động chấm dứt mạng sống của mình, thì có tội tự sát không?
– Vị sư này xả báo thân chứ không có hành vi tự sát. Chẳng ai nói vị sư đó tự sát cả.
– Như Vô Não giết 999 người, sau đi tu theo Phật. Một lần đi khất thực sư gặp một người đau đẻ, cô ấy cầu sư cứu giúp. Không biết cách nào giúp sản phụ sanh khó nên sư về hỏi Phật. Phật dạy: “Sư đến đó bảo với sản phụ: Từ khi sanh ra tới giờ tôi chưa từng giết hại. Do sự thật này xin cho cô sanh con được dễ dàng.”. Vô Não làm y lời Phật, sản phụ ấy liền trở dạ sanh được con ra. Vô Não đã giết tới 999 người, sao có thể nói là chưa từng giết hại?
– Chuyện này phải hỏi Phật. Có thể đó là báo ứng của 999 người kia, chứ không phải là Vô Não tạo tội. Hòa thượng Tuyên Hóa giải là từ khi sanh vào Thánh đạo Vô Não chưa từng giết hại.
Tóm lại, ta đừng vội theo hành vi bên ngoài của ai mà kết luận là có tội hay không. Là một người tu, ta hãy biết lấy hành vi của mình, đừng bào chữa, cũng đừng băn khoăn lời nói khen chê của ai. Còn lỗi lầm của ai đã có luật pháp, có Tăng đoàn, có các báo ứng phân xử. Luật pháp thế gian xét công tội theo những mức chung. Thời xưa, vua Ba-tư-nặc vì nể Phật mà không bắt Vô Não xử chém, chứ thời nay sẽ chẳng ai tha cho Vô Não, cũng sẽ chẳng để yên cho Tăng đoàn. Thời đó mọi người rất tin tưởng vào trí tuệ của Phật. Thấy Phật không phán tội Vô Não giết hại 999 người, cho Vô Não xuất gia làm Tăng, sau đó lại bảo Vô Não đi nói với sản phụ như thế, khiến sản phụ liền sanh được con, nên không ai còn nghĩ đến việc đem Vô Não ra xét xử nữa.
Thiện ác tương tranh là sự mâu thuẫn của người đang vướng trong thiện ác. Nhưng thiện thì thiện, ác thì ác, cái nào ra cái nấy chứ sao lại rắc rối lôi thôi. Ác sẽ chẳng ác hoài, thiện sẽ đến toàn thiện, thay vì nhạy cảm với tội lỗi thì chi bằng hướng thiện, làm cho mọi việc đều tốt đẹp. Trí tuệ thấy rõ thiện ác và thái độ đối với thiện ác là hai chuyện khác nhau, nay học giáo lý Sám hối ta đừng lầm hai việc ấy.
*****
9
Đề tài Sám hối thấy dễ mà viết hoài không xong, cứ như là không có cảm hứng vậy. Thế đúng là nói về tội lỗi của mình thật khó, mà kể công trạng, khoe điều tốt, nêu hạnh lành của mình lại dễ hơn! Cũng như nói về cái sai của người lại dễ thay! Chỉ một điểm này thôi đã biết được chính mình còn chưa trong sạch, và còn muốn ôm giữ tội lỗi không chịu bỏ.
Muốn ôm giữ tội lỗi là một tâm lý mặc cảm. Ta cũng biết điều ta làm là chưa đúng, vì chưa đúng nên mong nó được đúng đúng, được thừa nhận một chút. Ta vẫn giữ lấy những hành vi, lời nói và ý nghĩ của mình, cho rằng những hành vi, lời nói và ý nghĩ ấy là Ta! Ta cũng có cái đúng, cái hay đấy chứ!
Hay thật, biết sai mà vẫn bào chữa là đây! Ta là luật sư tài giỏi cho chính mình, và ta là quan tòa nghiêm khắc cho kẻ khác. Thay vì vậy, ta hãy khẳng định những hành vi, lời nói và ý nghĩ nào chưa đúng là SAI, không nói chung chung là “chưa đúng” nữa, và không vì “của mình” mà tìm cách bào chữa. Trẻ con rồi phải lớn, nhờ biết bỏ cái trẻ con, chứ ôm giữ mãi cái trẻ con thì làm sao lớn được!
Như có chú thiện nam kia thường than với một nhà sư: “Sao con cứ biết điều này điều kia là không đúng mà con không bỏ được, sư!”. Tâm sự này nhiều người có mà họ không nói ra thôi. Đó là lý trí đi trước hành vi, bản năng đang chống trả lương tri, điều tốt đang gây áp lực lên con người thật của mình, trong giao thời của tội lỗi và tiến bộ. Có thể nói là thiện nam tử ấy còn tiếc nuối mấy điều không đúng của mình. Hãy tinh tấn dũng mãnh như con trâu tơ vùng dậy bước khỏi vũng sình, lên đồi gặm cỏ non, hóng gió mát. Nào tiếc chi một cái bướu trên thân, một tật bệnh nơi tâm! Cảnh giới tuyệt diệu của Phật pháp rất đáng cho chúng ta nhận lấy, từ bỏ những chúng sanh pháp vớ vẩn ở đời.
Người bỏ được tội lỗi ắt sẽ có từ bi, trí tuệ như các bậc Thánh. Bậc trí không chán ghét tội lỗi, xem tội lỗi như hành vi của con cháu còn khờ dại. Vị ấy không chỉ trích cái sai, vì thương xót kẻ sai trái kia, muốn nâng đỡ người ta đứng lên chứ không nỡ vùi họ trong xấu hổ. Vị ấy càng không mắng nhiếc ai, không làm ai khó chịu, đau khổ vì những lời nói độc địa. Vị ấy khéo léo chỉ lỗi cho người và ôn hòa bảo vệ cái đúng. Tâm lý đúng – sai, phải – quấy, thị – phi tương tranh không còn nơi người đã biết rõ đúng, sai. Mọi việc người ấy làm là vì lợi ích cho chúng sanh, cho nhân loại.
*****
10
Thuở xưa, sư Đề-bà-đạt-đa có tâm cầu danh lợi, nên tìm cách để được thống lãnh Tăng đoàn thay Phật. Khi dã tâm cao trào, Đề-bà-đạt-đa công khai đề nghị Phật hưu trí, để mình gánh vác công việc Tăng đoàn thay Phật. Trước hội chúng, đức Phật bảo sư Đề-bà-đạt-đa: “Ngay cả trưởng lão Xá-lợi-phất và trưởng lão Mục-kiền-liên là hai đại đệ tử tài đức vẹn toàn mà Như Lai còn chưa giao thống lãnh Tăng đoàn, huống gì giao cho một kẻ ngu si như ông!”. Từ đó sư Đề-bà-đạt-đa ôm hận, tìm cách hại Phật… Qua chuyện này ta tự hỏi: Sao đức Phật lại dùng lời nặng nề như thế với sư Đề-bà-đạt-đa trước cả ngàn người? Một bậc vĩ đại như ngài, biết rõ quá khứ, vị lai, biết hết tâm địa của chúng sanh, có đủ từ bi trí tuệ, cớ sao lại không thể nói ôn hòa hơn với sư Đề-bà-đạt-đa lúc đó?
Lại có một chuyện khác thời Phật. Thuở ấy, có vợ chồng bà-la-môn nhà kia đang kén chồng cho cô con gái tuyệt đẹp của họ. Hai vị bà-la-môn ấy biết xem tướng, họ quyết tìm bằng được chàng trai xứng đáng với con gái bảo bối của mình, mặc cho bao vương tôn, công tử đến cầu thân. Một ngày, ông chồng gặp đức Phật, thấy tướng hảo của ngài liền muốn gả con gái cho. Ông vội lại bảo đức Phật ngồi nghỉ dưới gốc cây chờ một lát, để ông về nhà dẫn vợ và con gái ra gặp ngài. Đức Phật im lặng, khi ông ta đã đi về nhà ngài dẫm một dấu chân để lại nơi đó rồi đi tiếp. (Bình thường Phật đi không có dấu chân, dù là đi qua bùn.) Bấy giờ cả nhà người bà-la-môn ra đến nơi hẹn thì chỉ thấy một dấu chân Phật trên mặt đất. Người vợ nhìn dấu chân Phật, bảo với chồng: “Ông ơi, đây là dấu chân của người đã lìa dục, ông ta không lấy vợ đâu!”. Ông chồng không nghe lời, vẫn dẫn vợ và con gái đi vội theo Phật. Đến bìa rừng họ gặp được Phật đang ngồi nghỉ, ngài liền thuyết pháp cho nghe, hai vị bà-la-môn dứt được tình phàm, đắc Sơ quả. Còn cô con gái, nghe Phật nói: “Thân thể tươi đẹp kia chẳng khác gì một thùng phân biết đi, dù có dùng một ngón chân đụng đến Như Lai cũng không màng, huống gì là lấy làm vợ!”, cô ta ôm hận, thề rằng cái thùng phân biết đi này sẽ có ngày báo thù! Trở về, cô bảo cha mẹ tìm cách đưa mình tiến cung, được vua Udena cưới làm vợ, phong làm quý phi. Về sau đức Phật dẫn Tăng đoàn hành đạo đến xứ Kosambi, bà hoàng Māgandiyā đã thuê bọn côn đồ và lũ tiện dân theo mắng chửi, nhục mạ Phật… Qua chuyện này ta cũng tự hỏi: Sao đức Phật lại không thể nói lịch sự hơn với cô gái kia, ngài còn tập khí, còn dư nghiệp chăng?
Thế nên dù bậc Thánh nhân ở đời cũng không tránh khỏi phải lựa chọn, có khi tốt cho nhiều người lại đụng chạm đến một ai đó. Lớn lao thay niềm sĩ diện của con người! Các vị quân tử xưa của Trung Quốc đã bảo: “Kẻ sĩ thà chết chứ không chịu nhục!”. (Sĩ khả tử, bất khả nhục!) Nếu đức Phật muốn được lòng tất cả thiên hạ ắt ngài phải dùng tài ngoại giao, chứ cứ dùng đức nội giao thì chẳng xong, phải vậy không?
Trong cuộc sống tương đối này không sao biện rõ đúng, sai, vì mỗi người một ý. Nên người trí thường quay lại xem lỗi mình, do đó được tiến bộ, tốt đẹp. Nếu ai ai cũng làm như thế thì mọi gút thắt sẽ được tháo gỡ. Bằng như hai ứng viên Tổng thống Mỹ, khi ra tranh cử họ không tiếc lời công kích và bới móc nhau trước hàng triệu người, thật hay ho… Nói chung là không nên nhìn ra ngoài mà tìm tội lỗi, mỗi người hãy tự nhìn lại mình tìm lấy. Đó chính là con đường hoàn thiện của bậc trí, chính là Đạo Sám hối của nhà Phật vậy.
-----------------------------------------------------
Các bài liên quan
- BÁT-NHÃ THẬT TƯỚNG
- Trí Huệ
- BỐN PHẦN CHÁNH ĐỊNH
- NGHI THỨC CÚNG NGỌ
- PHÂN TÍCH CHƠN LÝ SANH VÀ TỬ
- Tri thị không hoa
- KIỂM TRA 37 PHÁP CHÁNH GIÁC
- 37 PHÁP CHÁNH GIÁC
- Pháp
- Có tà kiến
- Tin mừng cho Giáo pháp Khất sĩ
- TÌM HIỂU 13 PHẬT NGÔN
- Môn oai nghi Sa-di NGÀY NAY
- Ăn chay là TU CÁI LƯỠI
- Giáo lý Địa ngục trong Phật pháp
- KHÓA TU TRUYỀN THỐNG KHẤT SĨ 11
- Tìm về Chân Nguyên
- TÂM TOÀN GIÁC
- BÁO CÁO TỔNG KẾT KHÓA TU 10
- Nội quy và Thời khóa biểu của Khóa tu
- NGÀY THỨ 3 CỦA KHÓA TU THỨ 10
- CÁC PHÁP SANH DIỆT TRỐNG RỖNG
- Tịnh xá Lộc Uyển khai giảng lớp giáo lý năm 2013
- LỄ RA MẮT LỚP PHẬT HỌC ÁO TRẮNG
- Phân tích Kinh Diệt Lòng Ham Muốn
- TRUYỀN TAM QUY NGŨ GIỚI
- Minh Đăng Quang đại nguyện thành Phật
- 49 câu nguyện của đức Minh Đăng Quang
- Nghi thức Truyền giới Khất Sĩ năm 2012
- KINH DIỆT LÒNG HAM MUỐN
- TỔNG LUẬN VỀ GIỚI LUẬT
- GIỚI LUẬT KHẤT SĨ
- MỘT DẤU HIỆU KHỞI SẮC
- Hoằng pháp bằng Nghệ thuật Viết Chữ
- NHƯ LAI THANH TỊNH THIỀN
- NỘI SAN ĐUỐC SEN - số 09
- Nội san TÌM LẠI NGUỒN XƯA - 2009
- Các trang Web hiện nay của Phật giáo Khất SĨ
- HOẰNG PHÁP Ở VÙNG SÂU VÙNG XA
- HÌNH ĐÈN CHÂN LÝ & HÌNH ĐỨC BỒ-ĐỀ ĐẠT-MA NÀY CHƯA ĐÚNG
- Nam-mô A-di-đà Phật !
- Pháp học Sa-di - 36 Pháp cú thuộc lòng
- Những Khóa Học Hè ở TX. Ngọc Nguyên - Ninh Gia
- LỜI CẨN BẠCH VỀ SỰ HÌNH THÀNH TRANG PHÁP HỌC
- BÀI HỌC SA-DI
- PHÁP THIỀN SỐ TỨC QUÁN
- Y BÁT KHẤT SĨ