NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Tư tưởng - Văn hóa / Thờ phượNG

Tâm Nguyên , Thứ Tư 26-12-2018

 

Thờ phượng

 

KS. Minh Bình

 

 

Về sự thờ phượng ở các tịnh xá vào thời Tổ sư Minh Đăng Quang lập đạo, theo đúng tinh thần của đạo thì TRONG CÁC TỊNH XÁ KHÔNG CÓ THỜ PHƯỢNG GÌ CẢ. Đây là một sự thật lịch sử và hoàn toàn đúng đạo lý, đúng tác phong của nhà Phật. Về sau các tịnh xá của Đạo Phật Khất Sĩ có thờ đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong bảo tháp ở chánh điện, rồi thờ hình hoặc tượng đức Tổ sư Minh Đăng Quang, thờ thêm Bồ-tát Địa Tạng ở nhà linh và thờ Bồ-tát Quán Thế Âm lộ thiên trong khuôn viên tịnh xá nữa...

 

Theo hòa thượng Giác Ngộ cho biết, năm 1959, trong một lần Pháp sư Giác Nhiên dẫn đoàn về Tịnh xá Ngọc Chánh ở Gia Định, gặp đoàn của Thượng tọa Giác Chánh đang ở đó. Khi chư Tăng và Phật tử lên chánh điện làm lễ, nhìn vào tháp trống không giữa chánh điện thấy cũng thiếu thiếu. Nên lúc đó Phật tử Thiện Phước đã thưa với ngài Giác Chánh và chư Tăng cho phép ông thỉnh tượng đức Phật Thích-ca Mâu-ni về thờ trong tháp. Thượng tọa Giác Chánh và quý sư đã đồng ý, từ đó các tịnh xá bắt đầu thờ tượng Phật Thích-ca.

 

Theo lời Phật tử kể, vào thời Tổ sư Minh Đăng Quang hành đạo chỉ có một pho tượng Phật được sử dụng. Đó chính là pho tượng Phật Thích-ca nhỏ Tổ sư hay bỏ trong bát mang theo, khi ngài ngồi dưới gốc cây thuyết pháp thì đem tượng Phật đặt trên bát để trước mặt, quay mặt tượng ra.

 

Theo tinh thần Khất sĩ, Tổ sư Minh Đăng Quang và chư Tăng, Ni đệ tử ngài lo xin ăn tu học, sống tạm dưới gốc cây, trong nghĩa địa, nơi đình làng, hoặc các chùa chiền ở những nơi thầy trò đi qua. Nhưng xã hội đòi hỏi đoàn thể của ngài phải có tổ chức, phải có cơ sở, chứ không thể sống lang thang. Do vậy ngài đã lập đạo trường, lúc đầu gọi là Tự (Ngọc Lâm Tự ở Phú Lâm – Chợ Lớn), từ năm 1948 gọi là Tịnh xá (Tịnh xá Tân Bửu ở Thủ Thừa), và thường gọi chung vậy luôn. Trong tịnh xá của Đạo Phật Khất Sĩ có nhà tịnh xá, ban đầu hình vuông, hình chữ nhật, sau định hình bát giác, hai tầng mái. Trung tâm nhà tịnh xá có tòa Pháp tháp, ngoài ra không có gì. Trong các tư liệu ảnh cũ, có hai ảnh Pháp tháp thời Tổ sư Minh Đăng Quang hoằng pháp:

 

 

 

Tổ sư Minh Đăng Quang đang thuyết pháp tại tịnh xá.

 

 

Lễ hội Vu-lan-bồn rằm tháng 7 năm 1953 tại Tịnh xá Ngọc Viên.

 

 

Xem kỹ hai tấm ảnh trên có thể thấy được tòa tháp giữa tịnh xá của Đạo Khất Sĩ được thiết kế như thế nào trong giai đoạn đầu, tức là theo ý của người sáng lập. Ngài đã gọi “nhà tịnh xá” chứ không gọi “chánh điện” như ngày nay mọi người gọi. Trong nhà tịnh xá có tháp thờ pháp của chư Phật quá khứ, gọi là Pháp tháp. Tòa Pháp tháp này được xác định là phần chính trong nhà tịnh xá.

 

Trong hai hình trên, hình sau chụp cảnh sinh hoạt ở Tịnh xá Ngọc Viên vào ngày Lễ hội Vu-lan-bồn rằm tháng 7 năm 1953. Tịnh xá Ngọc Viên là trụ sở ban đầu của Đạo Khất Sĩ, nên trong nhà tịnh xá bấy giờ có vẻ tươm tất, vẫn chưa cất bát giác. Theo hình ta thấy mái trên lợp tôn, bốn vách cũng dừng tôn, còn mái dưới thì lợp lá dừa. Vì hình sau được xác định là ở Ngọc Viên nên hình đầu phải là ở chỗ khác. Do góc chụp vừa khít tháp nên không thấy thêm cảnh xung quanh trong hình đầu, nhưng vẫn thấy được chi tiết khác biệt ở hai cái tháp: phần vách tháp trong hình đầu có 10 song gỗ, còn trong hình sau có năm tấm gỗ mỗi bên cửa tháp; phần đèn trên nóc của hai tháp cũng khác nhau.

 

Xem hình đầu, thấy tháp trống bốn mặt, phía trên vòm cửa có gắn một hình Phật Thích-ca, vị giáo chủ đương nhiệm ở cõi Ta-bà này. 13 tầng nóc tháp có gắn đèn nhưng chưa thắp sáng. Đặc biệt nhất là có ngài Minh Đăng Quang đang ngồi ngay chỗ cửa tháp để thuyết pháp, trước mặt có cặp bình hoa nở, cặp đèn đang cháy và có một bát nhang đang tỏa hương. Thế đúng là thờ lạy Pháp chứ không thờ lạy cốt tượng rồi van vái cầu xin một cách sơ đẳng! Pháp ấy ở đâu? Nó ở chỗ đang được thuyết giảng! Thật chưa từng có dòng đạo Phật nào làm như thế ở Việt Nam và ở các nước hiện nay.

 

Xem hình sau, thấy tháp trống bốn mặt, phía trên vòm cửa có gắn một hình Phật Thích-ca. 13 tầng nóc tháp có gắn đèn điện đang tỏa sáng. Lưu ý: 13 × 4 = 52 ngọn đèn, mà có người bảo chỉ có 49 ngọn thôi, vì tầng 13 chỉ có một ngọn đèn. Trong lòng tháp có hai tấm bồ đoàn hình tròn như gương sen chồng lên nhau, dĩ nhiên là để sẵn cho pháp sư thăng tòa thuyết pháp. Hình này chụp từ phía bên hông tịnh xá, vì có một vị cận sự nam mặc áo nâu khoanh tay đứng hầu các nhà sư (thọ 8 giới mới được mặc áo đó, gọi là cận sự), mặt hướng về chỗ các nhà sư đang ngồi ở phía trước. Vì mặt trước và mặt hông tháp có gắn một hình Phật Thích-ca phía trên vòm cửa, nên biết được bốn mặt tháp đều có hình Phật Thích-ca.

 

Tìm hiểu tường tận về sự thờ phượng của Đạo Phật Khất Sĩ, trong bộ Chơn Lý có ba bài có thể trích dẫn để làm sáng tỏ. Đó là bài số 11 – Luật Khất Sĩ, bài số 26 – Chánh Kiến và bài số 56 – Thờ Phượng. Đầu tiên, bài Chơn lý Luật Khất Sĩ quy định:

 

“Tại chỗ trụ: Trong đó có nhà tịnh xá, xây tháp thờ pháp của chư Phật quá khứ. Tháp phải mười ba tầng (vì đức Như Lai là ngôi vị thứ 13 của chúng sanh tiến lên từ nấc), tháp phải mở trống bốn cửa. Nơi đó chỉ để kinh sách hoặc cốt tượng Phật. Tháp bề cao 3m, chân rộng vuông 1m80.”

 

Đã là luật thì tính cách của nó phải là quy định. Thế nhưng, nội dung và cách trình bày của bài này lại có tính phác họa. Tức là cũng quy định đó, nhưng không khắt khe. Trong vai trò là vị Pháp chủ của một dòng đạo, đức Minh Đăng Quang đã ban hành luật như thế, có quy định ra, nhưng không nêu rõ từng điều số mấy, cứ tiện đâu trình bày đó trong mạch văn. Ngược lại, trong vai trò của kẻ học đạo rồi thừa kế thầy duy trì và mở mang mối đạo, chúng ta phải y giáo phụng hành, chứ không nên chế linh tinh. Vậy an trí tượng Phật Thích-ca vào trong Pháp tháp cũng được. Một khi tượng Phật được đặt trong Pháp tháp thì phải thấy tượng đó là hiện thân của Pháp bảo. Đây là ngụ ý của đức Minh Đăng Quang, cho đặt tượng Phật trong Pháp tháp, nhưng nay có tịnh xá đã bỏ Pháp tháp ra cho tượng Phật dát vàng trông đẹp hơn!

 

Tiếp theo, đọc trong bài Chơn lý Thờ Phượng, thấy tác giả Minh Đăng Quang đã viết:

 

“Khi xưa tại Ấn Độ, thuở Phật sanh tiền, Phật và Tăng là bậc giải thoát tu chơn, nên không có thờ phượng. Các ngài không có bày ra sự thờ phượng bên ngoài, cùng các nghi lễ cúng kiếng phức tạp, các ngài chỉ quý trọng tư tưởng giáo lý.

 

...Chúng ta nên hiểu rằng, thờ phượng là một phương pháp tạm trong lúc đầu cho kẻ ác quấy tội lỗi yếu tâm non dạ. Sự thờ phượng tạm ấy là để an ủi khuyến khích kềm giữ đức tin, nhắc nhở cho kẻ mới sơ cơ, như nhỏ dại một lúc đầu thôi; rồi về sau là phải tự giác ngộ, tự lo tu, để mà làm Phật, y như Phật; chớ phải đâu vĩnh kiếp làm tôi đòi cho cốt tượng, cùng sự lập công kể ơn với tượng cốt, đặng mưu sự toại danh hưởng lợi, cho thêm khổ nạn. Thế mới biết rằng: sự thờ phượng không phải thật, thờ phượng là pháp trợ tu cho kẻ nhỏ, chớ đó chẳng phải là cách tu đâu, thì chúng ta đi nhọc lòng bào chữa làm chi?”

 

Còn trong Chơn lý Chánh Kiến thuyết minh về sự thờ cúng, ở phần kết thúc bài đã viết:

 

“Còn như sự thờ cúng thì thờ cốt tượng đâu bằng thờ kinh sách học hành, dầu thờ kinh sách cũng chẳng bằng thờ ông thầy dạy đạo cho mình hiện tại đang sống. Nhưng thờ ông thầy kia sao bằng thờ bản tâm của mình trong sạch.

 

Bởi cung kính là để vâng lời, vâng lời là để thật hành, thật hành là để kết quả, quả ấy là bản tâm.

 

Vậy nên chúng ta phải thờ cúng lễ bái bản tâm là điều cần trước hơn hết.

 

Như thế, vấn đề thờ cúng ở các tịnh xá của Đạo Phật Khất Sĩ đã được tìm hiểu, không cần phải thuyết minh bài bản. Nếu thuyết minh bài bản, phân định quy tắc này kia, thì sai Chánh pháp, trở thành tượng pháp. Ngày nay, ta có thể làm lại như thời đức Minh Đăng Quang hành đạo không? Nếu nói là không thể thì tại sao lại không thể? Nếu ở một tịnh xá có vị trụ trì đem cất bớt các pho tượng thì giáo đoàn sẽ phản ứng như thế nào? Ngài thiền sư Triệu Châu ở Trung Quốc đã dạy chúng rằng:

 

Kim Phật bất độ lô                         Phật vàng không độ được lò đúc

Mộc Phật bất độ hỏa                      Phật gỗ không độ được lửa

Thổ Phật bất độ thủy                     Phật đất không độ được nước

Chơn Phật tại kỳ trung.                  Phật thật ở bên trong.

 

Đức Phật Thích-ca, đức Tổ sư Minh Đăng Quang và các bậc Tổ sư đại đức khác đều chú trọng thờ kính, tưởng niệm, sùng bái ông Phật thật ở trong tâm mỗi người. Chơn lý đó sẽ được gìn giữ, bất kể hoàn cảnh xã hội, hay Đạo sẽ bị biến tướng thành tôn giáo? – Hiện đã bị biến tướng nhiều rồi.

 

Như có người đem tượng ông địa, thần tài, mẫu, Quan Công đến xin gởi ở tịnh xá, để ít bữa đem về nhà thờ cho linh thì sao? Gặp trường hợp đó ta hãy nói với các vị ấy là ngay khi quy y Tam Bảo, trở thành người Phật tử, mọi người phải hứa “Quy y Phật nguyện không quy y quỷ thần” rồi. Còn như người đời muốn thờ cúng theo tục lệ thì hãy về hỏi ông bà, cha mẹ, chứ các nhà sư đâu thể làm trái đạo lý. Lại có trường hợp người ta đem tượng Bồ-tát Quan Âm, tượng Phật A-di-đà đến xin gởi ở tịnh xá, nhờ các sư khai quang điểm nhãn, hô thần nhập tượng giúp. Gặp trường hợp này ta hãy bảo họ rằng: Nếu sư nào có năng lực làm cho tượng Phật, Thánh được linh, thì nên thờ sư đó hơn là thờ mấy tượng kia! Bằng hàng Phật tử có nhu cầu thờ hình, tượng Phật thì cứ thành tâm mà làm, miễn sao trang nghiêm, thanh tịnh là được, không cần mời Tăng, Ni đến làm lễ an vị gì nữa. Tóm lại, các nhà sư tu theo Chánh pháp của Phật dạy, không đi vào con đường thờ phượng của tôn giáo, nếu hàng cư sĩ muốn theo gương các sư thì cũng nên làm vậy.

 

Các bài liên quan