NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Giáo dục - Hoằng pháp / PHÂN TÍCH CHƠN LÝ SANH VÀ TỬ

Tâm Nguyên , Thứ Ba 18-12-2018

 

 

 

PHÂN TÍCH CHƠN LÝ SANH VÀ TỬ

 

KS. Minh Bình, 18.12.18.

 

 

Sanh Và Tử là Chơn lý số 7 của Sư trưởng Minh Đăng Quang viết vào đầu năm 1952. Chơn lý Sanh Và Tử được viết ở dạng vấn đáp, gồm 30 câu. Nội dung của bài chơn lý này nói về Ta, về Ngã, vốn là một đề tài lớn, rất quan trọng, trong nhà đạo nói chung và trong nhà Phật nói riêng. Trong kho kinh điển của nhà Phật, từ Ấn Độ đến Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… chưa từng thấy bản kinh nào thuyết minh về cái Ta rõ như thế. (Còn như Phật giáo các nước Sri Lanka, Myanmar, Thailand, Campuchia, Laos, hệ Phật giáo Nam truyền, đều cho rằng không có Ta, miễn bàn đến.) Như thế, Sanh Và Tử là một kinh văn đặc biệt, do Phật giáo Khất Sĩ sáng tác, vào thế kỷ XX, tại miền Nam Việt, sau Phật Thích-ca nhập diệt 25 thế kỷ.

 

Vì sao nội dung tập trung nói về cái Ta mà tên sách lại là Sanh Và Tử? “Sanh và Tử” là “Sống và Chết”, là điều mà tất cả nhân loại từ ngàn xưa đến ngàn sau đều quan tâm. (Lưu ý “Sanh” dịch là “Sống – Live” chứ không dịch là “Sinh – Born”. “Sanh và Tử” là “Live and Die”.) Sự sống chết của thân thể là thường, mà sự sống chết của tâm mới đáng nói. Tâm là chủ thể, là Ta, như Pháp cú số 1 nói “Tâm làm chủ các pháp.”. Nói đến sanh và tử của tâm là đã nói đến trọn vẹn cái Ta, chính là nói về sự để sáng tỏ chơn lý. Nên lấy tên sách như thế là đã nêu bật chủ đề, lưu ý người đọc.

 

Tác giả dùng cách đặt câu hỏi để đưa vấn đề ra, hỏi hộ người khác, dẫn dắt câu chuyện, gồm những vấn đề của tâm mà ít ai chú ý đến. Sau mỗi câu vấn là câu đáp của chính tác giả, được nói ra từ chỗ thấy biết của mình, không phải truy qua văn bản nào như hàng học giả đang bơi trong biển chữ nghĩa.

 

Trong bài viết này, để mạch văn được liền lạc mà không tách khỏi phần nguyên tác, phương pháp được áp dụng là lần lượt trích dẫn và phân tích từng câu vấn đáp. Và tư liệu được sử dụng là Chơn lý Sanh Và Tử in năm 1956, do đại đức Minh Viên I cung cấp.

 

*****

 

 

1. – Vấn: Cái gì là chúng sanh?

 

– Đáp: Cái biết là chúng sanh.”

 

 

Câu hỏi đầu tiên là câu mở bài, nó nêu ngay ý chính chứ không trình bày, dẫn nhập dài dòng. Chơn lý số 7 kế thừa Chơn lý số 6, lấy nội dung của chơn lý trước làm duyên khởi. Bởi 10 chơn lý đầu tiên được tác giả viết liền lạc, dụng ý mô tả về Đạo cho mọi người hiểu. Chơn lý số 6 viết về thuyết Có – thuyết Không, đã giải ra rằng triết thuyết Có – Không là tùy nghi diễn giải để phá chấp, chứ chẳng có “cái Không”. Chơn như mới thật là Không, mới thật là Có, là Ta, là Phật. (Không là lý, Có là sự, không phải hai, không phải một, sẵn có nơi nhau không bao giờ một hoặc hai, vì vậy mới có cõi đời.)

 

Chúng sanh là chung sống, hay muôn loại có sự sống,gồm các loài Phật, trời, người, thú, cây, cỏ, đất, nước, vô số lượng, theo cách nói của tác giả. Đến đây bản chất chúng sanh được xác định là cái biết. Chính cái biết là chúng sanh, còn nước, đất, cỏ, cây, thú, người, trời, Phật là hình tướng tương ứng với bản chất. Như trong ba cõi Dục, Sắc, Vô sắc, chúng sanh cõi Vô sắc không có thân thể, vậy nói “Cái biết là chúng sanh” là đúng. Còn chúng sanh vô tình như đất, nước… có cái biết không? Tứ đại có mầm sống, chính là những cái biết tiềm ẩn, khi đủ duyên thì tiến hóa thành hình. Vậy vô tình vẫn là chúng sanh, vẫn có cái biết.

 

“Cái biết” là từ sáng tạo của tác giả. Từ này giản dị, dễ hiểu, hàng đọc giả bình dân, bác học đều có thể chấp nhận. Nó cũng tổng quát cho mọi dạng, mọi mức độ. Trong khi các từ ngữ như A-lại-da thức, Bạch tịnh thức, Như lai tạng, Viên giác, Diệu tâm, Phật tánh… cao siêu khó hiểu, và không tổng quát.

 

 

2. – V: Cái gì sống chết?

 

– Đ: Cái biết sống chết.”

 

 

Tiếp theo câu 1 đã mở, câu 2 hỏi ngay trọng tâm của cả bài, rằng cái gì sống chết? Khi đáp cái biết sống chết, thì trọng tâm của bài là CÁI BIẾT.

 

Như đã nói ở trên, sự sống chết của thân là thường, mà sự sống chết của cái biết mới đáng nói. Khi nhà Phật lưu ý mọi người tình trạng Sanh tử, rằng cần phải giải quyết Sanh tử bằng cách tu hành, theo đó mọi người thường nghĩ Sanh tử là sanh tử của thân, sự tái sinh bất tận… trong khi câu 2 xác định Sanh tử là sanh tử của cái biết. Ví dụ bài kệ cảnh tỉnh vô thường: Ngày nay đã qua, Mạng sống giảm dần… là nói theo sanh tử của thân. Trong Chơn Lý, khi nói về sự chết thân mà tâm được sống tốt, tác giả viết: cái chết vui, cái chết sướng…

 

Một chúng sanh được xác định qua cái biết. Sự tồn tại và hoại diệt của chúng sanh cũng được xác định theo cái biết. Ví dụ cũng mang thân người, nhưng có kẻ là thú, có kẻ là người, trời, hay Phật, có kẻ sống vô tri như thực vật… Đây là tư duy siêu hình, mà dân trí thời nay có thể chấp nhận được.

 

 

3. – V: Cái gì sanh biết?

 

– Đ: Đất, nước, lửa gió nhơn duyên tập mà biết lần, từ chưa biết đến thành hình biết.”

 

 

Sau khi đã xác định cái biết là trọng tâm, ta bắt đầu tìm hiểu nó. Cái gì sanh biết? – Đất, nước, lửa, gió nhân duyên tập mà biết lần, từ chưa biết đến thành hình biết.

 

Phật pháp gọi đất, nước, lửa, gió là bốn đại, bốn thể lớn. Cứ ngỡ tất cả vật chất đều được tạo thành từ bốn thể lớn, hoặc nói khác, tất cả vật chất không ngoài bốn thể lớn, ai hay cái tâm linh trí giác đầu tiên cũng được tạo ra từ bốn thể lớn! Lưu ý: bốn chứ không phải là ba, hay hai, và bốn thể lớn đó chính là quả đất, gọi chung là tứ đại địa cầu. Thế thì Kác-mác nói vật chất sanh ý thức cũng có lý.

 

Điều kiện để bốn thể lớn tạo ra cái biết là nhân duyên tập, tức là sự tác động trải qua thời gian sống. Bốn thể này tác động lẫn nhau, nhiều cách, nhiều mức, qua thời gian, phát sanh vạn vật, sinh sôi muôn loài, nẩy nở mãi. Câu số 22, tác giả viết: “Biết là cái tập của tứ đại. Nếu nói tứ đại mà biết thì đất đá kia bảo nói chuyện xem có được chăng?”. Ban đầu như vậy, sau cái biết lớn khôn là do các pháp, nên câu 10 đã viết: “Cái biết là sự kết hợp tập lần của các pháp”. Đây tạm gọi là thuyết Tứ đại duyên khởi.

 

Tác giả biết trước tứ đại, nhưng e người khó hiểu nên không nói tới. Nên trong Chơn lý số 2 – Ngũ Uẩn, ngài Minh Đăng Quang đã có viết: “Còn trước tứ đại quá xa vời, dầu có nói luận e thêm khó hiểu.”. Ta hãy nghĩ xem, tứ đại sanh cái biết, vậy cái gì sanh tứ đại? Liên tưởng đến câu hát của trẻ con Việt Nam: “Kỳ nhông là ông kỳ đà. Kỳ đà là cha cắc ké. Cắc ké là mẹ kỳ nhông.”, không chừng lại có ý nghĩa trong trường hợp này đó!

 

Về nhân duyên của sắc uẩn, Chơn lý số 2 viết: “Muốn biết quả địa cầu từ đâu mà có, đất, nước, lửa, gió từ đâu mà sanh, ta nên xét về nhơn duyên của sắc uẩn. Sắc uẩn từ đâu mà có? Sắc uẩn vốn sẵn nơi không, không là sự thay đổi không thường của quả địa cầu, khi nổi khi xẹp. Sắc uẩn không có nhơn duyên chi cả, vì nó là cái có không đầu không đuôi, tự nhiên như vậy. (Cũng có thể nói: quả địa cầu trước kia là nhơn, sau đến lúc tan hoại là duyên, có nhơn duyên đó mới sanh ra sắc uẩn, là quả địa cầu hiện tại.) Có sắc uẩn là có quả địa cầu, đất, nước, lửa, gió, là nguồn gốc tạo sanh vạn vật.”

 

Trước đó, Chơn lý số 1 – Võ Trụ Quan đã viết tương tự: “Trái đất do bốn chất hiệp lại, chất đặc là đất, chất lỏng là nước, chất nóng là lửa, chất hơi là gió. Quả địa cầu nào cũng thế, có sẵn tự nhiên như vậy, mà không thể nói từ đâu, vì sao.”. Tự nhiên là hết nói luận, nhưng ở mục 8 ngài Minh Đăng Quang cũng có hé mở: “Nếu nói rộng ra, thì chúng sanh cũng là đất, nước, lửa, gió, không, năm đại này cũng vẫn có sự sống. Bởi ngũ đại có sự sống mới nẩy nở, sanh sản, biến hóa, thay hình, đổi màu. Nếu ngũ đại chết thì  xương, máu, thịt, da, hơi gió, trong cỏ, cây, thú, người chẳng tự có được.”. Tác giả đã đề cập đến năm đại, còn trong Phật pháp, từ lâu đã nêu lên bảy đại là địa, thủy, hỏa, phong, không, thức và kiến. Mà bảy, năm, hay bốn đều cùng một lớp, chưa chỉ ra nguyên nhân của các đại.

 

Tứ đại sanh cái biết, vậy cái gì sanh tứ đại? Chơn lý số 23 – Học Chơn Lý kể, xưa có vị sưtìm hiểu nguyên nhân của tứ đại, đức Phật đã dạy vị sư ấy rằng: “Cũng như sau khi người xả định, là tứ đại, chúng sanh, vạn vật và các pháp từ đó sanh ra. Và cũng như người nhập định trở lại, là chỗ trở về, chỗ đến của tứ đại, vạn vật, chúng sanh và các pháp kia vậy.”. Câu nói ấy chỉ rõ lẽ sanh diệt của những địa cầu tứ đại, là từ nơi tứ đại mà sanh ra vạn vật, vạn vật sanh chúng sanh, chúng sanh sanh các pháp, các pháp sanh vũ trụ chơn lý, vũ trụ chơn lý sanh ra tứ đại vọng xoay tròn… Nói thế thì không đầu không đuôi, vô thủy vô chung vậy!

 

Cũng lẽ đó, Chơn lý 17 – Nhập Định đã viết về Định: “Định là yên lặng. Chơn lý của võ trụ là yên lặng.”, ở đoạn khác: “Chính Định mới là bổn ngã vậy, trước quả địa cầu là Định, sau quả địa cầu là Định.”, và: “Thể của Định là võ trụ bao la vô cực, không không vắng lặng và tối đen. Tướng của Định là chơn như không vọng động, đứng ngừng, chết nghỉ, trơ sựng. Dụng của Định là thay đổi tiến hóa, an vui giác ngộ và quả linh thần thông. Lý của Định là tự nhiên chơn thật. Thân của Định là giới, trí của Định là huệ, tánh của Định là chơn, còn Định là tâm của tất cả chúng sanh, hay cũng là sự sống, sức mạnh và bao gồm tất cả v.v...”. Như thế là tạm sáng tỏ. May mắn thay chúng ta đã tạm biết được tạo hóa, theo lời dạy của đức Minh Đăng Quang!

 

Hòa thượng Duy Lực (thiền sư Việt Nam, 1923 – 2000) thường nói tác phẩm Đại Thừa Khởi Tín Luận không phải của Bồ-tát Asvagosa (Mã Minh, đại sư Ấn Độ, thế kỷ I  II), mà do ngoại đạo ngụy tạo, bởi trong sách ấy nêu lên thuyết Chơn như duyên khởi. Theo hòa thượng, đã chơn như thì không duyên khởi, đã duyên khởi thì không phải chơn như. Nhưng theo đoạn trên, ngài Minh Đăng Quang đã bảo duyên khởi là dụng, chơn như là tướng, vũ trụ là thể, và chơn lý là lý của Định đấy. Chính đức Phật Thích-ca đã dạy trong kinh “TIỂU THỪA”: “Ai thấy Duyên khởi là thấy Pháp. Ai thấy Pháp là thấy Như Lai.”. Vậy hòa thượng Duy Lực chưa đến chỗ mỗi việc đều không ngại (sự sự vô ngại) rồi. Dụng chưa đắc lực là lý chưa thông, tướng chưa đạt, thể chưa chứng.

 

Trở lại câu số 3 đang tìm hiểu, dân gian có câu: Cha mẹ sanh con, trời sanh tánh. Ở đây đã nói rõ tứ đại sanh cái biết. Rồi nó sẽ huân tập, học hỏi, tự lớn khôn qua vô số kiếp sống, chứ chẳng phải trời nào sanh. Xem những câu vấn đáp sau sẽ rõ hơn. Như câu 20 có nói đến một trường hợp cha mẹ sanh con sanh cả thân tâm. Tuy vậy, sau đó cái biết của con vẫn phát triển riêng, chứ không giống cha mẹ.

 

 

4. – V: Hình dạng của cái biết ra sao?

 

– Đ: Lúc mới tượng hình là thọ cảm, ví như một làn khói. Khi thành tư tưởng, tức là khói ấy kết đặc thành hình. Kịp có hành vi thì hình bóng ấy lộ ra rõ rệt. Đến thức trí, hình bóng ấy lại lâu tan. Được giác chơn thì thân hình ấy đời đời bất hoại, lại màu sắc vàng ròng, kêu gọi là thân của biết, giác thân hay Phật thân.”

 

 

Cái biết đã được tạo ra, vậy nó có hình dạng ra sao? Cái biết có các hình dạng như một làn khói, khói đặc thành hình, hình bóng rõ rệt, hình bóng lâu tan, và thân hình bất hoại có màu sắc vàng ròng. Năm hình dạng đó là của năm mức cái biết: mới tượng, thành hình, rõ rệt, lâu tan, và bất hoại; tương ứng với thọ cảm, tư tưởng, hành vi, thức trí, và giác chơn.

 

Giáo lý Năm uẩn – Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là giáo lý phổ thông của nhà Phật. Trong năm uẩn, Sắc là thân thể hình hài, là vật chất; còn bốn uẩn kia thuộc về tâm. Nay ngài Minh Đăng Quang đem bốn uẩn thuộc về tâm chỉ cái biết ở bốn mức độ từ nhỏ đến lớn thì sao? Đó là điều đáng lưu ý, và càng lưu ý hơn đối với Giác chơn, cái biết siêu việt năm uẩn.

 

Từ “hình bóng” được dùng khi mô tả những cái biết mới tập là tư tưởng, hành vi và thức trí. Những hình dạng này còn chưa chắc thật, có thể thay đổi, nên gọi là hình bóng, phải vậy không? Trong bài Chơn lý số 6 tác giả cũng có viết: “Phật là một siêu nhân cao cấp, thân ngài là hình bóng khác với thân người,”. Vậy ta nên hiểu thân hình của cái biết là một dạng siêu vật chất, mắt thường không thấy được, hoặc chỉ thấy khi được cho thấy, nên gọi là hình bóng.

 

Cái biết, cái ta, có những hình dạng như thế, chưa từng có kinh sách nhà Phật nào dạy những điều này! Mà chưa có thì nay có, sau lại có cái khác, quan trọng là có đúng hay không. Chính đức Phật Thích-ca đã bảo sự hiểu biết của ngài nhiều như lá cây trong rừng, còn những điều ngài dạy chỉ như nắm lá trong tay. Vậy đâu thể nói điều Phật Thích-ca chưa dạy là sai, là phi pháp.

 

 

5. – V: Cái hình của biết ấy, ta có thể thấy được chăng?

 

– Đ: Có thể thấy được, nếu định tâm yên lặng, lại nhìn xem sự sống đang cử động tác dụng của mỗi chúng sanh thì ta sẽ thấy rõ rệt. Cho đến nó cũng có nói chuyện nữa. Trí ta vắng lặng sẽ nghe rõ ràng từ tiếng nói của trùng dế, cỏ, cây, Phật, trời, người, quỷ… ở tận phương xa cũng nghe thấy.”

 

 

Cái biết có những hình dạng, vậy có thể thấy được không? Sao lại hỏi “có thể”? Lời đáp: Phải dùng tâm định mới có thể thấy được cái biết. Chỉ thấy được cái biết khi nó động, nên nói thêm: “lại nhìn xem sự sống đang cử động tác dụng của mỗi chúng sanh thì ta sẽ thấy rõ rệt”.

 

Khi cái biết bất động thì không ai thấy được, mắt Phật nhìn cũng không thấy. Đến câu 12 tác giả có nhắc đến chỗ này. Vào thế kỷ IX, ở Trung Quốc có thầy Đạo Ưng cất am tranh trên non Tam Phong tu. Một dạo, cả tuần thầy không theo chúng thọ trai. Thầy của Đạo Ưng là thiền sư Lương Giới khi gặp mặt mới hỏi:

 

– Sao cả tuần nay không thấy thầy xuống trai đường?

 

Thầy Đạo Ưng thưa:

 

– Mỗi ngày có thiên thần đến cúng dường cho con.

 

Thiền sư Lương Giới mới bảo:

 

– Như vậy chưa được, thầy còn kiến giải Phật pháp. Chiều có rảnh thầy đến gặp tôi.

 

Chiều, Đạo Ưng đến, thiền sư Lương Giới cất tiếng gọi:

 

– Ưng am chủ!

 

– Mô Phật.

 

– Chẳng nghĩ thiện chẳng nghĩ ác là cái gì?

 

Theo lời dạy đó Đạo Ưng trở về am ngồi yên lặng lẽ, thiên thần tìm mãi không thấy, trải ba ngày như thế mới thôi cúng dường.

 

Chơn lý số 3 – Lục Căn đã thuyết minh: Phật có tánh căn, kêu là tự nhiên. Phật có chơn trần, kêu là như như chẳng động. Phật có cái thức, kêu là biết. Căn – trần – thức gồm một thể sống. Thể sống Phật là cái biết tự nhiên như như chẳng động, quả thật có ai thấy được Phật, thì chỉ thấy được khi các ngài khởi từ bi cứu độ…

 

 

6. – V: Tại sao cái biết đó linh diệu?

 

– Đ: Cái biết linh diệu là nhờ vắng lặng, khi nó đứng ngừng thì cái điển của nó thâu rút được các pháp khắp nơi. Càng yên lặng một chỗ thì càng vung tỏa ra rộng lớn ,cũng như ánh ngọn đèn, như lò máy điển. Cái biết mà được thong thả, khỏe khoắn, thanh nhàn, khoái lạc, yên tịnh thì có được đủ sức mạnh thần thông.”

 

 

Tại sao cái biết linh diệu? Câu này hỏi đến công năng của cái biết. Đối với người thường, có ai biết cái tâm của mình linh. Chỉ có một số người tìm hiểu về tâm linh thì mới hỏi được câu này. Hỏi được đã không dễ, trả lời được càng khó. Nhưng tác giả đã giải đáp rõ ràng: Thần thông sẽ có khi tâm được thong thả, khỏe khoắn, thanh nhàn, khoái lạc, yên tịnh. Hàng ngày tâm mọi người bị rối tung theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, theo các cảnh ngoài và “nội tâm”, cho nên không phát huy được năng lực mầu nhiệm của tâm. Nếu biết tu, biết dưỡng tâm yên tịnh thì sẽ phát huy được công năng của nó, thật đơn giản. Thần thông gồm có năm thứ: Mắt trời thấy xa (Thiên nhãn thông), Tai trời nghe khắp (Thiên nhĩ thông), Biết tâm người khác (Tha tâm thông), Phép biến hóa (Thần túc thông), Biết mạng số (Túc mạng thông). Còn thần thông thứ sáu chỉ bậc giải thoát mới có là Dứt hết phiền não (Lậu tận thông).

 

Nguyên lý của công năng linh diệu đó là: Khi nó đứng ngừng thì cái điển của nó thâu rút được các pháp khắp nơi,càng yên lặng thì càng vung tỏa ra rộng lớn. Nói thế này đã quá rõ, người học có chịu thật nghiệm không? Với người nặng nghiệp, giữ tâm không là chuyện quá khó. Với người trí, giữ tâm không là chuyện đơn giản, bởi không có một ý niệm, ngay cả cái không.

 

 

7. – V: Tại sao biết có nhiều tên gọi như thọ, tưởng, hành, thức, giác?

 

– Đ: Chính cái giác mới là đúng tên của biết, là sự biết hoàn toàn sáng suốt không mê lầm. Còn thọ, tưởng, hành, thức là cái biết mới tượng sanh, mới tập nẩy cũng như cái hột còn lép còn non, mới cứng mới già cũng tạm kêu là hột vây.

 

Cái biết mới kêu là thọ cảm, cũng gọi là tình.

Cái biết khá hơn kêu là tư tưởng, cũng gọi là ý.

Cái biết rộng nữa kêu là hành vi, cũng gọi là thân.

Cái biết cứng chắc hơn kêu là thức trí, cũng gọi là khẩu.

Cái biết già kêu là giác, cũng gọi là tánh, hay tâm chơn.

 

Tình thọ và ý tưởng cũng gọi là tâm vọng. Thân hành và khẩu thức cũng gọi là trí phàm. Tâm vọng nói đây là cái tim sống hay là ngòi sống phát sanh từ nơi tứ đại, trước nhất là cỏ, cây, thú. Tâm vọng sanh trí phàm là sự khổ sở điên đảo, do đó mới có pháp Thánh nhơn để nuôi tánh giác là Phật.”

 

 

Với những hình dạng, mức độ khác nhau, cái biết có những tên gọi khác nhau. Bốn tên gọi Thọ, Tưởng, Hành, Thức chính là bốn uẩn thuộc về tâm, còn sắc uẩn là thân. Giáo lý Năm uẩn, giáo lý về thân tâm con người của nhà Phật đã được dạy phổ thông từ xưa. Nay ngoài bốn uẩn thuộc về tâm còn có Giác chơn, đã được chỉ ra, nói rõ. Vậy nên nhớ: Ngoài năm uẩn vẫn có một thứ, mà thứ đó mới là thật, còn năm uẩn chỉ là tạm sống. Đừng cho rằng dứt năm uẩn, đắc A-la-hán và nhập Niết-bàn rồi, thì không còn gì hết.

 

Những tên gọi này của cái biết là do tác giả đặt ra chăng? Thọ, Tưởng, Hành, Thức, Giác là những danh từ chỉ về tâm đã có từ xưa trong Phật pháp. Ngoài ra còn có nhiều danh từ nữa cũng chỉ về tâm như Hồn, Phách, Tình, Tưởng, Tâm vọng, Trí phàm, Ý, Thức, Linh hồn, Tâm chơn, Diệu tâm, Tánh, Chánh giác, Diệu giác, Viên giác… Năm tên gọi của cái biết gồm Thọ, Tưởng, Hành, Thức, Giác là do tác giả chọn lọc, sắp xếp phù hợp, nói lên đúng chơn lý. Ta nên hiểu rộng Giác là gọi chung cho Chánh giác của hàng A-la-hán, Diệu giác của hàng Bồ-tát, và Viên giác của hàng Phật.

 

Nói về pháp Thánh nhơn để nuôi tánh giác, thì đó là các pháp tu như ăn chay, lạy Phật, bố thí, trì giới, tọa thiền, sám hối, học kinh, 37 pháp Chánh giác, sáu pháp rốt ráo (ba-la-mật) v.v…

 

 

8. – V: Cái biết ấy có sống chết chăng?

 

– Đ: Nếu nuôi mãi thì nó sống hoài, còn giết hại thì nó phải chết mất, theo hồi giết hại.”

 

 

Câu này lặp lại câu 2, nhưng ý hỏi đã khác. Ý câu 8 hỏi: Làm sao cái biết sống, chết? Theo ý hỏi tác giả đáp: Nếu nuôi mãi thì cái biết sống hoài, còn giết hại thì cái biết phải chết mất.

 

Người đời mãi tạo gây vọng nghiệp

Để rồi ra nhiều kiếp luân trầm

Việc làm người vẫn vô tâm

Nào hay có chỗ lạc lầm về sau.

 

Đối với việc sống để nuôi tâm trí, đa số người đời không ý thức. Họ sống để nuôi thân, nuôi mạng, nuôi chính mình và nuôi thân quyến, tức là lo nuôi cái giả. Do vậy người đời đã tạo ác nghiệp, vô tình giết hại tâm linh trí giác của chính mình. Lo nuôi cái giả mà giết mất cái thật, đúng là điên đảo, tiếc thay bao kiếp tiến hóa!

 

Thân giả, tâm thật, vậy tại sao chúng ta có thân giả? Thân là ngôi nhà của cái biết. Cái biết cỡ nào sẽ chiêu cảm thân cỡ đó, khi xả bỏ thân cũ. Nhưng tại sao vào thời điểm mất nhà này lại phải đi tìm nhà khác? Nếu lúc đó biết hỏi tại sao phải tìm thân mới thì hay quá. Chỉ vì lúc đó ý niệm xu hướng về vật chất trỗi lên mạnh, nên cái biết lại lọt vào thân mới, hoặc thân người, thân thú… Nếu lúc chết thân mà tâm không bị mê muội, tâm vẫn tỉnh táo tự chủ, không để kẹt vào một thân vật chất nào, thì giá trị của sự tu hành hàng ngày chính là đây.

 

 

9. – V: Cái gì nuôi nó sống? Cái gì giết nó chết?

 

– Đ: Thiện vui là nuôi nó. Ác khổ là hại nó.”

 

 

Đã nêu lên vấn đề nuôi dưỡng và giết hại cái biết, cái tâm, câu 9 hỏi tiếp về cách thức. Theo lời đáp: “Thiện vui là nuôi cái biết. Ác khổ là hại cái biết.”, thì ra những điều thiện là dưỡng chất nuôi lớn tâm hồn mình, thì ra những điều ác là thuốc độc hại chết tâm hồn mình! Sự giác ngộ này rất quan trọng, ở đời có mấy ai ý thức được điều đó. Ai cũng cho rằng việc thiện là giúp người khác, nào hay việc thiện có ích cho chính mình, trước hết! Và ai cũng cho rằng việc ác là hại người khác, nào hay việc ác có hại cho chính mình, trước hết! Như có người cúng dường nhà sư một lượng vàng để sửa chùa, nhà sư nhận lấy. Ngồi chơi một lát không thấy nhà sư nói gì về việc tốt của mình, người ấy nhắc: “Sư không cám ơn gì hết!”. Sư đáp: “Ông phải cám ơn chứ!”. Người ấy rất ngạc nhiên…

 

Tác giả có cách nói “Thiện vui”, “Ác khổ”, một cách nói rõ, đơn giản. Nếu người làm thiện như ăn chay, lạy Phật, phóng sanh, bố thí, trì giới, tọa thiền, sám hối… mà không thấy vui thì sao? Bản chất của việc thiện là đem lại niềm vui và nhiều kết quả tốt. Làm thiện mà không vui chỉ xảy ra trong trường hợp làm gượng ép, thụ động.

 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết trong những bài ca của mình: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, cùng với anh em tìm đến mọi người...”, và như thế một năm ông có hàng trăm niềm vui tích cực, và như thế một đời ông có hàng ngàn niềm vui tốt đẹp. Lấy thiện pháp làm niềm vui sống là lẽ sống đúng đắn, trăm kiếp ngàn đời chỉ đi lên chứ không bao giờ sa đọa.

 

Kinh Mười Thiện Nghiệp, đức Phật đã dạy Long vương Ta-kiệt-la và toàn chúng trong pháp hội rằng: “Long vương nên biết, Bồ-tát có một pháp hay dứt tất cả các khổ của đường dữ. Pháp ấy là gì? Là ngày đêm thường nhớ nghĩ, quán sát pháp lành, làm cho các pháp lành mỗi niệm mỗi tăng trưởng, không cho một hào ly bất thiện xen lẫn vào.”. Cứ theo chữ “Thiện” mà đi là hợp Đạo, con đường tiến hóa của vũ trụ, từ địa ngục đến Niết-bàn, đó là bí quyết của Bồ-tát. Còn pháp bất thiện là như kể công, khen mình chê người, tìm lỗi người, khởi lòng yêu ghét, đắn đo thị phi… dù một ý niệm cũng dứt bỏ. Một ý niệm là một hào ly, một mảy.

 

 

10. – V: Cái sống của biết là sao? Cái chết của biết là sao?

 

– Đ: Cái biết sống là tỉnh táo, định yên, cứng chắc, mạnh mẽ, trong sạch, vui mừng, tìm xét sáng suốt, không loạn vọng, không xao động. Cái biết chết là điên cuồng, rối trí, tán loạn, mê sảng, đến mất cái biết, tiêu tan cái biết, không còn biết gì nữa. Vả chăng cái biết là sự kết hợp tập lần của các pháp, mà nơi đây sự điên đảo, tán loạn, mê sa làm cho hư rã tan hoại.”

 

 

Tiếp tục nói về vấn đề sống chết của cái biết. Đầu tiên, câu 2 hỏi: “Cái gì sống chết?”, đến câu 8: “Cái biết ấy có sống chết chăng?”, rồi câu 9: “Cái gì nuôi nó sống? Cái gì giết nó chết?”, và câu 10 hỏi: “Cái sống của biết là sao? Cái chết của biết là sao?”.

 

Một cái thân sống là não còn hoạt động, tim còn đập, mạch còn nhảy, mũi còn thở, tứ chi còn cử động v.v… Một cái thân vật lý thì như thế, còn cái biết thì căn cứ vào đâu để nói nó sống hay chết? Câu 4 đã đáp cái biết có những hình dạng, vậy khi nó còn là còn sống, nó tiêu tan là đã chết. Nhưng tâm định mới có thể thấy được hình dạng của cái biết. Nên câu 10 này hỏi về lý, cũng là hỏi theo khả năng nhận biết chung của mọi người.

 

Tác giả đã giải đáp: Cái biết sống là tỉnh táo, định yên, cứng chắc, mạnh mẽ, trong sạch, vui mừng, tìm xét sáng suốt, không loạn vọng, không xao động. Cái biết chết là điên cuồng, rối trí, tán loạn, mê sảng, đến mất cái biết, tiêu tan cái biết, không còn biết gì nữa. Như các thi nhân mơ màng:

 

Hôm nay trời nhẹ lên cao

Tôi buồn, chẳng biết vì sao tôi buồn!

 

Họ đã xem trọng tình, trọng cảm xúc, tức là quý cái biết nhỏ hơn cái biết lớn. Đến như Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) thì còn đi xa hơn nữa khi phát biểu:

 

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.

 

Ông ta thấy làm người đa đoan quá, thà làm cây thông mà sướng hơn. Đến nhà thơ Tản Đà (1889 – 1939) cũng nói tương tự:

 

Kiếp sau ai chớ làm người

Làm đôi chim nhạn tung trời mà bay.

 

Tản Đà có ý chán xã hội loài người, nên ông rủ rê người làm chim bay lượn tự do với ông. Còn Trương Chi thì:

 

Thà làm những thứ vô tri

Còn hơn cay đắng những khi làm người!

 

Các nhà thơ, nhà trí thức trên chưa từng tiếp xúc với những giáo lý về tâm của nhà Phật, họ sống thiên về cảm xúc hơn, vì khổ tâm mà chán đời, dẫn đến bi quan. Mà ngày nay, rất nhiều người trẻ ở Việt Nam và trên thế giới lại muốn điên một chút, lại muốn bùng nổ, muốn “phiêu”… cũng là xem trọng cảm xúc vô thường. Hàng Phật tử được học về tâm, nên ý thức được sự nuôi dưỡng tâm là cần thiết, và có thái độ sống tiến bộ hơn. Nêu lên một số ví dụ đó để lưu ý rằng: Cái biết sống là tỉnh táo, an ổn; cái biết chết là tán loạn, mê sảng; phải cẩn trọng vậy.

 

Còn vấn đề tiêu tan cái biết, không còn biết gì nữa nghe thật đáng sợ. Thân chết không lạ, tâm chết mới nghe nói đến. Một cái tâm đã chết thì làm cách nào cầu siêu cho nó?

 

 

11. – V: Trong sắc thân này, cái biết ở tại chỗ nào?

 

– Đ: Chỗ nào nó cũng ở cả, nhưng chẳng bao giờ ở đứng hoài một chỗ, hễ chỗ nào bị xao động kích thích, hoặc gặp phải sự thái quá bất cập, thì nó mới đến ngay chỗ đó, biết ở đó. Cái biết chỉ có một, khi đang ở chỗ này thì không có ở những chỗ kia.”

 

 

Cái biết ở chỗ nào, trong thân thể này? Lời đáp là chỗ nào nó cũng ở cả, nhưng chẳng bao giờ ở đứng hoài một chỗ… Kinh Thủ Lăng Nghiêm, đoạn đức Phật bảy lần gạn hỏi sư Anan tâm ở chỗ nào (thất xứ trưng tâm), sư đã bảy lần đáp: tâm ở trong thân, tâm ở ngoài thân, tâm núp sau con mắt, tâm ở chỗ tối, tâm hợp chỗ nào thì ở đó, tâm ở giữa, tâm không bám dính vào đâu. Mỗi lần sư Anan đáp đều bị đức Phật phủ nhận. Vậy đức Phật đã phủ nhận tâm ở trong thân, mà ngài Minh Đăng Quang nay lại nói chỗ nào trong thân cái biết cũng ở, thì có mâu thuẫn không?

 

Khi có xao động, thái quá, bất cập, thì cái biết xuất hiện. Vậy khi không có gì hết thì sao? Chính câu kế tiếp tác giả có nhắc đến trường hợp này: “Ví như người kia ở trong nhà đóng kín các cửa, thì không ai có thể nói nó ở tại chỗ nào; bao giờ có một cửa mở hay là xao động tại đâu, là nó ở tại chỗ đó.”. Đến đây, không kể trong thân gì nữa, ta hỏi rõ ra: Cái biết ở tại chỗ nào, khi bất động? Lời đáp cũng là: Không ai có thể nói nó ở tại chỗ nào, mắt Phật nhìn cũng không thấy! Khi có một nhà sư viên tịch, chư Tăng hỏi Phật vị sư đắc quả đó đã đi đâu, Phật đáp: “Như củi hết lửa tắt.”. Thế sao không theo thân hình của cái biết mà thấy, như câu 4 đã viết cái biết có năm dạng hình bóng? Ắt thân hình của cái biết chỉ hiển thị khi tác động. Vậy nói chư Phật Thánh là các bậc Pháp thân Vô tướng là đúng. Còn chúng sanh thường động nên lại thành hữu tướng.

 

Thế kỷ VIII, ở Trung Quốc có quốc sư Huệ Trung. Một lần, có vị sư Ấn Độ đến triều đình khoe với vua Đường Túc Tông là ông có huệ nhãn và tha tâm thông. Vua muốn trắc nghiệm nên mời ông ta đến gặp quốc sư. Nhà sư ấy khi vừa thấy quốc sư Huệ Trung liền đảnh lễ rồi khoanh tay đứng hầu, ông biết ngay quốc sư là bậc cao Tăng. Quốc sư hỏi:

 

– Nghe nói ông có tha tâm thông phải không?

 

– Dạ, không dám.

 

– Ông nói xem, hiện giờ lão Tăng đang ở chỗ nào?

 

– Hòa thượng là thầy một nước, sao lại đến Tây Xuyên xem đua đò!

 

– Thế bây giờ lão Tăng đang ở đâu?

 

– Hòa thượng là thầy một nước, sao lại đứng trên cầu Thiên Tân xem khỉ chơi đùa!

 

Lần thứ ba quốc sư lại hỏi, nhưng nhà sư Ấn Độ không nhìn ra quốc sư đang ở đâu. Ông ta im lặng, bị quốc sư đuổi ra. Phải chi lúc đó ông chỉ cần lại nắm tay quốc sư Huệ Trung là được chứ gì! Dầu quốc sư yên định khiến người không thấy được ngài đang ở đâu, chớ ngài còn mạng sống thì còn bị ràng buộc với thân thể đó mà. Có thể thông qua cửa thân mà tiếp xúc được với ngài chứ?

 

Còn cái biết chỉ có một là nói chung phải không? Như bậc có thần thông phân thân thì sao? Xưa Bàn-đặc Nhỏ là một vị sư chậm chạm, học một bài kệ mấy câu mãi mà không thuộc. Sư Bàn-đặc Lớn mới bảo em về nhà ở, Bàn-đặc Nhỏ ra cổng tịnh xá ngồi khóc. Đức Phật đi khất thực về gặp, bảo Bàn-đặc Nhỏ hãy trở vào, ngài sẽ đích thân dạy cho. Trong một thời gian ngắn Phật đã dạy cho sư Bàn-đặc Nhỏ đắc quả A-la-hán. Bấy giờ Kỳ-bà thỉnh Phật và tất cả chư Tăng ở tịnh xá đến vườn xoài thọ trai. Sư tri sự báo cho mọi người biết, mà không cho Bàn-đặc Nhỏ hay. Khi đến nơi, y sĩ hỏi Phật còn sư nào chưa đến không, Phật nói còn sư Bàn-đặc Nhỏ. Y sĩ cho người đi mời, người ấy vào tịnh xá gặp cả trăm ông sư, sư thì ngồi thiền, sư thì quét sân, sư thì vá y… ai cũng nhận mình là sư Bàn-đặc Nhỏ, nên về thưa lại. Đức Phật bảo người ấy: hễ ai lên tiếng đầu tiên thì nắm tay người đó. Người ấy trở lại tịnh xá mời sư Bàn-đặc Nhỏ, khi các sư lên tiếng đáp ông liền nắm tay sư đầu tiên trả lời “Tôi là Bàn-đặc Nhỏ.”. Lập tức cả trăm ông sư biến mất, chỉ còn một sư đang bị nắm tay… Cái biết chỉ có một là vậy sao? Nó ở chỗ bị nắm tay nên không còn ở chỗ khác. Thế cùng lúc ngồi thiền, quét sân, vá y… đủ vẻ thì sao? Chắc ở chỗ cùng lúc.

 

 

12. – V: Khi ngủ, cái biết ở tại chỗ nào?

 

– Đ: Đã là cái biết ngủ nghỉ, thì nó ở tại cái mê say chớ không ở chỗ nào hết. Cũng như kẻ say rượu, như người hửi thuốc mê, thì nó là say mê, chớ không phải ở đâu cả. Ví như người kia ở trong nhà đóng kín các cửa, thì không ai có thể nói nó ở tại chỗ nào; bao giờ có một cửa mở hay là xao động tại đâu, là nó ở tại chỗ đó. Trước khi ngủ mê say, người ta yếu xuội đờ ra, và hơi thở nghe êm nhẹ đều hòa, rồi thiếp hẳn tại chỗ hơi thở và yếu xuội đó. Cho nên lắm kẻ nói rằng: Khi ngủ cái biết ở tại hơi thở, vì còn sống là còn hơi thở. Nếu nói vậy thì trái tim cũng vẫn đang đập, máu cũng vẫn đang chạy nữa kia? Còn nhiều kẻ ngủ mê lại đứng, ngồi hay cử động, như vậy là đâu phải ở riêng hơi thở. Xác thân như chiếc xe hơi, máy vẫn chạy đều làm sự sống, còn cái biết như người chủ, là khác hẳn với chiếc xe.

 

Trước kia là cái sống sanh lần cái biết, khi có biết rồi thì biết và sống là hai, chớ không phải một. Cũng như cây và hột, trước là cây, sau là hột. Cây, hột khác nhau, khi cây chết là còn hột. Cho nên thân người có chết thì cái biết của thân ấy vẫn còn. Cái biết là con, hay là tinh ba của sự sống nơi thân thể vậy.”

 

 

Cái biết ở chỗ nào, khi ngủ? Lời đáp là: Đã là cái biết ngủ nghỉ, thì nó ở tại cái mê say chớ không ở chỗ nào hết. Câu này hỏi bồi câu trước, để làm sáng tỏ vấn đề CÁI BIẾT Ở ĐÂU. Tác giả đã giải rộng ra rằng: Trước kia là cái sống sanh lần cái biết, khi có biết rồi thì biết và sống là hai, chớ không phải một. Khi thân người chết thì cái biết là tinh ba của sự sống nơi thân thể ấy vẫn còn. Tóm lại, nói chắc chắn cái biết ở hẳn một chỗ nào như sư Anan nói là không đúng.

 

 

13. – V: Tại sao có chiêm bao?

 

– Đ: Chiêm bao có nhiều cách. Khi thức cũng chiêm bao thay, lựa là nói lúc ngủ. Cái gì lại không phải là chiêm bao? Khi thức đây mà lúc thì ta nhớ thấy chuyện đã qua, xét thấy việc sẽ đến, nhận thấy sự hiện tại, nhận thấy cảnh ngộ nhơn duyên, nhận thấy tư tưởng mình, nhận thấy sự thái quá, nhận thấy sự bất cập, nhận thấy bởi thất tình lục dục, nhận thấy bởi kẻ khác đến, đồ vật ai đem cho v.v… Tóm lại, cái thấy nào cũng là mộng ảo huyễn cảnh cả. Ta đang ở trên mặt đất của quả địa cầu này, mà đó là chỗ nào của võ trụ, và chúng sanh vạn vật, với các pháp vốn không thường, khi ẩn khi hiện, khi có khi không, khi còn khi mất, khi đến khi đi, khi sống khi chết, nào ta có thấy chắc thiệt cái gì đâu? Trong giấc ngủ mơ cũng thế, khi cái biết đã thức mà xác thân còn mê mệt, thì cái biết hành động tự ý nó, nó thấy ra tất cả như khi thức chớ sao? Cũng có đôi khi ta thấy thần, quỷ, Phật, trời thiệt, nhưng lại là rất ít, vì ta với họ khác nhau về cảnh giới, nào có liên quan gì nhau.

 

Phần nhiều chiêm bao là bởi sự kích thích, lúc trước khi ngủ hay đang ngủ, bị nóng lạnh, nhức mỏi giật mình, lo sợ, vọng tưởng… bởi pháp tương đối, hoặc lúc thức cái biết đang bị nhốt trong cảnh trí nào đó, vì vậy mà có lắm sự chiêm bao như trong lúc thức. Vả lại các sự chiêm bao không ích lợi bằng thiện lành, kẻ biết ngăn ác là đáng tin cậy hơn vậy.”

 

 

Nói đến ngủ, nhân tiện hỏi về chiêm bao, mơ màng. Chiêm bao có hai dạng: nhắm mắt chiêm bao và mở mắt chiêm bao. Người đời hầu hết đều đang sống trong chiêm bao, ngày chiêm bao, đêm cũng chiêm bao. Nếu ai đó chịu thừa nhận mình là kẻ sống chiêm bao, sống mơ màng, sống say chết mộng (túy sanh mộng tử), thì người ấy là bậc trí, từ đó biết hướng thượng, sẽ thành bậc đại nhân. Bằng không thì lại như mọi người, không biết đầu đuôi, thật giả gì hết, thành những kẻ bà con với gã Hồ Đồ, đồ đệ của Lưu Linh, thân thích của tiên nâu...

 

Hỏi tại sao có chiêm bao, thì chiêm bao có nhiều cách, ví dụ khi cái biết đã thức mà xác thân còn mê mệt, thì cái biết hành động tự ý nó, nó thấy ra tất cả như khi thức. Hoặc chiêm bao bởi sự kích thích, lúc trước khi ngủ hay đang ngủ, bị nóng lạnh, nhức mỏi giật mình, lo sợ, vọng tưởng… Hoặc chiêm bao do lúc thức cái biết đang bị nhốt trong cảnh trí nào đó, vì vậy mà có lắm sự chiêm bao như trong lúc thức v.v…

 

Chiêm bao chẳng ích lợi cho cái biết. Tin tưởng chiêm bao là mê tín.

 

 

14. – V: Sau khi chết rồi, cái biết sẽ đi đâu?

 

– Đ: Nó đi theo cái nghiệp của nó, cũng như kẻ sống đây có khác gì? Cờ bạc đến chỗ cờ bạc, uống rượu đến chỗ uống rượu, ác đến chỗ ác, thiện đến chỗ thiện, đạo đức đến chỗ đạo đức… mà kết quả của nó là sự yên vui hay rối khổ, định hay là loạn vậy.”

 

 

Khi thân chết rồi, cái biết đi đâu? Cũng như khi sống, nó đi theo nghiệp của nó, ác đến chỗ ác, thiện đến chỗ thiện, đạo đức đến chỗ đạo đức. Tuy vô số chúng sanh nhưng gom lại chỉ có ba hạng là ác, thiện và đạo đức.

 

Ác là hại mình, hại người, hại tất cả. Thiện là lợi mình, lợi người, lợi tất cả. Nhưng phải xem thêm động cơ, cách thức, kết quả, chứ không phải chỉ ở nơi hành vi thôi mà có thể kết luận là ác hay thiện. Ví dụ chửi tục là lời ác, là hành vi không tốt. Nhưng không hẳn lúc nào chửi tục cũng ác, phải xét xem động cơ, cách thức, kết quả của lời chửi tục đó. Ví dụ giới thứ nhất, tội giết hại sẽ cấu thành khi kẻ ấy có ý giết, có tìm cách giết, có hành động giết, và đã giết chết đối tượng. Ví dụ có người hàng ngày bị chồng chửi, đánh. Buồn quá, người ấy tìm nghe những bài giảng của hòa thượng Tịnh Không để khoây khỏa. Theo lời hòa thượng dạy, mỗi khi bị chồng chửi đánh, cô ta cám ơn chồng đã giúp cô trả nghiệp. Thế thì việc ác của chồng lại tốt cho vợ, nó đã biến thành việc thiện đối với vợ! Nhưng người chồng sẽ vẫn lãnh quả báo, vì đó vẫn là ác hạnh của anh ta…

 

Còn đạo đức, hạng thứ ba, nghĩa là khác với thiện, ác ở đời. Theo tác giả, đạo đức là tối đại, là Phật pháp, là vũ trụ. Hạng đạo đức là Tăng-già, là khất sĩ tu theo Phật, là chư Phật Thánh.

 

 

15. – V: Lúc xác thân chết, cái hình dạng của biết xuất ra bằng cách nào?

 

– Đ: Lúc chết thiếp đi như say rượu, như say thuốc, như ngủ quên, như hít phải thuốc mê nào biết gì! Cũng như người lái xe nằm ngủ quên trong xe, khi giật mình thức giấc mới biết là xe đã chết máy, lạnh hư, sét cứng rồi. Người chết hoặc mê sảng, hoặc ngủ quên, khi tỉnh dậy thì máu đã trắng, xương thịt đã cứng lạnh, hết hơi, thì mới biết mình đã chết thân, hư nhà, thôi thì muốn đi đâu là đi theo ý trí tình vọng. Với kẻ ác, kẻ khổ sở nặng nề, thì mê muội lâu hơn là người thiện thanh vui nhẹ, tùy theo hột giống gieo tạo của mỗi người trong lúc sanh tiền.”

 

 

Đã hỏi cái biết đi đâu sau khi chết, thì hỏi tiếp cái biết xuất ra khỏi thân bằng cách nào? Lời đáp mô tả cái biết đã thụ động ra khỏi thân. Lúc chết người ta như say thuốc, như ngủ quên, tỉnh lại mới hay đã chết thân. Đến câu 18 nói về sự nhập thai, cái biết chun vào thai mẹ, ta sẽ hiểu rõ cách nó đi ra.

 

Xưa bên Nhật có nhà sư hỏi thầy rằng:

 

– Như có người nuôi một con ngỗng trong một cái chai to, dần dần ngỗng lớn chật cái chai đó. Vậy làm cách nào lấy ngỗng ra mà không cần đập bể cái chai?

 

Bấy giờ sư phụ cất tiếng gọi:

 

– Đệ tử!

 

– Dạ.

 

– Ra rồi!

 

Thật tế làm gì có chuyện nuôi ngỗng trong chai. Câu chuyện đó là ẩn dụ cho tâm ở trong thân. Nhưng tâm có bị nhốt trong thân như con ngỗng kia đâu, nó có thể ra vào bất kỳ lúc nào muốn, nên sư phụ đáp như vậy.

 

Câu 15 đã mô tả lúc xác thân chết. Người ta thường sợ chết, tránh né tìm hiểu về chết. Nhưng có ai không chết, nên hiểu về lúc chết rất có ích cho mình. Tác giả đã mô tả: Người chết hoặc mê sảng, hoặc ngủ quên, khi tỉnh dậy thì máu đã trắng, xương thịt đã cứng lạnh, hết hơi, thì mới biết mình đã chết thân, hư nhà, thôi thì muốn đi đâu là đi theo ý trí tình vọng. Kẻ ác mê muội lâu hơn người thiện… Vậy đó là việc sẽ xảy đến với đa số mọi người, không phải là tốt, vì sẽ bị tái sanh vào những chỗ xấu. Cho nên khi còn sống phải tập tự chủ, đừng ham ăn ham ngủ, đừng ham cười ham nói, đừng ham vợ ham con, đừng ham tiền ham của, đừng ham buồn ham vui… Ta tự chủ chứ không phải mấy thứ ăn, ngủ, cười, nói, vợ, con, tiền, của, buồn, vui… làm chủ ta. Coi bộ sống chánh niệm là rất khó đối với mọi người.

 

 

16. – V: Cái biết bao lớn và ra sao?

 

– Đ: Khi ta ngước lên không, thì cái biết của ta là bao la vô cực. Lúc ta lựa từ hột cát, thì cái biết của ta là hột cát. Khi ta xỏ chỉ vào lỗ kim, thì cái biết của ta bằng lỗ kim. Lúc ta thấy con gà, con vịt, cọng cỏ, cái cây, thì cái biết của ta là gà, vịt, cỏ, cây. Tai nghe tiếng, biết là tiếng. Mũi hửi mùi, biết là mùi. Ý nhớ người ta, biết là người ta. Trí phân biệt thiện ác, biết là thiện ác. Gặp màu xanh đỏ trắng vàng… biết là xanh đỏ trắng vàng... Thấy món vật tròn hay dài, là biết tròn hay dài. Chú ý nơi xa, biết ở xa; tưởng tượng gần, biết là gần. Thoạt xứ này, thoạt cõi khác, hoặc ở trong, hoặc ở ngoài v.v… Cái biết là bao gồm vạn pháp, mà lúc nào nó cũng chỉ có một thôi. Hễ biết cái này thì không biết cái kia. Biết nhiều khổ nhiều, biết ít khổ ít, không biết là không khổ; hay là muốn dứt khổ thì cái biết phải lo định, hoặc phải cho đầy đủ toàn giác. Biết loạn là ma, biết định là Phật, cái biết hằng định trong mỗi lúc, hoặc biết đầy đủ rồi là định. Có định mới yên vui, gọi là cái biết đứng vững, sống đời, thiệt thọ, kêu là giác.”

 

 

Như đã nói có năm cái biết là thọ cảm, tư tưởng, hành vi, thức trí và giác chơn, thì câu 16 hỏi: “Cái biết bao lớn và ra sao?”, là hỏi về cái biết nào? Với lời đáp: “Khi ta…” thì đang nói về cái biết của chúng ta, bậc người trở lên, có trí phân biệt thiện ác; mà hiểu là nói chung về cái biết của chúng sanh thì cũng đúng.

 

Tóm lại cái biết là bao gồm vạn pháp, mà lúc nào nó cũng chỉ có một thôi. Hễ biết cái này thì không biết cái kia. Một lần nữa tác giả đã khẳng định cái biết của một chúng sanh chỉ có một, tại một thời điểm. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật dạy: “Nhất tinh minh sanh lục hòa hợp.”, nghĩa là: “Một cái sáng suốt sanh ra sáu món hòa hợp.”. Nói chung cái biết sanh ra sáu thức ở sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, nhưng cũng không cùng một lúc hiển dụng. Kẻ phàm dùng thức, bậc Thánh dùng cái biết, cái tánh. Kẻ phàm thường bảo: “Mắt tôi thấy rõ ràng. Tai tôi nghe rõ ràng…”. Bậc Thánh không ỷ lại tai, mắt, cho đến không tri kiến lập tri. Ban đầu, chỗ khác nhau là ở thái độ chứ không phải ở nhận thức. Từ đó thành khác nhau nhiều về nhận thức.

 

Lưu ý câu này: “Biết nhiều khổ nhiều, biết ít khổ ít, không biết là không khổ.”. Người ta ai cũng ham biết nhiều, mỗi sáng các bậc nam nhi ra quán café nghe ngóng mọi chuyện trong nhà ngoài phố, sau đó các quý bà xách giỏ đi chợ cũng tranh thủ tìm hiểu thế giới quanh ta, ai cũng ra vẻ hiểu chuyện. Hàng học giả chín chắn hơn, đã cập nhật thông tin một cách “đáng tin”. Chung quy đều là những cái biết loạn, nên biết nhiều khổ nhiều… Vậy cần phải định cái biết. Có hai cách: hoặc dùng ý chí làm cho định (tu, thiền định), hoặc biết đầy đủ rồi là định (học, thiền quán).

 

 

17. – V: Cái gì là ta và có bao nhiêu cái ta?

 

– Đ: Tiếng ta là tư kỷ bổn ngã, do sở chấp mê muội ai cũng tự ái, tự đắc, tự tôn, tự thị, tự kiêu mà cho ta là vầy đúng, ta là vầy phải… Cái ta ấy là biết, cái biết của mỗi trình độ nhơn duyên bao giờ cũng khác nhau chớ không giống một. Các cái biết ấy đều phải cho họ cả, không có ai trật sái hết. Nhưng nếu có một người nào toàn giác biết đầy đủ cả, thì không bao giờ tranh cãi, người cũng không nhận cái ta ở một chỗ nào. Tùy theo duyên, cái ta biến hiện trong mỗi lúc, chớ không phải là sở trụ mà cố chấp được, nên gọi là cái ta vô thường, hay các pháp không ta. Nếu tất cả đều được toàn giác như thế, thì cả thảy đều có một cái ta như nhau, không khổ não. Khác hơn là muôn vạn cái ta của chúng sanh không định, biết đâu mà lường, khi nói vầy, khi tính khác, chấp kia chấp nọ mãi, mà định mạng của cái ta chẳng biết tại chỗ nào, bởi càng quấy tung, tâm trí càng nát nhừ bấn loạn. Cho nên gọi chúng sanh chưa có ta, chư Phật mới có ta, cái ta toàn thể như một.”

 

 

Đến câu 17 hỏi về Ta, về Ngã, và đã xác định Ta là cái biết. Tác giả viết: “Cái biết của mỗi trình độ nhơn duyên bao giờ cũng khác nhau chớ không giống một. Các cái biết ấy đều phải cho họ cả, không có ai trật sái hết.”. Quan điểm này thật cởi mở, phải lẽ, thấu tình đạt lý, chắc ai cũng chịu lắm. Từ đó nói đến toàn giác, biết đầy đủ, là cái biết thật.

 

Có bao nhiêu cái Ta? Hồi còn làm thư ký lớp Trung cấp Phật học ở Vĩnh Nghiêm – Tp. Hồ Chí Minh, một lần mang sổ đầu bài lên cho hòa thượng Hiệu trưởng ký vào sau buổi học về Duy Thức, tôi đã tranh thủ hỏi:

 

– Bạch hòa thượng, cả vũ trụ có bao nhiêu cái A-lại-da?

 

Hòa thượng ngồi trên cao, tôi đứng dưới bục, ngài cuối đầu xuống nói nhỏ vào tai tôi:

 

– Thật ra nó là Phật tánh đó!

 

Ngài chẳng trả lời là có bao nhiêu cái A-lại-da trong vũ trụ, mà lúc đó tôi cũng thôi bận tâm về số lượng của tương đối nữa. (A-lại-da được định nghĩa là Tất cả giống – Nhất thiết chủng, ta quy ước là n. Vậy nếu có hai alaya thì mỗi cái bằng n-1, nếu có ba alaya thì mỗi cái bằng n-2 v.v… không còn là tất cả, trái với định nghĩa.) Không hiểu tại sao hòa thượng Hiệu trưởng lại nói nhỏ vấn đề quan trọng đó?

 

Cả vũ trụ có bao nhiêu cái Ta? Ngài Minh Đăng Quang đáp: “Chúng sanh chưa có ta, chư Phật mới có ta, cái ta toàn thể như một.”. Câu này rất hay, nên khắc lên bia đá đem dựng nơi pháp đường cho bao người đến học Phật pháp được ghi nhớ. Lưu ý “như một” chẳng phải “là một”. Đừng bận tâm về số lượng nữa. Vũ trụ có Hằng hà sa số chư Phật mà như một thôi.

 

 

18. – V: Cái hình bóng của biết nhập thai bằng cách nào?

 

– Đ: Đã là hình bóng như làn khói, là một điện lực mạnh mẽ, thì ra vào trong thân thể người lúc nào lại không được. Thân thể ta vốn trống không các lỗ hơi, gió trong ngoài thường ra vào, thì sự nhập thai đâu phải lạ. Có điều là ta nên hiểu rằng: nếu bọc thai trống không, không có tinh huyết, thì không lấy gì mà tượng hình được, dầu cái hình bóng của biết có vào ở trong ấy bao lâu cũng không sanh sản được. Cho nên cần phải đợi cho có sự giao hiệp, tinh huyết đầy đủ mới nên sắc thân được. Tinh huyết ấy có đủ bốn chất tứ đại là đất nước lửa gió, cho nên gọi tứ đại là thân, hay là thân tứ đại.”

 

 

Thay vì hỏi: “Cái biết nhập thai bằng cách nào?”, thì lại hỏi: “Cái hình bóng của biết nhập thai bằng cách nào?”. Lời hỏi dẫn dắt cho lời đáp, hỏi khéo đáp khéo cùng làm sáng tỏ nội dung. Bởi hỏi và đáp là do một người, nên có sự chủ động sắp xếp.

 

Thân thể người vốn trống không các lỗ hơi, nên hình bóng cái biết như làn khói, là một điện lực mạnh mẽ, ra vào trong thân thể người lúc nào lại không được. Nói chung, điều kiện để hình thành bào thai phải có ba phần là tinh cha, trứng mẹ, và cái biết đi đầu thai.

 

 

19. – V: Người ta nói thần hồn là gì? Phách là gì?

 

– Đ: Cây có phách là tình thọ, hay thọ cảm, cũng như đứa trẻ lên ba tuổi.

 

Thú có hồn là ý tưởng, hay tư tưởng, cũng như đứa trẻ được sáu tuổi.

 

Người có hành vi, gồm cả hồn phách, thọ tưởng, cũng như người nhỏ tuổi mười hai.

 

Trời gồm cả thọ tưởng hành, mà sanh thức trí, kêu là thần thức, cũng như người lớn ba mươi tuổi.

 

Phật là giác chơn hay tánh, gồm cả thọ tưởng hành thức, cũng như ông già trên bốn mươi tám tuổi.

 

Ấy vậy hồn phách hay thần thức, là người ta chỉ về hình bóng của biết, hay thân hình của biết. Tuy nói khác tên chớ hiểu ra thì có một. Còn về pháp thì không nói thân hình bóng của biết ấy, mà chỉ rõ ra danh từ của mỗi trình độ của biết, là thọ, tưởng, hành, thức, giác vậy thôi. Đó là lý và sự. Hiểu nơi lý thì rộng đường cho trí, chấp theo sự nói là hẹp cho tối tăm dễ hiểu, nên gọi là linh hồn cũng đủ.”

 

 

Câu 19 bàn về hồn, phách. Theo thân hình của biết mà nói, thì cây có phách, như đứa trẻ lên ba tuổi; thú có hồn, như đứa trẻ sáu tuổi. Hồn, phách là những cái biết non, nói theo thân hình của biết, nói theo sự. Còn xét theo pháp lý, theo bản chất, thì trình độ của cái biết có năm cỡ là thọ cảm, tư tưởng, hành vi, thức trí, và giác chơn. Mỗi cỡ sau gồm hết những cỡ trước.

 

Cũng là người mà lên ba khác lên sáu, khác với lên 12 tuổi, 30 tuổi và 48 tuổi. Theo cách diễn tả này thì trẻ con chưa đủ năm uẩn, phải là người lớn mới có đủ năm uẩn. Từ đó liên tưởng đến câu nói của người xưa: “Trẻ khôn ra, già lú lại.”, thì những người già bị lú lẫn lại như trẻ con, không có đủ năm uẩn. Đúng là cũng làm người mà không phải ai cũng như ai. Cách diễn tả này sát với thật tế, đã nêu rõ những trình độ tâm của con người, mà lâu nay ít ai phân tích đến được như thế.

 

Những cái biết nói theo sự, lý đó gọi là linh hồn cũng đủ. Có nhiều người cho rằng “Linh hồn” là từ của Thiên Chúa giáo, không phải là từ của Phật giáo. Nhưng “Linh hồn”, cái hồn linh thiêng, có tự nói vậy đâu. Tại sao đến đây tác giả lại gọi cái biết là linh hồn? Pháp “linh hồn” vô ngã, cớ sao lại không thể sử dụng từ đó? Hãy nhắm ngay người nói chứ đừng đuổi theo lời lẽ của người ấy.

 

 

20. – V: Sự sanh thân có mấy cách:

 

– Đ: Sanh thân nơi người có bốn cách:

 

a.Có linh hồn nhập thai trước:

 

Là cây, thú, vì khổ sở lâu ngày nên sau khi chết nhập thai người liền, để tấn hóa và yên vui hơn. Với lại những người ác như thú, trơ độn như cây, sau khi thác, vì sợ tội lỗi, vì sợ khổ sầu, quả báo oán thù oan trái, vì luyến ái mê nghiệp đắm trần, mà nhập thai trước trong bụng, như giành chỗ, chư choán phần, như trốn tránh, như bị kẻ khác kéo lôi. Hoặc tự mình nhập thai, hoặc bị người bắt buộc phải nhập thai trước để sanh ra đặng đền ơn hay trả oán.

 

b.Thai tượng không có linh hồn:

 

Là do chất tinh của cha, huyết của mẹ, đầy đủ thể chất là thành hình, cũng như hột giống cây sanh cây, hột giống cỏ sanh cỏ, hột giống thú sanh thú, hột giống người sanh người, tinh ba của cha là giống hột, huyết kinh của mẹ là đất nước sanh ra đứa con cũng như cỏ mới mọc vượt lên. Chất tinh ba năng sanh xương gân, chất huyết kinh năng làm máu thịt, do đó tượng thân người. Cũng có những thai người, do tư tưởng mong muốn có con, của người cha hay mẹ, mà sanh đứa con và sẽ giống cha hay giống mẹ, tức là thai bào tư tưởng do cha mẹ chiết để tư tưởng mình vào đó mà thành hình, dầu tinh huyết có kém chớ tư tưởng vẫn mạnh hơn nên tượng sanh được. Đoạn này ta thấy sự chiết tư tưởng là một sức mạnh linh thiêng, mà cục đá, khúc cây, hình cốt, nơi chỗ thờ phượng, có nhiều người khấn nguyện, tưởng tượng, để ý mình chăm chú vào đó, lâu ngày sẽ linh ứng có hồn. Đây tức là hồn nhân tạo, cha mẹ sanh con, sanh cả thân và tâm. Thuyết cha mẹ sanh con này cũng giống như tứ đại đất nước gió lửa sanh cỏ, cây, thú, người, trời, Phật, vì xác thân của người ta cũng là tứ đại đất nước lửa gió vậy.

 

c.Những thai không giao dâm:

 

Nếu như sợi lông của người mà được ở vào trong thai bào thì lâu ngày sẽ tượng hình, vì mỗi sợi lông là một cơ thể sống riêng, cũng có đủ đầu, chân, tay, miệng, mũi, mắt, tai, mình, ruột. Cũng như mỗi cọng cỏ là một mạng sống đang tấn hóa, tóc thành lươn, lông thú thành sâu, lông người thành thú và nếu lông người mà do người ấp ủ thì sẽ thành người, đó là sự sanh tạo nơi nó. Lại có những thai thần thông, do các bậc tiên, Thánh, quỷ, thần dùng tư tưởng riêng của mình mà cho đi nhập thai, tượng hình trước, để khi sanh ra rồi các vị mới đến nhập vào. Những thai này cũng không cần chất tinh ba của cha, mà vẫn phải có bằng phép linh diệu kỳ thuật.

 

d.Linh hồn sanh không nhập thai:

 

Chư thiên, người thiện lành, bậc Thánh chờ khi thai sanh ra rồi mới nhập vào, hoặc lựa xem đứa nhỏ nào có đủ thiện căn, mà không có linh hồn ai nhập trước mới nhập vào. Bởi bậc trong sạch trọn lành, không hạp nơi nhơ uế, sự giáng sanh là để cứu thế độ đời, tự lòng từ bi chớ không phải ép buộc hoặc mê trần, nên không hay nhập thai trước. Khiến nên chúng ta hằng thấy, nhiều người lâm bồn khai hoa có nhiều điều quý lạ, hoặc đứa trẻ sanh ra mà còn chờ chủ, đến năm bảy năm vẫn trơ trơ, rồi thình lình trở nên sáng suốt hay diệu kỳ.

 

Đó là bốn cách sanh thân vậy.”

 

 

Câu 18 nói về cách cái biết nhập thai, đã nói chung điều kiện để hình thành bào thai phải có ba phần là tinh cha, trứng mẹ, và cái biết đi đầu thai. Đến câu 20 này nói về sự sanh thân nơi người, đã nêu bốn cách sanh thân:

 

– a. Linh hồn nhập thai trước, hoặc chủ động hoặc thụ động, nhưng đến khi có tinh cha trứng mẹ thì mới thành thai.

 

– b. Thai tượng không có linh hồn, chỉ do tinh cha và trứng mẹ đầy đủ mạnh mẽ mà hợp thành. Hoặc do cha mẹ mong muốn có con quá, vô tình chiết tư tưởng vào, hợp với tinh và trứng thành thai. Đứa con trong trường hợp này đúng thật là do cha mẹ sanh, sanh cả thân và tâm.

 

– c. Những thai không có giao hiệp, tức là không có tinh cha hoặc không có cả trứng mẹ mà vẫn thành thai. Một là do lông người rơi vào tử cung của mẹ, ấp ủ lâu ngày thành thai. Hai là thai thần thông, do các bậc tiên, Thánh, quỷ, thần dùng tư tưởng riêng của mình mà cho đi nhập thai, tượng hình trước, đến khi sanh ra mới đến nhập.

 

– d. Linh hồn sanh không nhập thai, là các bậc trời, Thánh đợi thai sanh ra mới nhập vào. Do bậc trong sạch trọn lành, không hạp nơi nhơ uế, sự giáng sanh là để cứu thế độ đời, tự lòng từ bi chớ không phải ép buộc hoặc mê trần, nên không hay nhập thai trước.

 

Trong các cách sanh thân người ở trên, không thấy nói đến cách sanh thân như ta thường hiểu: cha mẹ giao hiệp và linh hồn nhập thai lúc đó. Xét ra, khi cha mẹ giao hiệp, không phải lúc nào cũng có đủ tinh và trứng. Và linh hồn nhập thai lúc đó cũng do luyến ái, hoặc do mình, hoặc bị kéo lôi. Nên trường hợp này cũng thuộc về trường hợp a.

 

Chúng ta ghi nhận theo lời giải đáp, chứ không cách nào kiểm chứng được. Ví dụ nói sợi lông người ở vào trong thai bào thì lâu ngày sẽ tượng hình người, có thể thí nghiệm không? (Nói ở trong dạ con mới đúng.) Hoặc nói mỗi sợi lông là một cơ thể sống riêng, cũng có đủ đầu, chân, tay, miệng, mũi, mắt, tai, mình, ruột, thì phải chứng minh làm sao?...

 

Vấn đề chiết tư tưởng nghe thật lạ. Nhà nông biết chiết cành, chiết cây, còn nhà siêu hình học biết chiết tư tưởng. Ngay người thường cũng vô tình chiết tư tưởng nữa… Tư tưởng chiết ra thành hồn nhân tạo, lớn khôn thành một chúng sanh khác.

 

 

21. – V: Bốn cách sanh ấy đứa trẻ có khác nhau chăng?

 

– Đ: Sắc thân thì không mấy khác, vì là cũng đều ở trong miếng đất của người mà ra, song cái biết thì khác nhau nhiều, và bẩm tánh không đồng:

 

– Đứa trẻ cây sanh thì đần độn.

– Đứa trẻ thú sanh thì ngu muội và hung ác.

– Đứa trẻ người ác sanh thì xảo trá, ngang tàng, xấu xa.

– Đứa trẻ người thiện sanh thì hiền lương, dễ dạy, tốt đẹp.

– Đứa trẻ quỷ, thần sanh thì lanh lợi, quỷ quyệt khác thường.

– Đứa trẻ tiên, Thánh sanh thì có đủ đức tánh quý lạ.

– Đứa trẻ cha mẹ sanh, không hồn trước, thì dạy đâu biết đó, chậm tiến hóa hơn là kẻ đã có hồn sẵn. Những đứa trẻ này mới sanh mà bỏ chỗ vắng cho sống chết luôn, thì cái biết lại chết luôn; hoặc nó có chất sống mà không ai dạy, không gặp chi cả thì không biết gì hết, chỉ như cọng cỏ, khúc cây thôi.”

 

 

Bốn cách sanh thân, linh hồn nhập thai trước (a), linh hồn nhập thai sau (d), không có linh hồn (b) và không có tinh trứng (c), sanh ra đứa trẻ không mấy khác, song cái biết thì khác nhau nhiều, đã nói rõ trong lời đáp.

 

Bậc làm cha mẹ, khi đọc qua câu vấn đáp 21 này, có cần biết con mình là hạng nào cho dễ dạy không? Đừng nên nhờ ông sư, bà thầy nào soi căn gì hết, vì không bảo đảm, cũng không cần thiết. Chỉ cần xem tánh chất của con mà tìm cách dạy bảo thích hợp, không cần biết nó là cây sanh, hay là thú sanh… làm gì. Ví dụ con mình đần độn, thì không hẳn nó là cây sanh, mà có thể là do nghiệp báo. Mình nên cho nó học ít, nhiều lần, làm việc thích hợp, lạy Phật để được tăng phước, tụng kinh Phật để được khai tâm mở trí, thương con, quan tâm chăm sóc con v.v… Nói chung dạy con không phải là việc đơn giản để chỉ nói mấy câu là xong, bậc làm cha mẹ phải lưu ý.

 

Học qua những vấn đáp này, bậc làm cha mẹ đừng chấp nhất kẻ mình sanh ra hoàn toàn là con của mình. Trong sự luân hồi chuyển kiếp, chúng sanh lần lượt làm con lẫn nhau. Có khi ông bà vì quá thương con cháu mà đầu thai lại trong nhà mình, trở lại làm thân thích của con cháu mình.Kinh Phạm Võng, đức Phật dạy: “Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta, nên chúng sanh trong sáu đường thảy là cha mẹ của ta cả.”. Đã nói “tất cả” thì có ta trong đó, cũng làm cha mẹ của chúng sanh vậy.

 

Về đức tánh quý lạ của tiên, Thánh, có thể là từ bi, bác ái, trang nghiêm, thanh tịnh… khác hẳn trẻ con bình thường, cho đến người lớn cũng không bằng. Nếu may mắn có đứa con như thế, nên trân trọng, khéo léo hỗ trợ con phát huy khả năng của nó, đừng cho rằng nó là con nít mà coi thường.

 

 

22. – V: Có phải khoa học nói không hồn là đúng chăng?

 

– Đ: Khoa học là các môn học, tức là sự học chung về sự vật. Môn siêu hình học thì ít người chăm chú, vì mảng lo đeo đuổi theo vật chất hữu hình. Chớ chơn lý hay Phật pháp đâu phải khác. Chính khoa học là ở trong thế giới, mà Phật học bao gồm võ trụ rộng hơn! Thế nên khoa học là còn đang học, thì bao giờ cũng còn đi sau và ở trong giáo pháp của chư Phật.

 

Môn siêu hình học biết có Phật, Thánh, tiên, thần, ma, quỷ, thì đó là hồn của thân xác vậy. Luận về cái sống của các bộ thần kinh trong thân, thì như bộ máy xe hơi, hễ có xe thì sẽ có sự điều khiển là cái biết, biết lần cho đến nên hình là người chủ xe, cỡi lại xe. Thân tứ đại của người không phải như sắt thép, lẽ nào lại chẳng tượng sanh cái biết và có hình, cỏ cây kia ta còn thấy nó có biết lần thay! Ấy bởi chấp thân mà không thấy cái kết quả của thân, như nhìn cây mà không thấy hột của cây. Cây chết hột còn, thân mất cái biết còn. Chính cây sanh hột, chính thân sanh tâm vậy.

 

Vả lại sự sanh có bốn cách, nếu nói chỉ có tứ đại đất nước lửa gió là sự sống, chớ không có cái biết sao? Vậy còn ai biết cái gì đang hiểu đây, đang nói đó? Biết là cái tập của tứ đại. Nếu nói tứ đại mà biết thì đất đá kia bảo nói chuyện xem có được chăng? Còn nói chết rồi hết biết thì hỏi cái biết ấy đi đâu? Lại nếu nói cái biết mới càng sanh thì cái biết cũ trốn đàng nào?

 

Đời nay có Thánh linh giáo, Thần linh học, sao lại còn nói là không có linh hồn? Chỉ có kẻ thật chuyên môn Siêu hình học luận mới nhận rõ ràng được sự sống chết của cái biết, linh hồn. Vậy nên câu nói ấy chỉ trúng có một khoảng đầu và trúng có một cách, trong bốn cách sanh thân kia vậy.”

 

 

Có phải khoa học nói không hồn là đúng chăng? Đầu tiên, lời đáp bàn về khoa học. Khoa học là các môn học, như toán, lý, hóa, sinh, sử, địa, thiên văn, khảo cổ, ngôn ngữ, y học, kinh tế v.v… Vì nghiên cứu về sự vật, nên khoa học là ở trong thế giới, mà Phật học bao gồm vũ trụ rộng hơn.

 

Mãi nghiên cứu vật chất, khoa học nói không có hồn, thân người chỉ có hệ thần kinh gồm não, tủy, và các dây thân kinh điều khiển sự sống. Khoa học trải qua mấy trăm năm nghiên cứu, tìm hiểu, đã đưa cuộc sống của loài người đến mức tối ưu, trở thành một thế lực rất lớn trong nền văn minh của nhân loại. Ngày nay, người ta thường bảo: “Các nhà khoa học đã nói…”, “Các nhà khoa học đã khuyên…”, “Các nhà khoa học đã cảnh cáo…”… như là những dẫn chứng có thẩm quyền nhất.

 

Nhưng dù vậy, dù tài giỏi cỡ nào thì khoa học cũng chưa nghiên cứu đến Siêu hình học. Mà nói gì Siêu hình học, ngay hệ thống kinh lạc của Đông y khoa học còn chưa chứng minh được. “Thế nên khoa học là còn đang học, thì bao giờ cũng còn đi sau và ở trong giáo pháp của chư Phật.”, ngài Minh Đăng Quang đã viết như thế. Với phạm vi là vũ trụ, cùng khắp không gian và thời gian, Phật pháp hay Chơn lý đã thông suốt hết, và đã dạy về Linh hồn – Tâm – Ta – cái Biết rất rõ.

 

Trước khi ngài Minh Đăng Quang viết bài Sanh Và Tử cả nửa thế kỷ, ở các nước Âu, Mỹ đã bàn luận về Thần linh học rồi. Những sự phản biện đó của một số nhà trí thức chưa đủ để thành một khoa học thật nghiệm. Mà chỉ có kẻ thật chuyên môn Siêu hình học luận mới nhận rõ ràng được sự sống chết của cái biết, linh hồn. Kẻ chuyên môn đó là bậc tu hành đã có thành tựu, đã có thiên nhãn thông, túc mạng thông... nên mới nhận rõ được, theo chỉ dẫn của các bậc Đạo sư như ngài Minh Đăng Quang.

 

 

23. – V: Xin nói rõ, thân sanh tâm hay tâm sanh thân?

 

– Đ: Trước thì thân sanh tâm, khi có tâm rồi, nếu luân hồi, thì tâm sanh thân là lẽ sau.”

 

 

Trong câu này, tác giả gọi cái biết là tâm. Thân sanh tâm rồi tâm lại sanh thân, sự luân hồi. Người đời thường bảo nhau câu danh ngôn này: “Ta không thể chọn nơi mình sanh ra, nhưng ta có thể chọn cách mình sống.”. Thiết nghĩ, nếu có cách sống tốt thì có thể chủ động chọn được nơi mình sanh ra. Câu 20, trong cách sanh thân linh hồn không nhập thai, đã nói hàng tiên, Thánh có năng lực đó.

 

Thân sanh tâm hay tâm sanh thân? Con gà và quả trứng gà cái nào có trước? Ngày và đêm thời nào trước? Như con kiến bò miệng chén, chỗ nào là điểm đầu? Như cây cầu bắc qua sông có hai đầu cầu, vậy đuôi cầu ở đâu?... Những câu hỏi với ý tranh luận thế này sẽ được đáp bằng thật tế để chấm dứt tranh luận. Do vậy tác giả đã giải đáp: Trước thì thân sanh tâm, khi có tâm rồi thì tâm sanh thân là lẽ sau.

 

 

24. – V: Có phải mỗi linh hồn đều sống mãi và tấn hóa đến thành Phật hếtchăng?

 

– Đ: Có sống có chết, sống thì ít, mà chết thì nhiều, nhưng lớp khác vẫn tấn lên mãi. Cũng như học trò đi thi, trong số mười chỉ đậu có một, hai, kẻ đậu thì đi tới, kẻ rớt ở lại, hoặc đi ra, và còn kẻ khác mới bước lên nữa.

 

Mười cọng cỏ có được một thành cây. Mười cái cây có được một sanh thú. Mười con thú nhỏ có được một con thú lớn. Mười con thú lớn có được một con sanh người. Mười người có một người thành Trời. Mười vị trời có một vị đắc quả Phật. Cũng như một cái cây có lá một muôn, bông một ngàn, trái một trăm, đến thành hột chỉ có mười và hột tốt lớn thì chỉ có một. Mà qua lớp này thì có lớp khác tiến ra nữa.”

 

 

Lại nói về đề tài sống và chết. Có phải mỗi linh hồn đều sống mãi và tấn hóa đến thành Phật hếtchăng? Câu hỏi này không dùng từ “cái biết” nữa, mà dùng từ “linh hồn”. Từ “linh hồn” là từ phổ thông ở đời, cũng nên dùng từ đó để diễn thuyết cho mọi người dễ hiểu. Cách thức này gọi là Phật pháp ứng dụng.

 

Vấn đề câu hỏi đặt ra rất quan trọng. Ta sẽ sống mãi, ta sẽ tiến hóa thành Phật chứ? Thật có mấy ai nghĩ đến điều này. Nhưng qua 23 câu vấn đáp thì hỏi đến điều này không lạ. Theo lời đáp, tình trạng chung là chúng sanh muôn loại bị chết nhiều, có cả chính mình trong đó. Nói về chết linh hồn thì sẽ không chết liền một lần, mà chết từng phần thức, hành, tưởng, thọ như câu 28 mô tả. Có khi phải tiến hóa lại, từ người đọa làm thú, thật khổ. Theo giáo lý Nhân quả thì điều này gọi là bị quả báo. Chết từng phần linh hồn, tiến hóa lại, hay là bị quả báo, là tình trạng của đa số chúng sanh, thật khổ!

 

 

25. – V: Cõi siêu hình trời, Phật ở tại đâu?

 

– Đ: Không gian võ trụ bao la, vô số địa cầu thảy là tứ đại, thì thảy in như nhau không khác, nào đợi phải đi đâu! Có thế giới đang có Phật nhiều, có thế giới đang có trời nhiều, có thế giới đang có người nhiều, có thế giới đang có thú nhiều, có thế giới đang có cây nhiều, có thế giới đang có cỏ nhiều, có thế giới đang có đất nước lửa gió mới tượng. Cũng như nơi loài người có xứ đang có ông già nhiều, có xứ đang có người lớn nhiều, có xứ đang có trẻ em nhiều, có xứ đang có phụ nữ nhiều, có xứ đang có nam nhân nhiều, có xứ người tu đang có nhiều, có xứ kẻ thiện đang có nhiều, có xứ kẻ ác đang có nhiều, có xứ đang vui cười, có xứ đang khóc lóc v.v… nói chẳng hay cùng. Nhưng bởi địa cầu thế giới là do tứ đại mãi lăn xoay, cho nên chốn nào cũng dời đổi không thường, hoặc lâu hoặc mau. Vậy thì tâm trời Phật ở chỗ trời Phật, tâm người thú đến chỗ người thú, tâm quỷ ma đến chỗ quỷ ma. Cũng có kẻ lựa chọn chỗ tốt xấu, hoặc đi qua thế giới khác, hoặc đi xứ khác, nhưng dầu ở đâu đi nữa, thì cũng không bền lâu. Tốt hơn là ở chỗ tâm mình, tâm mình tạo quyến thuộc cảnh ngoài, ai ai sự chi dời đổi mà tâm mình thì phải cho nhất định, mới có yên vui được.

 

Vậy nên phải lựa chọn cái tâm, bằng được tâm thiện, tâm huệ, tâm chơn, thì dầu cảnh nào đi nữa, nó cũng vẫn tìm chỗ thiện huệ chơn của nó, và sẽ luôn chung cùng với quyến thuộc thiện huệ chơn, để hưởng sự yên vui mà thôi.

 

Trái lại ác mê vọng thì phải rối khổ chết tiêu, và ở đâu đi đâu cũng không được, lại chẳng bao giờ có quyến thuộc thân cận, đời nó bao giờ cũng lẻ loi, lạnh lùng trong bóng tối, thúi dơ, nặng nề, khổ sở. Sống cũng vậy, mà chết mất thân rồi thì tâm hồn nó cũng vậy, nó ở theo cái tâm của nó.”

 

 

Siêu hình nghĩa là vượt qua hình ảnh, thì mắt thường không thấy được. Mắt đã không thấy được mà muốn biết nó ở đâu thì có thể nói lý. Khi hỏi “Cõi siêu hình trời, Phật ở tại đâu?”, câu trả lời cho ta thấy rằng các cõi ấy không ngoài tâm! (Cũng như lời dạy trong kinh Phật: Mười pháp giới không ngoài một tâm niệm.) Còn vô số địa cầu trong vũ trụ thảy như nhau. Tâm có thể tạo ra cảnh để nó ở ư? Đúng vậy, đức A-di-đà tạo ra cõi Tây phương Cực Lạc, cũng như ông Donald Trump tạo ra cao ốc Trump để ở.

 

Vô số địa cầu tứ đại trong vũ trụ mãi lăn xoay vô thường, chính vì lăn xoay chuyển động mà các mầm sống trong tứ đại mới nẩy nở, sinh sôi, tiến hóa. Vô thường là điều kiện sống còn của địa cầu, nhưng nếu ta bám vào vô thường thì sẽ bị khổ não.

 

Vậy thì tâm trời Phật ở chỗ trời Phật, tâm người thú đến chỗ người thú, tâm quỷ ma đến chỗ quỷ ma. Dù có đi đâu thì tốt hơn vẫn là ở chỗ tâm mình, tâm mình tạo quyến thuộc cảnh ngoài, ai ai sự chi dời đổi mà tâm mình thì phải cho nhất định, mới có yên vui được. Lời nói này đã chỉ chỗ cõi siêu hình của quý ngài rồi.

 

Như ngài Minh Đăng Quang trước khi vắng bóng đã nói với cha rằng: “Ông lão đến năm con khỉ sẽ theo tôi về núi tu.”. Năm Mậu Thân 1968 ông cụ mất, thì ông sẽ được đón về núi chỗ ngài Minh Đăng Quang ở chứ sao. Núi đó ở đâu? Dĩ nhiên nó là một cõi siêu hình, ứng theo tâm ngài Minh Đăng Quang, người thường, người vô duyên, người thấp hơn, nhìn không ra núi ấy. Cõi siêu hình là pháp giới, cõi pháp, theo Phật học phổ thông.

 

 

26. – V: Người ta nói địa ngục dưới đất phải chăng?

 

– Đ: Đức Phật nói rằng: Giữa ruột trái đất là bộng trống, tối đen, lửa cháy, vách sắt, dưới sâu dơ dáy… là quyền giáo ví dụ. Chớ thật ra, thiên đường là thiện đạo, địa ngục là ác đạo, thiện là trên, ác là dưới. Kẻ ác trược là dơ dáy, thấp thỏi, sâu độc, tham lam là vách sắt, sân dục là lửa cháy, si mê là tối đen, vật chất là đất bao bọc nấm mồ. Muốn dễ hiểu ta hãy nhìn xem giữa buổi chợ đông thì thấy rõ. Cảnh do tâm, tâm nào thì hạp cảnh nấy, đợi gì sống chết và ở đâu đâu.”

 

 

Đã hỏi về cõi siêu hình trời, Phật, lại hỏi về cõi địa ngục. Địa ngục cũng là cõi siêu hình. Đã siêu hình mà mô tả nó ở giữa ruột trái đất bộng trống, tối đen, lửa cháy, vách sắt, dưới sâu dơ dáy… là quyền giáo, lời dạy quyền biến, ví dụ cho người nghe được hiểu. Phải theo lý, theo tâm, mà thấy cảnh địa ngục siêu hình: vật chất là ngục tối, lòng sân là lửa, lòng tham là vách sắt, lòng si là bóng tối, kẻ ác là kẻ tội đồ đang khốn khổ vì tham sân si của mình… đợi gì phải chết rồi mới đọa địa ngục. Vậy dứt tham, sân, si là phá địa ngục.

 

Bây giờ, khi mạng internet thịnh hành khắp thế giới, người ta hay nói về các thế giới ảo như Facebook, Game, báo mạng… Tuy là thế giới ảo, không đo lường được, nhưng tác động của nó đến người dùng là thật. Đây là một so sánh để chỉ ra các cõi siêu hình trời, Phật, địa ngục, ngạ quỷ, thần, tiên…

 

 

27. – V: Do đâu mà kẻ nói chết còn, người nói chết mất?

 

– Đ: Bởi kẻ ác nói liều, kiếp này làm ác vui chơi cho thỏa thích, đời sau sẽ tu cũng không muộn, nên bậc hiền Thánh dạy rằng: Công lý tương đối của võ trụ vốn công bằng, được bây giờ thì mất về sau, được thân thì mất tâm, được ngoài thì mất trong, thái quá thì bất cập, sanh thì tử. Nếu như đời trước không tu tập phước đức, mà đời nay lại làm tội ác quá, thì e sau khi chết, linh hồn, cái biết, bị quả báo điên khổ mà tiêu tan, thì còn có đâu đời sau nữa mà hòng tu?

 

Còn như kẻ ác nói ngang: Chết là mất, nếu không làm ác vui chơi bời là khờ dại. Bằng như đời trước không làm tội gây nghiệp, kiếp này phước dồn đang hưởng, mà lại quá ác xài nhiều, có ra không vô, thì sau khi chết đi, linh hồn cái biết chưa bị khổ điên chết mất, đến lúc sanh đời sau hết phước mà lại chịu quả báo tội nghiệp thì khổ lắm, chịu sao cho nổi?

 

Thế nên, kẻ ác nói đoản thì Phật, Thánh chỉ chỗ trường, cho nó biết tu mà nhờ lấy. Nếu kẻ ác nói trường thì Phật, Thánh chỉ chỗ đoản, để giác ngộ cảnh tỉnh mà cứu nó về sau. Đời sau kẻ chẳng rõ lẽ ấy, nên mới có câu: “Chết còn, chết mất”, chớ còn, mất là tại nơi thiện hay ác của mỗi người gây tạo.”

 

 

Chết còn và Chết mất là hai quan điểm cực đoan của một số người. Những kẻ ấy sống tùy thích, khi có ai phê phán, góp ý thì cho rằng đời sau tu cũng không muộn (Chết còn), hoặc còn đời sau đâu mà lo (Chết mất). Thật ra thì kẻ ác chết mất, người thiện chết còn. Chết đây là chết thân, và còn mất là còn mất sự sống ở đời sau, còn mất cái biết.

 

Người chưa đến chỗ công lý tuyệt đối là Niết-bàn, người còn sống trong công lý tương đối là Nhân quả, lúc còn có phước người làm thầy thiên hạ, đến khi phước hết thì đau bệnh không nói được. Việt Nam hiện nay có mấy vị đại thiền sư, đại pháp sư như thế. Trông gương ấy ta hãy cảnh giác chính mình.

 

 

28. – V: Tiêu diệt cả thân tâm bằng cách nào?

 

– Đ: Kẻ ác, trẻ con, rủ nhau làm thiện là ít ai hưởng ứng; bằng hô lên làm ác, giết trâu bò, thì lại rất đông nhiều, không kêu cũng tới, không mời cũng bu, một dao thêm một dao, một mạng thêm một mạng; lại còn khen hay khoe giỏi, vi cánh càng to, thiếu chi người xu bợ. Cũng như kẻ lượm đất liệng lên không, có trớn rất mạnh, rất cao, hết trớn thì đứng lại và rồi rớt xuống, càng to lớn nặng nề càng sa nhào mau lẹ, đã lún sâu mà còn tan rã mất hình hài. Kẻ ác cũng thế, lúc đầu thì bạo phát và sẽ bạo tàn kế đó. Trước tập ác với thú, ác lần tới người, ác với kẻ xa, rồi lại ác với người gần là đồng bọn nó. Nó bị phản bội, thế lực tan rã; nó bị thương, bơ vơ, đói khát, tàn tật… Bởi tánh ác đã quen cao, không hạ thấp xuống được, mới sanh tức khí, bất mãn, khổ giận, lại bị trả thù, ai ai đều ghét. Cái khổ tâm làm cho nó ngây khùng mất trí, khổ quá bủn rủn mất cả hành vi cử động, gần như thú, chơi với thú, ghét loài người. Khổ nữa và thêm sự hành phạt cuồng điên, mất cả tư tưởng, ghét thú, mến cỏ cây, ở nơi lùm bụi. Và rốt cuộc sự điên khổ đói bịnh hành phạt, làm cho đứt luôn thọ cảm, hết biết, mất biết, không còn biết, cái biết kết tập lâu ngày tan mất! Kẻ ấy quá khùng điên không giảm làm mất thọ cảm, không còn biết cỏ, cây, thú, người, và sự nhập thai, ăn uống chi cả, thì thân tâm tiêu diệt, tiêu cả bóng hình. Cảnh khổ ấy gọi là địa ngục vô gián A-tỳ. Kẻ ác vương mang thì không còn phương nào ai cứu chữa, và cũng khó lại gần nó, mà nào có ai thương tiếc gì nó đâu?

 

Khổ điên có hai cách: Kẻ ác điên khổ thì tiêu diệt. Còn người thiện vì lo, vì quá học mà điên, thì như đi nhảy cấp sụt thang, điên sảng chỉ một thời gian thôi. Bởi nhờ hiền lương, có kẻ thương yêu săn sóc, chăm nom chiều chuộng ở gần, nên chẳng bao lâu được tỉnh lại lần, như đứa trẻ tập biết lần lần khi mới lớn.

 

Nhiều bịnh điên nhất là khổ vì tình dục, chính khổ ái ân là lưỡi kiếm giết tâm hồn, diệt tiêu cái biết, đau đớn vô ngần. Kẻ khổ điên vì tình mà làm ác thì mau chết lắm, nhưng nếu thiện lành là còn cứu chữa được. Thế nên Phật dạy: Tình dục là cửa địa ngục A-tỳ!”

 

 

Câu 28 mô tả sự tiêu diệt cả thân tâm, tiêu tan cả bóng hình. Cái tâm, cái biết, linh hồn đã được tạo ra lần lần, và nó cũng có thể chết đi lần lần. Hễ thiện là sống, ác là chết. Tác giả đã mô tả những nhân duyên khiến cái biết bị tiêu diệt, là những việc rất bình thường trong đời sống của con người. Chính sự điên loạn đã giết tâm chết, chứ bom nguyên tử là vũ khí đáng sợ nhất hiện nay cũng không động được tới tâm một chút nào cả.

 

Tóm lại, chỉ có chính mình mới giết được mình, bằng việc làm ác, lời nói ác, suy nghĩ ác. Nhất là tình dục, dễ khiến cho người ta điên loạn, chết cả tâm hồn, thật đau đớn! Nên Thánh nhân dạy: “Tình dục là cửa địa ngục A-tỳ!”, “Dâm đứng đầu trong muôn điều ác!”, “Bỏ người làm thú là do ái tình!”… Hãy lưu ý sự nguy hiểm của tình dục. Và sau tình dục, hiện nay có ma túy với các chất kích thích tạo ảo giác, làm cho thần kinh người dùng bị hủy hoại, tâm bị điên loạn, hậu quả khôn lường. Một cái thân người chỉ cần 20 năm để trưởng thành, trong khi cái biết phải cần rất nhiều kiếp sống mới lớn khôn thành tâm người. Vậy có nên để mình điên loạn hay không?

 

Đặc biệt, cũng có trường hợp người thiện bị chết tâm, khi điên loạn vì học nhiều. Tuy cái biết của kẻ ấy không bị tiêu diệt, nhưng nó trở lại như trẻ con. Vậy lo học quá có thể làm người ta điên, bị chết tâm một phần.

 

Nhân tiện nói đến trường hợp của các bậc Thánh khi chuyển kiếp mang thân tứ đại đã bị mê. Bồ-tát còn mê khi cách ấm, Thanh văn còn muội lúc nhập thai. Hậu thân của các ngài Dalai Lama (Đạt-lai Lạt-ma) còn phải rước về Phật học viện đào tạo lại cho khôi phục công lực. Các ngài theo nguyện độ đời mà ứng thế làm người, khi mang sắc thân tứ đại mới đều bị mê muội một thời gian, đến khi đủ duyên mới được khôi phục đầy đủ. Thánh nhân còn bị sắc thân che đậy, huống gì phàm phu, sao dám coi thường, cho rằng đời sau mình vẫn có bản lãnh như đời này! Nói gì đời sau, có khi già mình lại bị lú lẫn kia! Vậy phải lo tu luyện cái biết. Thiền sư Sư Nhan mỗi ngày ngồi trên tảng đá trước am tự bảo: “Ông chủ! Tỉnh tỉnh chớ bị lừa gạt! Đây là pháp chánh niệm của bậc đã kiến tánh.

 

Như có những thầy bùa trù ếm kẻ khác, bắt lấy hồn vía kẻ khác, dùng phép thuật làm cho hồn vía kẻ khác tiêu tan, thì sao? Trường hợp cá biệt này tác giả không nói đến. Nhưng oai lực của Phật – Pháp – Tăng có thể cứu độ được tất cả. Câu: “Kính lạy chư Phật, Pháp, Tăng mười phương ba đời!”, “Nam-mô Hắc-ra-đát-na Đá-ra-dạ-da!”, có thể khiến cho kẻ niệm cảm được oai đức không thể nghĩ bàn của thường trụ Tam Bảo, vượt qua tất cả khổ nạn…

 

 

29. – V: Nếu vậy ai cũng có thể tiêu diệt hết sao?

 

– Đ: Đừng giật mình, hãy làm thiện là tấn hóa và nuôi sống mãi vậy. Lẽ sanh diệt tạo hóa có chi lạ, thân cũng vậy mà tâm cũng vậy. Chớ nếu càng sanh mà không diệt, thì xưa nay đất đâu mà chứa hết chúng sanh? Nào riêng loài người, loài thú, cây cỏ kia sao không ai nghĩ đến mà thương xót cho nó. Làm ác giết người, người chết thân mà còn tâm, trái lại mình cái tâm đã chết, hột giống tâm đã đứt, còn thân thì sau sự vay phải trả, phải đền bù bằng cái chết. Thế rõ ràng là mình tự giết thân tâm mình đó! Sự thật, xưa nay nào ai dám nghĩ đến, hoặc nhắc cho lẽ ấy, nhưng sao ta làm ác lại lo hoài và nhớ mãi, chỉ ngó tới mà chẳng tin rằng có sự lui. Trong đời đâu có lẽ tốt hảo tuyệt đối cho riêng ta vậy.”

 

 

Cái chết cả thân tâm đó thật đáng sợ, mà ai cũng có thể bị tiêu diệt hết sao? Đừng giật mình, hãy làm thiện là tấn hóa và nuôi sống mãi vậy. Hãy sống tích cực, tìm lấy những niềm vui tốt mỗi ngày, ăn uống những niềm vui đó, khiến tâm hồn được no mập. Như các nhà sư hàng ngày thường thọ dụng món pháp hỷ và thiền duyệt. Các vị chơn tu ấy không lo ăn món gì, nấu cách nào, tàu hủ hay nấm, rau, đậu… Các vị ấy tìm hưởng niềm vui trong Chánh pháp và trong thiền định, nhờ vậy nuôi lớn cái biết, thành tựu vô lượng công đức.

 

Người đời sống để nuôi thân, nuôi mạng sống, xét ra sự sống đó có ý nghĩa thấp, gọi là kẻ ác – trẻ con. Có nhiều người hướng về xã hội, chọn lối sống vì mọi người, sự sống đó rộng lớn (quảng đại), được ngài Minh Đăng Quang gọi là bậc trời – người lớn. Một số ít người biết tu dưỡng đạo đức, sống theo gương chư Phật, theo các bậc minh triết, sống vì chúng sanh muôn loại, sống với chơn tâm, gọi là ông già. Trẻ con, người lớn, ông già đều là người, mà xem bản chất lại là ba bậc khác hẳn nhau. Giáo lý Trẻ con – Người lớn – Ông già của Sư trưởng Minh Đăng Quang nghe giản dị mà ý nghĩa sâu sắc, dễ hiểu. “Chúng sanh dữ Phật đồng” là như thế, chứ thật tế thì chúng sanh cách xa Phật lắm.

 

 

30. – V: Làm thế nào mới thành Phật và sống đời đời?

 

– Đ: Không khó! Một con thú mới sanh ra làm người chỉ biết ăn, kiếm ăn để sống và rồi chờ chết, nhưng lâu ngày nhàm chán mệt mỏi. Một hôm đi ra đường gặp kẻ đói khó hơn nó, nó liền bố thí cái dư của nó giúp người. Nó được lời cảm ơn và khuyến khích, nó vui mừng sung sướng, nó no mát nhẹ nhàng, nó thấy hay hay mới lạ, và từ đó nó ham bố thí, quên mình mà nghĩ đến người. Mặc cho kẻ khác chê cười ngu dại, nó siêng làm việc cho kẻ xung quanh, để được vui trong tâm và làm gương trong cõi đời về sau cho trẻ nhỏ, nhờ vậy mà thâm tâm nó càng được trong sạch, yên lặng và sáng suốt lần lần. Nó gặp được sự ích lợi thanh cao, chơn thật, nó hiểu được con đường sống có ý nghĩa! Nó làm phải cho một gia đình, người ta coi nó như cha. Nó giúp cho cả làng tỉnh, người ta kỉnh nó như quan. Nó thương yêu cả xứ, người ta mến nó như vua. Ai cũng muốn gần nó, nương dựa dưới sự mát mẻ êm ái của nó. Khi trọn phận sự của kiếp người, bằng xác thân vật chất, thì nó chết, nó đi nghỉ mệt ở núi non, mà ôn nhớ lại những sự lành, để cho tâm hưởng ăn no đầy khoái lạc.

 

Trước khi nó chết, sau khi nó chết, đang khi nó chết, cũng có nhiều kẻ chết. Họ chết sau sự khổ nạn, họ tìm nó và đến ở chung với nó, để nhờ nó an ủi dạy dỗ tâm hồn. Lần lần xã hội siêu hình của nó càng đông, nơi đây nó làm vị vua trời bởi người ta tôn, cũng như ông thầy giáo bước lần lên đốc học.

 

Kẻ thiện lành dầu câm cũng biết nói, nói lời lành ai cũng mến. Kẻ ác dầu học giỏi cũng như câm, vì nói chẳng ai nghe. Nơi đây nó tập nói, lần lần sáng trí hoàn toàn giác ngộ, thấu chơn lý và đắc đạo. Nó bước đi thêm một bước, để dạy đạo giải thoát Niết-bàn, và đi giáo hóa khắp nơi cùng xứ. Cho đến khi thành đạo to lớn, có người thay thế, nó bèn nhập định hưu trí nghỉ ngơi (Niết-bàn Như lai). Đến đây cái biết cứng đầy no vui sướng mãi, nghỉ dưỡng đời, trường sanh bất diệt. Hình bóng của biết đã trở nên một sức mạnh không tan, sắc vàng chói rực, muôn loại kỉnh thờ, gương lành giáo lý phóng khắp cùng nơi, đời đời sống mãi, quét sạch bụi hồng.

 

Đó là từ thú đến người, đến trời, đến Phật, mỗi bước đi lên, không tự cao chấp lầm đứng nghỉ, ấy cũng chỉ từ nơi cái thiện mà nên được.

 

Vậy chúng ta hãy ráng noi theo gương lành này đặng diệt trừ hết ác, làm tốt trọn lành, thương dạy cả chúng sanh chung, bình đẳng bác ái, không lựa nhỏ lớn sang hèn, thì mới chắc mong thành Phật sống đời, yên vui không còn rối khổ.

 

Vậy thì ai ai cũng nên là Phật hết.”

 

 

“Làm thế nào mới thành Phật và sống đời đời?”, tư tưởng này ai không chịu thì tùy chứ biết sao! Những ai chấp nhận, thích thú, bàn luận, nghiên cứu, sống theo tư tưởng này đều là hàng thượng căn, thượng trí, dĩ nhiên vậy.

 

Đặt vần đề cốt lõi ra rồi, tác giả đáp thật ấn tượng: KHÔNG KHÓ! Thành Phật không khó ư? Sống đời đời, không bị ác pháp làm cho tiêu diệt, không khó ư? Lời đáp thật mạnh mẽ, sốt sắng, nghiêm túc.

 

Tác giả dùng một ví dụ để diễn giải: “Một con thú mới sanh ra làm người…”, là ai vậy? Hạng người đó có rất nhiều, hạng sống để lo ăn, ngủ. Họ sống đơn giản, ích kỷ, thần sắc tối tăm. Hãy xem quanh ta, buổi sáng người người dắt xe ra cổng, hỏi: “Đi đâu đó bạn?”, đáp: “Đi làm ăn.”. Người ta sống để làm và ăn, một cuộc sống thật dụng, đơn giản, thô tháo, nặng nề, trong phạm vi của thân thể. Cuộc sống đó như trẻ con, vị kỷ. Từ vị kỷ, người tập sống vị tha, trở thành người lớn, bậc trời. Từ bậc trời, người tập giác ngộ và trọn lành, giống như ông già, gọi là Phật. Trẻ con – Người lớn – Ông già, thật tự nhiên, vốn là như vậy, không phải do ai áp đặt cả.

 

Pháp tu thành Phật câu 30 đã chỉ ra là pháp Giúp đỡ chúng sanh vô điều kiện, là pháp tự nhiên do con thú ấy phát hiện ra. Tuy vậy pháp Giúp đỡ chúng sanh vô điều kiện cũng là pháp Thánh nhơn để nuôi cái biết, gọi là pháp Bố thí, pháp Giáo hóa... Còn hàng khất sĩ có các pháp Giới, Định, Huệ.

 

Câu 2, khi phân tích đã nhắc đến “tư duy siêu hình”, đến câu 22 tác giả viết: “môn siêu hình học”, câu 25 thì hỏi về “cõi siêu hình”, còn ở đây lại viết: “xã hội siêu hình”. Siêu hình, vượt qua hình thức bên ngoài, nhìn vô bản chất, nhận lấy lẽ thật – chơn lý, là điểm chính của tư duy Minh Đăng Quang. Chính sanh và tử của muôn loài vạn vật đã chỉ ra điều đó, chính cuộc sống tự nhiên xưa nay trong vũ trụ là vậy, không phải là quan điểm của ngài Minh Đăng Quang. Nhưng vì Sư trưởng Minh Đăng Quang đã chỉ ra điều đơn giản mà hiển nhiên đó, nên gọi đó là lời dạy của ngài vậy.

 

*****

 

 

Chơn lý số 7 của Sư trưởng Minh Đăng Quang viết về đề tài Sanh và Tử – Sống và Chết – Live and Die. Đề tài này thấy đơn giản mà lại rất rộng, khi tập trung nói vào trọng tâm cái gì sống chết, lại thành ra nói khắp vũ trụ nhân sinh, muôn loài vạn vật. Một tầm nhìn trùm khắp vũ trụ, quy chiếu vào một đề tài, tùy nghi diễn giải, trình bày, thật không tưởng tượng nổi! Phải là bậc minh triết cỡ nào mới làm được điều đó? Trong khi các hàng Bồ-tát còn chưa nhìn hết được vũ trụ, bậc A-la-hán chỉ thấy được một đại thiên thế giới với điều kiện phải đứng giữa đại thiên đó!

 

Tác giả viết ra mọi giải đáp một cách hiển nhiên, không đắn đo, không cần trích dẫn đối chứng, còn bảo: “Lẽ sanh diệt tạo hóa có chi lạ!”. Cái biết – cái giác – cái ta – cái Phật được trình bày rõ mọi khía cạnh, giúp người đọc sáng tỏ nhiều điều. Những từ ngữ có vẻ cao siêu, đậm chất Phật giáo, mà giới Phật học hay nói đến như Chơn như, Phật tánh, Tánh không, Viên giác, Kiến tánh, Chơn không… đều không dùng đến trong bài Chơn lý số 7. Bài Chơn lý số 7 chỉ vận dụng những từ ngữ bình dân, phổ thông, để nói lên chơn lý, Phật pháp. Thế thì bài Chơn lý số 7 đã hay ở nội dung, tư tưởng, lại càng hay vì cách nói, lời lẽ bình dân. Như nhận xét: Giáo lý nhà Phật là giáo lý dạy về tâm, thì bài Sanh Và Tử này rất đúng với nhận xét đó.

 

Tại sao tác giả không gọi nó là “tâm”, mà lại gọi là “cái biết”? Khi phân tích câu 1, điều này không nói ra là để đến phần kết mới nói. “Tâm” là từ phổ biến xưa nay, mà “cái biết” là từ do tác giả sử dụng. “Biết” là từ thuần Việt, dịch nghĩa của “tri” là từ Hán – Việt. Dùng từ “cái biết” sẽ xác nghĩa hơn dùng từ “tâm”. “Tâm” là điểm chính, là lõi, là cốt. Tâm của chúng sanh là biết. Chơn lý 12 – Khất Sĩ viết: “Chúng sanh là cái biết, từ chưa biết đến đang biết, và cái biết sẽ hoàn toàn ngơi nghỉ.”.

 

Cái biết có hình bóng, khi động. Những hình bóng đó mắt thường không thấy được, chỉ tâm định mới thấy. Cái biết ban sơ như một làn khói, sau đó tượng hình, thành hình rõ rệt, rồi hình lâu tan, cuối cùng là vàng rực bất hoại. Khi cái biết chẳng động thì không ai thấy được nó.

 

Cái biết có nhiều mức, gồm thọ cảm, tư tưởng, hành vi, thức trí và giác chơn, từ non tới già. Trong Giáo lý Thanh văn, đức Phật dạy năm uẩn không ta. Trong Giáo pháp Khất sĩ, Sư trưởng Minh Đăng Quang dạy bốn uẩn Thọ cảm, Tư tưởng, Hành vi và Thức trí là bốn cái ta tạm của chúng sanh, và ngoài năm uẩn còn có thêm Giác chơn, cái biết thật. Chính Giác chơn mới thật là Biết, là Ta, là Phật. Khi qua Trung Quốc truyền đạo vào đầu thế kỷ VI, ngài Giác Pháp (Bồ-đề-đạt-ma) đã chú trọng truyền dạy tâm chơn này, thuận duyên phát triển thành Thiền tông thịnh hành hơn ngàn năm ở khắp miền Đông Á, truyền xuống xứ Bắc Việt từ thế kỷ VII. Quả thật, nhà Thiền không dạy gì ngoài tâm chơn, gọi là TỪ SANH ĐẾN TỬ CHỈ LÀ CÁI ẤY. Giáo pháp đó rất cao, không phải là thích hợp cho tất cả, nhất là thời nay...

 

Cái biết đã, đang và sẽ được sinh ra, sống còn, chết đi, hoặc sống mãi đời đời trong vũ trụ mênh mông. Từ thuở nào là những cái biết mông muội, trải qua cuộc sống dài vô số kiếp tiến hóa thành những cái biết phàm tục, rồi thành những cái biết loạn của thiện ác phân tranh trong cõi người, để đến với những cái biết thanh cao quảng đại của trời, cuối cùng thành cái biết định của Phật. Ôi, cuộc sống đó trải qua biết bao đời kiếp! Cuộc sống đó là sanh tử, tử sanh bất tận. Công cuộc tiến hóa tự nhiên như thế không đáng cảm khái vô cùng hay sao!

 

Nhưng có pháp Thánh nhơn để nuôi cái biết cho thành tựu. Từ ngàn xưa chư Phật đã truyền dạy những Chánh pháp đó. Theo những Chánh pháp này là bảo đảm tâm không bị tiêu diệt (hộ pháp), là đi tắt khỏi con đường lẩn quẩn của chúng sanh (đốn pháp), là đi thẳng đến đích của cuộc sống (trực pháp). Dù phải tu hàng chục năm mới được định thì vẫn mau hơn nhiều so với hàng ngàn kiếp tiến hóa! Chúng sanh sống để làm gì? Chúng sanh sống để làm học trò, lo ăn học thành Phật! Cái biết sinh ra để làm gì? Cái biết sinh ra để làm chủ vũ trụ, thừa hưởng tất cả, sống mãi.

 

Đặc biệt, tư tưởng Giải thoát sanh tử không được đề cập đến ở đây, trong Chơn lý Sanh Và Tử. Chắc rằng ai cũng sẽ hỏi: Tại sao đã thuyết minh về Sanh và tử mà lại không nói về Giải thoát sanh tử? – Bởi lẽ, bài chơn lý này thuyết minh về sự lớn khôn, tiến hóa của chúng sanh, từ thuở phôi thai là cọng cỏ cái cây đến khi thành Phật sống đời đời, thì giải thoát cái gì chứ? Với đặc điểm này, Chơn lý Sanh Và Tử thuộc về hệ tư tưởng nào của nhà Phật? – Nó là tư tưởng Nhất thừa, là hệ Hoa nghiêm vậy!

 

Ngài Nàgàrjuna (Long Thọ, đại sư Ấn Độ, thế kỷ II) lập thuyết Tánh không, mở ra một trường phái tư tưởng hưng thịnh từ đó đến nay. Ngài Asanga (Vô Trước, đại sư Ấn Độ, thế kỷ IV) lập thuyết Duy thức, mở ra một trường phái tư tưởng cũng hưng thịnh không kém. Thuyết về tánh và thuyết về tướng chúng sanh muôn loại của các đại sư thời xưa đã giúp bao người được giác ngộ giải thoát, thành tựu vô lượng công đức trang nghiêm. Đến khi Sư trưởng Minh Đăng Quang xuất thế, ứng theo trí tuệ của người thời hiện đại, ngài đã viết Chơn lý vũ trụ, đồng thời chỉ rõ sự lý.

 

Sanh và tử là cuộc sống vô thường, luân hồi lẩn quẩn của chúng sanh muôn loại. Vì vô thường, lẩn quẩn nên phải trải qua biết bao khổ đau, lầm lạc, và chỉ có số rất ít đến được đích của cuộc sống: ĐÓ LÀ SỐNG MÃI KHÔNG CHẾT, LÀ THÀNH PHẬT. Câu vấn đáp 27, tác giả viết: “Sanh thì tử”, theo công lý tương đối của vũ trụ. Nhìn chung, 30 câu vấn đáp là mổ xẻ vấn đề qua 30 bước. 30 là tương đối nhiều, nên tác giả đã viết súc tích để người đọc dễ nắm bắt. Ngay câu đầu tiên tác giả đã đi thẳng vào nội dung, không dẫn nhập; và câu cuối là giải quyết vấn đề đã nêu lên.

 

Như đã nói, 10 Chơn lý đầu được viết liền lạc nhau, thì Chơn lý kế tiếp Sanh Và Tử sẽ nói về điều gì? Chơn lý số 8 – Nam Và Nữ, còn có tên là Nhân Sanh Quan, thuyết minh về quan điểm sống của loài người. Chấp thân làm ta và tôn thờ Ái làm lẽ sống, nhân loại đưa nhau vào thế giới của ái dục. Họ dệt nên bao tình yêu trần tục, và sống chết, khổ vui bất tận trong cuộc sống đó. Nhưng chư Phật đứng trên chữ Ái nhỏ nhen, với lòng thương tất cả chúng sanh, từ đó đã bước lên các bậc Chánh đẳng Chánh giác của vũ trụ.

 

Bài Chơn lý Sanh Và Tử này nếu đem dạy trong chương trình Triết học của các trường Đại học thì sao? Tin rằng nó sẽ đem lại nhiều ích lợi cho nhân loại. Nhưng giảng cho sinh viên, cho hàng trí thức trẻ chưa có hiểu biết về Phật pháp, phải giảng từ đầu, để họ nắm bắt được Chơn lý Minh Đăng Quang, rồi mới đi sâu vào bài số 7 này.

 

Mặc dù hòa thượng Giác Tường, vị sư cao hạ nhất trong phái Khất Sĩ ngày nay, thường chỉnh mọi người không được nói Ta, vì không có cái Ta, nhưng bài Chơn lý số 7 – Sanh Và Tửđã thuyết minh về Ta rất rõ ràng. Xem lại văn bản Chơn Lý toàn tập, thấy ngài Minh Đăng Quang viết “Ta” hơn 2000 lần. Chính Tổ sư còn như vậy, làm sao chỉnh mọi người không được nói Ta?

 

Mặc dù hiện nay thế giới có nguyên một phái Phật giáo lớn nói “Anatta – Non-self – Vô ngã – Không ta”, nhưng chúng ta phải học theo giáo pháp của Tổ thầy đã dạy, phải học theo Chơn lý. Hàng tiến sĩ Phật học được đào tạo từ các hệ thống ấy, ở India, Myanmar, Thailand, hay ở Trường Vạn Hạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh… đều theo học thuyết Vô ngã (mới được cấp bằng). Thế thì các vị ấy cứ “Vô ngã”, bởi đã nói: “Chúng sanh chưa có ta, chư Phật mới có ta!”, thì còn tranh luận gì nữa.

 

Chơn lý Sanh Và Tử là một trong số 69 bài Chơn lý của Sư trưởng Minh Đăng Quang. 69 tức một, mà hàng trăm bài Chơn lý cũng là một, một vòng tròn không đầu không đuôi. Hễ duyên đến đâu thì triển khai chỗ đó, mà chính Sư trưởng Minh Đăng Quang cũng thế. Mục lục 69 Chơn lý tuy có sắp đặt bài Võ Trụ Quan là Chơn lý số 1, nhưng sau 10 Chơn lý đầu thì không nhất định, thấy như không theo một thứ tự nào hết. Có y theo Chơn lý Minh Đăng Quang mới đúng là nối truyền Giáo pháp Khất sĩ, nối truyền Thích-ca Chánh pháp như Sư trưởng Minh Đăng Quang. Bằng chúng ta định nghĩa Giáo pháp Khất sĩ là tổng hợp của Nam truyền và Bắc truyền Phật giáo, rồi đem hai giáo pháp kia triển khai, thay vì triển khai chính Giáo pháp Khất sĩ, thì chúng ta đã đi lệch con đường của Sư trưởng Minh Đăng Quang rồi, suốt mấy chục năm qua!

 

 

-----------------------------------------------

 

Các bài liên quan