Đạo phật khất sĩ / Tư tưởng - Văn hóa / VÔ NGÃ & NGÃ
_____VÔ NGÃ & NGÃ_____
KS. Minh Bình
1. Lời dẫn:
“Vô ngã” nghĩa là “Không ta”, “Ngã” nghĩa là “Ta”. Ở thế gian, ai cũng có ta, mà khi đến với nhà Phật sẽ được bảo là không có cái ta (đó). Thế rồi, khi nói đến đề tài Vô ngã, có nhiều nhà Phật học cho rằng hoàn toàn không có cái ta, rằng đạo Phật là tôn giáo duy nhất phủ nhận sự tồn tại của linh hồn.
Quan điểm “Hoàn toàn không có cái ta” dám chắc là không đúng. Nên trong bài viết này sẽ chứng minh Vô ngã là lời dạy phá chấp của đức Phật, và giác ngộ Ngã là đường lối tu hành của đạo Phật.
2. Vô ngã:
2a. Vô ngã kiến của các nhà Phật học:
Vô ngã và Ngã, Không ta và Ta, là hai từ ngữ chuyên môn của nhà Phật. Đối với giới nghiên cứu chữ nghĩa thì những từ ngữ này quá quen, là món ăn tinh thần, là lẽ sống của họ. Các vị ấy thường xét nét khám phá từng chữ từng nghĩa, làm nghiêm trọng vấn đề, trở nên rối rắm, khác nào vẽ thêm chân cho rắn. Ví dụ các vị học giả ấy đã định nghĩa: “Ngã là một thật thể tuyệt đối, trường cửu trong con người, là bản thể bất biến đằng sau thế giới hiện tượng hằng biến.”, trong khi “Ta là chủ thể”, đơn giản vậy thôi, chẳng cần phải nói thêm thật thể, tuyệt đối, trường cửu, bất biến, hằng biến… rắc rối gì nữa.
Căn cứ theo kho kinh Phật tiếng Pāli (một ngôn ngữ Nam Ấn Độ), các học giả nói đức Phật chưa từng dạy có Ngã trong thân tâm năm uẩn của mỗi người, đức Phật chỉ dạy năm uẩn Vô ngã. Rộng hơn nữa, Phật dạy các pháp Vô ngã. Trong các pháp, Niết-bàn là pháp vô vi, nên Niết-bàn cũng Vô ngã. Từ đó đưa đến kết luận: Vô ngã là chân lý đức Phật đã chứng nghiệm, VÔ NGÃ LÀ NIẾT-BÀN.
Vậy nói đến Vô ngã là nói đến Niết-bàn, theo Phật giáo Nam truyền. Niết-bàn đó như thế nào? Luận Thanh Tịnh Đạo của Buddhaghosa (Phật Âm, danh Tăng người Ấn, thế kỷ V), xưa nay được cả khối Phật giáo Nam truyền xem trọng, trong ấy có kể lại câu chuyện về một vị trưởng lão khả kính:
“135. Trưởng lão tuổi trên sáu mươi đang nằm đợi chết. Tăng chúng đến hỏi ngài có đắc địa vị siêu thế gì không? Ngài bảo: “Ta không đắc địa vị nào siêu thế hết.”. Khi ấy vị tỷ-kheo trẻ hầu ngài thưa: “Bạch đại đức, mọi người vì tưởng ngài đã đắc Niết-bàn nên mới đi hàng chục dặm đường để đến đây. Họ sẽ vô cùng thất vọng nếu ngài chỉ chết như một phàm phu thường tình.”. Trưởng lão đáp: “Hiền giả, vì muốn gặp đức Thế tôn Metteyya nên ta không nỗ lực để đắc tuệ giác. Vậy bây giờ hiền giả hãy đỡ ta ngồi dậy, may ra có đắc chăng?”. Vị tỷ-kheo bèn đỡ ngài dậy, rồi đi ra. Khi ông vừa ra khỏi, trưởng lão liền đắc A-la-hán quả, và khảy móng tay ra hiệu. Tăng chúng tụ lại, bạch ngài: “Bạch đại đức, ngài đã làm một việc khó, là hoàn thành Thánh quả vào lúc lâm chung.”. Trưởng lão bảo: “Chư hiền, việc ấy không khó. Nhưng ta sẽ bảo cho chư hiền biết là việc gì khó thật sự. Chư hiền, từ khi xuất gia cho tới ngày nay, ta không thấy có một hành vi nào ta làm mà không ý thức, không có chánh niệm kèm theo.”.” (tr. 74)
Đắc A-la-hán quả rồi thì trong tương lai không gặp được đức Thế tôn Metteyya (Phật Di-lặc) nữa. Tại sao kỳ vậy? Sách Cỗ Xe Đại Giác của Pa Auk Sayadaw, do TK Pháp Thông dịch, Nhà xuất bản Thời Đại cấp phép, in năm 2014, ghi lại ba bài giảng và 83 câu giải đáp của một đại thiền sư. Câu hỏi số 26: “Có loại người nào không bao giờ đắc thành Phật quả không?”, được đáp:
“Có một vài loại người không thể đắc Phật quả. Loại người thứ nhất là đức Phật, bởi vì một vị Phật đã đắc Phật quả, và do đó không thể nào đắc một Phật quả khác được. Các vị độc giác Phật tương lai, các vị thượng thủ Thinh văn trong tương lai, các vị đại Thinh văn trong tương lai đã nhận được lời thọ ký xác định từ một vị Phật cũng không thể đắc thành Phật quả, bởi vì họ chắc chắn sẽ thành độc giác Phật, thượng Thinh văn giác và đại Thinh văn giác như đã được đức Phật dự đoán rồi. Các vị không còn kiếp sống nào trong tương lai, và cũng không còn danh và sắc nào trong tương lai để hoàn thành mười pháp ba-la-mật nữa. Thêm nữa, một người đã đạt đến bất kỳ đạo và quả nào, chẳng hạn như đạo quả Nhập lưu, không bao giờ thành Phật được. Bởi vì ngay cả tầng Thánh Nhập lưu, tầng Thánh thấp nhất, tối đa cũng chỉ còn bảy kiếp, và sẽ diệt hoàn toàn mọi phiền não và nhập Vô dư Niết-bàn sau khi chết trong kiếp cuối của vị ấy. Không đủ thời gian đâu để vị ấy hành mười pháp ba-la-mật vốn phải mất ít nhất bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp.
…” (tr.159 – 160)
Câu trả lời thật kỳ lạ, khi nói đức Phật không thể thành Phật nữa! Người học đã hỏi những ai KHÔNG BAO GIỜ đắc thành Phật, thì làm sao lại tính đức Phật vô trong số đó, kể làm đầu tiên? Tiếp theo, sách lại bảo các hàng Thánh Tăng cũng không thể thành Phật, lý do là các Thánh Tăng rồi sẽ nhập Vô dư Niết-bàn, không có thời gian để hoàn thành mười pháp ba-la-mật mà thành Phật.
Qua hai ví dụ đã trích dẫn, thấy ra cái Niết-bàn của Thanh Tịnh Đạo và Cỗ Xe Đại Giáccó vấn đề. Niết-bàn đó không phải là chỗ thành tựu công đức tối thượng của người tu hành. Niết-bàn đó chính là chỗ chấm dứt hoàn toàn, không còn gì hết! Thế nên có người đã hoài nghi, cũng trong sách Cỗ Xe Đại Giác, câu số 69 đã hỏi: “Một số người nghi ngại rằng giáo lý về Niết-bàn là một loại đoạn kiến. Sayadaw có thể giải thích sự khác nhau giữa Niết-bàn và đoạn kiến được không ạ?”. (Sayadaw đọc là Sa-da-đo, có nghĩa như “đức thầy” trong tiếng Việt, “tôn sư” trong tiếng Hán, “guru” trong tiếng Ấn, “lama” trong tiếng Tạng, “master” trong tiếng Anh.) Bấy giờ vị ấy đáp:
“Đoạn kiến là tà kiến cho rằng một người sẽ bị hủy diệt hoàn toàn sau khi chết mà không cần phải thật hiện các nhân thích hợp. Ngược lại, đức Phật dạy rằng các quả sanh hợp theo các nhân của chúng. Nói cách khác, khi có nhân thì quả thích hợp sẽ sanh. Chẳng hạn, khi có vô minh, tham ái, chấp thủ, các hành và nghiệp, thì năm uẩn là quả sẽ sanh. Đức Phật cũng dạy rằng, khi không có nhân thì quả sẽ không sanh. Chẳng hạn, khi tất cả vô minh, tham ái, chấp thủ, các hành và nghiệp đã bị hủy diệt bằng A-la-hán Thánh đạo, năm uẩn kể như quả của chúng sẽ không sanh. Như vậy giáo lý về Niết-bàn là giáo lý trung đạo chỉ ra cho thấy rằng nhân sinh ra quả hợp theo một quy luật cố định tự nhiên. Hơn nữa nếu người nào nghĩ rằng không có Niết-bàn cho dù các nhân vô minh, ái, thủ, hành và nghiệp đã bị hủy diệt, người ấy thật sự có thường kiến.”
(tr. 281 – 282)
Câu trả lời đã đi vòng, không nói thẳng, có nội dung tóm tắt như thế này: Giáo lý về Niết-bàn là giáo lý nhân quả, còn đoạn kiến là phi nhân quả. Theo giáo lý Niết-bàn, nhà sư dùng A-la-hán Thánh đạo hủy diệt tất cả các nhân vô minh, ái, thủ, hành và nghiệp, làm cho không có quả năm uẩn nào sanh ra nữa. Còn đoạn kiến cho rằng mọi người tự nhiên sẽ bị hủy diệt hoàn toàn sau khi chết, vốn là điều không thể nào có.
Vậy đã rõ, GIÁO LÝ NIẾT-BÀN CỦA VÔ NGÃ KIẾN LÀ MỘT GIÁO LÝ NHÂN QUẢ và NIẾT-BÀN CỦA VÔ NGÃ KIẾN LÀ KHÔNG CÒN GÌ. Trong khi đức Phật đã thật chứng một chân lý không thể nghĩ bàn, thì đời sau các học giả đã bàn về Niết-bàn như thế. Như ở trang 55, trả lời hai câu hỏi 14 và 15, lời đáp đã xác định: “Nếu còn có một cái tâm vĩnh hằng trong Niết-bàn, thời Niết-bàn sẽ là vô nghĩa.”, và: “Thần thông là bất khả tư nghì chỉ khi đức Phật còn sống, chứ không phải sau khi ngài nhập Vô dư Niết-bàn.”. Hãy xem đức Phật đã chỉ dạy:
“Du sĩ Vacchagotta đi đến chỗ Phật hỏi:
–Thưa ngài Cồ-đàm, có ngã hay không?
Đức Phật lặng im.
–Thế thì thưa ngài, không có ngã sao?
Đức Phật lại lặng im.
Vacchagotta đứng dậy bỏ đi. Sau khi du sĩ rời khỏi, Anan hỏi Phật vì sao ngài đã không trả lời câu hỏi của Vacchagotta. Đức Phật giải thích:
– Này Anan, khi du sĩ ấy hỏi: “Có ngã hay không?” , nếu trả lời: “Có” là ta đã đứng về phe các sa-môn, bà-la-môn chủ trương thuyết Trường tồn. Còn khi du sĩ ấy hỏi: “Không có ngã hay sao?”, nếu trả lời “Không” là ta đã đứng về phe các sa-môn, bà-la-môn chủ trương thuyết Đoạn diệt…”
Đức Phật đã không nói có ngã hay không có ngã, vì e người nghe hiểu lầm. Sự im lặng của đức Phật là một câu trả lời tuyệt hay cho người hỏi, tiếc là nhà khổ hạnh lang thang không nhận ra. Sự im lặng là chấm dứt mọi ý thức, hiển lộ cái thật, chứ đâu phải không có gì. Người xưa đã bảo “Một niệm chẳng sanh toàn thể hiện” đấy!
Thế kỷ thứ VIII, tại núi Bách Trượng, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, có thiền sư Hoài Hải lập đạo trường dạy chúng. Năm đó, mỗi lần sư Hoài Hải thuyết pháp đều có một ông lão vào chúng nghe. Một lần thuyết xong, chúng đã giải tán mà ông lão còn ở lại. Sư Hoài Hải hỏi ông lão có chuyện gì, ông thưa:
– Con lúc xưa vào đời Phật Ca-diếp làm Tăng trụ trì ở núi này. Một lần có người học đạo hỏi: “Bậc đại tu hành còn rơi vào nhân quả không?”, con đáp: “Chẳng rơi vào nhân quả.” (Bất lạc nhân quả.). Do lời đó mà con bị đọa làm cáo đã 500 kiếp. Nay thỉnh ngài từ bi chỉ dạy cho con được thoát thân cáo.
Thiền sư Hoài Hải bảo:
– Ông hãy hỏi lại sư.
Ông lão hỏi:
– Bậc đại tu hành còn rơi vào nhân quả không?
Thiền sư đáp:
– Chẳng mê mờ nhân quả. (Bất muội nhân quả.)
Ông lão nghe lời dạy liền giác ngộ, cảm tạ sư Hoài Hải đã giúp ông giải thoát. Ông nói mình ở sau núi, ngày mai sẽ bỏ xác, xin ngài Hoài Hải hỏa thiêu ông theo nghi thức cho một vị Tăng. Hôm sau thiền sư Hoài Hải gọi chúng đi làm lễ trà-tỳ, ai cũng ngạc nhiên vì thiền viện không có sư nào mất. Dẫn chúng Tăng ra sau núi, đến một cái hang, ngài kéo ra xác một con cáo lớn, làm lễ hỏa thiêu cho nó. Từ đó câu chuyện Bách Trượng dã hồ lan truyền khắp nơi, cảnh tỉnh mọi người chớ phỉ báng pháp, sẽ bị quả báo rất ghê gớm.
Sự sống đời đời của muôn loài vạn vật được thấy ra qua Nhân quả. Giác ngộ Nhân quả để tự chủ lấy ta, trở về công bằng – đạo quả, trong sự sống đó. Ngoại đạo cho rằng chết rồi là hết (đoạn kiến), chết rồi lại tái sinh như cũ (thường kiến), là điều không đúng, họ không biết Nhân quả. Bằng cho rằng bậc đại tu hành chẳng rơi vào Nhân quả, thì cũng giống như nói Niết-bàn là không còn gì, tiêu diệt tất cả. Khuynh hướng hủy diệt sự sống là lỗi đạo, sái đường tiến hóa, chống lại loài người… chính là PHỈ BÁNG PHÁP, tội rất nặng.
Hòa thượng Tuyên Hóa (đại sư người Hoa, thế kỷ XX) đã dạy chúng: “Hãy đảnh lễ cái ngã Vô ngã của bậc Thánh!”. Hòa thượng lấy lời nói Vô ngã mà chỉ ra rằng: Đừng hiểu Vô ngã là không có gì. Đức Phật đã chỉ ra cái giả cho mọi người, do nghe lời Phật mà người học nhận ra được cái thật, thế thì chính cái thật đã biện chứng cho cái giả, chính kết quả đã biện chứng cho lời dạy. Người chưa nhận ra cái thật, lấy ngay cái giả Phật dạy làm chỗ học chỗ tu, truyền bảo nhau mấy ngàn năm, thật đáng tiếc!
2b. Vô ngã là lời phá chấp:
Về Vô ngã, điều đầu tiên dễ nhận ra là Vô ngã không thể được hiểu riêng. Đức Phật chưa khi nào tự nói trống lổng “Vô ngã” cả. Vô ngã chỉ được nói lên trong một ngữ cảnh, hoặc phải nằm trong một câu nói nào đó. Ví dụ Phật dạy: “Sắc vô ngã, thọ vô ngã, tưởng vô ngã, hành vô ngã, thức vô ngã. Vậy cả năm uẩn đều vô ngã.”. Trong lời dạy phổ biến đó của Phật, Vô ngã là một vị ngữ, phải được hiểu kèm theo chủ ngữ.
Người đời chấp lấy thân thể (sắc), cảm thọ (thọ), tư tưởng (tưởng), hành vi (hành) và nhận thức (thức) làm ta, nên đức Phật bảo thân tâm chẳng phải là ta. Ngài muốn mọi người bỏ cái chấp về thân tạm và tâm tạm. Chính vì lấy năm uẩn làm ta mà con người bị rơi vào những sự vô thường, khổ đau của kiếp người.
Còn người tu hành lại chấp pháp, lấy Thiền tâm, hoặc lấy Tịnh nghiệp, Mật chú, Nguyên thủy, Khất sĩ… làm ta. Từ đó khởi lên tự hào, ỷ lại, tranh luận, phỉ báng, tô đắp màu cờ sắc áo, mà không chơn tu thật học. Nên đức Phật đã dạy rộng hơn: Các pháp Không ta – Chư pháp Vô ngã. Pháp là chiếc thuyền để qua sông, đừng chấp nó là ta, ngay cả Niết-bàn. Người đã chứng nghiệm Niết-bàn ắt chẳng chấp vào một danh từ “Niết-bàn” nào cả.
Vậy người đời có Ngã kiến, rằng ta là thân tâm năm uẩn. Đức Phật đã phủ nhận cái ta đó của người đời, để giúp họ nhận lấy cái ta khác tốt đẹp hơn, sống cực lạc, đời đời. Còn người đạo có Ngã kiến, lấy một vài pháp nào đó làm ta, nên đức Phật phá bỏ sở trụ của họ, dạy rằng các pháp không ta, để giúp họ giải thoát tri kiến, nếm được hương vị của đạo quả.
Thế rồi nhiều nhà Phật học lại có Vô ngã kiến. Theo những lời dạy thân tâm năm uẩn chẳng phải là ta, và các pháp không ta, các vị ấy đã khởi lên Vô ngã kiến, cho rằng hoàn toàn không có cái ta. Điều này thật sai lầm. Mà Vô ngã kiến này là cái sai của các nhà Phật học đó, chứ không thể quy nạp: “Đây là tà kiến của Nhị thừa.”. Hàng Tăng thượng mạn, chưa chứng tưởng là chứng, mới có tà kiến. Bậc A-la-hán, Duyên giác là hàng chân Phật tử, là hàng Chánh giác, chẳng thể nào có tà kiến.
Khi phát tâm tu học theo Phật, hàng Phật tử cần tìm cái ta thật của mình. Hễ giác ngộ được cái ta là sẽ giải quyết được mọi vướng mắc, và thành tựu được mọi công đức. Đây là gốc của sự tu hành theo Phật.
3. Ngã:
Quả thật, tham thiền cho minh tâm kiến tánh là trọng tâm của người phát tâm tu hành. Chính khi biết trâu rồi mới học đến cách chăn trâu. Thấy tánh, biết trâu, nhận ra được cái Ta thật, là đầu mối của sự tu hành theo Phật vậy. Đó là bậc đầu tiên (Sơ quả), là thấy đạo (kiến đạo), được mắt pháp trong sạch (đắc pháp nhãn tịnh).
Cái gì là ta, khi đã đắc đạo? Người chưa đắc đạo làm sao trả lời được câu hỏi này. Nhưng theo lời Phật dạy, quả đạo của người tu hành theo Phật sẽ lần lượt là các quả Nhập lưu, Nhất lai, Bất lai, A-la-hán, Duyên giác, Bồ-tát và Như lai, thì đó chính là những cái ta của bậc đắc đạo, chứ sao lại không có cái ta. Nếu đúng thật không có ta, thì ắt không có Nhập lưu, Nhất lai, Bất lai, A-la-hán, Duyên giác, Bồ-tát và Như lai mới phải.
Trong kho kinh Phật tiếng Hán, bộ Kinh Đại Bát Niết-bàn do hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch, đức Phật đã bảo Bồ-tát Ca-diếp: “Trong thế gian kia có ba vị vô thường, khổ và vô ngã; lấy phiền não làm củi, trí huệ làm lửa, do các nhân duyên đó mà thành cơm Niết-bàn là thường, lạc và ngã, làm cho các đệ tử đều được nếm mùi ngọt ngon.”. Nhân dịp nói về sự kiện đức Phật Thích-ca nhập Niết-bàn, kinh Kinh Đại Bát Niết-bàn của Phật giáo Bắc truyền đã thuyết minh về bản chất của Niết-bàn. Niết-bàn đó có bốn đức là Thường, Lạc, Ngã và Tịnh, chứ chẳng phải là chỗ chết lặng, không còn gì hết, A-la-hán cũng như Phật, tiêu tan.
Và khi chưa đắc đạo, cái gì là ta? Cũng như kẻ chưa trưởng thành, nhân cách còn hời hợt, chợt thế này chợt thế khác, xem như cái ta chưa định. Cái ta đó là thân tâm mỗi người nhận lấy, mưa nắng bất thường, hoặc ngàn năm vạn năm, tác oai tác quái, theo nghiệp lưu chuyển khắp ba cõi sáu đường… Kinh Vô Ngã Tướng, đức Phật đã dạy năm vị tỳ-kheo đầu tiên rằng: Này các thầy, sắc, thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải là ta hay của ta. Do hiểu biết đó các thầy sẽ nhàm chán năm uẩn. Do nhàm chán nên không còn ham muốn. Do hết ham muốn nên các thầy sẽ được giải thoát... Chính tên kinh đã nói rõ nội dung: "Vô ngã tướng" nghĩa là "các tướng trạng Vô ngã" nơi năm uẩn, chứ không nói về tánh Vô ngã. Bản chất Vô ngã là gì? – Là lời phá chấp, chỉ cái giả cho người nhận ra cái thật, đã nói ở trên.
Nên người tu phải phát Bồ-đề tâm, siêng gieo trồng công đức, lo xây dựng tịnh độ cho mình và chúng sanh… nói chung là phải tích cực sống theo gương chư Phật. Mọi khổ đau, xấu xa là do ta sanh sự chuốc lấy, chứ cuộc sống vốn là tốt đẹp. Như có người lên núi tham thiền học đạo một thời gian, sau đó người hiểu ra rằng mình phải quay về với cuộc sống, chứ không nên ở trên núi ra vẻ đạo mạo lâu hơn nữa.
Giáo pháp Khất sĩ đã dạy về Ngã – Ta rất rõ ràng. Trong bài Chơn lý số 7 – Sanh Và Tử, câu số 17 Sư trưởng Minh Đăng Quang đã dạy:
“– Vấn: Cái gì là ta và có bao nhiêu cái ta?
– Đáp: Tiếng ta là tư kỷ bổn ngã, do sở chấp mê muội ai cũng tự ái, tự đắc, tự tôn, tự thị, tự kiêu mà cho ta là vầy đúng, ta là vầy phải… Cái ta ấy là biết, cái biết của mỗi trình độ nhơn duyên bao giờ cũng khác nhau chớ không giống một. Các cái biết ấy đều phải cho họ cả, không có ai trật sái hết. Nhưng nếu có một người nào toàn giác biết đầy đủ cả, thì không bao giờ tranh cãi, người cũng không nhận cái ta ở một chỗ nào. Tùy theo duyên, cái ta biến hiện trong mỗi lúc, chớ không phải là sở trụ mà cố chấp được, nên gọi là cái ta vô thường, hay các pháp không ta. Nếu tất cả đều được toàn giác như thế, thì cả thảy đều có một cái ta như nhau, không khổ não. Khác hơn là muôn vạn cái ta của chúng sanh không định, biết đâu mà lường, khi nói vầy, khi tính khác, chấp kia chấp nọ mãi, mà định mạng của cái ta chẳng biết tại chỗ nào, bởi càng quấy tung, tâm trí càng nát nhừ bấn loạn. Cho nên gọi chúng sanh chưa có ta, chư Phật mới có ta, cái ta toàn thể như một.”
4. Lời kết:
Vượt khỏi Ngã kiến của đời, không vướng vào Vô ngã kiến của các nhà Phật học, Giáo pháp Khất sĩ đã dạy những điều thật tế cho người học được giác ngộ và giải thoát như sau:
– Sa-di phải biết rằng, tu học đạo đức là món ăn về tinh thần lý trí, để đến với tâm chơn Phật. (Bài Học Sa-di)
– Tạm sống để nuôi cái biết, linh cho thành tựu. (Đạo Phật Khất Sĩ)
– Ta sẽ đi đến cái vô động, cái không lay chuyển, cái đó không thứ gì giống được hết. (Pháp Học Sa-di II – Định)
– Cả thảy đều có một cái ta như nhau. (Sanh Và Tử)
– Thân hình của đấng Trọn lành hãy còn, đã tách khỏi thế lực dắt tới sự biến thành. (Pháp Học Sa-di II – Định)
– Chính Phật mới có được thân giới định huệ, một nhân vật quý nhất trong đời, là người đắc đạo của võ trụ. (Có Và Không)
– Chúng sanh chưa có ta, chư Phật mới có ta, cái ta toàn thể như một. (Sanh Và Tử)
– Cái thức, cái sống, cái biết mới thật là ta, chúng ta há lại chẳng nuôi nó, hơn xác thân tạm bợ này! Nó chỉ ăn cái thiện, cái chánh. (Võ Trụ Quan)
– Chơn như là hột giống sau chót của các pháp, là pháp tồn tại vĩnh viễn, kêu là ta, chơn ngã,tức là tánh chơn, không vọng, tự nhiên không dời đổi. (Tâm)
– Phật Thánh xưa nói không không là tránh cho chúng sanh sự ác, sự khổ, chớ nào có cái không, không là ra làm sao? Nếu không sao các ngài thành Phật, là đấng tối cao tột bậc? (Có Và Không)
v.v…
Sanh ra từ Giáo pháp Khất sĩ, y theo Chơn lý của Tổ thầy đã dạy, các hàng khất sĩ sẽ được giác ngộ và giải thoát như chư Phật, chư Thánh. Sau khi tìm hiểu sơ lược đề tài Vô ngã và Ngã, thấy ra kiến giải “Vô ngã là Niết-bàn” không phải là chơn lý, chúng ta há lại ghi nhận nó vào Chánh pháp hay sao? Trong Thích-ca Chánh pháp vốn không có kiến giải đó vậy.
--------------------------------------------------------------
Các bài liên quan
- xưa Minh Đăng Quang viết
- Nghĩa Trăm Năm
- Tại sao chọn Luật Tứ Phần?
- Hành Trang Vào Đời
- T Â M K H Ô N G
- Từ Nhân Loại Bước Đến Niết-bàn
- Phụ giải Công Lý Võ Trụ
- KHẢO CỨU BỘ CHƠN LÝ
- Ý ĐỊNH LÀ NIẾT-BÀN
- Đời là biển khổ
- TÍNH CHẤT CHỦ YẾU CỦA TRIẾT LÝ THIỀN
- Năm Lửa bắt Thầy
- NGHI THỨC ĐÓNG CHUÔNG U MINH
- KHẤT SĨ BỒ-TÁT
- A-LA-HÁN
- BỒ-TÁT TRỤ XỨ
- Nhà bác học Albert Einstein nói về Phật giáo
- GIÁP NGỌ – NHÂM THÌN 58 NĂM
- Theo gót chân Người
- Thờ phượNG
- Dấu xương để lại cho đời
- Nghiên cứu BỒ-TÁT GIÁO
- Giáo pháp Khất sĩ
- Chân tình Vu-lan
- Ngày Tổ sư trở về
- Tết 2-0-1-6
- Minh Đăng Quang truyền dạy Chơn lý
- Ai lên núi lửa trần gian
- Câu chuyện Sư tử đá
- Kiến – tánh
- Biểu tượng Đèn Chơn Lý
- Pháp ngữ của TS. Minh Đăng Quang
- Tham luận của HT. Minh Hồi
- Pháp tu Quan Thế Âm
- Tham luận của HT. Đức Nghiệp
- Tham luận của TT. Minh Thành
- Tham luận của TT. Nguyên Thành
- Tham luận của TT. Huệ Thông
- Câu đố cổ xưa của người Hy Lạp
- Tinh thần Trung đạo trong bộ Chơn Lý
- TRÍ & THỨC
- TÀ KIẾN CỦA NHỊ THỪA
- Cha Mẹ bơ vơ
- Nét đặc thù của đức Tổ sư MĐQ
- Những lời Khách Sáo
- Vắng Bóng
- THIỀN ĐỊNH NHƯ MỘT GIẤC NGỦ NGON !
- Chánh Pháp Vu-lan
- Ý nghĩa ngày Rằm tháng Tư Vesàkha
- Thuyền Bát-nhã (thơ Đạo)
- LỜI THẦY DẠY (Đức Thầy Giác An)
- “KINH CÀY RUỘNG” & Chơn lý “CHƯ PHẬT”
- HÃY SỐNG HẾT LÒNG MÌNH VỚI ĐẠO PHÁP (TT. Giác Tuấn)
- CON ĐƯỜNG TIẾN HÓA CỦA CHÚNG SANH (TT. Giác Pháp)
- SEN NỞ ĐÓN HẠ VỀ (Ni sư Minh Liên)
- LINH ẢNH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
- Ăn Chay và Sức Khỏe
- Thi hóa tiểu sử Tổ Sư Minh Đăng Quang
- KỆ HỒI TÂM (Tổ Thiên Thai)
- NHỮNG BÀI CA GIẢI THOÁT