NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Tấm lòng vàng / BÁO ĐỘNG: KhôNg cÓ ý ThứC

Tâm Nguyên , Thứ Ba 04-09-2018

 

BÁO ĐỘNG: KhôNg cÓ ý ThứC

 

  KS. Minh Bình

 

 

 

Trong cuộc sống ngày nay, có nhiều việc khiến ta nghĩ về sự không có ý thức. Như có nhiều người đi xe sang, mặc lịch sự, tướng bảnh bao, giữa đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương dừng xe xuống đứng đái cả đám, chẳng cần che dấu chỗ nào. Cảnh tượng thật kỳ quái, có lẽ Việt Nam đang biến động nên người Việt có nhiều cư xử không đẹp chăng?

 

 

Trên những con đường nội thành ở Việt Nam, ta thấy cảnh nhiều loại xe chen chúc nhau, người qua lại đan xen, mặc tiếng còi xe ồn ào. Chuyện rất thường, nhưng tại sao vậy? Tại sao người ta nghe tiếng còi mà họ không thèm để ý? Rõ ràng là cái ý thức của họ đã bị chai, đã bị đóng băng rồi.

 

 

Hàng giả, là các thứ hàng đang tồn tại rất nhiều ở Việt Nam, mặc cho báo, đài không ngừng phản ánh, mặc cho các tổ chức này nọ đi điều tra, xử phạt… Từ phân bón, thuốc sâu, thuốc cho người, mỹ phẩm, thực phẩm, quần áo, vật dụng, máy móc… cho đến cả con người cũng có đồ lô, đồ nhái, đồ dỏm. Kìa xem: sư giả không thiếu ngoài đường, gái giả thường được hoan hô và tặng thưởng trên sân khấu của các đài HTV, điện thoại giả được chấp nhận vì giá cả vừa túi tiền, khóc giả được thuê mướn vì cần cho đám tang ra vẻ, răng giả và chân giả là những sản phẩm hợp pháp… cho đến đạo đức giả cũng chẳng phải là chuyện đáng nói. Thời buổi kém cỏi nên nhân tâm tha hóa, xảy ra nhiều hành vi không lành mạnh. Tại sao hàng giả cứ tồn tại thế? Tại vì đồng tiền đã làm mờ mắt lắm kẻ, vật chất đã áp đảo ý thức. Vậy thì con người Việt Nam ngày nay đang sống ở cấp độ đó, cấp độ ý thức kém. Chúng ta phải bật đèn đỏ báo động, báo động thật nhiều, chứ đừng bảo là xã hội Việt Nam đang tiến bộ.

 

 

Có người đến chùa chào thầy trụ trì, thầy hỏi: “Sao lâu nay không thấy cô đến chùa?” – “Thầy ơi, con đi tù mới về.” – “Khổ chưa! Vì chuyện gì vậy?” – “Thầy biết không, con thương người, con làm giấy khám sức khỏe cho nhiều người xin vào các công ty. Thay vì họ đến bệnh viện, phải thử máu, xét nước tiểu… mất nhiều thời gian mà trả phí tới 300.000, thì đến chỗ con chỉ mất có năm phút và tốn 200.000 thôi. Con giúp người vậy mà công an cũng bắt con bỏ tù! Đúng là con bị trả nghiệp phải không, thầy?”… Hãy nghĩ xem vị thầy sẽ trả lời cho cô gái “tốt bụng” ấy như thế nào? Cô ta không thừa nhận là mình đã làm hại nhiều người, đem mỗi tờ giấy khám sức khỏe giả không có giá trị để lấy của người 200.000 một cách dễ dàng. Cô ta nói cũng đúng, bởi khách hàng của cô tự nguyện chịu mức giá đó. Nhưng cô quy việc xảy ra với mình là “bị trả nghiệp” với một vẻ ngây thơ, một kiểu không có ý thức cố ý, thì mới đáng nói.

 

 

Còn trên những con đường ngoại thành ở Việt Nam, đi mấy chục cây số lại gặp các bác đứng đón. Tài xế xuống xe, khi lên lại có người hỏi: “Bao nhiêu, bác tài?”, đáp: “Hai trăm. Một trăm nó không lấy.”. Người hỏi rõ là hỏi chơi thôi, còn nhiều người khác trên xe chẳng bận lòng, vì họ biết quá rồi. Như thế là không có ý thức một cách có kiểm soát.

 

 

Ngày 20 tháng 11, mẹ dẫn con ra siêu thị mua một hộp bánh ngon cho con biếu thầy cô. Con nói với mẹ: “Mẹ, ăn đồ ngọt nhiều dễ bị tiểu đường. Tặng phong bì cho gọn đi, mẹ.”. Mấy người lớn đứng xung quanh đều giật mình, đứa bé đã có ý thức một cách vô ý thức. Chỗ đông người mà nó hồn nhiên thế!

 

 

Tư tưởng Bát-nhã của Phật pháp đã dùng phủ định cách để khai thị trí tuệ siêu việt mà ai cũng có. Bát-nhã thuyết minh về mọi điều rằng: thân là không, tâm là không, cha là không, mẹ là không, vợ là không, con là không, nhà là không, tiền cũng không v.v… Trong tầm đó, Bát-nhã cũng bảo rằng: ý thức là không. Tức là, hễ mọi thứ đều xem như không có thì trí tuệ Bát-nhã mới hiển lộ. Nhưng đó là Bát-nhã, còn cái không có ý thức của con người ngày nay thì thế nào?

 

 

Không có ý thức được nói đến ở đây là một thủ thuật, một cách thích nghi của người thời nay, một sự hòa điệu với điều kiện sống. Trong sách xưa Trang Tử bảo: “Khôn chết. Dại chết. Biết thì sống.”. Lời Trang Tử nói rất hợp với tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay, mà cái sống đó có ý nghĩa gì chứ? Lời này của Trang Tử không hay bằng lời Khổng Tử nói: “Sáng hiểu đạo, chiều nhắm mắt cũng vui!”. Vậy thì chính Khổng Tử mới xứng là bậc Thánh nhân, bậc chẳng thèm cái sống thừa, cái sống với mắt ngơ tai điếc, miễn sao được ăn no ngủ sướng…

 

 

---------------------------------------------------------

 

 

Các bài liên quan