NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Tư tưởng - Văn hóa / Nghiên cứu BỒ-TÁT GIÁO

Tâm Nguyên , Thứ 7 21-10-2017

 

Nghiên cứu BỒ-TÁT GIÁO của Sư trưởng Minh Đăng Quang

 

Hành Vân

 

 

 

Thưa quý đọc giả,

 

Bài này đã được Hành Vân viết và đăng vào năm 2013, đến nay được tác giả chỉnh lý và bổ sung, nên chúng tôi cho đăng lại để quý đọc giả theo dõi.

 

Xin quý đọc giả lưu tâm.

 

BBT. Ánh Nhiên Đăng.

 

 

 

I. LỜI DẪN:

 

Từ tháng 12 năm 2011 đã có bản vi tính tác phẩm Bồ-tát Giáo của Sư trưởng Minh Đăng Quang (tác giả tự xưng) do Phật tử Tâm Duyên ở Hà Nội phát tâm đánh máy cúng dường. Thế nhưng vì một nghi vấn chưa sáng tỏ mà tác phẩm này chưa được phổ biến lên mạng đến với mọi đọc giả gần xa. Nghi vấn đó là trong lòng cứ tự hỏi: “Có nên phổ biến Bồ-tát Giáo hay không? Tại sao quý hòa thượng, thượng tọa bên Đoàn I bảo rằng Tổ sư Minh Đăng Quang có dặn: “Không nên phổ biến Bồ-tát Giáo nữa.”; trong khi chính Tịnh xá Ngọc Viên vào năm 1962 đã ấn hành ít nhất là hai lần tác phẩm này?”.

 

Năm 1962, khi Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ Việt Nam chưa được thành lập, thì Tịnh xá Ngọc Viên khi ấy vẫn là trụ sở chung của tất cả các giáo đoàn khất sĩ Minh Đăng Quang. Do vậy, việc Ngọc Viên nhiều lần ấn hành Bồ-tát Giáo vào năm 1962 có nghĩa là Giáo hội Khất Sĩ khi ấy cho ấn hành, chứ không phải riêng Tịnh xá Ngọc Viên hay Giáo đoàn I làm việc này. Bây giờ, không biết giữa lời dặn của đức Tổ sư và việc làm của giáo hội thì mình nên theo ai đây? Mà lý do gì Tổ sư lại bảo không nên phổ biến Bồ-tát Giáo nữa, trong khi tác phẩm này rất siêu việt, đặc sắc?

 

Trong khi chưa có câu trả lời cho nghi vấn này, chúng ta hãy tìm hiểu sơ lược tác phẩm Bồ-tát Giáo.

 

 

 

II. GIỚI THIỆU TÁC PHẨM:

 

Bồ-tát Giáo là tác phẩm đầu tay của ngài Sư trưởng Minh Đăng Quang. Tác phẩm này được viết trong năm 1946, trước khi Sư trưởng Minh Đăng Quang giảng bài Võ Trụ Quan. Bài Võ Trụ Quan là bài Chơn lý số 1, được thuyết giảng vào năm 1946, tại vườn nhà ông Tư Nhu (pháp danh Phổ Hiền), khi Sư trưởng Minh Đăng Quang chưa nhận đệ tử xuất gia và lên chùa Linh Bửu Tự ở tạm. (Lúc giảng bài Võ Trụ Quan mọi người đều không hiểu, nên ngài lấy một tấm bìa vẽ hình các địa cầu để minh họa. Tấm bìa đó được treo ở nhà ông Tư Nhu một thời gian dài…) Vậy Bồ-tát Giáo được viết vào thời điểm trước khi tác giả có tư tưởng Chơn lý và sau khi tác giả đã về Phú Mỹ mở đạo, muốn thâu nhận Tỳ-kheo Tăng và Tỳ-kheo Ni để rộng truyền đạo Thích-ca, tức là trong năm 1946.

 

Hiện nay không tìm thấy ấn phẩm Bồ-tát Giáo đầu tiên để xác định thời điểm xuất bản, mà theo lời dặn của tác giả thì ta biết được là có ấn phẩm đó. Đây là hai ấn phẩm Bồ-tát Giáo năm 1962 của Tịnh xá Ngọc Viên, chung một giấy phép xuất bản vào tháng 8 năm 1962, in tại hai nhà in khác nhau ở Vĩnh Long và Cần Thơ:

 

 

  

 

Bên trái là quyển Bồ-tát Giáo được ấn tống lần thứ nhất, trang bìa nêu rõ tác giả và tổ chức đã ấn hành tác phẩm. Quyển bên phải có hình bìa khác với quyển đầu, tuy thiếu thông tin hơn nhưng lại có ghi năm xuất bản.

 

 

Bồ-tát Giáo gồm có 17 tiểu luận, với những tri kiến đạo siêu tuyệt. Đọc qua Bồ-tát Giáo và Chơn Lý, điều mà người trí nhận ra được là quả thật các bậc Đạo sư không cần văn tự, các ngài chỉ quý chỗ giác ngộ chơn lý và tùy duyên truyền dạy sở đắc của mình cho người có khả năng, chứ không lập học thuyết gây sở tri chướng cho hàng hậu học.

 

Cho nên khi đọc sách của các bậc Đạo sư, văn phong của các ngài thật lạ, chúng ta cứ vô tư mà tiếp nhận những gì các ngài nói, đừng theo chữ nghĩa văn tự, theo những cách trình bày quy ước câu nệ như mình muốn. Chỉ cần thấm được một vài lời y chơn lý của các ngài là chúng ta có được vô lượng lợi ích rồi. Ví dụ sau khi đọc hết tác phẩm Bồ-tát Giáo, mà ta tâm đắc được vài câu ngắn gọn như ở dưới đây thôi, là đã có thể làm kế sống cho trăm ngàn kiếp ra vào trong ba cõi sáu đường:

 

– “Cái ấy không có thân tâm.”

– “Thế đời biển rộng sông sâu.”

– “Ngồi ngay yên lặng giữ vững tánh linh.”

– “Người đời tự tánh vốn sẵn thiền định, không phải tầm kiếm nơi đâu.”

– “Hãy nhớ lại tánh cũ quê xưa!”…

 

Bồ-tát Giáo do Tịnh xá Ngọc Viên ấn hành năm 1962 có 17 tiểu luận. Trong 17 tiểu luận của Bồ-tát Giáo có 3 bài trùng đề tài với 3 bài trong bộ Chơn Lý Khất SĩĂn Chay và Thờ Cúng Lễ Bái (Thờ Phượng), nhưng nội dung được triển khai khác. 17 bài của Bồ-tát Giáo gồm có:

 

1. Chư Phật – Chư Diệt

2. Phật Thừa

3. Xuất Gia

4. Tại Gia

5. Khất Sĩ

6. Cư Sĩ

7. Hành Đạo (tạm gọi Hành Đạo I)

8. Khất Thực

9. Hành Đạo (tạm gọi Hành Đạo II)

10. Đạo

11. Đạo Lý

12. Các Nhà Sư

13. Tứ Chúng

14. Thờ Cúng Lễ Bái

15. Thiền Định

16. Ăn Chay

17. Tông Giáo Thống Nhất

 

Xem các quyển Bồ-tát Giáo xuất bản năm 1962, ai cũng nhận thấy chúng có quá nhiều lỗi chính tả, cùng quá nhiều cách viết hoa tùy tiện, thêm nhiều lỗi ngắt câu, chấm câu và những lỗi sắp chữ khác, chữ in lại nhỏ, có nhiều chữ bị mất nét… Đây là những lý do khiến cho nhiều người cảm thấy bối rối khi đọc Bồ-tát Giáo. Tình trạng Bồ-tát Giáo đã được cho xuất bản một cách cẩu thả hoặc là bộc lộ thái độ thiếu tôn trọng tác giả, thiếu tôn trọng đọc giả, hay tác phong bất cẩn của những người sắp chữ, sửa bản in, chịu trách nhiệm xuất bản… trước đây. Nhưng xét hoàn cảnh hành đạo của Sư trưởng Minh Đăng Quang, trong giai đoạn 1944–1954 của miền Nam Việt Nam, là một thời kỳ rất loạn lạc, và văn hóa, dân trí chung đều còn kém, thì việc ấn phẩm Bồ-tát Giáo được ra đời đã là may lắm. Đến khi ngài đi tu tịnh ở “Núi lửa” rồi, không ai dám và cũng không có điều kiện để chỉnh sửa các lỗi in ấn trong Bồ-tát Giáo. Vậy chúng ta cũng nên tri túc với những gì mình được kế thừa, có nghĩa là thấy được những giá trị nội dung tư tưởng đặc sắc trong hình thức ấn phẩm kém chất lượng của tác phẩm này.

 

Nhờ xem Bồ-tát Giáo ta biết được một điều: Hiện nay, tên Minh Đăng Quang được xác định thời điểm sử dụng xưa nhất là cuối tháng 2 nhuần năm Đinh Hợi 1947, trong giấy chứng nhận Tổ sư cấp cho đệ tử Nhựt Quang. Mà tên đó đã được tác giả Bồ-tát Giáo mấy lần nêu lên trong các bài viết của mình: “Minh Đăng Quang kẻ làm vườn”, “Sư trưởng Minh Đăng Quang”, “Pháp vương Minh Đăng Quang”... Vậy tên Minh Đăng Quang cũng đã được sử dụng vào lúc này, nhưng người dân Phú Mỹ chưa biết, nên trong thời gian ngài ở đó mọi người đều gọi ngài là thầy Sáu.

 

 

 

III. LÀM QUEN VỚI VĂN PHONG NGỮ CÁCH CỦA TÁC GIẢ MINH ĐĂNG QUANG:

 

Chúng ta cần lưu ý văn phong ngữ cách riêng của ngài Minh Đăng Quang để nhận ra được ý nghĩa trong những cách dùng từ ngữ của tác giả.

 

1. Hay nói đối. Ví dụ như:

 

– Kẻ đạo, kẻ đời

– Người đạo, người đời

– Khất sĩ, cư sĩ

– Cái Phật, cái người

– Cái đời, cái đạo

– Chơn lý, vọng sự

– Độ người nên mình

– Phước điền, huệ hải

– Thiền lâm, sơn định

– Khóc thân, tủi phận

– Độ tha, tha độ

– Dám hơn, dám kém

– Phật tử, ma tử

– Sự đời, lý đạo

– Đạo lý, đời sự

– Cái chết sướng, cái sống khổ

– Thân hữu, tâm vô

– Luân hồi khổ, Niết-bàn sướng

– Xả kỷ lợi nhơn, lợi kỷ xả nhơn. Xả kỷ Thánh nhơn, lợi kỷ phàm nhơn.

– Vui sự khổ hạnh, sướng cảnh thanh bần

– Huệ nhiều ít chúng sanh, chơn Niết-bàn chư Phật

– Người ác, người thiện, người đạo; Địa ngục, thiên đường, Tây phương

– Cửa thân, cửa tâm, cửa trí, cửa tánh; Kẻ ác, kẻ thiện, kẻ huệ, kẻ chơn

– Xuất gia khất sĩ chư Phật Như Lai; Tại gia cư sĩ chúng sanh Bồ-tát

– Cư sĩ Thinh Văn Duyên giác, khất sĩ Bồ-tát Như Lai

– Biết chư Phật phước huệ sanh, biết chúng sanh huệ sanh phước.

– Chẳng đặng mãi phước đức, lại mua thêm tội lỗi (mãi mua)

– Thuyết chánh lớn tròn đạo, dối tà nhỏ méo đời.

– Tứ diệu đề, Tứ trược đề

– Xuất gia khất sĩ: chư Như Lai. Tại gia cư sĩ: chúng Bồ-tát.

 

2. Có những từ ngữ riêng, từ ngữ lạ. Ví dụ:

 

– Phúc chơn, vệ chánh (không rõ nghĩa của 2 từ “phúc,vệ)

– Yến sáng (ánh sáng), giả ngộ (giả khờ, giả tếu?), ngây (ngây dại), dùng dằng dùng lắc, lang thang lưới thưới…

– Di-Lạc Tiên Quang Vương Như Lai (không phải Di-Lặc)

– Y Phật, y Pháp, y Tăng (y ở đây là giống y).

– Cái người, cái Phật, cái đời, cái đạo, cái sống, cái chết…

– Cửa thân, cửa tâm, cửa trí, cửa tánh, cửa hữu, cửa vô, cửa đời, cửa đạo, cửa …

– Kẻ ác, kẻ thiện, kẻ huệ, kẻ chơn, kẻ Bồ-tát, kẻ Phật…

– Giới vạn hạnh Như Lai, Định vạn hạnh Như Lai

– Giới luật nghi, định thiện pháp, huệ nhiều ít (lặp lại nhiều chỗ, không phải “nhiêu ích)

– Giới Phật thân, định Phật tâm, huệ Phật trí.

– Giới luật cũng như giới đi.

– Không không chẳng có một chút có

– Chúng ta ơi! Bá tánh ơi!...

– Tu hành cho lớn trái

– Độ cho khỏi thoát (đừng hiểu là “chẳng thoát”, “hết thoát”, ở đây “khỏi thoát” được dùng đẳng lập, có nghĩa là cho khỏi cho thoát)…

– Giới thân, giới tâm, giới trí, giới tánh. Phật thân, Phật tâm, Phật trí, Phật tánh.

– Các điệp từ không giống ai: rồi rồi, có có, không không, diệt diệt, tâm tâm, biết biết, người người, thảy thảy, sanh sanh, hóa hóa, tròn tròn, đời đời, chơn chơn, tánh tánh…

 

3. Hay nói nối, dùng từ như liệt kê. Xem mấy chỗ gạch chân dưới đây:

 

– “miệng nói đọc nguyện vái một hơi”,

– “họ tưởng nói làm một chỗ”,

– “Học đạo đâu phải học thuộc lòng cho nhiều kinh kệ tụng nguyện hoặc học việc hát Phật,”,

– “Thầy sao chỉ say mê muội tà tín gạt người?”,

– “…nơi chùa am núi nhà Chánh pháp gầy dựng địa ngục hiện đến”

 

4. Ít dùng các từ thì… Tạo ra các cụm từ hoặc từ ghép đẳng lập như:

 

– Người Phật, con người chư Phật, trí Bồ-tát, tánh Như Lai,

– “Mất giới mất Pháp hại mình, người, hại đạo Phật.”

 

5. Có nhiều câu văn rất thật tế nhưng lạ:

 

– Ngọn cây đầu trí chư Phật. Gốc cây chân thân chúng sanh. Thân cây mình tâm ta là pháp…

– Không Tăng rắn không đầu, đuôi Pháp và Phật làm sao sống trong đời phổ tế quần sanh?

– Mình xưng thầy, chớ thế có tôn đâu!

 

6. Làm quen vài đoạn văn của Bồ-tát Giáo:

 

– Đoạn sau đã gián tiếp giải thích được tên tác phẩm Bồ-tát Giáo:

 

“Phật giáo nhất thừa đốn giáo, Bồ-tát giáo, Như Lai giáo! Phân tỏ lý thuyết Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, con người chư Phật sẵn đã từ lâu, trước kia đã chư Phật và nay đây cũng đang hiện tại chư Phật, thay thế tất cả, vẫn đồng chư Phật nhưng cảnh trí tạm thời có khác, chừng rốt ráo lại cũng như nhau, làm một hiệp một đưa nhau tất cả vào Niết-bàn cực lạc…”

 

– Nghĩa quy y Tam Bảo rốt ráo:

 

“Kinh Luật Luận pháp tự mình chuyển biến sanh ra, chẳng phải học hành bắt chước những vị Phật, làm học trò người. Ta phải làm giáo chủ cõi pháp giới tinh thần riêng của ta. Ta một vị cổ Phật Như Lai! Tánh của ta kho tàng ba báu, ta phải làm Phật, y như Phật kia thôi, thua kém gì. Có vị Phật nào dám hơn ta, sao ta lại dám kém người? Y Phật, y Pháp, y Tăng!”

 

– Minh Đăng Quang là kẻ làm vườn:

 

“Vậy bá tánh ơi! Hãy ráng lo tu đi, ngàn muôn năm khó được gặp cơ duyên có chư Phật Thánh đến tiếp dẫn. Xét ra chúng ta cũng may lắm, được sanh ra đời này để lo tu hành cho lớn trái. Người tu rốt cuộc ít lắm, cũng như trên cây kia trái nhỏ rất nhiều, tồn lại lúc già có bao nhiêu. Nhưng trong số già đó, có lớn nhỏ đèo đẹt, chớ đâu phải rặt ròng một thứ? Bông vừa trổ, trái nhỏ vừa rộ, người làm vườn săn sóc che đậy giữ gìn, vun phân tưới nước làm cho cây trái thêm tốt tươi mau lớn. Cũng như thế: Minh Đăng Quang kẻ làm vườn, thời duyên này phải khuyến khích cân nhắc dùng pháp lành chở che, mở lối Đại Thừa cho các giáo lý, người tu bước tới để gặp chủ nhơn ngày kia.”

 

– Nêu ý nghĩa của Thị hiện, Độ chúng sanh:

 

“Tạm mang thân để cứu người, thân phải gìn giới hạnh, y theo luật pháp, phải đủ oai nghi của Phật thể. Tạm có tâm để độ người, tâm phải yên lặng thanh tịnh, từ bi rộng chứa, các pháp tướng phải chơn thiệt của Phật tướng. Tạm sanh trí tánh để tiếp dẫn người, trí tánh phải sáng suốt chơn không, khi động huệ nhiều ít chúng sanh, khi tịnh chơn Niết-bàn chư Phật. Phật dụng và Phật lý như vậy mới phải Bồ-tát Ma-ha-tát.”

 

– Chỉ rõ Thiền định chân chánh của Phật pháp:

 

“Thiền có hai bậc: trước trừ vọng, sau lại trừ chơn. Định có hai lớp: trước diệt tà, sau lại diệt chánh. Thiền làm mệt, còn định nghỉ khỏe v.v…”

 

– Dạy cách tu Thiền định:

 

“Muốn có thiền định, trước phải phá chấp trừ tướng, chỗ thích hợp chẳng đặng ở, nơi nghịch cảnh chẳng đặng bỏ, đừng có tịnh cũng đừng có động, cũng tịnh, cũng động, lẽ tới lui, qua lại, xuống lên tự nhiên vô quái ngại.”

 

– Mô tả Trí tuệ quang minh biến chiếu:

 

“Thiền định cũng gọi suy nghĩ một pháp, nhất định một việc, cũng như ánh sáng mặt trời soi chiếu nhất định một chỗ, sự sáng suốt càng tỏ rõ mạnh lên, soi ra vạn vật, không gì ngăn che đặng. Mặt trời không soi chậu úp, chớ trí ta thấy suốt hư vô. Cái hữu tướng bị cản trở thấy gần, vô tướng mới rỗng không xem cùng tột. Mặt trời đối với trí ngàn lần thua kém, cũng như không đâu sánh tánh ta.”

 

– Xuất khỏi cả nhà đời và nhà đạo:

 

“Người còn đang ở tại gia đời, vậy phải mau xuất gia, ấy vào trốn núp trong gia đạo, khi ở tại gia đạo rồi phải xuất gia ấy nữa, để tánh trí khỏi bị sự trói buộc phiền phức, hưởng Niết-bàn vô thượng chơn như mới quý báu…”

 

– Nhiệt tình:

 

“Bởi tu hành hỷ xả vì yêu chúng sanh, mến chư Phật, vậy nên Minh Đăng Quang này mới dám cạn lời chỉ trích kẻ sái quấy, để trọng kính người hiền, phân biệt nẻo tà chánh, soi sáng cho đời và đạo.”

 

Có những bài kệ đặc sắc:

 

Xếp cẳng gốc cây hàng Huệ sĩ

Chôn mình trong đất bậc Chân nhân

Thân tâm xuất gia hưởng Niết-bàn

Trí tánh hành đạo chuyển Pháp luân.

(Trong bài Chư Phật: Chư Diệt)

 

Khuyên thức tỉnh dạy đường giải thoát

Làm gương lành lánh xa quấy ác

Xin nghiệp tạo thí quả thanh cao

Cứu đem lên độ cho khỏi thoát.

Dùng tướng Phật nhắc sự tu hành

Thay chư Phật tiếp dẫn chúng sanh

Giới, định, huệ, chơn như… khỏi giữ

Tham, sân, si, thọ giả… quả lành!

(Trong bài Khất Thực)

 

Ta coi cái sống như chiêm bao

Trong giấc chiêm bao thiệt huyên náo

Thức rồi muôn việc thảy đều hư

Đồng như cái biết trong khi ngủ.

Người trí biết nó là chiêm bao

Kẻ mê tin theo cho là thật

Tỉnh, mê hai thứ tuồng khác nhau

Một ngộ ngoài ra có chi ngộ!

Giàu sang, hèn mạt cả đôi bên

Đi, lại đều không riêng khác ngộ.

(Trong bài Xuất Gia)

 

Thấy người chịu khổ tớ lo thay

Kẻ lão, kẻ đau, kẻ chết rày…

Sự thế chẳng qua là biển khổ

Mau đành dũ sạch nợ trần ai.

(Trong bài Hành Đạo I)

 

Bao nhiêu những pháp nhận nhìn

Ví như mộng ảo, bọt hình đó chi

Cũng như hơi nước bay đi

Cũng như chớp nhoáng trong khi mưa rào

Thảy đều như vậy khác nào

Các nhà đạo học xét vào cho minh.

(Trong bài Cư Sĩ, theo tư tưởng Kinh Kim Cương)

 

Họa phước rủi may cũng tại mình

Vì chưng buổi trước đã gây nên

Những người tỉnh ngộ mau nung chí

Cứu giúp cho ai tức cứu mình.

(Trong bài Xuất Gia)

 

Ai ơi hãy khá giữ gìn

Thi hành pháp Phật diệt sanh tử thù.

Ai trì cho chín giới tu

Thoát vòng luân chuyển, dứt hồi khổ nguy.

(Trong bài Các Nhà Sư)

 

Thường ngày máu thịt dọn đầy bàn

Kẻ nọ vì mình bị thác oan

Sát khí thấu trời sanh giặc giã

Nghe kia tiếng thảm lúc làm hàng!

 

Trên đời hay sát sanh

Nên bị đao binh hại

Báo oán giết một thân

Thiếu tiền thiêu tới trại.

Mình đào hang ổ kia

Nó phá vợ con lại,

Oan trái đã xoay vần

Lóng tai nghe Phật giải:

Thịt mua lựa khúc béo

Cá chát lựa con tươi

Y phục kén phần nhất

Ruộng vườn chọn vẹn mười

Bố thí thì tiếc của

Lảng phí chẳng nhường người

Đến thác tay không nắm

Một mình tội mấy mươi!...

(Trong bài Ăn Chay)

 

Cửa Pháp thâu nhận tỳ-kheo Tăng

Mở rộng Thích-ca Như Lai đạo.

Cửa Pháp thâu nhận tỳ-kheo Ni

Mở rộng Thích-ca Như Lai đạo.

Thân tâm xuất gia hưởng Niết-bàn

Trí tánh hành đạo chuyển Pháp luân.

Độ người Bồ-tát vô lượng hóa

Đốn giáo Đại thừa Diệu Pháp Hoa

Lam-già Khất Sĩ chánh pháp trau

Khuyến khích chư Tăng hòa chung đạo.

Cứu thế Như Lai hoằng vạn pháp

Đại Phương Quảng Phật lý Hoa Nghiêm

Từ nay Cực Lạc người một đạo

Phật pháp ra đời bao khắp xứ.

MINH thiên huệ nhật xuất Đông phương

ĐĂNG chí cao sơn triệu kiết tường

QUANG chiếu thế âm hàm vạn vật

HIỆN sanh ẩn diệt chuyển luân vương.

Xả kỷ lợi tha vô ngã pháp

Cứu thế Như Lai hoằng vạn pháp

Hạ thân tôn thế hữu nhân duyên

Đạo tràng môn tạc ứng thiên cổ.

(Trong bài Tông Giáo Thống Nhất)

 

 

Đại khái là nêu lên vài điều để mọi người làm quen với ngôn ngữ văn phong và tư tưởng riêng của tác giả Minh Đăng Quang, để từ đó không bị dị ứng khi tiếp thu. Thật ra chính các bậc Đạo sư cũng không cần chúng ta phải học thuộc lòng những bài viết của các ngài. Dĩ nhiên ai muốn học thuộc thì cũng chẳng sao.

 

 

 

IV. NHỮNG ĐIỀU CẦN SỬA CHO VĂN BẢN BỒ-TÁT GIÁO – 1962:

 

1. Sửa chính tả:

 

Do người sắp chữ kém chính tả nên lỗi chính tả ở trang nào cũng có nhiều. Sau đây là một số dẫn chứng, những chỗ sai được bôi đậm:

 

Thức ngũdiều dắccủngcũađắt đạo, ắc là, chắt rằng, nhắt nhở, xưa củ, ố bánxằn bậy, mãng xưng, phỉ bán, dèm xiểmtát quái, nở nào, biến nhátkẽ có trí, xát thân, ý tưỡng, sắp đặcmạc pháp, tinh lầm, khuyết khích, hắt ám, mặt trời lặngmỏ chuông, sơ xót, trì niếugiã hữu, nghỉ 

khõe, cứ thang rằng, vu đạo (du đạo – đào tường trộm cướp), nắm vịnh

thấp hương, miếu hoanhẳng thua kém, lăn xăn, cúng kiến, giữ cho kỷ

tiếng theo, tiến đời, chưỡi Phật, ngay ngủ, sữa đổi, hềm khích…

 

2. Sửa ngắt câu, chấm câu:

 

Có khi nguyên đoạn dài mà chỉ chấm một câu. Có khi chưa hết câu lại chấm câu. Có khi viết hoa đầu câu mà lại thiếu dấu chấm câu trước đó. Có khi đột ngột xuống dòng… Tình trạng rất lộn xộn, tạo ra sự khó hiểu, sự lúng túng và chán ngán khi đọc tác phẩm. Ví dụ:

 

– “…thương hại thay! Cho bá tánh kẻ thiện tâm!”

– “Các sư đều phải khất thực? có giáo Hội-Tỳ-Kheo Tăng, các ni đều phải khất thực, có Giáo-Hội-Tỳ-Kheo-Ni!”

 

3. Sửa một vài từ theo cách dùng thời nay:

 

– bửu š bảo (quý báu)

– chơn š (cái) chân

– trao dồi š trau dồi

– bực š (thứ) bậc

– nhứt š nhất

– giựt š giật

– từng š tầng (lớp)

– nầy š này

– xây š xoay (chuyển)

– hườn š hoàn (trả, Tu-đà-hoàn)

 

Còn những từ có thể vẫn để theo cách xưa, không sửa: Thinh Văn (Thanh…), hưng thạnh (… thịnh), con đàng (… đường), kỉnh (kính)…

 

4. Phân biệt hai bài bị trùng tên “Hành Đạo” thành “Hành Đạo I” và “Hành Đạo II”.

 

5. Sửa những chữ sai hay thiếu:

 

Căn cứ theo văn phong ngữ cách của tác giả, căn cứ theo mạch văn chứa từ đó, căn cứ theo ý nghĩa… để sửa những chữ bị sai, bị thiếu. Trường hợp này cũng không phải ít. Hãy xem những chỗ gạch chân trong các ví dụ sau đây:

 

– “Người tại gia và xuất gia đều phải chung lo sửa đổi việc am chùa; khuyến khích Tỳ, Tỳ-Kheo-Ni, trục xuất kẻ phá giới mở rộng kinh sách, ban hành giới Luật.” (Tỳ-kheo)

– “…hãy hội hiệp lại đọc giới bổ theo như ta đã dạy; rành bảo tồn nó,” (Giới Bổn, rán)

– “…có giữ giới mới sanh Định, Pháp Huệ, đắc chơn như.” (phát)

– “Giới hạn lành, thầy hai, Tổ quý,” (bạn lành, thầy hay)

– “…thay thế nói tiếp việc làm chư Phật,” (nối)

– “Biết lầm tưởng mình chúng sanh, nếu mê lầm ngay ngủ chiêm bao mãi khổ nhọc vô ích, đời đời kiếp kiếp bị nhốt mãi chốn địa ngục A-tỳ này làm chúng sanh thiện thọ,” (nên mê lầm, ngây ngủ, thiệt thọ)

– “…chốn này địa ngục A-tỳ mộng đảo” (mộng ảo)

– “Cư sĩ Bồ-tát, sẽ khất sĩ, sẽ đại bi Như Lai về sao.” (về sau)

– “Tạm mang thân để cứu người, thân phải gìn với hạnh,” (giới hạnh)

 

 

 

V. LỜI KẾT:

 

Như vậy, Bồ-tát Giáo hiện nay tuy đã có bản vi tính nhưng chưa thể phổ biến vì lý do đã nói trong phần đầu bài viết.

 

Đối chiếu hai tác phẩm của ngài Minh Đăng Quang, có thể thấy Bồ-tát Giáo non hơn Chơn Lý. Văn khí Bồ-tát Giáo có phần bồng bột, nhiệt tình, khác với vẻ đằm thắm, chững chạc trong bộ Chơn Lý. Ví dụ các Chơn lý số 1, 2, 3, 4, 5, 7 được viết với chương, mục rõ ràng, mà điều đó không thấy trong Bồ-tát Giáo. Còn các Chơn lý số 14, 15, 55 viết về giới luật rất chuẩn mực, như là những sắc lệnh được ban hành cho đời, Bồ-tát Giáo không thể so sánh được…

 

Xét tư tưởng của Bồ-tát Giáo không đồng với tư tưởng bộ Chơn Lý. Nguyên ủy Bồ-tát Giáo đứng trên lập trường Phật giáo nhất thừa đốn giáo, còn bộ Chơn Lý lại đứng trên lập trường Chơn lý đại đồng. Thế thì hai cái khác nhau: một bên là cá thể Phật giáo, khác với toàn thể vũ trụ.

 

Và như đã nói ở trên, có mấy bài trùng tên nhau trong hai tác phẩm của ngài Minh Đăng Quang. Cho đến ý tưởng của tác phẩm đầu cũng được lặp lại trong tác phẩm sau. Vậy thì ta nên chọn tác phẩm lớn viết sau là hơn.

 

Bằng cách so sánh sơ lược 2 tác phẩm của Tổ sư Minh Đăng Quang, ta đã tìm ra được ít nhất là 3 điểm kém của Bồ-tát Giáo so với bộ Chơn Lý. Vậy thì chúng ta sẽ không phổ biến Bồ-tát Giáo nữa, như lời tác giả đã dặn bảo. Nhưng nếu ai muốn tìm hiểu tác phẩm này của ngài Minh Đăng Quang thì có thể vui lòng tạm dùng các bản photo hoặc các bản cũ. Để đối chiếu, so sánh chắc cũng cần phải đọc qua, mà việc đó đâu có nghĩa là phổ biến…

 

-------------------------------------------------

 

Các bài liên quan