Đạo phật khất sĩ / Giáo dục - Hoằng pháp / Tri thị không hoa
Tri thị không hoa
KS. Minh Bình
Kinh Viên Giác, nói về vấn đề Giác ngộ viên mãn, đức Phật nhấn mạnh vào một chữ Tri: Tri thị không hoa. Tri thị không hoa là Biết hết thảy đều như hoa đốm trong hư không, do mắt bị nhậm mà thấy ra. (Chữ Thị là một đại từ, hiểu là Các pháp. Nhưng từ Pháp là một thuật ngữ quá hàm súc của nhà Phật, nên ở đây tạm nói là Hết thảy cho dễ hiểu.) Hư không trống rỗng, mắt bệnh thấy hư không có hoa bay lăng xăng, rõ là ảo giác. Thế giới, muôn loại, con người, thân và tâm, sanh tử, mọi chuyện cá nhân, gia đình, xã hội… hết thảy đều là ẢO GIÁC. Ta đang ở trong một giấc mộng dài (ngã tại nhất trường mộng), tỉnh dậy chẳng có gì.
Cho dù mộng dữ hay lành
Đến khi tỉnh giấc cũng thành không thôi…
Nói tỉnh dậy chẳng có gì là chẳng còn có mấy chuyện trong mộng. Chứ tỉnh dậy thì cốt khỉ hoàn cốt khỉ, Phật vẫn là Phật, mà vũ trụ vẫn sinh thành, hoại diệt như nó vẫn là.
Nên nhớ rằng Không hoa là cái thấy của chúng ta, của những kẻ đang bị ảo giác. Không hoa chẳng phải là chuyện của Phật. Tức là: cũng cuộc sống này, cũng địa cầu này, mà chúng ta lại thấy nó là Ta-bà, còn các Ngài lại thấy nó là Phật quốc. Thế thì cái thấy nào đúng? Xin thưa là đừng bận lòng với những cái thấy, đừng vội bảo dĩ nhiên là Phật đúng còn mình sai. Bởi vì Ta-bà hay Phật quốc chỉ có giá trị là những cái thấy (là kiến phần, phạm vi nhận thức), không đáng để tranh luận; đại khái là một quả đất, một sân khấu, một bầu không gian...
Điều đáng lưu ý nhất, là chính mấy cái thấy về Thân – Tâm – Bản ngã lại đưa ta đi đến những chốn xa xăm. Kinh Viên Giác, phần trả lời cho Bồ-tát Tịnh Nghiệp, đức Phật đã chỉ ra sự hình thành của những giấc mộng sanh tử: “Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay do tưởng vọng mà chấp có ta, người, chúng sanh và thọ mạng. Nhận 4 thứ điên đảo này làm cái thể của ta, sanh ra 2 cảnh yêu ghét, vậy là thêm một lớp chấp hư vọng. Hai cái vọng này nương nhau sanh ra nghiệp hư vọng, từ đó thấy có lưu chuyển trong 6 đường.”. Thật khốn khổ trong những cuộc lưu chuyển, luân hồi bất tận. Ôi, những cái thấy và những sự dấn bước nguy hiểm, những giấc mộng dữ mệt nhoài,
Lang thang làm khách phong trần mãi
Ngày hết quê xa muôn dặm trường!
Nhưng nói “quê xa muôn dặm” như vua Trần Thái Tông thì chưa chính xác với ngữ cảnh này. Phải nói là:
Nhắm mắt lang thang chốn quê nhà
Xin ăn khắp xứ thật xót xa!
Quả thật là đừng bận lòng với những cái thấy nữa. Vị Nhập lưu không thấy mình là Nhập lưu, vị Vô sanh không thấy mình là Vô sanh, bởi Thiện Huệ không thấy mình giác ngộ nên được Phật Nhiên Đăng thọ ký đời sau thành Phật hiệu là Thích-ca, còn Văn-thù do khởi Phật kiến mà bị đọa vào giữa 2 tòa núi…
Đến phần trả lời câu hỏi của Bồ-tát Phổ Hiền trong Kinh Viên Giác, đức Phật đã dạy rõ: “Này thiện nam, tất cả chúng sanh và mọi vật huyễn hóa đều sanh từ Diệu tâm Viên giác Như lai.”. Nhìn khách quan, tích cực thì mọi thứ có mặt trên đời này đều có ý nghĩa của nó, những dòng nhân quả bất tận đều được hình thành từ sức của Diệu tâm. Hễ muốn gì, làm gì thì được nấy: Ăn heo thì thành heo để thấm trò ăn heo, keo kiệt thì nghèo túng để hiểu được keo kiệt, mất hạnh thì gặp nhiều kẻ mất hạnh, hại người thì gặp người hại, phóng sanh thì được trường thọ và ít bệnh, vui vẻ hòa đồng thì đến chốn êm đềm, gai góc thì gặp chỗ ác liệt, không có gì thì vô sự v.v… Nhân quả thật nhiệm mầu, ắt là do sức của Diệu tâm Viên giác Như lai. Cả vũ trụ nhảy múa theo vũ điệu Hoa Nghiêm, “Tất cả các pháp là để đến với Hoa Nghiêm”, ngài Minh Đăng Quang đã bảo như thế.
Xưa thiền sư Hoài Hải hành đạo ở núi Bách Trượng, có một con chồn già đến xin ngài cứu vớt nó. Bởi kiếp xưa làm hòa thượng trụ trì ở núi này, có người học đạo đến hỏi rằng: “Bậc đại tu hành có rơi vào nhân quả không?”, đáp: “Không rơi vào nhân quả.”, (Bất lạc nhân quả!). Do lời đáp sai lầm mà nó bị đọa làm chồn đã 500 kiếp, thấm thía lắm rồi. Bấy giờ ngài Hoài Hải bảo chồn hãy hỏi ngài. Chồn hỏi: “Bậc đại tu hành có rơi vào nhân quả không?”, thiền sư Hoài Hải đáp: “Chẳng mê mờ nhân quả.”, (Bất muội nhân quả!). Nghe lời dạy chồn liền giác ngộ, thoát kiếp làm thú tinh ranh. Có nhân là có quả, ứng theo tâm lượng mà thành tướng, lẽ công bằng của Diệu tâm. Nhân quả hiển thị nhiệm mầu, cũng như trò huyễn, mà nói Có nói Không gì cũng rơi vào phạm vi của huyễn, còn Diệu tâm bất động.
Tri thị không hoa là nói về cái thấy, cái nhìn, ý nghĩa cũng như Tri vọng. Khi 2 thầy trò nói về vấn đề Tri vọng, hòa thượng Giác Ngộ đã hỏi chúng tôi rằng:
– Nói đến Tri vọng, thì con dùng tâm gì để tri? Nếu dùng tâm chơn để tri vọng thì tâm đó chưa thật chơn, bởi tâm chơn không thấy có vọng. Nếu dùng tâm vọng để tri vọng thì đã vọng càng thêm vọng. Vậy con dùng tâm gì để tri vọng?
Bây giờ, nhớ lại câu hỏi ngày trước đó của thầy thì nghĩ rằng: Vậy Biết vọng không phải là ngồi nhủ vọng, vọng… Mà Biết vọng là giác ngộ được tính chất vọng của những cái biết, không kể là ngồi hay nằm, hay đi đứng, làm việc... Thân vọng, tâm vọng, muôn loài vọng, thế giới vọng; mà cũng thân chơn, tâm chơn, muôn loài chơn, thế giới chơn. Cốt yếu của vấn đề là ở đâu? Chính là ở cái biết: mọi cái biết của ta đều vọng, nó lấy Ta, Của ta, Mạng số, Muôn loài làm kính chiếu soi mọi thứ. Nếu cái biết không bị nhồi nắn gì hết, tự nhiên sáng tỏ, thì:
Tâm không vạn sự đều không
Tâm chơn vạn pháp thảy đồng quy chơn!
Có một vị quan đến hỏi đạo với thầy Cảnh Sầm ở Trường Sa. Ông hỏi:
– Thưa hòa thượng, nghe nói: “Chúng ta hàng ngày dùng nó mà lại không biết nó!”, xin hỏi nó là gì?
Hòa thượng đẩy dĩa xoài mời khách:
– Xin mời ăn một miếng đã.
Xơi xong, quan ngài lặp lại câu hỏi. Hòa thượng chỉ tay vào cái dĩa, nhìn vị quan nói:
– Chính là nó, hàng ngày chúng ta dùng nó mà không biết nó!
Vị quan không hiểu gì cả, ngài mới ăn nó ư? Kìa nó ứng ra mắt, tai, mũi, lưỡi… hàng ngày ai cũng dùng nó mà chỉ thấy những gì mình muốn thấy. Nếu lấy nó làm mình thì đâu có vọng. Vọng ở tại chỗ Tri, chứ hàng ngày ai cũng dùng nó mà!
Chữ Tri trong Kinh Viên Giác rất giá trị. Đức Phật bảo Bồ-tát Phổ Hiền: “Tri huyễn tức ly, bất tác phương tiện. Ly huyễn tức giác, diệc vô tiệm thứ.”. Hễ ai biết được huyễn hóa tức là lìa nó rồi, chẳng cần tạo phương tiện để lìa xa nữa. Khi lìa huyễn hóa tức là giác vậy, cũng không có thứ lớp tu tiến. Sau khi bỏ hết mọi ảo giác, vọng tưởng, thì sẽ còn lại cái Giác bất động, chứ chẳng phải là không có gì. Ánh giác đó soi ra sẽ thấy hết thảy đều thanh tịnh: Cái thân thịt hữu hạn, mềm yếu, chẳng sạch sẽ, là báo ứng của ta, nó chẳng phải là ta. Cái hiểu biết này kia là duyên theo bóng dáng của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, (lục trần duyên ảnh), chẳng phải là tâm. Cái hay suy nghĩ cũng chẳng thật là tâm. Diệu tâm bất động, là ta, cùng khắp…
Nói vậy, nhưng Phật cũng chỉ cách tùy thuận tánh giác cho người có duyên. Trong phần nói về những chỗ được (sở đắc) của kẻ phàm, các hạng Bồ-tát và Phật trên nền tảng Diệu tâm, đức Phật đã dạy Bồ-tát Thanh Tịnh Tuệ: “Các vị Bồ-tát và những chúng sanh đời sau trong tất cả thời không khởi niệm vọng, với các tâm vọng cũng không dứt trừ, ở cảnh tưởng vọng chẳng thêm biết rõ, với cái không biết rõ cũng chẳng biện chân thật. Các vị ấy tin hiểu, nhận giữ pháp này, không kinh sợ, là người tùy thuận tánh giác vậy. Người như thế đã từng gieo trồng cội gốc công đức ở vô số Phật, hiện đời đã là Bồ-tát. Người này sẽ thành tựu được tất cả loại trí như Phật.”. Cách tùy thuận tánh giác này cũng là một pháp tu Viên giác. Pháp tu này có căn cứ trên cơ sở đã ngộ được Viên giác Diệu tâm không? – Nó được thiết lập trên cơ sở tin hiểu lời Phật dạy, nhưng không khởi niệm thì ít ai làm nổi. Chính bài kệ ngộ đạo của tú tài Trương Chuyết đã nói rõ hơn pháp Viên giác này:
Quang minh lặng chiếu khắp hà sa
Phàm Thánh hàm linh vốn một nhà
Một niệm chẳng sanh toàn thể hiện
Sáu căn vừa động bị mây mờ.
Đoạn trừ vọng tưởng càng thêm bệnh
Xu hướng chơn như cũng là tà.
Tùy thuận các duyên không chướng ngại
Niết-bàn sanh tử thảy không hoa!
Rồi đức Phật cũng dạy cách tu Viên giác cụ thể cho Bồ-tát Oai Đức Tự Tại và Bồ-tát Biện Âm. Pháp Viên giác vốn bình đẳng, không hai, không tu không chứng, nhưng trong sự tu hành tiệm tiến thì có vô số phương tiện, mà nói gọn là có 3 cách tu Chỉ, Quán và Thiền-na. Từ 3 cách này phối hợp qua lại thành 25 cách tu Viên giác, 25 luân của Bồ-tát… Tất cả đều căn cứ trên cơ sở đã ngộ được Diệu tâm Viên giác Như lai, đã kiến tánh Không, đã nhận ra ông Phật trong nhà mình (tức là Kiến tánh khởi tu).
Vậy người trí chưa ngộ được Diệu tâm sẽ tu pháp Viên giác như thế nào? Đáp lại câu hỏi đó của Bồ-tát Viên Giác, đức Phật đã chỉ cách lập đạo tràng sám hối 21 ngày, rồi nương theo chư Phật an cư 120 ngày, 100 ngày hoặc 80 ngày; tu giữ tâm thật lặng lẽ (chỉ), hoặc nhớ tưởng Phật (quán), hoặc đếm hơi thở (thiền-na), siêng năng khéo léo, sẽ được tiêu nghiệp, chứng nghiệm Viên giác, khiến Như Lai xuất hiện ở đời.
Bài viết này triển khai một số ý chính trong Kinh Viên Giác, trong tinh thần cố gắng học, hiểu và tin theo lời Phật dạy. Cố gắng thức dậy khỏi giấc mộng sanh tử là thể hiện thiện chí phấn đấu vươn lên của người học Viên giác. Ngu mà biết mình ngu tức là trí, ngủ mê mà biết mình đang ngủ mê là đã bắt đầu tỉnh dậy rồi!
Viên giác là giác ngộ viên mãn, là chuyện của Phật. Từ Phật nhìn thì nhân loại đang bị ảo giác, đang quờ quạng, lầm lẫn. Nên các bậc giác ngộ là đức Phật và 12 vị Bồ-tát đã khởi bi tâm, lập thuyết Viên giác, mở ra một con đường sáng cho nhân loại. Viên giác là con đường tắt, Phật pháp là con đường tắt, cho những ai hiểu và tin theo.
Bởi như loài thú thấp kém thì có lựa chọn nào khác hơn là sống theo bản năng? Một phần lớn nhân loại cũng như vậy, chỉ sống với thân thịt và những kinh nghiệm tích lũy được trong cuộc sống, thì sao lại không nhận thân đó là mình và những hiểu biết đó là mình? Sống trong vật chất và trong những tâm lý phức tạp, con người khổ nhiều, vui ít. Rồi từ trong khổ đau họ hướng đến hạnh phúc, từ trong bóng tối họ tiến ra ánh sáng, từ ác họ đi đến thiện. Tại chỗ thiện nhân loại mới tiến hóa vượt bậc được. Như thế là một quá trình tiệm tiến rất dài lâu. So với quá trình đó thì Phật pháp là con đường tắt, do những bậc giác ngộ, đã kinh nghiệm, từ bi mở ra cho những người trí.
Viên giác là một học thuyết trong nhiều học thuyết của nhà Phật. Theo cách nhìn nhận khách quan người ta có thể xem xét:
– Học thuyết Viên giác đã được nhiều người ứng dụng chưa? Người ứng dụng học thuyết Viên giác có kết quả thế nào? Trong thật tế, học thuyết Viên giác có đúng là một pháp bảo vì đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp không?
Nhưng nên nhớ phải xem trong toàn cảnh, đừng xem riêng loài người ở địa cầu này. Mà chỉ riêng giới Phật tử ở địa cầu này mấy ngàn năm qua còn không rõ để trả lời 3 câu hỏi trên được, huống gì ở khắp các địa cầu khác!
Thuốc tốt là thuốc chữa được bệnh. Chắc các học giả ngày nay có thể nói rằng: Pháp Viên giác là thuốc tốt hay không sẽ do người dùng trả lời. Nói vậy thì trong Kinh Viên Giác chính đức Phật đã khẳng định: Đây là pháp tu thành Phật của các đức Phật, nên Kinh Viên Giác là kinh mà tất cả các đức Phật đều dạy, và chỉ cần giảng nói một đoạn kinh này cho người hậu học còn hơn độ cho hàng ngàn người đắc được quả A-la-hán!...
TX. Ngọc Đức, 10/4/2017.
---------------------------------------------
Các bài liên quan
- BÁT-NHÃ THẬT TƯỚNG
- Trí Huệ
- BỐN PHẦN CHÁNH ĐỊNH
- NGHI THỨC CÚNG NGỌ
- Sám Hối
- PHÂN TÍCH CHƠN LÝ SANH VÀ TỬ
- KIỂM TRA 37 PHÁP CHÁNH GIÁC
- 37 PHÁP CHÁNH GIÁC
- Pháp
- Có tà kiến
- Tin mừng cho Giáo pháp Khất sĩ
- TÌM HIỂU 13 PHẬT NGÔN
- Môn oai nghi Sa-di NGÀY NAY
- Ăn chay là TU CÁI LƯỠI
- Giáo lý Địa ngục trong Phật pháp
- KHÓA TU TRUYỀN THỐNG KHẤT SĨ 11
- Tìm về Chân Nguyên
- TÂM TOÀN GIÁC
- BÁO CÁO TỔNG KẾT KHÓA TU 10
- Nội quy và Thời khóa biểu của Khóa tu
- NGÀY THỨ 3 CỦA KHÓA TU THỨ 10
- CÁC PHÁP SANH DIỆT TRỐNG RỖNG
- Tịnh xá Lộc Uyển khai giảng lớp giáo lý năm 2013
- LỄ RA MẮT LỚP PHẬT HỌC ÁO TRẮNG
- Phân tích Kinh Diệt Lòng Ham Muốn
- TRUYỀN TAM QUY NGŨ GIỚI
- Minh Đăng Quang đại nguyện thành Phật
- 49 câu nguyện của đức Minh Đăng Quang
- Nghi thức Truyền giới Khất Sĩ năm 2012
- KINH DIỆT LÒNG HAM MUỐN
- TỔNG LUẬN VỀ GIỚI LUẬT
- GIỚI LUẬT KHẤT SĨ
- MỘT DẤU HIỆU KHỞI SẮC
- Hoằng pháp bằng Nghệ thuật Viết Chữ
- NHƯ LAI THANH TỊNH THIỀN
- NỘI SAN ĐUỐC SEN - số 09
- Nội san TÌM LẠI NGUỒN XƯA - 2009
- Các trang Web hiện nay của Phật giáo Khất SĨ
- HOẰNG PHÁP Ở VÙNG SÂU VÙNG XA
- HÌNH ĐÈN CHÂN LÝ & HÌNH ĐỨC BỒ-ĐỀ ĐẠT-MA NÀY CHƯA ĐÚNG
- Nam-mô A-di-đà Phật !
- Pháp học Sa-di - 36 Pháp cú thuộc lòng
- Những Khóa Học Hè ở TX. Ngọc Nguyên - Ninh Gia
- LỜI CẨN BẠCH VỀ SỰ HÌNH THÀNH TRANG PHÁP HỌC
- BÀI HỌC SA-DI
- PHÁP THIỀN SỐ TỨC QUÁN
- Y BÁT KHẤT SĨ