NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Lịch sử - Tổ chức / Con đường ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ

, Thứ Hai 2011-09-19

 

Con đường ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ

 

TKN. Hằng Liên

Bài đã đăng Nội san Đuốc Sen số 04.

 

 

Sau khi thành đạo, đáp lời thỉnh nguyện của chư thiên “Hãy thuyết Pháp độ sanh, hãy cứu giúp nhân loài khai ngộ Phật tri kiến”, Đức Phật rời cội Bồ Đề một mình du phương trên con đường hoằng truyền Chánh Pháp. Đầu tiên tại Lộc Uyển, Ngài vận chuyển bánh xe Pháp tiếp độ năm anh em Kiều Trần Như trở thành các bậc du Tăng đạo Phật Khất Sĩ. Chính nơi đây là thánh tích đánh dấu Tam Bảo xuất hiện ở đời và từ đó ánh đạo vàng lan tỏa khắp muôn phương.

 

Như đã biết, Phật giáo ra đời từ chiếc nôi của nền văn minh Ấn Độ và được các bậc du Tăng khất sĩ truyền thừa rộng rãi khắp nơi trên thế giới. Danh từ ‘khất sĩ’ được dịch nguyên gốc từ ngôn ngữ Pàli ‘Bhikkhu / Bhikkhuni’ hoặc Sanskrit Bhiksu / Bhiksuni, có nghĩa là Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, nhằm chỉ cho hàng Tăng sĩ xuất gia tu học theo Đức Phật. Và chính Phật là đấng Vô Thượng Sĩ, tức là người chứng đắc toàn giác, toàn năng, đã hoàn thiện tất cả nghiệp căn để trở thành bậc thầy giáo tối thượng và là bậc đạo sư của muôn loài. Đối với truyền thống người Ấn Độ, khất sĩ là hạnh nguyện của bậc Tăng sĩ xuất gia du phương khất thực xin ăn hằng ngày để tu học giải thoát. Hình ảnh nhà sư của Đạo Phật Khất Sĩ được thể hiện sống động qua bốn câu thơ:

 

Nhất bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý  du

Dục cùng sanh tử lộ

Khất hóa độ xuân thu.

 

            Riêng đối với người Việt Nam, danh từ “khất sĩ” chỉ được dùng cho giới xuất gia tu học theo truyền thống Đạo Phật Khất Sĩ. Đây là một tông phái Phật giáo ra đời tại miền Tây Nam Bộ nước Việt, do Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang khai sáng với tôn chỉ ‘Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp’, thực hành theo mô phạm của bậc du Tăng khất sĩ “Y Bát chơn truyền”. Theo nguồn sử liệu viết về Tổ Sư, đầu năm 1947 là thời điểm Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam chính thức hình thành với đầy đủ tứ chúng, bao gồm hai chúng nam nữ cư sĩ và hai chúng xuất gia Tăng Ni khất sĩ.[1]

 

Trên phương diện lịch sử, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam ra đời vào đúng thời kỳ đất nước đang bị giao tranh giữa hai nhà cầm quyền xâm lược Pháp-Mỹ, nhân dân sống trong cảnh lầm than đói khổ và Phật Pháp đang trong tình trạng bị phân tán suy vi cần được khôi phục, chấn hưng. Chính lúc ấy, dưới sự hướng dẫn của đức Tổ Sư, đoàn du Tăng Khất sĩ Việt Nam với chiếc y vàng, tay ôm bình bát đất, khất thực hóa duyên từng nhà; dường như làm sống lại hình ảnh Đạo Phật Khất Sĩ giải thoát thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cách đây hơn 25 thế kỷ.

 

Thật vậy, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam là con đường tiếp nối dung hòa từ hai dòng truyền thừa Nam tông và Bắc tông của Phật giáo thế giới và bản xứ, tạo nên một hệ tư tưởng giáo Pháp thực tiễn, đúng với đạo Phật chơn truyền nhưng đồng thời thể hiện đậm nét bản chất văn hóa của dân tộc Việt Nam. Giáo pháp được đức Tổ Sư truyền dạy trong bộ Chơn Lý là y cứ theo Tam tạng thánh điển Kinh, Luật, Luận của Phật giáo; nhưng ngôn ngữ giảng dạy bình dân, thuần Việt và được đúc kết từ sự trải nghiệm thực hành chứ không theo văn chương hoa mỹ. Vì thế, khi nghiên cứu bộ Chơn Lý đòi hỏi người học Phật phải có kinh nghiệm tu tập cá nhân theo con đường giới, định, tuệ; nhờ đó mới có thể khám phá và nhận chân được giá trị sâu sắc của Chánh pháp.

 

Có thể nói, bộ Chơn Lý là dấu ấn Pháp bảo được Tổ Sư lưu lại cho hàng môn đồ tứ chúng đệ tử Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam. Trong đó, chí nguyện khất sĩ được nhấn mạnh như một phương châm duy nhất trên lộ trình tu học giải thoát. Đức Tôn Sư đã khuyên răn, bậc du Tăng khất sĩ không phải chỉ có xin ăn để sinh tồn mạng sống, mà phải xin ăn trong ý nghĩa cao thượng: “xin vật chất (vạn vật) để nuôi thân và xin tinh thần (các pháp) để nuôi trí.”[2] Thân trí tròn đầy mới có thể hướng đến tâm Phật chơn như. Theo lời dạy của Tổ Sư, con đường Đạo Phật Khất Sĩ là để nuôi dưỡng ‘giới thân huệ mạng’; vì bởi đi xin là “để răn lòng tội lỗi, hóa giải nghiệp chướng, chia sẻ khổ đau cho chúng sanh”. Đi xin còn với ý nghĩa ‘tự lợi, lợi tha’ vừa tu học nhưng vừa giáo hóa độ sanh. Đặc biệt, đi xin để đoạn trừ tự ngã, giải thoát phiền não, làm tăng trưởng bốn tâm vô lượng (từ, bi, hỷ, xả), từ đó mới chứng đắc trí tuệ ba-la-mật của bậc thánh.[3]

 

Trong Chơn Lý, Khất Sĩ còn được phân tích rộng rãi theo ba bậc: Thinh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát. Đây là cách lý giải kết hợp hài hòa giữa hai hệ tư tưởng Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền, lập nên một hệ giáo pháp khất sĩ ‘Y bát chơn truyền’ và tùy duyên tiếp độ chúng sanh hướng đến con đường giải thoát từng phần. Đây là nét đặc thù riêng của đường lối Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, “một hệ phái Phật giáo biệt truyền, thể hiện phong cách mang dấu ấn ảnh hưởng sâu đậm tính dân tộc và chỉ có ở Việt Nam.”[4]

 

Tóm lại, trải qua bao lịch sử thăng trầm của nhân loại, đạo Phật không thể giữ được nguyên trạng con đường khất sĩ, nhưng nó đã từng bước du nhập hài hòa vào nền văn hóa của mỗi quốc gia khắp năm châu, tạo nên các truyền thống Phật giáo linh động khác nhau như hiện nay. Hầu hết mỗi tông phái Phật giáo đều phát triển theo những sắc thái đặc trưng riêng về nghi lễ, hình thức và phương pháp thực hành; nhưng lý tưởng cứu cánh của đạo Phật vẫn là con đường giải thoát khổ đau. Tùy vào nghiệp duyên và lý tưởng giải thoát của từng cá nhân, mỗi người có thể tự chọn cho mình một khuynh hướng đạo Phật phù hợp với khả năng của chính mình. Tuy nhiên, con đường duy nhất hướng đến giác ngộ và giải thoát hoàn toàn chỉ có Con đường Đạo Phật Khất Sĩ,Bởi đạo Phật là đạo Khất Sĩ du Tăng, con đường của bậc giác ngộ; đi theo con đường ấy là đến với chơn lý của vũ trụ để đạt mục đích Niết-bàn”.[5]

 

 


 

[1]Tham khảo “Tiểu sử Tổ Sư Minh Đăng Quang”

[2]Chơn Lý, tr. 167.

[3]Xem Chơn Lý, cùng trang.

[4]Chơn Lý, tr. 8.

[5]Chơn Lý, tr. 180.

 

----------------------------------------------------