NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Giáo dục - Hoằng pháp / KIỂM TRA 37 PHÁP CHÁNH GIÁC

Tâm Nguyên , Thứ Sáu 24-02-2017

 

KIỂM TRA 37 PHÁP CHÁNH GIÁC

 

Trong 30 câu đã đặt ra, tạm giải 16 câu như sau:

 

 

3. Trong 37 pháp chánh giác, pháp nào là quan trọng nhất?

 

– Đối với bất cứ pháp nào, dĩ nhiên người tu hành vẫn là quan trọng nhất. Bởi gặp kẻ ít chấp thì 4 niệm Thân – Bệnh – Ý – Pháp yếu, dễ phá; còn kẻ không hiểu được 4 niệm này thì không cách nào tu thiền quán được. Lại như nếu có người không chấp Thân – Bệnh – Ý – Pháp thì người ấy không cần tu, mà lúc nào cũng đã sẵn đủ, tâm hằng định, trí tuệ thần thông sẵn có. Và tất cả những gì Phật dạy là dạy cho người tu hành đó thôi…

 

 

4. Bốn pháp đầu nói gọn lại là gì?

 

– 4 niệm Thân – Bệnh – Ý – Pháp nói gọn lại là 2 niệm Thân – Tâm hoặc Sắc – Danh.

 

Đem thân làm kẻ tội đày

Cho bao vật chất nó cai trị mình.

Để tâm làm vật hy sinh

Suốt đời theo lệnh dục tình dắt lôi!

 

 

10. Hãy nêu 1 câu hỏi khó trả lời nhất về 37 pháp chánh giác?

 

– Đã thật hành tới đâu rồi?

 

(Làm khó nói dễ. Nhưng cái miệng trơ tráo sẽ vẫn thản nhiên trả lời là “Chưa làm được gì hết.”, vậy vẫn chưa phải là câu hỏi khó trả lời. Cho nên “khó trả lời” là đối với người có lòng hổ thẹn, biết lỗi của mình, biết kính trọng các bậc A-la-hán mà nói.)

 

 

11. Quý vị nghĩ gì về 37 pháp chánh giác?

 

– 37 pháp chánh giác của Sư trưởng Minh Đăng Quang dạy được thuyết minh rõ nghĩa, liền lạc, không rời rạc hoặc chung chung như các giảng sư ở Việt Nam giảng.

 

37 pháp này khác với 37 pháp của 2 hệ thống Phật pháp Nam truyền và Bắc truyền, nó phải là chỗ đã đi qua của một bậc Đạo sư.

 

Không thể nói rằng ngài Minh Đăng Quang đã chắt lọc tinh hoa của 2 hệ thống Phật pháp Nam truyền và Bắc truyền để biên tập ra 37 pháp này. Từ đó cũng không thể có nhận định như vậy về cả hệ thống Giáo pháp Khất sĩ.

 

 

12. Quý vị có tu theo 37 pháp này nổi không?

 

– Ta phải lập chí, phải quyết định thoát ly sanh tử luân hồi khổ, làm bậc chiến thắng cao thượng, làm Phật tử chân thật.

 

Như thế, ta không cần trả lời là nổi hay không nổi. Đây là 1 câu hỏi trắc nghiệm thái độ của người học.

 

 

15. Vì sao các hàng trưởng lão Tăng, Ni Khất Sĩ mấy chục năm qua không triển khai 37 pháp chánh giác này?

 

– Hơn sáu chục năm qua các hàng trưởng lão Tăng, Ni Khất Sĩ không triển khai 37 pháp chánh giác này rõ ràng là vì các lý do:

 

–1 là không học các pháp này,

–2 là không tu các pháp này,

–3 là không dạy các pháp này.

 

Do Sư trưởng Minh Đăng Quang đi sớm quá, hàng đệ tử đa phần đều bám vào Tứ y pháp mà an thân lập mạng, mà lập được những sự nghiệp lớn lao ở đời. Trong những thành công buổi đầu đó, có người viết hồi ký lấy tên là Vang Bóng Một Thời, rất tâm đắc. Một quyển sách nhỏ này cũng đã nói thay được tình hình nhà Khất Sĩ trong giai đoạn đầu: mọi sự đều quy về Tứ y pháp.

 

Nhưng rồi thời gian trôi qua, nhiều người không an trú được trong Tứ y pháp nữa, thì lời cảnh giác của Sư trưởng Minh Đăng Quang bắt đầu ứng nghiệm: “Khất sĩ dầu có trì giới đi nữa mà không định, huệ thì vẫn chưa phải là khất sĩ!”. Vốn Tứ y pháp là tạng Luật, mà “Giới luật có thể đưa người hành đạo đắc 2 bậc Thánh quả Nhập lưu và Nhất vãng lai” thôi, huống gì có mấy người sống đúng mức của Tứ y pháp?

 

Dần dần quý vị khất sĩ trẻ bắt đầu thao thức, chạy nơi này nơi kia tìm một pháp tu nào khả dĩ đem lại hương vị đạo thiết thật. Quý vị tu Tiên, hoặc đi Miến Điện, đi Ấn Độ, qua Trúc Lâm, đến Làng Mai, theo Tịnh độ, tham thoại đầu, tu nhân điện, làm từ thiện, sáng tác thơ văn, lo xây cất cơ sở, đi học lấy bằng cấp, làm việc hành chánh giáo hội… linh động xoay trở. Rồi câu hỏi này đã được nhiều người nêu lên: “Bạch hòa thượng Thiền chủ, chúng con phải tu pháp thiền nào?”, nhưng tiếc là đến nay vẫn chưa có lời đáp ổn thỏa!

 

Tứ y pháp là cái y cái bát, là cái vỏ; phải có định, huệ mới có thật chất. Đây là điều mà quý vị khất sĩ ngày nay đã thấm thía. Và nếu sự thật này không được nhìn nhận khách quan thì sự trì trệ sẽ được tiếp diễn.

 

Trong thập niên 1990, tại Trường Hạ Tịnh xá Trung Tâm, HT. Giác Ngộ giảng về Tứ diệu đế – 37 phẩm Bồ-đề rất kỹ, giảng trong nhiều năm, nhưng đều triển khai theo Phật Học Phổ Thông, đều chưa giảng tới chơn lýPháp Chánh Giác. Hiện nay số băng cát-sét này vẫn còn, chúng tôi chưa phổ biến.

 

 

16. Thời mạt pháp ngày nay có nên triển khai pháp tu chứng A-la-hán quả này không?

 

– Thời nay triển khai pháp tu này thì có sao? Ai tu không nổi thì không nổi, có phiền gì! Nói thời nay là mạt pháp ư? Nếu là thời mạt pháp sao lại xuất hiện một bộ Chơn Lý siêu việt như thế? Chính Sư trưởng Minh Đăng Quang đã bảo: Pháp không có hưng, nói gì có mạt! (Vậy cái pháp có hưng có mạt là cái pháp gì?)

 

 

17. Tại sao nói: “Xem 4 niệm Thân – Bệnh – Ý – Pháp cũng như xem lại chính mình bao lâu nay”?

 

– 4 niệm Thân – Bệnh – Ý – Pháp là 4 sở chấp của mỗi người, không ai giống ai. Nên quán xét chúng thật ra là xem lại chính mình. Đến khi giác ngộ được 4 niệm này là lúc biết được cái ta chơn thật, đúng là mới biết được chính mình vậy.

 

 

19. Đạo lý của 37 pháp chánh giác là gì?

 

– Giác ngộ 4 niệm chấp – Thanh tịnh 6 căn – Chứng 6 thần thông – Giải thoát 3 cõi – Trở về với vũ trụ.

 

 

20. Tại sao đến chơn lý 57 Sư trưởng Minh Đăng Quang mới dạy 37 pháp chánh giác?

 

Chơn Lý được viết trong 2 năm 1952 – 1953, trong những thời gian thích hợp của tác giả, vốn là một vị Sư trưởng sáng lập một giáo hội Tăng-già, rất bận nhiều việc.

 

Ta nên lưu ý điều này: Trước chơn lý 57 là các chơn lý thuyết minh về giáo nghĩa Đại thừa. Vậy vừa nói cao xong là tác giả trở lại nói thật tế, vừa nói đến độ tha xong liền quay về nói tự độ, vừa nói pháp phương tiện xong lại nói về chỗ thật chứng. Lời nói vốn tương đối, vả lại đại tiểu, quyền thật, tự tha gì cũng là chuyện của kẻ phàm đang tu chứ có phải chuyện của Phật đâu. Bởi chúng ta chấp quá cho nên các ngài mới nhọc như vậy. Nếu nay chúng ta trở lại xét nét văn tự thì đáng cười lắm.

 

 

21. Trong 37 pháp chánh giác, 4 thần thông cũng được ghi nhận là sao?

 

– Do mắt, tai, mũi, lưỡi thanh tịnh, không còn kẹt trong những thấy, nghe, hửi, nếm thường tình mà phát huy được những quyền năng. Nó là một phần của những quả linh mà người tu đạt được.

 

4 thần thông được ghi nhận với tính khách quan, không phải là vọng cầu, tà thuật, không phải là ngã mạn, tà kiến…

 

 

22. Ý và ý căn khác nhau thế nào?

 

– Ý là chỗ niệm ý, là pháp thứ 3 trong 37 pháp, là thức thứ 6, công vi thủ tội vi khôi.

 

Ý căn là rễ ý, là cái chấp ngã, là thức mạt-na thứ 7. Do chấp ngã mà có đủ thứ ý. Do ngã mà vọng tưởng tuôn tràn không ngừng. Do lấy ngã làm trung tâm, từ đó phản chiếu, nên những nhận thức đều bị lệch, không còn đúng nữa.

 

Dứt niệm ý là tạm dứt chứ chưa phá được tới ý căn. Phải tới pháp thứ 29 mới phá được chỗ sanh tử luân hồi này.

 

 

23. Có thể yêu cầu các vị khất sĩ tu 37 pháp chánh giác được không?

 

– Ta chỉ có quyền với chính mình hoặc với học trò của mình. Ta không thể yêu cầu ai tu như mình cả. Đây cũng là một câu hỏi trắc nghiệm thái độ của người học.

 

 

24. Có cần thiết phải yêu cầu các vị khất sĩ tu 37 pháp chánh giác không?

 

– Nếu người nào thấy ra mình là hàng khất sĩ Thanh văn, thì chắc người sẽ vui chịu học và tu theo 37 pháp chánh giác. Đối với hàng khất sĩ Duyên giác và khất sĩ Bồ-tát là những lớp cao hơn, thì không cần thiết phải học và làm lại bài lớp dưới. Đây là điều hiển nhiên.

 

 

26. Trong chơn lý Pháp Chánh Giác, hàng A-la-hán được mô tả thế nào?

 

– Trong chơn lý Pháp Chánh Giác, hàng A-la-hán được mô tả theo 5 cách này:

 

– Như đứa con nhỏ của Phật mới sanh ra, kêu là Phật tử, được sống bằng mạng Phật chánh giác, mạng bồ-đề, đã có đủ linh hồn xác thịt Thánh, ở trong nhà Phật mà đắc đạo. (Còn ngày nay chúng ta gọi ai là Phật tử?)

 

– Là bậc ứng cúng trong sạch, xứng đáng cho thế gian lễ bái cúng dường, quy y theo.

 

– Như con cá đã nhảy khỏi ao, như học trò đi thi được đậu, là điều mà trong thế gian rất quý báu nhưng ít ai làm đặng.

 

– Các ngài đã sống bằng ý giác, đi trên chánh đạo, sẽ đến chơn như rốt ráo.

 

– Các ngài thật khỏe khoắn, sung sướng quá, chúng sanh tội lỗi nào phải ít kiếp tu mà được!

 

 

28. Tại sao gọi là 4 diệu đề chứ không phải là 4 diệu đế?

 

– 4 diệu đề là 4 đề mục của chúng sanh, gồm Khổ, Tập, Diệt, Đạo; là nhân quả thế gian và nhân quả giải thoát.

 

4 diệu đế là 4 chơn lý nhiệm mầu. Xưa nay 2 hệ thống Phật pháp Bắc truyền và Nam truyền gọi như vậy.

 

Giáo pháp Khất sĩ không ghi nhận chúng là Đế, mà chỉ gọi là Đề. Hãy lưu ý điều đó. Đây cũng là một nét biệt truyền của Giáo pháp Khất sĩ.

 

 

----------------------------------------

 

Các bài liên quan