Đạo phật khất sĩ / Giáo dục - Hoằng pháp / 37 PHÁP CHÁNH GIÁC
37 PHÁP CHÁNH GIÁC
KS. Minh Bình
I. DẪN NHẬP:
Năm 1948, Giáo pháp Khất sĩ đến Sài Gòn, thủ đô của Quốc gia Việt Nam do ông Bảo Đại làm Quốc trưởng, để ra mắt các giới tôn giáo và xã hội ở nơi ấy. Kể từ khi ra mắt các giới Phật giáo đương thời, giáo pháp này đã được Sư trưởng Minh Đăng Quang tuyên dương rộng khắp. Như tác phong của chư Phật ba đời, Giáo pháp Khất sĩ được triển khai cho 3 lớp Khất sĩ Thanh văn, Khất sĩ Duyên giác và Khất sĩ Bồ-tát, đồng thời vẫn ngầm chỉ Phật thừa. Trong sự tìm học để tu tập, đầu tiên chúng ta sẽ tìm hiểu về lớp Thanh văn, đó là 37 pháp chánh giác.
37 pháp chánh giác của chư Phật được Sư trưởng Minh Đăng Quang thuyết minh qua chơn lý số 57 – Pháp Chánh Giác. Riêng phần thuyết minh về 8 chánh đạo được mở rộng thành một bài là chơn lý số 5 – Bát Chánh Đạo. Và cả 37 pháp được nêu rõ trong các pháp số của bài Pháp Học Sa-di III – Huệ, chơn lý số 69; cùng được bổ xung thêm trong Pháp Học Sa-di II – Định, chơn lý số 68; được nêu lên trong Pháp Học Sa-di I – Giới, chơn lý số 67...
Như đã biết, pháp có 2 chân, gồm pháp học và pháp hành. 37 pháp chánh giác của chư Phật cần phải học thông và hành trì, tu và chứng.
Sau đây chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu 37 pháp chánh giác qua mấy bài chơn lý. (Còn phần nêu thêm các Phật pháp Bắc truyền và Nam truyền chỉ để đối chiếu diễn giải, không phải là phần chính.)
II. 37 PHÁP CHÁNH GIÁC:
A. PHÁP SỐ: Sau đây sẽ nêu rõ 37 pháp của Phật giáo Khất Sĩ, Phật giáo Bắc truyền và Phật giáo Nam truyền.
A1. 37 pháp chánh giác của chư Phật gồm có: 4 chỗ niệm, 4 dứt đoạn, 4 thần thông, 5 căn bổn, 5 sức lực, 7 ý giác và 8 chánh đạo.
– 4 chỗ niệm:
1. Niệm thân 2. Niệm bệnh
3. Niệm ý 4. Niệm pháp.
– 4 dứt đoạn:
1. Dứt đoạn niệm thân 2. Dứt đoạn niệm bệnh
3. Dứt đoạn niệm ý 4. Dứt đoạn niệm pháp.
– 4 thần thông:
1. Thiên nhãn thông 2. Thiên nhĩ thông
3. Tha tâm thông (thiên tỷ thông) 4. Thần túc thông (thiên thiệt thông).
– 5 căn bổn:
1. Tín căn 2. Niệm căn
3. Tinh tấn căn 4. Trì giới căn
5. Thiền định căn.
– 5 sức lực:
1. Tín lực 2. Niệm lực
3. Tinh tấn lực 4. Trì giới lực
5. Thiền định lực.
– 7 ý giác:
1. Phân biệt sự lành với sự dữ
2. Tinh tấn mà lướt lên
3. An lạc trong vòng đạo đức
4. Thắng phục tâm ý mình đặng làm lành
5. Nhớ tưởng đạo lý
6. Nhất tâm đại định
7. Vui chịu với mọi cảnh ngộ.
– 8 chánh đạo:
1. Thấy chánh 2. Suy gẫm chánh
3. Nói chánh 4. Làm chánh
5. Sống chánh 6. Siêng năng chánh
7. Niệm tưởng chánh 8. Yên định chánh.
B. LƯỢC GIẢI 37 PHÁP:
4 chỗ niệm: Niệm là nhớ tưởng, thân và bệnh ai cũng biết, còn ý chính là “cái tâm tôi” theo như mỗi người thường nhận, và pháp là cái vốn sống của mỗi người. Pháp ở đây không phải là Phật pháp, nếu giải pháp là pháp thế gian và pháp xuất thế gian này nọ thì thật mênh mông, không đúng nghĩa trong trường hợp này. Ý chưa thật là tâm, nên xác định là ý. Còn bệnh, ngay đói, khát, buồn ngủ… cũng là bệnh. Và thân thể ta đây chính là cái nhà của tâm hồn, là điều kiện sống của tâm khi làm người.
Niệm tưởng thân - bệnh - ý - pháp là niệm tưởng đến chính mình. Theo tình chấp, người đời thường niệm tưởng đến thân, bệnh, ý, pháp, và bị che mờ, chướng ngại vì chúng. Do đó người tu phải thường niệm tưởng thân, bệnh, ý, pháp để giác ngộ và giải thoát khỏi 4 chấp mắc này.
Ta hằng có niệm tưởng về thân, bệnh, ý, pháp mỗi món, tìm xét thấy ra thân là không có, bệnh là không có, ý là không có, pháp là không có. Cả thảy thân, bệnh, ý, pháp là huyễn ma. Các cái ấy tạo lần cái ta, khi cái ta đã thành tựu thì 4 cái ấy tiêu hình.
Ta là chơn như, là định, là võ trụ, chơn thật như nhiên, không vọng động; là cái lẽ sống, biết, linh tự nhiên chớ không phải có cái chi làm ta. Cái ta ấy là cái thật, thường bền, cái mà tất cả chúng sanh là có một. Còn thân, bệnh, ý, pháp là giả dối, láo xược.
4 dứt đoạn: Là dứt đoạn 4 vách nhốt ngăn, dứt đoạn 4 dây trăn trói, dứt đoạn địa ngục hắc ám phủ che, dứt đoạn sự hành hà tâm trí. Do đó con người hoàn toàn giải thoát, sống trong cõi chơn như đại định, võ trụ bao la, không chi ngăn ngại.
– Đoạn thân: dứt thân rồi không nhớ nữa
– Đoạn bệnh: dứt bệnh rồi không nhớ nữa
– Đoạn ý: dứt ý rồi không nhớ nữa
– Đoạn pháp: dứt pháp rồi không nhớ nữa
4 thần thông: 4 thần thông thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm và thần túc có ra là do 4 cái dứt đoạn, trừ được 4 chỗ niệm, tâm định yên trụ chính giữa, gom thần góp điện, hiệp sức của 4 phương mà thành.
– Thiên nhãn thông có do dứt đoạn niệm thân, là phép niệm làm cho mắt thấy xa.
– Thiên nhĩ thông có do dứt đoạn niệm bệnh, là phép niệm làm cho tai nghe xa.
– Tha tâm thông (thiên tỷ thông) có do dứt đoạn niệm ý, là phép niệm làm cho biết tâm kẻ khác.
– Thần túc thông (thiên thiệt thông) có do dứt đoạn niệm pháp, là phép niệm làm cho thân bay bổng lên không.
Nhờ dứt đoạn 4 niệm, tâm hằng định, tinh thần đầy đủ, sức linh thành tựu, điện lực càng thâu, nên đắc được:
– Mắt trời, mắt thần, mắt pháp, mắt huệ, mắt đạo.
– Tai trời, tai thần, tai pháp, tai huệ, tai đạo.
– Mũi trời, mũi thần, mũi pháp, mũi huệ, mũi đạo.
– Lưỡi trời, lưỡi thần, lưỡi pháp, lưỡi huệ, lưỡi đạo.
5 căn bổn: Do 5 căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân trong sạch mà sanh ra tín, niệm, tinh tấn, trì giới, thiền định là 5 căn của bậc Thánh. 5 căn trong sạch bởi mắt ấy đã không còn ngó xem việc phàm trần, tai ấy đã không còn nghe lóng việc tục trần, mũi ấy đã không còn ngửi biết việc thế trần, lưỡi ấy đã không còn nếm chác việc nhiễm trần, thân ấy đã không còn rờ chạm việc ô trần.
Trong đó, khi thân căn thanh tịnh thì tâm ý lặng ngừng, việc làm của thân không không, sanh thiền định căn, là tượng đủ thân hình Thánh.
5 sức lực: Bậc siêu phàm nhập Thánh lấy tín, niệm, tinh tấn, trì giới, thiền định làm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thanh tịnh, chớ chẳng có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân như người phàm. Vậy nên người sẽ đắc đặng 5 sức lực:
1. Tín lực, sức lực mạnh mẽ của chánh tín, sức lực kềm chế con mắt.
2. Niệm lực, sức lực mạnh mẽ của chánh niệm, sức lực kềm chế lỗ tai.
3. Tinh tấn lực, sức lực mạnh mẽ của chánh tinh tấn, sức lực kềm chế lỗ mũi.
4. Trì giới lực, sức lực mạnh mẽ của trì giới, sức lực kềm chế cái lưỡi.
5. Thiền định lực, sức lực mạnh mẽ của thiền định, sức lực kềm chế cái thân.
Nhờ đắc 5 sức lực này nên quả linh và đạo lý lại thêm lên, không lui sụt.
7 ý giác: Là 7 phách của Phật, gồm chứa đủ cả sống, biết, linh nên gọi tam hồn, hay kêu là giới, định, huệ đều đủ.
7 ý giác cũng là 7 lớp trí huệ:
1. Phân biệt sự lành với sự dữ, là nhân bố thí sẽ kết quả Nhập lưu.
2. Tinh tấn mà lướt lên, là nhân nhẫn nhục sẽ kết quả Nhất vãng lai.
3. An lạc trong vòng đạo đức, là nhân tinh tấn sẽ kết quả Bất lai.
4. Thắng phục tâm ý mình đặng làm lành, là nhân trì giới sẽ kết quả Vô sanh.
5. Nhớ tưởng đạo lý, là nhân thiền định sẽ kết quả Duyên giác.
6. Nhất tâm đại định, là nhân trí huệ sẽ kết quả Bồ-tát.
7. Vui chịu với mọi cảnh ngộ, là nhân chơn như sẽ kết quả Như lai.
7 ý giác cũng là 7 nấc thang, 7 lớp tu, 7 trình độ hạng bậc, là cây Bồ-đề cao 7 tầng, là 7 hột mè mà đức Bồ-tát ăn mỗi ngày, là tòa thất bửu của chư Phật, là 7 món các sư thường ăn...
Đắc 7 ý giác người tu sẽ đắc thêm được 2 phép thần thông: túc mạng thông (thông hiểu mạng số của chúng sanh cả thảy) và lậu tận thông (thông hiểu tất cả gốc nguồn phiền não), thành tựu quả A-la-hán, bậc Vô sanh (đến 2 vạn kiếp sau sẽ thành Phật Thế tôn). Chính ý giác Vui chịu với mọi cảnh ngộ mà người tu được hòa vui diệt tận mọi gốc khổ, giải thoát luân hồi sanh tử.
Bậc đắc xong 7 ý giác sẽ thấy mình như đứa con nhỏ của Phật mới sanh ra, kêu là Phật tử, sống bằng mạng Phật chánh giác, có đủ linh hồn xác thịt Thánh, ở trong nhà Phật.
8 chánh đạo: hay 8 Thánh đạo, là 8 cách hành đạo của bậc Thánh A-la-hán. Đây là pháp hành của bậc đã xong phần tự độ, lo cứu vớt tế độ chúng sanh và tu thêm cho mình để công viên quả mãn thành Phật.
Bậc A-la-hán khi thành đạo thường cảm thán:
Mọi phiền não đã hết Chư lậu dĩ tận
Hạnh trong sạch đã lập Phạm hạnh dĩ lập
Việc của mình đã xong Sở tác dĩ biện
Không còn thân sau nữa. Bất thọ hậu hữu.
A-la-hán có mấy bậc: có sách nêu lên 2 bậc là Bất hồi tâm độn A-la-hán và Hồi tâm đại A-la-hán; có sách nêu lên 6 bậc, mà bậc cuối mới đầy đủ công năng... Chúng ta lưu ý A-la-hán trong Giáo pháp Khất sĩ là A-la-hán lục thông và đang tiến qua Bồ-tát đạo.
8 chánh đạo có những nội dung như sau:
4 phần chánh kiến:
1. Thấy chắc các sự khổ
2. Thấy chắc lòng tham ái là nhân sanh các sự khổ
3. Biết chắc cảnh Niết-bàn là nơi dứt khổ
4. Biết chắc con đường Trung đạo dắt dẫn đến nơi diệt khổ.
3 phần chánh tư duy:
1. Suy xét không đành làm loài vật phải bị hại
2. Suy xét không đành làm cho loài vật phải đau đớn
3. Suy xét tránh khỏi ngũ dục đặng tìm xuất gia giải thoát
4 phần chánh ngữ:
1. Không nói dối
2. Không nói lời đâm thọc
3. Không nói lời hổn ẩu, ỷ thị
4. Không nói lời vô ích, khoe khoang
3 phần chánh nghiệp:
1. Không làm nghiệp sát sanh
2. Không làm nghiệp trộm cắp
3. Không làm nghiệp tà dâm.
5 phần chánh mạng:
1. Không nuôi loài vật để bán
2. Không buôn bán người (làm sự mai dong)
3. Không buôn bán rượu
4. Không buôn bán thuốc độc
5. Không buôn bán khí giới
4 phần chánh tinh tấn:
1. Rán giữ không cho sự ác sắp khởi ra được
2. Rán dứt sự ác đã có trong tâm
3. Rán làm những sự lành mà mình chưa làm
4. Rán làm những sự lành mà mình sẵn có cho được thêm lên
4 phần chánh niệm:
1. Nhớ chắc 32 thể tướng trong thân thể là vô thường, khổ não, vô ngã
2. Ghi nhớ rằng cái thọ vui hay thọ khổ là vô thường, khổ não, vô ngã
3. Ghi nhớ những sự lành hay sự ác là vô thường, khổ não, vô ngã
4. Ghi nhớ rằng các danh pháp và sắc pháp trong thế gian đều là vô thường, khổ não, vô ngã
4 phần chánh định:
1. Sơ định: tầm sát, hỷ, lạc, tịnh, định
2. Nhị định: hỷ, lạc, tịnh, định
3. Tam định: lạc, tịnh, định
4. Tứ định: tịnh, định
(Ngũ định: định, đại định, Niết-bàn)
4 diệu đề: 37 pháp chánh giác có ra do 4 diệu đề, gồm Khổ đề, Tập đề, Diệt đề và Đạo đề.
Khổ đề: 8 khổ
1/ Khổ sanh 2/ Khổ già
3/ Khổ bệnh 4/ Khổ chết
5/ Khổ thương yêu xa lìa
6/ Khổ thù ghét gặp gỡ
7/ Khổ cầu muốn chẳng đặng
8/ Khổ sắc, thọ, tưởng, hành, thức thái quá
Tập đề: 12 nhân duyên tập
1/ Vô minh tập 2/ Hành tập
3/ Thức tập 4/ Danh sắc tập
5/ Lục nhập tập 6/ Xúc tập
7/ Thọ tập 8/ Ái tập
9/ Thủ tập 10/ Hữu tập
11/ Sanh tập 12/ Tử tập
Diệt đề: 12 nhân duyên diệt
1/ Vô minh diệt 2/ Hành diệt
3/ Thức diệt 4/ Danh sắc diệt
5/ Lục nhập diệt 6/ Xúc diệt
7/ Thọ diệt 8/ Ái diệt
9/ Thủ diệt 10/ Hữu diệt
11/ Sanh diệt 12/ Tử diệt
Đạo đề: 8 chánh đạo
1/ Chánh kiến đạo 2/ Chánh tư duy đạo
3/ Chánh ngữ đạo 4/ Chánh nghiệp đạo
5/ Chánh mạng đạo 6/ Chánh tinh tấn đạo
7/ Chánh niệm đạo 8/ Chánh định đạo
C. GIẢI NGHI:
Xưa nay nhiều tiền bối dùng kinh sách Phật chữ Pàli và kinh sách Phật chữ Hán để làm sáng tỏ các bài chơn lý của Sư trưởng Minh Đăng Quang. Nhưng cách hay nhất vẫn là dùng Chơn Lý để giải nghĩa Chơn Lý, lấy quan điểm của chính tác giả Minh Đăng Quang để giải thích những bài viết của ngài. Tìm hiểu 37 pháp chánh giác trong bộ Chơn Lý, ta thấy có những thuật ngữ cần phải giải thích như sau:
– Tứ diệu đề chứ không phải là Tứ diệu đế, là 4 vấn đề của chúng sanh chứ không phải là 4 chơn lý.
– 4 niệm thân, bệnh, ý, pháp chứ không phải là thân, thọ, tâm, pháp. Nhưng “bệnh” và “ý” là xác nghĩa của “thọ” và “tâm” vậy.
– 4 dứt đoạn chứ không phải là Tứ chánh cần theo sách Phật Học Phổ Thông. Mà dứt trừ 4 niệm chính là tinh tấn trong trường hợp này.
– 4 thần thông chứ không phải là Dục như ý túc, Tinh tấn như ý túc, Nhất tâm như ý túc và Quán như ý túc theo sách Phật Học Phổ Thông. Khi các giảng sư phân tích 37 Phẩm trợ đạo, sau Tứ niệm xứ đến Tứ chánh cần đã thấy không liên hệ gì, đến đoạn giải nghĩa Tứ như ý túc càng thấy không ăn nhập gì hết. Còn 4 niệm – 4 dứt đoạn – 4 thần thông của Chơn Lý được trình bày liền lạc, rõ nghĩa.
– Nam truyền khẳng định Vô ngã, về Niết-bàn rồi là không còn ra được để gặp Phật Từ Thị nữa[1]; Bắc truyền khẳng định Chơn ngã ở Thánh không thêm, ở phàm chẳng bớt, tự tại vô ngại; Khất Sĩ khẳng định Ta là chơn như, là định, là võ trụ, mà tất cả chỉ có một[2].
– 5 loại mắt, tai, mũi, lưỡi hơi khó hiểu: Mắt trời, mắt thần, mắt pháp, mắt huệ, mắt đạo. Tai trời, tai thần...
Kinh Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật-đa của Bắc truyền có nêu ngũ nhãn: nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn (mắt thịt, mắt trời, mắt huệ, mắt pháp và mắt Phật). Năm mắt đó được các thầy giải thích qua bài kệ:
Thiên nhãn thông phi ngại
Nhục nhãn ngại phi thông
Pháp nhãn duy quán tục
Huệ nhãn liễu tri không
Phật nhãn như thiên nhật
Chiếu dị thể hoàn đồng.
Nghĩa là:
Mắt trời thông chẳng ngại
Mắt thịt ngại chẳng thông
Mắt pháp hay quán tục (đế)
Mắt huệ rõ biết không
Mắt Phật như ngàn nhật
Chiếu khác thể vẫn đồng.
Và các thầy bảo mắt pháp của hàng Bồ-tát, mắt huệ của hàng A-la-hán… nhưng hòa thượng Tuyên Hóa lại giảng rằng mấy chú sa-di đệ tử của ngài cũng khai được ngũ nhãn của mình.
– 4 phần chánh kiến chính là thấy biết rõ Tứ diệu đề.
– 3 phần chánh tư duy, pháp thứ 3 là tìm sự xuất gia giải thoát. Trong Bồ-tát đạo lại không xem trọng pháp xuất gia hay pháp tại gia, mà xem trọng Bồ-đề tâm.
– 3 phần chánh nghiệp ở đây là không sát sanh, không trộm cắp và không tà dâm. Lưu ý “không tà dâm” chứ không phải là “không dâm dục”, là pháp các ngài A-la-hán dạy cho người.
– 4 phần chánh tinh tấn có lời văn khác hẳn trong sách Phật Học Phổ Thông. Dĩ nhiên chúng ta phải học thuộc và vận dụng 4 phần chánh tinh tấn của Chơn Lý.
– 4 phần chánh niệm có mấy điều cần xem xét. Một, 4 chánh niệm được nêu lên chính là 4 niệm xứ trong Phật pháp Nam truyền và Bắc truyền. Hai, mỗi niệm đều được xem qua 3 pháp ấn Vô thường, Khổ não, Vô ngã. (Phật pháp Bắc truyền có 4 pháp ấn Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã; lại có Nhất thật tướng ấn. Thật tướng được thuyết minh thế này:“Thật tướng vô tướng, vô tướng bất tướng, cố danh thật tướng.”. Nghĩa là: “Cái tướng thật của vạn pháp thì không có tướng, mà cái không tướng cũng chẳng phải là một tướng; bởi không có tướng gì cho nên gọi là cái tướng thật.”.) Ngoài ra còn có các điều: 32 thể, thọ vui cũng là khổ, niệm tâm, danh pháp, sắc pháp, trong thế gian và ngoài thế gian...
– 32 thể trong thân chính là địa đại và thủy đại của thân thể, còn 2 đại hỏa và phong không thấy bằng mắt được. Nhưng 32 thể này được nêu ra hơi khác với 2 đại địa và thủy, cùng trong một bài chơn lý. 32 thể trong thân chia ra 6 phần:
1/ Tóc, lông, răng, móng, da
2/ Thịt, thần kinh, xương, tủy, tinh ba
3/ Tim, gan, màng bao ruột, bao tử, phổi
4/ Ruột già, ruột non, vật thực mới, vật thực cũ, tủy trong óc
5/ Nước mắt, mỡ lỏng, nước miếng, nước mũi, nhớt, nước tiểu
6/ Mật, đàm, mủ, máu, mỡ đặc, mồ hôi.
Còn đây là 20 phần đất (địa đại): Tóc, lông, răng, móng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, màng bao ruột, dạ dày, phổi, ruột già, ruột non, đồ ăn mới, phẩn, óc.
Và 12 phần nước (thủy đại): Mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, trỉn da, nước miếng, nước mũi, nhớt, nước tiểu.
So ra 32 thể không có thận, gân và trỉn da; lại có tinh ba, thần kinh và mỡ đặc. Cả 32 thể trong thân và Tứ đại trong thân đều được nêu chung trong một bài chơn lý số 68, ở 2 mục gần nhau. 32 thể được chia thành 6 phần chắc là 6 lớp quán tưởng. Chúng ta cứ ghi nhận mấy điều đó.
– Tại sao thọ vui cũng là khổ não? Bởi nó vô thường, nên khổ, nên vô ngã (3 pháp ấn được triển khai như vậy). Bởi cái vui và cái khổ luôn đối đãi trong nhận thức của ta. Bởi thọ một mảy trần là còn trong phạm vi của tam giới, thuộc về khổ đề…
– Niệm tâm: ghi nhớ những sự lành hay sự ác, đó là tâm phàm, tâm phổ biến của nhân loại.
– Các danh pháp: là các pháp thuộc về thọ, tưởng, hành, thức, chỉ có tên chứ không có hình dạng.
– Các sắc pháp: đất, nước, lửa, gió, sắc, thanh, hương, vị, xúc, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân…
– Chỉ có Niết-bàn là pháp xuất thế gian, còn lại đều là pháp thế gian. Như sáu pháp Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ cũng thuộc về pháp thế gian phải không? 6 pháp này dùng để độ 6 thói phàm: bố thí độ tham lam, trì giới độ phóng túng, nhẫn nhục độ sân hận, tinh tấn độ giải đãi biếng nhác, thiền định độ vọng tâm, trí tuệ độ si mê. Nên nếu không có 6 thói phàm thì chẳng có 6 pháp này.
– 4 phần chánh định sẽ được phân tích kỹ lưỡng để làm sáng tỏ nhiều điều. Lưu ý 4 phần chánh định được xếp ở đây thuộc về giai đoạn hậu của 37 pháp chánh giác, là pháp của bậc Thánh A-la-hán dùng độ người, dẫn người đến nẻo tối cao tuyệt đích bằng thiền định. Chính vì 4 pháp này là thiền định, khác với 37 pháp chánh giác đa phần là thiền quán, nên sẽ được tìm học kỹ trong một bài khác, mà ở đây chỉ nêu sơ lược.
Khác với 2 hệ thống Phật pháp Bắc truyền và Nam truyền, 4 phần chánh định của Giáo pháp Khất Sĩ có mấy điểm đặc biệt. Lâu nay chúng ta đã quen dùng theo 1 trong 2 nền Phật pháp cũ rồi, bây giờ phải học theo cách diễn giải, truyền dạy Thiền định của Sư trưởng Minh Đăng Quang. Đây là 4 phần chánh định:
1. Sơ định: tầm sát, hỷ, lạc, tịnh, định
2. Nhị định: hỷ, lạc, tịnh, định
3. Tam định: lạc, tịnh, định
4. Tứ định: tịnh, định
(Ngũ định: định, đại định, Niết-bàn)
5 pháp tầm sát, hỷ, lạc, tịnh, định là 5 chỗ ở của tâm, là 5 danh từ pháp lý của thiền định. Từ tầm sát đến định là Đạo, chính là con đường từ nhân loại bước đến Niết-bàn.
5 danh từ pháp lý đó như vầy: Định là Niết-bàn, Tịnh là Tịnh độ, Lạc là Cực lạc hay là cõi trời Vô sắc giới, Hỷ là cõi trời Sắc giới và Tầm sát là cõi trời Dục giới.
1. Bậc Sơ định phải tu 5 pháp: tầm sát, hỷ, lạc, tịnh, định.
2. Bậc Nhị định phải tu 4 pháp: hỷ, lạc, tịnh, định.
3. Bậc Tam định phải tu 3 pháp: lạc, tịnh, định.
4. Bậc Tứ định phải tu 2 pháp: tịnh, định.
5. Bậc Ngũ định chỉ còn 1 pháp: định.
(Nếu thấy ghi: “Sơ định: tầm sát, hỷ, lạc, tịnh, định.”, rồi giải thích: “Sơ định có 5 thiền chi” là nói sai. Sơ định chỉ ở mức tầm sát, chỉ có 1 chi.)
Cách diễn giải của Sư trưởng Minh Đăng Quang đã gián tiếp sắp đặt vị trí của Cực lạc và Tịnh độ rồi. Đặc biệt, 4 phần chánh định của Chơn Lý thật sự là Phật pháp, không phải là 4 thiền Sắc giới của thế gian. Điều này 2 hệ thống Phật pháp Nam truyền và Bắc truyền chưa triển khai tới.
Theo tinh thần “Chỗ học có sâu rộng thì mới hết nghi”, nên mấy vấn đề liên hệ đều được đề cập đến ở đây, để dứt nghi, tiến tới quá trình tu chứng.
III. TU CHỨNG:
Cần phải tu, cần phải chứng, cả đời chỉ làm một việc này. Nếu không tu thì tất cả chỉ là những học thuyết, được gọi trang trọng là “Phật học”, xem ra chẳng dính dáng gì tới mình. Khi tu rồi thì cần phải chứng, nếu không chứng thì đâu biết được các quả linh, trí huệ, cảnh giới của muôn loài vạn vật, chơn như đại định. Có tu có chứng được siêu phàm nhập Thánh, giải thoát luân hồi, yên vui mãi mãi, người trời lễ bái cúng dường, thật quý báu vô cùng.
1. 37 pháp chánh giác được chia làm 2 nhóm: Pháp tự độ gồm 29 pháp đầu và Pháp độ tha gồm 8 pháp cuối. Tiến trình tu và chứng của 29 pháp tự độ là: Vượt qua 4 chấp mắc thông thường của người đời – làm thanh tịnh các căn mắt, tai, mũi, lưỡi – đắc thần thông là tiến vào những cảnh giới huyền bí – phát huy 5 căn và 5 lực của bậc siêu phàm – tiến tới 7 ý giác thành tựu được quả A-la-hán.
Trong 29 pháp tự độ thành bậc A-la-hán hầu hết đều là pháp thiền quán. Đầu tiên là quán tưởng đến thân thể, tiếp theo là bệnh, đến ý, rồi đến pháp, 4 đề mục thiền quán. (Không tu riêng một niệm xứ như ở mấy thiền viện Miến Điện.)
Chính thân thể là quan trọng nhất, nổi cộm nhất, ai cũng sống chết vì nó. Vậy nên hãy xem xét thân. Rồi xem bệnh, cái đặc sản của thân, cái thọ khổ không ai tránh khỏi. Do thân và bệnh mà sanh ý bảo thủ, lo lắng sống chết, ý chí cá nhân... Do có thân, có bệnh, có ý mà có pháp. Bao nhiêu tư tưởng, kinh nghiệm, hiểu biết khôn ngoan, cách thức sống đời… đều là pháp. Cần lần lượt xem ý, xem pháp. Xem cả 4 thứ cũng như xem lại chính mình bao lâu nay.
Người đã kinh nghiệm đời ắt dễ thấy được thân, bệnh, ý, pháp của mình, không ai giống ai. Nay theo giáo lý hướng dẫn gợi ý người hãy xem cái thân, cái bệnh, cái tâm lý và cái hiểu biết của mình. Người hãy khởi nghĩ: Ta đâu phải là mấy thứ này? Sao ta lại nô lệ cho mấy thứ này? Chư Phật, chư Thánh đều đã giải thoát khỏi 4 món này từ lâu!
Bỏ mất thói tục, chẳng nhớ đến thân, đến bệnh, đến ý và pháp, nên mắt, tai, mũi, lưỡi được thanh tịnh, bắt đầu phát huy những năng lực thần thông...
Do mắt, tai mở ra, thấy nghe được những cảnh giới vô hình, huyền bí; do mũi, lưỡi khai thông, hửi nếm được hương vị của đạo; nên niềm tin tăng trưởng (Tín), niệm tưởng sâu sắc (Niệm), tu chuyên cần hơn (Tinh tấn), giới hạnh tinh thuần (Trì giới), thâm nhập thiền định (Thiền định).
Từ đó người được siêu phàm, nhưng đến sau 7 ý giác mới nhập Thánh.
Phải nghiêm túc quán tưởng, hằng có niệm tưởng về thân, bệnh, ý, pháp, tìm xét thấy ra những lẽ như Sư trưởng Minh Đăng Quang đã hướng dẫn trong bài chơn lý 57.
Trong đi, đứng, ngồi, nằm đều xem nó (vì pháp thiền quán có thể tu trong 4 oai nghi). Phải gác bỏ mọi chuyện, tập trung để ý nó. Không bắt phải ngồi lâu, nhưng phải chuyên tâm theo dõi, lấy đó làm công.
Khi có một hành vi nào liền phản tỉnh. Khi lòng thảnh thơi yên lặng không chấp thì không cần tu, mà khi xu hướng về thân, bệnh, ý, pháp thì liền xem xét. Khi tưởng là không xu hướng cũng phải để ý, bởi thói chấp đã in sâu lắm rồi.
Không nói không cười, hàng ngày trang nghiêm, thường chánh niệm tỉnh giác. Quên ăn quên ngủ, tháng ngày trôi qua, thói tục bỏ mất...
2. Hòa thượng Giác Ngộ triển khai pháp Như Lai Thanh Tịnh Thiền với tiến trình tu chứng như thế này:
Dùng pháp Sổ tức để nhập Sơ thiền, từ đó đi lên Nhị thiền, Tam thiền. Tại Tam thiền ngài sẽ chỉ cho pháp Kiến tánh thành Phật.
Ngài khẳng định: Chỉ có Tam thiền mới có giác, có quán, còn Tứ thiền thì tâm bất động, không thể khởi quán được. Đối tượng được quán ở Tam thiền chính là tâm thể. Và đây là con đường của Giáo pháp, từ Tam thiền rẽ lên A-na-hàm (không phải là kiến giải riêng của ngài).
Thiền pháp này đặc biệt ở chỗ dùng Tam thiền để kiến chiếu vào thể tánh. Đường lối này chưa từng được nghe nói đến, huống gì là triển khai ứng dụng, trong hệ thống Thiền tông Trung Quốc 1500 năm qua.
3. Bên Thiền tông Trung Quốc vốn không chú trọng về thiền định và giải thoát, mà chỉ trọng kiến tánh. Để kiến tánh, các thiền sư hướng dẫn người tham thiền, tìm hiểu chơn lý, và gần đây là tham thoại đầu. Sau khi kiến tánh rồi, các vị ấy ẩn tích mai danh trong núi hoặc trong tùng lâm mà dùi mài, kinh nghiệm thêm, lần lần chứng đắc các đạo quả Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát. Quá trình trừ mê lầm (đoạn hoặc) và chứng cái thật (chứng chơn) của mỗi thiền sư đều không được đề cập đến, chỉ được ngầm hiểu. Như thế, Thiền tông Trung Quốc với các dòng Lâm Tế, Tào Động, Quy Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn, Ngưu Đầu… truyền bá khắp trong và ngoài nước suốt 15 thế kỷ qua, nay đã sang tận Âu, Mỹ, được ghi nhận là pháp Tối thượng thừa. Nhưng “Tối thượng thừa” này sẽ được hiểu theo ý “Chỉ có Niết-bàn là pháp tối thượng” trong kinh Phật, hay “Không pháp nào qua được tự nhiên” trong Chơn Lý. Dầu chơn lý hiển nhiên nhưng người tu có nhiều hạng bậc, trình độ bất đồng, đã có ai bằng được Phật, nên phải lưu ý pháp tối thượng là một chuyện còn người tối thượng lại là chuyện khác. (Còn như 3, 4 phái Lâm Tế ở Việt Nam hiện nay đều tu Tịnh độ và lo ứng phó đạo tràng, khỏi bàn.)
4. Ở các nơi, hòa thượng Giác Nhiệm triển khai pháp thiền Yên lặng, hòa thượng Giác Hiệp dạy tu Tham thoại đầu, hòa thượng Giác Vạn lập đạo tràng cho người tu Thiền, Mật, Tịnh tùy ý. Hòa thượng Giác Dũng 1 lập đạo tràng chuyên tu Tịnh độ cầu vãng sanh Phật quốc. Sư cô Hằng Liên dạy người tu Tứ niệm xứ theo phái ông Goenka ở Ấn Độ, tu Quán cảm thọ. Sư cô Tường Liên thì theo pháp thiền của Rừng thiền Pa-auk ở Miến Điện, trước tu thiền chỉ, sau tu thiền quan danh sắc...
Còn đa số quý vị khác không biết thế nào, hay chỉ là hưởng phước cúng dường của người xuất gia và bận rộn mấy việc tôn giáo, hữu vi, thiện pháp ở đời?
Các mục 2, 3, và 4 trong phần III chỉ để tham khảo đối chiếu, không phải là trọng tâm của phần này.
IV. KẾT LUẬN:
Qua bài chơn lý số 57 và các bài khác, 37 pháp chánh giác đã được nêu lên và lược giải, gồm có: 4 chỗ niệm, 4 dứt đoạn, 4 thần thông, 5 căn bổn, 5 sức lực, 7 ý giác và 8 chánh đạo. Do 4 diệu đề mà có 37 pháp chánh giác. Do 37 pháp chánh giác mà người tu chứng lục thông, giải thoát sanh tử, đắc quả A-la-hán, từ đó đi lên các quả vị Duyên giác, Bồ-tát và Như Lai.
37 pháp chánh giác cũng là cách tu thành đạo của Phật cùng chư Bồ-tát, tuy giải sơ lược nhưng quý báu vô cùng.
Cho đến hiện nay, trong nhà Khất Sĩ vẫn chưa có ai triển khai 37 pháp chánh giác này ngoài Sư trưởng Minh Đăng Quang. Thế thì, chúng ta hãy nghi vấn rằng trong 20 khóa tu quý ngài đã triển khai những pháp hành nào cho quý vị khất sĩ Thanh văn? Thanh tịnh 6 căn, đắc 6 thần thông và giải thoát sanh tử mới là làm xong phận sự của một tỳ-kheo. Điều này cần phải được trân trọng.
Như trên, 37 pháp chánh giác là những pháp hành đã được học đầy đủ. Phần tiếp theo sẽ là chỗ thật hành của mỗi vị khất sĩ. Đến như các pháp này được triển khai trong các khóa tu của Hệ phái thì hợp lý.
Lời Sư trưởng Minh Đăng Quang dạy: “Có nhiều kiếp làm Bồ-tát mới được đắc quả A-la-hán” chúng ta có tin không? Hay chúng ta cứ bận lòng Tiểu thừa với Đại thừa theo người ngoại đạo (mấy nhà tôn giáo, đảng phái), hơn thua nhau trong mấy ý thức hệ, mặc cảm tự tôn hoặc tự ti theo danh từ “A-la-hán”[3], mà không cách nào thâm nhập được thật tế? Phải biết “Thanh tịnh 6 căn và chứng 6 thần thông” là lộ trình ai cũng phải đi qua, trước khi đến được Phật quả. Điều đó đã được chơn lý số 57 khẳng định: “Bậc đắc xong 7 ý giác là sẽ thấy mình như đứa con nhỏ của Phật mới sanh ra, kêu là Phật tử, được sống bằng mạng Phật chánh giác, mạng bồ-đề, đã có đủ linh hồn xác thịt Thánh, ở trong nhà Phật, mà đắc đạo. Từ đó mới sẽ lớn lần lên, từ bậc A-la-hán sẽ tới Bích-chi, tới Bồ-tát, và Như Lai, hoàn toàn tròn vẹn.”
Vốn dĩ đức Minh Đăng Quang là một bậc Tổ sư, là bậc Đạo sư đã sáng lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, nhưng chúng tôi vẫn muốn gọi như hồi ngài còn tại thế, gọi là “Sư trưởng Minh Đăng Quang”, để đưa mình trở về sống lại thời ban đầu của chánh pháp, khi Đạo Phật Khất Sĩ chưa biến tướng thành một tôn giáo. Xin đại chúng hoan hỷ…
(Bài 37 Pháp Chánh Giác này được hoàn thành do soạn giảng cho Đăng Luyện, trong chương trình đào tạo chú cho giáo hội.)
[1] Theo Thanh Tịnh Đạo Luận của ngài Buddhaghosa, đã dịch Việt ngữ.
[2] Mặc dù hòa thượng Giác Tường thường kỵ dùng chữ “Ta”.
[3] Nam truyền bảo “A-la-hán đã bằng Phật”, Bắc truyền bảo “A-la-hán là hạng chán đời, tiêu cực”, xét ra đều có phần phỉ báng pháp. A-la-hán là một danh pháp của đạo, ta chẳng thủ cũng chẳng xả danh pháp ấy.
KIỂM TRA 37 PHÁP CHÁNH GIÁC
Sau 14 buổi nghe chơn lý Pháp Chánh Giác, cùng đọc, giảng, và ghi chép, tiếp theo sẽ là phần kiểm tra. Sau khi kiểm tra sẽ là phần thảo luận, phản biện, và học thuộc lòng, để sự học được thấu đáo. Có 30 câu hỏi được kiểm tra trong 3 buổi như sau:
01. Nêu 37 pháp chánh giác theo thứ tự từ 1 đến 37.
02. Nêu 37 pháp chánh giác theo thứ tự từ 37 đến 1.
03. Trong 37 pháp này, pháp nào quan trọng nhất?
04. 4 pháp đầu nói gọn lại là gì?
05. Pháp Thiền định căn là gì?
06. Pháp Thiền định lực là gì?
07. Tại sao nhiếp được Thiệt căn lại sanh Trì giới căn?
08. Tại sao dứt được Niệm bệnh lại sanh Thiên nhĩ thông?
09. Tại sao phá được Niệm pháp lại sanh Thần túc thông?
10. Hãy nêu một câu hỏi khó trả lời nhất về 37 pháp chánh giác.
11. Quý vị nghĩ gì về 37 pháp chánh giác?
12. Quý vị có tu theo 37 pháp này nổi không?
13. 5 căn mắt, tai… thanh tịnh đã biết, còn căn thứ 6 là ý căn được thanh tịnh vào lúc nào trong 37 pháp chánh giác?
14. Pháp Thiền định căn, Thiền định lực, và Nhất tâm đại định là 3 pháp thiền định. Có thể trình bày rõ hơn về 3 pháp này không?
15. Vì sao các hàng trưởng lão Tăng, Ni Khất Sĩ mấy chục năm qua không triển khai 37 pháp chánh giác này?
16. Thời mạt pháp ngày nay có nên triển khai pháp tu chứng A-la-hán quả này không?
17. Tại sao nói: “Xem 4 niệm thân, bệnh, ý, pháp cũng như xem lại chính mình bao lâu nay.”?
18. Siêu phàm khác nhập Thánh thế nào?
19. Đạo lý của 37 pháp chánh giác là gì?
20. Tại sao đến chơn lý 57 Sư trưởng Minh Đăng Quang mới dạy 37 pháp chánh giác?
21. Tại sao 4 thần thông cũng được ghi nhận trong 37 pháp chánh giác?
22. Ý và ý căn khác nhau thế nào?
23. Có thể yêu cầu các vị khất sĩ tu 37 pháp chánh giác được không?
24. Có cần thiết phải yêu cầu các vị khất sĩ tu 37 pháp chánh giác không?
25. Cho biết giới hạn của Tha tâm thông?
26. Trong chơn lý Pháp Chánh Giác, hàng A-la-hán được mô tả thế nào?
27. 4 diệu đề là gì?
28. Tại sao là “4 diệu đề” chứ không là “4 diệu đế”?
29. Tại sao Đạo đề chỉ nêu 8 chánh đạo mà không nêu đủ 37 pháp chánh giác?
30. Sẽ mất bao lâu để học thuộc lòng bài chơn lý số 57 của Sư trưởng Minh Đăng Quang?
Các bài liên quan
- BÁT-NHÃ THẬT TƯỚNG
- Trí Huệ
- BỐN PHẦN CHÁNH ĐỊNH
- NGHI THỨC CÚNG NGỌ
- Sám Hối
- PHÂN TÍCH CHƠN LÝ SANH VÀ TỬ
- Tri thị không hoa
- KIỂM TRA 37 PHÁP CHÁNH GIÁC
- Pháp
- Có tà kiến
- Tin mừng cho Giáo pháp Khất sĩ
- TÌM HIỂU 13 PHẬT NGÔN
- Môn oai nghi Sa-di NGÀY NAY
- Ăn chay là TU CÁI LƯỠI
- Giáo lý Địa ngục trong Phật pháp
- KHÓA TU TRUYỀN THỐNG KHẤT SĨ 11
- Tìm về Chân Nguyên
- TÂM TOÀN GIÁC
- BÁO CÁO TỔNG KẾT KHÓA TU 10
- Nội quy và Thời khóa biểu của Khóa tu
- NGÀY THỨ 3 CỦA KHÓA TU THỨ 10
- CÁC PHÁP SANH DIỆT TRỐNG RỖNG
- Tịnh xá Lộc Uyển khai giảng lớp giáo lý năm 2013
- LỄ RA MẮT LỚP PHẬT HỌC ÁO TRẮNG
- Phân tích Kinh Diệt Lòng Ham Muốn
- TRUYỀN TAM QUY NGŨ GIỚI
- Minh Đăng Quang đại nguyện thành Phật
- 49 câu nguyện của đức Minh Đăng Quang
- Nghi thức Truyền giới Khất Sĩ năm 2012
- KINH DIỆT LÒNG HAM MUỐN
- TỔNG LUẬN VỀ GIỚI LUẬT
- GIỚI LUẬT KHẤT SĨ
- MỘT DẤU HIỆU KHỞI SẮC
- Hoằng pháp bằng Nghệ thuật Viết Chữ
- NHƯ LAI THANH TỊNH THIỀN
- NỘI SAN ĐUỐC SEN - số 09
- Nội san TÌM LẠI NGUỒN XƯA - 2009
- Các trang Web hiện nay của Phật giáo Khất SĨ
- HOẰNG PHÁP Ở VÙNG SÂU VÙNG XA
- HÌNH ĐÈN CHÂN LÝ & HÌNH ĐỨC BỒ-ĐỀ ĐẠT-MA NÀY CHƯA ĐÚNG
- Nam-mô A-di-đà Phật !
- Pháp học Sa-di - 36 Pháp cú thuộc lòng
- Những Khóa Học Hè ở TX. Ngọc Nguyên - Ninh Gia
- LỜI CẨN BẠCH VỀ SỰ HÌNH THÀNH TRANG PHÁP HỌC
- BÀI HỌC SA-DI
- PHÁP THIỀN SỐ TỨC QUÁN
- Y BÁT KHẤT SĨ