Đạo phật khất sĩ / Tư tưởng - Văn hóa / Chân tình Vu-lan
Chân tình Vu-lan
Hành Vân
Thế rồi mùa Vu-lan lại đến. Vẫn có người hỏi: “Chữ Vu-lan có nghĩa là gì?”. Nhưng ở đây, chẳng cần biết chữ Vu-lan có gốc chữ Phạn là gì, Tàu dịch là gì, nghĩa chữ Việt là gì, ta hãy nói về ý Vu-lan.
Ý Vu-lan là kết nối tình người, xây dựng những mối quan hệ gia đình tốt đẹp. Cần phải xây dựng từ những nhân quả đang chuyển biến, chứ không phải là thụ động chấp nhận nhân quả với những hệ lụy của nó. Trong cuộc đời, người ta đến với nhau là bởi những duyên nợ, để thành vợ chồng, cha mẹ, con cái của nhau. Chính trong những mối quan hệ gia đình đó, người ta sẽ báo và trả cho nhau những gì đã gây ra từ các kiếp sống trước, đồng thời tạo thêm nhiều ân oán.
Sách Truyện Cổ Phật Giáo kể rằng:
“Có một phú ông hiếm muộn nên hết lòng đi các nơi khấn nguyện cầu con. Thế rồi ông đã may mắn có được 2 đứa con trai xinh đẹp, khỏe mạnh. Hai đứa bé trai mỗi kẻ một tánh nết: một đứa ngoan hiền, đáng yêu, còn một đứa hay ngỗ nghịch, quấy rầy cha mẹ, đòi hỏi nhiều thứ.
Ngày tháng dần trôi, mới tuổi thanh xuân đứa con ngoan đã vội lìa trần. Hỡi ôi, người cha quá đỗi đau khổ! Người chỉ ước gì có thể chết thay được cho con.
Mấy năm sau đứa con kia cũng tạ thế. Lại một cảnh lá vàng khóc lá xanh sao vội lìa cành. Ôi hay cho số phận, sao cứ dằn vặt những thân phận nhỏ bé đáng thương!
Quá đau khổ, phú ông khấn lạy Bồ-tát Quan Âm cho được gặp lại hai đứa con yêu dấu. Thấy chúng sanh si mê tội nghiệp, đức Từ bi đã dẫn hồn ông đi gặp các con nơi cõi âm.
Đầu tiên, được gặp lại đứa con ngoan, phú ông vội chạy đến ôm chầm lấy con mà hỏi thăm, trách móc… Nhưng lạnh lùng thay, người con ấy đẩy ông ra mà bảo rằng: “Ông lầm rồi, tôi nào phải con ông! Đời trước tôi mắc nợ ông nên phải quay lại trả cho xong. Trả hết rồi thì tôi đi chứ ông còn trách móc nỗi gì?”.
Phú ông sững sờ, chẳng biết nói sao. Đến khi gặp đứa con ngỗ nghịch, ông cũng vội chạy lại ôm con mà tỏ niềm thương nhớ. Nhưng người này cũng đẩy ông ra mà nói thẳng: “Tôi với ông có là cha con gì! Đời trước ông mắc nợ tôi chưa trả nên nay tôi đến đòi lại thôi. Bây giờ đường ai nấy đi chứ khóc thương gì!”…
Hỡi ôi, người ta sống chỉ để trả nợ và đòi nợ thôi sao? Thế thì trơ trẽn quá, tầm thường quá, đâu mới là ý nghĩa chân chính của kiếp nhân sinh?”.
Ta hãy trả lời cho câu hỏi này của phú ông đáng thương. Có phải rằng:
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì, ai biết không?
Để gió cuốn đi!
Thật nhẹ nhàng lắm. Tấm lòng nào gió đã cuốn đi? “Một” ở đây không phải là số lượng, mà một là từ nói về những tấm lòng trọn vẹn, chân thành, đầy đặn như một bát nước đầy.
Phật pháp dạy rằng: “”Sanh ký, tử quy.”, nghĩa là “Sống gởi, thác về.”. Ta sẽ đặt tiếp nghi vấn: “Tử quy hà xứ?”, Chết về chốn nào? Người Việt Nam xưa bảo nhau rằng: “Quy tiên.”, nghĩa là Trở về với tổ tiên, nơi âm cảnh, khác với dương gian này. Nhưng nghĩa Sống gởi, thác về của Phật pháp không hẳn là vậy. Sống gởi là sống gá vào cái bị thịt suốt ngày đòi ăn, ngủ, đái ỉa, tắm rửa, ôm ấp, sanh đẻ… này; nói tổng quát hơn là sống gởi nơi tứ đại đất nước lửa gió, sống gởi nơi trần cảnh sắc thanh hương vị... Còn Thác về là về với chơn tâm bổn tánh, là trút bỏ cái xác phàm thúi đã tròng vào con người thật của mình trong mỗi kiếp sống, là thoát khỏi bao đảo điên say đắm khi thọ thân người.
Sanh giả không, tử giả không hề
Sống nương cõi tạm, thác về quê xưa.
Quê xưa là một cõi tâm linh, hễ giác ngộ thì đến được, không thuộc về những điều kiện sanh và tử của thân thể, của bo-đỳ (body). Vậy câu “Thác về” sẽ được hiểu chính xác là: Khi cái tâm ham sống với các trần bị chết đi thì nó sẽ trở về lại quê hương của nó. Đó là lúc cái tâm phàm chết, chứ không kể cái thân thúi chết. Nhiều khi cái thân chết mà cái tâm ham sống chẳng chịu chết, chẳng chịu về quê.
Quê xưa đó không phải là dương gian đã đành, mà cũng không phải là âm cảnh như khuynh hướng Quy tiên của người Việt Nam xưa. Quê xưa đó không hẳn ở đây hay ở đâu, hễ tâm giác ngộ thì về đến quê, hễ còn mê đắm cõi trần dù là cõi dương hay cõi âm thì đều còn chưa về đến nhà.
Kiếp nhân sinh là kiếp sống tạm, để làm kẻ học trò học hỏi cuộc sống cho được giác ngộ thành Phật. Kẻ học trò này được ngài Minh Đăng Quang gọi là khất sĩ, ai ai cũng là khất sĩ. Rồi Chơn Lý của ngài thuyết minh tiếp rằng: “Tiếng cha con là không có.”, đừng chấp mình làm cha ai, sanh đẻ ra ai, phải nuôi ai, được sung sướng vì ai, bị khổ đau vì ai… cả. Và “Nuôi con là đáp đền ơn cha mẹ.”, một cuộc sống tiếp diễn, trang trải cho nhau. Đây là bài học cho phú ông, cũng là cho tất cả những ai đang làm cha, làm mẹ trên đời này.
Chúng sanh bình đẳng thân phận, chỉ là đi trước đi sau mà thôi, nên sẽ có những vai trò tạm khác nhau. Kinh Phạm Võng dạy: “Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta.”, có nghĩa rằng ta cũng là cha là mẹ của tất cả chúng sanh vậy. Ý nghĩa của câu kinh này trước giờ không ai giải ra đến thế. Nhưng trong cái vòng luân hồi lẩn quẩn đó thì ai mới là cha ai, ai mới là mẹ ai? Thôi thì cứ lần lượt đóng vai vậy!
Theo gương Phật vượt qua thân kiến, không còn màng đến chuyện sanh ai, đẻ ai, hay bị ai sanh, ai đẻ nữa, kẻ giác ngộ lấy pháp làm thân, từ hoa sen hóa sanh, mang thân tùy tâm ứng hiện. Kinh Phổ Môn nói: Muốn cầu Phật thì hiện thân Phật, muốn cầu nữ nhân thì hiện thân người nữ, muốn cầu quỷ thì hiện thân quỷ… và:
Hiện thân đó ân cần thuyết pháp
Phương tiện này độ khắp thế gian.
Đem tư tưởng này soi vào Kinh Vu-lan, Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu, thì không còn 32 ứng thân cứu độ nữa, mà chỉ có 3 ứng thân gia đình: thân cha, thân mẹ và thân con. Ta có thể triển khai như vậy chứ?
Mùa Vu-lan, mùa tưởng nhớ về công cha nghĩa mẹ, tôn vinh hiếu hạnh, lập đức tri ân và báo ân, để hóa giải mọi ân oán trong mỗi gia đình, mà xây dựng nên một xã hội loài người tốt đẹp. Nếu tư duy sâu sắc hơn, nhân mùa Vu-lan ta sẽ nghĩ về những thân phận cha, mẹ, con cái trong cuộc đời này. Theo hướng tư duy của Phật pháp gợi ý, ta thấy ra những thân phận ấy đều là tạm bợ, vô ngã, vô thường, khổ đau, dẫy đầy ân oán… Đến đây ta chợt giác ngộ ra rằng: Chân tình Vu-lan là những tình cảm rất ấm áp, chan hòa, người người quý kính nhau, biết ơn nhau và giúp đỡ nhau. Chân tình đó được hình thành từ tâm giác ngộ, đã vượt qua thân kiến “Đây là con ta, đây là mẹ ta, đây là cha ta.”, bởi chính ta còn không có. Chân tình đó chắc chắn sẽ không bao giờ cảm xúc rằng:
Mẹ mãi muôn đời mẹ của con
Dù Nam Hải cạn, Thái Sơn mòn
Trái tim in bóng Thời mơ mộng
Tuổi ngọc ngà vương nét lệ son…
Trong chân tình Vu-lan chắc chắn sẽ không bao giờ có mưa tháng 7 sụt sùi, không bao giờ đợi đến tiết mùa Thu có lá vàng rơi đầy cảm xúc, không bao giờ cần khắc tạc những hình tượng vĩ đại lên núi sông hùng vĩ:
Ngước nhìn lên đỉnh non xanh
Mắt cha còn đọng long lanh mây trời
Từ xưa ngọc vẫn không lời
Mà sao huyền diệu sáng mười phương mây!
Chân tình Vu-lan chắc chắn sẽ không làm ai trở nên ủy mị. Nếu vì Vu-lan mà trở nên ủy mị, thì đó là do người ta đã hiểu chưa đến rồi:
Gió se lạnh, hoàng hôn buồn man mác
Vu-lan về tan nát cõi lòng con…
Như vậy, bài tùy bút Chân Tình Vu-lan này đã khắc họa tình cảm chân chính giữa người và người trên cõi đời. Qua đó ta thấy được chánh pháp Vu-lan, cũng như mọi Phật pháp khác, đều là pháp giải thoát cao quý! Thế thì bước đầu pháp Vu-lan nhấn mạnh về Hiếu là dùng phương tiện để tiếp dẫn người đó thôi, tức là quyền trí vậy. Với quyền trí đó, vẫn có Tết Vu-lan, vẫn có Mùa Báo hiếu cho hết thảy mọi người:
Tết Vu-lan thương cha công dưỡng dục
Mùa Báo hiếu nhớ mẹ nghĩa sanh thành!
-----------------------------------------
Các bài liên quan
- xưa Minh Đăng Quang viết
- Nghĩa Trăm Năm
- Tại sao chọn Luật Tứ Phần?
- Hành Trang Vào Đời
- T Â M K H Ô N G
- Từ Nhân Loại Bước Đến Niết-bàn
- Phụ giải Công Lý Võ Trụ
- KHẢO CỨU BỘ CHƠN LÝ
- Ý ĐỊNH LÀ NIẾT-BÀN
- Đời là biển khổ
- TÍNH CHẤT CHỦ YẾU CỦA TRIẾT LÝ THIỀN
- Năm Lửa bắt Thầy
- NGHI THỨC ĐÓNG CHUÔNG U MINH
- KHẤT SĨ BỒ-TÁT
- A-LA-HÁN
- BỒ-TÁT TRỤ XỨ
- Nhà bác học Albert Einstein nói về Phật giáo
- GIÁP NGỌ – NHÂM THÌN 58 NĂM
- Theo gót chân Người
- Thờ phượNG
- VÔ NGÃ & NGÃ
- Dấu xương để lại cho đời
- Nghiên cứu BỒ-TÁT GIÁO
- Giáo pháp Khất sĩ
- Ngày Tổ sư trở về
- Tết 2-0-1-6
- Minh Đăng Quang truyền dạy Chơn lý
- Ai lên núi lửa trần gian
- Câu chuyện Sư tử đá
- Kiến – tánh
- Biểu tượng Đèn Chơn Lý
- Pháp ngữ của TS. Minh Đăng Quang
- Tham luận của HT. Minh Hồi
- Pháp tu Quan Thế Âm
- Tham luận của HT. Đức Nghiệp
- Tham luận của TT. Minh Thành
- Tham luận của TT. Nguyên Thành
- Tham luận của TT. Huệ Thông
- Câu đố cổ xưa của người Hy Lạp
- Tinh thần Trung đạo trong bộ Chơn Lý
- TRÍ & THỨC
- TÀ KIẾN CỦA NHỊ THỪA
- Cha Mẹ bơ vơ
- Nét đặc thù của đức Tổ sư MĐQ
- Những lời Khách Sáo
- Vắng Bóng
- THIỀN ĐỊNH NHƯ MỘT GIẤC NGỦ NGON !
- Chánh Pháp Vu-lan
- Ý nghĩa ngày Rằm tháng Tư Vesàkha
- Thuyền Bát-nhã (thơ Đạo)
- LỜI THẦY DẠY (Đức Thầy Giác An)
- “KINH CÀY RUỘNG” & Chơn lý “CHƯ PHẬT”
- HÃY SỐNG HẾT LÒNG MÌNH VỚI ĐẠO PHÁP (TT. Giác Tuấn)
- CON ĐƯỜNG TIẾN HÓA CỦA CHÚNG SANH (TT. Giác Pháp)
- SEN NỞ ĐÓN HẠ VỀ (Ni sư Minh Liên)
- LINH ẢNH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
- Ăn Chay và Sức Khỏe
- Thi hóa tiểu sử Tổ Sư Minh Đăng Quang
- KỆ HỒI TÂM (Tổ Thiên Thai)
- NHỮNG BÀI CA GIẢI THOÁT