NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Giáo dục - Hoằng pháp / Pháp

Tâm Nguyên , Thứ Tư 15-06-2016

 

PHÁP

 

Sư trưởng Minh Đăng Quang biên soạn

 

KS. Minh Bình phân tích (06/2016)

 

 

 

1. Giới thiệu tác phẩm, tác giả:

 

1a. Tác phẩm:

 

Chơn lý 18 – Bài Học Khất Sĩ của Sư trưởng Minh Đăng Quang gồm có 13 bài:

 

1. Kinh Cúng Nguyện                2. Luật Ngôn

3. Phật Ngôn                              4. Pháp

5. Thân                                      6. Khẩu

7. Ý                                            8. Nhẫn

9. Giới                                        10. Huệ

11. Cầu Nguyện Trai Tăng        12. Kinh Phước Thí

13. Thọ Bát

 

Đây là 13 bài học cần thiết cho các vị khất sĩ sử dụng hàng ngày do Sư trưởng Minh Đăng Quang biên tập và ban hành. Trong số 13 bài học này, 4 bài Kinh Cúng Nguyện,Cầu Nguyện Trai Tăng,Kinh Phước Thí Thọ Bát thường được đọc khi cúng ngọ, cúng trai Tăng. Riêng 3 bài Luật Ngôn, Phật NgônGiới thuộc về giới luật, là những ý đạo căn bản cho người sơ tâm. Còn 6 bài kia cũng là những ý đạo căn bản cần học và hành, mà đặc biệt 2 bài Pháp Huệ thuộc về tư tưởng Bát-nhã thâm sâu của nhà Phật. Để tiện tìm hiểu bài Pháp, đầu tiên hãy xem nguyên văn:

 

 

Pháp

 

1- Thân thọ sanh từ nơi không tướng

     Như giấc mơ, do tượng hình ra

     Người mơ, tâm thức đâu mà

     Trụ đâu tội phước đều là thành không.

 

2- Pháp lành khởi vốn xưa là huyễn

     Nghiệp dữ gây cũng huyễn mà ra

     Mình bọt đậu, gió lòng qua

     Không căn, không thật, pháp là huyễn thôi.

 

3- Bốn vật lớn mượn làm thân đó

     Tâm không sanh, nhơn cảnh mà sanh

     Cảnh không tâm cũng không thành

     Đôi đàng tội phước như hình huyễn thôi.

 

4- Thân không thật thấy là thân Phật

     Tâm bông lông biết Phật bông lông

     Thân tâm tánh ấy vốn Không

     Người ta với Phật cũng đồng như nhau.

 

5- Thân chẳng thấy biết là thân Phật

     Nếu biết rồi thì Phật là Không

     Người khôn biết tội tánh Không

     Thản nhiên chẳng sợ trong vòng tử sanh.

 

6- Tánh chúng sanh thảy thanh tịnh hết

     Do không sanh không diệt mà ra

     Thân tâm là huyễn thôi mà

     Huyễn thì tội phước hóa là thành không.

 

7- Pháp là pháp vốn xưa không pháp

     Không pháp mà cũng pháp đó đây

     Soi ra không pháp buổi nay

     Pháp nào pháp nấy nào hay pháp nào.

 

 

Tham khảo 7 kệ truyền Pháp âm Hán – Việt:

 

1-  Thân tùng vô tướng trung thọ sanh

     Du như huyễn, do chư hình tượng.

     Huyễn nhân, tâm thức bổn lai vô

     Tội phước giai không vô sở trụ.

 

2-  Khởi chư thiện pháp bổn thị huyễn

     Tạo chư ác nghiệp diệc thị huyễn

     Thân như tụ mạt, tâm như phong

     Huyễn xuất vô căn, vô thật tánh.

 

3-  Giả tá tứ đại dĩ vi thân

     Tâm bổn vô sanh, nhân cảnh hữu

     Tiền cảnh nhược vô tâm diệc vô

     Tội phước như huyễn khởi diệc diệt.

 

4-  Kiến thân vô thật thị Phật thân

     Liễu tâm như huyễn thị Phật huyễn

     Liễu đắc thân tâm bổn tánh không

     Tư nhân dữ Phật hà thù biệt?

 

5-  Phật bất kiến thân tri thị Phật

     Nhược thật hữu tri biệt vô Phật

     Trí giả năng tri tội tánh không

     Thản nhiên bất bố ư sanh tử.

 

6-  Nhất thiết chúng sanh tánh thanh tịnh

     Tùng bổn vô sanh vô khả diệt

     Tức thử thân tâm thị huyễn sanh

     Huyễn hóa chi trung vô tội phước.

 

7-  Pháp bổn pháp vô pháp

     Vô pháp pháp diệc pháp

     Kim phó vô pháp thời

     Pháp pháp hà tằng pháp?

 

Tư tưởng chủ đạo toàn bài Pháp là tư tưởng Bát-nhã, hệ tư tưởng được đức Phật thuyết trình suốt 22 năm trên 49 năm hoằng pháp. Bát-nhã là từ phiên âm Hán – Phạn, có nghĩa là Trí tuệ, nhưng đây là Trí tuệ tuyệt đối của chơn tâm nên nhiều nhà Phật học vẫn giữ từ Bát-nhã để lưu ý chỗ khác với trí tuệ thường, trí tuệ vặt của nhân loại. Sư trưởng Minh Đăng Quang gọi Bát-nhã là Huệ, Tổ Thiên Thai Huệ Đăng ở Bà Rịa gọi là Tâm trí huệ, thượng tọa Thiện Hoa viết trong Phật Học Phổ Thông là Trí tuệ Bát-nhã và khi dịch Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh lại viết: “Bát-nhã là Không, Không là Bát-nhã”...

 

Có vật trước trời đất

Vô hình, vốn lặng yên

Hay làm chủ muôn vật

Chẳng hề bị biến thiên.

 

Chỉ cái này mới thật, mọi thứ khác đầy ắp thế gian đều là hàng giả, đó là quan điểm căn bản của tư tưởng Bát-nhã. Ở bài kệ kết thúc Kinh Kim Cương đức Phật cũng đã dạy tương tự:

 

Tất cả pháp hữu vi

Như mộng, huyễn, bọt, bóng

Như sương, cũng như chớp

Nên quán xét như vậy.

 

Nội dung bài Pháp là tuyển tập 7 câu kệ truyền Pháp của 7 đức Phật giáo chủ đã ra đời gần đây tại trái đất này: đức Phật Tỳ-bà-thi, đức Phật Thích-khí, đức Phật Tỳ-xá, đức Phật Ca-la-tôn-đại, đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, đức Phật Ca-diếp và đức Phật Thích-ca Mâu-ni. 6 câu kệ đầu nói về tính chất của thân tâm và các pháp, là nói về tính chất của chúng sanh và các lẽ thiện, ác, tội, phước. Đến câu kệ cuối nhấn mạnh về cái Pháp chân thật mà chư Phật muốn truyền dạy cho mọi người.

 

Sâu sắc hơn, xét nội dung của bài Pháp thấy có 2 phần là nội dung chính và nội dung diễn đạt. Bài Pháp có có nội dung chính là cái Pháp thật mà chư Phật muốn truyền dạy, có nội dung diễn đạt là thân tâm như huyễn, tội phước tánh Không… và đến bài kệ thứ 7 là nhấn mạnh về nội dung chính. Mượn lời nói (ngôn thuyết) và chữ nghĩa (văn tự) để diễn đạt đạo lý, nếu người học kẹt theo lời nói chữ nghĩa của Phật dạy thì cũng như kẻ chấp ngón tay chỉ trăng là mặt trăng, nếu người học tinh ý nhận ra đạo lý Phật truyền thì mới thật là thấy được mặt trăng Phật chỉ.

 

Xuất xứ của 7 bài kệ truyền Pháp của 7 đức Phật là từ Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, một bộ sử Thiền tông Trung Quốc do thiền sư Đạo Nguyên biên soạn năm 1004. Khi biên soạn quyển Triết Lý Nhà Phật vào nửa đầu thế kỷ XX, học giả Đoàn Trung Còn đã trích dịch lại phần này. Sau đó, ngài Minh Đăng Quang đã chắt lọc tinh hoa, ghép 7 câu kệ diễn nôm của Đoàn Trung Còn thành một bài, biên tập vài từ, đặt tên là Pháp như nội dung chung của chúng, không nhắc đến tên các tác giả để bài được liền lạc mà chỉ đánh số thứ tự từ 1 đến 7. Từ đây nền Phật học ở thế gian có thêm một bản kinh Bát-nhã.

 

 

Xét mấy chỗ ngài Minh Đăng Quang đã biên tập:

 

– Bài kệ 2, câu “Thân như tụ mạt, tâm như phong” được Đoàn Trung Còn dịch là “Mình bọt đậu, lòng gió qua”, đến bài Pháp câu đó thành “Mình bọt đậu, gió lòng qua”. Mà trong quyển Chơn lý 18 đã in sai chính tả thành “Mình bọt đậu, gió lồng qua”. Chữ “tâm” được dịch là “lòng” một danh từ, lại in sai thành “lồng” một động từ.

 

– Cũng bài kệ 2, câu “Huyễn xuất vô căn, vô thật tánh.” được Đoàn Trung Còn dịch là “Không căn, không thật, tánh là huyễn thôi.”, đến bài Pháp câu đó thành “Không căn, không thật, pháp là huyễn thôi.”.

 

– Bài kệ 3, câu “Tâm bổn vô sanh, nhân cảnh hữu” được Đoàn Trung Còn dịch là “Tâm không sanh, nhơn có cảnh sanh”, đến bài Pháp câu đó thành “Tâm không sanh, nhơn cảnh mà sanh”.

 

– Bài kệ 7, câu “Kim phó vô pháp thời” được Đoàn Trung Còn dịch là “Ta trao không pháp buổi nay”, đến bài Pháp câu đó thành “Soi ra không pháp buổi nay”...

 

 

1b. Tác giả:

 

Nói về các tác giả của 7 bài kệ cổ truyền này, ta phải nói đến trái đất với những kiếp sống xa xưa của nó. Theo lời dạy của đức Phật Thích-ca trong kinh, thì hiện tại trái đất đang sống kiếp Hiền (hay còn gọi là kiếp Thiện Hiền), còn kiếp kế trước là kiếp Trang Nghiêm, kiếp kế sau là kiếp Tinh Tú. Mỗi đại kiếp này là một lần trái đất thành – trụ – hoại – không như tên 4 trung kiếp của một đại kiếp. Mỗi trung kiếp lại có 20 tiểu kiếp. Mỗi tiểu kiếp gồm một lần tuổi thọ của nhân loại giảm từ cực đại là 84.000 tuổi đến cực tiểu là 10 tuổi (gọi là kiếp giảm), rồi lại tăng từ cực tiểu lên đến cực đại (gọi là kiếp tăng). Ở kiếp giảm mỗi thế kỷ lại giảm 1 tuổi và ở kiếp tăng mỗi thế kỷ lại tăng 1 tuổi, nên chu kỳ của tiểu kiếp kéo dài gần 16.800.000 năm. Nhân loại chỉ xuất hiện và tồn tại trong trung kiếp Trụ chứ không có trong 3 trung kiếp kia, nhưng cách tính kiếp vẫn theo sự tăng giảm tuổi thọ của nhân loại.

 

Trong đại kiếp Trang Nghiêm, đại kiếp Hiền và đại kiếp Tinh Tú trái đất đều có 1000 vị Phật ra đời. Ở quá khứ Trang Nghiêm kiếp, vị Phật thứ 998 là đức Tỳ-bà-thi, vị Phật thứ 999 là đức Thích-khí và vị Phật thứ 1000 là đức Tỳ-xá. Chuyển qua hiện tại Hiền kiếp, vị Phật thứ nhất là đức Ca-la-tôn-đại, vị Phật thứ 2 là đức Câu-na-hàm Mâu-ni, vị Phật thứ 3 là đức Ca-diếp và vị Phật thứ 4 là đức Thích-ca Mâu-ni. Chúng ta đang sống ở kiếp giảm của tiểu kiếp thứ 9 của trung kiếp Trụ, với tuổi thọ trung bình của nhân loại là 100 tuổi vào thời Phật Thích-ca. (Đến khi nhân loại còn 52 tuổi thì Phật pháp bị diệt, đầu tiên là Kinh Thủ-lăng-nghiêm, cuối cùng là Kinh A-di-đà.) Về sau, khi giảm đến thấp nhất là 10 tuổi thì tuổi thọ nhân loại lại bắt đầu tăng lên, do họ biết giữ giới, không sát hại, không trộm cướp, không tà dâm… Cứ một thế kỷ lại tăng 1 tuổi, tăng mãi đến 84.000 tuổi là maximum, tột đỉnh. Bấy giờ chuyển qua tiểu kiếp thứ 10. Rồi phước đức của nhân loại lại bị suy giảm dần, cứ một thế kỷ lại giảm 1 tuổi, đến khi còn 80.000 tuổi thì vị Phật thứ 5 là đức Di-lặc ra đời. (Vậy từ bây giờ đến hội Long Hoa còn gần 9 triệu năm.) Vị Phật thứ 1000 của Hiền kiếp là đức Lâu-chí.

 

Bảy đức Phật giáo chủ này đã nói 7 bài kệ truyền Pháp, không rõ được ghi chép trong những kinh điển nào. Nhưng đến thời Tống được thiền sư Đạo Nguyên biên tập vào phần đầu của bộ sử truyền đăng của nhà Thiền, nhằm đề cao sự truyền thừa tâm linh bất diệt từ chư Phật đến chư Tổ của Thiền tông. Sau đó học giả Đoàn Trung Còn diễn nôm 7 bài kệ từ chữ Hán ra chữ Việt. Đến năm 1952 Sư trưởng Minh Đăng Quang biên tập và quyết đoán cho Pháp thành một bản kinh văn Bát-nhã độc đáo, giá trị. (Rằm tháng 7 năm Nhâm Thìn 1952 mục lục Chơn Lý đã có 20 quyển.Như vậy, gạt qua mọi nghi vấn về nguồn gốc của các kệ truyền pháp, hàng đọc giả chỉ cần ghi nhận khách quan rằng bài Pháp là của Sư trưởng Minh Đăng Quang, là một bản kinh Bát-nhã thuyết minh về Pháp chứ không bàn đến kệ truyền của ai gì cả.

 

 

2. Phân tích tác phẩm:

 

2a. Phân tích những giá trị của tác phẩm:

 

Tìm hiểu bài Pháp, điều đầu tiên được xác định là tuy thuộc về tư tưởng Bát-nhã thâm sâu của nhà Phật, nhưng bài Pháp được Đạo Phật Khất Sĩ xếp vào bài học thường thức của các hàng khất sĩ. Như vậy, bài Pháp vừa là một bài kinh cao tột, cứu cánh, vừa là một bài học thường thức của các hàng khất sĩ, đó là giá trị thật và giá trị được khai thác của tác phẩm.

 

Qua giá trị được khai thác của tác phẩm ta thấy được dụng ý của Sư trưởng Minh Đăng Quang: chư Phật truyền Pháp cho một vị kế thừa để rồi truyền cho hết thảy chúng sanh, cho những ai có tai có mắt, không giới hạn. Các bậc Đạo sư không có tâm bỏn sẻn pháp, không có bàn tay nắm lại trong sự trao truyền Pháp. Việc học đạo tuy theo thứ lớp nhưng vẫn có cơ hội giác ngộ bình đẳng cho mọi người. Hoặc nói khác, phần bài học thường thức đã phải học đến những bài PhápHuệ là để gieo sẵn những hạt giống Bát-nhã trong tâm, cho về sau có dịp siêu thoát như chư Phật. Từ hàng triệu năm trước các bậc chí Thánh đã dạy những câu kệ Bát-nhã, nay những vị mới xuất gia tập sự khất sĩ, chưa thấm tương chao, tuổi đời không là bao, cũng ngâm nga mỗi ngày nữa, điều này thật thú vị! Mà như vậy mới đúng là con dòng Phật.

 

Trong khi nền văn học Phật giáo Việt Nam hiện nay còn một sự hạn chế là vẫn dùng quá nhiều từ Hán – Việt, thì từ hơn 60 năm trước ngôn ngữ của bài Pháp đã thuần Việt. Điểm đặc sắc này khiến cho một bài kinh Bát-nhã trở nên không khô khan, khó tiếp thu quá. Văn học Bát-nhã của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX có bài Tâm Kinh của Tổ Thiên Thai và 2 bài PhápHuệ của Sư trưởng Minh Đăng Quang là kiệt xuất. Hơn 30 năm trước, trong thời gian ở tù hòa thượng Giác Ngộ đã thường kinh hành quán tưởng 2 bài PhápHuệ, nhờ đó mà triệt ngộ Bát-nhã, sau khi ra tù được đức Thượng tọa Nhị Tổ Giác Chánh nhắn về Tịnh xá Ngọc Mỹ – Sóc Trăng ấn chứng… Đây là một dẫn chứng có thật về giá trị ứng dụng của những bản kinh văn Bát-nhã mới này.

 

Từ gốc ban đầu của Pháp là Dharma, đọc là Đạt-ma, tiếng Sanskrit, tiếng Phạn miền Bắc Ấn. Khi dịch sang tiếng Hán của Trung Quốc, các nhà cao Tăng Ấn Độ đã phiên dịch thành Pháp, mang nhiều nghĩa. Pháp là tất cả mọi việc gì của chúng sanh. Pháp là trăm pháp hữu vi và vô vi căn bản: 8 tâm vương + 51 tâm sở + 11 sắc + 24 tâm chẳng tương ưng + 6 vô vi. Pháp là chơn lý, được Phật truyền riêng cho những đệ tử giỏi, từ Pháp này viết hoa. Pháp là giáo lý cao quý do các đức Phật truyền dạy, gọi là Pháp bảo, một trong 3 ngôi cấu thành đạo Phật…

 

Nói về sự truyền Pháp, thời Phật thời Tổ đều có thầy trò truyền trao kế thừa. Đến thời Tổ Bồ-đề-đạt-ma, tín tâm của giới Phật tử Trung Quốc chưa đủ, nên ngoài truyền Pháp phải kèm thêm truyền y để làm tín vật. Nhưng đến Lục Tổ thì không cần truyền y nữa, vì đạo đã phổ biến, người chân chánh hành đạo và đắc đạo đã có nhiều, tự họ ấn chứng cho nhau. Đến thời bài Pháp được biên tập, chữ truyền bị rớt mất, có lẽ vì dân trí của nhân loại thời nay đã cao, thì Sư trưởng Minh Đăng Quang chỉ nêu bật chơn lý khách quan thôi, bỏ cái ngã truyền và thọ đi vậy. Pháp là Pháp, không phải của ai, không xưa hay nay, càng chẳng phải là một ý thức hệ để gây ra chiến tranh lạnh gì cả…

 

 

2b. Giải thích nội dung:

 

Bài Pháp tuy bằng Việt ngữ nhưng vẫn khó hiểu đối với nhiều người. Bởi vì ngôn ngữ Bát-nhã là ngôn ngữ trừu tượng và khái quát cao. Vậy ta sẽ tìm hiểu từng bài kệ:

 

1- Thân thọ sanh từ nơi không tướng

     Như giấc mơ, do tượng hình ra

     Người mơ, tâm thức đâu mà

     Trụ đâu tội phước đều là thành không.

 

Ai cũng thấy thân xác hình hài của mình do cha mẹ sanh thành và dưỡng dục khôn lớn. Vậy mà kinh Phật lại bảo là thân từ không tướng sanh. Không tướng là gì? Không tướng là đâu có tướng gì mà xác định, mà trả lời, cũng như một giấc mơ. Trong những ảo giác của tâm vọng (nghiệp), tinh huyết thành hình hài, gọi là người. Người ấy là mơ mộng, thì bao tâm thức hiểu biết của người có là gì. Vậy những tạo gây phước, tội của huyễn nhân có thật không?

 

Làm sao một cái thân thấy thật như thế này lại bảo là như huyễn? Các bậc thầy bảo vậy thì chúng ta học theo vậy, nhưng nó huyễn là sao? 70 năm đời người thấy thật quá đi với trăm công ngàn chuyện, 60 kg da, tóc, thịt, xương, phân, nhớt, dãi… của một người là nhiều và thật lắm, cho đến cái thân tuyệt sắc của các vị trời hay thân vạn phước trang nghiêm của Phật của Bồ-tát thì còn thật đến đâu. Nhưng cái thật phải không sanh, không diệt, mà như thế thì không phải là những dạng thân xác hình hài này rồi.

 

2- Pháp lành khởi vốn xưa là huyễn

     Nghiệp dữ gây cũng huyễn mà ra

     Mình bọt đậu, gió lòng qua

     Không căn, không thật, pháp là huyễn thôi.

 

Pháp lành, pháp ác, nghiệp thiện, nghiệp dữ vốn xưa là huyễn. Vốn xưa là lúc nào? Là hàng vạn năm trước, là nhiều đời kiếp trước chăng? Ý muốn nói ở đây là tính chất của thiện, ác là huyễn, là ảo, là hư, là không thật. Chiếu cái không thật này đến thân thì thấy thân như bọt nước, chiếu đến tâm thức thì thấy tâm thức như gió, đều hời hợt, thoáng qua, không gốc rễ. Tư tưởng Như huyễn là tư tưởng đặc thù của Bát-nhã, soi chiếu hết thảy các pháp hữu vi trong 3 cõi 6 đường thế gian đều không thật, từ đó giác ngộ được cái thật không ở trong phạm vi sanh diệt tương đối. Giác ngộ được cái thật lại càng thấy rõ hết thảy vật chất và tinh thần ở thế gian đều không thật.

 

3- Bốn vật lớn mượn làm thân đó

     Tâm không sanh, nhơn cảnh mà sanh

     Cảnh không tâm cũng không thành

     Đôi đàng tội phước như hình huyễn thôi.

 

Lại nói về cái quan trọng nhất, đáng yêu đáng quý nhất của mọi người là cái thân. Trong Luật tạng nhà Phật đã dạy các đệ tử rằng: hiểu biết về thân thể là những hiểu biết thấp hèn. Các nhà khoa học nghiên cứu: đây là đầu, mình, 4 chi, những cơ quan, hệ thống… Rồi người ta tập luyện cho thân thể nở nang, duyên dáng, da đẹp, tóc mượt… Từ đó hình thành nghệ thuật ẩm thực, thời trang, trang điểm, vệ sinh, dưỡng sinh, thi người đẹp, thi lực sĩ… Nhưng nhà Phật gạt qua hết, còn nói riêng với đệ tử rằng đó là những hiểu biết thấp hèn. Nhà Phật lại dạy trong những kinh phổ thông rằng: “Thân này là cái thành xây bằng xương cốt và tô quét bằng máu thịt, để cất chứa sự già, sự chết, ngã mạn và dối gian!” (Pháp cú 150)

 

Không nghiên cứu chi li sai đường, nhà Phật thuyết minh thân thể do 4 đại cấu thành. 4 đại là 4 thể lớn: đất, nước, gió và lửa. Mượn 4 đại làm thân, còn bao thứ thấy, nghe, hiểu, biết (kiến, văn, giác, tri) là vọng thức, là trí phàm. Thân và tâm của mọi người lâu nay nhận lấy là vậy đấy. Cái tâm thật là cái Tâm-vô-sanh. Tâm đó ứng theo cảnh duyên mà thấy có tâm. Nếu cảnh ngoài không còn thì tâm ấy như không có. Tâm-vô-sanh chẳng gây tội, chẳng tạo phước, tự cân bằng mỗi lúc, không để cái cân Nhân quả điều chỉnh cho. Giác ngộ được Tâm-vô-sanh là thành bậc A-la-hán, đi trên Thánh đạo của chư Phật.

 

4- Thân không thật thấy là thân Phật

     Tâm bông lông biết Phật bông lông

     Thân tâm tánh ấy vốn Không

     Người ta với Phật cũng đồng như nhau.

 

Thân Phật có 30 tướng tốt, 80 vẻ đẹp như đức Thích-ca Mâu-ni rồi cũng nghỉ thở năm 80 tuổi, cũng là thân không thật. Nếu thật thì thân ấy phải bất tử, bất hoại. Tâm Phật đại từ đại bi hằng tế độ cho chúng sanh muôn loại được lên bờ giác yên vui vĩnh viễn cũng là huyễn, là bông lông. Đại từ đại bi là ứng dụng tự nhiên của Phật tâm chứ chẳng kể đó là bản thể. Trong chơn lý Pháp Hoa Sư trưởng Minh Đăng Quang có viết: “Đạo lý võ trụ là không có một niệm, một sở chấp, chỉ có những kẻ phải giác ngộ mà thôi. Cõi đời là để cho ta giác ngộ, rồi thì sao cũng được, sao cũng xong, sao là sao. Khi ấy tức là toàn giác, giải thoát trọn vẹn, cái giác ấy mới gọi là hột gạo cội. Kìa như một loài thú ta giết hại nó chăng, ta bênh vực nó chăng? Bởi ta giết hại nó nên mới có chiến tranh kia, bởi ta bênh vực nó nên mới có chiến tranh kia, như thế thì đâu có chi là phải được…”. Cái thân và cái tâm là thành vách và đầu não của mỗi bản ngã được thiết lập, nay không nên chấp nhất nữa, và quán chiếu tính chất nó không thật. Thế thì người ta với Phật sao lại khác nhau, khi đã đến chỗ không có một niệm, không có một sở chấp?

 

5- Thân chẳng thấy biết là thân Phật

     Nếu biết rồi thì Phật là Không

     Người khôn biết tội tánh Không

     Thản nhiên chẳng sợ trong vòng tử sanh.

 

Đến đây bàn về cái thân Phật thật sự, cái thân không sanh, không già, không bệnh, không chết. Thân đó không thấy bằng mắt thường được, phải đem tâm thanh tịnh mà biết. Sự thấy biết đó nói rằng: Phật là Không, một chữ “không” viết hoa. (Câu này dịch ý. “Nhược thật hữu tri biệt vô Phật” dịch nghĩa sẽ khác.)

 

Giải thích về tánh Không được nhắc đến trong 2 câu “Liễu đắc thân tâm bổn tánh không” của bài kệ 4 và “Trí giả năng tri tội tánh không” của bài kệ 5, thì từ “không” này là chữ Hán chứ chẳng phải chữ Việt. Khi dịch ra chữ Việt, xưa nay các học giả đều không dịch, do vậy ta viết hoa để phân biệt với từ “không có” của tiếng Việt. Không trong tánh Không có nghĩa là trống rỗng, empty, một từ tượng hình, mô tả cái chân ngã của hết thảy. Về mặt này, Tổ Thiên Thai của Việt Nam là người mô tả sống động và dễ hiểu nhất:

 

Tâm trí huệ thênh thang rộng lớn

Sáng trong ngần, chẳng bợn mảy trần

Làu làu một tánh thiên chân

Bao trùm muôn loại, chẳng phân Thánh phàm!

 

Tánh Không được dịch từ chữ Sunyata (sun-da-ta) của tiếng Sanskrit. Hễ cởi bỏ hết thảy thân, tâm, các pháp, bất nhiễm nhất trần thì nhận được nó. Kẻ trí giác ngộ tánh Không đạt được sự vô úy, sự không sợ hãi, nên tự tại trong vòng sanh tử. Đời quá khứ chưa giác ngộ đã tạo gây vô số tội nghiệp, nay giác ngộ như băng tan đá vỡ, có đền trả nghiệp tội cũng vô tư. Đền trả là theo người đòi chứ cái Không có hao tổn gì.

 

Còn như giải thích rằng, Phật dạy tội tánh không cho nên ăn mặn, uống rượu, chơi bời… cũng không sao thì bậy quá. Không thể giải thích như vậy, sẽ bị tội phỉ báng Pháp, đọa địa ngục. Mà phải thấy được do giác ngộ tánh Không nên chẳng còn bị áp lực của tội nghiệp nữa, gọi là “Sát-na sạch hết a-tỳ nghiệp”, như kẻ ngủ mê chợt thức, mắt vừa mở là đã ra khỏi mộng cảnh rồi. Khi giác ngộ tánh Không rồi chẳng còn gây tội cũng chẳng còn tạo phước trong mộng, mà thường hưởng dụng chơn phước cực đại theo cách nói của Sư trưởng Minh Đăng Quang.

 

Có chàng tú tài tên Trương Chuyết đến gặp thiền sư Trí Tạng hỏi đạo rằng:

 

– Thưa sư, có địa ngục không?

 

– Có.

 

– Có thiên đường không?

 

– Có.

 

Bấy giờ tú tài phản đối nhà sư:

 

– Sư nói không đúng rồi.

 

Thiền sư Trí Tạng mới hỏi:

 

– Trước khi đến đây ông đã từng hỏi ai mấy điều này à?

 

– Dạ, hỏi ngài Cảnh Thanh, ngài đều nói không có.

 

– Thế ông có vợ con không?

 

– Dạ, một vợ hai con.

 

– Còn Cảnh Thanh có vợ không?

 

– Ông ta đi tu mà có vợ gì!

 

Đến đây ngài Trí Tạng kết luận:

 

– Bởi Cảnh Thanh không có nên cái gì cũng không, còn ông có cho nên cái gì cũng có đấy!

 

6- Tánh chúng sanh thảy thanh tịnh hết

     Do không sanh không diệt mà ra

     Thân tâm là huyễn thôi mà

     Huyễn thì tội phước hóa là thành không.

 

Vậy tánh chúng sanh thảy thanh tịnh hết, đều không sanh không diệt, đều là Không, là Phật. Như đã nói mấy lần, cái sanh diệt là thân và tâm tạm bợ, hư huyễn. Nào cái tội, cái phước do thân tâm tạm bợ ấy tạo ra, chúng ở đâu? Khi trở lại thế giới sanh diệt tương đối thì gặp lại, khi tâm vào định thì chúng mất dạng.

 

7- Pháp là pháp vốn xưa không pháp

     Không pháp mà cũng pháp đó đây

     Soi ra không pháp buổi nay

     Pháp nào pháp nấy nào hay pháp nào.

 

Tổng quát, ta xem cái Pháp mà chư Phật muốn truyền trao cho người. Qua 6 bài kệ trên đã thấy rằng pháp được truyền dạy là Như huyễn, là tánh Không, với đối tượng là thân, là tâm, là thiện, ác, tội, phước. Nhưng Như huyễn và tánh Không cũng là những lời phương tiện, diễn đạt ra cho người học được hiểu biết, giác ngộ. (Nay viết ra cũng để trao đổi với người đọc thôi.) Vậy cái Pháp chân thật là gì? Nó không phải là một pháp nào, phải thầm ngộ và chứng lấy. Chơn Lý đã nói rõ rằng: “Định là nơi sanh ra và trở về của vạn pháp, là chơn như, là tâm, là giờ khắc võ trụ đứng ngừng...”, thì cái Pháp mà chư Phật trao truyền phải là cái này.

 

Pháp đó tạm gọi là pháp Vô pháp, Đoàn Trung Còn lại dùng cách nói là “pháp vốn xưa không pháp”. Câu đầu của bài kệ thứ 7 đã phủi sạch mọi tri kiến. Pháp Không pháp đó hằng ứng ra thiên sai vạn biệt pháp. Nay lúc trao Vô pháp (Kim phó Vô pháp thời) cũng là tất cả pháp, mà nào hay pháp nào!

 

Có vị Tăng tên Sư Nhan đến Nham Đầu gặp ngài thiền chủ hỏi đạo rằng:

 

– Thế nào là lý bản thường?

 

Thiền sư Toàn Khoát đáp:

 

– Động.

 

– Khi động thì thế nào?

 

– Chẳng phải lý bản thường.

 

Sư Nhan trầm ngâm, thiền sư Toàn Khoát chậm rãi nói:

 

– Chấp nhận tức chưa khỏi căn, trần. Chẳng chấp nhận tức hằng chìm sanh tử.

 

Bấy giờ Sư Nhan liền lãnh hội, thân tâm sáng suốt.

 

Lời nói là phương tiện để truyền đạo lý, hễ nhận lời nói thì còn trong phạm vi của thức, mà không nhận thì không biết đạo, cứ sanh tử luân hồi mãi. Vậy do nơi lời khai thị của thầy phải khéo lãnh hội đạo lý, đừng lấy lời nói làm vốn liếng, hoài bão chúng thành cả hệ thống Triết học Phật giáo gì cho mệt. Triết học Phật giáo là rơi vào tri kiến chướng, đã lầm lại kéo theo bao người lầm...

 

 

3. Kết luận:

 

Pháp là một bài kinh Bát-nhã đặc sắc của Sư trưởng Minh Đăng Quang biên tập. Pháp có nội dung chính là cái Pháp thật mà chư Phật muốn truyền dạy, có nội dung diễn đạt là thân tâm như huyễn, tội phước tánh Không… và đến bài kệ thứ 7 là nhấn mạnh về nội dung chính.

 

Qua những gì tìm hiểu, chúng ta đã thấy ra được giá trị đặc sắc của bài Pháp, có tư tưởng, nội dung và nghệ thuật xứng đáng là một bài kinh Phật liễu nghĩa vậy.

 

---------------------------------------

 

 

Các bài liên quan