Đạo phật khất sĩ / Lịch sử - Tổ chức / Vấn đề TRỤ TRÌ trong Giáo pháp Khất sĩ
Bài 1 – Vấn đề TRỤ TRÌ trong Giáo pháp Khất sĩ
KS. Minh Bình
Khóa Bồi dưỡng trụ trì vài ngày tới đây của Hệ phái Khất Sĩ, chủ đề được chọn và thông báo cho chư Tăng, Ni chuẩn bị tham luận là “Trụ trì với pháp học và pháp hành trong Chơn Lý đức Tổ sư Minh Đăng Quang”.
Là những thành viên trong Tăng, là con nhà Khất Sĩ, là những người đã sinh ra và lớn lên từ Giáo pháp Khất sĩ, chúng ta sẽ tham gia tìm hiểu chủ đề này.
Như mọi người đều biết, Giáo pháp Khất sĩ là hệ thống Phật pháp của Sư trưởng Minh Đăng Quang, người sáng lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam. Giáo pháp Khất sĩ được Sư trưởng Minh Đăng Quang trình bày trong bộ Chơn Lý, gồm 69 bài chơn lý thuyết minh về vũ trụ vạn vật, chúng sanh và các pháp.
Với đạo nhãn siêu việt của một đức cổ Phật, Sư trưởng Minh Đăng Quang đã viết những bài chơn lý chỉ dạy cho môn đồ đệ tử và hậu thế. Do tính cách là những bài chơn lý, đã nói hết về vũ trụ, chúng sanh trong vũ trụ và các pháp của chúng sanh, mà chúng đã định hình thành một hệ thống Phật pháp.
Nói về Trụ trì, có nghĩa là “Ở giữ”, là chỉ mấy nhà sư quản lý trông coi một cơ sở của đạo Phật. Khi thế gian pháp, gồm có phòng và sở Nội vụ, phòng và sở Công an, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện và tỉnh, cùng hàng lãnh đạo tông môn pháp phái của ngôi chùa đó, áp chế lên Trụ trì, thì nó trở thành một chức danh lãnh đạo. Bấy giờ, Trụ trì là người chịu mọi trách nhiệm trước giáo hội và pháp luật về ngôi chùa của vị đó. Từ đây Trụ trì không còn đơn giản là mấy người trông coi chùa nữa.
Trong bộ Chơn Lý của Sư trưởng Minh Đăng Quang, ta dùng lệnh Ctrl + H tìm từ “trụ trì” trong văn bản Chơn Lý toàn tập, máy tính chỉ tìm ra được một từ! Tức là trong hơn 394.000 chữ của bộ Chơn Lý chỉ có 1 từ "trụ trì". Đây, trong bài Chơn lý số 63 Đạo Phật Khất Sĩ có 7 mục, từ này nằm trong mục thứ 3, chỗ bôi đậm:
“VIỆT NAM ĐẠO PHẬT KHÔNG CÓ PHÂN THỪA
Xưa kia sau Phật tịch, Ưu Bà Ly tỳ-kheo khất sĩ (trước kia là thợ cạo kém học) truyền bá giới luật xuống miền Nam Ấn Độ, đến Tích Lan, Xiêm La, Cao Miên, Lào và đến Việt Nam như ngày nay. Giáo lý ấy rất đúng theo xưa nhưng quá bảo thủ, thành ra cạn hẹp cho người trí huệ, và không dùng cho xứ Việt Nam được, bởi lẽ ăn dùng tam tịch nhục, vì đạo giáo là do trình độ của chúng sanh dân tộc! Kìa như Ngài Jésus Christ dạy đạo thiện nơi phía Tây, vì dân tộc còn đang ăn thịt sống, chẳng biết luộc rau nấu trái, thế nên Ngài cũng phải tạm ăn dùng tam tịch nhục, là miếng thịt tự chết thúi, để sống mà dạy đạo, cho có đạo để lại ngày sau thiên hạ tập lấy theo. Đức Thích-ca và chư Bồ-tát khất sĩ xưa, tuy dạy cấm sát sanh phải ăn chay, nhưng khi đến cụm rừng gặp bọn thợ săn, cũng phải tạm dùng tam tịnh nhục chớ biết làm sao, vì không lẽ chịu đói lâu ngày chết mất, bỏ đạo cho chúng sanh. Ấy cũng vì dân tộc Ấn Độ xưa có chỗ còn chưa biết dùng rau trái, lại như dân tộc Xiêm La, Cao Miên, Lào, cũng là dân tộc ăn thịt sống nên giáo lý phải chưa trọn thiện. Chớ như xứ Việt Nam do phong hóa Tàu, biết ăn chay rau trái, theo Lão Tử thiện hơn, thì sao lại còn tập ác ăn thịt trở lại mà làm chi. Có phải chăng cái thiện là đừng giết người, thiện hơn là chẳng giết đến thú, thiện hơn nữa là chớ giết cỏ cây. Cái thiện phải tiến lên cho hoàn toàn trong sạch, từ bi, công bình, với tất cả chúng sanh muôn loại, mới không còn chúng sanh giặc loạn.
Vậy thì giáo lý ấy nếu đựơc tu sửa thêm, ăn chay theo trình độ dân tộc Việt Nam thiện lành hơn, ắt là đúng hay tốt đẹp lắm.
Trái lại là có người riêng nào lại tự xưng Đại thừa, mà Đại thừa là pháp lý, hay trình độ tâm trí của mỗi người, cùng là kẻ khác biết cho mình, chớ chẳng có tự mình xưng, hay nêu cao bảng hiệu. Kìa như khi xưa ngài Ca-diếp đức hạnh cao, trí tuệ lớn, nối ngôi Tổ vị, truyền đến Đạt Ma Tổ sư thứ 28, đều là bậc học hạnh đi đôi, giáo lý đi lên miền bắc Ấn Độ và sang Tây Tạng, đến Tàu. Đến xứ Tàu gặp phải Nho giáo thạnh hành chính trị, Nho giáo xuất thế ít có, Nho giáo nhập thế đương quyền, ấy là cư sĩ vua quan, vì chưa hiểu biết đạo Phật, vì quyền lợi cá nhân, mà cấm ngăn đạo Phật, mượn cớ sợ mất nước Tàu, nên không cho sãi Ấn Độ đến sang, lại cũng chẳng cho dân Tàu đi tu học Đạo. Về sau bởi không ngăn cản nổi lòng người, nên kinh sách Phật len lỏi rất nhiều, và đến đời Lương Võ Đế mới biết trọng kinh sách, lập ra Hồng Lô tự, là chỗ để dịch nghĩa chữ kinh Ấn Độ ra chữ Tàu, từ đó mới có chùa. Chùa là nhà thờ dịch kinh chứa sách, chỗ mở mang pháp học mà chẳng có thật hành, pháp hành phải bị cấm ngăn, của Ấn Độ trả về Ấn Độ. Vì lẽ quan vua Nho giáo chịu nhượng sách kinh pháp học, chớ đối với giới luật y bát Khất sĩ không không trong sạch, chẳng lợi danh cao thượng kia, thì các ngài rất hổ thẹn. Do đó mà những ai muốn tu, là phải vào rừng thiền định trong rừng, chớ không phải tại chùa thờ dịch sách, hay thiền lâm tông giáo. Thế là đạo Phật xưa ở Tàu bị nạn, có học mà chẳng có hành, có thông minh mà không giới luật, có Phật pháp, học Phật, mà không đạo Phật.
Vì vậy mà rất ít ai đắc định huệ, bởi không có giới y bát Khất sĩ như Phật Tăng. Nên ở chùa, các vị học Phật ấy, như cư sĩ học sinh ở chùa, chớ không đi tu du hành đâu được, và tham, sân, si chấp ngã khó dứt trừ, chỉ được làm chư thiên trụ trì ủng hộ pháp kinh cho đạo Phật. Các vị ấy phải sống theo nhà Nho vua quan có đủ lễ nhạc quần áo, mão, hia, chuông mõ, trống kèn, sớ điệp, như triều đình, âm thinh, sắc tướng, để sanh nhai cho qua ngày tháng, ấy cũng nghề lành, đặng nương theo chùa chiền kinh kệ, tập lần tu học.
Ở nơi đó có vị chỉ biết kệ kinh chớ ít hay xét ra đạo Phật, pháp hành của Phật Tăng xưa là sao cả! Các vị tu thì tu Nho, mà học thì học Phật, lại lầm nhận tưởng mình là đạo Phật canh tân mới mẻ, mà quên rằng: là chúng sanh bao giờ cũng vẫn tham, sân, si ngã mạn, không mới cũ! Trái với đạo Phật là: thâu nhận tín đồ bổn đạo, xưng hô đệ tử thầy trò, lập ra tông giáo, chùa riêng, bỏ mất danh từ của đạo. Chấp có nhỏ, mà quên không là lớn, không lớp trên ít, lại lập lớp dưới thâu nhiều, kẻ không dạy mà lại xưng thầy, người không học mà lại gọi trò, thâu góp cho đông, lấn dành công dân xã hội, tranh đua tông giáo, không còn phải đạo là võ trụ chúng sanh chung nữa. Phật không phải là Phật của cả chúng sanh, hay cả chúng sanh không còn phải là của Phật. Chùa là chỗ thờ Tôi, chớ không phải là nơi Phật, Pháp, Tăng đạo tràng an trụ giáo hóa.
Và cũng vì bận rộn mãi những công việc hữu vi Nho giáo bạc tiền chức phận, thâu thập dân đông, bà con bạn lữ, nên xưng gọi là Đại thừa, to lớn xe đầy, có học chưa tu, chỉ cần lo dạy, tuy được thiện chay, nhưng lại nhuốc nhơ vì tham, sân, si bản ngã. Cũng có ít kẻ lại hợm mình, xưng Phật, quên tu, vì say học, mà gàn bướng cho giáo pháp y bát Khất sĩ giới luật của Phật xưa là Tiểu thừa, như Phật xưa trọn đời y bát khất thực cũng là Tiểu thừa nữa, hay như Phật ấy là tự độ, độ tha, chớ chưa hẳn quên sự tu của mình như các vị.
Thật ra chớ chi mà các vị ấy có thì giờ giải thoát, biết xét thấy mình chưa tu, và nạn chiến tranh đang tìm phá chùa chiền, các ngài đừng lo quyên tởi cất chùa thêm, mà phải lo chỉnh đốn giới luật lại, trong phút chót của thời kỳ tự do này, ngay như trong xứ này, mà đừng tưởng rằng: là còn đang bị Nho giáo áp chế, đạo Phật bị nạn tai như thầy tổ xưa kia nữa; ắt là các Ngài chỉnh đốn y bát, thật thành giới luật, khất thực du hành, ăn chay trọn thiện, chắc là trong sạch giống y Phật Tăng ngày xưa lắm, và mai kia còn nhỏ, phải bị ăn năn, hối hận, bởi hối tiếc chùa chiền, tôn giáo bị cấm ngăn, sa thải vì chiến tranh. Là do nhờ con đường đi đã roi dấu và lẽ chánh đã phải y đạo hợp đời, nên đạo cứu đời, đạo đức mới đời đời, là cõi đời.
Đúng lý như thế, xứ Việt Nam ngày nay đã cụng đầu hai giáo pháp “Ăn thịt” lại với “Chứa tiền”, chớ chi mà ai nấy thảy ăn chay và đi xin, theo giới luật y bát Khất sĩ không không như Phật Tăng xưa, thì quý báu biết bao nhiêu! Chắc đạo của xứ Việt Nam này có phần trỗi hơn Ấn Độ xưa, bởi do trình độ của dân tộc đã biết thiện lành và trong sạch. Vả lại Tăng mà không tà, không ác, thì đạo Phật ắt sẽ hiệp hòa. Vì có hòa mới có đạo, hòa là đạo mới là quý báu, mới gọi là có đạo cho kẻ thế gian, và họ sùng bái cùng dường mới không phải là mê tín và tội lỗi, vì đã vô tình, ví như nuôi kẻ “sát nhân và trộm cắp”.
Có hiểu biết như thế, tức là ai ai cũng đều chỉ biết lo tu, mà không có phân thừa chi.
MÔ PHẬT”
Trong bài trên, Sư trưởng Minh Đăng Quang đã mô tả nghề trụ trì:
– Các vị ấy phải sống theo nhà Nho vua quan có đủ lễ nhạc quần áo, mão, hia, chuông mõ, trống kèn, sớ điệp, như triều đình, âm thinh, sắc tướng, để sanh nhai cho qua ngày tháng, ấy cũng nghề lành, đặng nương theo chùa chiền kinh kệ, tập lần tu học.
– Thâu góp cho đông, lấn dành công dân xã hội, tranh đua tông giáo, không còn phải đạo là võ trụ chúng sanh chung nữa.
– Thâu nhận tín đồ bổn đạo, xưng hô đệ tử thầy trò, lập ra tông giáo, chùa riêng, bỏ mất danh từ của đạo.
– Có học chưa tu, chỉ cần lo dạy, tuy được thiện chay nhưng lại nhuốc nhơ vì tham, sân, si bản ngã.
Cuối cùng ngài kết luận: “Chùa là chỗ thờ Tôi, chớ không phải là nơi Phật, Pháp, Tăng đạo tràng an trụ giáo hóa.”. Xem tình hình ngày nay ta thấy những điều Sư trưởng Minh Đăng Quang đã mô tả và kết luận thật rất chính xác.
Từ những chánh kiến đã nêu, Giáo pháp Khất sĩ thiết lập một quy chế hành đạo và giữ chùa như sau, theo trong Chơn lý 11Luật Khất Sĩ:
“Giáo hội Tăng già: Luôn luôn đi du hành, chớ không ở một chỗ quá ba tháng. Khi đi, đi bộ cả Tăng đoàn, để cho được sự học hành khắp xứ, đủ hạng người và quý nhất là sự giải thoát chỗ ở một nơi, để dứt bỏ tham sân si ái dục dễ dàng, vì chính nguyên nhân của sự giải đãi, mất đức và phạm giới là bởi ở một chỗ vậy. Trừ ra những kẻ già bịnh mới ở lại nghĩ dưỡng nơi tịnh xá và giữ chừng cho Giáo hội sau này có chỗ trở lại. Vị sư ở một chỗ có bổn phận phải dạy dỗ cư gia, kêu là Bồ-tát trụ xứ.
…Tại chùa: Các sư còn có phận sự phải dạy học chữ quốc ngữ (Hán Việt và Nôm Việt cho tập sự kém chữ), hoặc dịch sách in kinh cho Giáo hội Tăng-già đi du hành, và dạy cho bá tánh sự tu tập.”
Theo quy chế đã lập, các vị khất sĩ phải du phương hành đạo mỗi ngày, mỗi lúc phải diệt trừ sạch tham sân si trong tâm, chỉ có mấy sư già bịnh mới ở lại tịnh xá nghỉ và coi giữ cơ sở. Cụ thể hơn: Đối với cơ sở tịnh xá là tài sản của giáo hội, thì do giáo hội quản lý và điều hành, bằng cách phân công chư Tăng, Ni luân phiên về trông coi hành đạo, 3 tháng hoặc 6 tháng đổi một lần. Gặp lúc không có hàng xuất gia ở, thì tịnh xá sẽ do Phật tử địa phương trông coi. Như thế, Giáo pháp Khất sĩ không có quy chế trụ trì, một chức sắc tôn giáo. Đạo là Vô trụ, khi biến tướng thành tôn giáo mới có vấn đề trụ trì. (Nếu muốn nói đến chánh kiến Trụ trì thì phải nêu được điều này, chứ nói chung chung “Biết rõ Khổ, biết rõ Khổ tập…” thì không ăn nhập gì cả.)
Còn như nhiều người nói, Trụ trì là “Trụ Pháp vương gia, trì Như Lai tạng.”, thì nhà của đức Pháp vương không phải là một ngôi chùa, và kho của đức Như Lai không phải là kinh sách, của cải trong chùa. Nhà Pháp vương ở đâu? Kho Như Lai là gì? Dĩ nhiên phải biết được thì mới dám nhận mình là người trụ trì chứ, theo cách định nghĩa trên!
Đến đây bài viết này sẽ được tạm kết bằng thông điệp của cố trưởng lão Giác Cẩm ở Huế: “Khất Sĩ không có trụ trì. Như tôi đã xin từ chức trụ trì mấy lần mà chưa được.”. Vậy tuy Khất Sĩ không có trụ trì mà vẫn phải trụ trì, thì ta làm xuề xòa đại khái cho qua giai đoạn tai nạn này thôi, đừng có bị biến chất như Tổ sư phê phán.
*********
Bài 2 – Công việc TRỤ TRÌ một cơ sở tôn giáo
KS. Minh Bình
Trong bài 1, vấn đề Trụ trì trong Giáo pháp Khất sĩ đã được xác định. Qua bài 2 này chúng ta tìm hiểu về công việc trụ trì một cơ sở tôn giáo. Tính chất của công việc này đã được bài 1 xác định là hữu vi và của hàng chư thiên, hàng cư sĩ hộ pháp, không phải là việc của nhà sư giải thoát. Từ đó bài 1 nêu lên hướng giải quyết, là nếu phải trụ trì thì ta làm xuề xòa đại khái thôi… Bây giờ ta sẽ tìm hiểu tiếp.
Khi bị thế gian pháp áp chế, trụ trì trở thành người chịu mọi trách nhiệm trước giáo hội và pháp luật về ngôi chùa của vị đó, tức là một thủ trưởng cơ quan. Với vai trò xã hội và tôn giáo này, trụ trì có một vị trí xã hội và tôn giáo đặc biệt. Vai trò và vị trí luôn tương ứng, đưa trụ trì lên đỉnh cao quyền uy, danh vọng và lợi lộc. Từ đây trụ trì được mời mọc nhiều hơn, được quà cáp nhiều hơn; được kính trọng hơn, tới mức phi lý là khi đến chùa phải “Tiên bái Trụ trì, hậu bái Thích-ca.”; và trụ trì có những quyền như là “vua một cõi”, (nhất là đối với các tín đồ mê tín). Còn cách tổ chức và điều hành đúng đắn của nhà Phật thì chùa do giáo hội quản lý chứ không giao riêng cho ai cả.
Một cơ sở tôn giáo như chùa, tịnh xá, thiền viện, học viện, tu viện… có những công việc như xây dựng chùa, đào tạo tu sĩ, tổ chức đời sống và sinh hoạt tôn giáo trong chùa, điều hành quản lý cơ sở và cả nhóm tín đồ bổn đạo, thiết lập những mối quan hệ tốt giữa chùa với trong đạo, ngoài đời; thêm mấy việc trong giáo hội, chính quyền v.v… Như vậy một cơ sở tôn giáo có phạm vi công việc rộng, tính chất công việc đa dạng, khối lượng công việc lớn, sự tiếp xúc và va chạm của nó rất nhiều. Nên điều hành quản lý được một cơ sở tôn giáo thật không đơn giản chút nào. (Mấy cơ sở nhỏ thì không kể.)
Lại nữa, công việc của vị trụ trì cơ sở tôn giáo có 2 tính chất: một mặt là thế tục, cơm áo gạo tiền, những mối quan hệ… và một mặt lại là “bề trên” của học trò, của tín đồ; hoặc một mặt là đời trần tục và một mặt là đạo thanh cao. Với tính chất công việc đó thì trụ trì là người 2 mặt chăng? Dù ở đây chưa có câu trả lời xác định, nhưng ta sẽ xếp việc trụ trì một cơ sở tôn giáo vào dạng việc phức tạp, có thể bị giằng xé nội tâm.
Những thông điệp được rao giảng trong các khóa bồi dưỡng trụ trì: “Trụ trì phải có chánh tri kiến của bậc Thánh” (HT. Giác Giới), “Mỗi trụ trì là một bậc Đạo sư” (HT. Giác Toàn)… ắt làm cho hàng trụ trì thêm nặng lòng. Giáo hội đưa Tăng, Ni ra trụ trì cũng như đưa chiến sĩ ra tiền tuyến. Trước danh lợi, quyền thế, tiền bạc, tình cảm, món ngon, vật quý… của đời lôi cuốn; và giặc tham, sân, si ẩn núp trong lòng, thì giáo hội sẽ trợ giúp gì cho những chiến sĩ của mình? – Giáo hội vẫn kêu gọi đóng tiền này kia, giáo hội vẫn gợi ý sửa sang, trùng tu, giáo hội vẫn tán thán những kỷ lục chùa tháp, giáo hội vẫn đánh bóng nhãn hiệu “Trụ trì” bằng những khóa bồi dưỡng và những bằng cấp có con dấu đỏ quyền lực… Chỉ có Sư trưởng Minh Đăng Quang là kêu gọi buông bỏ!
Dù xây 9 tầng phù-đồ
Không bằng làm phúc cứu cho 1 người.
Người được cứu ở đây là Tăng, Ni của giáo hội đấy! Tạo môi trường hành đạo diệt tham sân cho Tăng, Ni hơn là xây chùa tháp nguy nga. Có vậy thì người của mình mới sống được, mới không bị chết chìm giữa trần thế, (chết mà xác vẫn còn biết ăn ngủ, đi lại…)
Đa phần trụ trì biết thỏa hiệp nên chẳng có giằng xé. Từ đó người ta yên tâm sanh nhai trong một cơ sở tôn giáo, kệ kinh vẫn được tuyên dương, Phật pháp vẫn được rao giảng, tu phải qua vô lượng kiếp chứ có ai thành Phật được liền mà lo… Sự bận rộn tôn giáo, hữu vi, “sư, sư… con, con…” làm ngày tháng trôi qua. Cả hệ thống bị biến tướng, đạo suy thoái thành tôn giáo, Đạo Khất Sĩ thành Hệ phái Khất Sĩ, nhà sư giải thoát thành người trụ trì giỏi, mục đích Diệt tham sân si được tráo thành Xây cất chùa to Phật lớn, vẻ Lục căn thanh tịnh được thay bằng nét Khôn ngoan lịch sự… Đánh giá khách quan: Giáo hội đã thành công lớn về mặt tượng pháp, hình thức; chùa tháp, pháp hội, từ thiện... ăn đứt thời chánh pháp của Phật, của Tổ!
Đúng chánh pháp chơn truyền của Phật, mọi việc trong Tăng được Tăng-già đồng giải quyết, lấy đức trị, nên cõi Tăng-già là cõi bình đẳng vô trị, là cõi Tây phương giải thoát. Nơi Phật xứ đạo tràng làm gì có chuyện “Tiên bái Trụ trì, hậu bái Thích-ca.”. Thời Phật có vị tri sự sắp xếp việc trong Tăng, phát nguyện làm công cho Tăng, chứ không có vị trụ trì lãnh đạo Tăng. Thời nay người ta nhận thấy: nếu không có thầy trụ trì khéo sắp xếp, sửa sang, tu bổ, lo lắng cho thì mấy thầy kia có được hưởng thanh nhàn không? Người ta không thấy rằng người tu chân chánh là không lo tìm chỗ để hưởng thanh nhàn. Vả lại khi chùa hữu sự thì Tăng chúng cũng chấp tác lao công, chứ có riêng ai cực nhọc mà kể.
Với định hướng từ đầu của bài viết, những công việc đa đoan, phong phú của trụ trì một cơ sở tôn giáo không được nêu ra đây, để nội dung bài được gọn dễ nắm bắt hơn. Trong Phật pháp có những vị trụ trì đạo tràng, phải là chư Phật chư Thánh, như đức Tỳ-lô-giá-na trụ trì đạo tràng Hoa Nghiêm, đức Thích-ca trụ trì đạo tràng Diệu Pháp Liên Hoa, đức Quan Âm trụ trì đạo tràng Đại Bi, đức Văn-thù trụ trì đạo tràng Ma-ha Bát-nhã, đức Minh Đăng Quang trụ trì đạo tràng Khất Sĩ, đức Di-lặc trụ trì đạo tràng ở trời Đâu Suất nội viện… Trụ trì đạo tràng cũng như ông hiệu trưởng của trường đạo đức, chẳng phải lo cơm áo, gạo tiền tầm thường nhỏ nhoi.
Tóm lại: Công việc trụ trì một cơ sở tôn giáo là công việc quản trị tôn giáo, là việc phát sinh vào thời sau chứ ở thời Chánh pháp không có. Trên quan điểm của thế gian thì quản trị có những cách thức của nó, nếu được đào tạo thì người ta có thể làm tốt việc quản trị. Còn trên quan điểm của nhà đạo thì trụ trì là biến tướng của tôn giáo, do thế gian pháp áp chế mà thành. Dù trụ trì có được làm tốt cách mấy thì vẫn xếp hạng vào việc của cư sĩ hộ pháp, việc của chư thiên. Chính Sư trưởng Minh Đăng Quang cũng không bảo chư Tăng, Ni khất sĩ dấn bước vào nẻo này, thì sao ngày nay các nhà khất sĩ lại giảng về “Đạo của Trụ trì”? Thật khó hiểu…
Bài 2 này được viết từ kinh nghiệm mấy năm phụ tá thầy và 4 năm trụ trì một tịnh xá, kết hợp với quá trình nghiên cứu bộ Chơn Lý và những suy tư riêng của mình. Bài viết này có thấu tình đạt lý chăng, mong người đọc sẽ phản hồi…
*********
Bài 3 – Gỡ rối cho trụ trì
KS. Minh Bình
Đến bài 3, chúng ta tìm hiểu về những bế tắc của việc trụ trì. Từ lý tưởng xuất gia học đạo cao thượng, rơi vào tình thế làm trụ trì với những lo toan tiền bạc, danh vọng, xã giao… thì dĩ nhiên là có nhiều điều không ổn đến với nhà sư đó. Sư trưởng Minh Đăng Quang đã nêu lên những hạn chế của việc trụ trì như “Nghề lành, sanh nhai cho qua ngày tháng, công việc hữu vi tiền bạc chức phận, đạo Phật bị nạn tai…”. Vậy đã trụ trì rồi thì phải làm sao? Có thể đặt những câu hỏi và đáp thử xem, vì thể vấn đáp dễ làm sáng tỏ vấn đề:
– Đi tu có phải để làm trụ trì một ngôi chùa không?
– Nhất định phải nói là “Không!”.
– Vậy đi tu để cho người sai khiển, đè đầu cưỡi cổ ư?
– Thì tìm chỗ có hội chúng Tăng-già mà vào tu, đừng đến những chỗ tín ngưỡng, tôn giáo.
– Nếu không muốn làm trụ trì, thì có muốn làm một sứ giả Như Lai không?
– Mỗi người Phật tử xuất gia đều nên phấn đấu làm một vị sứ giả Như Lai! Đó là một vai trò cao thượng và đã được đức Thế tôn phó chúc cho các đệ tử xuất gia từ ngàn đời trước.
– Thế sứ giả Như Lai khác trụ trì ở chỗ nào, cũng là người tu nhà Phật đó chứ?
– Như Lai là đức Phật tánh thiêng liêng trong chân tâm của mỗi chúng sanh hữu tình. Không kể là người quản lý, lãnh đạo hay nhà sư vô danh, hễ có tâm đức phát huy hạnh Phật, trí Phật, đức Phật, thì đều là hàng sứ giả Như Lai cao quý.
– Người tu mỗi ngày làm việc gì?
– Chuyện này còn phải hỏi, mỗi giờ phút phải gột rửa tham, sân, si, cùng dứt ác và làm lành v.v… Không ai dám nói người tu phải mỗi ngày cố gắng kiếm tiền cho chùa cả!
– Nhưng lấy gì ăn?
– Đức Phật đã cho mỗi đệ tử một cái bát xin ăn với một cái y nhẫn nhục, có đệ tử nào của Phật bị đói đâu. Đến chùa cạo đầu rồi lăng xăng lo ăn lo mặc thì tu cái nỗi gì?
– Làm trụ trì, đầu tiên là xây chùa, nhất là xây cái chánh điện cho hoành tráng; rồi tìm mấy chú đệ tử để có người coi chùa, có ít lắm cũng phải 2 chú; phải hướng dẫn Phật tử tu học, tụng niệm, bái sám, ma chay; phải mở lễ hội và từ thiện; tổ chức đi cúng dường, đi thập tự đầu năm; phải tạo nhiều mối quan hệ càng tốt: 1 là với Phật tử, 2 là với các chùa khác, 3 là với giáo hội, 4 là với chính quyền, 5 là trong tông môn pháp phái; có khi không có thời gian để ăn, để ngủ.
– Ban đầu về nhận một ngôi chùa là tay trắng, rồi xoay trở, trở xoay chừng đó việc mà nên một cơ ngơi phải không? Đúng là trụ trì giỏi hơn người thật!
– Như đã là người trụ trì rồi, thì ta phải làm sao để có thời giờ tu?
– Có lẽ là danh vọng, lợi lộc, quyền thế mà thế gian áp đặt thì trụ trì đừng có nhận (không chấp). Trụ trì làm sao hơn được Phật, chính ngài còn nói: “Ngã bất lãnh chúng, ngã tại Tăng trung.”, (Ta không thống lãnh mọi người, ta ở trong Tăng-già.) thì trụ trì tự nhận mình là lãnh tụ làm gì? Công việc gì cần thì làm, nhưng ví dụ khi trụ trì tiếp tổng thống Mỹ ghé thăm chùa thì có hơn gì chú huệ quét rác ngoài sân? Hoặc chưa có kinh phí xây chùa thì cứ thong thả, chứ bôn ba chi cho vất vả. Xây chùa không phải là sự nghiệp của người tu…
– Nói vậy, nhưng quả thật là áp lực làm trụ trì quá lớn, người ta nói “Làm trụ trì là làm dâu trăm họ” chứ phải chơi đâu!
– Thì mình nhờ huynh đệ, Phật tử gánh bớt, đừng có ôm việc như Tần Thủy Hoàng mỗi đêm phải giải quyết hết 5 cân tấu sớ rồi mới đi nghỉ… Khó hay dễ, nặng hay nhẹ là do mình thôi. Người ta nói mà mình không chịu làm dâu như họ tưởng thì mới có lập trường chứ.
– Muốn điên đầu chứ tưởng dễ à? Giáo hội khiển trách, chính quyền nhìn vào, khách khứa tới lui, tín đồ bổn đạo kêu réo làm ma chay, nào điện nào ga, tiền cho đệ tử đi học, mà phải cố gắng xây chùa cho bằng anh bằng em nữa…
– Tội nghiệp trụ trì quá đi! Để tìm mấy đứa khóc mướn khóc cho một buổi. Mấy đệ tử nghe thầy nói thế này sao mà không xót ruột, không móc túi ra…
– Trụ trì mà không đi ô-tô đời mới, không có tiền đầy ví, không mặc đồ mới… thấy cũng kỳ!
– Nếu thích đua đòi thì cứ làm vậy đi. Hòa thượng Thiện Trí (tịnh thất Huyền Trang) có nói thế này: “Vai mang túi bạc kè kè / Nói bậy nói bạ chúng nghe ào ào!”, thấy oai không?
– Làm trụ trì, cùng hội cùng nhóm chơi với nhau thật ai cũng không dám giỡn mặt…
– Thì cứ lập hội lập nhóm, phe phái, có gì gọi là Tăng-già nữa. Bọn nhỏ sợ trước mặt chứ sau lưng chúng nó nói gì biết không?
– Có con đi tu làm trụ trì chùa lớn nghĩ cũng mừng.
– Hết ý kiến…
– Có con hiền hiền chịu ở chùa cũng nên gởi nó làm đệ tử thầy trụ trì, sau dễ được thừa kế…
– Nghe như lũ ma nói chuyện trong tịnh xá.
– Có mấy trụ trì mở công ty làm ăn khá lắm…
– Kệ người ta. Đã có công an kinh tế lo rồi.
– Có trụ trì đi đấu giá mua một bức tranh 400 triệu (hơn 18.000 usd), số tiền đó người ta tặng hết cho lính ở Trường Sa chống Tàu. Không biết làm gì mà ổng có tiền nhiều quá, xài như đại gia.
– Chắc do giải xăm, bói quẻ, coi phong thủy, cúng sao với giữ cốt... cho nhiều người mà được lắm tiền đấy.
– Có một hòa thượng ở Tp. Hồ Chí Minh được đài VTV đưa lên mục Việc tử tế hôm gần 30/4. Hòa thượng 2 tay bồng 2 đứa bé mồ côi, hôn hít chúng, hết lời cám ơn chúng đã cho ngài có cơ hội được làm mẹ và được làm cha.
– Thế gian không biết mới ca ngợi, còn người nhà Phật sẽ bảo ngay rằng: “Muốn làm cha làm mẹ có khó gì, làm ơn bỏ cái y casa của Phật ra đã!”. Thật quái gở.
– Có ngài chơi toàn với cấp Bộ, xe ô-tô biển số 80 ghé đầy chùa.
– Khổ quá, còn ông thì sao? Không phản quang tự kỷ cứ nói người này người kia chi vậy? Hay là định âm mưu tạo phản?
– Làm trụ trì mấy năm, đạo đức gì chưa kể chứ được cái miệng mồm khôn ngoan hẳn ra!
– Cũng hay ha. Khỏi mắc công Thầy Tổ chỉ dạy. Mà nói vậy thì còn gì là “Bốn miệng chớ hơn thua” nữa!
– Nói chớ người ngoài thì sáng, người trong thì quáng. Bây giờ làm sao gỡ một đống rối nùi đây?
– Làm thử cách này xem: đi tắm nước nóng cho giãn gân giãn cốt đi, rồi vô ăn một bụng, leo lên võng ngủ một giấc cho đã, sáng ra thấy mình biến thành một tên trụ trì khờ khạo, thế là xong!
– Chẳng còn tiền bạc, gạt bỏ lợi danh, áo vá gạo cũ, hủ tương quen mặt, điện thoại hết bin, ô-tô lủng lốp, cổng chùa quên mở, cờ phướn lười treo, giữ đạo vui nghèo, trụ trì đâu khó!
– Nghe cũng không tệ. Hoặc sống vô trụ xứ như Sư trưởng Minh Đăng Quang dạy thì cũng hay. Nhà tu hành chân chánh nên trụ ngôi nhà Pháp vương trùm khắp pháp giới, nên trì cái kho Như Lai nhiệm mầu trong tâm mình thì hơn, đừng biến tướng rơi vào vật chất, danh lợi, phiền não… ở thế gian nữa. Đây mới thật là Chánh tri kiến vô lậu mà hàng trụ trì nên ghi nhớ vậy! (Như hòa thượng ở Ngọc Viên thường hoài bão.)
TX. Ngọc Đức, 22/5/2016.
---------------------------------------
Các bài liên quan
- Khất Sĩ gì đây ?
- GHI CHÚ VỀ HỆ PHÁI KHẤT SĨ
- 70 năM
- ĐẠO TỔNG HỢP BẮC ‒ NAM PHẬT GIÁO
- so sánh 2 ĐẠO
- QUAN ĐIỂM TÍCH CỰC VỀ NĂM VIỆC ĐẠI THIÊN
- GIÁO HỘI TĂNG-GIÀ KHẤT SĨ VIỆT NAM
- Nối truyền Thích-ca Chánh pháp
- Chơn lý số 23 – HỌC CHƠN LÝ
- Các đoàn thể Khất sĩ ở Việt Nam
- CẦN CÓ MỘT TIỂU SỬ HOÀN CHỈNH
- Sen nở miền Châu Đốc
- Kỳ tích của Trưởng lão Giác Tỵ
- Nguồn Khất Sĩ Nam Việt
- Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
- Xem lại Minh Đăng Quang Pháp Giáo
- Album ảnh Ts. Minh Đăng Quang
- Nguồn gốc Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam
- TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG TỪ HUỆ
- 405 CƠ SỞ TỊNH XÁ, TỊNH THẤT...
- 405 CƠ SỞ TỊNH XÁ, TỊNH THẤT
- BỨC THƠ GỞI CHƯ NAM NỮ KHẤT SĨ
- ĐỨC TỔ SƯ MỞ ĐẠO Ở LÀNG PHÚ MỸ
- LƯỢC SỬ ĐỨC TS. MINH ĐĂNG QUANG
- LƯỢC SỬ ĐỨC NHỊ TỔ GIÁC CHÁNH
- SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN của ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ
- Con đường ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ
- LƯỢC SỬ TƯỞNG NIỆM ĐỨC TÔN SƯ MINH ĐĂNG QUANG