NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Giáo dục - Hoằng pháp / Có tà kiến

Tâm Nguyên , Thứ Tư 13-04-2016

Có tà kiến

 

KS. Minh Bình

 

 

Hiện nay đang có tà kiến xuất hiện. Đó là sự không thừa nhận Giới Định Tuệ của chư Phật.

 

Khi không thừa nhận Giới Định Tuệ của Tổ Thầy đã dạy, mà tìm cách chế ra những Giới Định Tuệ sơ sài đại khái thì viễn cảnh sẽ về đâu? Đây là suy tư của chúng tôi khi nhìn về tình trạng ấy. Đã bao nhiêu năm tháng rồi, ta không dấn bước theo đạo lộ đã được Tổ Thầy chỉ dạy, mà ta lại cố gắng họp nhau đông đảo để phân tích, tìm hiểu, lần mò khám phá và rút kinh nghiệm… thì sẽ kết quả gì? Tại sao ta cứ bảo thủ cái kiểu cách CỦA MÌNH? Khổ thật!

 

Giới là tâm, Định là tâm, Tuệ cũng là tâm. Giữ giới là giữ tâm, đâu phải chỉ là ngồi ăn uống, hay mặc y, ôm bát, đi đều bước... Tu định là tu tâm, một quá trình siêu thoát thật tế, từ vọng nhảy thẳng đến chơn, từ người vượt lên đến Phật, không phải qua thứ lớp nào nữa. Học tuệ là soi sáng tâm, thấy ra cái bảo thủ, ngã mạn, tà kiến… của mình. Vậy nói là 3 mà thật ra đều là 1. Rốt ráo là tất cả, chẳng biết là một hay là mấy (bất nhất bất dị).

 

Giới Định Tuệ của Tổ Thầy đã dạy là gì? Giới là 3 nghiệp trong sạch, là bảo hộ 6 cửa, là sống như phép tắc của chư Phật… Định là tâm không vọng, ly trần, an trú, chơn như, thật tế… mà thứ lớp đi lên có sơ, nhị, tam, tứ và ngũ định. Tuệ là các pháp vi tế, là các tâm lý tinh vi tế nhị, là các cảnh đời được soi sáng nhỏ nhiệm, là nhân quả Tập và Khổ, Đạo và Diệt… của trí vô ngã thấy ra. Những thứ này đều đã được chỉ dạy rõ ràng và rất nhiều.

 

Còn Giới Định Tuệ sơ sài đại khái là gì? Giới là ngồi ăn uống, hay mặc y, ôm bát, đi đều bước, họp chúng kiểm điểm, thưa trình bài bản, có kế hoạch mới... Định được hiểu là chánh niệm, là chú tâm trong hành vi. Tuệ là vọng tâm “Biết rõ”, là những lý thuyết mênh mông, nói ra rất nhiều mà như chẳng dính gì đến mình, càng học lại càng thấy rối, chẳng biết chỗ ứng dụng thật tế. Điển hình cho trình độ này là câu nói: “Ví dụ khi ăn cơm, cẩn trọng ăn là Giới, chú tâm là Định, tâm rõ biết là Tuệ.”. Người xưa vì nói sai một câu Phật pháp với một người mà phải đọa làm chồn 500 kiếp, nay ta đem phổ biến thứ Giới Định Tuệ sơ sài đại khái này thì ta có bị gì không?

 

Đến như quan niệm đã thành chủ trương: “Hiểu rõ Tứ đế tức là chứng thiền.” vốn có một cái bẫy trong hai chữ “Hiểu rõ”. Kẻ phàm hiểu rõ lắm, bậc Thánh như chẳng biết gì, ông Huệ Năng không biết chữ, Phật Thích-ca cũng dốt việc đời… trong Chơn Lý Tổ sư có nói những điều này. Phân tích quan niệm đó, ta sẽ thấy ngay qua một so sánh: Vậy hiểu rõ cách làm bánh là ăn cái bánh sao? Sẽ chẳng tốn đồng cắc nào mà vẫn được chứng cái bánh!

 

Và khi đã xác định tính cách đặc biệt của chúng ta là không cần thiền sư hướng dẫn tu, mà đi theo đường lối của Tổ sư Minh Đăng Quang là “Cái Linh cần phải tu chung.”, thì có đúng là tu chung, học chung, sống chung không? Nghĩa “Sống chung” được Chơn Lý giải thích là chúng sanh, hài hòa xưa nay, đắp đổi qua lại cho nhau. Chung là chan hòa, là lấy vũ trụ làm nhà, lấy nhơn sanh làm quyến thuộc, lấy các pháp làm bài học, ai nấy tự giác lo tu lo học, khi ai hỏi thì chia sẻ chút ít hiểu biết, thì bầu báng Trưởng, Chánh làm gì nữa! Rồi trong lúc sống chung tu học, không có thiện tri thức hướng dẫn (không có thiền sư), mọi người lại tu chung thứ Giới Định Tuệ sơ sài đại khái trên chứ gì? Lẽ nào tôn chỉ Sống chung tu học của Tổ sư Minh Đăng Quang lại là chủ nghĩa Số đông, không kể là đúng hay sai?

 

Mong cho những tà kiến sẽ chấm dứt, chánh kiến tái sanh, Giới Định Tuệ hiển hiện nơi tâm đức mỗi người.

 

Tịnh xá Ngọc Đức – Mỹ Xuân, ngày 13/4/2016.

 

Các bài liên quan