Đạo phật khất sĩ / Giáo dục - Hoằng pháp / TÌM HIỂU 13 PHẬT NGÔN
TÌM HIỂU 13 PHẬT NGÔN
KS. Minh Bình
I. DẪN NHẬP:
Trong Chơn lý số 18 – Bài Học Khất Sĩ, nội dung gồm có các bài học sau:
1. Kinh Cúng Nguyện
2. Luật Ngôn
3. Phật Ngôn
4. Pháp
5. Thân
6. Khẩu
7. Ý
8. Nhẫn
9. Giới
10. Huệ
11. Cầu Nguyện Trai Tăng
12. Kinh Phước Thí
13. Thọ Bát
Đây là những bài học cần thiết cho vị khất sĩ sử dụng hàng ngày, do Tổ sư Minh Đăng Quang biên tập và ban hành. Bài đầu tiên dùng trong nghi thức cúng ngọ, không có tên gọi chung, chúng tôi tạm gọi là Kinh Cúng Nguyện (cúng dường và cầu nguyện). Bài cuối là bài thọ bát thứ 2, trong số 3 bài thọ bát đã có của chư khất sĩ. Bài số 12 là một bài kệ do Tổ sư viết, được đặt tên là một bài kinh: Kinh Phước Thí. Trong bài Cầu Nguyện Trai Tăng có 2 câu: “Lễ này vốn lễ cầu an… Và cũng lễ cầu siêu báo bổ…”, cho thấy tinh thần cầu an, cầu siêu đã có trong Chơn Lý. Còn 2 bài Luật Ngôn và Phật Ngôn, chữ Ngôn được hiểu là Lời dạy. Nhà Phật có biết bao nhiêu lời dạy của Phật còn được lưu truyền, lại có cả nguyên một tạng Luật với ít nhất là 6 bộ đại luật hiện còn, nên 2 bài này là những lời dạy căn bản được tuyển chọn để phổ biến. Đã có một bài Luật Ngôn thì bài số 9 nói về điều gì? Bài Giới có nội dung là 7 câu kệ giới của 7 đức Phật đã ra đời gần đây tại trái đất này: đức Phật Tỳ-bà-thi, Thích-khí, Tỳ-xá, Ca-la-tôn-đại, Câu-na-hàm-mâu-ni, Ca-diếp và Thích-ca-mâu-ni lần lượt dạy 7 kệ giới… Cũng vậy, bài Pháp là 7 câu kệ truyền Pháp của 7 đức Phật trên. Và bài Huệ là bài Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh cộng thêm 5 đoạn kinh Kim Cương Bát-nhã ở phần cuối…
Tìm hiểu 13 Phật ngôn đã được Tổ sư tuyển dạy, ta sẽ tìm hiểu về xuất xứ, nội dung, tư tưởng và giá trị ứng dụng của 13 câu này. Nhưng trước hết vẫn cần phải trích dẫn nguyên văn nơi đây để đọc giả tiện theo dõi:
PHẬT NGÔN
1. Đừng làm việc quấy nào hết, hãy làm việc phải luôn luôn, làm cho trong sạch các sở ý của mình; ba cái lý đó tóm rút đạo lý của chư Phật.
2. Đối với nhà sư, gần rắn độc còn hơn là gần đàn bà, vì con rắn chỉ hại mạng mà thôi, chớ người đàn bà nhận chìm tới địa ngục lận. Đã bao phen ta lấy đủ các thí dụ mà làm cho chư đệ tử hiểu rằng: ái tình rất nguy hiểm đối với người, cũng như lửa đối với rơm, cũng như rắn độc, cũng như gươm hươi, cũng như hèo nhọn, nó làm cho nhơ nhuốc giáo hội của ta.
3. Diệt sự ô trược, diệt các tư tưởng bất chánh, là diệt bằng cách tham thiền, làm yên tịnh và thanh bạch cái tâm, cũng như trời mưa làm rạp gió và bụi vậy.
4. Có hai hạng người giả dối đáng chê, một hạng khoe mình trong sạch, mà họ không có trong sạch gì; một hạng nữa khoe mình có đức, để được sướng miệng và no bụng mà thôi. Chúng nó nói láo đặng cho người ta bố thí đó, vì người ta lầm mới cho. Chúng nó là bọn đầu đảng ăn cướp vậy.
5. Chúng ta phải dùng tư tưởng tốt mà đuổi tư tưởng xấu, và chúng ta phải chặt đứt các dây xiềng để tới Niết-bàn.
6. Trước khi ngủ mà chăm chú về ý tưởng quấy thì bị năm điều hại: chiêm bao thấy bậy, thần thánh không phò trì, cái tâm tách xa đường đạo, việc vọng tưởng làm nguội lạnh sự tham thiền, và cái thân phải dính trược.
Trước khi ngủ mà chăm chú về ý tưởng phải thì được năm điều lợi: chiêm bao thấy điềm lành, được thần thánh phò trì, cái tâm khắn chặt với đạo lý, sự tham thiền càng được thêm hiệu quả, và cái thân không dính trược.
7. Xin nhiều người ghét người phiền,
Xin mà chẳng đặng ta liền buồn ngay,
Vậy nên ta chớ xin ai
Đặng cho an lạc khoan thai một mình.
8. Có hai thứ người sa địa ngục, đầu đâm xuống đất chân trở lên trời, ấy là bọn giả danh đạo đức và bọn phỉ báng người có hạnh.
9. Mặt trời và mặt trăng lu lờ là bởi bốn vật: thần sanh như nhật thực và nguyệt thực, mây với sa mù, khói và bụi. Cũng như thế, chư Tỳ-kheo mất cái minh mẫn là bởi bốn món này: rượu, sắc dục, vàng bạc và sự danh lợi phong lưu.
10. Khi nào mình nói, dầu với thú vật cũng vậy, phải nói thế nào cho người ta được dạn dĩ thêm, chớ không phải chôn sống hạ mạt người ta.
11. Con người ta thường thường bất bình nhau là bởi có kẻ khác xen vào.
12. Nương mình ở chỗ thanh êm
Thì lòng khoái lạc càng thêm thâm trầm.
Sống mà giữ giới chẳng lầm
Thì bề yên tịnh mười phần chẳng xao.
Chẳng ganh, chẳng ghét người nào
Chẳng hay phá hại đau rầu chúng sanh
Chẳng còn mong mỏi ham tranh
Chẳng còn luyến ái quẩn quanh theo mình…
Phải cho khéo tập, khéo gìn
Thì phần phước trọn mặc tình thảnh thơi.
13. Đức Thầy chỉ dặm nẻo đường xa
Chẳng trở, chẳng lui, chẳng sợ tà
Lang hổ rống to ngài tỉnh mỉnh
Gió mây thổi nhẹ Phật ôn hòa,
Chú tâm cứu khổ cho muôn loại
Định chí vớt nàn kẻ bá gia,
Phàm tục Thánh Tiên nhờ tế độ
Được thêm thuần hậu chốn Ta-bà!
II. TÌM HIỂU:
1. Xuất xứ:
Có 3 xuất xứ: xuất xứ chung, xuất xứ biên tập, và xuất xứ của lời dạy.
Đã là Phật ngôn thì xuất xứ chung là những lời dạy của Phật Thích-ca. Nhưng có mấy câu ban đầu không phải do Phật Thích-ca nói, mà sau khi các đệ tử thưa lên, đức Phật đã chứng minh và trùng tuyên, nên vẫn được ghi nhận là Phật ngôn. Riêng Phật ngôn đầu tiên, không hẳn đến khi chế luật Phật mới dạy câu đó, sau mười mấy năm lập đạo. (Nên phần xuất xứ chung được trình bày để nêu tổng quát, tránh lỗi bất cập trong phần xuất xứ của lời dạy.)
Tất cả 13 Phật ngôn trong Chơn lý Bài Học Khất Sĩ đều được trích dẫn từ quyển Tăng Đồ Nhà Phật của ông Đoàn Trung Còn. Khi trích dẫn, ngài Minh Đăng Quang có biên tập mấy chỗ, xem phần dưới đây sẽ rõ.
Quyển này được xuất bản lần đầu vào năm 1934, cách đây 81 năm.
Mỗi Phật ngôn nói trên đều có duyên khởi cụ thể, được trình bày trong 2 phần Tích cuộc hội họp một tháng hai kỳ (trang 104 – 106) và Tích 250 giái Tỳ-kheo (trang 106 – 195) của Tăng Đồ Nhà Phật, xin nêu rõ như sau:
– Phật ngôn 1: Đức Phật chỉ cách hội họp cho chư Tăng, ít nhất cũng nói được lời này: “Đừng làm chuyện quấy nào hết, hãy làm chuyện phải luôn luôn, làm cho trong sạch sở ý mình. Ba cái lý đó tóm rút đạo lý của chư Phật.”…
– Phật ngôn 2: Sau khi quở trách nhà sư Tu-đề-na phạm tội dâm, đức Phật đã bảo các Tỳ-kheo: “Đối với nhà sư, gần rắn độc còn hơn là gần người đờn bà, vì con rắn chỉ hại mạng mà thôi, chớ người đờn bà nhận chìm tới địa ngục lận. Đã bao phen ta dùng hết sức lực của ta mà bảo chư đệ tử phải diệt cái sở dục ấy, phải tắt cái sở ý ấy, vì tình ái có thể dùng dây của nó mà trói những kẻ lửa lòng chưa nguội. Đã bao phen ta lấy đủ các thí dụ mà làm cho đệ tử hiểu rằng: ái tình rất nguy hiểm đối với người, cũng như lửa đối với rơm, cũng như rắn độc, cũng như gươm quơi, cũng như hèo nhọn. Nó làm nhơ nhuốc giáo hội của ta, mà nay Tu-đề-na còn phạm!”, rồi ngài chế định đại giới thứ nhất… (trang 108 – 109)
– Phật ngôn 3: Sau khi sư Vật-lực-già-nan giết 60 vị sư ở vườn Bà-cừu để giúp họ giải thoát kiếp sống, đức Phật đã họp chúng lại dạy: “Diệt sự ô trược, diệt các tư tưởng bất chánh, là diệt bằng cách tham thiền kìa, chớ không phải bằng cách tự sát đâu. Tham thiền làm yên tĩnh và thanh bạch cái tâm, cũng như trời mưa làm rạp gió và bụi vậy.”. Kế đó Phật dạy đại giới thứ 3: Cấm sát sanh… (trang 112 – 113)
– Phật ngôn 4: Vào thời đói khổ, chư Tăng khất thực khó khăn. Bấy giờ mấy sư ở vườn hoa gần rạch Bà-cừu bèn phát minh một kế khôn ngoan để kiếm ăn: sư này khen sư kia là bậc A-la-hán trước mặt các trưởng giả. Kết quả là qua mùa mưa năm đó, trong khi bao vị khất sĩ khác ốm nhom thì các nhà sư nói dối này lại mập mạp đỏ au. Sau khi hỏi thăm và được nghe chính miệng họ khoe mưu kế khôn ngoan của mình, đức Phật đã quở trách: “Có hai hạng giả dối đáng chê. Một hạng khoe mình là trong sạch mà họ không có trong sạch gì. Một hạng nữa khoe mình có đức, để sướng miệng và no bụng mà thôi. Chúng nó nói láo đặng người ta bố thí đó, vì người ta lầm mới cho. Chúng nó là bọn ăn cướp đầu đảng vậy.”. Sau đó đức Phật ban hành đại giới thứ tư… (trang 114 – 115)
– Phật ngôn 5: Nhà sư Ca-lưu-đà-di cất riêng một tịnh thất có đầy đủ phương tiện ngủ nghỉ, tắm rửa, lại thêm có đủ đồ ăn uống do người hảo tâm cúng dường, nên đời sống của sư rất no đủ. Trong sự sung sướng no đủ sư lại rất khổ tâm vì phải chiến đấu với những tình dục của mình, đến nỗi thân thể xanh xao. Thế rồi sư đã thủ dâm để giải tỏa nỗi ức chế, từ đó sư trở nên mập mạp. Mấy nhà sư khác nhận ra sự thay đổi bèn đến hỏi thăm, sư nói nhỏ phương pháp, mấy bạn đồng tu cự sư: “…Anh không nhớ rằng “Chúng ta phải dùng tư tưởng tốt mà đuổi tư tưởng xấu, và chúng ta phải chặt đứt các dây xiềng để tới Niết-bàn” sao?...”. Khi các nhà sư thưa chuyện này lên Phật, đức Phật đã quở trách Ca-lưu-đà-di rồi chế giới Tăng tàn thứ nhất… (trang 116 – 117)
– Phật ngôn 6: Sau khi giới Tăng tàn thứ nhất được ban hành, có nhà sư lo sợ vì ban đêm hay bị chảy tinh. Khi chuyện được thưa lên, đức Phật dạy: “Trước khi ngủ mà chăm chú về ý tưởng quấy thì bị năm điều hại: chiêm bao thấy bậy, thần thánh không phò trì, cái tâm tách xa đường đạo, việc vọng tưởng làm nguội lạnh sự tham thiền, và cái thân phải dính trược.
Trước khi ngủ mà chăm chú về ý tưởng phải thì được năm điều lợi: chiêm bao thấy điềm lành, được thần thánh phò trì, sự tham thiền càng được thêm hiệu quả, cái tâm khắn chặt với đạo lý, và cái thân không dính trược.”, rồi bổ xung thêm cho giới Tăng tàn thứ nhất… (trang 117)
– Phật ngôn 7: Khi đức Phật cho phép cất cốc nhỏ để ở tu, các nhà sư nọ đã tranh thủ cất nhà lớn cho mình, vận động Phật tử lo công, của, khiến cho các Phật tử e ngại tránh xa. Chuyện đến tai Phật, ngài quở trách, kể nhiều chuyện về sự xin thái quá và sự khiêm nhượng cho các sư rút kinh nghiệm, sau đó chế giới Tăng tàn thứ 6. Trong các ví dụ, Phật có kể đến nhà sư Lại-sá-bà-la vốn con nhà giàu có, sang trọng, nhưng mỗi khi gặp cha mẹ lại không hề xin thứ gì hết. Sau nhiều lần, cha mẹ hỏi lý do, sư ngâm kệ đáp:
“Xin nhiều người ghét người phiền,
Xin mà không được ta liền buồn ngay,
Vậy nên con chẳng xin ai
Đặng cho an lạc khoan thai một mình.”
(trang 122)
– Phật ngôn 8: Duyên khởi chế giới Tăng tàn thứ 8 là do sư Từ-địa xúi em gái là sư cô Từ-thị vu cáo sư tri sự Diễu-bà-ma-la-tử hãm hiếp cô. Chuyện nghiêm trọng trong giáo đoàn nên đức Phật cho đối chất, Từ-địa phải lộ ra tâm địa đen tối của mình. Đức Phật quở trách, và dạy chúng rằng: “Có hai thứ người sa địa ngục, đầu đâm xuống đất chân trở lên trời, ấy là bọn giả danh đạo đức và bọn phỉ báng người có hạnh.”… (trang 123 – 125)
– Phật ngôn 9: Giới thứ 18 “Cấm nhận tiền, bạc, vàng…” trong 30 giới phá sự thanh bần được chế sau khi sư Bạt-nan-đà nhận tiền để đi mua phần thịt mà gia chủ định mua cúng cho sư. Chuyện được đàm tiếu đến tận triều đình. Có một vị quan ra sức bênh vực cho những nhà sư đệ tử Phật, sau đó ông đến trình với Phật sự việc. Đức Phật cảm tạ hảo ý của ông và phán rằng: “Mặt trời và mặt trăng lu là bởi bốn vật: thần A-tu-la (Asuras) sanh nhật thực nguyệt thực, mây với sa mù, khói, bụi. Cũng như thế, chư Tỳ-kheo mất cái minh mẫn là bởi bốn món này: rượu, sắc dục, vàng bạc và sự danh lợi phong lưu.”… (trang 148 – 149)
– Phật ngôn 10: Giới “Cấm chê đè làm cho người ta rủn chí” trong 90 giới hành phạt quỳ hương được ban hành là do nhóm 6 Tỳ-kheo thường hay chê bai các sư, làm các sư chán ngán. Đức Phật quở trách cách cư xử nông nổi đó và kể chuyện xưa có một con bò đã hăng hái kéo nổi 100 cỗ xe đầy hàng, sau khi được chủ cỗ vũ khuyến khích… Rồi ngài kết luận: “Khi nào mình nói, dầu với thú vật cũng vậy, phải nói thế nào cho người ta được dạn dĩ thêm, chớ không phải chôn sống hạ mạt người ta.”. (trang 158 – 159)
– Phật ngôn 11: Khi chế giới cấm lưỡng thiệt, do nhóm 6 Tỳ-kheo bày chuyện đâm thọc cho các sư giận nhau chơi, đức Phật đã kể chuyện con sư tử Răng Lành (Thiện Nha) và con cọp Vấu Lành (Thiện Đoàn) là 2 bạn thân, bị một con chồn chia rẽ nên giận nhau, may sao Răng Lành còn bình tĩnh hỏi Vấu Lành đầu đuôi… Kể xong, Phật kết luận: “Con người cũng thế, thường bất bình nhau là bởi có kẻ khác nói xen vào.”. (trang 159 – 160)
– Phật ngôn 12: Giới 21 của 90 giới hành phạt quỳ hương, Phật dạy: “Cấm dạy đạo, đọc giới bổn với Tỳ-kheo Ni, không có lệnh giáo hội sai đi.”. Thuở ấy Phật bảo A-nan chọn các trưởng lão lần lượt qua thuyết giới cho chư Ni, A-nan chọn ngay người đầu tiên là ngài Bàn-đặc! (Trước đó nổi tiếng dốt, học mãi một bài kệ 4 câu cũng không thuộc.) Đến chỗ chư Ni, sau khi thăng tòa ngài chậm rãi đọc bài kệ duy nhất của mình rồi nhập định:
“Nương mình ở chỗ thanh êm
Thì lòng khoái lạc càng thêm thâm trầm.
Sống mà giữ giái chẳng lầm
Thì bề yên tĩnh mười phần chẳng xao.
Chẳng ganh, chẳng ghét người nào
Chẳng hay phá hại đau rầu chúng sanh
Chẳng còn mong mỏi ham tranh
Chẳng còn luyến ái quẩn quanh theo mình…
Phải cho khéo tập, khéo gìn
Thì phần phước trọn mặc tình thảnh thơi.”
Hàng trưởng lão Ni thích thú, còn hàng tân Tỳ-kheo Ni thì đùa cợt coi thường. Kế đến, vị thượng thủ bên Ni là bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề lại cầu thỉnh, tôn giả Bàn-đặc xuất định đọc lại bài kệ lần thứ 2… rồi lần thứ 3, sau đó bay về tịnh xá Tăng. Ít lâu sau nhóm 6 Tỳ-kheo bày chuyện qua chư Ni giáo giới, trổ tài thuyết giảng đủ chuyện đời, khoa chân múa tay minh họa; bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề qua bạch Phật, Phật phải một phen răn dạy, chế giới cấm… (trang 165 – 168)
– Phật ngôn 13: Bài kệ này ở trang 183:
“Đức Thầy chỉ dặm nẻo đường xa
Chẳng trở, chẳng lui, chẳng sợ tà
Lang hổ rống to, ngài tỉnh mỉnh
Gió mây thổi nhẹ, Phật ôn hòa.
Chú tâm cứu khổ cho muôn loại
Định chí vớt nàn kẻ bá gia,
Phàm tục Thánh Tiên nhờ tế độ
Được thêm thuần hậu chốn Ta-bà!”
Là lời Đế-thích khen ngợi Phật, sau khi Phật bình thản trước hành động giả quỷ nhát Phật của sư thị giả Na-ca-ba-la. Đáp lại lời khen của vị vua trời, đức Phật nói kệ dí dỏm:
Mới rồi Đế-thích có lo
Có lo, có sợ… có lời quá khen!
(Đức Phật làm mà có kể công gì đâu, nên ngài nói Đế-thích đã quá khen.)
2. Nội dung:
Phần tìm hiểu xuất xứ ở trên không quan trọng, nhưng có lẽ vẫn cần phải có. Còn phần tìm hiểu nội dung ở đây sẽ độc lập với phần xuất xứ, bởi vì các Phật ngôn đã được ngài Minh Đăng Quang biên tập lại, đưa chúng vào một ngữ cảnh khác, khách quan, để phổ biến ngày nay.
13 Phật ngôn trên là 13 lời dạy của Phật được Tổ sư Minh Đăng Quang tuyển chọn thành bài học thuộc lòng cho hàng Tăng, Ni khất sĩ. Trong đó,
– Phật ngôn đầu tiên trình bày đại ý Phật pháp.
– Phật ngôn 2 nhấn mạnh sự nguy hiểm vô cùng của ái dục đối với người tu hành và với mọi người. (Trong lời nói ngày xưa có chỗ không đồng: lúc đầu nói đàn bà – đàn ông còn hơn cả rắn độc, lúc sau nói tình ái cũng như rắn độc. Vậy nên hiểu ý chứ không nên xét nét lời nói.)
– Phật ngôn 3 chỉ rõ nguyên lý diệt trừ những dơ bẩn trong tâm hồn.
– Phật ngôn 4 lưu ý có khi nhà tu hành không khéo lại trở thành kẻ đầu đảng ăn cướp, những tên cướp trá hình tôn giáo!
– Phật ngôn 5 chỉ ra sự phấn đấu cần thiết hàng ngày của nhà sư.
– Phật ngôn 6 nêu 5 ích lợi của sự ngọa thiền trước khi ngủ và 5 tại hại nếu để tâm vào điều quấy trước khi ngủ.
– Phật ngôn 7 cho thấy một tình đời: Xin nhiều người ghét, người phiền. Xin mà chẳng được ta liền buồn ngay…
Vậy hàng ngày vị khất sĩ đi khất thực là để hóa duyên đạo đức cho chúng sanh chứ không phải để xin gì của ai. Sự vận động tài chính để làm việc cho giáo hội không phải là phận sự của nhà sư chân chánh. (Theo quy định về ăn, mặc, ở, bệnh của nhà sư trong Luật Phật dạy, thì xem ra có sư nào bị thiếu thốn đâu, nơi một xứ có nhiều Phật tử? Và kinh sách cũng đâu cần in ra cho nhiều, rồi để luôn trong tủ chứ không xem đến?)
– Phật ngôn 8 cảnh cáo: Ai giả danh đạo đức hoặc phỉ báng người có hạnh sẽ bị sa địa ngục, đầu đâm xuống đất chân trở lên trời, sống điên đảo ngu si và khổ đau.
– Phật ngôn 9 chỉ rõ: Các nhà sư sẽ mất cái minh mẫn là bởi một trong bốn món rượu, sắc dục, vàng bạc và sự danh lợi phong lưu. Nói chung tâm còn đắm trong vật chất thì không tiến lên nẻo tinh thần được.
– Phật ngôn 10 nhắc nhở về khẩu nghiệp: Dù nói với con thú cũng không nên nặng lời (ác khẩu), mà nên nói cho người ta được dạn dĩ thêm lên, nói cho nên công nên chuyện (ái ngữ).
– Phật ngôn 11 nhắc nhở một thói đời: Con người ta thường bất bình nhau là bởi có kẻ khác xen vào.
– Phật ngôn 12 ca ngợi cõi Giới luật, (cũng là xứ Tịnh độ, miền Phật quốc, chốn Niết-bàn, Thanh êm, Nhàn lạc…) và khuyến tấn mọi người khéo tập để được hưởng trọn phần phước lành.
– Phật ngôn cuối cùng ca ngợi công đức của Phật đã làm thuần hậu chốn Ta-bà.
3. Tư tưởng:
– Nêu lên đại ý Phật pháp ngay Phật ngôn đầu tiên là nêu cao tinh thần chung của Phật pháp. Phật pháp dù có nội dung sâu rộng thế nào đi nữa, dù được trình bày cách nào đi nữa, thì tư tưởng chung vẫn không ngoài 3 điều: dứt ác, làm lành và rửa lòng trong sạch.
– 11 Phật ngôn giữa chú trọng tinh thần chơn tu thật học. Những lời dạy đều rất thẳng thắn và mạnh mẽ, đối trị tâm bệnh thường gặp ở con người, không kể là xưa hay nay. Và những lời dạy cũng rất xác đáng, ích lợi… Đặc biệt, lời dạy thứ 12 đã xác định chỗ quy hướng cho nhà tu hành: cõi tinh thần ấy ở ngay đây, vào lúc này!
– Đến Phật ngôn cuối cùng đã ca ngợi công đức của bậc Đạo sư của ba cõi, cũng là ca ngợi những ai theo gương Phật làm lợi ích thiết thật cho nhân gian. Đây là tinh thần Bồ-tát đạo: đem đạo đức trong sạch kiến thiết cõi đời cho thuần hậu, trang nghiêm.
Như vậy, bài Phật ngôn đã được biên soạn với một khung tư tưởng hoàn chỉnh. (Chính sự phân tích, làm sáng tỏ tác phẩm đã giúp ta thấy được chỗ hay, chỗ khéo của tác giả.)
4. Giá trị ứng dụng:
– Giá trị ứng dụng của 13 Phật ngôn là thiết thật đối với cuộc đời tu hành của các nhà khất sĩ. Trước những thăng trầm của cuộc sống, những biến động của đạo đức xã hội, những áp lực trong khi lãnh trách nhiệm quản lý một cơ sở của giáo đoàn, những va chạm không tránh khỏi trong một đời hành đạo, những khó khăn trong việc học hỏi giáo pháp và những xung đột của nội tâm, nhà khất sĩ sẽ giữ vững được mình chỉ bằng cách thường niệm đến 13 Phật ngôn này. Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã chuẩn bị cho hàng khất sĩ những bài học rất thiết thật vậy.
– Thuốc đắng dã tật, lời thật mới quý. Phật pháp là thuốc lành chữa dứt tâm bệnh cho chúng sanh. Những lời dạy thẳng thắn và mạnh mẽ của đức Phật dành cho các pháp tử của ngài mãi mãi là những diệu dược, mà người nào biết trân trọng thì mới hưởng được ích lợi của nó.
– Nếu đem các Phật ngôn này ra giảng đạo cho Phật tử, thì chỉ trích dẫn lời dạy và phân tích nội dung khách quan, chứ không tiện nêu lại duyên khởi ngày xưa của câu nói.
Đó là những giá trị ứng dụng của 13 Phật ngôn trong Bài Học Khất Sĩ – Chơn lý số 18 của Tổ sư Minh Đăng Quang.
III. TIỂU KẾT:
Trong Chơn Lý có 3 bài mang tên là bài học: Bài Học Cư Sĩ, Bài Học Sa-di, Bài Học Khất Sĩ; và có 4 bài mang tên là pháp học: Pháp Học Cư Sĩ, Pháp Học Sa-di I – Giới, Pháp Học Sa-di II – Định, Pháp Học Sa-di III – Huệ. Vì sao gọi là bài học, pháp học? Mấy bài được gọi là bài học vì tính cách ứng dụng thiết thật của nó. Ba hạng cư sĩ, Sa-di và khất sĩ có 3 chơn lý Bài học riêng. Như bài Kinh Cúng Nguyện hàng cư sĩ và Sa-di cũng dùng, sao lại xếp vào phần bài học của hàng khất sĩ? Có lẽ do trong đó có bài Chứng Minh, mà chỉ có hàng khất sĩ mới thật được đứng vào hàng Tăng bảo, chứng minh cho Phật tử được phước cúng dường. Còn mấy bài được gọi là pháp học vì tính cách giáo lý phổ thông của nó, cần học hỏi, nghiên cứu, để khi ứng dụng thì tùy nghi…
Nếu như kinh pháp cú là 423 Phật ngôn được tuyển chọn, chia thành 26 phẩm theo nội dung chung của lời dạy; thì ở đây, Chơn lý số 18 tuyển chọn 13 Phật ngôn làm thành một phẩm, theo chủ đề là Bài học cho hàng khất sĩ của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam. Các bài học đó có xuất xứ, nội dung, tư tưởng gì đã được tìm hiểu ở trên. Việc tìm hiểu này đã đúng hay chưa, mong quý Tăng, Ni khất sĩ xem xét bổ xung.
Trong khi tìm hiểu 13 Phật ngôn, nếu người học ngày nay xét nét: Câu Phật ngôn này có trong Kinh Tăng-chi, Kinh Tương Ưng, ở đoạn này, đoạn kia… thì đây không phải là hướng tìm hiểu cần thiết. Lời đức Phật Thích-ca dạy có khi trùng lặp trong kinh này kinh kia đâu phải là điều đặc biệt. Vả lại trong lúc biên soạn 13 Phật ngôn, chắc rằng tác giả không tính toán so đo như tác phong của hàng học giả trí thức ngày nay vậy…
-------------------------------------------
Các bài liên quan
- BÁT-NHÃ THẬT TƯỚNG
- Trí Huệ
- BỐN PHẦN CHÁNH ĐỊNH
- NGHI THỨC CÚNG NGỌ
- Sám Hối
- PHÂN TÍCH CHƠN LÝ SANH VÀ TỬ
- Tri thị không hoa
- KIỂM TRA 37 PHÁP CHÁNH GIÁC
- 37 PHÁP CHÁNH GIÁC
- Pháp
- Có tà kiến
- Tin mừng cho Giáo pháp Khất sĩ
- Môn oai nghi Sa-di NGÀY NAY
- Ăn chay là TU CÁI LƯỠI
- Giáo lý Địa ngục trong Phật pháp
- KHÓA TU TRUYỀN THỐNG KHẤT SĨ 11
- Tìm về Chân Nguyên
- TÂM TOÀN GIÁC
- BÁO CÁO TỔNG KẾT KHÓA TU 10
- Nội quy và Thời khóa biểu của Khóa tu
- NGÀY THỨ 3 CỦA KHÓA TU THỨ 10
- CÁC PHÁP SANH DIỆT TRỐNG RỖNG
- Tịnh xá Lộc Uyển khai giảng lớp giáo lý năm 2013
- LỄ RA MẮT LỚP PHẬT HỌC ÁO TRẮNG
- Phân tích Kinh Diệt Lòng Ham Muốn
- TRUYỀN TAM QUY NGŨ GIỚI
- Minh Đăng Quang đại nguyện thành Phật
- 49 câu nguyện của đức Minh Đăng Quang
- Nghi thức Truyền giới Khất Sĩ năm 2012
- KINH DIỆT LÒNG HAM MUỐN
- TỔNG LUẬN VỀ GIỚI LUẬT
- GIỚI LUẬT KHẤT SĨ
- MỘT DẤU HIỆU KHỞI SẮC
- Hoằng pháp bằng Nghệ thuật Viết Chữ
- NHƯ LAI THANH TỊNH THIỀN
- NỘI SAN ĐUỐC SEN - số 09
- Nội san TÌM LẠI NGUỒN XƯA - 2009
- Các trang Web hiện nay của Phật giáo Khất SĨ
- HOẰNG PHÁP Ở VÙNG SÂU VÙNG XA
- HÌNH ĐÈN CHÂN LÝ & HÌNH ĐỨC BỒ-ĐỀ ĐẠT-MA NÀY CHƯA ĐÚNG
- Nam-mô A-di-đà Phật !
- Pháp học Sa-di - 36 Pháp cú thuộc lòng
- Những Khóa Học Hè ở TX. Ngọc Nguyên - Ninh Gia
- LỜI CẨN BẠCH VỀ SỰ HÌNH THÀNH TRANG PHÁP HỌC
- BÀI HỌC SA-DI
- PHÁP THIỀN SỐ TỨC QUÁN
- Y BÁT KHẤT SĨ