Đạo phật khất sĩ / Tư tưởng - Văn hóa / Minh Đăng Quang truyền dạy Chơn lý
Minh Đăng Quang truyền dạy Chơn lý
KS. Minh Bình
Năm 2012 về Trung Tâm, nghe quý sư sinh viên khóa 9 của trường Vạn Hạnh kể lại rằng, có một vị tiến sĩ trưởng một khoa của Học viện Phật giáo phê bình là từ xưa nhà Phật đã có Kinh Luật Luận mà nay lại còn có người truyền dạy Chơn lý! Lời nói đó nhắm đến ai thì quý sư đều hiểu, điều quý sư không bằng lòng là tính cách thẳng thắng nóng nảy của vị tiến sĩ ấy. Nhưng không nói theo những cảm nhận, trong bài viết này chúng ta sẽ lấy vấn đề Truyền dạy Chơn lý làm chủ đề. Để cho súc tích, những ý chính sẽ được lần lượt trình bày như sau:
1. Đại đức Minh Đăng Quang đã truyền dạy Chơn lý, bắt đầu giảng từ năm 1946, sau đó đã đích thân viết 69 quyển và cho in ấn phổ biến từ năm 1952 đến năm 1954, việc này có ý nghĩa gì, do duyên gì, Chơn lý là Kinh, là Luật hay là Luận? Lại nữa, xưa và nay là dựa vào đâu để xác định?... Trong khi sẽ lần lượt tìm hiểu, thì điều đầu tiên được xác định là đại đức Minh Đăng Quang đã truyền dạy Chơn lý.
2. Lịch sử ghi nhận tác giả bộ Chơn Lý là Sư trưởng Minh Đăng Quang của Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ Việt Nam. Còn tất cả Kinh Phật đều do các đoàn Tăng-già biên tập lại lời Phật dạy sau mấy trăm năm Phật nhập diệt, không có một quyển kinh sách Phật giáo nào là do đức Phật Thích-ca viết cả. Như quyển kinh duy nhất của Phật giáo Trung Quốc sáng tác là Pháp Bảo Đàn Kinh cũng không phải do đại sư Huệ Năng viết, mà do các đệ tử ghi lại lời thầy dạy sau khi đại sư đã ra đi. Trải qua mấy trăm năm sau khi được sáng tác, Pháp Bảo Đàn Kinh đã có mấy bản sai biệt…
3. Tìm hiểu vấn đề truyền dạy, ta hiểu ngay rằng truyền dạy Chơn lý nghĩa là không chú trọng truyền dạy các giáo lý phương tiện. Các pháp phương tiện là ngón tay chỉ trăng, còn Chơn lý là mặt trăng sáng ngời trên bầu trời. Như thế, tác phong của chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai đã được duy trì. Chơn lý là mặt trăng sáng ngời trên bầu trời, chính là tinh nghĩa của tất cả Kinh Luật Luận, là thật tướng của Thiền, Tịnh, Luật, Mật, Thiên Thai, Pháp Tướng, Tam Luận…
Cách đây hơn 26 thế kỷ, đức Phật Thích-ca bắt đầu chuyển vận bánh xe Chánh pháp ớ Ấn Độ, tới đầu thế kỷ VI ngài Bồ-đề-đạt-ma đến Trung Quốc truyền thừa Phật tâm, vào giữa thế kỷ XX ngài Minh Đăng Quang xuất thế truyền dạy Chơn lý tại Việt Nam… Đây là sự chuyển vận của Phật pháp, ứng với nhân duyên của nhân loại.
4. Xem 69 bài viết của khất sĩ Minh Đăng Quang, ta nhận thấy nội dung gồm có Kinh, Luật, Luận, nhưng tất cả đã được xử lý, soi chiếu qua lăng kính Chơn lý, được tác giả gọi là Chơn lý số 1, Chơn lý số 2... cho đến Chơn lý số 69.
Ví dụ bài Chơn lý số 55 – Giới Phật Tử, bài này đã biên tập lại Giới Bồ-tát trong Kinh Phạm Võng chữ Hán, trở nên một bản kinh hoàn bị! Bản kinh luật Giới Phật Tử này, nếu các nhà nghiên cứu ngày nay phân tích khách quan, tất sẽ không còn xếp nó vào hạng mục Ngụy (hàng nhái, hàng giả) nữa. Hoặc ví dụ Chơn lý số 50 – Vô Lượng Cam Lộ, đây là một luận văn phân tích Kinh A-di-đà rất sâu sắc, làm sáng tỏ cả nghĩa và ý của kinh. Hoặc 2 bài Võ Trụ Quan, Sanh và Tử thật sự là 2 bản kinh siêu tuyệt do ngài Minh Đăng Quang sáng tác từ chỗ thân chứng của mình. Nếu xếp loại theo như cách phán giáo phổ biến ở Việt Nam, thì 2 Chơn lý Võ Trụ Quan, Sanh và Tử thuộc về hệ Hoa Nghiêm vậy…
5. Trong khi nền nghiên cứu học thuật hiện đại hình thành và phát triển mạnh, đã xử lý và soi chiếu Phật pháp qua lăng kính “Triết học Phật giáo”, thì khất sĩ Minh Đăng Quang đã đi trước thời đại, dùng lăng kính Chơn lý mà xử lý, soi chiếu.
Với Triết học Phật giáo, các nhà trí thức ngày nay đã biến Phật pháp thành một hệ thống Phật học, có nhiều lý thuyết, nhiều tư tưởng, phân tích thành bài, trích dẫn văn bản, chú trọng văn tự chi li… Họ đã làm mất bản chất của Phật pháp, khác nào vẽ thêm chân cho rắn, (biến rắn thành rắn mối). Nhưng với Chơn lý thì không phải vậy, vì Chơn lý ngay trong căn bản là những thấy biết như thật của một bậc Đạo sư, chẳng phải là một công trình nghiên cứu tìm tòi gì cả. Tương truyền, khi ngồi trong cốc viết Chơn lý, ngài Minh Đăng Quang có thể tay viết mà miệng nói chuyện khác với mọi người…
6. Về khía cạnh tác giả và quan điểm, ta thấy các tác giả lớn đều có những nhận thức mang tính hệ thống, chứng tỏ họ đã thông suốt, cho nên mới là tác giả lớn. Các vị ấy đều có kiến giải riêng, tạm gọi là quan điểm.
Theo khía cạnh này, ngài Minh Đăng Quang là một tác giả lớn, được chứng minh qua tầm vóc tác phẩm của ngài. Với 7 năm hoạt động trong lĩnh vực đạo đức (vũ trụ), ngài đã sáng tác 2 tác phẩm hoàn chỉnh là Bồ-tát Giáo và Chơn Lý. Sau khi Chơn Lý ra đời, ngài có bảo các đệ tử bỏ Bồ-tát Giáo, không phổ biến nữa. Do vậy tác giả lớn Minh Đăng Quang chỉ có một tác phẩm là Chơn Lý.
Chơn Lý là một tác phẩm lớn từ nội dung đến tư tưởng: gồm 69 bài với nhiều đề tài, lấy tư tưởng Vũ trụ quan làm cơ sở, mỗi bài đều triển khai đến cực đại, maximum, dạy người ta làm Phật, đưa chúng sanh đến bến, nói tới “hết”! Chính tác giả đã định dạng thể loại sách của mình là “loại sách Chơn lý”. Tác phẩm Chơn Lý có nhiều quan điểm đặc biệt:
– Giáo pháp Khất Sĩ là Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, chứ không phải là tổng hợp của Nam truyền và Bắc truyền. (Nếu ai đó tùy tiện lấy một ít Nam truyền cộng thêm một ít Bắc truyền rồi xưng là Khất Sĩ thì lầm to! Đây là tình trạng thịt ba rọi đang làm mai một Giáo pháp Khất Sĩ.)
– 24 giới chứ không phải 18 giới,
– Ngũ định chứ không phải Tứ thiền bát định,
– 4 Niết-bàn chứ không phải 2 Niết-bàn,
– Bảy đạo quả chứ không phải Tứ quả Thanh văn và 52 quả Bồ-tát,
– Bảy pháp giải hòa khác với Thất diệt tránh pháp,
– Lục thiên thất tụ chứ không phải Ngũ thiên thất tụ,
– Đạo lý của ăn chay là Thiệt căn thanh tịnh chứ không phải chỉ trưởng dưỡng đức Từ bi và tránh nghiệp sát,
– Dùng Pháp tháp là chính chứ ít dùng Xá-lợi tháp,
– Giới Phật Tử được biên tập hay hơn Giới Bồ-tát trong Kinh Phạm Võng,
– Hai bộ Giới Bổn Khất Sĩ được biên tập chuẩn và hiện đại, trong khi các bộ Giới bổn khác của nhà Phật đều đã được biên tập từ trên 2000 năm!
– Truyền giới Khất Sĩ phải do một hoặc hai tiểu giáo hội đảm trách chứ không phải do Tam sư và Thất tôn chứng,
– Bài học Sa-di có 19 bài Oai nghi chứ không phải 24 bài,
– Kinh nhật tụng bằng tiếng Việt chứ không mượn tiếng nước ngoài cho linh,
– Y bát Khất Sĩ khác hẳn y bát của Nam, Bắc tông Phật giáo,
– Thờ cúng lễ bái bản tâm là hơn hết,
– Có hai hạng Bồ-tát phàm và Thánh chứ không tính chi li 52 bậc,
– Lập Đoàn Du Tăng Khất Sĩ như thời Phật Thích-ca dạy đạo, một điều mà chắc chưa có Phật giáo nước nào khác đã làm trong suốt 26 thế kỷ qua,
– Kinh Diệt Lòng Ham Muốn khác Kinh 42 Chương,
– Quan Công là tướng A-tu-la chứ không phải là Bồ-tát hộ pháp gì cả,
– Đức Di-lặc vẫn còn là Bồ-tát, đừng vội gọi là Phật,
– Lập thuyết Tứ đại duyên khởi,
– Khất sĩ là nhân tu để thành Vô thượng sĩ (Phật) là quả chứng,
– Không có giới pháp Thức-xoa-ma-na Ni, mà các vị ấy chỉ nhận sự biệt giáo của giáo đoàn.
– Áo đạo của người cư gia là áo Trung bình, là áo trung đạo bình đẳng không giai cấp.[1]
– Trong đạo, các sư chỉ làm thầy đỡ đầu, tiếp dẫn, truyền giới chứng minh tạm cho mỗi vị mới xuất gia, chớ chúng sanh là bình đẳng, không có danh quyền chi cả.
– Nhà Tăng không ở một chỗ thâu nhận tín đồ bổn đạo riêng,
– Sống, Biết, Linh là 3 dạng tâm trong vũ trụ.[2]
– Chương trình tu học của các vị khất sĩ mỗi ngày chỉ có 3 lần tọa thiền, mỗi lần khoảng 60’.
– Giàu sang nên phải xuất gia, nghèo nàn nên lo cúng thí,
– 3 lớp học Ác, Thiện, Chơn,
– Học Chơn lý mới là thật học.
…
7. Trong cương vị là một đức Tổ sư có sứ mạng lập đạo, với danh hiệu Minh Đăng Quang do đức Phật A-di-đà xưng tặng, tác giả bộ Chơn Lý đã phát minh loại sách Chơn lý. Kinh điển Phật giáo truyền thống gồm có Kinh, Luật, Luận. Đến khi Thiền tông phát triển mạnh tại Trung Quốc đã hình thành loại Ngữ lục – Sách ghi những lời nói và việc làm của các thiền sư (Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát)[3]. So với 4 loại trên thì Chơn lý có đặc điểm gì để thành riêng một loại sách Phật giáo? – Điều đặc biệt nhất là loại sách Chơn lý do chính một vị Phật viết vậy.[4]
(Nhưng các bài Thân, Khẩu, Ý, Nhẫn trong Chơn lý Bài Học Khất Sĩ là do Huỳnh Liên viết? – Trường hợp này ta sẽ ghi nhận rằng: Lúc ấy ngài Minh Đăng Quang yêu cầu Huỳnh Liên viết, sau khi đã giảng giải ý tưởng và truyền cảm hứng đạo. Bài viết xong, ngài Minh Đăng Quang chứng minh, chỉnh lý và biên tập vào bài Chơn lý của ngài. Như vậy, Huỳnh Liên lúc ấy được tham gia Phật sự như một thư ký của thầy, do năng khiếu viết thơ đạo của mình. Sau này, những bài do Huỳnh Liên tự viết không còn sắc thái như trước…
Hoặc bài Pháp trong Chơn lý Bài Học Khất Sĩ được trích dẫn từ các bài của Đoàn Trung Còn dịch từ Kinh A-hàm, hai bài Giới bổn được biên tập từ Tăng Đồ Nhà Phật của Đoàn Trung Còn dịch từ Luật tạng của Phật giáo? – Trường hợp này chúng ta sẽ ghi nhận rằng, các tác giả được phép trích dẫn và biên tập, dĩ nhiên với mức độ nhỏ so với những phần sáng tác. Như ta là một tác giả, ta sẽ rất vinh dự nếu công trình của mình được một tác giả lớn sử dụng đúng mức vào tác phẩm của họ…)
8. Tổng quát, ta nhận thấy Chơn Lý không dấu giếm gì, dễ hiểu hơn nhiều, trong khi Hoa Nghiêm dùng thủ pháp cường điệu vẽ vời (theo tính cách của người Ấn) để khắc họa cái sự thật ở ngay trước mắt, còn loại ngữ lục của Thiền tông thì quá kiệm lời, thật dụng (theo tính cách của người Tàu). Chơn Lý thuyết minh về vũ trụ, có tứ đại, chúng sanh, vạn vật, các pháp… Ví dụ rõ nhất là các bài Có và Không, Sanh và Tử… đã hiển thị những sắc thái của một bầu vũ trụ mênh mông, đa diện, thống nhất xuyên suốt.
9. Nói về lẽ xưa – nay, nếu đem ảo giác của tưởng uẩn này để làm mốc phân định thì thật không đáng. Cứ bàn thẳng vào vấn đề, chắc ai cũng biết rằng tuy đã có Kinh Luật Luận, nhưng qua những lăng kính của phàm tình Thánh giải khiến cho chúng trở nên vô cùng đa dạng, có kinh chân kinh ngụy, có kinh rõ nghĩa và kinh chưa thấu nghĩa, có luật lớn luật bé, có luận tà luận chánh… rất phức tạp. Điều này bài Ánh Sáng đã ghi nhận:
Những diệu pháp huyền vi thâm viễn
Phải lọc lừa bỏ huyễn theo chơn,
Kinh văn rối rắm lạ thường
Như là đêm tối, không tường nông sâu.
Ví dụ bộ luận Thanh Tịnh Đạo của Buddhaghosa (Phật Âm, người Ấn, thế kỷ V), trong ấy có kể lại câu chuyện về một vị trưởng lão khả kính:
135. Trưởng lão tuổi trên sáu mươi đang nằm đợi chết. Tăng chúng đến hỏi ngài có đắc địa vị siêu thế gì không? Ngài bảo: “Ta không đắc địa vị nào siêu thế hết.”. Khi ấy vị tỷ-kheo trẻ hầu ngài thưa: “Bạch đại đức, mọi người vì tưởng ngài đã đắc Niết-bàn nên mới đi hàng chục dặm đường để đến đây. Họ sẽ vô cùng thất vọng nếu ngài chỉ chết như một phàm phu thường tình.”. Trưởng lão đáp: “Hiền giả, vì muốn gặp đức Thế tôn Metteyya (Di-lặc), nên ta không nỗ lực để đắc tuệ giác. Vậy bây giờ hiền giả hãy đỡ ta ngồi dậy, may ra có đắc chăng?”. Vị tỷ-kheo bèn đỡ ngài dậy, rồi đi ra. Khi ông vừa ra khỏi, trưởng lão liền đắc A-la-hán quả, và khảy móng tay ra hiệu. Tăng chúng tụ lại, bạch ngài: “Bạch đại đức, ngài đã làm một việc khó, là hoàn thành Thánh quả vào lúc lâm chung.”. Trưởng lão bảo: “Chư hiền, việc ấy không khó. Nhưng ta sẽ bảo cho chư hiền biết là việc gì khó thật sự. Chư hiền, từ khi xuất gia cho tới ngày nay, ta không thấy có một hành vi nào ta làm mà không ý thức, không có chánh niệm kèm theo.”.
Qua câu chuyện này, chúng ta không bàn đến việc khó nhất của vị trưởng lão, (theo tư tưởng hữu niệm, vô niệm của Pháp Bảo Đàn Kinh), mà chỉ đặt ra một nghi vấn là đắc A-la-hán quả rồi thì trong tương lai ngài còn gặp được đức Thế tôn Metteyya không?
Hoặc nhìn lại quá trình phiên dịch kinh điển Phạn – Hán suốt hơn 1000 năm, ta nhận thấy nhiều khi một quyển kinh được dịch nhiều lần bởi những tác giả khác nhau. Như vậy quyển kinh nào trong mấy quyển đó nên được chọn để sử dụng? Thật không xác định cụ thể được. Quá trình sáng tạo của Phật pháp là không ngừng, cũng như cuộc sống cứ đi tới, do đó vấn đề xưa – nay gì đó vội tính toán chi cho mệt.
10. Thẩm thấu được Chơn lý, ta nhận ra rằng những bài kệ sau viết về Chơn Lý có phần không đúng. Tóm tắt về vũ trụ, có một bài kệ viết:
Thăm thẳm bao la khoảng đất trời,
Người hơn muôn vật giữa trần ai.
Nghiệp duyên thay đổi phàm nên Thánh,
Chánh pháp truyền ban đạo cứu đời.
Trọng tâm của bài kệ này nằm ở câu thứ 2, làm cho bài kệ bị cục bộ về cảnh người, chứ không còn trình bày về vũ trụ nữa. Nhưng câu thứ 2 của bài kệ này cũng không đúng chơn lý. Nói về loài người, ngài Minh Đăng Quang đã viết:
– “Chúng ta là những con vi trùng chết yểu, so với không gian và thời gian trong võ trụ.” (Chơn lý Võ Trụ Quan)
– “Lâu lắm mới được thân người, khó lắm mới được thân người.” (Chơn lý Ngũ Uẩn)
– “Loài người là loại làm biếng nhất, ham tìm sung sướng về thức ăn, sự mặc, chỗ ở, chen chúc trong trần để tìm cái ngủ ngon mà thôi.” (Chơn lý Lục Căn)
– “Ta có nên bênh vực, tôn sùng, quý trọng loài người chăng? Không! Ta cũng không nên bảo thủ loài người nữa. Vì loài người cũng là một loài thú đi hai chân mà lắm kẻ lại tàn ác hơn thú…” (Chơn lý Lục Căn)...
Nhân tối linh ư vạn vật là tư tưởng của Nho giáo, một đạo giáo của Trung Quốc chuyên dạy các phép tắc cưới gả, sanh đẻ, dưỡng dục con cháu cho thành nhân chi mỹ... Làm sao các vị khất sĩ phạm hạnh lại đề cao tư tưởng này cho được? Chính ngay tại Trung Quốc, mấy ngàn năm qua người ta vẫn thần tượng loài rồng và kính nể loài chồn hơn là loài người. Các vị vua của xứ sở này thường xem mình là rồng vàng, xem các tướng lãnh tài giỏi của họ là rồng xanh, rồng đỏ hoặc là cọp trắng… Còn chồn tiên đã dệt nên bao huyền thoại trong dân gian Trung Quốc đấy thôi, nào là chồn trắng, chồn đen, chồn ông, chồn bà, chồn tú tài, chốn thi sĩ, chồn răng hô, chồn bụng phệ, chồn đuôi cụt, chồn 9 đuôi, chồn 4 mắt... có lắm tài phép kỳ diệu.
Tóm tắt bài Ngũ Uẩn của tác giả Minh Đăng Quang, có một bài kệ đã viết:
Bản ngã gốc vô minh,
Do năm uẩn cấu thành.
Quán sát trừ năm uẩn,
Chứng quả vị Vô sanh.
Bài kệ ngắn gọn này đã không thể nào tóm tắt được 15 mục của Chơn lý Ngũ Uẩn. Điều đáng nói là bài kệ đã nhấn mạnh đến quả Không sanh A-la-hán, trong khi Chơn lý Ngũ Uẩn nhắm đưa người đến địa vị Toàn giác, Toàn chơn, Toàn thiện, Toàn mỹ, Toàn năng, Toàn trí, Toàn đức, Toàn nhân, làm bậc công viên quả mãn thành Phật.
Hoặc bài kệ Lục Căn:
Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân,
Sáu căn tiếp xúc sáu trần nhiễm mê.
Giống như địch thủ gần kề,
Phải nên nhiếp phục hộ trì sáu căn.
Biết rành tập khởi căn trần,
Biết rành đoạn diệt ân cần xả ly.
Nội tâm an tịnh kịp thì,
Cuộc đời chấm dứt thị phi não phiền.
Đã nói lên quan điểm riêng của tác giả, theo truyền thống trong hệ tư tưởng Nikayasutta (Kinh bộ, là các bộ kinh tiếng Pàli), chứ không đề cập đến Chơn lý Trần – Thức – Căn của ngài Minh Đăng Quang. Trong Chơn lý Lục Căn, tác giả đã trình bày rất rõ rằng tứ đại là trần sanh vạn vật, trần sanh thức biết là chúng sanh, thức sanh căn trở lại ăn trần, và có 8 trần – 8 thức – 8 căn là 24 giới từ địa ngục đến Niết-bàn ứng với 8 loại chúng sanh…
Qua 10 mục đã trình bày, đến đây xin chốt lại vài lời như sau:
Bộ Chơn Lý của tác giả Minh Đăng Quang nội hàm nhiều điều siêu xuất, chính là một hệ thống Phật pháp của một vị Phật. Chắc người đứng trên bục giảng đã tùy ý phát biểu mà chưa đọc Chơn Lý rồi. Chư Phật, chư Bồ-tát ứng thế hoằng đạo chúng ta không sao lường được, vậy chẳng nên phê phán linh tinh chỉ làm cho tổn đức của chính mình.
Chơn lý là lẽ thật của những việc đã có thật. Chơn lý đã chỉ cho chúng ta thấy rằng: Đạo Phật Khất Sĩ là giả tạm, vì nó là quả của Thích-ca Chánh pháp. Thích-ca Chánh pháp là nhân tức là bản chất của Đạo Phật Khất Sĩ. Cả 2 nguồn nhân biển quả này đều ứng theo lòng người mà thành. Tìm đến tận nguồn, ắt sẽ thấy Thích-ca Chánh pháp cũng là tạm gọi, chứ đó chính là chơn lý của vũ trụ. Mà chơn lý lại cũng là tạm thuyết minh, do người trí chỉ bảo cho kẻ mê được biết, chứ vũ trụ có nói một lời nào! Đạo lý này gọi là “Cả thảy những biến thái của lời nói cũng bị hủy bỏ, đối với kẻ đã trở về quê cũ.”. Như vậy, những gì đang hiện hữu đây là những dòng nhân quả đang hiện hành giả tạm, có đáng để thành thị phi không? Ai nói gì, làm gì, tất sẽ được vũ trụ phản hồi tương xứng…
[2] Chơn lý 21 – Tâm
[3] Không phải các thiền sư Trung Quốc đều là bậc Tổ sư, Bồ-tát, Giáo chủ, hay cổ Phật tái thế. Cứ xem ngay trong các ngữ lục thì sẽ rõ. Chính ngài Hy Vận có nói: Dưới chân Mã đại sư xuất hiện 83 thiện tri thức được ngồi đạo tràng, nhưng được chánh nhãn của ngài chỉ có 3, 4 vị. Chúng ta đừng theo thói quen cứ thấy thiền sư Trung Quốc thì gọi là Tổ…
[4] Hiện nay Lưu Thủy đang triển khai loại truyện ngắn Phật giáo, mô tả những mảng đời sống đạo, để người đọc dễ tiếp thu hơn loại sách đạo thuần túy.
------------------------------------------------------------
Các bài liên quan
- xưa Minh Đăng Quang viết
- Nghĩa Trăm Năm
- Tại sao chọn Luật Tứ Phần?
- Hành Trang Vào Đời
- T Â M K H Ô N G
- Từ Nhân Loại Bước Đến Niết-bàn
- Phụ giải Công Lý Võ Trụ
- KHẢO CỨU BỘ CHƠN LÝ
- Ý ĐỊNH LÀ NIẾT-BÀN
- Đời là biển khổ
- TÍNH CHẤT CHỦ YẾU CỦA TRIẾT LÝ THIỀN
- Năm Lửa bắt Thầy
- NGHI THỨC ĐÓNG CHUÔNG U MINH
- KHẤT SĨ BỒ-TÁT
- A-LA-HÁN
- BỒ-TÁT TRỤ XỨ
- Nhà bác học Albert Einstein nói về Phật giáo
- GIÁP NGỌ – NHÂM THÌN 58 NĂM
- Theo gót chân Người
- Thờ phượNG
- VÔ NGÃ & NGÃ
- Dấu xương để lại cho đời
- Nghiên cứu BỒ-TÁT GIÁO
- Giáo pháp Khất sĩ
- Chân tình Vu-lan
- Ngày Tổ sư trở về
- Tết 2-0-1-6
- Ai lên núi lửa trần gian
- Câu chuyện Sư tử đá
- Kiến – tánh
- Biểu tượng Đèn Chơn Lý
- Pháp ngữ của TS. Minh Đăng Quang
- Tham luận của HT. Minh Hồi
- Pháp tu Quan Thế Âm
- Tham luận của HT. Đức Nghiệp
- Tham luận của TT. Minh Thành
- Tham luận của TT. Nguyên Thành
- Tham luận của TT. Huệ Thông
- Câu đố cổ xưa của người Hy Lạp
- Tinh thần Trung đạo trong bộ Chơn Lý
- TRÍ & THỨC
- TÀ KIẾN CỦA NHỊ THỪA
- Cha Mẹ bơ vơ
- Nét đặc thù của đức Tổ sư MĐQ
- Những lời Khách Sáo
- Vắng Bóng
- THIỀN ĐỊNH NHƯ MỘT GIẤC NGỦ NGON !
- Chánh Pháp Vu-lan
- Ý nghĩa ngày Rằm tháng Tư Vesàkha
- Thuyền Bát-nhã (thơ Đạo)
- LỜI THẦY DẠY (Đức Thầy Giác An)
- “KINH CÀY RUỘNG” & Chơn lý “CHƯ PHẬT”
- HÃY SỐNG HẾT LÒNG MÌNH VỚI ĐẠO PHÁP (TT. Giác Tuấn)
- CON ĐƯỜNG TIẾN HÓA CỦA CHÚNG SANH (TT. Giác Pháp)
- SEN NỞ ĐÓN HẠ VỀ (Ni sư Minh Liên)
- LINH ẢNH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
- Ăn Chay và Sức Khỏe
- Thi hóa tiểu sử Tổ Sư Minh Đăng Quang
- KỆ HỒI TÂM (Tổ Thiên Thai)
- NHỮNG BÀI CA GIẢI THOÁT