NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Tấm lòng vàng / CHO MỘT TẤM LÒNG

, Thứ Hai 2011-09-18

 

CHO MỘT TẤM LÒNG

 

Hành Vân

 

Sau nhiều việc đã tiến hành, nào là góp tiền, góp hàng, mua quà, vào bao, sửa soạn, thuê xe, vận chuyển, liên lạc qua lại, tổ chức đoàn đi, tìm đến chỗ, tập hợp mọi người, trao gởi… vào hai ngày 17 và 18 tháng 9,  Đoàn từ thiện Tịnh xá Trung Tâm – quận Bình Thạnh đã làm xong một chuyến cứu trợ những đồng bào Việt Nam bất hạnh ở tỉnh Lâm Đồng như bao nhiêu lần trước.

 

 

 

Cảnh trao quà tại Trại Phong Di Linh I

 

Khoảng 10 giờ sáng ngày 17, đoàn đã có mặt tại Khu Điều Trị Phong Di Linh. Nơi đây sống khoảng 200 người bệnh, với số hộ là 100 hộ. Khu Điều Trị Phong Di Linh rộng hơn 40 mẫu, ban đầu được đức Giám Mục Jean Cassaigne (Gianh Cát-Xen) người Pháp thuộc dòng Truyền Giáo sáng lập vào năm 1929, là nơi nuôi và chữa bệnh cho những người bệnh phong cùi. Sau khi sáng lập, nơi này được các nữ tu dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn (gọi tắt là dòng Vinh Sơn) quản lý và phục vụ. Dòng nữ tu Thiên Chúa giáo này trước có trụ sở tại Nhà thờ Domain (Đồ-man) – Đà Lạt, nay trụ sở dời về số 42 Tú Xương, Tp. Hồ Chí Minh, và gốc là ở Pháp. Từ sau năm 1975, Khu Điều Trị Phong Di Linh trực thuộc nhà nước, nhưng vẫn do các Soeur () điều hành và phục vụ.

 

 

 

Mộ Cha Gianh Cát-Xen ở giữa làng - Cảnh văn phòng và nhà khách của làng

 

Khu Điều Trị Phong Di Linh là một tên gọi dài dòng và trần trụi quá. Thay vì gọi tên đó thì nên gọi là Làng Thanh Bình hay Thôn Di Linh chẳng hạn. Gọi vậy sẽ đúng với tính chất thanh bình yên ổn ở nơi đây và nghe thanh hơn, tình người hơn. Từ cổng đi vào làng, đường được trải nhựa tốt, mới làm vào năm 2008 vừa rồi. Có một bệnh xá cũng được nhà nước cho xây vào năm đó. Bệnh xá có 15 giường, với 1 Soeur bác sĩ, 1 Soeur y tá và các con em bệnh nhân phục vụ, sau khi các cháu này đã lớn lên tại đây và được các Soeur đào tạo. Ở đây có 10 Soeur, thêm các em phụ giúp nữa là 23 người phục vụ cho bệnh nhân ở làng. Hiện nay, Soeur Tiến quản lý làng, nhưng trước đó là do Soeur Mai Thị Mậu đảm trách mấy chục năm.

 

 

Sau khi trao 100 phần quà cho bà con trong làng, đoàn qua Trại Phong Di Linh II, hay Trại Phong Gia Lành, ở cách đó mấy cây số về hướng Đà Lạt để trao tiếp 50 phần quà. Soeur Gương hiện quản lý nơi đây. Trại Gia Lành có đất rộng 58 mẫu, cư ngụ 160 người, gồm 50 hộ, đa phần người bệnh đều còn trẻ nên có con đông, do vậy ở đây đông con nít.

 

Soeur Gương cho hay là người ở trại khờ lắm. Khi họ đi ra đường mua hàng hay bị gạt. Có lần, một người đi mua 2 món quà, chủ quán ghi nợ 150.000 đồng, nhưng không ngờ người mua đó biết chữ, nên đã chỉnh lại… Để giúp bà con trong trại, Soeur đã lập 1 quán nhỏ để bán đồ khô và đồ tươi cho họ. Soeur Gương đã mượn 10 triệu đồng để làm, nhưng đến nay chỉ mới dùng có 2 triệu…

 

 

 

Một bác vừa lãnh quà xong - bé Trường mang quà giúp bà cụ

 

Lần này, phái đoàn cứu trợ đã rất vội vàng, cả 2 Soeur đều không kịp phát biểu, bà con không kịp cảm ơn, nói chung là có một cảm giác máy móc trong việc trao gởi này. Khi sắp lên xe, tôi nhắc các Phật tử chào quý Soeur rồi về… Các Soeur đều thật đơn giản, bản thân họ không có gì, tóc đã bạc, vẫn cắt hơi ngắn và kẹp lại hay bới lên. Họ không dùng điện thoại di động. Như Dì Mậu hiện nay đã ở lứa tuổi 70 vẫn đang xông pha về điểm mới trong Đạ-tông thuộc huyện Đam-rông, tỉnh Lâm Đồng… Các Soeur thật là những tấm gương đẹp cho lớp trẻ noi theo.

 

Sau khi về tịnh xá Ngọc Thiền nghỉ và ăn cơm trưa, đoàn lại đến hai Trại Trọng Đức ở xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, trên đường đi Đak Lak, để thăm và tặng 360 phần quà cho những người bệnh tâm thần ở đây. Quý sư ở Ngọc Thiền và quý sư cô ở Ngọc Nguyên – Đức Trọng, Ngọc Hòa – Đà Lạt đã phụ tiếp cho đoàn trong việc này… Đến mỗi nơi, Thượng tọa Minh Lộc đều viết vài dòng lưu niệm trong sổ lưu niệm của hai trại nam và nữ…

 

 

Tại Trại Trọng Đức I, 200 bệnh nhân nam đang ngồi để nhận quà 

 

Sáng nay, ngày 18 tháng 9, phái đoàn lại đến xã Đạ-tông huyện Damrong để trao 300 phần quà cho các bà con dân tộc người H’mông nghèo khổ. Chiếc xe tải đã ỳ ạch cộ 4 tấn hàng từ Tp. Hồ Chí Minh đi suốt cả ngày đêm để đến đươc Prenn. Rồi bây giờ, chiếc xe tải đáng thương đó lại cùng các xe du lịch trong đoàn vượt qua 4 con đèo Phú Sơn, đèo Chuối, đèo Bằng Giang và đèo Gọt trên con đường dài 110km. Cả 4 đèo này đều xứng là đèo ngoạn mục của Việt Nam. Đèo Phú Sơn thì cao ngất, đèo Chuối đã bị lở mặt đường nhiều chỗ… Xuất phát từ tịnh xá Ngọc Thiền ở Prenn từ 5 giờ sáng, đoàn đi đến được Đạ-tông vào 9 giờ, mất đúng 4 tiếng. Vì đâu mà mấy núi cũng qua, mấy sông cũng vượt? Cho thì ở đâu mà không cho, cần gì đi xa thế?... Thế mới biết được tấm lòng của những người đi cho không hề nhẹ đâu, thật rất đáng trân trọng.

 

 

Nhà thờ Đạ-tông - trung tâm sinh hoạt cộng đồng của giáo dân 8 xã huyện Damrong.

 

Từ ngã ba vào xã phải qua 8 cầu là cầu Bằng Lăng, cầu số 2, số 3… số 7 rồi qua cầu Đa-Hố là đến điểm phát quà tại nhà thờ Đạ-tông. Cô Lợi cán bộ Hội Chữ Thập Đỏ của xã đã đón đoàn từ ngã ba nơi quốc lộ 27 và hướng dẫn đoàn vào. Hơn 20km đường nhựa ngoằn nghèo lên xuống liên tục dẫn vào xã Đạ-tông, đường nhỏ, chỉ rộng khoảng 4m, nhưng còn tốt vì mới làm từ năm 2008. Trước đó, người ta phải gùi hàng đi vào xã, đến là khổ… Địa thế nhà thờ Đạ-tông quá đẹp: 1 sườn đồi thoai thoải, hai bên là đồng ruộng, có nhiều núi thấp nhỏ vây quanh xa xa, ngay chính phía sau nhà thờ là 1 tòa núi lớn sừng sững vươn lên giữa cả vùng rộng lớn. Địa thế phong thủy này thật nên làm một chỗ sinh hoạt tôn giáo, sẽ rất tốt cho địa phương.

 

 

Cảnh tặng quà ở Đạ-tông

 

Đến nơi, cô Lợi vào báo cho cha Đỗ Vinh Sơn, hai vị ra gặp Thượng tọa Minh Lộc cùng phái đoàn và mọi người đã tiến hành phát quà. Đến lúc này thì xem như tôi đã xong công tác dẫn đoàn đi. Theo lời yêu cầu của Hòa thượng Giác Toàn, tôi đã làm người liên lạc, và chỉ đi 2 tay không theo đoàn. Do vậy, xem như tôi chỉ mang một tấm lòng đi cho. Cho một tấm lòng thì nhận một tấm lòng, nhận một tấm lòng thì cho một tấm lòng. Gọi là gặp trang kiếm khách nên trình kiếm, chẳng phải nhà thơ chớ nói thơ… Qua bao nhiêu kiếp sống, người ta cứ Lo Làm Ăn, loay hoay với cái bị thịt biết đi này, thử hỏi đời sống đó có bao nhiêu ý nghĩa? Bởi không tu nên nay bất hạnh bị bệnh tật, nghèo đói… Khi hết bất hạnh thì sao, có phải là lại lăng xăng ăn ngủ, mặc áo, soi gương, đi qua đi lại xem có ai ngắm… hay không? Ối chao, cả nghèo và giàu đó đều rất chán ngán!

 

 

Có 1 người Mỹ cùng đi cứu trợ? 

 

----------------------------------------------

Các bài liên quan