Đạo phật khất sĩ / Tư tưởng - Văn hóa / Biểu tượng Đèn Chơn Lý
Biểu tượng Đèn Chơn Lý
Hành Vân
Biểu tượng cho Đạo Phật Khất Sĩ là hình ảnh ngọn đuốc trên hoa sen. Biểu tượng này do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng tạo, có người gọi nó là Đèn Chơn Lý, lại có người gọi là Pháp Đăng, Đuốc Tuệ, Đuốc Sen... Các tên gọi này đã được nhắc đến trong những bài kệ, những câu đối như:
Đèn Chơn Lý ngày nay tỏa rạng
Ánh triêu dương chiếu sáng phương Đông
Nhơn sanh bừng tỉnh giấc nồng
Phóng xa tầm mắt nhìn trông vui mừng…
Hay:
Nối đuốc Tuệ ban truyền giáo lý
Trổ hoa Đàm khất sĩ du phương
Giới hạnh trong suốt nền gương
Định châu lấp lánh, Tuệ hương ngạt ngào!
Hay:
Minh Đăng Quang xuất hiện trời Nam ngời Chơn lý
Khất Sĩ đạo hoằng truyền đất Việt rạng Pháp đăng.
Và có nội san Đuốc Sen từ mùa An cư năm 2008…
Trong bài viết này sẽ gọi biểu tượng của Đạo Phật Khất Sĩ là Đèn Chơn Lý vì những lý do sau:
– Chơn lý là tư tưởng chủ đạo của Tổ sư Minh Đăng Quang, không phải là Phật giáo (lời dạy của đức Phật Thích-ca), không phải là Bồ-tát giáo (lời dạy của bậc Bồ-tát), cũng không phải là Lạt-ma giáo (lời dạy của các Thượng sư).
– Chơn lý là kim chỉ Nam của Đạo Phật Khất Sĩ, phá bỏ những ranh giới của Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền (địa phương), những kỳ thị của Đại thừa và Tiểu thừa (tư tưởng), những phân biệt Kinh Luật Luận theo nhãn quan của phàm tình (nhận thức).
– Chơn lý nêu cao Chánh pháp của đức Phật Thích-ca Mâu-ni là Chơn lý của vũ trụ, là Diệu pháp Liên hoa ở mỗi pháp.
– Chơn lý nhấn mạnh tính chất Nguyên thủy của đạo Phật là đạo của chúng sanh muôn loại, là đạo chung mà tất cả các đạo giáo đều sẽ quy về, chứ không phải là tôn giáo, trường phái, chủ nghĩa riêng tư nào để bảo thủ.
Đèn Chơn Lý là một biểu tượng tuyệt vời do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng tạo, nó phối hợp hài hòa những hình ảnh sống động, mang triết lý sâu sắc, đậm nét văn hóa Phật giáo. Ban đầu, ý tưởng Đèn Chơn Lý đã được khắc trong con dấu của Tổ sư, đường nét còn đơn giản do không gian hẹp, chỉ có một hoa sen nở nhiều cánh và một hình như hình mặt trời đang tỏa sáng:
Hình 1, có các chữ từ ngoài vào trong:
VĨNH LONG – TỊNH XÁ NGỌC VIÊN – LONG CHÂU
GIÁO HỘI TĂNG-GIÀ
MINH ĐĂNG QUANG
Ký tên Huờn.
Sau đó, khi xuất bản các quyển Chơn lý, Tổ sư đã cho vẽ hình Đèn Chơn Lý nơi bìa sách. So với ban đầu, các hình Đèn Chơn Lý lần này có đầy đủ 4 phần là mặt nước, hoa sen, cây đèn và ánh sáng tỏa khắp nơi. Xem các sách Chơn lý xuất bản thời đó, ta thấy hình Đèn Chơn Lý có những chi tiết hơi khác nhau:
Hình 2 & 3, hình bìa 2 quyển Chơn lý thời Tổ sư hành đạo.
Tìm hiểu ý nghĩa của Đèn Chơn Lý, những thông điệp mà Tổ sư muốn gởi đến mọi người đã được nhận ra như sau:
– Về tổng quát, Đèn Chơn Lý là biểu tượng của Đạo Phật Khất Sĩ do đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng.
– Phần mặt nước tượng trưng cho cuộc đời, có ác (bùn đất), thiện (nước sạch) lẫn lộn.
– Hoa sen vươn lên khỏi mặt nước ví như nhà sư khất sĩ đã giải thoát khỏi trần lao.
– Trên hoa sen mọc lên cây đèn là chơn lý Chánh pháp của Phật.
– Đèn ấy bừng cháy không ngừng (thường chiếu), tỏa chiếu khắp nơi (viên chiếu), soi sáng lại cho cuộc đời đã hun đúc nên nó (minh chiếu).
Đến khi nhà thơ Trụ Vũ thi hóa tiểu sử Tổ sư Minh Đăng Quang vào năm 1974, Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ Việt Nam đã cho xuất bản tác phẩm của ông với tên gọi là Ánh Minh Quang. Nơi bìa sách Ánh Minh Quang được tái bản gần đây, ta thấy có trang trí một hình ảnh Đèn Chơn Lý đẹp hơn những hình trên:
Hình 4, bìa sách Ánh Minh Quang.
Nhưng hình Đèn Chơn Lý ở bìa sách Ánh Minh Quang còn có phần mặt nước hơi bị rối, những gợn nước hơi nhiều làm che mất độ nổi của hoa sen, và phần tia sáng bị đè 2 vòng tròn có vẻ nặng nề. Từ mẫu này nhưng đã được bỏ bớt 2 vòng tròn, website Ánh Nhiên Đăng đã chọn làm logo tạm, trong khi chưa có dịp vẽ lại kỹ hơn:
Hình 5, Logo của website Ánh Nhiên Đăng.
Có một số sư cho rằng ngọn đuốc trong hình này giống với cây đuốc Olimpic của thế giới, nên đã chọn một hình cục mịch hơn in trên đầu trang bìa nội san Đuốc Sen mỗi kỳ:
Hình 6, Logo của nội san Đuốc Sen.
Đến khi khởi công xây dựng Viện điều dưỡng Phật giáo Thành phố Đà Lạt, hòa thượng Viện chủ Tịnh xá Ngọc Thiền đã cho in logo của Viện điều dưỡng là hình Đèn Chơn Lý đã được sửa lại một chút, cả hình được chiếu sáng trên một nền tối:
Hình 7, Logo của Viện điều dưỡng Phật giáo Thành phố Đà Lạt.
Bảy hình trên được nêu ra để thuyết minh về biểu tượng Đèn Chơn Lý. Ở đây, hai từ Chơn Lý đã thành danh nên lưu ý để không nói theo kiểu ngày nay là Chân Lý. Chúng ta hãy xem lại những điều Tổ sư Minh Đăng Quang đã trình bày về Đạo Phật Khất Sĩ. Đầu tiên, từ Khất sĩ của tác giả Minh Đăng Quang phải được xác định trong những phạm trù ý nghĩa như thế này:
– “Khất sĩ là học trò khó đi xin ăn để tu học. Khất sĩ là cái sống của chơn lý võ trụ, mà tất cả chúng sanh đều là học trò cả thảy. Bởi chúng sanh là cái biết, từ chưa biết đến đang biết, và cái biết sẽ hoàn toàn ngơi nghỉ.”
– “Chính Phật là Vô thượng sĩ, là ông thầy giáo có sự học không ai hơn! Còn Tăng là khất sĩ, là học trò đang đi du học khắp nơi cùng xứ, học nơi thầy, nơi bạn, nơi trò, học với tất cả chúng sanh, vạn vật, các pháp, học với Phật Pháp Tăng ba đời, học từ xóm làng tỉnh xứ, đến khắp các xã hội, thế giới chúng sanh, học nơi chữ viết, nghe lời nói, học bằng lo lắng nghĩ ngợi, học nơi sự thật hành, học nơi cỏ, cây, thú, người, trời, Phật, đất, nước, lửa, gió… Tạm sống xin ăn tu học đi ngay chơn lý chẳng chút lảng xao, không màng khổ nhọc. Và bá tánh là cư sĩ kẻ đã lỡ hội đường, hoặc vì tai nạn nên phải đành kham thiếu thốn, tập học ở một chỗ nơi để đặng chờ ngày giải thoát.”
Đây là 2 đoạn văn ở phần đầu bài Khất Sĩ, đoạn đầu nói về lý, đoạn sau nói về sự. Với những ý nghĩa đã nêu, thì từ Khất sĩ của tác giả Minh Đăng Quang chính là từ Bhikkhu của Phật giáo Ấn Độ (được phiên am Hán – Phạn là Tỳ-kheo, Tỷ-kheo, Tỳ-khưu, Tỷ-khưu), nhưng với đầy đủ những ý nghĩa của Thích-ca Chánh pháp:
– Xưa nay mọi người thường hiểu Bhikkhu là nhân tu để thành A-la-hán là quả chứng. Nhưng trong giáo pháp của Tổ sư Minh Đăng Quang thì Khất sĩ lại là nhân tu để thành Vô thượng sĩ là quả chứng. Trong tiến trình từ Khất sĩ đến Vô thượng sĩ, quả A-la-hán là một nấc thang phải qua, không có thành kiến là Tiểu thừa hay Đại thừa gì, cũng không lầm chấp cho rằng A-la-hán đã bằng với Phật.
– Thuyết minh về vị trí xã hội của Khất sĩ, có 3 bậc hay 3 hạng người được ghi nhận là Vô thượng sĩ, Khất sĩ và Cư sĩ. Cả 3 đều là chơn lý của vũ trụ chứ không phải do ngài Minh Đăng Quang tự ý bày ra. Vô thượng sĩ là Phật, Khất sĩ là Tăng (là Bhikkhu), Cư sĩ là bá tánh dân chúng.
Những phần sau của bài Khất Sĩ tiếp tục nhấn mạnh:
– “Khất sĩ đứng vào hàng Tăng bảo, học Pháp bảo để làm Phật bảo.”
– “Khất sĩ có ba bậc: Khất sĩ Thinh văn, Khất sĩ Duyên giác, và Khất sĩ Bồ-tát…”
– “Tiếng “Khất” có nghĩa là xin, lẽ xin là chơn lý của võ trụ, mà chúng sanh, kẻ thì xin vạn vật để nuôi thân, người thì xin các pháp để nuôi trí. Ai ai cũng đều là kẻ xin cả thảy.”
– “Đạo Khất sĩ không phải là mới, nói cho đúng: Ai ai cũng là Khất sĩ cả thảy, vì ai mà không có gặp được sự học mỗi ngày, ai mà không có sự xin nhau từ chút!”
– “Đạo Khất sĩ là chơn lý chánh pháp của trường võ trụ, là đạo Bát chánh Niết-bàn, không bậc hiền thánh nào dám khinh rẻ, không kẻ quỷ ma nào được thấu đạt, chánh giáo cao siêu hơn hết. Kẻ hành đúng sẽ thành Phật, người hành trật sẽ làm ma. Thật là quý nhất trong đời…”.
Sau bài Khất Sĩ, gần cuối bộ Chơn Lý có bài Đạo Phật Khất Sĩ đã giải bày rõ về những quan điểm sáng lập đạo của Tổ sư Minh Đăng Quang. Bài Đạo Phật Khất Sĩ được trình bày thành 7 bài riêng, cuối mỗi bài đều có một tiếng thưa “Mô Phật” như một lời trần tình khiêm tốn. Bảy bài hình thành bài Đạo Phật Khất Sĩ là:
1. Đạo Phật
2. Chủng Tộc Sa-môn
3. Việt Nam Đạo Phật Không Có Phân Thừa
4. Quy Y Thọ Giới
5. Giáo Lý Khất Sĩ
6. Nguồn Khất Sĩ Nam Việt
7. Tôi Phải Làm Sao?
Mở đầu bài Đạo Phật tác giả viết:
“Đạo Phật là con đường đi đến quả Phật giác chơn. Con đường ấy là Khất sĩ. Họ của chư Phật ba đời là Khất sĩ. Khất sĩ là lẽ thật của chúng sanh, mục đích của chúng sanh. Khất sĩ là đến với giác chơn, toàn học, biết sáng tự nhiên, hết mê lầm vọng động. Khất là xin, sĩ là học. Sống là xin, ai ai cũng là đang sống xin, để cho được cái học, cái biết. Xin sống là để cho nên cái biết, biết ấy là học, cho biết lẽ thật, để thấy ra mục đích đặng thật hành theo, cho được sự giải thoát khổ não của vô thường, và tạo nên cái ta, của ta, an vui bền thật, hầu tránh xa sự nô lệ không công, tham sân si vô nghĩa lý.
Đạo Phật không phải là Phật học hay Phật pháp. Vì Phật pháp là giáo lý giác ngộ phương tiện tùy duyên của Phật dạy cho mỗi chúng sanh khác nhau, còn học Phật là kẻ đang học giáo lý của Phật, mà chưa thật hành. Trái lại, đạo Phật là sự thật hành để thành Phật, là sự tu giống y theo Phật! Con đường ấy là Khất sĩ, là Tăng, là đệ tử Phật sau này, là giới luật y bát chơn truyền vậy.”
Đến bài Chủng Tộc Sa-môn:
“Xưa kia Phật Thích Ca, khi Ngài còn đang là Thái Tử, ngài đi dạo xem bốn cửa thành, gặp người già, bịnh, chết, với vị Sa-môn Khất sĩ, Ngài cho rằng: Vị Sa-môn Khất sĩ ấy hữu lý thật. Con người sống không phải để sống, sống để chết bịnh già, hay chịu khổ, nô lệ. Ngài nhận ra mục đích của sống là biết, biết là học. Cái sống là xin. Tất cả chúng sanh là đang xin lẫn nhau, tiến ra từ trong cái ác, cái bất công cái mê muội… Bởi thế nên Ngài giải thoát xuất gia theo đường Sa-môn Khất sĩ, chẳng chút ngại ngùng sợ sệt…
Cho đến một khi kia, Ngài đã toàn năng toàn giác, Ngài về xứ vua Tịnh Phạn, sáng ra ngài đi khất thực xin ăn. Vua Tịnh Phạn đến đón chặn đường Ngài mà nói rằng: Ngài quên tôi là nhà vua sao? Giòng họ Thích Ca xưa nay là vua chúa, nào có sự xin ăn xấu hổ như thế! Ngài quên là, tôi có thể cung cấp Ngài và chư Sa-môn đến bao lâu cũng được hay sao? Đức Phật đại Sa-môn Khất sĩ trả lời rằng: Bệ hạ bảo tồn danh giá địa vị của dòng họ Thích Ca, là cũng giống như tôi, tôi bảo tồn danh giá và địa vị của dòng họ Phật, là dòng họ Sa-môn Khất sĩ của tôi, vì tôi đã là con của chủng tộc Sa-môn họ hàng Khất sĩ nhà Phật rồi, thế nên tôi phải đi khất thực xin ăn theo bổn phận.”
Bài Việt Nam Đạo Phật Không Có Phân Thừa:
“Xứ Việt Nam ngày nay đã cụng đầu hai giáo pháp “Ăn thịt” lại với “Chứa tiền”, chớ chi mà ai nấy thảy ăn chay và đi xin, theo Giới luật Y bát Khất sĩ không không như Phật Tăng xưa thì quý báu biết bao nhiêu. Chắc đạo của xứ Việt Nam này có phần trỗi hơn Ấn-Độ xưa, bởi do trình độ của dân tộc đã biết thiện lành và trong sạch.”
Bài Quy Y Thọ Giới:
“Quy y Tam Bảo là về theo Phật Pháp Tăng. Ai ai kẻ giác ngộ nhận ra chơn lý lẽ thật, đều thảy biết mình là đang quy y Tam Bảo, hay đã quy y Tam Bảo rồi cả! Vì Phật là ông thầy giáo, Pháp là bài dạy học, Tăng là học trò hiền, đạo đức hay cõi đời, đường đời là trường học!”
Bài Giáo Lý Khất Sĩ:
“Khất sĩ là học trò khó ăn xin, tìm học pháp lý giải khổ cho mình và tất cả, để tu tập hành theo cho kết quả. Khất sĩ theo với hết thảy, học với hết thảy, mục đích toàn giác toàn năng, không riêng tư phân biệt ai ai. Khất sĩ là chúng sanh chung, không tự nhận mình là nhơn loại hay gia đình, xã hội, thế giới, chủ nghĩa đạo giáo nào, vì lẽ chúng sanh là phải tiến lên mãi, không ở một mực. Khất sĩ xin học với tất cả lẽ phải nên, và xin theo với tất cả sự ích lợi, mãi mãi cho đến trọn đời, chẳng một nơi bỏ sót. Khất sĩ không ta, không của ta, chẳng tự cao chia rẽ, cùng tự xưng mình dạy người, hơn ai bằng lời nói, hoặc chỗ ngồi cao, địa vị lớn. Khất sĩ thường lặng thinh và không tranh luận, gọi mình là “trò” với tất cả, khi có ai hỏi đến thì chỉ nói chỗ mà mình đang tu hành chút ít thôi. Khất sĩ giữ giới thanh tịnh, tập cấm khẩu, và tu thiền định, không làm mích bụng người, gìn thiện cảm với tất cả. Khất sĩ không tự gọi là dạy ai hết, và cũng không trị ai hết, vì tất cả chúng sanh là như nhau có một (Thế tôn chẳng tự tôn).”
Bài Nguồn Khất Sĩ Nam Việt:
“Khất sĩ mặc dù là đang mang hình thức đạo Phật, nhưng Khất sĩ cũng cố sức để hiểu được rằng: Phật là giác chơn, là cái biết thật tự nhiên, là nghĩa lý của tiếng Phật, mục đích của cái biết nơi mình, chớ không phải mê tín mờ quáng, mà tự trói mình trong chữ Phật, tiếng đạo, hay tông giáo riêng biệt! Nghĩa là, Khất sĩ là đang học pháp Phật, mà cũng như là đang học với các giáo lý khác, học chung với các pháp trong võ trụ, tách mình xa với tất cả sự trói buộc, mực giữa không không, không dính nhập vào riêng với ai hết! Bởi lẽ Khất sĩ là đang tập tu tìm học, lẽ phải nào, sự ích lợi nào, đời đạo cái chi tốt đẹp là Khất sĩ sẽ về theo tu học. Quyến thuộc của Khất sĩ may ra tạm có, ấy là những ai đã nhận ra và thực hành đúng chơn lý Khất sĩ như nhau; chớ ngoài ra, tất cả chúng sanh là bạn chung, đang sống chung tu học.”
Và bài Tôi Phải Làm Sao?:
“…Chúng ta cần nên phải sửa đời lập đạo, đạo đây là đạo của đời, đạo của chúng sanh chung chớ không phải tên đạo chi, hay cũng gọi đạo ấy là cõi đời, là đời đời mãi, là con đường bền lâu chắc thật.”
Cả 7 bài đều nêu rõ những quan điểm sáng lập đạo của Tổ sư Minh Đăng Quang. Tìm hiểu đến đây, ai cũng hiểu rõ rằng Đạo Phật Khất Sĩ là chơn lý của vũ trụ do ngài Minh Đăng Quang giác ngộ và đứng ra thuyết minh, thành lập mối đạo để đưa đường dẫn lối cho những ai có thiện duyên; nhất là để kết nối Nam truyền Phật giáo và Bắc truyền Phật giáo, nêu cao Phật giáo Nhất thừa, một nền Phật giáo trọn vẹn như chơn lý. Tiếng gọi “Phật giáo Nguyên thủy” là chỉ cho tính chất nguyên thủy của Phật giáo, mà Phật giáo vốn là chơn lý của vũ trụ, được tạm gọi là “Đạo Phật”, “Phật giáo”, chứ thật ra nó là đạo của tất cả chúng sanh, không có tên là đạo gì, không phải của riêng ai.
Chơn lý của vũ trụ là tiến hóa: trong tứ đại có mầm sống, do sự vận động không ngừng của quả địa cầu mà sinh sôi muôn loài vạn vật, hình thành cái biết, lần lượt tiến lên đến lớp người, rồi siêu nhân loại thành trời, Phật, trở về với nơi đã sinh ra hư không và tứ đại. Thuận theo Chơn lý tiến hóa của vũ trụ, hợp với đạo của các đức Phật quá khứ, đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã sáng lập Đạo Phật Khất Sĩ, và đúc kết thành một hình ảnh biểu tượng là Đèn Chơn Lý, phác họa quá trình bắt đầu từ trong cõi đời dẫy đầy thiện – ác của nhân loại mà đi lên mãi theo con đường của Giới (hoa sen) – Định (cây đèn) – Huệ (ánh sáng) cho đến cùng tột là Chơn như.
Tóm lại: Đạo Phật Khất Sĩ là đạo của những người học trò nghèo hiếu học, đã, đang và sẽ để lại những tấm gương sáng cho nhân loại noi theo. Các nhà khất sĩ ấy sống bình đẳng, vô trị, không bạc tiền, siêng năng đi du học khắp nơi cùng xứ cho đến ngày toàn giác toàn năng…
Mỹ Xuân, mùa An cư PL. 2558.
-------------------------------------------------
Các bài liên quan
- xưa Minh Đăng Quang viết
- Nghĩa Trăm Năm
- Tại sao chọn Luật Tứ Phần?
- Hành Trang Vào Đời
- T Â M K H Ô N G
- Từ Nhân Loại Bước Đến Niết-bàn
- Phụ giải Công Lý Võ Trụ
- KHẢO CỨU BỘ CHƠN LÝ
- Ý ĐỊNH LÀ NIẾT-BÀN
- Đời là biển khổ
- TÍNH CHẤT CHỦ YẾU CỦA TRIẾT LÝ THIỀN
- Năm Lửa bắt Thầy
- NGHI THỨC ĐÓNG CHUÔNG U MINH
- KHẤT SĨ BỒ-TÁT
- A-LA-HÁN
- BỒ-TÁT TRỤ XỨ
- Nhà bác học Albert Einstein nói về Phật giáo
- GIÁP NGỌ – NHÂM THÌN 58 NĂM
- Theo gót chân Người
- Thờ phượNG
- VÔ NGÃ & NGÃ
- Dấu xương để lại cho đời
- Nghiên cứu BỒ-TÁT GIÁO
- Giáo pháp Khất sĩ
- Chân tình Vu-lan
- Ngày Tổ sư trở về
- Tết 2-0-1-6
- Minh Đăng Quang truyền dạy Chơn lý
- Ai lên núi lửa trần gian
- Câu chuyện Sư tử đá
- Kiến – tánh
- Pháp ngữ của TS. Minh Đăng Quang
- Tham luận của HT. Minh Hồi
- Pháp tu Quan Thế Âm
- Tham luận của HT. Đức Nghiệp
- Tham luận của TT. Minh Thành
- Tham luận của TT. Nguyên Thành
- Tham luận của TT. Huệ Thông
- Câu đố cổ xưa của người Hy Lạp
- Tinh thần Trung đạo trong bộ Chơn Lý
- TRÍ & THỨC
- TÀ KIẾN CỦA NHỊ THỪA
- Cha Mẹ bơ vơ
- Nét đặc thù của đức Tổ sư MĐQ
- Những lời Khách Sáo
- Vắng Bóng
- THIỀN ĐỊNH NHƯ MỘT GIẤC NGỦ NGON !
- Chánh Pháp Vu-lan
- Ý nghĩa ngày Rằm tháng Tư Vesàkha
- Thuyền Bát-nhã (thơ Đạo)
- LỜI THẦY DẠY (Đức Thầy Giác An)
- “KINH CÀY RUỘNG” & Chơn lý “CHƯ PHẬT”
- HÃY SỐNG HẾT LÒNG MÌNH VỚI ĐẠO PHÁP (TT. Giác Tuấn)
- CON ĐƯỜNG TIẾN HÓA CỦA CHÚNG SANH (TT. Giác Pháp)
- SEN NỞ ĐÓN HẠ VỀ (Ni sư Minh Liên)
- LINH ẢNH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
- Ăn Chay và Sức Khỏe
- Thi hóa tiểu sử Tổ Sư Minh Đăng Quang
- KỆ HỒI TÂM (Tổ Thiên Thai)
- NHỮNG BÀI CA GIẢI THOÁT