NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Tư tưởng - Văn hóa / Pháp ngữ của TS. Minh Đăng Quang

Tâm Nguyên , Thứ Hai 30-06-2014

 

Pháp ngữ của Tổ sư Minh Đăng Quang

 

–––– NIẾT-BÀN ––––

(Trích phần cuối Chơn lý 68: Pháp Học Sa-di II – Định)

 

 

 

1. Thân hình của đấng Trọn lành hãy còn, đã tách khỏi thế lực dắt tới sự biến thành. Thân hình ấy còn bao lâu, thần thánh và thế nhơn sẽ còn thấy Người. Nếu thân hình đó vỡ tan, nếu đời sống của Người đã đến kỳ cùng tận, dầu cho thần thánh, dầu thế nhơn cũng sẽ không còn thấy đặng Người nữa.

 

 

2. Kẻ nào không mê đắm về cơ thể hữu hình, không là gì nữa hết, sẽ không thế nào còn mắc phải những sự khổ đau. Người đã bỏ mọi danh từ, người không còn trú vào một nơi nào nữa, người đã hủy sự ham muốn, xu hướng về một cơ thể hữu hình; vì bởi không điều lo lắng, không sự ước ao, nên thần thánh và thế nhơn muốn tìm người, dầu dưới thế này, dầu trong cõi khác, dầu trong những cõi trời, dầu trong mọi chỗ, cũng không thế gặp đặng người.

 

 

3. Không có lời nào đặng chỉ kẻ đã trở về quê cũ của người, bởi vì đối với người mọi vật đều bị hủy bỏ, cả thảy những biến thái của lời nói cũng bị hủy bỏ.

 

 

4. Hãy tôn kính những bậc Đại quang minh đã vượt khỏi tất cả những điều trở ngại, và đã hoàn toàn tắt mất, những bậc không thể lường được.

 

 

5. Những bậc Hiền minh ra khỏi đời.

 

 

6. Những bậc Hiền minh không làm gì hại cho sinh vật nào hết, luôn luôn kiềm chế xác thân nên đến được cõi yên lặng, nơi đó không có sự buồn rầu nào động tới người nữa được.

 

 

7. Tống được sự nhơ nhớp, người sẽ đến được trong cõi huyền diệu, trong cõi tuyệt hảo, khi gở hết nết xấu.

 

 

8. Chẳng phải dùng những cách chở chuyên, voi hay lừa, ngựa mà người sẽ đến được. Cõi không ai đạp chân tới là Niết-bàn, người đến cõi đó với cái tôi đã quy phục được.

 

 

9. Có một chỗ kia, nơi đó không có đất, cũng không có nước, cũng không có lửa, cũng không có khí thở, cũng không sự mênh mông của thời gian, cũng không sự bao la của ý thức, cũng không cõi này, cũng không cõi kia, cũng không cõi nào trong hai cõi, mặt trăng và mặt trời. Chỗ đó không đi tới, cũng không bỏ đi, cũng không đứng, cũng không biến thành, cũng không mất, không căn bổn, không kế tiếp, không chi điểm là đó. Đó là sự hết đau khổ.

 

 

10. Ta sẽ đi đến cái vô động, cái không lay chuyển, cái đó không thứ gì giống được hết.

 

 

11. Đó là chơn phước cực đại.

 

 

12. Làm thế nào mà ở đó có thể có chơn phước được, ở chỗ không còn cảm giác? Chính không có cảm giác, điều này đúng là chơn phước đó.

 

 

13. Cũng giống như lửa, nháng ra dưới nhát búa của người thợ rèn, rồi kế đó lần lần trở lại sự yên lặng, và khi đó người ta không thể nói được nó đi đâu.

 

Cũng như thế, chỗ cư trú của mấy bậc đã thật giải thoát, đã qua được con sông vui thích của giác quan và đến được cảnh chơn phước không thay đổi.

 

 

14. Chánh định của huệ giác là chỗ ở của bậc đã siêu thăng vậy.

 

 

 

 

----------------------------------------------------------- 

 

 

 

 

 

 

Một vài nhận xét:

 

1. Các đức Phật sống mãi đời đời.

 

2. Thế lực dắt tới sự biến thành là nghiệp.

 

3. Tuy thần thánh và thế nhơn cũng không thế gặp đặng Người (câu 2) nhưng sẽ còn thấy Người (câu 1). Vậy khi cần thì Người sẽ cho chúng ta thấy, đừng đi tìm.

 

4. Những biến thái của lời nói là Kinh Luật Luận, là Chánh pháp, là kim ngôn ngọc ngữ… dĩ nhiên là cả quyển Chơn Lý 69 bài.

 

5. Những bậc Đại quang minh đã vượt khỏi tất cả những điều trở ngại và đã hoàn toàn tắt mất: các Ngài không có một thứ gì mà chúng ta có, nên ta đành gọi là Không (không có), là Vô minh (không biết).

 

6. Những bậc Hiền minh luôn luôn kiềm chế xác thân: trì Giới ba-la-mật.

 

7. Cõi huyền diệu, cõi tuyệt hảo: quả thật có cõi Niết-bàn như thế.

 

8. Không có phương tiện giao thông nào đi đến cõi đó được, cũng không “ai” đến được, điều kiện cần và đủ là QUY PHỤC CÁI TÔI, không còn “ai”, “du”, “giây”…

 

9. Có một chỗ không có không gian, không có thời gian, không có ý thức, không có biến thành, không có xác định được, tạm gọi là chỗ Chấm dứt mọi đau khổ.

 

10. Ta sẽ đến cái chỗ đó, (sợ không, tiếc không, đồng ý không?...)

 

11. Chơn phước cực đại: ở Ấn Độ gọi là “Bất khả tư nghì thuyết”, một số lượng lớn hơn hết.

 

12. Vượt qua hết mọi hữu hạn thường tình.

 

13. Mấy bậc đã thật giải thoát, đã qua được con sông vui thích của giác quan và đến được cảnh chơn phước không thay đổi cũng giống như tia lửa đã tắt vậy.

 

14. Chánh định của huệ giác: là định gì?

 

KS. Minh Bình, mùa An cư 2558.

 

 

-----------------------------------------------------------

Các bài liên quan