NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Tư tưởng - Văn hóa / Tham luận của TT. Nguyên Thành

Tâm Nguyên , Thứ Ba 15-04-2014

 

Ý NGHĨA “SỐNG CHUNG”

TRONG GIÁO LÝ CỦA TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG

 

TT. TS. Thích Nguyên Thành

Phó trưởng Ban Giáo Dục Tăng Ni TƯ

Phó Viện trưởng Học Viện PGVN tại Huế

 

 

Từ “chung” của tiếng Việt có nghĩa là cùng nhau, là hòa hợp, chung góp, trao đổi, chia sẻ với nhau. Từ “chung” còn mang ý nghĩa bình đẳng, dân chủ… Trong đạo Phật, từ “chung” được thể hiện qua các giáo lý “Nhất thiết tức nhất, nhất tức nhất thiết”, “Bất nhị”, “Vô phân biệt, “Bình đẳng”, “Hòa hợp”, “Tứ nhiếp”, “Từ bi”…

 

Năm 1944, tại miền Nam Việt Nam, Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, nay là Hệ phái Khất Sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với ý nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”; qua đó, giáo lý của đức Phật được triển khai, phù hợp với tính chất của người Nam bộ và nay lan truyền khắp cả nước. Ở đây, chúng tôi chỉ bàn về ý nghĩa “Sống chung” theo lời dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang, được triển khai từ giáo lý của đức Phật Thích-ca. Tổ nêu khẩu hiệu và kêu gọi mọi người “Nên tập sống chung tu học”.

 

Trước hết là ý nghĩa của từ “chung” được nhìn từ vũ trụ quan duyên khởi. Tất cả đều do duyên sanh nên mọi hiện hữu đều do nhân duyên, kết nối trùng trùng, khiến tất cả đều liên hệ mật thiết với nhau. Chúng sanh liên hệ với vũ trụ, thiên nhiên, môi trường… và nhất là liên hệ với nhau. Tổ sư giảng:

 

“Tất cả với ta, ta cùng tất cả, đều liên lạc mật thiết với nhau bằng một lẽ sống.”.

 

“Ta là tất cả, tất cả là ta; ta sống cho tất cả, tất cả sống cho ta; tiếng ta đây là tất cả, đó tức là chơn lý võ trụ.”. (CL. Hòa Bình)

 

“Võ trụ giống như bà mẹ, chúng ta là những kẻ sống chung, chúng sanh tất cả là con chung của võ trụ.”.

“Hãy sống với võ trụ! Hãy học hiểu thấu rõ chơn lý, ta sẽ thấy ta không còn cách biệt với vạn vật nữa.”. (CL. Võ Trụ Quan)

 

Vũ trụ hay thiên nhiên hiện hữu bằng sự tập hợp các mối liên hệ. Sự sống cũng vậy, là sự vay-trả, xin-cho. Chúng sanh cũng thế, các loài sống thở bằng không khí, ánh sáng, nước…; có loài sống nhờ cây cỏ, hoa trái; có loài sống nhờ việc ăn thịt các chúng sanh khác; loài cây cỏ thì sống nhờ các chất dinh dưỡng trong đất, kể cả các xác sinh vật thảo mộc khác chết đi, bị phân rã… Loài người cũng sống nhờ vào các thứ loại như trên và nhất là nhờ vào nhau. Tất cả đều theo lý trao đổi, xin cho… Từ đó Tổ sư Minh Đăng Quang đưa ra một định nghĩa rất hay về Khất sĩ:

 

“Khất ấy là xin. Sĩ đây là học. Xin ấy rồi lại cho, học đây rồi lại dạy. Xin phẩm thực để nuôi thân giả tạm, cho sự thiện lành phước đức để bảo giữ sự sống dài lâu. Học bằng cách lượm lặt phương pháp khắp nơi, rút nhiều kinh nghiệm. Dạy là đem kết quả thật hành đặc điểm chỉ lại cho người. Cái xin, cái học, cái dạy, cái cho, các pháp nương sanh, mở ra con đường xán lạn cho tất cả về sau tiến bước. Con đường ấy kêu là Đạo. Đạo của Sống là xin nhau sống chung,đạo của Biết là học chung,đạo của Linh là tu chung.”.(CL. Hòa Bình).

 

Khi Giáo đoàn hay Tăng-già (Sangha) được đức Phật thảnh lập và vào thời gian đầu, khi Tăng-già gồm 60 vị A-la-hán, đức Phật đã dạy: “Này các Tỳ-kheo, hãy đi đi, đi khắp nơi vì lợi lạc, vì hạnh phúc của số đông, do lòng từ bi đối với cuộc đời, vì lợi lạc, hạnh phúc của Trời và Người…”(Mahavagga, I, 11). Đây là ý nghĩa dấn thân vào đời của chư Thánh đệ tử. Sa-môn (Samana) hay Tỳ-kheo (Bhikkhu) hay Bật-sô (Bí-sô, Bhiksu) là từ chung chỉ các vị Khất sĩ ở Ấn Độ thời đức Phật, sống đời không nhà, du hành đây đó, khất thực, đạm bạc, nghèo khổ, đức độ… Khi chư đệ tử Phật được phép tập hợp theo từng nhóm, rồi từng Tăng-già lớn, tại các tịnh xá lớn, thì vấn đề tu chung được đặt ra trên nguyên tắc tu tập, nghe giảng, học hỏi lẫn nhau trong hòa hợp. Đặc biệt, thời trước, mùa an cư là mùa mưa, việc đi lại khó khăn, các giáo phái bấy giờ đều chia từng nhóm nghỉ ngơi sinh hoạt tại các trú xứ; chỉ riêng các Tỳ-kheo đệ tử Phật là sống trong tu tập, học hỏi lẫn nhau, và mùa an cư là mùa tu tập tích cực nhất của các vị Tỳ-kheo trong Tăng-già của đức Phật. Tứ nhiếp, Lục hòa không chỉ được áp dụng trong các tịnh xá mà cũng còn là giáo lý dạy cho các Phật tử tại gia, cho mọi người sống chung, hòa hợp, đoàn kết với nhau. Giáo lý Tứ ân của đức Phật có phần nhớ ơn, đền ơn chúng sanh. Đây cũng là ý nghĩa của “xin” trong giáo lý của Tổ sư Minh Đăng Quang vậy. Và trong ý nghĩa này, thì ai cũng xin người khác cả; do đó, ai cũng là khất sĩ.

 

Tiếng ‘Khất’ nghĩa là xin, lẽ xin là chơn lý của võ trụ, mà chúng sanh kẻ thì xin vạn vật để nuôi thân, người thì xin các pháp để nuôi trí. Ai ai cũng đều là kẻ xin cả thảy.”.

 

“Đạo Khất sĩ không phải là mới; nói cho đúng, ai ai cũng là khất sĩ cả thảy.”. (CL. Khất Sĩ)

 

Vì mọi người đều xin nhau, ai cũng là khất sĩ, nên tất cả đều bình đẳng, không phân biệt, sống chung hòa bình, yêu thương, giúp đỡ nhau. Tổ sư dạy:

 

“Thế giới là sự sống chung, gồm cả những xã hội, cũng như xã hội là gồm những gia đình, gia đình là gồm những kẻ lẻ loi vậy. Giáo lý Thế giới sống chung kêu là Đạo”.(CL. Nguồn Đạo Lý).

 

Mỗi cá nhân trong gia đình có liên hệ với nhau, mở rộng đến liên hệ láng giềng, xã hội, quốc gia, thế giới, vũ trụ… Sự sống chung được mở rộng và sự sống chung của mọi người là sống chung của thế giới, là thế giới, là Đạo, là con đường của hòa bình, bình đẳng, yêu thương…, là con đường đến chân lý tối hậu.

 

Trong ý nghĩa sống chung, con người là một thành phần của thiên nhiên chứ không phải là chủ của thiên nhiên. Quyền sống, quyền phát triển tốt đẹp là của chung cho các loài chúng sanh; do đó, con người có bổn phận phải gìn giữ bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ muông thú, bảo vệ thảo mộc, tức là bảo vệ mình vậy. Sống chung, con người phải bảo vệ nhau, tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau; và trong ý nghĩa tiến đến sự tốt đẹp, hoàn hảo, mỗi người phải tu sửa thân tâm mình và cùng giúp đỡ nhau để có một cuộc sống hạnh phúc, tiến đến mục tiêu tối hậu, vĩnh cửu, Niết-bàn. Sống chung là tu chung, tạo một môi trường, một sinh thái lành mạnh, nhất là sự lành mạnh về tâm linh. Tu chung là tu trong tinh thần Lục hòa, Tứ nhiếp. Lục hòa là sáu sự hòa kính đối với nhau trong một nhóm, một tập thể: Sống trong hòa hợp, kính trọng nhau (thân hòa); Lời nói êm dịu, làm vừa lòng nhau (khẩu hòa); Hòa hợp nhau trong ý tưởng, niềm tin (ý hòa); Cùng nhau giữ gìn các giới luật (giới hòa); Hòa hợp trong kiến giải (kiến hòa); Chia sẻ các lợi dưỡng với nhau (lợi hòa). Tứ nhiếp là bốn cách để gần gũi thân cận với mọi người: Ban phát tài vật của mình, giáo lý của đức Phật cho người khác (bố thí nhiếp); Dùng lời nhu hòa để dẫn dắt, an ủi, khuyến dụ người khác (ái ngữ nhiếp); Làm việc, nói năng, ý nghĩ tốt lành, vì lợi ích của người khác, giúp họ mến mộ mà học đạo (lợi hành nhiếp); Gần gũi, chia sẻ vui buồn, giúp người khác tu học (đồng sự nhiếp). Đây là ý nghĩa căn bản mà Tổ sư Minh Đăng Quang đã kêu gọi trước khi ngài vắng bóng từ 60 năm qua: “Nên tập sống chung tu học.”.

 

________________________________

 

 

Tài liệu Tham khảo:

 

Tăng-già Thời Đức Phật, Thích Chơn Thiện, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2000.

 

Chơn Lý I, II, III, Hệ phái Khất Sĩ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2014.

 

Ánh Minh Quang, Hệ phái Khất Sĩ, Nxb. Tp. HCM, 2008.

 

Minh Đăng Quang Pháp Giáo, Hàn Ôn, ấn bản của Chúng Minh Đăng Quang.

 

Luật Nghi Khất Sĩ, Hệ phái Khất Sĩ, Nxb. Tổng Hợp Tp. HCM, 2012.

 

– Các tập san của Hệ phái Khất Sĩ.

 

 

 

 

BAN BIÊN TẬP AND_ KÍNH GIỚI THIỆU:

 

Bài tham luận nghiêm túc của TT Nguyên Thành đã nêu bật tinh thần truyền thống cao cả của Tăng-già, xuất phát từ những đạo lý chân chính về ý nghĩa CHUNG trong bầu vũ trụ. Có thể nói đây là một trong những bài tham luận về Hệ phái Khất Sĩ mang tính cách đại diện cho khối Phật giáo Huế, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý đọc giả.

 

BBT AND_ kính tri ân Thượng tọa. Trong khi biên tập để đăng lên website phổ biến cho mọi người xem, chúng tôi đã sửa "lang thang đây đó" thành "du hành đây đó" để diễn đúng ý và nghĩa, kính mong Thượng tọa hoan hỷ.

 

--------------------------------------------

Các bài liên quan