Đạo phật khất sĩ / Lịch sử - Tổ chức / Các đoàn thể Khất sĩ ở Việt Nam
Các đoàn thể Khất sĩ ở Việt Nam
Hành Vân
I. TIỂU DẪN:
Dòng thời gian trôi qua, nhìn lại bối cảnh Phật giáo miền Nam Việt Nam vào thế kỷ XX, chúng ta nhận thấy trào lưu tư tưởng Khất sĩ đã nảy sinh và đông đảo đoàn thể Khất sĩ đã lần lượt ra đời tại đây. Sự kiện lịch sử tư tưởng – tôn giáo này được nêu lên ngay từ đầu bài viết với tính cách là một tiền đề cho những gì sắp trình bày được khơi nguồn thẳng lối.
Kính thưa quý vị.
Quả thật đã có nhiều đoàn thể tôn giáo xuất hiện tại miền Nam Việt Nam trong thế kỷ XX. Lịch sử ghi nhận:
– Năm 1926, phái Cao Đài hình thành từ những phong trào cầu cơ, mau chóng phát triển thành một đạo Trời mạnh mẽ và đặc sắc.
– Năm 1934 tại Sa-đéc, đức Tông sư Minh Trí (1886 – 1958) thành lập Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội là một dòng Phật giáo độc đáo tại Việt Nam. Giáo hội này được thành lập từ Lục Phương Tông của ngài Minh Trí, đã hình thành trước đó cả chục năm.
– Năm 1939, phái Phật giáo Hòa Hảo được ngài Huỳnh Phú Sổ (1920 – 1947) sáng lập trên nền tảng đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã có gần 100 năm trước, chủ trương Tu nhân học Phật cho giới cư sĩ, hoạt động mạnh mẽ khắp mấy tỉnh miền Tây Nam bộ.
– Năm 1945, tại Gia Định xuất hiện đoàn tu sĩ của Đại sư Huệ Nhựt (1903 – 1951) mang y bát như Phật Thích-ca thuở xưa, chủ trương hành theo Thích-ca chánh tông.
– Năm 1947, Tổ sư Minh Đăng Quang (1923 – 1954) lập Đạo Phật Khất Sĩ tại vùng Phú Mỹ – Mỹ Tho, qua năm sau ngài đưa Giáo pháp Khất Sĩ đến Sài Gòn, xem như chính thức ra mắt chính quyền và giới Phật giáo Việt Nam đương thời. Buổi đầu Đạo Phật Khất Sĩ có 2 đoàn Khất sĩ do Tổ sư sáng lập, gồm một đoàn Tăng và một đoàn Ni, sinh hoạt chung trong một giáo hội Tăng-già do ngài tổ chức.
– Năm 1955, ông Đoàn Trung Còn(1908 – 1988) thành lập Giáo hội Tịnh Độ Tông Việt Nam, đặt trụ sở tại chùa Giác Hải ở Phú Lâm – Chợ Lớn. Trước đó 20 năm ông đã nổi danh là một học giả Phật giáo lỗi lạc, xuất bản nhiều kinh sách Phật giáo bằng tiếng Việt.
– Sau khi Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng vào tháng 5 năm 1954, đến tháng 8 năm 1955, các đệ tử của ngài đã khôi phục Đoàn Du Tăng Khất Sĩ, du hành tại Nam bộ. Đến tháng 5 năm 1956, Đoàn Du Tăng Khất Sĩ này bắt đầu du hành ra miền Trung và Cao nguyên, gây tiếng vang lớn trong cộng đồng Phật giáo ở những nơi ấy. Từ đó, các đệ tử của Tổ sư Minh Đăng Quang đã lập thêm nhiều đoàn Khất sĩ, bên Tăng có Đoàn Trưởng lão Giác Tánh và đức Thầy Giác Tịnh, Đoàn Trưởng lão Giác An, Đoàn Pháp sư Giác Nhiên, Đoàn đức Thầy Giác Lý và Đoàn Thượng tọa Giác Huệ – Giác Đức; bên Ni có Đoàn Ni sư Ngân Liên và Đoàn Ni sư Trí Liên ở miền Nam. Ngoài các đoàn Khất sĩ này còn có một số đoàn khác cũng được thành lập thêm, hành đạo khắp các tỉnh thành ở 2 miền Nam và Trung Việt Nam.
– Năm 1957, tại Linh Sơn Cổ Tự ở Núi Dinh, ngài Thiện Phước – Mẫu Trầu (1924 – 1986) đã sáng lập phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, chuyên tu niệm Nam-mô A-di-đà Phật để về quê cũ.
– Khoảng năm 1960, ngài Huỳnh Minh (1916 – 1963) lập Đoàn Khất Sĩ Sơn Lâm, chủ trương ở núi non hơn là nhập thế, hoạt động tương đối yếu.
– Năm 1963, sau khoảng 20 năm xuất gia khổ hạnh theo Phật giáo, ông đạo Nam Nguyễn Thành (1910 – 1990) về Cồn Phụng – Bến Tre phổ biến lối tu của mình với thế gian, lấy hiệu là Thích Hòa Bình, xưng là Nhơn Thiên Giáo chủ, chủ trương hòa đồng mọi tôn giáo. Tại đó ông được nhiều người kính ngưỡng, lập nên chùa Nam Quốc Phật vang tiếng một thời, hiển nhiên thành một mối đạo được dân gian gọi là Đạo Dừa. Trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam thời hiện đại, Đạo Dừa đã nhất thời để lại một dấu ấn mà chúng ta không thể không nhắc đến.
– Năm 1972, Thượng tọa Giác Huệ (1935 – 1995) lập Giáo đoàn Khất Sĩ Ca-diếp, sau đó vận động xin lập giáo hội mà chưa được.
…
Phạm vi của bài viết này chỉ chú trọng đến các đoàn thể Khất sĩ ở Việt Nam, ngoài hệ thống Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam của đức Tổ sư Minh Đăng Quang.Để thuận tiện tìm hiểu, theo dòng thời gian chúng ta sẽ lần lượt khảo cứu đoàn thể của Đại sư Huệ Nhựt, rồi đến các đoàn thể Khất sĩ Sơn Lâm, Khất sĩ Mẫu Trầu[1], Khất sĩ thuộc giáo hội của ông Đoàn Trung Còn, Khất sĩ Ca-diếp…
II. KHẤT SĨ BẮC TÔNG:
Ra đời kế trước Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam của đức Tổ sư Minh Đăng Quang là nhóm của Đại sư Huệ Nhựt. Đoàn thể tu sĩ này không lớn, không có thành lập giáo hội, không có thiết lập những cơ sở giáo lý và giới luật biệt truyền cùng cơ sở hạ tầng để đủ điều kiện trở thành một tông phái Phật giáo.
Đại sư Huệ Nhựt, 1903 – 1951, người ở tỉnh Bình Thuận.
Hình in trong quyển Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn, tái bản năm 2004.
Đại sư Huệ Nhựt thế danh là Hồ Cang, hiệu là Chí Thạnh, sinh năm 1903 tại ấp Long Điền, xã Liên Hương, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Ngài là con trai út trong một gia đình có 5 anh em. Thân phụ ngài là cụ ông Hồ Thời và thân mẫu là cụ bà Trần Thị Thân pháp danh Diệu Chánh, vốn được xem là một gia đình Phật tử thuần thành.
Từ nhỏ, ngài được song thân cho thọ học cùng với cụ nghè Trương Gia Mô, một chí sĩ yêu nước có đầu óc canh tân, đang an dưỡng tại làng Hàm Thạnh, xã Chí Công, tỉnh Bình Thuận. Năm 18 tuổi, với phong trào hoạt động của nhóm Duy Tân ủng hộ tư tưởng cụ Phan Bội Châu, cụ nghè Trương Gia Mô đã vận động ngài đi theo Tây học. Do ảnh hưởng phong trào Duy Tân tại trường Dục Thanh – Phan Thiết, ngài từ giã quê hương đi vào Sài Gòn lập nghiệp và sinh sống tại tổng Bình Trị Thượng, xã Hạnh Thông, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định.
Năm 1924, theo ý muốn song thân, ngài lập gia thất và hạ sanh được 2 người con. Năm 1936, vợ và con trai bị bệnh mất, ngài đưa người con gái út mới vừa tròn 4 tuổi lên núi Bà Đen ở Tây Ninh đồng xin xuất gia thọ giáo với hòa thượng Nguyên Cơ Giác Phú thuộc dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán đời thứ 43. Vì ngài là trưởng tử của hòa thượng Nguyên Cơ Giác Phú, vị kế nhiệm đại lão hòa thượng Tâm Hòa Chánh Khâm trụ trì Tổ đình Linh Sơn Tiên Thạch Tự, nên được phú pháp là Quảng Thạch, hiệu là Huệ Nhựt, và được ân sư truyền trao giới pháp Tam đàn Cụ túc vào khóa Hạ của Tổ đình năm Đinh Sửu 1937.
Ngày mùng 10 tháng Chạp năm Đinh Sửu, khi xong khóa Hạ, sắp xếp lại công tác tổ chức của Tổ đình và đồ chúng, hòa thượng Giác Phú thị tịch sau 11 tháng kế nhiệm trụ trì, ngôi Tổ đình Linh Sơn rơi vào tình trạng biến động một cách trầm trọng. Sau một thời gian ở lại cư tang thầy, cùng trong năm ngài xuống núi trở về Gò Vấp ở tại nhà cũ tu học và hành đạo.
Cuối năm 1938, với phong thái và đạo tâm đầy khả kính, đồng thời cảm nhận đến thời cuộc đạo pháp suy vi cần phải thể hiện chân lý đức Phật, ngài đã quyết định chuyển y thực hiện hạnh y bát khất sĩ, lấy phương châm Ngọn đèn không tim tỏa sáng nhà Phật giáo truyền và Thích-ca chánh tông làm tôn chỉ hoằng pháp. Cũng từ đó, nơi ngài ở trở thành Linh Bửu Tự, lấy chữ đầu của chùa Tổ là Linh Sơn Tiên Thạch Tự làm chữ đầu cho tất cả các ngôi đạo tràng do ngài và các hàng đệ tử khai sáng về sau.
Cảm mến giới hạnh của ngài, vào năm 1942, Phật tử Quảng Canh đã cung thỉnh ngài về trụ trì chùa Vạn Thọ ở Tân Định. Năm 1948, ngài đã cho xuất bản quyển Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn làm phương pháp tu học cho các hàng đồ chúng và đồng bào Phật tử. Với hạnh y bát khất thực trì bình muôn nẻo, dần dần một đoàn khất sĩ được hình thành, bên Tăng có 11 vị: ngài Phổ Khai, Phổ Hỷ, Phổ Thượng, Phổ Ứng, Phổ Giác, Phổ Quốc, Phổ Hiến, Phổ Hạnh, Phổ Thông, Phổ Thịnh và Phổ Tĩnh; phía Ni gồm 10 vị là Ni trưởng Diệu Nghĩa, Diệu Lượng, Diệu Nhẫn, Diệu Hảo, Diệu Tú, Diệu Lý, Diệu Tường, Diệu Khiết, Diệu Thiệt và Từ Tri. Cùng thời gian này, ngài cũng đã tiến hành trùng tu lại ngôi chùa Vạn Thọ, đồ chúng Phật tử tìm đến quy y tu học rất đông đảo.
Năm Canh Dần, vào một ngày cuối năm, từ chùa Vạn Thọ ngài trở về chùa Linh Bửu để chỉ đạo việc trùng tu. Khoảng 11 giờ ngày 10 tháng Chạp năm Canh Dần, nhằm ngày 17 tháng 1 năm 1951, đúng vào ngày húy kỵ của hòa thượng bổn sư, ngài đã bị một nhóm phần tử quá khích bắn chết. Một năm sau khi ngài viên tịch, 5 vị được đề cử trông nom chùa Linh Bửu cũng bị mất tích không rõ nguyên do. Giáo đoàn tựa như con thuyền không người chèo lái khi đứng giữa phong ba bão táp chông chênh, các vị đệ tử còn lại phải tìm về Vũng Tàu, chọn chùa Phước Lâm ở Bến Đình làm nơi tu học, nối tiếp chí nguyện Tổ sư…
Trên đây là những điều hòa thượng Từ Giang Viện chủ Tịnh xá Linh Quang ở quận 4, Tp. Hồ Chí Minh đã ghi trong bài Lược sử Đại sư Huệ Nhựt nơi đầu sách Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn, tái bản năm 2004. Chúng tôi đã sửa vài chỗ cho hợp lý: bỏ thông tin ngài Huệ Nhựt theo học với hòa thượng Liễu Quang của Thiên Thai Thiền Giáo Tông (Bên Thiên Thai Thiền Giáo Tông của Tổ Huệ Đăng ở Bà Rịa đâu có hòa thượng nào là Liễu Quang; còn mang chữ Liễu lại thuộc về Thiên Thai Giáo Quán Tông ở Long An, nhưng trong 7 vị chữ Liễu cũng không có ai là Liễu Quang.), sửa Ất Tỵ thành Canh Dần để đúng với năm 1950 và bổ xung lịch Tây…
Với quyển sách này, Đại sư Huệ Nhựt đã lưu truyền hậu thế những giác ngộ cao siêu của ngài
Đây là mục lục các bài pháp trong quyển Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn:
1. Chơn ngôn 2. Tế thượng chánh tông
3. Phép trừ tà đạo hóa nhơn tâm 4. Tỉnh hồn
5. Giúp tà quy chánh kiến 6. Mê giác yếu ngôn
7. Mê giác cần phải nhớ 8. Độ tận nhân ngã tướng kiến tánh thành Phật
9. Vô nhơn ngã tướng 10. Tịnh độ yếu lý
11. Yếu ngôn 12. Niệm Phật cần phải biết
13. Nói về phép Niệm Phật tam-muội và lý Thiền định, Tịnh độ
14. Tự luận giải 15. Pháp ấn tâm thế nào
16. Sao gọi là Như Lai 17. Lý đạo
18. Chơn giả không thật 19. Tự giác giác tha
20. Vài điều chánh ngữ 21. Minh tâm kiến tánh pháp
22. Đức Di-lặc 23. Giới định tuệ
24. Bài tụng vô tướng 25. Ngũ giới cấm
26. Vô vi pháp 27. Tâm yếu
28. Sám tâm kinh 29. Sám hối
30. Lời cần yếu 31. Cách tụng niệm mỗi ngày
32. Phép tắc tụng kinh 33. Phép tắc trì chú Chuẩn Đề
34. Lời khuyên nhủ 35. Phép tắc niệm hương
36. Phép tắc thiền định 37. Nam-mô A-di-đà Phật
38. Phép tắc tọa thiền niệm Phật 39. Ngũ giới hương
40. Kệ văn 41. Phép tắc thường dùng
42. Sám ca cầu hồn
Hầu hết các bài trong sách này đều ngắn gọn mà ý tứ rất chân chánh. 42 bài chỉ dài có 135 trang A5, bài ngắn nhất chỉ có 8 câu ngũ ngôn; bài dài nhất văn xuôi, khoảng 7 trang. Ví dụ bài kệ cuối bài Giúp Tà Quy Chánh Kiến rất chí lý:
Kệ rằng:
Thấy đạo mới làm đạo,
Không thấy, biết chi làm!
“Phật Đạo” vốn không không,
Không không làm chỗ nào?
Thấy nhiều người làm đạo
Bươi lửa kiếm bọt bào
Xem như hình nộm giấy
Đứt dây hết múa nhào!
Hoặc lời tựa sách của Đại sư Huệ Nhựt có những đoạn tự bạch rất thú vị:
PHÁP MÔN ĐÁO BỈ NGẠN
Tiểu Tựa
Chốn tịch tịnh bần Tăng vừa tỉnh giấc chiêm bao, thì chiến tranh cũng đà mới vừa giải tán. Xem xét lại là ngày 7 tháng 7 năm Ất Dậu, năm 1945 Dương lịch. Bởi trong nước cuộc trị an còn đang ly loạn nên tà chánh đều phải lầm than vương mang nạn đau khổ, khó toan tránh khỏi! Đó là nhơn quả báo ứng, lẽ tự nhiên; nhưng lòng từ bi của chư Phật rất chứa chan thương xót! Vì vậy mà bần Tăng (Huệ Nhựt là tôi) kính làm lời tựa này, nguyện khắp mười phương ba cõi Thánh, Phàm, Nhơn, Thiên chứng nhất biện hương này “nhuận khắp” chúng hữu tình mau tỉnh ngộ, không lòng nhơn ngã, phải quấy có không, đồng đăng bỉ ngạn, thoát khỏi u đồ, tiêu diêu tự tại, chứng tâm nhẫn vô sanh, không còn đọa lạc vào trong sáu đạo nữa.
Bần Tăng thệ nguyện như vậy rồi, vừa nhớ lại mình không có một chút phép chi cho đặng mà độ người tỉnh ngộ, nên lấy làm ái ngại lòng tôi!
Cũng may, bỗng không tôi liền nhớ lại ngôi Tam Bảo của ta có đủ sẵn sàng không thiếu vật chi, ta cần gì tầm kiếm nữa. Vì tôi có nghe chư Phật ba đời truyền dạy, kể rằng: “Chớ làm các điều ác, nên làm các điều lành, trau dồi tâm ý sạch, chư Phật đã dạy rành.”; và gìn giữ Tam quy Ngũ giới làm điều cần yếu…
…Cổ nhân xưa có nói rằng: Muôn vật cao lớn đến chốn hư không là tột, trăm sông ngàn rạch chảy đến biển cả là cùng, tất cả giáo pháp luận đến cái tâm là tột, hết thảy Thánh Hiền đến quả vị Phật là cùng! Nói đến chỗ không nói mới thật là nói. Làm đến chỗ không làm mới thật là làm. Mười phương chư Phật thuyết pháp lợi sanh cũng chẳng ngoài cái lý Vô sanh Vô trụ đó.
…Nếu ai rõ thấu quyển Kinh Vô Vi lớn nhất(1) của Phật có đủ sẵn sàng không thiếu vật chi thì chẳng cần nói cũng chẳng cần làm, mà tự nhiên có nói có làm đủ cả.
Như ai không biết, muốn nói muốn làm phải nhớ kệ rằng:
TẤT CẢ PHÉP “CÓ LÀM”(2)
NHƯ CHIÊM BAO BỌT BÓNG,
CŨNG NHƯ SƯƠNG NHƯ CHỚP!
MUỐN LÀM GỌI NHƯ VẬY.
CÓ HÌNH TẤT CÓ HOẠI
ƯA MUỐN NHIỀU TAI HẠI!
BIẾT RÕ NGHĨA NHƯ LAI
MỚI RẰNG MÌNH LÀM ĐẠO!
Huệ Nhựt đại sư
_________________
(1):Quyển Kinh Vô Vi lớn nhất là: dùng hư không làm giấy, lấy núi Tu-di làm viết, dùng nước đại hải làm mực, lấy chúng sanh làm chữ nghĩa, mượn tánh hay biết làm ông chủ thuyết kinh…
(2): Phép “có làm” nghĩa là: làm ăn làm nói, làm người làm ta, làm đi đứng nằm ngồi, làm thấy nghe hay biết, làm sự làm vật, làm có làm không v.v…
Tượng Đại sư Huệ Nhựt thờ tại tháp ở Tịnh xá Linh Quang,
đường Nguyễn Khoái, Q.4, Tp. Hồ Chí Minh
(Tượng trang nghiêm, rất đẹp, toàn khối cao gần 7 tấc, nhưng trông không giống lắm)
Theo lời tựa trên, ta biết được rằng Đại sư Huệ Nhựt đã “tỉnh giấc chiêm bao” – đã giác ngộ – hay liễu đạo vào ngày 7 tháng 7 năm Ất Dậu 1945. Chắc rằng rất nhiều người đọc lời tựa sách đã không chú ý đến thông tin này.
Trong sự giác ngộ đó, ngài đã khởi lên bi tâm hướng về khắp chúng sanh hữu tình Thánh phàm, rồi chợt “nhớ lại mình không có một chút phép chi cho đặng mà độ người tỉnh ngộ, nên lấy làm ái ngại lòng tôi!”. Như vậy, chỗ giác ngộ của ngài là triệt để, không còn một chút gì phàm tình và Thánh giải, thật xứng đáng là Đại sư!
Tuy tâm ngài không có gì, nhưng khi cần thì “Ngôi Tam Bảo của ta có đủ sẵn sàng không thiếu vật chi, ta cần gì tầm kiếm nữa.”, và ngài đã ứng theo đó viết sách Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn này để chỉ dẫn đệ tử những cách thức tu tập và sinh hoạt trong đạo hàng ngày.
Tro cốt nhục thân Đại sư Huệ Nhựt thờ tại tháp ở Linh Quang tịnh xá.
Hủ cốt bên trái là của hòa thượng Phổ Ứng, đã bị kẻ trộm lấy mất gần đây.
Lưu ý hàng chữ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG.
Xét quyển Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn, không thấy tác giả tuyên bố lập phái và cũng không quy định những phép tắc sinh hoạt như xuất gia, thọ giới, y bát, xây cất cơ sở, tổ chức đoàn thể… Nội dung của quyển Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn chính là các pháp học thường thấy trong Phật giáo Bắc tông Việt Nam từ thời cận đại đến nay như Tam quy Ngũ giới, những câu chú Tỳ-ni và Thập chú, những bài chú Đại Bi, Vãng Sanh; lý Thiền định và Tịnh độ, cách tọa thiền đếm hơi thở và niệm Phật, những bài sám, cách niệm hương, Giới định huệ, Ngũ giới hương... Đây là một nền Phật học tổng hợp của Thiền, Tịnh, Luật, Mật và Giáo, không còn biệt truyền như xưa nữa. Qua tâm giác ngộ của đại sư, các pháp môn ấy đều được xử dụng đúng mức như những con thuyền đưa chúng sanh qua bờ bên kia; mà nếu cần xếp vào tông phái, thì ngài gọi chung các pháp ấy là Thích-ca chánh tông.
Ngay nơi bìa sách cũ, ta được biết: Pháp môn Đáo bỉ ngạn được định nghĩa là “Cái cửa phép mầu nhiệm đến Bờ kia”. Sách này được viết bởi Huệ Nhựt đại sư (tác giả tự xưng) vào năm 1948 tại Linh Bửu Tự ở Cầu Hang, quận Gò Vấp. Vào sách, cuối bài thứ hai là Tế Thượng Chánh Tông có ghi thông tin: “1945 – Phật pháp ra đời ngày rằm tháng 7 năm Ất Dậu.”. Như vậy vào năm 1945 Đại sư Huệ Nhựt đã khởi viết sách này, sau khi ngài giác ngộ, làm cho Phật pháp đã ra đời. (Theo như trong Tiểu Tựa, thì có lẽ lúc đầu bài Tế Thượng Chánh Tông có tựa là Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn bằng văn vần phổ thông đó chăng?)
Chư Tăng đệ tử Đại sư Huệ Nhựt
(Hình in trong Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn. Đứng đầu là sư Phổ Giác.)
Đại sư Huệ Nhựt chính thức hoằng đạo chỉ trong vòng 5 năm (1945 – 1950), đệ tử thâu nhận có 2 bộ chúng Tăng, Ni nhưng không mạnh, lại bị suy vi thêm sau khi ngài tịch diệt, cơ sở chỉ cất được 1 cái là Linh Bửu Tự ở Gò Vấp nhưng cũng đã mất. Nổi bật trong sự hoằng pháp của Đại sư Huệ Nhựt là hình ảnh đoàn khất sĩ y bát chống tích trượng đi hóa duyên mỗi ngày. Đến đời sau, vì muốn bảo tồn sự đặc sắc đó đã xưng là phái Khất sĩ Đại thừa Việt Nam, và hiện nay đã đổi là phái Khất sĩ Bắc tông Việt Nam. Sự xưng hô đó mang tính nội bộ, xét ra có mấy chỗ bất nhất: không còn chống tích trượng đi hóa duyên nữa, trong tiểu sử của Đại sư Huệ Nhựt vẫn ghi là “thuộc dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán”, còn trong tháp thờ ngài lại ghi là “Lâm Tế Chánh Tông”[2].
Chư Ni đệ tử Đại sư Huệ Nhựt
(Hình in trong Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn. Đứng đầu là sư cô Diệu Tú.)
Thật ra, ở Việt Nam, từ giữa thế kỷ XX đã có nhiều bậc tôn túc ở Huế, ở Bình Dương, Nha Trang, Sài Gòn… chủ trương phục hồi y bát chân truyền của Phật Thích-ca như quý hòa thượng Minh Châu, Minh Tịnh, Đổng Minh, Thiện Chiếu... đã làm. Nếu quý ngài này chỉ mới làm được ở mức độ cá nhân, tuy bên trong giáo hội đã từng diễn ra một vài cuộc vận động lớn[3], thì thầy trò Đại sư Huệ Nhựt đã đồng bộ làm được như thế qua 3, 4 đời. Tóm lại, phục hồi y bát chân truyền như Phật Thích-ca thuở xưa là công đức lớn mà Đại sư Huệ Nhựt và các đời kế thừa đã làm được. Đây là điều đặc sắc mà lịch sử Phật giáo Việt Nam sẽ trân trọng ghi nhận.
Trong mục này, chúng tôi đặt tiêu đề là “Khất sĩ Bắc tông” chỉ với một ý: Đại sư Huệ Nhựt cùng các đệ tử và quý hòa thượng Minh Châu, Minh Tịnh, Đổng Minh, Thiện Chiếu... của khối Phật giáo Bắc tông Việt Nam đã cố gắng phục hồi y bát chân truyền như Phật Thích-ca thuở xưa. Việc này chỉ dừng lại ở hình thức y bát.
III. KHẤT SĨ SƠN LÂM:
Khất Sĩ Sơn Lâm là đoàn Khất sĩ do ngài Huỳnh Minh sáng lập tại miền Nam Việt Nam vào khoảng đầu thập niên 1960. Nguồn gốc của đoàn thể này tuy có phần liên quan đến Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam của đức Tổ sư Minh Đăng Quang, nhưng trong sự tu tập hành đạo thì có xen tạp các thuật tu núi tu non. Điển hình là 2 vị Minh Kiên, Minh Đạo đã từng bị tai tiếng…
Sư Huỳnh Minh, 1916 – 1963 quy ẩn, hình thờ tại TX. Phụng Hoàng ở Cần Đước
(Mắt phải bị hư, tướng ốm nhỏ,
có một nhánh lá trên bàn thờ in bóng vào hình, ngay chỗ cổ…)
Sáng lập đoàn thể này là sư Huỳnh Minh. Sư Huỳnh Minh có thế danh là Trương Văn Thạnh, sinh năm Bính Thìn 1916 tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Ông là con thứ 10 trong một gia đình có 12 người con. Vào năm 1934, lúc 18 tuổi ông đã lập gia đình, sinh được 4 con. Đến sau năm 1950, khi Tổ sư Minh Đăng Quang đã thành lập Đạo Phật Khất Sĩ, ông đến Thốt Nốt gặp Tổ sư xin xuất gia giải thoát theo gương hạnh Khất sĩ. Thấy nhân duyên xuất gia của ông chưa đủ, Tổ sư đã khuyên ông nên về trường chay tu niệm. Sau khi Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng mấy năm, trong một dịp ông đã đến gặp trưởng lão Giác Nhơn ở Núi Đất… và vào đầu thập niên 1960 bắt đầu nhận đệ tử, hình thành nên một đoàn Khất sĩ ở miền Nam với nhân số khoảng 20 vị sư. Đến năm 1963 sư Huỳnh Minh đã quy ẩn, để các đệ tử tự do hành đạo.
Nhận định “5 phái Khất Sĩ” của sách này không đúng với lịch sử
Trong quyển Tìm Hiểu Phật Giáo Khất Sĩ Ở Nam Bộ Việt Nam (trong thế kỷ XX) của thầy Hạnh Thành, do Nhà xuất bản Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh xuất bản năm 2007, có thêm những thông tin sau:
– Sư Huỳnh Minh có tâm nguyện sau khi lập được một tiểu giáo hội thì sẽ quy ẩn. Tâm nguyện đó đến cuối năm 1963 đã thành tựu, và hơn 20 vị đệ tử đó là quý sư Minh Hải, Minh Đức, Minh Ngọc, Minh Đại, Minh Giác, Minh Khôi, Minh Trí, Minh Nhật, Minh Nguyệt, Minh Thông, Minh Đạo, Minh Hùng, Minh Lực, Minh Thành, Minh Công, Minh Tâm, Minh Lý, Minh Huệ, Minh Tài, Minh Pháp và Minh Hòa.[4]
– Năm 1960, sư Huỳnh Minh cùng các đệ tử đã xây dựng Tịnh xá Phụng Hoàng tại quê nhà ở Cần Đước, Long An.[5]
Tịnh xá Phụng Hoàng, ở ấp Chợ, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
– Sau khi sư Huỳnh Minh đã quy ẩn, các đệ tử của ngài đùm bọc nhau lo tu tập và hành đạo, xưng là Đoàn Khất Sĩ Sơn Lâm.[6]
– Từ năm 1975, đã xảy ra những sự bắt bớ của chính quyền, Đoàn Khất Sĩ Sơn Lâm tưởng chừng đã tan rã.
– Khoảng năm 1980, Đoàn Khất Sĩ Sơn Lâm được thượng tọa Minh Hùng hướng dẫn về nương vào Giáo đoàn Khất Sĩ Ca-diếp của thượng tọa Giác Huệ.[7]
– Đến năm 1984, hai thượng tọa Minh Hùng và Minh Nhi đã về Núi Dinh khai sơn Tịnh xá Ngọc Sơn Dinh, mở rộng sự tiếp Tăng độ chúng. Từ đó, Đoàn Khất Sĩ Sơn Lâm bắt đầu ổn định và đã hòa nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam sinh hoạt cho đến ngày nay, còn Tịnh xá Ngọc Sơn Dinh đã trở thành trụ sở chính.
– Ngoài 2 tịnh xá Phụng Hoàng và Ngọc Sơn Dinh, Đoàn Khất Sĩ Sơn Lâm hiện chỉ còn thêm 3, 4 cơ sở nữa.
Cổng tam quan Tịnh xá Ngọc Sơn Dinh mới trùng tu lại năm 2007
Dưới hàng chữ đỏ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM là hàng chữ xanh
GIÁO ĐOÀN SƠN TĂNG KHẤT SĨ
Trong thời buổi có nhiều đoàn Khất sĩ được thành lập, Đoàn Khất Sĩ Sơn Lâm cũng đã ra đời, hoạt động chủ yếu ở những vùng sơn đảo Tây Nam bộ. Trải qua mấy độ thăng trầm, hiện nay đoàn thể này đã sinh hoạt ổn định trong giáo hội Phật giáo Việt Nam tại một số địa phương.
IV. NHÓM KHẤT SĨ MẪU TRẦU:
Khất sĩ Mẫu Trầu là lời gọi không chính thức, đoàn thể này có danh hiệu là Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Hiện nay, theo ngài Giác Quang ở Tu viện Quan Âm – Biên Hòa cho biết, phái này có hơn 140 cơ sở với rất nhiều tu sĩ.
Nói về Mẫu Trầu, ngài có thế danh là Lê Minh Ý, sinh năm 1924 tại xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Năm 19 tuổi ngài đã lập gia thất với cô Võ Thị Hầu người cùng địa phương. Năm 1945 ngài tham gia Cách mạng và đã đổi tên là Lê Văn Mười. Năm 1954 ngài bị địch truy nã gắt gao nên đã trốn về miền Tây, nhân duyên đưa đến chùa Bửu Quang ở Núi Dài, ngài theo học đạo luôn với Sư ông Bửu Đức, có pháp danh là Thiện Phước, hiệu Mẫu Trầu, Mẹ Trầu, hay Má, Thầy Mẹ… như một hiện thân của Mẫu.
Cuộc đời tu hành của ngài Thiện Phước rất đa dạng: Ban đầu, năm 1955 ngài học đạo với ông Ba ở chùa Bửu Quang trên Núi Dài – Thất Sơn trong 8 tháng. Sau này lập phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng ngài đã suy tôn ông Ba làm Chứng minh Đạo sư của tông phái, đạo hiệu là Sư ông Bửu Đức. Đến năm 1956, ngài đã về quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) y chỉ theo hòa thượng Trí Châu trụ trì chùa Long Sơn Cổ Tự, được đặt pháp hiệu là Nhựt Ý, thuộc đời 41 dòng Lâm Tế Gia Phổ. Tại đó ngài có rất nhiều tín đồ, bị chính quyền thường xuyên theo dõi và cuối cùng đã trục xuất ngài ra khỏi địa phận tỉnh. Năm 1957, bổn đạo đưa ngài ra Núi Dinh ẩn cư, ở đó ngài được giao chùa Linh Sơn Cổ Tự. Tại Linh Sơn Cổ Tự ngài thành lập phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, chuyên tu niệm Nam-mô A-di-đà Phậtvới các pháp Lễ bái niệm Phật, Phát nguyện niệm Phật và mỗi năm đều tổ chức một pháp hội niệm Phật trăm ngày đêm không nghỉ (Bá nhật trì danh). Phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng bấy giờ nương vào Giáo hội Tịnh Độ Tông Việt Nam của ngài Đoàn Trung Còn hoạt động. Từ năm 1962 ngài Thiện Phước đã phát nguyện hành pháp y Khất sĩ của tam thế chư Phật cho đến trọn đời.
Ngài Thiện Phước đang an tọa trang nghiêm, tay cầm một hoa sen (có phải là Bửu ấn?).
Y theo ngài Thiện Phước, nhiều đệ tử của ngài đã phát nguyện hành pháp y Khất sĩ, còn một số đông vẫn sử dụng pháp y của Phật giáo Bắc tông. Với pháp tướng Khất sĩ của tam thế chư Phật, nhiều người cho rằng đây là một phái Khất sĩ. Thực tế thì các vị ấy là một nhóm thuộc phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng của ngài Thiện Phước. Hiện nay, phái này do ngài Huệ Giác (nữ) làm Tông trưởng, được mọi người kính gọi là Ông Lục.
Hòa thượng Thiện Hào và ngài Thiện Phước đang hỏi thăm nhau
(Ảnh trưng bày tại Tu viện Quan Âm – Biên Hòa)
Người được tôn kính là bậc thầy chính của ngài Mẫu Trầu là Sư ông Bửu Đức, một đạo nhân ở vùng Thất Sơn huyền bí. Theo quyển 100 Ngày Niệm Phật và 100 Bài Pháp tập 2 của ngài Giác Quang ở Quan Âm Tu Viện, do Nxb. Phương Đông xuất bản năm 2011, đọc từ trang 379 – 419 ta được biết:
– Sư Ông Bửu Đức có tục danh là Phạm Văn Vị, sinh năm Canh Thìn 1880 tại làng Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang; là người con thứ Ba trong gia đình. Khi trưởng thành ông đã lập gia đình và sống tại gia tập thiện theo gương của bà con bổn đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa trong vùng. Đến năm 1925, do ơn trên kêu gọi, ông đã phát nguyện tu hành, tự cạo tóc rồi về Rạch Giá cùng tu với người bạn đời. Năm 1940 ông qua núi Tà-lơn tu. Năm 1944 ông về lại Việt Nam đến An Sơn Tự ở vùng Núi Tượng – Ba Chúc cầu tu với ông Ba Khỏe của phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Năm 1945 ông lên lưng chừng Núi Dài (Ngọa Long Sơn) cất chùa Bửu Quang bằng tranh lá đơn sơ và tịnh tu tại đấy, xưng là “Ông già Thất nghiệp”. Năm 1949 chùa Bửu Quang bị giặc Pháp đốt cháy, nhưng ông vẫn không xuống núi, ở đó cất lại chùa tiếp tục tu hành. Đến năm 1959, chế độ Ngô Đình Diệm cho lập Khu trù mật rải rác trong miền Nam để tập trung dân vào ở, chính quyền đã bắt buộc ông phải dời chùa xuống chân núi. Tại đó ông và huynh đệ đã nuôi giấu quân Cách mạng, nên chùa bị quân Quốc gia bắn phá đốt cháy vào năm 1963. Bấy giờ chùa Bửu Quang phải dời về sau chợ Ba Chúc, cất lại khang trang hơn, bằng gỗ, lợp lá. Năm Mậu Thân 1968, một lần nữa chùa lại bị đốt cháy vì chiến tranh. Qua năm sau, các đệ tử của Sư Ông đã về Núi Sập cất chùa Thành An Tự trên đỉnh núi, rồi thỉnh Sư Ông về đấy an cư cho đến khi viên tịch vào ngày 18 tháng Chạp năm Giáp Dần, nhằm ngày 29/1/1975.
Sau Giải phóng, các đệ tử của Sư Ông Bửu Đức đã về Ba Chúc cất lại chùa Bửu Quang. Nhưng vào năm 1979, giặc Miên tràn sang tàn phá Ba Chúc, giết hại dân lành, chùa lại bị đốtphá lần thứ tư, ông Sáu Muôn đệ tử của Sư Ông cũng bị chết tại đây…[8]
Sư Ông Bửu Đức, 1880 – 1975, trụ thế 95 năm.
Sư Ông có các đệ tử như ông Sáu Muôn, ông Ba Bồ-đề, ngài Mẫu Trầu…
Còn xem trên trang phatgiaovnn.com, ta được biết sinh thời Sư ông Bửu Đức hết lòng niệm Phật: “Đêm đêm nhơn sinh đều ngủ, say sưa trong giấc nồng. Ta thức, thức thật tỉnh táo trong đêm trường, lo toan niệm Nam-mô A-di-đà Phật để sớm về quê cũ.”. Ngài đã từng dạy bảo các đệ tử: “Các ông muốn tu theo pháp hạnh Khất sĩ của ba đời chư Phật phải học Chơn Lý Đại Đồng, cầu học đạo với ngài Minh Đăng Quang; còn muốn tu pháp môn niệm Phật thì cầu học đạo với Mẫu Trầu.”. Và: “Sau khi tôi đi về với Tổ Phật, pháp môn duy nhất này giao lại cho Mẫu Trầu, người có khả năng kế thừa hoằng truyền tại miền Đông. Pháp môn niệm Phật sẽ được tỏ rạng là do Mẫu Trầu, từ đó về sau tiếp tục kế thế, đừng để mất mát Pháp môn cực tắt của chư Phật.”…
Trong lời dặn dò của Sư ông Bửu Đức: “Các ông muốn tu theo pháp hạnh Khất sĩ của ba đời chư Phật phải học Chơn Lý Đại Đồng, cầu học đạo với ngài Minh Đăng Quang;”, có thể nhận thấy ngài rất kính trọng và biết rõ sứ mạng của đức Minh Đăng Quang.
Những lời dạy được phổ biến của Sư ông Bửu Đức thật chân chánh. Hạnh mang pháp y Khất sĩ của tam thế chư Phật và tu niệm Phật miên mật của ngài Thiện Phước thật đáng quý. Tuy vậy, một tu sĩ nam mà có những tên gọi Mẫu Trầu, Mẹ Trầu, Má, Thầy Mẹ… và một tu sĩ nữ lại được gọi là Ông Lục thật không phải là truyền thống của Phật giáo. Bên trong phái này còn có những sinh hoạt như thế nào hiện chúng tôi chưa biết, nên không tiện nhận định ở đây.
V. KHẤT SĨ THUỘC GIÁO HỘI CỦA ÔNG ĐOÀN TRUNG CÒN:
Học giả Đoàn Trung Còn hay Tỳ-kheo Thích Hồng Tại sinh năm 1908, mất năm 1988, người ở thành phố Vũng Tàu, sống và làm việc tại thành phố Sài Gòn (sau 1975 là Thành phố Hồ Chí Minh). Theo Phúc Trung – Huỳnh Ái Tông, trọn một đời hoạt động trên lĩnh vực văn hóa Phật giáo, Tỳ-kheo Thích Hồng Tại – học giả Đoàn Trung Còn đã thành lập 3 nhà xuất bản:
– Nhà xuất bản Phật Học Tòng Thơ, xuất bản những kinh sách Phật giáo do tác giả Đoàn Trung Còn sáng tác, soạn dịch.
– Nhà xuất bản Phật Học Thơ Xã, xuất bản những kinh sách Phật giáo do các tác giả khác sáng tác, soạn dịch.
– Nhà xuất bản Trí Đức Tòng Thơ, xuất bản những sách Khổng giáo hay Hán văn.
Năm 1931, ông Đoàn Trung Còn bắt đầu soạn dịch và sáng tác nhiều sách có giá trị. Năm 1934, ông Đoàn Trung Còn đã xuất bản tác phẩm Tăng Đồ Nhà Phật, quyển thứ 9 trong loạt sách Phật học của ông. Đây là quyển Luật Phật giáo đầu tiên bằng tiếng Việt hiện đại. Quyển này được nhiều nhà trí thức đương thời ở Việt Nam như bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, ngài Minh Tịnh ở Búng – Thủ Dầu Một… ca ngợi. Những lời khen đó đã được trích đăng đầu sách khi tái bản lần thứ II vào năm 1935. Quyển Tăng Đồ Nhà Phật do ông Đoàn Trung Còn biên soạn từ nhiều nguồn, chứ không đơn thuần chỉ y cứ vào Tứ Phần Luật của 2 ngài Phật-đà-da-sá và Trúc Phật Niệm phiên dịch Phạn – Hán vào đầu thế kỷ V tại Trung Quốc, cho đến cũng không sử dụng thuần một nguồn kinh điển Phật giáo Hán tạng.[9]
Sau đó, ông tiếp tục xuất bản nhiều sách, đặc biệt là bộ Phật Học Từ Điển gồm 3 quyển, với 4 thứ tiếng Việt – Hán – Pháp – Bắc Phạn. Bộ Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn chẳng những đã được xuất bản trong nước và cả ở hải ngoại, còn được tái bản nhiều lần, thật là một công trình quý giá, chứng tỏ ông đã nghiên cứu nghiêm túc, có phương pháp, hiểu rộng và chuyên sâu giáo lý đạo Phật.
Năm 1955, ông Đoàn Trung Còn hợp tác cùng với chư Tăng và thân hữu thành lập Giáo hội Tịnh Độ Tông Việt Nam, đặt trụ sở tại chùa Giác Hải ở Phú Lâm – Chợ Lớn. Ông Đoàn Trung Còn đã được bầu làm Trị Sự Trưởng Ban Chấp Sự Trung Ương của Giáo hội này. Đến năm 1959, ông lập chùa Liên Tông Tự tại số 145 đường Đề Thám quận I, Giáo hội Tịnh Độ Tông Việt Nam đã dời trụ sở về đây hoạt động.
Đầu thập niên 1970, ông Đoàn Trung Còn đã xuất gia, thọ giới Tỳ-kheo, có pháp danh là Thích Hồng Tại. Từ năm 1931 đến cuối đời, Tỳ-kheo Thích Hồng Tại – học giả Đoàn Trung Còn đã đóng góp cho kho tàng tri thức Việt Nam được khoảng 40 đầu sách.
Trong Giáo hội Tịnh Độ Tông Việt Nam có nhiều nhà sư Khất sĩ, những tấm hình chụp các kỳ đại hội của giáo hội này còn được giữ ở chùa Liên Tông Tự đã cho thấy rõ điều đó. Nhưng đây là do tâm từ bi của ngài Thích Hồng Tại, đã tạo điều kiện cho chư Tăng Ni mọi nơi đều có cơ hội tu tập an ổn trong sự che chở của một giáo hội; cũng là sự mến mộ của ngài đối với Giáo pháp Khất Sĩ của ba đời chư Phật. Ngài Thích Hồng Tại làm thế không có nghĩa là ngài tạo ra thêm một nhánh Khất sĩ nữa.
Sách Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX của thầy Đồng Bổn, phần vinh danh các nhân sĩ hữu công với Phật giáo Việt Nam có nói về Đoàn Trung Còn như sau:
“Cư sĩ [sic] Đoàn Trung Còn[10] là người có công lớn đối với công việc hoằng dương Chánh pháp. Vào thời điểm mà kinh sách về Phật giáo viết bằng chữ quốc ngữ phổ thông còn rất hiếm hoi, trình độ hiểu biết về giáo lý đạo Phật trong đại đa số quần chúng Phật tử còn mờ mịt, thì ông là người cư sĩ không chỉ biết tu hành hướng thiện cho bản thân, mà còn đem cả tâm huyết nghiên cứu, học hỏi để viết sách, dịch kinh phổ biến cho mọi người cùng tu học. Chúng ta có thể nói rằng những Phật tử sống vào nửa đầu thế kỷ XX nâng cao sự hiểu biết Phật pháp của mình, ngoài những buổi nghe các bậc giảng sư thuyết pháp ở chùa, một phần khác cũng đã nhờ đọc những cuốn sách của ông.”[11]
Những gì Tỳ-kheo Thích Hồng Tại – học giả Đoàn Trung Còn đã làm cho Phật giáo Việt Nam thật còn hơn cả sự nghiệp của một vị hòa thượng bình thường. Nếu trở lại bối cảnh Việt Nam giai đoạn chấn hưng Phật giáo vào thập niên 1930, ta mới thấy được hết tâm đức và trí tuệ của ông.
Ngày nay, Liên Tông Tự đã xuống cấp, bên trong trông giống cảnh một ngôi nhà thế tục, áo quần treo phơi quanh Phật điện, bàn thờ người sáng lập tối mờ, cũ kỹ... Riêng tại Thiền viện Minh Đức ở Núi Dinh, Tỳ-kheo Thích Hồng Tại được tôn thờ trên bàn thờ Tổ, với một tấm hình “Sư Ông” được vẽ lại rất đẹp, trang trọng, xứng đáng với công đức và vị trí của ngài trong nền Phật giáo Việt Nam hiện đại.
Tỳ-kheo Thích Hồng Tại, 1908 – 1988, người thành lập Giáo hội Tịnh Độ Tông Việt Nam
vào năm 1955 tại miền Nam Việt Nam.
(Rất tiếc là hình bị chói một chỗ)
VI. KHẤT SĨ CA-DIẾP:
Cố Thượng tọa Giác Huệ, 1935 – 1995,
nguyên Viện chủ Tịnh xá Ngọc Thanh – quận 2, Tp. Hồ Chí Minh,
nguyên Trưởng Đoàn Khất Sĩ Ca-diếp-pa
Trong quyển Lễ Đại Tường Của Thượng Tọa Thích Giác Huệ, khổ A5, có 22 trang ruột, trình bày 4 bài:
1. Tiểu sử cố Thượng tọa Giác Huệ – nguyên Trưởng Đoàn Ca-diếp-pa Phật giáo Khất Sĩ
2. Tưởng niệm cố Thượng tọa Giác Huệ (của môn đồ pháp quyến, nhân dịp Lễ Đại tường của cố Thượng tọa)
3. Hạ trường Pháp Trí tưởng niệm cố Thượng tọa Giác Huệ (nhân dịp Lễ Đại tường của cố Thượng tọa)
4. Cảm niệm Ân Sư (của môn đồ pháp quyến đọc trong tang lễ ngài)
Theo như bài Tiểu sử cố Thượng tọa Giác Huệ trong đây, thì thân thế và đạo nghiệp của ngài được biết đến như sau:
Thượng tọa Giác Huệ có thế danh là Huỳnh Văn Ca, sinh năm Ất Hợi 1935 tại tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Ngài là con trai duy nhất của ông Huỳnh Văn Kiệu và bà Lê Thị Chỏi. Sinh trưởng trong một gia đình nề nếp nho phong, có truyền thống yêu nước và sùng kính đạo Phật, nhờ vậy mà ngài sớm biết ăn chay niệm Phật. Lúc thiếu thời có đặc tính ưa thanh thản dạo chơi một mình ở những nơi vắng vẻ.
Năm 12 tuổi, vừa học hết chương trình Tiểu học thì phải ngưng học, vì thuở ấy toàn dân đang tham gia kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược. Tổ quốc lâm cảnh nguy biến, lòng yêu nước đã sớm trỗi dậy trong lòng người niên thiếu 14 tuổi tròn. Không ngại gian lao nguy hiểm, ngài đã tình nguyện gia nhập vào bộ đội, một đơn vị dưới sự chỉ huy của ông Lê Văn Danh hoạt động tại vùng Bà Thê, núi Sập. Ngài đã sớm cống hiến sức mình cho đại nghĩa, góp phần chống giặc cứu nước.
Năm 1954, cuộc kháng chiến lắng dịu, hòa bình được lập lại trên căn bản hiệp định Geneve. Lúc bấy giờ ngài vâng lời song thân lập gia thất, nhưng vẫn luôn mong có cơ duyên xuất gia tu học.
Thế rồi nhân duyên đã đến, năm 23 tuổi, vào ngày 6 – 6 – 1958, ngài đã từ biệt song đường và giã từ thê nhi, phát nguyện xuất gia học đạo. Qua thời gian giong ruổi đó đây cầu đạo, ngài đã được hòa thượng Từ Huệ ở Mỹ Tho tiếp độ, cho nhập chúng xuất gia với pháp danh Giác Huệ.
Bao năm theo thầy học đạo, ngài đã vân du khắp nẻo như người xưaNhất bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du…Lần lượt, ngài đã đi khắp Thất Sơn và vùng Ba Thê – Núi Sập, lại đến các đảo hòn Chông, hòn Tre, hòn Me, Phú Quốc, hòn Thổ Chu, đảo Côn Sơn với mục đích hoằng truyền Chánh pháp… được thiền sư Minh Trực khen ngợi công năng tu tập của ngài.
Năm 1972, thượng tọa Giác Huệ đã sáng lập đoàn Tăng-già hạnh đầu-đà Ca-diếp-pa và được hòa thượng Từ Huệ ủy quyền làm Viện trưởng Viện Lãnh Đạo. Thượng tọa đã đào tạo được các đệ tử có khả năng phụng sự giáo hội như quý đại đức Giác Hoàng, Minh Toàn, Minh Đức, Minh Thân, Giác Thanh…
Qua nhiều năm du hóa rải rác các tỉnh miền Nam nước Việt, với đức độ của thượng tọa Giác Huệ đã thu phục được sự cảm kính của mọi người. Nhờ đó họ biết quy hướng Tam Bảo, trở thành những Phật tử thuần thành. Và ngài đã thiết lập được nhiều cơ sở để tiếp Tăng độ chúng như các tịnh xá sau đây:
1. Tịnh xá Ngọc Thanh tại núi Sam
2. Tịnh xá Ngọc Thanh – núi Ba Thê
3. Tịnh xá Ngọc Thanh – Ngã 7, Tp. Hồ Chí Minh
4. Tịnh xá Ngọc Thanh – Long Thành, Đồng Nai
5. Tịnh xá Ngọc Thanh – Gò Công
6. Tịnh xá Ngọc Thanh – Đà Lạt
7. Tịnh xá Ngọc Thanh – Tân Châu, Châu Đốc
8. Tịnh xá Ngọc Thanh – Thủ Thiêm, nay thuộc quận 2.
Ngoài việc truyền bá giáo pháp của Như Lai, tiếp Tăng độ chúng dắt dìu đệ tử tu học, thượng tọa Giác Huệ còn là một lương y biết dùng dược thảo chữa bệnh cho mọi người, đây cũng là một phương tiện độ sanh rất thích hợp.
Năm Ất Hợi, mùa An cư Phật lịch 2539, ở độ tuổi đáo tuế, thượng tọa Giác Huệ đã cùng với một số đệ tử rời Tịnh xá Ngọc Thanh câu hội về Tịnh nghiệp Đạo tràng Pháp Trí để nhập chúng kiết giới an cư, tấn tu đạo nghiệp. Tại đây, Thượng tọa được đại chúng công cử vào trách vụ Phó Hóa chủ. Gần 2 tháng an cư trôi qua, chẳng may một cơn bạo bệnh bộc phát trong thân thể thượng tọa, đại chúng phải đưa ngài vào bệnh viện điều trị. Mặc dù Ban Chức Sự Hạ trường cũng như toàn thể đại chúng đều tận tình lo lắng và chạy chữa, nhưng vì căn bệnh quá hiểm nghèo nên ngài đã viên tịch tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định lúc 18 giờ 45 phút ngày 6 tháng 6 năm Ất Hợi, nhằm ngày 3 – 7 – 1995, để lại sự tiếc thương cho mọi người.
Qua 60 năm có mặt trên trần thế, thượng tọa Giác Huệ đã xứng đáng là một người con hiếu hạnh của gia đình, đã làm trọn bổn phận của một công dân trong lúc đất nước lâm nguy. Đồng thời, qua 37 năm xuất gia học và hành đạo, thượng tọa Giác Huệ đã thành lập được Giáo đoàn Khất Sĩ Ca-diếp, xiển dương hạnh Khất sĩ đầu-đà tại miền Nam Việt Nam. Hiện nay, tuy giáo đoàn này đã mai một, nhưng công đức khai sơn tạo tự, kiến lập 8 ngôi Tịnh xá Ngọc Thanh, tiếp Tăng độ chúng và hướng dẫn Phật tử tu học đúng Chánh pháp của cố thượng tọa Giác Huệ mãi mãi được môn đồ pháp quyến tưởng niệm tri ân.
Bản tiểu sử trên đã cung cấp những điều cần biết về đoàn Khất sĩ Ca-diếp và người sáng lập. Trong đó có 2 thông tin cần lưu ý:
– Năm 1972, thượng tọa Giác Huệ đã sáng lập đoàn Tăng-già hạnh đầu-đà Ca-diếp-pa và được hòa thượng Từ Huệ ủy quyền làm Viện trưởng Viện Lãnh Đạo.
– Qua 37 năm xuất gia học và hành đạo, thượng tọa Giác Huệ đã thành lập được Giáo đoàn Khất Sĩ Ca-diếp, xiển dương hạnh Khất sĩ đầu-đà tại miền Nam Việt Nam.
Hai thông tin này đem đến mấy nghi vấn: Tại sao trong đoàn Tăng-già hạnh đầu-đà Ca-diếp-pa lại có Viện Lãnh Đạo? Chỉ có cấp giáo hội mới có viện, trong giáo hội đó hòa thượng Từ Huệ ở Mỹ Tho đóng vai trò gì mà ủy quyền cho người sáng lập? Cuối cùng, bản tiểu sử khẳng định rằng thượng tọa Giác Huệ đã thành lập được Giáo đoàn Khất Sĩ Ca-diếp, một tổ chức khác với đoạn trên?
Hãy xem một tấm chứng điệp còn được chư Tăng gìn giữ:
Mặt bìa Chứng điệp Tăng tịch
Chứng điệp này đã cung cấp 5 thông tin:
– Nó thuộc Giáo hội Phật giáo Kasyapa (ở Việt Nam). Chữ Kasyapa là một chữ Sanskrit (Bắc Phạn), phiên âm Hán – Phạn là Ca-diếp-pa. Trong chứng điệp ghi Kacyapa là lộn chữ “c” với chữ “s”, do lúc trước 2 chữ ghi gần giống nhau.
– Trong chứng điệp, Biểu tượng của Giáo hội Phật giáo Kasyapa hình tròn, dùng 2 gam màu xanh – trắng, trong đó lấy hoa sen trắng làm chủ:
Biểu tượng của Giáo hội Phật giáo Kasyapa
– Đặc biệt, con dấu đóng xác nhận lại là dấu Trưởng đoàn của Giáo hội Tăng-già Khất sĩ, kèm chữ ký và tên TT. Thích Giác Huệ. Đã vậy, dấu Trưởng đoàn này lại đóng ngay bên cạnh tên cơ quan Viện Lãnh Đạo và chức danh Tổng vụ Tăng sự.
– Năm cấp chứng điệp này là Phật lịch 2526, tức là năm 1982, sau khi Phật giáo toàn quốc đã thống nhất thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
– Ngoài ra, trên chứng điệp này còn có một thông tin: “Văn phòng tạm: 682 PéTrus Ký, Sài Gòn”, (nay là đường Lê Hồng Phong ở Thành phố Hồ Chí Minh). Chỉ là văn phòng tạm thì giáo hội này đã ổn định chưa?
Khi tìm đến Tịnh xá Ngọc Thanh – Thủ Thiêm, Tổ đình của Giáo hội Khất Sĩ Kasyapa ngày xưa, gặp được thượng tọa Minh Tấn trụ trì tịnh xá, mọi chuyện đã sáng tỏ qua một câu nói đơn giản của thượng tọa: “Giáo hội ngày xưa đâu có lập được, do nhà nước chưa cho phép thì giải phóng.”.
Tịnh xá Ngọc Thanh, đường số 49, phường Bình Trưng Đông, Q. 2, Tp. HCM
(Ngay Pháp viện Minh Đăng Quang đi 3km vào khu Chung cư 10 mẫu…)
Vậy Giáo hội Phật giáo Kasyapa đã được vận động thành lập gần trước năm 1975 mà chưa thành công. Tuy chưa thành công về mặt pháp lý, tức chưa được thừa nhận là một tổ chức tôn giáo, một giáo hội, nhưng thực tế là đã có Giáo đoàn Khất Sĩ Ca-diếp. Người sáng lập và làm trưởng Giáo đoàn Khất Sĩ Ca-diếp là ngài Giác Huệ đã nói trên, còn vị Chứng minh Đạo sư của đoàn thể này chính là bổn sư của ngài Giác Huệ: hòa thượng Từ Huệ ở Mỹ Tho. (Có lẽ ngôi Chứng minh Đạo sư này tương đương ngôi Pháp chủ của một giáo hội Phật giáo.)
Như vậy, giai đoạn trước năm 1975, Đoàn Khất Sĩ Sơn Lâm là một nhóm nhỏ còn Giáo đoàn Khất Sĩ Ca-diếp là một đoàn thể mạnh nhưng chưa được thừa nhận là một tổ chức tôn giáo. Đến khi Đoàn Khất Sĩ Sơn Lâm sáp nhập về Giáo đoàn Khất Sĩ Ca-diếp và vận động xin Hệ phái Khất Sĩ cho thành lập Giáo đoàn VII, thì Hệ phái Khất Sĩ đã không đồng ý. Do vậy, thượng tọa Giác Huệ cùng các đệ tử sinh hoạt chung trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dần dần mai một, không còn là một giáo đoàn Khất sĩ nữa. (Nhưng ngày nay, quý vị ấy có thể xin gia nhập vào một giáo đoàn Khất sĩ, để giữ được bản sắc Khất sĩ của mình.)
Hình và hủ cốt của thượng tọa Giác Huệ –Ca-diếp thờ tại Tịnh xá Ngọc Thanh.
Thời cuộc thay đổi, lịch sử sang trang, nhân duyên không thuận cho người toại chí. Thượng tọa Giác Huệ đã ra đi, các đệ tử Tăng, Ni cũng tứ tán, nhiều tịnh xá hoặc bị mất hoặc bị đổi thành chùa. Tất cả chỉ còn là dư âm…
VII. KẾT LUẬN:
Qua bài khảo cứunày, bản chất 5 đoàn thể Khất sĩ tại Việt Nam đã được đồng thời xem xét. Những đoàn thể này không thuộc hệ thống Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam của đức Tổ sư Minh Đăng Quang. Đương thời, tại Nam bộ còn có đoàn Khất sĩ của trưởng lão Huệ Thế ở Thốt Nốt, nhưng về sau đã nhập vào giáo đoàn của Pháp sư Giác Nhiên nên chúng tôi không khảo sát trong phạm vi của bài này.
Tuy các đoàn thể Khất sĩ Huệ Nhựt, Khất sĩ Sơn Lâm, Khất sĩ Mẫu Trầu, Khất sĩ bên Tịnh Độ Tông Việt Nam và Khất sĩ Ca-diếp chưa phát triển thành những tổ chức Khất sĩ quy mô, chưa thiết lập được riêng một hệ thống Giới luật và một hệ thống tư tưởng Khất sĩ đặc thù như Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, nhưng họ đã một thời xuất hiện, đến nay vẫn còn ít nhiều, làm sắc màu Khất sĩ thêm đa dạng trong xã hội Việt Nam và trong nền Phật giáo Việt Nam đương thời. Sự xuất hiện của giới Khất sĩ tại Việt Nam đã chứng tỏ tính cách tất yếu của Khất sĩ trong sự phát triển của xã hội loài người. Tính tất yếu đó đã được Tổ sư Minh Đăng Quang khám phá: Ba đời chư Phật đều là khất sĩ! Ai ai cũng là khất sĩ!
Trong khuôn khổ một hội thảo khoa học về Hệ phái Khất Sĩ nhân dịp lễ tưởng niệm 60 năm đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, chúng tôi xin phép được trình bày bài khảo cứu này với chư Tăng, Ni và các giới nghiên cứu. Kính mong mọi người vui lòng theo dõi, ghi nhận và đánh giá những điều đúng sai của nó. Chúng tôi xin chân thành tri ân.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Đại sư Huệ Nhựt, Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn, Tp. HCM, Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo,2004.
2. Đại đức Minh Đăng Quang, Chơn Lý Đại Đồng, Sài Gòn, máy in Pháp Ấn, 1961.
3.Tổ sư Minh Đăng Quang, Bồ-tát Giáo, Tịnh xá Ngọc Viên ấn hành, 1962.
4. Sổ Trình Đi Hành Đạo của Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Việt Nam, bản gốc lưu tại Tịnh xá Ngọc Viên – Vĩnh Long, (có bản photo ở Thư viện TX. Trung Tâm và bản chụp của Hành Vân).
5. Hàn Ôn, Minh Đăng Quang Pháp Giáo, Tp. HCM, Chúng Minh Đăng Quang ấn hành, 2001.
6. Thượng tọa Giác Lý, Nguồn Gốc Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, Chợ Lớn, Tịnh xá Trung Tâm – Phú Lâm ấn hành, 1971.
7. Hòa thượng Giác Ngộ, Hồi ký tập 1 và 2, bản vi tính.
8. Sa-môn Giác Toàn, bia ký Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam – Quá trình Hình thành và Phát triển, Tp. HCM, Tịnh xá Trung Tâm – Bình Thạnh, 2007.
9. Hệ phái Khất Sĩ, Nghi Thức Tụng Niệm, Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, 2012.
10. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ánh Minh Quang, Tp. HCM, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2004.
11. HT. Thích Giác Toàn, “Hệ thống tự viện (tịnh xá) Hệ phái Khất sĩ Việt Nam & vai trò trụ trì quản lý ngôi tịnh xá”, chuyên đề, Tp. HCM, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. HCM, 8/10/2007.
12. NS. Tín Liên, “Tìm hiểu Hệ phái Khất Sĩ của Tổ sư Minh Đăng Quang”, chuyên đề, Tp. HCM, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. HCM, 07/04/2009.
13. Thích Giác Trí, “Sự hình thành và phát triển của Hệ phái Khất Sĩ”, luận văn tốt nghiệp, Tp. HCM, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. HCM, 2001.
14. Thích Nữ Thánh Hưng, “Hệ phái Khất Sĩ và văn hóa Nam bộ”, luận văn tốt nghiệp, Tp. HCM, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. HCM, 2005.
15. Thích Hạnh Thành, Tìm hiểu Phật giáo Khất sĩ ở Nam bộ Việt Nam, (trong thế kỷ XX), Tp. HCM, Nxb. Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2007.
16. Tịnh xá Ngọc Cẩm, “Lễ tưởng niệm 53 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng và khánh thành tịnh xá Ngọc Cẩm”, tập văn lưu hành nội bộ, 2007.
17. Hành Vân, Trung Giang Ký Sự, 30 kỳ đã đăng trên website Ánh Nhiên Đăng.
18. Hòa thượng Giác Quang, 100 Ngày Niệm Phật và 100 Bài Pháp, 2 tập, Tp. HCM, Nxb. Phương Đông, 2011.
19. Hạ trường Pháp Trí – quận 2 – Tp. HCM ấn hành, Lễ Đại Tường Của Thượng Tọa Thích Giác Huệ, in vi tính, lưu hành nội bộ.
20. Thích Đồng Bổn chủ biên, Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX, 2 tập, Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, 2002.
[1] Ngài Mẫu Trầu phát nguyện mặc pháp y Khất sĩ từ năm 1962, nên nhóm khất sĩ của ngài xếp sau Khất Sĩ Sơn Lâm.
[2] Xem hình
[3] Tương truyền ở Huế đã từng diễn ra việc đó.
[4] Trong danh sách này không nhắc đến tên Minh Kiên, và đến nay còn các vị HT. Minh Thông, HT. Minh Hùng, TT. Minh Tâm…
[5] Tịnh xá Phụng Hoàng thành lập năm 1960, đến năm 1972 được xây kiên cố và trùng tu thêm trong vài năm gần đây. Hiện nay tịnh xá do hòa thượng Minh Thông trụ trì, hoạt động tương đối yếu.
[6] Hòa thượng Minh Hùng trụ trì Tịnh xá Ngọc Sơn Dinh hiện nay đã lấy danh xưng mới là Giáo Đoàn Sơn Tăng Khất Sĩ, vì e 2 tiếng “Sơn Lâm” cũng được bọn đạo tặc thảo khấu dùng.
[7] Sau khi gia nhập, TT. Minh Hùng được bầu làm Phó đoàn, vì thượng tọa vốn là sư đệ của thượng tọa Giác Huệ.
[8] Tổ đình này bị đốt phá đến 4 lần.
[9] Quyển do nhà sách Quang Minh tái bản sau năm 1990 đã bị ông Nguyễn Minh Tiến cải biên, thay đổi rất nhiều nội dung so với nguyên tác của Đoàn Trung Còn.
[10] Phải là “Tỳ-kheo Thích Hồng Tại – Học giả Đoàn Trung Còn” và xếp vào phần danh Tăng thì mới đúng.
[11] Thích Đồng Bổn chủ biên, Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX, tập II, Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, 2002, tr. 963-964.
---------------------------------------------
Các bài liên quan
- Khất Sĩ gì đây ?
- GHI CHÚ VỀ HỆ PHÁI KHẤT SĨ
- 70 năM
- ĐẠO TỔNG HỢP BẮC ‒ NAM PHẬT GIÁO
- so sánh 2 ĐẠO
- QUAN ĐIỂM TÍCH CỰC VỀ NĂM VIỆC ĐẠI THIÊN
- GIÁO HỘI TĂNG-GIÀ KHẤT SĨ VIỆT NAM
- Nối truyền Thích-ca Chánh pháp
- Vấn đề TRỤ TRÌ trong Giáo pháp Khất sĩ
- Chơn lý số 23 – HỌC CHƠN LÝ
- CẦN CÓ MỘT TIỂU SỬ HOÀN CHỈNH
- Sen nở miền Châu Đốc
- Kỳ tích của Trưởng lão Giác Tỵ
- Nguồn Khất Sĩ Nam Việt
- Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
- Xem lại Minh Đăng Quang Pháp Giáo
- Album ảnh Ts. Minh Đăng Quang
- Nguồn gốc Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam
- TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG TỪ HUỆ
- 405 CƠ SỞ TỊNH XÁ, TỊNH THẤT...
- 405 CƠ SỞ TỊNH XÁ, TỊNH THẤT
- BỨC THƠ GỞI CHƯ NAM NỮ KHẤT SĨ
- ĐỨC TỔ SƯ MỞ ĐẠO Ở LÀNG PHÚ MỸ
- LƯỢC SỬ ĐỨC TS. MINH ĐĂNG QUANG
- LƯỢC SỬ ĐỨC NHỊ TỔ GIÁC CHÁNH
- SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN của ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ
- Con đường ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ
- LƯỢC SỬ TƯỞNG NIỆM ĐỨC TÔN SƯ MINH ĐĂNG QUANG