NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Tư tưởng - Văn hóa / Câu đố cổ xưa của người Hy Lạp

Tâm Nguyên , Chủ Nhật 16-03-2014

 

CÂU ĐỐ CỔ XƯA CỦA NGƯỜI HY LẠP

 

KS. Minh Bình

 

Tháng 2 mùng 1 hàng năm, ngày hoài niệm đức Thầy vĩ đại của tất cả những vị khất sĩ ở Việt Nam lại về. Mỗi mùa Xuân về, trong tiết trời thanh khiết, nhân loại được hưởng những hoa thơm quả ngọt mà bà mẹ trái đất đã hào phóng ban tặng. Có ai trong niềm vui Xuân mà lại không nhớ tưởng về tổ tiên, nguồn cội?

 

Có nhiều giai thoại về thần thông và trí tuệ của Tổ sư Minh Đăng Quang. Những ấn tượng trong lòng mỗi người đã từng tiếp xúc với Tổ sư thật không giống nhau. Tùy theo những ấn tượng ấy mà có nhiều giai thoại đã được dệt nên, để rồi thỉnh thoảng đem kể lại cho nhau nghe cũng là một cách tưởng nhớ có ý nghĩa…

 

Hồi Tổ sư thuyết pháp ở Tịnh xá Ngọc Trung (Thốt Nốt), có bọn lính cầm súng tới hỏi:

 

– Bây giờ tôi hỏi ông 2 câu, nếu ông không nói được là tôi lảy cò!

 

Ngài đáp:

 

– Các ông cứ hỏi, cái nào tôi giảng được thì giảng.

 

Bọn lính hỏi:

 

– Con gì buổi sáng đi 4 chân, buổi trưa đi 2 chân, tới chiều đi 3 chân? Còn câu thứ hai là: Tại sao cây cầu bên nào cũng là đầu cầu, chớ đuôi nó ở đâu?

 

Tổ sư Minh Đăng Quang đáp:

 

– Tôi là người tu, tôi nói theo Phật pháp độ đời chớ không nói theo người thế. Cái con ông hỏi là Con người Giác ngộ, buổi đầu tu hạnh Thanh Văn là tu Tứ diệu đề giống như đi 4 chân. Tới trưa, người này là bậc Duyên Giác tu theo pháp tương đối vô thường – hữu thường, sanh – diệt… là đi 2 chân. Đến chiều, người này là bậc Bồ-tát hành đạo vừa thượng – trung – hạ vừa bên này – bên kia – chính giữa… 3 thừa đi hết là đi 3 giò!

 

Câu thứ 2, ngài trả lời:

 

– Muốn giải quyết vấn đề gì mà bỏ mình ra thì không được, phải có mình trong đó. Lúc mình bước lên cầu, chỗ đó là đầu cầu của mình. Lúc mình bước xuống cầu, chỗ đó là đuôi cầu của mình. Ai đi qua cũng vậy thôi…

 

Bọn lính không sao bắt bẻ được nên bỏ đi.

 

Trong 2 câu đố bắt bí trên, câu đầu tiên tuy khó nhưng đa số mọi người đã biết lời giải hết rồi, nay Tổ sư lại trả lời theo cách mới. Cách trả lời của ngài thật thú vị. Ngài đã tranh thủ một lúc gay cấn để biến thành một cơ hội gióng trống Pháp, rưới mưa Pháp, khéo léo gởi lại một thông điệp chân chính cho biết bao nhiêu Phật tử thuần thành, rằng 3 thừa Phật pháp đồng chung một nguồn tuệ giác của Phật mà lưu xuất, không hề chống báng nhau, đều có giá trị là Pháp dược cho những ai còn vương mang bệnh nghiệp nơi thân, nơi miệng, nơi ý… Khi ai đó thấy mình có bệnh nghiệp cần phải điều trị, như kẻ mang cái bướu lớn trên cổ chỉ muốn vất bỏ nó cho mau, thì cứ tùy bệnh mà dùng thuốc của Phật ban, cốt để lành bệnh, đâu kể là thuốc phổ biến hay thuốc đặc trị, thuốc Lớn hay thuốc Bé!

 

 

Tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng.

 

Các bài liên quan