NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Tư tưởng - Văn hóa / Tinh thần Trung đạo trong bộ Chơn Lý

Tâm Nguyên , Thứ Ba 11-03-2014

 

TINH THẦN TRUNG ĐẠO TRONG BỘ CHƠN LÝ

 

Ni sư Tuyết Liên

 

 

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật!

 

Ngưỡng bạch chư tôn đức Tăng, Ni.

 

Kính thưa Chủ tọa đoàn, thưa toàn thể quý vị đang có mặt trong hội trường.

 

Hôm nay, trong buổi hội thảo về Hệ phái Khất Sĩ nhân dịp lễ tưởng niệm 60 năm đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, chúng tôi đại diện Ni giới Giáo đoàn IV tham gia viết bài tham luận với đề tài “Tinh thần Trung đạo trong bộ Chơn Lý”.

 

Qua thời gian hơn 40 năm xuất gia tu học trong Hệ phái Khất Sĩ, chúng tôi đã nhiều lần đọc bộ Chơn Lý của đức Tổ sư Minh Đăng Quang. Tâm đắc những lời dạy của đức Tổ sư, chúng tôi đã lấy đó làm kim chỉ nam cho đời sống của mình. Trải qua một quá trình gắn bó lâu dài với bộ Chơn Lý như thế, chúng tôi nghĩ rằng mình cũng có một ít hiểu biết về nội dung và tư tưởng cao siêu của tác phẩm quý giá này. Do vậy, nhân dịp các ban ngành chức năng tổ chức một hội thảo khoa học về Hệ phái Khất Sĩ, chúng tôi cố gắng tham gia để được học hỏi thêm. Rất mong Chủ tọa đoàn cùng đại chúng hoan hỷ.

 

 

 

 

 

I. DẪN NHẬP:

 

Trung đạo hay Phật đạo là con đường mà các đức Phật, các đức Bồ-tát, Thánh Tăng đã đi. Nó là một con đường vô hình mà các bậc đại giác đại ngộ đã đi qua và chỉ lại cho chúng ta. Trung đạo là một con đường vô hình, nói cách khác nó là một lẽ sống, một lối sống của người giác ngộ. Do vậy, những từ ngữ “Tinh thần Trung đạo”, “Tư tưởng Trung đạo”, “Ý pháp Trung đạo” cũng đều là cách nói diễn rộng của “Trung đạo” mà thôi.

 

Ý pháp Trung đạo được đức Tổ sư Minh Đăng Quang trình bày trong nhiều bài Chơn lý. Điều này chắc quý Tăng, Ni khất sĩ và các nhà nghiên cứu Chơn Lý đều thừa nhận. Người viết cũng vậy, và lại nghiệm được một điều: có khi ta biết một điều gì đó chỉ ở mức độ cảm nhận, chưa rõ ràng lắm. Nếu có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thì chắc rằng ta sẽ biết thấu đáo hơn. Đây là động cơ, là lý do thôi thúc người viết cố gắng viết tham luận và chọn đề tài của mình là “Tinh thần Trung đạo trong bộ Chơn Lý”.

 

Đề tài “Tinh thần Trung đạo trong bộ Chơn Lý” là một đề tài đặc sắc. Đặc biệt, đề tài này đã thuyết minh được tính cách dung hòa các nguồn Phật pháp Bắc tông và Nam tông của Giáo pháp Khất Sĩ. Chúng tôi triển khai bài viết này qua các mục lớn sau:

 

– Tư tưởng Trung đạo

 

– Trung đạo là tinh thần xuyên suốt trong bộ Chơn Lý

 

– Hiện nay chúng ta có rơi vào thái quá hoặc bất cập không?

 

– Cuối cùng là Tạm kết.

 

Mong mọi người cùng theo dõi và góp ý thảo luận làm sáng tỏ đề tài.

 

 

 

 

 

II. TƯ TƯỞNG TRUNG ĐẠO:

 

Trung đạo là con đường ly khai các cực đoan, không tuyệt đối hóa một vấn đề gì. Trung đạo ly khai những chấp trước hữu – vô, thái quá – bất cập, siêu vượt đối đãi, thể nhập chân lý tuyệt đối, và đạt đến tùy duyên bất biến.

 

Đối với vấn đề tâm sinh lý thật tế của con người, Trung đạo là một đời sống quân bình về thân thể và nội tâm, là một đời sống vừa phải, không nô lệ thân tứ đại cũng không ghê sợ thân tứ đại. Là một con người, dù tu hành thế nào cũng vẫn phải sống, phải thở, phải ăn… Người không tu hành cũng phải tìm được cho mình một mức hài hòa tâm sinh lý, từ đó tồn tại ổn định và hạnh phúc.

 

Nếu như Trung dung là một phạm trù quan trọng trong tư tưởng triết học và đạo đức Khổng giáo, nhấn mạnh một cách sống hợp lý, hợp định luật thiên nhiên, thì Trung đạo của Phật pháp cũng như vậy. Trung là một quy luật vận động không thiên lệch, là con đường giữa của những lề mé. Tư tưởng Trung phát khởi từ một lối sống vừa phải, không thái quá hay bất cập. Người thái quá trong đạo đức là kẻ tu khổ hạnh hành xác mà không biết chú trọng tu sửa nội tâm và giác ngộ chân lý. Còn người bất cập trong đạo đức là kẻ phàm nhân lao mình vào dục lạc, cả đời cam chịu nô lệ cho xác thân, cho vật chất.

 

Trước khi bàn đến “Trung”, lẽ dĩ nhiên ta phải nói về hai bên:

 

 

 

1. Đời sống bất cập của nhân loại

 

Sống trong cuộc đời, mọi người khi chưa giác ngộ đều có tư tưởng chiếm hữu và hưởng thụ. Do lòng tham dục với tâm lý tìm cầu, người ta đã dốc hết thời gian, sức khỏe, tri thức để tranh thủ mưu cầu sở hữu tài sản, tình cảm, quyền lực, địa vị càng nhiều càng tốt, mấy ai biết được điểm dừng. Hiện nay con người đã thành công ở một mức độ nào đó, nhưng đã phải trả giá quá đắt, phải hy sinh cả an lạc nội tâm để đổi lấy tiện nghi vật chất và uy quyền. Người ta có thể bất chấp cả tội ác, sống trái luân thường đạo lý và trở thành chúng sanh tàn bạo nhất trên thế giới.

 

Vấn đề chúng ta đang phải đối mặt ngày nay là sự suy đồi luân lý và sự lạm dụng trí thông minh. Mặc dù có nhiều tiến bộ đạt được do khoa học kỹ thuật cao, thế giới vẫn không an ổn và hòa bình. Hiện nay khoa học kỹ thuật đã làm cho đời sống con người bất an hơn trước đây. Chúng ta hãy lấy ví dụ về sự khai thác ham muốn thỏa mãn tình dục của con người, những người vô lương tâm đã khuyếch trương ngành kinh doanh này để cung cấp ý thích nhục dục dưới mọi hình thức và những trẻ thơ vô tội là nạn nhân của tệ hại này.

 

Ngày nay hầu hết phụ nữ đều đi làm việc. Mãi lo dành hết thời gian để kiếm ra tiền và hưởng thụ đồng tiền, một số cha mẹ đã giao con cho trung tâm giữ trẻ hay người làm chăm sóc, nên trẻ con thiếu tình thương và sự chăm sóc của cha mẹ. Rồi như để bù đắp, cha mẹ sẵn sàng đáp ứng cho con, thỏa mãn những gì con đòi hỏi về tiền bạc và mọi nhu cầu giải trí. Kết quả là có nhiều đứa trẻ trưởng thành trong sự đầy đủ vật chất nhưng lại thiếu vắng tình thương, thiếu sự giáo dục. Có khi trẻ em lại tiếp cận nhiều với những trò chơi bạo lực trên internet, cho đến phim ảnh đồi trụy… Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy trẻ lớn lên trở thành người bướng bỉnh, phạm pháp, nghiện xì ke ma túy, giết người… Như vậy, có nhiều gia đình giàu hưởng thụ đầy đủ tiện nghi vật chất nhưng lại đau khổ vì mất hạnh phúc gia đình.

 

Bệnh tâm thần, thần kinh căng thẳng, cô đơn là những vấn đề nghiêm trọng mà mọi người phải đối phó trong xã hội khoa học phát triển hiện đại nhưng thiếu sự dung hòa giữa tinh thần và vật chất trong đời sống. Ai là người chịu trách nhiệm về những tội lỗi đang hoành hành thế giới hiện nay?

 

Trong Luật tạng của Phật giáo đã mô tả 4 sự bất cập của nhân loại:

 

“– Ăn nhiều bữa, lựa món ngon.

– Mặc khoe khoang dư dả.

– Ở nhà ngói, lầu đài.

– Không đau mà uống thuốc bổ dưỡng, cất dành.”

 

Luật tạng lưu ý khuynh hướng nô lệ vật chất của con người. Do nghiêng về vật chất, con người bị của cải, tiền bạc, nhà cửa ruộng vườn… chi phối, từ đó đánh mất vị trí Trung, phát sinh nhiều hệ quả không hay. Nhân loại xưa nay thường bất cập về đạo đức như vậy đấy.

 

 

 

2. Khuynh hướng thái quá của một số nhà đạo đức cực đoan

 

Trong khi đó có nhiều người tu hành tìm cách xa lìa vật chất. Điều đáng nói là những người ấy gần như bị vật chất ám ảnh, chủ trương rằng chỉ có đời sống khổ hạnh khắc khe mới có thể đưa con người đến giải thoát. Họ thực hành những phương pháp khổ hạnh ép xác, từ bỏ mọi tiện nghi, dày vò thân thể dưới mọi hình thức. Đây là sự dấn thân không có ánh sáng soi đường, kết quả là công nhiều mà thu hoạch ít ỏi. Trong Luật tạng của Phật giáo đã mô tả 4 sự thái quá của những kẻ khổ hạnh:

 

“– Nhịn đói không ăn uống.

– Lõa lồ không mặc đậy.

– Mưa nắng phơi ngoài trời.

– Đau liều mạng không uống thuốc.”

 

Chính Bồ-tát Tất-đạt-đa của chúng ta cũng đã từng trải nghiệm sự sai lầm này. Lịch sử còn ghi lại quá trình khổ hạnh ép xác cùng cực của Ngài:

 

Sáu năm chẳn ròng tu khổ hạnh

Tấm thân còn một mảnh xương gầy

Nắng mưa, sương gió nhuốm đầy

Yếu lần đến đỗi một ngày mòn hơi!...

 

Ngài cũng như nhiều người khác đương thời đã chủ trương hành xác để luyện tâm. Quả thật là các vị ấy đã luyện được tâm kiên định phi thường, nhưng thành tựu đó là không đáng kể gì so với Đạo quả giác ngộ giải thoát.

 

 

 

3. Sự giác ngộ mang tính cách mạng của Bồ-tát Tất-đạt-đa

 

Bồ-tát Tất-đạt-đa khi còn sống trong hoàng cung đã có điều kiện hưởng thụ dục lạc một cách sung mãn, nhưng Ngài cảm nhận hạnh phúc thế nhân mong manh. Sau khi vượt thành xuất gia, ngài trải qua những năm tháng tầm đạo đầy gian khổ, thực hành các pháp tu khổ hạnh, chịu đựng đói khát, lạnh lẽo, thân thể gầy mòn chỉ còn da bọc xương, mệt mỏi, đau đớn tột cùng, nhưng cảm giác bất an vẫn còn hiển hiện trong tâm thức.

 

Ngài nhớ lại kinh nghiệm trước kia, năm Ngài lên bảy tuổi, khi vua cha làm lễ Hạ điền, Ngài đã an trú Sơ thiền, nội tâm thanh thản nhẹ nhàng, thế mà nay thì ngược lại. Ngài nhận thấy mình đã đi không đúng đường, đã nghiêng hẳn về một phía cực đoan. Bồ-tát Tất-đạt-đa lúc ấy quyết định bỏ hẳn việc tu hành ép xác, ứng dụng thực hành pháp Trung đạo:

 

Chợt tỉnh ngộ, tức thời thấy rõ

Đạo chưa thành thân bỏ sao đang?

Độ đời nguyện lớn thênh thang

Mỏi mòn thể vóc đảm đang sao rồi?

Nghĩ cạn lẽ bèn thôi ép xác

Định ăn dùng đạm bạc, đơn sơ

Mỗi ngày một bữa ngọ trưa

Cũng vừa đủ sống lại vừa trau tâm.

Áo đã mặc nhiều năm rách rã

Lượm vải bô chầm vá khiếu khâu

Khẻ khằm từng miếng kế đâu

Thành y bá nạp ngỏ hầu che thân...

 

 Ngài ứng dụng thực hành pháp Trung đạo được thành tựu đạo quả. Sau khi thành tựu đạo quả, Ngài đã dạy con đường mình mới khám phá cho 5 người đệ tử đầu tiên, mà khi biên tập lại có tên là Kinh Chuyển Pháp Luân:

 

“Một thời nọ, lúc đức Thế tôn ngự tại vườn Lộc Uyển, xứ Isipatana, gần Ba-la-nại, Ngài dạy năm vị Tỳ-kheo như sau:

 

Hỡi này các Tỳ-kheo, có hai cực đoan mà hàng xuất gia phải tránh:

 

1. Sự dể duôi trong dục lạc là thấp hèn, là thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhơn, và vô ích.

 

2. Sự tha thiết gắn bó trong lối tu khổ hạnh là đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh nhơn, và vô ích.

 

Từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai đã chứng ngộ Trung đạo, là con đường đem lại nhãn quan và tri kiến, đưa đến an tịnh, trí huệ, giác ngộ và Niết-bàn.

 

Hỡi này các Tỳ-kheo, con đường Trung đạo mà Như Lai đã chứng ngộ, con đường đem lại nhãn quan, tri kiến và đưa đến an tịnh, trí huệ cao siêu, giác ngộ và Niết-bàn là gì?

 

Chính là Bát chánh đạo (con đường có tám chi) là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Hỡi này các Tỳ-kheo, đó là con đường Trung đạo Như Lai đã chứng ngộ.”.

 

Đây là bài kinh được đức Thế tôn xác chứng chỉ có con đường Trung đạo mới đưa đến cảnh giới Niết-bàn. Trung đạo mà Như Lai đã chứng ngộ chính là Bát chánh đạo.

 

 Khi mở rộng ra, thì Bát chánh đạo cũng chính là tất cả Phật pháp. Vậy tất cả những gì đức Phật dạy chúng ta không ngoài con đường Trung đạo.

 

 Trung đạo là chân lý tối thượng hướng hành giả đến quả vị Niết-bàn giải thoát. Giác ngộ Trung đạo của Bồ-tát Tất-đạt-đa mangtính cách mạng tư tưởng. Việc Bồ-tát Tất-đạt-đa quyết định theo con đường mới đã đưa đến một bước ngoặt quan trọng, từ đó chân trời Phật pháp được mở toang, ánh sánh Chánh pháp soi chiếu khắp nơi làm lợi ích cho chúng sanh vạn loại.

 

 

 

 

 

III. TRUNG ĐẠO LÀ TINH THẦN XUYÊN SUỐT TRONG BỘ CHƠN LÝ

 

 

 

1. Giới thiệu bộ Chơn Lý

 

Chơn Lý là bộ sách do đức Tổ sư Minh Đăng Quang viết trong khoảng 3 năm 1951 – 1953. Bộ sách này ngay từ đầu đã được Tổ sư viết ra với một dạng chung là những bài chơn lý, sắp theo số thứ tự Chơn lý 1, Chơn lý 2… viết xong có 69 bài. Đến khi Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ Việt Nam cho in kết tập lại thành bộ, đã lấy tên như lời Tổ sư gọi là bộ Chơn Lý.

 

Bộ Chơn Lý có 69 đề tài là những ý pháp mà trong thời gian 10 năm hành đạo đức Tổ sư đã thuyết giảng. Hầu hết các bậc trí thức có duyên đọc qua đều công nhận rằng: “Kho báu vô giá trong vũ trụ, ngoài bậc Phật ra chỉ là kẻ rờ mó bên ngoài, nay đức Ngài lại có cái chìa khóa và đã mở được cửa, mà ý pháp trong quyển Chơn Lý này là những vật báu trong kho ấy.”. Bộ Chơn Lý này là then chốt kho trí huệ vô cùng tận, gồm đủ tư tưởng Vũ trụ quan, Nhân sinh quan, Tâm thức, Lý sự, Nội ngoại, Trần duyên, Thật giả... Ấy là một chơn lý diệu huyền, một ánh quang minh chánh đại, một tinh thần siêu xuất với lý Chơn không rốt ráo và giải thoát hoàn toàn.

 

Trong Lời Cẩn Bạch nhân kỳ in lại Chơn Lý năm 1993, hòa thượng Giác Toàn đã nhận định:

 

“Mở đầu bộ Chơn Lý, chúng ta gặp ngay những đề tài trình bày những quan niệm khái quát về nguồn gốc con người, triết lý con người và thiên nhiên liên hệ giáo lý đạo Phật như: Võ Trụ Quan, Ngũ Uẩn, Lục Căn, Thập Nhị Nhơn Duyên, Có và Không, Sanh và Tử, Nam và Nữ v.v…

 

– Luận giảng về tư tưởng, hành động và nhân quả của con người có các quyển: Công Lý Võ Trụ, Giác Ngộ, Khuyến Tu, Đi Tu, Tu và Nghiệp, Ăn và Sống, Hột Giống, Sợ Tội Lỗi, Con Sư Tử, Sám Hối v.v…

 

– Luận giảng về đời sống đạo đức hay quan điểm xây dựng một xã hội an lành, hạnh phúc như xứ thiên đường, xứ Cực lạc tại nhân gian có các quyển: Trường Đạo Lý, Nguồn Đạo Lý, Đời Đạo Đức, Xứ Thiên Đường v.v…

 

– Giới thiệu pháp môn, phương pháp tu tập hầu đạt đến thân chứng và thành tựu quả vị nơi các quyển: Bát Chánh Đạo, Chánh Đẳng Chánh Giác, Y Bát Chơn Truyền, Nhập Định, Thần Mật, Sổ Tức Quán, Chư Phật, Phật Tánh, Chánh Pháp, Pháp Chánh Giác v.v…

 

– Mối liên hệ các tông phái và tư tưởng Đại thừa phát triển có các quyển: Tam Giáo, Tông Giáo, Đại Thừa Giáo, Đạo Phật, Pháp Tạng, Vô Lượng Cam Lộ, Quan Thế Âm, Đại Thái Thức, Địa Tạng, Pháp Hoa v.v…

 

– Đặc biệt về Giới luật và những pháp học căn bản cho Tăng Ni xuất gia Khất Sĩ thọ học có các quyển: Bài Học Khất Sĩ, Luật Khất Sĩ, Bài Học Sa-di, Pháp Học Sa-di I (Kệ Giới), Pháp Học Sa-di II (Diệt Lòng Ham Muốn), Pháp Học Sa-di III (Pháp Vi Tế), Giới Phật Tử (Bồ-tát Giới), Giới Bổn Tăng, Giới Bổn Ni v.v…”.

 

Như vậy, chúng ta thấy rõ là bộ Chơn Lý có phạm trù nội dung tư tưởng rất rộng. Nó xứng đáng là một bộ sách căn bản cho cả một hệ phái Phật giáo lớn ngày nay.

 

Xem Chơn Lý, ta nhận thấy tác giả thường đề cập đến Trung đạo. Dựa vào khung sườn Giới Định Tuệ để triển khai, ta có thể phân tích tư tưởng Trung đạo của bộ Chơn Lý qua những phần sau:

 

 

 

2. Trung đạo trong Giới luật

 

Với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” nên pháp hành của Ngài hoàn toàn đi đúng con đường Trung đạo. Ngoài các bài Giới Bổn Tăng, Giới Bổn Ni, Giới Phật Tử (Kinh Phạm Võng), Luật Khất Sĩ, Bài Học Khất Sĩ, Bài Học Sa-di... đức Tổ sư còn đề cập rất nhiều về giới luật Trung đạo qua các chủ đề như: Y Bát Chơn Truyền, Đời Đạo Đức, Hòa Bình, Pháp Học Sa-di 1, Pháp Học Sa-di 2, Pháp Học Sa-di 3... Ngài đã thực hiện đường lối Y bát chơn truyền, sinh hoạt Tăng đoàn như Tăng đoàn của Phật khi xưa, không ở một nơi cố định mà theo hạnh du hành, rày đây mai đó; lấy Tứ y pháp và Bát chánh đạo làm nền tảng cho pháp hành Trung đạo trong sinh hoạt của người xuất gia.

 

TỨ Y PHÁP: (còn gọi Tứ Thánh chủng)

 

1. Người tu xuất gia: chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày hội thuyết pháp được ăn tại chùa.

 

2. Người tu xuất gia: phải lượm những vải bỏ mà đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải đồ cũ thì được nhận.

 

3. Người tu xuất gia : phải nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều am nhỏ bằng lá một cửa thì được ở.

 

4. Người tu xuất gia : chỉ dùng cây cỏ vỏ lá làm thuốc trong khi đau, nhưng có ai cúng thuốc đường dầu thì được dùng.

 

Tổ sư giảng giải:

 

“Tứ y Pháp là chánh pháp của chư Phật mười phương ba đời, là giáo lý Y bát Khất Sĩ vậy. Con đường Khất sĩ đi đến quả Phật, kêu là Trung đạo Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, Trung đạo ấy là Tứ y pháp.

 

Tứ y pháp là pháp xuất gia, giải thoát ra khỏi nhà : ăn, mặc, ở, bệnh của hang ma lầm lạc. không thái quá bất cập, nhờ đó mà chư Phật mới đắc tâm chơn thành Phật, ngoài tứ y pháp thì không phải là đạo Phật, không phải là giáo pháp chánh chơn của Phật… Vì vậy Tứ y Pháp đứng đầu trong tạng Luật.

 

Tứ y pháp còn thì đạo Phật còn, Tứ y pháp mất là đạo Phật mất. Ai hành sái Tứ y pháp tức là tà pháp và thấy Tứ y pháp là thấy Phật hiện tại. Tứ y pháp là đạo Phật và ngoài bốn điều y ấy thì không có pháp nào dứt tham sân si được.

 

Vậy thì chúng ta nên phải thật hành đúng y Tứ y pháp, không nên viện lý lẽ gì bác bỏ đi cho được.”

(CL. Chánh Pháp)

 

“Nên phải tập sống theo phép không ta, không của ta theo lẽ thay đổi tiến hóa, người này nấu cơm người khác ăn, người kia may áo người nọ mặc, kẻ khác cất nhà người này ở, kẻ kia đau người nọ nuôi. Mỗi năm đổi một bộ áo cho nhau, hai năm đổi nhà cho nhau, đổi cha đổi mẹ, đổi anh em con cháu, đổi thầy đổi bạn, đổi học trò để sống chung sống chung học, theo Trung đạo chánh đẳng chánh giác vô thượng, để diệt bỏ vô thường tương đối của hai bờ lề thái quá bất cập khổ não không ta.”

(CL. Giáo Hội Tăng-già)

 

Ngày nay con người đã tiến bộ, không nên cố chấp trong giới luật mà dùng tam tịnh nhục, cần phải ăn chay. Ăn chay trở thành luật trong giới thứ chín của các Sa-di hệ phái Khất Sĩ. Ngày ăn một bữa, phải ăn chay, đây chính là ý pháp Trung đạo.

 

Tóm lại, Trung đạo trong Giới luật là: khôngkhổ hạnh cực đoan, không dung dưỡng thân xác, không rơi vào giới cấm thủ, không bỏ giới luật mà đức Thế tôn đã ân cần di giáo nơi Câu-thi-na trước giờ nhập diệt, không bị “Đại thừa hóa” mà trái với chơn lý giải thoát…

 

 

 

3. Trung đạo trong Thiền định

 

Trong Chơn Lý, phần định Trung đạo được đức Tổ sư giới thiệu trong các chủ đề Số Tức Quan, Nhập Định, Thần Mật, Pháp Chánh Giác v.v… Ngài quy định trú dạ lục thời:

 

“Niết-bàn thời khắc biểu – Trú dạ lục thời

 

1. 5 giờ tới 6 giờ sáng: Thiền định

2. 8 giờ tới 9 giờ sáng: Khất thực

3. 11 giờ tới 12 giờ trưa: Thực thời

4. 3 giờ tới 4 giờ chiều: Thuyết pháp

5. 6 giờ tới 7 giờ chiều: Thiền định

6. 12 giờ tới 1 giờ khuya: Thiền định”

 

Qua thời khóa biểu trên chúng ta nhận thấy đức Tổ sư chủ trương Trung đạo trong pháp tu tập thiền định, mỗi ngày ba thời thiền tọa, mỗi thời 1 giờ đồng hồ, không cần ngồi quá nhiều, quá lâu, nhưng lúc động hay tịnh đều không rời đề mục, không xao lãng.

 

Ngài chỉ rõ 4 phần chánh định:

 

“4 phần chánh định:

1. Sơ định: tầm sát, hỷ, lạc, tịnh, định.

2. Nhị định: hỷ, lạc, tịnh, định.

3. Tam định: lạc, tịnh, định.

4. Tứ định: tịnh, định.

(Ngũ định: định, đại định, Niết-bàn.)”

 

Chúng ta thấy 4 phần chánh định là những bậc định căn bản, không dùng tới định Vô sắc, trong sạch và an ổn hơn những tà định của ngoại đạo, nhưng cũng không cao tột quá. Ngay từ các định căn bản Ngài dẫn dắt chúng ta đến Ngũ định là Niết-bàn, pháp môn này rất đặc sắc.

 

Qua kinh nghiệm tu tập thiền định đức Tổ sư đã có nhận định rằng:

 

 “Sự tu hành cũng như ăn cơm để sống, vốn không mau chậm, nên chúng ta hãy chậm rãi mà đi... Sự nhập định là lúc đầu phải chấp để thực hành, tu tập đi tới, khi đã tới nơi yên lặng rồi, thì cảnh ấy là tự nhiên vắng lặng chơn như, chớ không còn có chấp hay không chấp chi cả...

 

...Nên tập ngồi một chỗ, trói chân kiết già, nắm tay lại. Ngồi ngay, miệng ngậm, cắn răng, đầu cúi mà chăm chú nơi một việc phải nào đó, mỗi ngày một hai lần theo sức vừa vừa, chớ đừng thái quá hay bất cập. chớ nên cố gắng quá hoặc lãng xao...

 

Điều phải tránh là trong khi nhập định chớ khá tranh đua ngồi nhiều ngồi ít, ngồi lâu ngồi mau, hễ qua khỏi tầm sát là đến hỷ, lạc, tịnh và định; hãy để tự nhiên cho nó định chớ đừng có ý muốn vọng tưởng...

 

Phép tu phải có động có tịnh tập lần từ chút cho quen, chớ khá ham mê thái quá mà ra tù túng bẩn chật. Mỗi khi ngồi phải thay đổi chỗ, phải tìm nơi thanh vắng hoặc nơi trống trải thấy được chân trời bằng nơi chỗ xao động phải ngồi day mặt vào vách, vào gốc cây, tốt hơn ban ngày ngồi dưới gốc cây, ban đêm ngồi nơi chỗ vắng, sáng thì phơi chút nắng, khuya nên hứng chút sương, phải thường xuyên thay đổi để không nhàm chán, nhưng không lìa xa mục đích, chính nhờ sự tinh tấn đó mà được kết quả vậy. Con đường chánh định là nơi cuối chót của chúng sanh.

(CL. Nhập Định)

 

Chơn lý Số Tức Quan, Ngài dùng lời văn bình dị thực tế khiến người nghe liền nhận được ý pháp:

 

“Số tức quan là Trung đạo, nấc thang của nhập định, trái ngược với sự vọng loạn. Số tức quan không bao giờ có nơi người còn thấy mình quan trọng địa vi, nặng nợ với xã hội, gia đình thế sự; không có nơi người còn muốn sống, thức, tưởng, nói làm thái quá bất cập.

 

Pháp tu tập có khó dễ khác nhau, nhưng chẳng có cách nào qua lẽ tự nhiên bình thường này, là người ta đừng cố chăm chú vào riêng hơi thở, nhưng mỗi lúc phải ngăn đón sự thái quá thở mạnh, cùng bất cập thở nhẹ, tức là phải giữ làm sao hơi thở mực trung điều hòa như sợi dây ngang thẳng không cho gợn sóng, như cái vòng tròn không cho móp méo. Nghĩa là không có tu luyện, mà phải làm sao cho hơi thở của thân, hơi thở của trí, hơi thở của tâm hòa nhau một mực, ấy là đắc đạo, đắc đại định, Trung đạo chánh đẳng chánh giác, đó là một pháp tu đúng chơn lý...”

 

Rồi như nói quá giản dị e người thực hành nghi ngờ, Ngài nhắc lại:

 

“Tất cả các phép tu, không có phép nào qua sự tự nhiên, vì tự nhiên chơn như là định, là Trung đạo, còn các pháp tu là dùng thái quá trừ bất cập, để đặng giữ cái Trung đạo tự nhiên chơn như định, chớ không phải tu là để tìm thái quá bất cập, hai bên lề. Bởi cái sống, biết, linh là ai cũng sẵn có, mà vì bị thái quá bất cập, là pháp ngăn che ám muội. Hiểu như thế tức là cũng như không có tu tập rèn luyện chi, miễn đừng thái quá bất cập vọng loạn, và không nên chấp có hơi thở, tưởng đếm chi số tức quan.”.

(CL. Số Tức Quan)

 

Đọc đến những dòng này chúng ta hiểu được việc tu hành không gì khác hơn là cân bằng đời sống, điều chỉnh thân tâm, sống theo lẽ tự nhiên, thiên nhiên. Không có pháp thiền Tiểu hay Đại, mà tùy nghi ứng dụng để rèn tâm cho hành giả…Không để cho ngoại cảnh tác động mất đi sự an lạc nội tâm, nỗ lực hành trì thiền định đúng hướng, trong quá trình tu tập sẽ đem lại những lợi ích cho mình thân thể ít bệnh, trí tuệ minh mẫn, nhiều an vui, nâng cao phẩm chất của tâm hồn.

 

 

 

4. Những giác ngộ Trung đạo (Huệ)

 

Trong lĩnh vực trí huệ, trong bộ Chơn Lý đức Tổ sư trình bày rất nhiều trong các chủ đề như Võ Trụ Quan, Ngũ Uẩn, Chánh Kiến, Có và không, Sanh và tử, Nam và Nữ, Chánh Pháp, Công Lý Võ Trụ, Thập Nhị Nhân Duyên, Bát Chánh Đạo...

 

Chơn lý Bát Chánh Đạo, Tổ sư phân tích:

 

“Bát chánh đạo là con đường Trung đạo dẫn dắt chúng sanh ra khỏi sanh tử luân hồi, con đường này không ngoài Giới, Định, Huệ. Ba chi phần này giữ gìn ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh để tăng trưởng định và tuệ. Bởi các chi phần chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng thuộc về giới. Các chi phần chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định thuộc về định có công năng làm tăng trưởng tuệ và giới. Các chi phần chánh kiến chánh tư duy thuộc về huệ; chính là sự hiểu biết đúng như thật về tứ Thánh đế để tăng trưởng giới định. Bởi tu học Phật pháp tuy có nhiều pháp môn, nhưng tựu trung không ngoài tam vô lậu học Giới, Định, Huệ.”

 

Đức Tổ sư đã khẳng định:

 

“Khất sĩ chỉ có ba pháp tu vắn tắt là Giới, Định, Huệ. Bởi giữ giới y bát là giải thoát mọi điều trói buộc, phiền não ô nhiễm rồi nên hằng được thong thả rảnh rang, ở trong cái thật, cái không xao động, chỉ có nhập định và tham thiền, tức là vừa tìm học trong trí não, vừa để tâm yên lặng đứng ngừng, gọi là tâm nghỉ ngơi trí làm việc, khỏe làm mệt nghỉ. Khi trí làm thì năng sanh định, lúc tâm nghỉ thì phát thần thông, cho nên quả linh và đạo lý tiến triển nhiệm mầu.”

(CL. Y Bát Chơn Truyền)

 

Trong nhiều bài Chơn lý Ngài đã tùy nghi giải bày về Trung đạo:

 

“Chơn lý của sự đời là thiện ác, là sự phải và trái hai bờ lề hai bên của thái quá bất cập, chớ chưa phải là đạo tuyệt đối nơi chính giữa. Nhưng bờ lề ấy cập hai bên đường và chạy đi xa dài theo đường kêu là tiểu đạo, nếu không có đường hai bên bờ lề ấy, thì con đường lớn đại đạo nơi chánh giữa cũng không sao có được. Vậy nên, thiện ác là đời, còn đạo là ở giữa nơi thiện ác, sống chết, vui khổ, thiên đường, địa ngục...”

(CL. Học Chơn Lý)

 

“Phải dung hòa, không sở chấp, mực giữa hãy tạm đi mới là xuôi thuận. Kìa chư Phật dạy: phép định huệ song tu, có động có tịnh, có đạo có đời, đạo đời hiệp một, động tịnh không hai, định huệ chẳng khác, ấy mới kêu là đạo, đạo là một, một lẽ giữa mới kêu là Trung đạo.

 

 Phải vừa tu học vừa cứu độ chúng sanh, cũng như có cứu trước mới có độ sau, hai pháp phải đi đôi, mới tạo ra con đường chính, chính giữa mực trung kết quả được; chính xưa kia Phật dạy phép tu là ở giữa ta và người, có hành phải có trụ, hành trụ phải đi đôi mới phải đạo. Thế tức là chúng ta phải có nói có làm, có ngủ có nghỉ đi đôi mà ý không cố chấp, mới thật là tiến lên đạo đức, đó là lý Trung đạo.

 

“Pháp tà là pháp khổ, pháp chánh là pháp vui. Pháp chánh giác là Trung đạo giải thoát khổ; pháp tà là biên kiến bờ lề, ứ nê té sụp, nên gọi pháp chánh là pháp sống, pháp thông lưu, pháp bình yên ích lợi quý báu hơn tà pháp, nhưng cũng thảy đều là tạm.”

 (CL.Pháp Chánh Giác)

 

“Trung đạo, không bỏ bên này cũng không lấy bên kia. Trung đạo chỉ giữ thường nơi mực giữa. Giáo lý của Trung đạo, cốt yếu đem lại chữ hòa cho tất cả, tức là chơn lý của võ trụ.

 

Đời sống của bậc chánh đẳng chánh giác Trung đạo thật là vô thượng tối cao, cái cao không tự đắc tự tôn ... ta có thể nói đó là kẻ mà bao giờ cũng biết mình cũng có hơn người mà cũng có thua người vì vậy mà họ giải thoát tự do ... và được thành công trong mọi việc, điều chi cũng được như ý.

 

Cái sức mạnh của bậc chánh đẳng chánh giáclà không bao giờ khoe khoang hay khiêm nhượng, chẳng muốn hơn ai và chẳng hề sợ ai, nhất là không mê lầm sa ngã, xu hướng theo một lề lối, nẻo quanh co nào.

 

Giáo lý của Trung đạo, cốt yếu để đem lại chữ hòa cho tất cả, tức là chơn lý của võ trụ. Cũng như gò đất cao thì chan sớt vào trủng thấp, cao phải lấy bớt, thấp phải đầy lên để cho được bằng nhau mới là yên tịnh... Sự tương đối ấy là giác ngộ để mở trí dạy học, cho thấy rõ đạo chánh đẳng Trung đạo là công bằng đứng vững, chơn lý ấy dạy rõ sự thật trước mắt của chúng ta, nơi chúng sanh, vạn vật và các pháp đang sẵn có trong đời, cho nên ai ai cũng đều thấy đạo, được học và hiểu biết rằng: Chơn lý tức là công lý, hay là Trung đạo chánh đẳng chánh giác vậy”

(CL. Chánh Đẳng Chánh Giác)

 

Ngài nói chư Phật ba đời đều là Khất sĩ, nếu không làm du Tăng để xin ăn tu học thì dễ gì được đến đạo quả Vô thượng sĩ ngày mai. Vả lại sự xin ăn không phải là hèn kém xúc phạm đến phẩm giá đạo hạnh của con người, chẳng qua là sự bài trừ giai cấp, đem chỗ dư bù vào chỗ thiếu, trao đổi chan hòa cho nhau, xin ăn để học đạo rồi truyền bá chánh pháp trong khắp chúng sanh, đó là sống đúng theo Chơn lý của võ trụ:

 

“Đoàn du Tăng hay thuyền tế độ, lúc nào cũng đang bọc gió rẽ nước giữa dòng sông, đứng trung giang của đời và đạo. Mục đích là đang tu tìm học, học để mà tu, vì đạo quả tương lai hơn là hiện tại. Khất sĩ là con đường tạm để đi đến nơi chơn thật. Kìa đoàn du Tăng khất sĩ là con đường tạm hiện tại để đến nơi chơn thật.”.

 

“Người khất sĩ châu du khắp thiên hạ, để lập lại thăng bằng giữa cán cân công lý trong vũ trụ, mà xã hội loài người đã làm cho thiên lệch đi. Phương pháp khất thực của nhà du Tăng khất sĩ là một giáo lý bình đẳng đại đồng, xin ăn là từ bi hỷ xả, là trí huệ thông minh cõi lòng mát dịu thấu rõ được chân trời bao la trong võ trụ và am hiểu đạo lý tận tường.”.

(CL. Đạo Phật Khất Sĩ)

 

Qua lời dạy của Ngài chúng ta biết phải ứng dụng pháp Trung đạo tu tập để trừ cái tự cao, kiêu mạn của bản ngã, lấp cái thấp hèn của tham muốn dục vọng, giữ nơi mực giữa mới giác ngộ được Chơn lý. Đây là con đường Trung đạo chơn truyền của đức Thích-Ca.

 

Thuyết minh về tư tưởng Bát-nhã Ba-la-mật-đa, trong bài Chơn Như đức Tổ sư có viết:

 

Bát-nhã Tâm Kinh – bài kinh nghiệm của tâm, trong cái chơn không, có mực trung không vọng động, không cố chấp, nên không có sanh già bệnh chết, cũng không có sắc thọ tưởng hành thức, không nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, không cả Khổ Tập Diệt Đạo, như vậy thì không có pháp. Bởi vì tâm định chơn như tức là Niết-bàn Phật rồi, giác ngộ như thế nên không còn chi tìm cầu nên mới thành Phật, ba đời chư Phật cái tâm đều y như vậy nên mới thành Phật. Đó là cái trung tâm, trụ cốt, chỗ đến đặc điểm của chúng sanh.

 

Vậy thì chơn như là tích, các pháp là tiêu, có hai bên bờ sông có cao có thấp, có có, có không, có chơn, có vọng mới có sự giác ngộ của con người. Do đó mà chúng sanh trước hết phải bỏ cái nầy lấy cái kia, sau khi được kia rồi là sẽ đến mực giữa đễ dắt đẫn cho kẻ sau đi tới, cái giữa ấy mới đúng là chơn như đạo đức...”

(CL.Chơn Như)

 

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang – tác giả bộ Chơn Lý là người đã khai mở một con đường với tôn chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, do đó nội dung tư tưởng bộ sách Ngài viết đều không ngoài con đường Trung đạo của đức Phật. Có nhiều ý pháp trong Chơn Lý đề cập đến tinh thần Trung đạo mà trong bài viết này còn giới hạn không thể nào nêu lên đầy đủ được. Xin mọi người hãy xem thêm bộ Chơn Lý, chắc chắn sẽ còn nhiều ý pháp quý báu mà ý lời cạn cợt của chúng tôi chưa diễn bày hết.

 

 

 

 

 

IV. HIỆN NAY CHÚNG TA CÓ RƠI VÀO THÁI QUÁ HOẶC BẤT CẬP KHÔNG ?

 

Giáo lý Khất Sĩ, con đường Trung đạo Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, do Tổ sư Minh Đăng Quang vạch ra thật quá cao thâm; nhưng hiện nay phải khách quan nhìn nhận, cách sinh hoạt của Tăng Ni không còn hành đúng theo truyền thống như lúc Tổ sư còn hiện diện.

 

 Với bối cảnh đất nước hòa bình thống nhất, Phật Giáo Việt Nam đầy đủ thuận duyên để thống nhất các hệ phái thành một Giáo Hội duy nhất, có đầy đủ pháp nhân, pháp lý. Đây là một điều kiện tốt để Hệ phái Khất Sĩ phát triển trong lòng GHPGVN, trong thời đại đất nước hòa bình. Nhưng đây cũng là một thử thách lớn đối với thế hệ Tăng Ni trẻ, chưa gắn bó và thấm nhuần với truyền thống giáo pháp.

 

Hiện nay Tịnh xá đạo tràng được phát triển, Hệ phái chú trọng đào tạo thế hệ Tăng Ni sinh trẻ có đủ trình độ và năng lực phục vụ cho tổ chức giáo hội. Nhưng việc này cũng có mặt khuyết: Thế hệ trẻ xuất gia nhiều hơn, học tập tốt hơn nhưng tu hành kém hơn. Tính thanh tịnh trang nghiêm của đạo tràng và phẩm chất thiền vị của Tăng Ni bị giảm sút trong tứ oai nghi và bị xã hội hóa nhiều hơn. Tăng Ni mãi lo những việc hình thức hữu vi nên có phần nào xao lãng thiền định, giảm sút tính chất giải thoát so với thời kỳ đầu Tổ sư lập đạo.

 

Bị chi phối trong quá trình hội nhập, để thích ứng với xã hội, đạo tràng không còn là nơi tạm ngụ hành đạo, Tịnh xá đã trở thành giáo sản của giáo hội. Tịnh xá hiện nay phần nhiều xây dựng kiên cố, có nơi quá chú trọng về mặt phát triển hình thức nên tuy không là trụ sở giáo đoàn hay di tích quan trọng mà cũng xây dựng quá quy mô, trang trí cầu kỳ, làm mất đi nét thanh bần đơn giản của Hệ phái.

 

Ngày nay nhiều nơi chú trọng nhiều đến công tác từ thiện xã hội, nên đã biến tịnh xá thành nơi nuôi dạy trẻ, nuôi dưỡng người già, thành cơ sở kinh tế... Tịnh xá không còn gìn giữ được tính thanh tịnh thuần khiết của giáo pháp. Đạo tràng xây dựng khang trang, nhưng sinh hoạt hướng dẫn cư gia tu tập không đồng nhất, có nơi còn giữ được truyền thống cúng hội 2 hoặc 4 ngày mỗi tháng, nhưng có nơi lại không duy trì nổi, hoặc chỉ phát triển đạo tràng Bát quan trai hay niệm Phật.

 

Do tình hình an ninh trong xã hội, Hệ phái tùy duyên hành đạo, pháp Tứ y không còn được thực hành nghiêm túc. Truyền thống đổi chỗ ở của Tăng Ni là một truyền thống tốt đẹp giúp người thực hành dễ dàng xả bỏ ngã chấp đã không còn được thực hiện. Hạnh trì bình khất thực cũng bị hạn chế, đã tạo thành nếp quen sinh hoạt trong nhiều năm... Tăng Ni tân học chưa tiếp nhận, chưa biết được truyền thống quý báu của Tổ Thầy, chưa biết rõ pháp hành Trung đạo, nên cách sinh hoạt không được như xưa.

 

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang cảnh tỉnh trong Chơn lý Đạo Phật Khất Sĩ: “Mục đích của chúng sanh là tu học, để cho đắc quả, chớ không phải lập bè kết bạn, mà cần phải tính cho nhiều.”. Do đó mong rằng những người xuất gia cũng như tại gia có duyên với Giáo pháp Khất Sĩ hãy duy trì truyền thống, luôn tinh tấn tu học, gìn giữ phẩm hạnh, với chí nguyện thiết tha giải thoát, để giới thân huệ mạng luôn được tăng trưởng trong Giáo pháp. Đừng rời xa Trung đạo, nếu rời xa Trung đạo ắt rơi vào lối mòn thái quá – bất cập của thế nhân.

 

 

 

 

 

 V. KẾT LUẬN:

 

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang phối hợp tinh hoa của hai phái Bắc và Nam truyền, tự thân mình thực nghiệm Trung đạo qua cách hành trì giáo lý Y bát, là một giáo pháp thật ngộ, thật chứng chứ không phải là một lý thuyết suông. Pháp ngữ Ngài ghi lại trong bộ Chơn lý có nội dung thật phong phú, ý pháp thật uyên thâm. Nếu không phải là người đã từng trải nghiệm, thì không thể nào diễn tả được một cách rõ ràng, mạch lạc từng ý pháp, phương cách hành trì và cả niềm vui trong pháp lạc như thế.

 

Bằng trí tuệ chứng đạt chơn lý, đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã thành lập Giáo pháp Khất Sĩ, đi đúng con đường của chư Phật ba đời: con đường Trung đạo. Con đường đó là pháp môn tu tập, là nghệ thuật sống đưa chúng ta đến chỗ giác ngộ, vượt ra ngoài bao hệ lụy của đời người, vượt ra ngoài mọi sự kiềm tỏa, chi phối của ngũ dục và tà kiến, vô minh; vượt ra ngoài lối sống hưởng thụ hay khổ hạnh… Trung đạo là đời sống tri túc, là con đường chân chánh thành tựu đạo quả, xa lìa các cực đoan thường – đoạn, hữu – vô, sanh – diệt, phải – quấy, thiện – ác, đại – tiểu, Nam – Bắc...

 

Gồm đủ Giới Định Huệ Trung đạo như đỉnh có ba chân, là nền tảng vững vàng để phát triển trí tuệ và thành tựu phạm hạnh giải thoát. Giới Trung đạo là nền tảng để phát sanh định tuệ, Định Trung đạo để phát sanh tuệ giới và Tuệ Trung đạo để chúng ta tăng trưởng giới định. Đây chính là Bát chánh đạo, là đạo lộ, là phương tiện duy nhất đưa chúng ta tới Niết-bàn; cũng chính là Chơn lý của vũ trụ nhân sanh!Chính từ những yếu tố đó, bộ Chơn Lý của đức Tổ sư Minh Đăng Quang hàm chứa đầy đủ tinh thần Trung đạo.

 

Mặc dù ngôn ngữ hữu hạn nhưng với tấm lòng tôn kính vô biên hướng về đức Tổ sư, chúng tôi xin phương tiện dùng ngôn ngữ để điểm lại lời pháp nhũ vô giá trong bộ Chơn Lý. Mong rằng những điều chúng tôi nêu ra có thể góp phần tuyên dương giáo pháp thậm thâm vi diệu mà đức Tổ sư đã để lại cho cuộc đời, cho nhân loại.

 

Kính thưa quý vị,

 

Bao năm thọ nhận sự dìu dắt của Ân sư, đã bao lần giở xem bộ Chơn Lý của đức Tổ sư Minh Đăng Quang, cứ mỗi lần đọc chúng tôi lại sáng thêm, lĩnh hội được ý pháp thâm sâu. Nay chúng tôi trình bày một số kiến giải của mình trước đại chúng. Mong rằng tinh thần Trung đạo trong bộ Chơn Lý của đức Tổ sư Minh Đăng Quang tùy duyên lành sẽ ít nhiều góp phần soi sáng con đường dẫn đến chánh pháp cho mỗi người con Phật.

 

Bài tham luận này có phải là những phát biểu chủ quan hay không, kính xin Chủ tọa đoàn cùng đại chúng tùy hỷ và vui lòng đóng góp ý kiến thảo luận.

 

Xin chân thành tri ân quý vị đã lắng nghe.

 

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật!

 

-------------------------------------------------

Các bài liên quan