NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Tấm lòng vàng / Thấy người bị nạn thì xáp vô cứu thôi!

Tâm Nguyên , Thứ Năm 06-02-2014

 

Thấy người bị nạn thì xáp vô cứu thôi!

 

Đình Phú

 

Đó là tâm sự của ông Ngô Văn Hồng (54 tuổi) khi đón nhận thư khen của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vì đã có hành động dũng cảm cứu hơn 50 người trong vụ cháy rụi tàu cánh ngầm Vina Express 01 vào trưa 20/1/2014.

 

 

 

Gia đình ông Hồng đón nhận thư khen của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

 

 

Sáng 5/2, thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy Ban Nhân Dân Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức đoàn công tác trực tiếp xuống ấp Bà Nghĩa, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An trao tặng thư khen của Chủ tịch nước cho gia đình ông Ngô Văn Hồng.

 

Khi xảy ra vụ cháy rụi tàu cánh ngầm Vina Express 01 (số đăng ký SG 3837, thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Tàu cao tốc Vina; trên tàu có tổng cộng 92 người, bao gồm 85 hành khách, trong đó có 37 hành khách nước ngoài) trên sông Sài Gòn, Tp. HCM (cách cầu Phú Mỹ, Q.7 về phía thượng lưu khoảng 2km) vào trưa 20/1/2014, ông Hồng cùng vợ là bà Huỳnh Thị Nhan và con trai Ngô Huỳnh Long đang trên ghe bán nước gần đó đã khẩn trương đến hiện trường tham gia cứu hộ và đã cứu được hơn 50 người.

 

Khi đón nhận thư khen của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông Hồng chia sẻ: “Tui nghĩ tính mạng con người là quý nhất. Khi thấy mọi người bị nạn thì cứ xáp vô cứu thôi, chứ không hề nghĩ là sẽ được khen thưởng.”.

 

Cùng ngày, đoàn công tác của UBND Tp. HCM cũng đã đến ấp 5, xã Bình Xuân, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang trao thư khen của Chủ tịch nước cho vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Thủy (36 tuổi) và anh Trần Văn Có (39 tuổi).

 

Vợ chồng chị Thủy sống bằng nghề mưu sinh trên sông nước, khi tai nạn xảy ra cũng đã tích cực cứu vớt được 15 người trên tàu Vina Express 01.

 

 
 

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy kể lại thời khắc tham gia ứng cứu người bị nạn

 

 

Tuy nhiên, vợ chồng chị Thủy chưa có tên trong đợt khen thưởng đầu tiên (Thanh Niên ngày 23/1 đã có bài phản ánh) nên UBND Tp. HCM đã tặng bằng khen bổ sung, kèm số tiền thưởng 10 triệu đồng.

 

Chị Thủy cho biết bản thân chị không biết bơi, nhưng trước tình thế nguy cấp của hành khách tàu Vina Express 01 đang chới với giữa sông, bằng kinh nghiệm của mình, chị đã bình tĩnh cùng chồng lần lượt cứu vớt từng người chuyển lên ghe của mình an toàn.

 

“Hôm tai nạn xảy ra, thấy khói lửa bốc lên dữ dội quá, mọi người nhào hết xuống sông, vợ chồng tôi liền chạy đến gần hiện trường. Khi nghe một giọng nữ thảng thốt kêu lên: “Chị ơi, cứu em! Em đang mang thai.”, tôi chẳng biết sợ là gì nữa…”, chị Thủy nhớ lại.

 

Chị Thủy nói thêm: “Sống trên sông nước, thấy rủi ro, nguy hiểm gì cũng cứu hết chứ không riêng gì vụ này.”.

 

 

Góp phần làm sáng thêm truyền thống Nhân ái

 

Trong thư khen của Chủ tịch nước gửi đến các gia đình nói trên, có đoạn viết: “Việc cứu giúp người trong sáng, vô tư của gia đình các ông bà góp phần làm sáng thêm truyền thống Nhân ái, thương người như thể thương thân của dân tộc Việt Nam; làm đẹp thêm hình ảnh con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.”.

 

Trực tiếp trao thư khen của Chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Như Thủy, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Tp. HCM đã bày tỏ lòng cảm kích trước nghĩa cử của gia đình ông Hồng và gia đình chị Thủy.

 

Trong khi đó, trung tá Lê Công Thức, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Đường thủy Công an Tp. HCM khẳng định: “Khi tai nạn xảy ra, có nhiều phương tiện của lực lượng chức năng đến ứng cứu, nhưng sự có mặt kịp thời, không ngại hiểm nguy và ứng cứu hiệu quả của các gia đình đã giúp ích rất nhiều. Và kết quả là không để xảy ra trường hợp nào bị đuối nước.”.

 

 

 

Mơ ước có một mái nhà

 

        Theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online, cuộc sống hiện tại của anh Ngô Huỳnh Long khá khó khăn. Long đã có vợ và 2 đứa con, do không có nhà cửa nên thường xuyên phải ở trên ghe, rong ruổi trên sông nước từ Long An đến Tp. HCM bán nước, thức ăn cho các sà-lan hoạt động dọc sông Sài Gòn.

 

       Mơ ước có một mái nhà để ổn định cuộc sống của gia đình anh Long không biết bao giờ có thể thực hiện được vì thiếu tiền, việc mưu sinh bấy lâu nay chỉ đủ đắp đổi qua ngày.

 

        Vợ chồng ông Hồng cũng mưu sinh trên trên sông nước để nuôi cha mẹ già đã 90 tuổi.

 

        Vợ chồng chị Thủy có 3 người con, 2 đứa con đầu (Trần Thị Mỹ Hương 13 tuổi và Trần Văn Phú 11 tuổi) ở với ông bà nội (ngụ xã Bình Xuân) để đi học; đứa con út Trần Văn Quý, 3 tuổi, hằng ngày theo cha mẹ rong ruổi trên các ngã sông để mưu sinh.

 

 

 

KS. Minh Bình cập nhật

Nguồn: Thanh Niên Online, ngày 5/2/2014.

Các bài liên quan