NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Tư tưởng - Văn hóa / TRÍ & THỨC

Tâm Nguyên , Thứ Tư 29-01-2014

      TRÍ & THỨC      

 

KS. Minh Bình

 

Trong Phật pháp, Trí khác với Thức. Quan niệm về Trí và Thức của Phật pháp sẽ được trình bày mang tính cách đối thoại với hàng trí thức ngày nay trên thế giới, trong bài viết này.

 

Xét từ “Trí thức”, khi được dùng “có vẻ trí thức” thì nó là một tính từ, mô tả người có gương mặt, thần thái có vẻ hiểu biết nhiều, người có tác phong như một học giả, một nhà nghiên cứu... “Trí thức” cũng là một danh từ được dùng phổ biến, ví dụ: “người trí thức”, “báo Trí Thức”, “diễn đàn Trí thức Việt Nam”, “nhà xuất bản Trí Thức”… Ngày nay, nói về địa vị xã hội thì có giới thượng lưu, trung lưu, bình dân; nói về vai trò xã hội thì có người lãnh đạo, kẻ thi hành; còn nói về nghề nghiệp thì có giới trí thức khác với giới lao động tay chân. Quan niệm giới trí thức đã được thống nhất: “Người trí thức là người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất  định, có năng lực tư  duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.”.

 

Vậy Trí và Thức đã được mọi người dùng chung trong một từ, theo một quy ước sinh ngữ, thích hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại. Nhưng nhà Phật dùng 2 từ này riêng, với những ý nghĩa khác nhau.

 

Trong Phật pháp, Trí là sự hiểu biết như thật, Thức là sự hiểu biết ước chừng; Trí là cái biết trực tiếp của chân tâm, Thức là cái biết qua trung gian suy lường của ý; Trí ví như gươm bén hay cắt đứt mọi điều trói buộc tâm, Thức ví như con khỉ có công đứng đầu mà tội cũng như thế (Công vi thủ, tội vi khôi.); Trí được thuyết minh qua nhiều kinh như Kinh Kim Cương, Thức được hệ thống trong Duy Thức học; Trí được đại biểu bởi Đại Bồ-tát Văn Thù, Thức có hình ảnh đại diện là Bồ-tát Vô Tận Ý; Trí được phân tích thành nhiều loại, Thức cũng được chỉ ra rõ ràng; Trí là hào quang sáng hơn cả mặt trời (siêu nhật nguyệt quang), Thức là ngọn đèn trong ngôi nhà nhỏ (đăng tiểu thất)…

 

Ví dụ: Đức Phật dạy rằng địa cầu này đang ở tiểu kiếp thứ 29 trong chu kỳ 80 tiểu kiếp của nó, với một tiểu kiếp gần 16.800.000 năm, và nó còn phải chờ đợi sự xuất hiện của 996 đức Phật nữa thì mới hoại diệt. Còn các nhà khoa học cố gắng nghiên cứu, đối chiếu, cân nhắc một kết luận khả dĩ rằng địa cầu này đã tồn tại mấy tỷ năm và còn sống mấy tỷ năm nữa, ngày 21/12/2012 là một ngày rất đáng lưu ý… Nhìn một hoa hồng, Trí Bát-nhã biết nhân như vậy, quả như vậy, trước sau như vậy của nó; còn một nhà khoa học sẽ dùng máy để đo chất liệu của hoa, dùng cân để tính độ nặng nhẹ, dùng thước để biết dài ngắn, hỏi han mọi người để biết nguồn gốc của hoa… Đức Phật dạy: Sanh, già, bệnh, chết là khổ! Đây là lời phát biểu của người đã thoát ly khỏi chữ “Con” trong 2 chữ “Con người”. Nhưng nhân loại ưa thích thân thịt xương hữu hạn, nên cả đời lo cưới hỏi, sanh nở, ăn mặc ngủ nghỉ bận rộn mỗi ngày, khóc cười lẫn lộn suốt nhiều năm tháng, đến già vẫn lẩn quẩn trong nhà ngoài ngõ… Đại khái Trí và Thức có những sai khác như thế.

 

Trí được liệt kê ra nhiều: 2 trí căn bản và sai biệt, 3 trí thứ lớp, 4 trí chuyển hóa từ 8 thức, 6 trí thần thông (lục thông), 10 trí như vậy (thập như thị), Trí không thầy (Vô sư trí), Trí tự nhiên… Ví dụ 3 trí thứ lớp: là Trí do tiếp thu (Văn tuệ), Trí do tư duy (Tư tuệ), và Trí do thể nhập chân lý (Tu tuệ). Tiếp thu những lời dạy của các bậc trí tuệ, ta học được nhiều điều vô cùng quý giá. Đây là trí tạm mượn, năng lực có hạn. Khi chú ý quan sát, chiêm nghiệm, tư duy về mọi điều, ta sẽ có được trí tuệ, nhưng trí này không tránh khỏi chủ quan, theo góc thấy không đồng. Nếu tu hành đạt được định, tâm thể nhập chân lý, thì trí tuệ Bát-nhã chân thật được phát huy, có được những hiểu biết đúng đắn.

 

Phật học căn bản đã trình bày 12 nhân duyên hình thành một vòng sống của con người qua 3 đời quá khứ - hiện tại - vị lai: Vô minh - Hành - Thức - Danh sắc - 6 Nhập - Xúc - Thọ - Ái - Thủ - Hữu - Sanh - Già chết… Trong chuỗi nhân duyên đó, Thức là cái đã đi tái sanh để nhận lấy một tổ hợp Thân tâm (Danh sắc) mới trong hiện tại, còn Vô minh là cái tâm ngu si ở đời quá khứ, cái tâm xu hướng về một thân thể hữu hình, đã khởi lên Hành vi ham luyến ái, từ đó đưa đến tái sanh.

 

Thức khởi là Vô minh khởi. Khi thiền sư Triệu Châu Tùng Thẩm phát biểu: “Lão Tăng niệm Phật một câu là phải súc miệng 3 ngày!”, thì câu nói đó phải có ngữ cảnh của nó, mang ý nghĩa riêng của người nói và người nghe lúc ấy, không thể được hiểu cho mọi trường hợp. Chính ngài cũng đã bộc lộ tác phong sống của mình trong một câu nói khác: “Lão Tăng ngoài bữa cơm cháo ra thì cả ngày không tạp dụng tâm.”. Tức là ngài an tâm vào định suốt ngày đêm, chỉ có lúc ăn cơm ngài mới khởi tâm để ghi nhận công lao của thí chủ và hồi hướng công đức cho họ. Ngài thật là người vô sự, nhưng cái tâm Triệu Châu khởi lên lúc đó là Trí hay là Thức?

 

Duy Thức học phân tích: mỗi người có 8 thức chủ (tâm vương), nếu khéo tu Duy Thức quán sẽ chuyển thành 4 trí. Tám thức là sự thấy (nhãn thức), sự nghe (nhĩ thức), sự ngửi (tỷ thức), sự nếm (thiệt thức), sự rờ (thân thức), sự tưởng (ý thức), sự hiểu (mạt-na thức), và sự biết (a-lại-da thức). Năm thức của mắt, tai, mũi, lưỡi và thân chuyển thành Trí thành sự (Thành sở tác trí), Thức ý chuyển thành Trí giỏi xem xét (Diệu quan sát trí), Thức mạt-na chuyển thành Trí bình đẳng (Bình đẳng tánh trí), và Thức a-lại-da chuyển thành Trí gương tròn lớn (Đại viên cảnh trí). Cả 4 trí đều là một trí tuệ. Kẻ mê dụng thức, người giác ngộ dùng trí, lúc dùng trí là khởi tâm, lúc tâm không khởi là định.

 

Khi viết về đề tài Sanh & Tử, Tổ sư Minh Đăng Quang đã trình bày những giác ngộ của mình qua thể tài vấn đáp: “Cái gì là chúng sanh? – Cái Biết là chúng sanh. – Cái gì sống chết? – Cái Biết sống chết…”. Như vậy “Chúng sanh” – đối tượng giáo dục của nhà Phật – không phải là những hình hài muôn loại đang hiện hữu trên quả đất, mà là những cái Biết cao thấp sai biệt đang sống trong 3 cõi 6 đường. Ngay từ đầu bài viết tác giả Minh Đăng Quang đã xoáy sâu vào trọng tâm, hướng người đọc đến lối tư duy siêu hình của Phật pháp. Ai cũng biết định nghĩa chính của Phật pháp là thuốc chữa mọi tâm bệnh của chúng sanh, là hệ thống giáo lý dạy về tâm, là những phương pháp tu tập tâm. Phật pháp được nhìn nhận siêu hình chứ không ở hình thức. Chính đức Phật Thích-ca đã phát biểu về đạo của ngài trong Kinh Kim Cương:

 

Nếu thấy ta nơi sắc,

Tìm ta chỗ âm thanh,

Người ấy hành đạo tà

Không thể gặp Như Lai!

 

Trong lời dạy cho Vakkala, một vị khất sĩ quá yêu thích thân tướng của đức Phật, đức Phật đã khẳng định: “Ai thấy Pháp là thấy Như Lai. Ai thấy Như Lai là thấy Pháp.”. Cái thân tướng tốt đẹp phi thường của đức Phật không thể được xem đó là ngài!

 

Xin nêu thêm một số ví dụ thực tế về lối tư duy siêu hình của Phật pháp: Một con gà mẹ quan tâm chăm sóc, thương yêu đàn con khờ dại của nó, ra sức bảo vệ con trước một con chuột cống, thì hành vi của con gà mẹ đó chứng tỏ nó là người, bởi tâm đức nhân từ bao dung. Một cô bảo mẫu quăng đứa trẻ đang quấy rầy xuống sàn nhà, dùng chân chà đạp lên em nhỏ đáng thương, thì hành vi của cô ta lúc đó thể hiện tính cách của quỷ dạ-xoa, quỷ la-sát. Hoặc một chú phụ xe tán tỉnh một cô gái trẻ trước mặt bao hành khách: “Đừng gọi là anh, nghe “xa” quá. Gọi anh là con chó đi, nghe “gần” hơn!”, thì chẳng biết kẻ ấy đang muốn gần và xa cái gì, nhưng chỉ biết chung rằng đây chẳng phải người! Ba cảnh người, quỷ, chó được nói đến ở trên và nhiều cảnh giới khác nữa được Phật pháp gọi chung là “cõi pháp” (pháp giới), là những cõi ứng hiện theo tâm, mà khi thành một hình hài thật là lúc đang lãnh quả báo rồi: gà mái thành người mẹ, cô bảo mẫu thành quỷ, chú phụ xe thành chó con…

 

Trong quyển Kinh Kim Cang của hòa thượng Tuyên Hóa giảng giải, hòa thượng có dạy: “Biết dùng thì có giới, định, tuệ. Không biết dùng thì có tham, sân, si.”. Lời dạy này đề cập đến dùng cái gì? – Dùng tâm. Người ta tham lam, sân giận, ngu si không thể nói là tại, bởi, vì, do… những gì bên ngoài đưa đến. Người ta trở nên trong sạch, kiên định, trí tuệ cũng chỉ do biết khai thác kho tàng Tâm. Kho tàng đã có, của chung cả vũ trụ, không phải là “Tâm của mình”.

 

Tóm lại, Thức và Trí đều là những cái biết. Tuy đều là cái biết, nhưng Trí biết rõ, đúng, không phải lao tâm khổ tứ để biết sự thật; còn Thức biết phiến diện, vất vả suy xét, tính toán chi li, hay nghi hay vấn, phải nạp nhiều ca-lo cho bộ não làm việc… Trí có diệu dụng vô cùng, được gọi trang trọng là Trí Bát-nhã, tuy hai chữ “Bát-nhã” đã có nghĩa là Trí rồi. So với Trí như ánh mặt trời, thì ánh sáng của Thức như ánh đom đóm. Thế nên sau khi giác ngộ được Trí tuệ siêu tuyệt của vũ trụ, thiền sư Đức Sơn đã đem bộ Thanh Long Sớ Sao chú giải Kinh Kim Cương ra đốt ngay tại nhà pháp (pháp đường) của thiền viện. Trước sự chứng kiến của thầy và các huynh đệ, ngài Đức Sơn đã dõng dạt nói:

 

Tận cùng biện luận siêu huyền

Chỉ như ngang trời tơ vắt!

Khôn khéo cả đời biết mấy

Đâu hơn giọt nước đại dương!

 

Ta còn ngại gì mà không khai thác Tâm Trí Huệ của mình, thay vì hướng ngoại tìm cầu từng kinh nghiệm, từng hiểu biết như ngang trời tơ vắt nữa!

 

Bài đã đăng Nguyệt san Giác Ngộ số 215.

 

-------------------------------------------------------

Các bài liên quan