NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Lịch sử - Tổ chức / Sen nở miền Châu Đốc

Tâm Nguyên , Thứ Tư 04-12-2013


 

Sen nở miền Châu Đốc

 

Dép cỏ lối về còn in dấu

Hoa Đàm tuy rụng vẫn lưu hương!

 

 

Chư Tăng Tịnh xá Ngọc Châu thành kính tưởng niệm Ân sư!

 

 

Cố Hòa thượng Thích Giác Linh thế danh Huỳnh Văn Thương, sinh năm 1933 tại ấp Bình Phú, xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Cha ngài là ông Huỳnh Văn Bài, sinh năm 1904 – tử năm 1945 tại quê nhà. Mẹ ngài là một người hiền đức tên Nguyễn Thị Tố, pháp danh Như Ngọc, sinh năm 1907 – tử năm 1988 cũng tại quê nhà. Ngài là con thứ 2 trong gia đình có 4 người con.

 

Dòng sông mẹ Cửu Long trên đường đến Đại dương đã đi ngang qua xứ Nam Việt, hào phóng ban tặng một nguồn nước ngọt ngào bất tận và vô vàn phù sa, nuôi lớn bao hoa trái thơm lành, hun đúc nên tâm hồn người dân xứ này. Sinh ra và lớn lên tại Chợ Mới, từ bé Văn Thương đã có những tánh nết khác người. Theo lời kể của những người thân, thì hồi nhỏ Văn Thương đặc biệt lắm. Cá chết, gà vịt ai giết rồi thì chú còn ăn, chớ bảo chú giết mấy con vật để ăn thì chú không làm. Khi bà ngoại hứng tép, Thương nói ngoại hứng làm chi, rồi lén đem đổ hết. Có khi bà bắt được một rổ cá, loay hoay nhìn lại thì Thương cũng đã đổ hết trơn rồi. Dì út của ngài thấy vậy mới nói với chị: “Chị được cậu nhỏ này quý lắm nghe: lính nhà Phật đó!”.

 

Bản tánh hiền lành, thông minh, từ năm 7 tuổi bé Thương đã theo mẹ tập tu tại gia: ăn chay, niệm Phật, tụng kinh… Năm 12 tuổi cha mất, cảnh đau thương đến với gia đình, Văn Thương cảm niệm cuộc đời không phải là một giấc mơ đẹp. Thay vì đau buồn như thi nhân:

 

Năm xưa tôi còn nhỏ

Cha tôi đã qua đời

Lần đầu tiên tôi hiểu

Thân phận kẻ mồ côi!”,

 

Thì Văn Thương đã xin mẹ đến chùa Hội Phước gần nhà để làm công quả cho Tam Bảo. Ở đây, Văn Thương siêng năng công quả, làm những việc vừa sức của mình, sớm tối theo sư ông tụng kinh. Thấm thoáng mấy năm trôi qua, thấy duyên chưa hợp, ngài xin mẹ lên vùng Bảy Núi tầm sư học đạo. Đăng sơn không được như ý, Văn Thương đành trở về phụ việc gia đình, nuôi chí xuất trần trong lòng.

 

 

 

Chùa Hội Phước tại ấp Bình Phú, nay là chùa Ni.

Chánh điện chùa xây lại vào năm 1998.

 

 

Đến lứa tuổi thanh niên, chàng trai Huỳnh Văn Thương không nuôi mộng công danh, phú quý, hay tình cảm đôi lứa… như thế nhân, mà chỉ mãi tính chuyện tu hành. Năm 1965, Đoàn Du Tăng Khất Sĩ của Pháp sư Giác Nhiên lại về Bồ-đề Đạo tràng Châu Đốc thuyết giảng. Lúc này Tịnh xá Ngọc Châu đã cất lên được hơn 2 năm, Đạo Khất Sĩ cũng đã bén rễ tại xứ này từ trước. Bồ-đề Đạo tràng Châu Đốc được thành lập từ năm 1952, khi ấy vẫn còn trống trải, rộng rãi, không thờ cúng nhiều như ngày nay.

 

 

 

Hình Bồ-đề Đạo tràng Châu Đốc năm 2013

 

 

Nghe tin Đoàn Du Tăng Khất Sĩ về xứ này hành đạo, Văn Thương tìm đến thính pháp. Lời pháp lành của các nhà du Tăng khất sĩ đã rót vào tâm hồn Văn Thương một lý tưởng sống cao thượng. Hình ảnh các vị sư trẻ tuổi đi trì bình khất thực trên phố mỗi sáng, trưa về đọc kinh cúng dường rồi thọ trai trang nghiêm, mưa nắng nghỉ trong những cốc lá đơn sơ… đã giúp Văn Thương thấy rõ đời sống giải thoát của chư Phật. Từ đây Văn Thương phát tâm Bồ-đề, nguyện dấn bước theo Đạo Thích-ca Chánh pháp do đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã khai đường mở lối.

 

 

 

Hình Bồ-đề Đạo tràng Châu Đốc năm 2013

 

 

Một ngày, Huỳnh Văn Thương đến đảnh lễ xin Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên cho xuất gia giải thoát theo Tăng đoàn của ngài, được Hòa thượng Pháp sư chấp thuận. Vào ngày 30 tháng 6 âm lịch năm 1965, Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên đã hoan hỷ thế phát cho người đệ tử mới, đặt pháp danh là Giác Linh.

 

Giác tánh xưa nay không một vật,

Linh thông lặng chiếu khắp muôn phương!

 

Với tánh tình nhu hòa, hạnh nết trang nghiêm, vào ngày Rằm tháng 7 năm đó Giác Linh được Bổn sư và Giáo đoàn cho thọ giới pháp Sa-di tại Tịnh xá Trung Tâm. Sau khi đã có y bát, làm tập sự khất sĩ, sư Giác Linh được Hòa thượng Bổn sư cho về ở Tịnh xá Ngọc Phước tại thị xã Bà Rịa. Qua 2 năm tinh tấn theo chư Tăng học Giới Định Huệ, sư Giác Linh đủ duyên lành để thọ giới Tỳ-kheo Tăng Khất Sĩ vào ngày Rằm tháng 7 năm 1967. Kể từ đó ngài đứng vào hàng sứ giả Như Lai, thừa Như Lai nguyện, hành Như Lai hạnh:

 

Trước tu độ lấy bản thân,

Sau giúp nhân loại được phần cao siêu.

 

 

 

Kỷ niệm Khánh thánh TX. Ngọc Sơn năm 1971

3 người đứng đầu từ trái qua: TL. Giác Nhẫn,

HT. Pháp sư Giác Nhiên sư Giác Linh.

(Hình lưu niệm tại nhà PT. Châu Ngọc – cô Châu ốm)

 

 

Bấy giờ, trong giai đoạn Đạo mới thành lập, cơ sở thì nhiều mà nhân sự không đủ, nên sư nào thọ giới Tỳ-kheo rồi cũng phải lãnh trách nhiệm lần lượt trụ trì các cơ sở tịnh xá của Giáo đoàn. Năm 1967, sư Giác Linh về trụ tại Tịnh xá Ngọc Hạnh – Hóc Môn, sau 3 tháng lại luân phiên về trụ tại Tịnh xá Ngọc Thanh – Gò Dầu, Tịnh xá Ngọc Tân – Tân Hiệp… Từ năm 1967 – 1971 sư Giác Linh về Tịnh xá Ngọc Sơn – Rạch Giá. Sau đó sư xin Giáo đoàn và Bổn sư cho đi tu tịnh một thời gian ở miền Hà Tiên, nơi kỷ niệm ngày xưa đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã tham thiền nhập định 7 ngày đêm.

 

 

 

Những ngày đại đức Giác Linh đang cố gắng điều phục tâm…

(Hình trước Giải phóng, được tô màu lại.)

 

 

Từ năm 1971 – 1973, đại đức Giác Linh tịnh tu tại am Nhân Nhượng, gần lăng Mạc Cửu, thị xã Hà Tiên. Có các huynh đệ như quý ngài Giác Vạn, Giác Toàn… thỉnh thoảng cũng đến ở tu với sư.

 

Trong một ngày đêm sư thường tu vào 4 thời Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu. Thời điểm giờ Tý là giấc 12 giờ khuya – chí âm, giờ Ngọ là giấc 12 giờ trưa – chí dương, giờ Mẹo là giấc 6 giờ sớm và giờ Dậu là giấc 6 giờ tối – 2 thời điểmquân bình. Hạ thủ công phu miệt mài, có một lần tu thiền sư chợt thấy một cô gái mặc áo dài trắng, tóc xõa dài, đến hỏi sư rằng: “Khi nào sư về núi?”. Trong mộng thiền sư đáp ngay: “Hễ có duyên thì về.”. Nghe vậy cô gái biến mất. Câu trả lời bộc phát của sư cho thấy sư không có khuynh hướng ham ở núi, mà chỉ là mượn cảnh đồi hoang thanh tịnh để tạo tâm. Tu một thời gian thì nghiệp chướng bệnh khổ đến khảo đảo, nhưng sư vẫn tinh tấn, gắng tìm vui trong thiền định. Lúc này Bổn sư là Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên lại gọi sư về, giao trách nhiệm phụ tiếp công việc trông coi Tịnh xá Ngọc Quang ở Chợ Lớn (nay là quận 8, Tp. Hồ Chí Minh). Bấy giờ sư có làm một bài thơ, mà sau này thỉnh thoảng sư có đọc cho các đệ tử nghe:

 

Giác Linh tu tịnh Hà Tiên núi

 

Phổi, ghẻ, lác thay nhau hành hạ

Mà Linh này vẫn thức thâu đêm.

Pháp sư ơi, Pháp sư có biết nỗi niềm?

Nếu Pháp sư biết thì đừng kêu Linh về.

 

Bài thơ rất chân quê, chính nhờ bài thơ này mà các đệ tử mới hình dung được thầy mình đã tu hành như thế nào khi ở Hà Tiên trước Giải phóng. Sau 3 năm trụ trì Tịnh xá Ngọc Quang, đến lễ Tự Tứ Tăng đêm 14 tháng 7 năm âm lịch năm 1976, Giáo đoàn bổ nhiệm đại đức Giác Linh về trụ trì Tịnh xá Ngọc Châu ở Châu Đốc, với nhiệm kỳ vô thời hạn, kể từ ngày Rằm tháng 7 năm đó.

 

 

 

Am tranh trên sườn núi Tiểu Tô Châu

 

 

Về trụ tại Châu Đốc, thỉnh thoảng ngài ra Hà Tiên đổi cảnh. Bấy giờ am Nhân Nhượng đã bị phá, ngài lên núi Tiểu Tô Châu xin cất một am tranh trong đất của 2 Phật tử hộ pháp là Thiện Duyên và Đăng Ngọc. Tại đây ngài tinh tấn tọa thiền, sống đơn giản (mà theo lời bà Đăng Ngọc là “Khổ hạnh lắm”). Qua bao năm tìm kiếm, cuối cùng ngài đã ngộ được Pháp. Việc này do chính ngài đã thổ lộ với 2 nhà hộ pháp Thiện Duyên và Đăng Ngọc. Ngài nói: “Hồi đó sư cứ rán tu ngày tu đêm, cực muốn chết. Bây giờ sư biết rồi, chỉ giữ tâm an lạc thôi!”.

 

 

 

Tịnh tu ở am tranh trên núi Tiểu Tô Châu

(Ảnh ghép. Hình Hòa thượng khi đã ngoài 60 tuổi)

 

 

Phàm có biết “Trâu” thì mới biết cách “Chăn trâu”. Pháp tu Chỉ giữ Tâm An Lạc là pháp Không cho trâu đi rông, ăn bậy. Trong đó, “Đi rông” là ra 6 cửa mắt, tai... rong chơi; và “Ăn bậy” là thọ nhận sắc, thanh... làm vốn liếng. Pháp hộ trì tâm này được thiết lập từ chỗ “sư biết rồi”, hoặc do tự khám phá được, hoặc do nhờ giáo lý hướng dẫn mà được... Theo lời kể của Phật tử Đăng Ngọc thì Hòa thượng Giác Linh đã phá được cửa ải khó khăn nhất của người tham thiền trong thời gian ngài tu ở núi Tiểu Tô Châu.

 

Từ đó, đến thời khóa ngài vẫn tu thiền, nhưng rồi cũng để cho tâm được thong thả, lại tùy duyên đi cứu trợ, làm những việc cần làm khác trong phận sự một nhà sư…

 

Việc thỉnh thoảng về ở tu trong am tranh trên núi Tiểu Tô Châu của Hòa thượng Giác Linh được duy trì mãi cho đến khi bà Đăng Ngọc sang nhượng miếng đất núi đó lại cho Tịnh xá Ngọc Đăng mấy tháng trước khi ngài mất. Theo lời ngài dặn, nhân dịp đi rải tro cốt của thầy, chư Tăng đệ tử của ngài mới cùng nhau lên núi Tiểu Tô Châu thắp nén hương tưởng niệm rồi tháo dở am, để tiện cho tịnh xá làm con đường cho xe chạy lên xuống.

 

 

 

Chư Tăng và Phật tử TX. Ngọc Châu viếng am tranh vào đầu tháng Chạp năm 2011.

 

 

Sau Giải phóng về tiếp quản Ngọc Châu, gặp lúc thời khó khăn, Hòa thượng Giác Linh phải đi làm ruộng cùng một số Phật tử. Đến năm 1980, thấy vách và mái của chánh điện bị hư mục, xuống cấp, ngài đã cho trùng tu lại tịnh xá. Lần trùng tu này chỉ xây dựng lại ngôi chánh điện bằng trụ bê-tông, tường gạch, mái ngói, trên sàn bê-tông cũ. Dần dần có người đến xin xuất gia với ngài, Phật tử cũng vào đông hơn, đạo tràng Tịnh xá Ngọc Châu bắt đầu khởi sắc trở lại…

 

 

 

Tịnh xá Ngọc Châu – Châu Đốc năm 1990

 

 

 

Đại lễ Dâng y Casa tại TX. Ngọc Châu

5 vị ngồi giữa quay mặt ra: HT. Giác Tường, HT. Giác Ngộ, HT. Giác Phúc, HT. Giác Tuệ, HT. Giác Linh.

 

 

 

Cốc của ngài Trụ trì TX. Ngọc Châu,

phía dưới thông với nhà bếp của tịnh xá.

 

 

Năm 2008, do có nhiều Phật tử ủng hộ, một lần nữa Hòa thượng Giác Linh xin phép Giáo đoàn tiến hành trùng tu lần thứ hai, với quy mô lớn hơn trước. Lần đại trùng tu này Hòa thượng cùng chư Tăng và Phật tử tiến hành san lấp mặt bằng tịnh xá, xây tường rào quanh tịnh xá, xây dựng ngôi chánh điện và giảng đường 2 tầng trang nghiêm, bề dài 30m, bề ngang 18m… sau 2 năm thì hoàn thành cơ ngơi như hiện nay.

 

35 năm trụ trì và hoằng pháp tại Ngọc Châu, Hòa thượng Giác Linh thường dùng những lời giản dị dễ hiểu để dạy chúng. Ngài hay đọc bài kệ khuyến tu:

 

Đời người trăm tuổi có bao lâu

Sớm chẳng tầm tu, kế bạc đầu

Răng rụng, mắt mờ, tinh khí kém

Tội dày, phước mỏng, nghiệp càng sâu.

Trước lo bồi đức gieo nhân tốt

Sau kết thành duyên được quả mầu.

Nay gặp Thuyền Từ mau trở lại

Dần dà cái chết biết về đâu!

 

Hoặc hay đọc bài kệ giải bày cảnh giới Thân – Tâm – Trí – Tánh của bậc giải thoát:

 

Thân ta như đất trơ trơ

Tâm ta như nước giờ giờ lặng trang

Trí ta thơ thới nhẹ nhàng

Tánh ta chẳng muốn buộc ràng chi chi…

 

Cảnh giới Thân – Tâm – Trí – Tánh này thật thanh cao, nhẹ nhàng, đó chính là điều ngài muốn khuyến khích các đệ tử Tăng, tục. Có khi ngài ghi vào mặt sau một bìa giấy cứng 2 bài cảm niệm về đời người:

 

* Giữa biển Trần trầm luân muôn sóng khổ

Biết bao điều cay đắng với thương đau!

Hiểu đạo lành nay cố gắng dồi trau

Quyết tu học mong sau về Cực Lạc.

 

* Một kiếp nhơn sanh vạn nỗi sầu

Đường trần muôn lối biết về đâu?

Ngoài kia mưa bão con thường thấy

Sớm bước cho qua đoạn giãi dầu.

 

Đối với các đệ tử xuất gia và tại gia, hàng ngày Hòa thượng Giác Linh tùy duyên dạy mọi người phải rán niệm Phật để vãng sanh, ăn hiền ở lành, rán lo tu, đừng nhìn ai hết, phải thường xem xét lỗi mình… Đặc biệt, Hòa thượng thường khuyên các Phật tử ăn chay trường, mà một khi ngài đã chứng minh cho Phật tử nào thì vị ấy đều có thể dể dàng ăn chay trường, không bị thói quen ăn trăm món ngàn vị khảo đảo nữa. Hai bà Tuyết Ngọc và Giáo Ngọc đều kể: “Hồi con phát tâm ăn chay trường, sư phụ chứng minh cho, thế là con ăn được luôn. Mà có nhiều Phật tử cũng như con nữa, hễ xin sư phụ chứng minh là ăn chay trường được luôn chớ không thấy khó nữa!”.

 

Như vậy ngài có năng lực chứng minh và tác thành thiện nghiệp cho đệ tử, một điều mà không phải vị thầy nào cũng có được. Trong Phật pháp, một bậc thầy có năng lực đó được tôn là Hòa thượng. Ngày nay, danh từ Hòa thượng được dùng để tôn kính những bậc Tỳ-kheo có tuổi Hạ cao trên 40 năm trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

 

Nhiều Phật tử ở Châu Đốc đều nhận xét: Tánh cách “Đại đức” hiền và thương Phật tử, lo cho Phật tử. Còn chư Tăng thì nhận xét rằng ngài Giác Linh lúc nào cũng đi, đứng, ngồi nghiêm cẩn, đôi mắt thu thúc, miệng không tranh cãi, thường hạ mình khiêm cung.

 

 

 

Đi nghiêm cẩn

(Dâng y tại Tịnh xá Ngọc Châu – Mong Thọ)

 

 

 

Đứng nghiêm cẩn

(Trước cốc của ngài vào năm 2000)

 

 

 

 

Cung kính quạt hầu thầy tế độ

(Trong dịp lần đầu tiên HT. Pháp chủ Thích Giác Nhiên về nước vào năm 2003

ghé thăm Ngọc Châu.)

 

 

Thỉnh thoảng Hòa thượng Giác Linh lại dùng cách tiên đoán để gây ấn tượng với một số người. Sư cô Gương Liên ở Tịnh thất Ngọc Mỹ kể: Năm 1977, cô theo mẹ là bà Nhơn Ngọc đi đến Tịnh xá Ngọc Châu chơi. Khi đó Hòa thượng Giác Linh cho cô quy y, đặt pháp danh là Hảo Ngọc, rồi nói với mẹ của cô rằng: “Bà Nhơn nghe sư nói nè, sau này cô Hảo sẽ xuất gia đầu Phật đó. Sư nói ai là có vậy nghe!”. Khi nghe Hòa thượng Giác Linh nói thế, cô cảm thấy hơi rúng động, tuy ngày thường có bao giờ nghĩ đến chuyện đi tu. Còn mẹ cô lúc đó đáp: “Nó còn phàm tục lắm, chắc không đi tu nổi đâu, đại đức.”.

 

Sau đó, hễ đi đến các tịnh xá trong Giáo đoàn như ở Bố Thảo, Phụng Hiệp, Thành phố… Hòa thượng Giác Linh đều kêu cô đi theo Phật tử, mục đích để cô xem nơi nào hợp duyên thì xuất gia. Lần lượt Hòa thượng Giác Linh giới thiệu Sư bà Trí Liên, rồi Sư bà Ngân Liên cho cô biết. Giới thiệu Sư bà Ngân Liên, Hòa thượng Giác Linh bảo: “Sư bà đây khó lắm nghe, con nhắm có theo nổi không?”. Lúc đó cô đã bướng bỉnh trả lời: “Dạ, khó mới nên người chớ, đại đức!”. Rồi cô xin theo Sư bà Ngân Liên xuất gia, được pháp danh là Liên Gương, tu luôn tới giờ...

 

Ngoài sư cô Gương Liên, đại đức Minh Thiền và một số quý sư khác ở Châu Đốc cũng được Hòa thượng báo cho biết trước về nhân duyên xuất gia học đạo của mình. Đây là cách ngài khích lệ những người hậu tấn, khiến họ phấn chấn tiến tu đạo nghiệp.

 

Trong ký ức của bà Ba, một người em con cậu của cố Hòa thượng, hình ảnh của ngài thiệt là hiền hòa, hòa đời hòa đạo, đôi mắt từ bi, nói chuyện dễ mến. Bà bảo rằng Hòa thượng Giác Linh biết hết trơn đó! Mỗi lần gặp bà Ba là Hòa thượng đều răn: “Cô đó, đừng có nhớ chuyện dĩ vãng! Nhớ chuyện dĩ vãng rồi buồn khổ, bỏ đi!”. Quả thật bà Ba hay nhớ chuyện dĩ vãng, nhớ hồi Pháp tản cư khổ, cha mẹ chết làm sao, anh em tứ tán làm sao, nhớ đủ thứ hết… nhưng có bao giờ bà nói với Hòa thượng những chuyện đó đâu! Vậy mà mỗi lần gặp người em họ đáng thương Hòa thượng Giác Linh đều khuyên như thế, khiến bà rất kính phục.

 

Ai đi xa mấy chục năm gặp lại ngài vẫn nhớ tên, kêu hỏi thăm cả thân quyến người ấy, khiến họ rất ngạc nhiên và quý mến.

 

Ngài thường không dạy gì nhiều, cốt nói sao làm vậy, làm gì dạy nấy, đó là Hành – Giáo nghiêm cẩn. Con người có 3 nghiệp thân, miệng, ý, nên các bậc thầy cũng dùng 3 cách dạy bằng thân, miệng, ý. Trong 3 cách dạy, khẩu giáo là phổ biến. Có những giảng sư đa ngôn quảng luận, lại có những bậc thầy nói lời nào chắc lời nấy. So với khẩu giáo, thân giáo khó hơn, bởi thân giáo là phải làm gương! Ý giáo còn khó hơn nữa, bởi ý giáo là thần thông biết tâm niệm người khác và sức mạnh tâm linh khiến người chuyển hóa được tâm ý.

 

Hồi năm 1994 sư Minh Bình về Tịnh xá Ngọc Châu ở khoảng nửa tháng. Lúc đó Ngọc Châu còn nằm giữa một đầm nước đen sì, các cốc lá được cất tạm trên mấy trụ bê-tông lêu nghêu. Ngài trụ trì Ngọc Châu đã cho sư Bình nghỉ tại cốc ngoài cùng, kế bên một cây dừa Xiêm trồng trên một ụ đất. Đây là cốc của sư Minh Hành đã ở.

 

Có một lần Hòa thượng Giác Linh ra trước cốc đứng hỏi thăm sư Bình vài chuyện. Khi đang đứng nói chuyện, bỗng nhiên hòa thượng đưa chân đá đá chậu kiểng, nói: “Sư hãy dùng trí Bát-nhã để xem chậu hoa này!”. Nghe Hòa thượng dạy, lúc đó sư không quan tâm lắm, nhưng rồi mấy ngày sau câu nói của ngài cứ còn mãi trong lòng, nên sư nghĩ ngợi: “Sao bỗng nhiên ông cụ lại khuyên điều đó? Một người đệ tử Phật phải hàng ngày tập sử dụng trí Bát-nhã chớ đợi gì xem chậu hoa?”…

 

Về sau có lần kể lại chuyện này, sư Bình đã liên hệ đến hoàn cảnh của mình lúc đó: “Xem chậu hoa này có ý nghĩa chung là xem Sắc. Mình tuổi trẻ bồng bột tình cảm, chưa khỏi vọng tưởng linh tinh về một chữ Tình, nên ngài dạy mình quán Sắc là đúng rồi. Có lẽ giữa ngài và mình không có duyên thầy trò nên mình phản ứng thờ ơ như thế.”.

 

Nói về dùng trí Bát-nhã để xem Sắc, thì từ xưa đức Phật đã dạy: Sắc không bền, mong manh, không chắc một tính chất riêng nào, và vui ít khổ nhiều. Sắc vô thường – vô ngã – khổ não như thế là điều mà bao kẻ mê đắm sắc cần biết. Còn như trong Kinh Thủ-lăng-nghiêm đã dạy: Nhân nơi Hình sắc mà biết được Tâm, do nơi Âm thanh mà ngộ được Tâm… Có nghĩa là:

 

Tòa Sắc tướng Nhơn ông tạm đó

Các pháp kia tướng nọ luống chơn!

 

Vạn vật, vạn sự trong đời đều chơn, không phiền hà gì hết, với người đã giác ngộ chơn ngã nơi mọi tướng trạng.

 

Lại nữa, một lần ở Tịnh xá Trung Tâm, trong đêm Tự tứ Tăng của Giáo đoàn, quý hòa thượng, thượng tọa ngồi 2 hàng giữa, hàng đại đức và tân Tỳ-kheo ngồi 2 hàng ngoài. Lúc ấy chỗ sư Minh Bình ngồi ngay gần sau lưng Hòa thượng Giác Linh. Quan sát Tăng đoàn, thấy có mấy vị tôn túc vắng mặt, sư khởi niệm về Hòa thượng Giác Linh: “Ông cụ này đặc biệt, đôi mắt như đã vào định, trong một Giáo đoàn cần có những vị như thế để chứng minh cho Phật tử được phước lành cúng dường Tam Bảo.”. Khi đó Hòa thượng Giác Linh liền quay lại nhìn sư gật đầu một cái…

 

 

 

Phong cách của HT. Giác Linh đại khái như thế này khi ngồi giữa Tăng chúng:

Ngồi ngay thẳng, đôi mắt chăm chú, nhìn bên trong, ít nói…

 

 

Những biểu hiện đặc biệt của cố Hòa thượng Giác Linh không phải ai cũng gặp, ai cũng biết, ai cũng để ý. Đa số mọi người đều xem ngài là một ông hòa thượng già, tuy đáng mến và hơi nghiêm nhưng không có gì đặc biệt. Quả là Chân nhân bất dị tướng.

 

Đến đầu tháng 9 âm lịch năm 2011, Hòa thượng Giác Linh nói bị đau bụng, mọi người đưa ngài đi khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Châu Đốc. Các bác sĩ đã cho chụp CT. và phát hiện lá gan của Hòa thượng Giác Linh đã ung thư vào giai đoạn cuối. Căn bệnh này không ai qua khỏi và xác thân sẽ bị hành hạ rất đau đớn. Hàng đệ tử đều thương Hòa thượng phải thọ bệnh khổ nặng nề trong lúc đã cao tuổi. Riêng ngài vẫn bình thản và vui vẻ tiếp đón mọi người, tuy thân xác đang đau ốm trông thấy.

 

 

 

Hình HT. Giác Linh 40 ngày sau khi phát hiện bị ung thư gan,

một ngày trước khi viên tịch. Ảnh chụp tại Mũi Nai – Hà Tiên.

 

 

Những ngày thọ bệnh cuối đời, Hòa thượng Giác Linh đã chủ động ngày ra đi. Ngài bệnh chỉ uống nước chớ không ăn được gì. Trước rằm tháng 10, một ngày Hòa thượng Giác Linh bảo các đệ tử đưa ngài lên chánh điện ngồi thiền, khi xuống ngài ăn được chén cháo. Hôm sau có người cháu pháp danh Hạnh Ngọc lên thăm, ngài bảo: “Sư định đi Hà Tiên phát quà cho người ta, con có đi theo được không?”. Cô Hạnh Ngọc thưa: “Không được hòa thượng à, nhà đơn chiếc quá, mấy đứa con của con đi học hết trơn.”. Hòa thượng Giác Linh mới nói: “Sư đi cho quàrồivề tịnh xá sư sẽ bỏ xác!”.Cô Hạnh Ngọc không biết nói sao chỉ về tiếc than với mẹ, khi bà Ba vội lên lại Tịnh xá Ngọc Châu thì Hòa thượng đã tắt hơi…

 

Hóa duyên đã mãn, Hòa thượng Giác Linh tùy thuận vô thường ra đi. Ngài không dặn dò di chúc thêm một điều gì cho các đệ tử. Nối chí Hòa thượng có quý đại đức Minh Hành, Minh Thiền, Minh Hữu, Minh Long, Minh Bền và các Sa-di Minh Thức, Minh An, Minh Ngân, Minh Hiền, Minh Thông. (Ngoài ra, đệ tử xuất gia của Hòa thượng còn có đại đức Minh Điều đã tạ thế vào năm 2007). Hàng Phật tử ở miền Châu Đốc chịu ơn giáo hóa của Hòa thượng có nhiều thiện nam như quý vị Thiện Chánh, Thiện Chơn, Thiện  Thông, Thiện Minh, Thiện Thanh, Thiện Tâm, Thiện Bửu, Thiện Phát, Thiện Bình… và rất đông tín nữ như quý vị Giáo Ngọc, Tuyết Ngọc, Trí Ngọc, Huệ Ngọc, Phước Ngọc, Tịnh Ngọc, Hoa Ngọc, Minh Ngọc, Tín Ngọc, Bạch Ngọc, Kim Ngọc…

 

Nguyện lực đã vơi, Hòa thượng Giác Linhlặng lẽ xả báo thân vào lúc 9 giờ 30 phút sáng ngày 18 tháng 10 năm Tân Mão 2011 trong niềm thương kính của bao đệ tử và quyến thuộc vây quanh. Ngài ra đi như củi hết lửa tắt, trụ thế 78 năm (1933 – 2011), Hạ lạp 44 năm (2511 – 2555). Nước sông Cửu Long có khi đầy khi vơi, đời người có lúc thăng lúc trầm, nhưng với ngài thì thế lực của Sanh – Già – Bệnh – Chết không còn chi phối được nữa!

 

Hay tin Hòa thượng Giác Linh viện chủ Tịnh xá Ngọc Châu an tường xả báo, chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang đã trân trọng cáo phó gần xa. Với công đức là một vị Phó Ban Trị Sự của GHPGVN tỉnh nhà và Chứng minh của GHPGVN thị xã Châu Đốc (nay là thành phố), tang lễ của cố Hòa thượng Giác Linh đã được Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh An Giang đứng ra tổ chức, điều hành. Chư tôn đức Tăng Ni Khất Sĩ trong Giáo đoàn IV và ở các địa phương lân cận cũng đã về thắp hương tưởng niệm, đưa tiễn người đã khuất.

 

Và rất đông chư Tăng trẻ trong Giáo đoàn đã trở về Tịnh xá Ngọc Châu cùng chung tay với các môn đồ đệ tử của ngài lo cho tang lễ.

 

 

 

Quang cảnh Lễ đường, chư Tăng đang hầu Kim quang.

 

 

Sáng ngày 24 tháng 10 âm lịch, lễ Tưởng niệm và lễ Cung tống kim quan cố Hòa thượng Giác Linh đã long trọng diễn ra. Dẫu biết rằng các bậc tu hành chân chính không bao giờ đòi hỏi, nhưng người ở lại vẫn cần phải làm một tang lễ tương xứng, để thể hiện sự tri ân người đã khuất và sự tôn vinh Phật pháp.

 

Có nhiều chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử, quý khách đã về tham dự tang lễ. Theo nhiều người dân địa phương nhận xét, trong vòng mấy mươi năm qua, ở Châu Đốc chưa từng có một tang lễ nào lớn như tang lễ cố Hòa thượng Viện chủ Tịnh xá Ngọc Châu.

 

 

 

Ban tổ chức Tang lễ đang cung tống Kim quang

 

 

 

Di quan ra khỏi Lễ đường

 

 

 

ĐĐ. Minh Lành sư Minh Long (đeo kính) bưng di ảnh

 

 

Dẫn đầu đoàn xe hôm ấy là Xe Ban điều hành Lễ tang (của Tỉnh hội), kế tiếp là các đoàn xe mô-tô Dẫn đường, xe Tiếp dẫn, xe Lư hương, xe Di ảnh, xe Kim quan (do sư Minh Khánh lái), xe Âm công, đoàn xe Đưa tiễn rất đông, cuối cùng là đoàn xe Hoa hơn 5 chiếc xe tải nhỏ.

 

 

 

Xe Ban điều hành tang lễ – Đoàn xe mô-tô

 

 

 

Xe Tiếp dẫn

 

 

 

Xe Lư hương – xe Di ảnh

 

 

 

Xe Kim quang đang tiến vào đài hỏa thiêu

Nghĩa Trang Nhân Dân

 

 

Trên 2 xe Tiếp dẫn và Kim quan, sư Minh Phận đã khéo léo dùng những câu kệ rất ý nghĩa để trang trí 4 mặt xe:

 

Sống tự tại hoằng dương vô ngại

Tịch an nhiên nhẹ gót liên đài.

 

Một mai thân xác tiêu tan

Danh thơm lưu mãi thế gian muôn đời

Pháp thân lồng lộng tuyệt vời

Chiếu soi pháp giới rạng ngời chân như.

 

Thiền tọa gốc cây hàng Huệ sĩ

Chôn mình trong đất bậc Chân nhân.

 

Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng

Nghĩa tôn sư muôn kiếp gắng đáp đền!

 

Thác tích vào đời để độ sanh

Một khi tâm nguyện đã viên thành

Huyễn thân gởi lại nơi trần thế

Nhẹ gót liên đài nơi bất sanh.

 

 

Xe Kim quang đi cùng đông đảo người đưa tiễn

 

 

 

Đoàn xe Hoa chở tất cả lẳng hoa, liễn… các nơi đã kính viếng cố Hòa thượng

trong những ngày tang lễ.

 

 

Sau khi ngài đã viên tịch, nhục thân để lại xá-lợi rất quý ai cũng thấy. Chắc rằng có người sẽ nghi vấn: “Ông cụ tu pháp gì, ông cụ tu thế nào… mà có được xá-lợi? Đương thời Phật giáo Việt Nam hưng thịnh, nhưng có mấy người lưu lại xá-lợi!”. Xá-lợi là nói tắt của từ “Ngọc xá-lợi”, ai tu mà có được xá-lợi là chứng tỏ tâm người ấy đã nhập định, đắc thần thông, và do âm đức tu nhiều đời kiếp nên kiếp này mới đạt. Trong chơn lý Số Tức Quan, đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã dạy:

 

Tinh là ngọc xá-lợi do những bậc tu thiền định lâu năm, nước tinh ba lỏng trắng đục, sẽ do sức ấm dung hòa của trung đạo, hấp ấp nấu làm cho đặc lại, trong suốt có viên tròn, theo những ống xương có từng hột lớn nhỏ, cứng mà dẻo, đốt không cháy, gặp hơi nóng hay nháng ánh sáng, kêu là ngọc xá-lợi, ngọc người… Xá-lợi lớn nhỏ và có đủ hình sắc phai lợt, là tùy theo công đức của người, tu lâu mau nhiều ít.

 

 

 

Ngọc Xá-lợi từ nhục thân của cố Hòa thượng

Thích Giác Linh

 

 

Trong các phẩm vật dâng tưởng niệm còn giữ lại, có một bức tranh thư pháp đề tặng một bài thơ khoán thủ rất ý nghĩa:

 

TƯỞNG NIỆM CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC LINH

 

Tưởng Phật không lìa đạt tâm Không

Niệm mà không niệm được dung thông.

Cố ý tầm thanh thanh chẳng đến

Hòa đồng vạn pháp pháp tự vong.

Thượng hạ, hèn sang không vướng bận

Thích chê, ưa ghét chẳng nao lòng.

Giác tánh xưa nay không một vật,

Linh tâm tịch chiếu khắp Tây Đông!

 

Cư sĩ Tám Lợi

 

Trong tâm tưởng thành kính của hàng đệ tử, cố Hòa thượng Thích Giác Linh mãi mãi là vầng trăng sáng soi, chỉ rõ con đường tiến về Bến Giác. Cuộc đời của ngài đã cho thấy Đạo và Quả không đâu xa: Ánh Đạo Vàng đã được khai mở từ xưa và còn lưu truyền trong ba kho Kinh sách; Quả linh giải thoát sẽ đến với người chơn tu thật hành, hễ ai tu chơn hành thật thì đều nên. Một người học vấn không cao, thuyết pháp không bằng các giảng sư, thân mang nhiều bệnh… mà vẫn có những thành tựu phi thường! Vậy những người có phước duyên đầy đủ hơn sao không cố gắng?

 

Một đời tu hành và giáo hóa chúng sanh của cố Hòa thượng Giác Linh đã để lại những bài học vô ngôn quý báu. Gương sáng oai nghi chỉnh túc, thiền định tinh nghiêm, trí tuệ linh diệu của cố Hòa thượng hằng nhắc nhở bao vị học Tăng trẻ tuổi phải nỗ lực chơn tu thật học để không hổ thẹn với những bậc tiền bối.

 

Tất cả những gì chúng ta đang được thừa hưởng trong sách vở chỉ ví như một tràng hoa héo, kinh Pàli đã so sánh như thế. Nhân nơi hoa héo mà biết là đã từng có hoa thật ở thế gian này. Kìa, hoa Bát-nhã, quả Bồ-đề đã có thật ngay đây, qua cuộc đời của một vị Hòa thượng bình dị, lâu nay hằng gần gũi với chúng ta mà lắm khi ta không để ý!

 

 

 

Tp. Châu Đốc, ngày 18 tháng 10 năm Quý Tỵ 2013

Các đệ tử đồng kính tưởng niệm.

 

 

 

 

 

Lời cẩn bạch

 

 

 

Trong sự yên lặng của 3 nghiệp phát sinh Quả linh và Đạo lý. Không phải trong sự dấy động của 3 nghiệp mà phát sinh được Thần thông và Trí tuệ.

 

Một đời đạo nghiệp của Hòa thượng Ân sư đã để lại cho chúng con bài học cao quý đó, chúng con nguyện ghi tạc trong thâm tâm!

 

Kính nguyện chư tôn đức Tăng, Ni giáo phẩm lãnh đạo các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ bi chứng minh cho tác phẩm Sen nở miền Châu Đốc này.

 

Kính cung thỉnh chư tôn đức Tăng, Ni, cùng hết thảy quý đạo hữu, quý Phật tử gần xa tùy hỷ với một tiểu phẩm dâng trọn tấm lòng lên bậc Thầy Tổ. Và vui lòng tha thứ cho chúng tôi những sai sót nào nếu có.

 

 

 

 

 

 

 

Thành kính cảm tạ

 

 

Toàn thể chư Tăng và Phật tử Tịnh xá Ngọc Châu thành kính cảm tạ thâm ân:

 

– Chư tôn đức Giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang,

– Chư tôn đức Giáo phẩm Hệ phái Khất Sĩ

– Chư tôn đức Tăng, Ni trụ trì trong và ngoài tỉnh

– Quý vị chức sắc các tôn giáo bạn

– Quý vị lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương

– Và quý khách đã đến dự tang lễ, đưa tiễn cố Hòa thượng Ân sư của chúng con.

 

Thành tâm kính chúc:

 

– Chư tôn đức Tăng, Ni giáo phẩm lãnh đạo các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hệ phái

– Chư tôn đức Tăng, Ni và quý Phật tử gần xa

– Cùng hết thảy liệt vị

 

Được thân tâm thường lạc, vạn sự như ý!

 

Nam-mô Thường Hoan Hỷ Bồ-tát !

 

 

----------------------------------------------------------------------------------------------------