NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Giáo dục - Hoằng pháp / Giáo lý Địa ngục trong Phật pháp

Tâm Nguyên , Thứ Năm 17-10-2013

 

GIÁO LÝ “ĐỊA NGỤC” TRONG PHẬT PHÁP

 

KS. Minh Bình

 

Địa ngục là hệ thống ngục tù ở dưới đất, nhốt phạt và đày đọa linh hồn bao sanh linh. Chúng ta hiểu nôm na ý nghĩa của 2 chữ Địa ngục là như thế. Còn trong Phật pháp, Địa ngục là một giáo lý, được các bậc Đạo sư chỉ dạy rõ về nhân quả, triết lý và thực tế của nó rải rác trong các kinh.

 

 

A. Khái niệm Địa ngục trong Phật pháp:

 

Địa ngục là một danh từ pháp lý của nhà Phật, nó chỉ pháp giới thấp nhất trong 10 pháp giới của muôn loại chung sống trong bầu vũ trụ này: địa ngục, quỷ đói, súc sanh, thần A-tu-la, người, trời, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, và cao tột nhất là Như Lai.

 

Danh từ Pháp giới có nội dung rộng hơn danh từ Thế giới. Thế giới là những cảnh giới cụ thể được xác định bởi một không gian. Còn pháp giới là những cõi sống của muôn loài, được xác định bởi tâm, không thuộc một không gian riêng biệt, có khi tai mắt người thường không thấy biết được… Pháp giới địa ngục là chỗ thọ khổ của những kẻ đã tạo ác nghiệp nơi thân, miệng, ý. Chốn ấy đã được hình thành từ xa xưa, mỗi lúc đón vô số sanh linh thăm viếng, tuy nó thường kín cổng cao tường!

 

Sách Lương Hoàng Sám đã tổng hợp các giáo lý Địa ngục trong kinh Phật để chỉ cho người đời thấy được kết quả của ác nghiệp, từ đó giúp họ bỏ ác hành thiện trong đời sống hiện tại. Trong chương 8 – Ra Khỏi Địa Ngục, sách này viết:

 

“Sao gọi là địa ngục? Kinh dạy rằng:

 

Trong tam thiên đại thiên thế giới, ở giữa khoảng hai núi Thiết Vi, chỗ tối tăm nhất gọi là Địa ngục, thành bằng sắt, dài rộng một ngàn sáu trăm vạn dặm. Trong thành Địa ngục chia ra tám vạn bốn ngàn ngăn, dưới lấy sắt làm đất, trên lấy sắt làm lưới. Lửa đốt thành ấy trong ngoài cháy đỏ chảy ra nước. Lửa trên cháy suốt xuống dưới, lửa dưới cháy suốt bốc lên trên.

 

Tên riêng của mỗi ngục là: Ngục nhóm họp, Ngục tối tăm, Ngục xe dao, Ngục rừng kiếm, Ngục máy sắt, Ngục rừng gai, Ngục võng sắt, Ngục hang sắt, Ngục hoàn sắt, Ngục đá nhọn, Ngục hầm than, Ngục rừng cháy, Ngục hổ lang… Lại có những Đại, Tiểu nê-lê A-tỳ địa ngục.

 

…Địa ngục A-tỳ dài rộng bằng nhau ba mươi hai vạn dặm. Bảy lớp thành sắt, bảy lớp lưới sắt bao bọc ngục A-tỳ. Dưới có mười tám ngăn, xung quanh có bảy lớp thành, đều có đặt rừng dao. Trong bảy lớp thành lại có rừng gươm. Dưới mười tám ngăn, ngăn có tám vạn bốn ngàn lớp. Bốn góc đều có bốn chó đồng khổng lồ, thân dài lớn đến một vạn sáu ngàn dặm, mắt như điện chớp, răng như cây gươm, nanh như núi dao, lưỡi như mũi sắt nhọn, toàn thân chân lông phun lửa dữ, hơi bay như khói, hơi thúi khó chịu, thế gian không có vật gì thúi bằng.

 

Chó có sáu mươi bốn con mắt, mắt tung ra xa những hoàn sắt nóng như xe chạy xa mười dặm. Răng phía trên cao một trăm sáu mươi dặm. Trên đầu răng tuông ra lửa dữ, đốt cháy xe sắt phía trước, làm cho bánh xe kia mỗi lỗ lưỡi tròn hóa làm một ức con dao lửa, kiếm kích sắc bén; những lưỡi nhọn đều từ trong lửa dữ ấy lưu xuất. Lửa ra như suối chảy đốt cháy ngục thành A-tỳ, thành cháy đỏ như nước đồng sôi.

 

…Ở trong bảy lớp thành có bảy lớp cờ. Ở đầu mỗi cờ lửa tuôn ra như suối trào vọt, nước sắt chảy cả A-tỳ địa ngục.

 

Bốn cửa thành ngục A-tỳ, ở trên mỗi ngưỡng cửa có mười tám chảo nước đồng sôi trào ra rồi chảy tràn đầy cả thành A-tỳ.

 

Trong mỗi ngăn địa ngục lại có tám vạn bốn ngàn rắn mãng xà sắt phun độc, phun lửa, thân hình lớn đầy thành, kêu la như sấm dậy, mưa xuống những hoàn sắt nóng lớn đầy cả thành A-tỳ.

 

Nỗi khổ trong thành kể đến tám vạn ức thiên. Bao nhiêu thống khổ trong những thống khổ đều tích tụ ở trong thành này.”…

 

Địa ngục ghê gớm như vậy và còn hơn như vậy nữa! Một vài đoạn trích dẫn ở trên chưa nêu chi tiết những tình trạng hành phạt tội nhân trong các địa ngục mà nhiều kinh Phật đã mô tả. Cũng trong sách Lương Hoàng Sám đã mô tả về những người cai quản cõi âm phủ:

 

“Một niệm ác của vua Diêm Vương sanh ra đủ các việc trong địa ngục. Tự thân Diêm Vương chịu khổ cũng không thể kể xiết. Diêm-la Đại vương xưa kia là vị Tỳ-sa quốc vương, nhân vì cùng với Duy-đà thủy chúa chiến đấu thất bại, bèn lập thệ nguyện: “Nguyện ta đời sau làm chủ ngục trị tội nhân vậy!”. Mười tám vị đại thần và trăm vạn tùy tùng đồng phát nguyện như vậy.

 

Tỳ-sa vương ấy nay là Diêm-la vương, mười tám vị đại thần kia nay là mười tám ngục vương, trăm vạn chúng tùy tùng nay là lính ngục đầu trâu vậy. Bọn quan thuộc này đều lệ thuộc Bắc phương Tỳ-sa-môn thiên vương.

 

Kinh Trường A-hàm chép: “Chỗ ở của Diêm-la Đại vương tại Diêm-phù-đề trong núi Kim cang, về phương Nam, vương cung dài rộng sáu ngàn do-tuần.”. Kinh Đại Địa Ngục dạy rằng: “Thành quách cung vua Diêm vương ở trong địa ngục rộng dài ba vạn dặm, dùng sắt và đồng mà xây dựng.”.

 

Ngày đêm ba thời có chảo đồng lớn đựng đầy nước đồng sôi, tự nhiên để phía trước vua Diêm-la. Có lính ngục to lớn nằm trên giường sắt nóng của vua, lấy móc sắt đánh miệng vua há ra, rót nước đồng sôi vào miệng, từ yết hầu trở xuống đều cháy tiêu tan! Các đại thần kia cũng phải chịu tội như vậy.

 

Mười tám ngục vương ấy tên là:

 

1. Ca Diên giữ ngục Nê lê.

2. Khuất Tôn giữ ngục Đao sơn.

3. Phí Thọ giữ ngục Phí sa.

4. Phí Khúc giữ ngục Phất sí.

5. Ca Thế giữ ngục Hắc nhĩ.

6. Hạp Sai giữ ngục Hỏa xa.

7. Than Vị giữ ngục Hoạch than.

8. Thích Ca Nhiên giữ ngục Thiết sàng.

9. Ác Sanh giữ ngục Hạp sơn

10. Thân Ngâm giữ ngục Hàn băng.

11. Tỳ Ca giữ ngục Bác bì.

12. Diêu Đầu giữ ngục Súc sanh.

13. Đề Bạt giữ ngục Đao binh.

14. Di Đại giữ ngục Thiết ma.

15. Duyệt Đầu giữ ngục Khôi hà.

16. Xuyên Cốt giữ ngục Thiết sách.

17. Danh Thân giữ ngục Thơ trùng.

18. Quán Thân giữ ngục Dương đồng.

 

Những ngục như vậy đều có vô lượng địa ngục khác làm quyến thuộc, mỗi ngục đều có chủ ngục. Lính ngục đầu trâu trong ngục tánh tình bạo ngược không có một mảy từ tâm, thấy chúng sanh chịu ác báo như vậy chỉ sợ chúng sanh không khổ mà thôi!”…

 

Qua những trích đoạn trên, chúng ta đã phần nào hình dung được cảnh địa ngục ghê gớm và thống khổ tột cùng như thế nào. Cảnh địa ngục được tạo ra bởi niệm ác của Diêm vương, nên chính Diêm vương cũng phải chịu quả báo cho ác niệm của mình. Đặc biệt, kinh cũng nhấn mạnh rằng: chúng sanh thường hay ra vào chốn địa ngục, đến nỗi bọn quỷ canh ngục cũng phải chán, thường tìm cách hành hạ hơn nữa cho chúng sanh sợ hãi tránh xa địa ngục mới thôi!

 

Vì sao các loài hữu tình, như loài người chẳng hạn, thường hay lui đến chỗ thống khổ tột cùng ấy? Câu hỏi này đã được nhà Phật trả lời rõ ràng rằng: Bởi nhân loại sống thiếu ý thức đạo đức, hàng ngày đều tạo ác nơi lời nói, việc làm và tư tưởng, nên phải bị đọa đày. Việc ác của con người như là giết hại, trộm cướp, ngoại tình, loạn luân, cưỡng hiếp, nói dối, nói khoe khoang, nói đâm thọc, nói rủa chửi, bất hiếu, phản bội, phá giới, phá chùa chiền, hủy hoại tượng Phật, phỉ báng kinh Phật, phá thai, ăn tươi nuốt sống các loài vật v.v… Do ác nghiệp đã tạo, con người chiêu cảm quả khổ đau trong địa ngục.

 

Giáo lý Địa ngục trong Phật pháp là như trên. Giáo lý ấy thuyết minh về một ngài Diêm vương với 18 Ngục vương và vô số cảnh giới địa ngục, nhất là địa ngục Vô gián (A-tỳ), những ai tạo tội nặng thì bị đọa vào đấy chịu khổ không gián đoạn… Khi qua đến Trung Quốc, Địa ngục trong Phật pháp đã biến tướng, được phổ biến qua những hình ảnh Thập điện Diêm vương và đức U Minh giáo chủ Địa Tạng Vương Bồ-tát. 10 Diêm vương trong Phật giáo Trung Quốc ắt cũng có nhân duyên của họ, có dịp chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn.

 

 

B. Triết lý giáo dục của Địa ngục:

 

Phật pháp dạy những điều siêu nhiên, vượt ngoài khả năng nhận thức thông thường của con người. Ví như pháp giới Địa ngục, tuy nhà Phật đã chỉ dạy rõ ràng như thế, nhưng có lắm người vẫn hoài nghi, vẫn hỏi “Địa ngục là có thật hay chỉ là giáo lý trừu tượng của tôn giáo?”. Với nghi vấn đó, ta có thể trả lời như thế này:

 

– Địa ngục là có thật, thật như cõi đời ta đang sống! Pháp giới Địa ngục là biệt cảnh với cõi đời chúng ta đang sống, nên ít ai thấy được cõi sống khổ đau đó. Thành Địa ngục là hóa thành như các cõi trời. Bởi là một cái thành hóa hiện theo tâm ác nên Địa ngục cũng mong manh, một câu “Nam-mô A-di-đà Phật” hay một ý niệm lành cũng có thể đánh bạt khói lửa ngút trời trong thành ấy.

 

– Địa ngục không có thật, không thật như cõi đời ta đang sống! Khi tâm yên lặng đại định thì vạn vật vạn sự trên đời đều quy nguyên (về nguồn). Khi tâm bước ra 6 cửa Mắt – Tai – Mũi – Lưỡi – Thân – Ý(đi buôn)thì vạn vật vạn sự trên đời lại sinh sinh diệt diệt.

 

Có thật với không thật trong 2 cách trả lời trên là từ 2 góc độ khách quan và chủ quan mà nói. Khách quan là ứng theo cái Có trong tâm vọng của nhân loại, thấy ra địa ngục mãi có. Còn chủ quan không phải là sai, mà chủ quan là ứng theo cái Không trong tâm định của người giác ngộ để thuyết minh. Cái Không của số ít chẳng thể làm tiêu tan mọi cái Có của số đông. Do vậy địa ngục có có không không như cõi đời chúng ta đang sống, và phải ứng theo tâm lượng của mỗi người mà xác định.

 

Trong bài Giác Ngộ, đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã viết về Địa ngục:

 

Vấn: Có địa ngục chăng?

 

Đáp: Có. Địa ngục là sắc thân, tứ đại là 4 vách, cái có là nền, sở chấp là nóc! Chúng sanh là tội nhơn ở trong cái khám tối đó!”

 

Rồi ngài lần lượt giải thích các quan niệm: 10 điện, hành phạt, dao, kềm, rắn sắt, chó sắt, Diêm vương, phán quan, quỷ sứ, huyết bồn, cháo lú, Mạnh bà, suối Vàng, gương Nghiệt cảnh… Cuối cùng ngài nhấn mạnh:

 

“Như vậy cảnh giới địa ngục là sắc thân ác khổ, chết và thất bại; cảnh giới thiên đường là thức trí thiện vui, sống và thành công; còn cảnh giới Niết-bàn là chơn tâm tuyệt đối, bình đẳng sáng rỡ, không có chi chi cả. Ba cảnh giới ấy không phải ở nơi đâu cả, có thể nói là ở nơi cái ác, cái thiện, hay nơi cái chơn như của mỗi người hiện ra vậy.”

 

Và ngài mô tả hành trạng của người ra ngoài vòng tương đối của nhân quả thiện ác:

 

“Một nhà sư xuất gia giải thoát, thường tu tập công lý, lìa xa tương đối, bỏ dứt nhơn quả, không còn quả báo, như ngọn đèn tắt nghỉ yên lặng. Nhiều năm nhiều đời đã quen, nhà sư ấy không còn có sự phản giác, cũng không còn trừu tượng, không còn ý niệm, trong tâm bằng thẳng yên lặng, tam nghiệp đã định, thì trước mắt trí huệ của người mãi mãi chỉ là một cảnh giới bằng phẳng, trong sạch, yên lặng, sáng rỡ; trong ấy thỉnh thoảng có chứa một lòng từ bi thương xót tế độ chúng sanh hiện ra…”

 

Tổ sư Minh Đăng Quang chú giải triết lý là nhấn mạnh về đạo lý, còn đức Phật dạy những sự việc có thật trong vũ trụ là miêu tả nhân quả. Hai việc này bổ xung cho nhau chứ không hề mâu thuẫn nhau. Chơn tâm thênh thang yên tĩnh, khi xu hướng về một cơ thể hữu hình là bắt đầu tạo nhân, bắt đầu bị chướng ngại; từ nhân ấy lần lần có người thật việc thật là những quả báo hoặc thiện hoặc ác trong 3 cõi 6 đường luân hồi.

 

Giáo lý Địa ngục đã dạy cho nhân sanh những bài học về nhân quả, trải dài trong khung thời gian Ba đời là quá khứ, hiện tại và vị lai. Giáo lý ấy khuyên người nên tu tâm dưỡng tánh, cải cách tập quán, để nhiều kiếp không chìm trong biển khổ. Ba đời nhân quả luân chuyển, hai nẻo thiện và ác chưa từng tạm nghỉ. Việc báo ứng làm ác gặp khổ, làm thiện được phước như vang theo tiếng, như bóng theo hình, cứ thế trải qua vô lượng kiếp sanh tử thay hình đổi dạng...

 

Giáo lý Địa ngục đã mở ra một tầm nhìn, giúp cho những ai có niềm tin khái quát được một pháp giới thấp thỏi nhất của muôn loài chúng sanh trong bầu vũ trụ này. Theo giáo lý Địa ngục, chắc rằng người học sẽ biết quý trọng thân phận làm người mình đang có, là pháp giới thứ 5 trong 10 pháp giới của vũ trụ, từ đó biết cẩn trọng lời nói, việc làm và tư tưởng của mình để có những kết quả tốt đẹp trong dòng sống, cho đến ra khỏi vòng tương đối của thiên đường và địa ngục.

 

---------------------------------------------------------------------

 

Các bài liên quan