NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Tư tưởng - Văn hóa / TÀ KIẾN CỦA NHỊ THỪA

Tâm Nguyên , Thứ Sáu 20-09-2013

 

TÀ KIẾN CỦA NHỊ THỪA

 

KS. Minh Bình

 

Kinh Phạm Võng Bồ-tát Giới của hòa thượng Trí Tịnh dịch từ Hán ngữ, giới khinh thứ 24 có nội dung như sau:

 

24. GIỚI KHÔNG TẬP HỌC ĐẠI THỪA

Nếu Phật tử, có kinh luật Đại thừa pháp, chánh kiến, chánh tánh, chánh pháp thân của Phật, mà không chịu siêng học siêng tu, lại bỏ bảy của báu, trở học những sách luận tà kiến của Nhị thừa, ngoại đạo, thế tục; đó là làm mất giống Phật, là nhơn duyên chướng đạo, chẳng phải thực hành đạo Bồ-tát. Nếu cố làm như vậy, Phật tử này phạm khinh cấu tội.

 

Đọc điều giới 24 này, ta không khỏi ngạc nhiên trước câu “lại bỏ bảy của báu, trở học những sách luận tà kiến của Nhị thừa, ngoại đạo, thế tục”! Qua câu kinh này, Nhị thừa trong Phật pháp được đánh đồng với hàng ngoại đạo, hàng thế tục! Với niềm tin kiên cố vào những giá trị chân chánh và cao quý của Pháp bảo do chư Phật đã khai thị, hàng Phật tử chúng ta không khỏi khởi lên một vài nghi vấn: Nhị thừa có tà kiến ư? Thế tà kiến của Nhị thừa là gì?...

 

Nhị thừa, như chúng ta đều biết, đó là hai thừa Thanh Văn và Duyên Giác, gồm có 5 đạo và 5 quả Chánh đẳng Chánh giác của Phật pháp:

 

1. Tu-đà-hoàn đạo, Tu-đà-hoàn quả.

2. Tư-đà-hàm đạo, Tư-đà-hàm quả.

3. A-na-hàm đạo, A-na-hàm quả.

4. A-la-hán đạo, A-la-hán quả.

5. Bích-chi đạo, Bích-chi quả.

 

Những nhân quả tương ứng của hàng Phật tử Thanh Văn, Duyên Giác còn được dịch rõ hơn thế này:

 

1. Đạo Nhập lưu, quả Nhập lưu.

2. Đạo Nhất lai, quả Nhất lai.

3. Đạo Bất lai, quả Bất lai.

4. Đạo Vô sanh, quả Vô sanh.

5. Đạo Duyên giác, quả Duyên giác.

 

Do nhân là dứt được thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ, các Phật tử được quả Nhập lưu, là quả vị bắt đầu nhập vào dòng Thánh của chư Phật. Rồi từ đó hàng Phật tử tiếp tục tiến tu đạo nghiệp, lần lượt đắc các quả vị cao hơn, cho đến quả vị cuối cùng là quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, quả vị Phật. Với những nhân và quả Chánh đẳng Chánh giác, không rõ hàng Thanh Văn và Duyên Giác có tà kiến gì đây?

 

Tà kiến là nhận thức không chân chánh, tà đạo là con đường không chân chánh. Tà đạo nghịch với chánh đạo. Chánh đạo có 8: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Tà đạo cũng có 8: Tà kiến, Tà tư duy, Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng, Tà tinh tấn, Tà niệm, Tà định. Hai nẻo tà và chánh, một đàng đưa đến thế gian còn một đàng đưa đến Niết-bàn. Ví dụ: Tà tinh tấn là siêng năng lừa gạt, trộm cướp, điêu ngoa, xảo trá…; còn Chánh tinh tấn là siêng năng tu niệm, ăn hiền, ở lành…

 

Tà kiến là một trong 8 Tà đạo, đứng đầu 8 Tà đạo. Nếu Chánh kiến là 4 phần:

 

– Thấy chắc các sự khổ.

– Thấy chắc lòng tham ái là nhân sanh các sự khổ.

– Biết chắc Niết-bàn là nơi dứt khổ.

– Biết chắc Bát chánh đạo là con đường đưa đến sự diệt khổ.

 

Thì Tà kiến cũng có 4 phần tương ứng:

– Thấy cõi đời là vui sướng.

– Thấy ân ái, dục lạc là nguồn hạnh phúc.

– Thấy sự tái sanh trong những cảnh giới ưa thích là thỏa mãn.

– Thấy sự tạo dựng công danh, sự nghiệp, nhà cửa, con cái… là kế sống khôn ngoan.

 

Bốn phần Chánh kiến chính là Bốn diệu đế của Phật dạy, còn bốn phần Tà kiến chính là lẽ sống xưa nay của chư thiên và nhân loại ở đời, đang say sưa trong những giấc mộng đẹp của 5 uẩn, không ngờ thần chết sẽ đến như những cơn lũ vô thường quét tan tất cả! Thật không rõ là hàng Thanh Văn và Duyên Giác đệ tử Phật đã có tà kiến gì?

 

Khi so sánh Kinh Phạm Võng Bồ-tát Giới của hòa thượng Trí Tịnh dịch từ Hán ngữ với Giới Phật Tử (Chơn lý 55) của Tổ sư Minh Đăng Quang biên tập, ta dễ nhận ra nhiều chỗ khác nhau về văn phong, ý tứ. Giới khinh thứ 24 của Kinh Phạm Võng Bồ-tát Giới có nội dung như sau:

 

24. GIỚI KHÔNG TẬP HỌC ĐẠI THỪA

Nếu Phật tử, có kinh luật Đại thừa pháp, chánh kiến, chánh tánh, chánh pháp thân của Phật, mà không chịu siêng học siêng tu, lại bỏ bảy của báu, trở học những sách luận tà kiến của Nhị thừa, ngoại đạo, thế tục; đó là làm mất giống Phật, là nhơn duyên chướng đạo, chẳng phải thực hành đạo Bồ-tát. Nếu cố làm như vậy, Phật tử này phạm khinh cấu tội.

 

Còn giới khinh thứ 24 của Giới Phật Tử (Chơn lý 55):

 

24. Này Phật tử! Có kinh luật của Phật, chánh kiến, chánh tánh, chánh pháp thân, mà không chịu cần học tu tập, khác nào bỏ của thất bảo, trở lại học theo sách vở của thế tục, lý luận của đời, các luận của ngoại đạo, tất cả thuyết của tà kiến; đó là nhơn duyên ngăn đạo, dứt mất Phật tánh, chẳng phải tu hạnh Phật tử. Nếu cố làm như thế phạm khinh cấu tội!

 

Hoặc giới khinh thứ 8 của Kinh Phạm Võng Bồ-tát Giới:

 

8. GIỚI CÓ TÂM TRÁI BỎ ĐẠI THỪA

Nếu Phật tử, có quan niệm trái bỏ kinh luật Đại thừa thường trụ, cho rằng không phải của Phật nói, mà đi thọ trì kinh luật tà kiến và tất cả cấm giới của Thanh Văn nhị thừa cùng ngoại đạo ác kiến, Phật tử này phạm khinh cấu tội.

 

Và giới khinh thứ 8 của Giới Phật Tử (Chơn lý 55):

 

8. Này Phật tử! Đem lòng bỏ kinh luật thường trụ cho là không phải Phật nói, mà vâng giữ theo những giới cấm kinh luật của tà kiến, của ngoại đạo, thời phạm khinh cấu tội!

 

Hoặc giới khinh thứ 34 trong Kinh Phạm Võng Bồ-tát Giới:

 

34. GIỚI TẠM BỎ BỒ-ĐỀ TÂM:

Nếu Phật tử, ngày đêm sáu thời đọc tụng giới Bồ-tát này, nên giữ gìn giới luật trong tất cả khi đi đứng nằm ngồi, vững chắc như kim cương, như đeo trái nổi để qua biển lớn, như các Tỳ-kheo bị cột bằng dây cỏ. Thường có tín tâm lành đối với Đại thừa. Tự biết rằng mình là Phật chưa thành, còn chư Phật là Phật đã thành, rồi phát Bồ-đề tâm và giữ vững không thối chuyển. Nếu có một tâm niệm xu hướng theo Nhị thừa hay ngoại đạo, Phật tử này phạm khinh cấu tội.

 

Và giới khinh ấy trong Giới Phật Tử (Chơn lý 55):

 

34. Này Phật tử! Khi đi đứng nằm ngồi, giữ gìn giới cấm, ngày đêm trì tụng giới này, trọng như ngọc kim cang, như đeo phao nổi qua khỏi biển lớn, như Tỳ-kheo buộc cỏ… Thường sanh lòng từ thiện chánh tín, tự biết mình là Phật chưa thành, chư Phật là Phật đã thành, phát tâm Bồ-đề, mỗi niệm không lui sụt. Nếu khởi một niệm ngoại đạo, phạm khinh cấu tội.

 

v.v…

 

Qua một số dẫn chứng trên, chúng ta thấy Tổ sư Minh Đăng Quang đã lược bỏ những từ ngữ và ý tứ cho rằng các giới pháp của hàng Phật tử xuất gia là nhỏ mọn, phi pháp, tà kiến. Ngài đã đem lại tư thái nhất thừa bình đẳng cho Bồ-tát giới, việc này rất quan trọng. Nếu ví Phật giáo như một nền giáo dục (như hòa thượng Tịnh Không thường nói), thì Nhân và Thiên thừa là bậc Tiểu học, Thanh Văn và Duyên Giác đứng vào bậc Trung học, còn Bồ-tát Thánh là bậc Đại học. Mục đích tu học của 5 thừa là: Nhân và Thiên thừa tu phước báo hữu lậu trong 3 cõi, Thanh Văn và Duyên Giác tu đoạn trừ 2 hoặc Kiến và Tư, hàng Bồ-tát cao cấp tu đoạn trừ 2 hoặc Trần sa và Vô minh. Tuy thứ lớp tu học có trước sau nhưng 5 thừa Phật pháp vốn đồng một nguồn tuệ giác, không hề chống báng nhau, đều là những phương tiện tiếp dẫn chúng sanh của các đức Phật trong 10 phương 3 đời.

 

Tin tưởng theo trí tuệ của các bậc Tổ sư đạt đạo, chúng ta lại khởi lên nghi vấn thứ 3 rằng: Không rõ diện mạo chân thật của Bồ-tát giới trong nền Phật giáo Ấn Độ là như thế nào? Nghi vấn này chẳng phải là không có cơ sở. Trong Giới Luật Học Cương Yếu do Tuệ Đăng dịch ra Việt ngữ, hòa thượng Thánh Nghiêm cũng có đề cập đến những vấn đề tương tự. Nơi trang 431, Giới Luật Học Cương Yếu viết:

 

Phạm Võng Giới Kinh là một loại Bồ-tát giới kinh được lưu thông rộng rãi ở Trung Quốc hơn hết. Nhưng đối với vấn đề chân ngụy của Phạm Võng là việc đã có từ xưa, các nhà kinh lục cựu thời đã đem Phạm Võng liệt vào loại nghi phẩm…

 

Vậy xưa nay nhiều học giả bên Trung Quốc đã từng nghi Phạm Võng Giới Kinh là kinh ngụy tạo, không phải do ngài Cưu-ma-la-thập dịch ra Hán ngữ. Chúng ta cũng khởi nghi do nhận thấy nội dung sai khác trong hai bộ Kinh Phạm Võng Bồ-tát Giới của hòa thượng Trí Tịnh dịch từ Hán ngữ và Giới Phật Tử (Chơn lý 55) của Tổ sư Minh Đăng Quang biên tập. Trong nghi vấn đó, ta có thể hình dung đến một giả thiết:

 

– Bồ-tát giới đã từ Trung Quốc mà được lưu truyền khắp vùng Đông Á. Trung Quốc thời xưa là một đất nước phong kiến rộng lớn, mạnh mẽ suốt mấy ngàn năm, do hàng vua quan quý tộc nắm đại quyền, sở hữu nhiều tài sản và có nhiều ảnh hưởng lớn trong xã hội. Nếu tầng lớp đứng đầu xã hội đó theo Phật giáo, gắn bó với Phật giáo, thì ắt Phật giáo sẽ có nhiều sự ủng hộ đáng kể. Để kêu gọi các tầng lớp quý tộc Trung Quốc này có lẽ phải cần một giới pháp, ngoài giới pháp xuất gia, được xem là cao hơn giới pháp xuất gia chẳng hạn...?

 

Nếu vì phương tiện “Độ” các nhà quý tộc mà sửa Pháp bảo thì thật tội lỗi. Vậy diện mạo chân thật của Bồ-tát giới trong nền Phật giáo Ấn Độ như thế nào còn cần phải tìm hiểu, nhưng cứ theo lý mà suy thì nó phải phù hợp với Chánh pháp của ba đời ngàn Phật: quá khứ Trang Nghiêm kiếp có 1000 đức Phật, hiện tại Hiền kiếp có 1000 đức Phật và vị lai Tinh Tú kiếp cũng có 1000 đức Phật ra đời tại thế gian này.

 

So với các giới pháp căn bản mà đức Phật đã biệt truyền cho các chúng Phật tử xuất gia, những khoản “…Hoặc mình giết, bảo người giết, phương tiện giết, khen ngợi giết, thấy giết vui theo, nhẫn đến chú thuật giết, nhơn giết, duyên giết, pháp giết, nghiệp giết, tất cả các loài có mạng sống không nên cố giết…” của giới trọng thứ nhất chính là giới sát triệt để thôi. Hoặc giới khinh thứ 32: “…Không đặng buôn bán dao, gậy, cung, tên, cân non, giạ thiếu, cậy thế lực quan trên lấy ngang của chúng, lòng ác trói buộc phá hư việc thành công của người, và nuôi mèo, chồn, heo, chó v.v… Nếu cố làm thời phạm khinh cấu tội.”, thì cũng chính là ý nghĩa của Chánh mạng trong Bát chánh đạo mà thôi… Vậy giới Bồ-tát mở rộng hơn các giới Thanh Văn. Điều cần phải lưu ý là: Sự mở rộng là mở rộng của cái chính, cái căn bản. Khi những cái căn bản được xem là tà kiếnphi phápnhỏ mọn… thì thật chẳng biết nói thế nào nữa! Lẽ nào Phật Thích-ca đã dạy những điều tà kiến, phi pháp, nhỏ mọn cho các đệ tử xuất gia? Cho nên chúng ta cần dùng đôi mắt trạch pháp để xem xét lại một số câu kinh trong Kinh Phạm Võng Bồ-tát Giới.

 

----------------------------------------------------------------------

 

Các bài liên quan