NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Giáo dục - Hoằng pháp / Tìm về Chân Nguyên

Tâm Nguyên , Thứ Năm 05-09-2013

 

Tìm về Chân Nguyên

 

Phong Bình

 

        Tháng 7, Hà Nội với tiết trời oi ả bởi những ánh nắng vàng nằm rạp trên các vòm phượng vĩ, màu hoa như rực lửa cùng với tiếng ve râm ran báo động một mùa hè náo nhiệt. Rời khỏi sự ngột ngạt nơi đô thành đến với dải đất Nam Cát Tiên, được chào đón bằng trận mưa rừng xối xả trắng rợp ngôi chùa quê mang tên Hồng Trung Sơn. Chúng tôi tìm về đây khi biết tin sư cô Thích nữ Hằng Liên tổ chức trại hè dành cho các em thiếu niên trong thời gian 4 ngày, từ ngày 16 tháng 7 đến ngày 19 tháng 7 năm 2013 với chủ đề “Tìm về Chân Nguyên”.

 

 

        Mặc dù trời mưa, song các em vẫn đến tập trung đông đủ. Ngoài một số em sống ở thành phố, còn lại đa phần là các em hiện cư trú trên địa bàn Nam Cát Tiên và có cả con em của bà con dân tộc Tày, Mạ ở phía bên rừng thuộc huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng. Tất cả có khoảng hai trăm em tham dự, không phân biệt tôn giáo hay dân tộc, các em tụ hội về đây cùng chung mục đích là được giao lưu và học hỏi. Niềm háo hức hiện diện trên từng gương mặt hồn nhiên nhưng cũng không kém phần tinh nghịch của tuổi học trò. Khi ngọn đuốc khai mạc trại hè bùng cháy, tiếng reo vui tiếp sức, cổ vũ cho màn múa lửa của các bạn nữ ẩn mình trong bộ trang phục được hóa trang như những tán lá rừng làm rung động cả một vùng sơn cước, và rồi bỗng dưng tất cả lắng chìm bởi giai điệu của bài hát Chân Nguyên. Lần đầu tiên tôi được nghe giai điệu này, từng ca từ như là sự thức tỉnh cho mỗi người muốn thoát khỏi sinh tử luân hồi thì hãy tỉnh giác trở về với chính cái tâm chân thật của mình:

 

 

Trở về an trú Chân nguyên

Cuộc trần thôi hết đảo điên

Tâm thường như hư không

Chân nguyên.

 

 

 

Tiết mục văn nghệ của đội Lục Hòa

 

        Thời khóa trong một ngày bắt đầu từ 4 giờ 30 và kết thúc vào 20 giờ 30 gồm có: ngồi thiền, nghe sư cô trụ trì giảng pháp, thiền hành, đọc kinh Vu-lan và các trò chơi xen kẽ giữa các giờ chính khóa. Bên cạnh đó, ban tổ chức còn mở ra các cuộc thi như: gấp hoa sen, vẽ tranh, văn nghệ, viết văn, trò chơi đi tìm bí mật. Trại hè năm nay không có sự tham gia của nhà thiết kế Sĩ Hoàng do anh bận công tác đột xuất, nên tiết mục thi thiết kế thời trang được chuyển sang thi vẽ tranh với chủ đề “Bảo vệ môi trường”. Các em đã rất sôi nổi, hào hứng tham gia và thể hiện tài năng của mình. Đặc biệt hơn cả là ý nghĩa đêm hoa đăng tri ân công ơn của cha mẹ, với lời thuyết giảng của sư cô Thích nữ Hằng Liên đã khiến cho tất cả những ai tham dự tối đó đều cảm động và các em thì được một buổi nước mắt tuôn rơi!

 

 

        Bạn Nguyễn Thị Hiền đã viết trong bài dự thi của mình: “Khi màn đêm buông xuống bao trùm lấy vạn vật, cũng là lúc những ngọn nến lung linh bắt đầu tỏa sáng. Đêm hoa đăng là đêm đầy ý nghĩa với tôi, chính đêm ấy đã giúp tôi hiểu ra được tình thương cha mẹ dành cho tôi lớn lao như thế nào. Thật lòng mà nói, trước đây tôi rất ghét bố mẹ, bởi bố mẹ hay la mắng tôi. Tôi cứ ngỡ bố mẹ không thương tôi, ghét bỏ tôi. Nhưng đến đêm hoa đăng này thì tôi mới nhận ra rằng sự thật không phải như vậy… Tôi rất biết ơn Thầy, Thầy không những cho chúng tôi một sân chơi lý thú mà còn giúp chúng tôi nhận thức được đạo đức làm người.”.

 

 

        Trong số các em tham dự trại hè này, có nhiều hoàn cảnh khác nhau: một số em tuổi thơ gắn liền với nương rẫy vì gia đình quá khó khăn nên việc đến trường phải bỏ dở; có em kém may mắn do mồ côi cha, mẹ; có em phải sống trong cảnh bị bạo lực gia đình bởi người cha tối ngày mê muội trong những cơn say… Tôi rất cảm phục một số em con đồng bào dân tộc Tày sinh sốn gtrên địa phận Đạ Tẻh của Lâm Đồng. Con sông Đồng Nai phân hai vùng ranh giới rõ rệt, bên kia sông người dân vẫn còn sống trong ánh sáng đèn cầy.Ánh mắt trẻ em luôn thể hiện niềm khao khát được biết chữ, được giao lưu, học hỏi, muốn tìm đến ánh sáng của nền văn minh… cho nên các em đã không quản ngại sông nước cách trở hay mưa gió đã cùng gia đình vượt sông đến với chùa Hồng Trung Sơn để được tham dự Trại hè và cả những khóa tu thiền khác dành cho thanh thiếu niên.

 

 

 

Giờ thiền hành

 

 

        Giờ đây tôi đã hiểu tại sao sư cô Hằng Liên luôn quan tâm đến các em, luôn trăn trở về một sân chơi của các em sao cho có ý nghĩa. Nhiều em đến với trại hè năm nay là lần đầu tiên, cũng có em là lần cuối vì sang năm các em bước vào tuổi trưởng thành sẽ sinh hoạt tại Trại hè của lứa tuổi thanh niên. Mặc dù điều kiện của chùa còn thiếu, nhưng quý sư cô cùng các đệ tử của mình đã dồn hết tâm sức chăm lo cho các em có một Trại hè tràn đầy ý nghĩa và rồi sau khi bế mạc trở về nhà, em nào cũng có phần quà nho nhỏ như tập vở, bút viết, bánh kẹo… Ngôi chùa đơn sơ, mộc mạc nhưng chứa chan tình thương của các sư cô. Bên cạnh đó, một số thiền sinh đã cùng phụ giúp nhà chùa tạo cho các em một sân chơi lành mạnh, đoàn kết và bổ ích.

 

 

         Thật xúc động khi đọc những dòng tâm sự của bạn Ý Nhi: “Tôi đến trại hè năm nay một cách tình cờ, nhưng chính sự tình cờ ấy đã đem đến sự may mắn cho tôi. Những ngày ở chùa Hồng Trung Sơn mãi là một kỷ niệm đẹp và có lẽ nó sẽ đi theo tôi suốt cả cuộc đời. Tôi đã có cơ hội hòa nhập với cuộc sống đầy tình bạn, có cơ hội học tập đạo lý làm người để giúp tôi có một hành trang vững chắc đi trên con đường tương lai đang rộng mở… Trại hè năm nay với chủ đề Tìm về Chân nguyên, có nghĩa là hãy trở về với chính bản tâm mình đã giúp tôi hiểu mình cần phải làm gì, phải sống như thế nào là đúng nhất để sau này không phải hối hận. Trái tim tôi vô cùng ấm áp bởi những lời Thầy giảng đã đi sâu vào trái tim nhỏ bé của tôi, giúp tôi thấm thía được nhiều điều. Tôi đã biết nghĩ đến gia đình mình, biết thương cha mẹ… Tôi rất cảm ơn Thầy vì đã tổ chức trại hè này để chúng tôi được vui chơi, giúp chúng tôi hiểu ra được đạo lý làm người mà trong cuộc sống thường nhật không có cơ hội nhận ra.”.

 

 

 

Đêm hoa đăng

 

 

        Trong bài viết của mình, bạn Nguyễn Thế Tuấn đã chia sẻ: “Tham gia trại hè tại chùa Hồng Trung Sơn là một niềm may mắn, đặc biệt đêm hoa đăng đã cho chúng ta thấy rõ về tình mẹ, chúng ta càng thấm thía hơn khi nghe Thầy nói đến sự hy sinh của cha mẹ dành cho chúng ta. Tình cha, nghĩa mẹ thật thiêng liêng và cao quý. Quả thật trước đây tôi ít nghĩ đến điều này, nhưng giờ đây tôi biết quý trọng người mẹ của tôi. Khi thấy những bạn không còn mẹ, tôi mới thấy mình may mắn biết bao...  Tôi rất biết ơn Thầy và mong muốn Thầy tạo điều kiện cho chúng tôi được tham gia những khóa tu như thế này nhiều hơn nữa để chúng tôi tránh xa những cạm bẫy mà tệ nạn học đường đang hàng ngày rình rập vây quanh.”.

 

 

        Tôi từng biết đến rất nhiều khóa tu tại một số chùa, thiền viện từ Bắc đến Nam tổ chức trại hè với quy mô lớn cho các em học sinh, sinh viên sau khi kết thúc năm học. Mặc dù không có điều kiện tổ chức long trọng và cấp cho các em bộ quần áo lam hay đồng phục để đưa lên mặt báo những hình ảnh đẹp, song sư cô Hằng Liên cũng đã tạo ra cho các em một sân chơi đầy trí tuệ và khoa học: cũng dậy từ sáng sớm tập thể dục, quét dọn vệ sinh, ngồi thiền, tụng kinh, nghe thầy giảng pháp, thiền hành, thi văn nghệ, thi vẽ, viết văn… Các em rất hăng hái tham gia và tự giác chấp hành nghiêm nội quy của nhà chùa. Đặc biệt là sau bài “Từ bi quán” do Sư cô thuyết giảng, các em đã phần nào thấu hiểu về công lao của cha mẹ và bổn phận của người con phải hiếu kính đối với các bậc sinh thành.

 

 

        Trại hè đã khép lại, nhưng ngọn lửa “Chân Nguyên” ấy vẫn mãi âm ỉ cháy, thôi thúc các em chuẩn bị hành trang cho mình đón chào năm học mới và cả chặng đường tương lai phía trước đang rộng mở. Quả thật đây là trại hè có giá trị thiết thật cho việc ươm mầm thiện trong tâm hồn trẻ thơ mà sư cô Thích nữ Hằng Liên là người khơi nguồn cho các em tìm về Chân Nguyên.

 

 

 

Các bài liên quan