NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Tư tưởng - Văn hóa / Nét đặc thù của đức Tổ sư MĐQ

Tâm Nguyên , Thứ Năm 27-06-2013

 

 

 Tham luận: 

 

 

Nét đặc thù của đức Tổ sư Minh Đăng Quang

 

KS. Minh Bình

 

Kính thưa toàn thể cử tọa.

 

Trong hội thảo lần này, tại Khóa Bồi Dưỡng Trụ Trì Hệ Phái Khất Sĩ Năm 2013, chúng tôi xin góp phần tham gia với một tham luận nói lên những nét đặc thù của đức Tổ sư Minh Đăng Quang, bậc Đạo sư khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam và thế giới. Xin đại chúng hoan hỷ theo dõi và góp ý thảo luận…

 

 

 

I. DẪN NHẬP

 

Việt Nam Phật giáo, thế kỷ XX là một giai đoạn phục hưng và phát triển rực rỡ. Lịch sử Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX đã viết nên những trang sử vàng chói sáng, mà trong đó Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam của đức Tổ sư Minh Đăng Quang là một dấu ấn đặc sắc nhất.

 

Hơn 65 năm qua kể từ khi đức Tổ sư Minh Đăng Quang lập đạo, đã có một số công trình nghiên cứu, khảo luận về đức Tổ sư và giáo pháp của ngài. Chúng ta có thể lược nêu những công trình ấy như sau:

 

1– Năm 1961, tác giả Hàn Ôn cho xuất bản một quyển khảo cứu Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam với tên là Minh Đăng Quang Pháp Giáo. Đây là quyển sách đầu tiên (được xem là xưa nhất) viết về Đạo Phật Khất Sĩ nên có nhiều ảnh hưởng đến đa số các tác phẩm sau này.

 

2– Thập niên 1990, mục sư Lê Trung Trực viết Tìm Hiểu Chơn Lý Của Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang, một quyển sách luận về các điểm đặc sắc trong giáo lý của đức Minh Đăng Quang qua tầm nhìn của một nhà thần học Thiên Chúa giáo hiện đại.

 

3– Năm 2001, Tỳ-kheo Giác Trí (Đoàn I) viết luận văn tốt nghiệp Học viện Phật giáo Việt Nam với tên là Sự Hình Thành Và Phát Triển Của Hệ Phái Khất Sĩ.

 

4– Năm 2007, Thích Hạnh Thành cho ra mắt quyển Tìm Hiểu Phật Giáo Khất Sĩ Ở Nam Bộ Việt Nam. Quyển này tuy mỏng nhưng bố cục bài bản và viết về khắp các nhánh Khất Sĩ ở Nam bộ Việt Nam theo  nhận định của tác giả, (chưa được khách quan).

 

5– Năm 2011, Nhà xuất bản Phương Đông xuất bản tác phẩm Tìm Hiểu Về Hệ Phái Khất Sĩ của Thích Giác Duyên. Đây là tác phẩm nghiêm túc viết về Đạo Phật Khất Sĩ đã được xuất bản chính thức ở Việt Nam, nhưng còn mấy phần hạn chế.

 

6– Cùng năm 2011, tác giả Hành Vân khởi sự viết Trung Giang Ký Sự, rồi lần lượt cho đăng lên trang Ánh Nhiên Đăng. Hiện nay công trình này vẫn đang được tiếp tục thực hiện, và nó sẽ là phần I tạo nền cho phần II là quyển Lịch Sử Đạo Phật Khất Sĩ được hình thành.

 

Đến nay, chỉ còn nửa năm nữa là kỷ niệm 60 năm đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng. Trong sự chuẩn bị cho đại lễ này, nhân mùa An cư năm 2013, Hội đồng Giáo phẩm Hệ phái Khất Sĩ đã tổ chức tọa đàm về đức Tổ sư Minh Đăng Quang. Tham gia tọa đàm, chúng tôi cố gắng trình bày về những nét đặc thù của đức Tổ sư, qua quá trình tìm hiểu, cảm nghiệm về ngài.

 

Với đề tài tham luận đã nêu, chúng tôi xin triển khai 3 nội dung chính:

 

1. Đức Tổ sư Minh Đăng Quang là một bậc Đạo sư vĩ đại

 

2. Ngài đã thành lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam

 

3. Những đặc điểm biệt truyền của Giáo pháp Khất Sĩ

 

Sau đây chúng tôi xin lần lượt trình bày…

 

 

 

 

          II. ĐỨC TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG LÀ MỘT BẬC ĐẠO SƯ VĨ ĐẠI

 

1. Không vĩ đại trong thân thế

 

Thân thế của ngài rất bình dị như bao nhiêu người khác. Ngài đã xuất thân trong một gia đình nông dân tại làng Phú Hậu, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Cha ngài là cụ ông Nguyễn Tồn Hiếu (1894 - 1968), mẹ ngài là cụ bà Phạm Thị Tỵ (1892 - 1924). Ngài sanh ngày 04 tháng 11 năm 1923, nhằm ngày 26 tháng 9 năm Quý Hợi, có thế danh là Nguyễn Thành Đạt.

 

Tướng mạo của Nguyễn Thành Đạt trông khôi ngô, tuấn tú, thần sắc quang minh, cử chỉ nghiêm trang… nói chung cũng không có kỳ hình dị tướng gì như chư Phật…

 

 

2. Đức ngài vĩ đại trong sự thành tựu cao cả:

 

Năm 1944, khi mới 21 tuổi đời, ngài đã ngộ đạo sau quá trình tự tìm hiểu hai giáo lý Đại thừa, Tiểu thừa của Miên và Việt Nam.Từ đó ngài đơn thân du hành khắp xứ để lập đạo, giáo hóa chúng sanh. Sự giác ngộ rất sớm của ngài cho thấy rằng đó là sự thị hiện của một bậc Đại sĩ ứng thế, chứ không thể mới tu tập một vài năm mà được như vậy.

 

Khi ngài còn, chư Tăng Ni và Phật tử gọi ngài là Sư trưởng, là Đại đức, là Thầy. Khi ngài mất rồi, dần dần chư Tăng Ni và Phật tử tôn xưng ngài là Tổ sư, là Tôn sư. Ấy là những danh từ, còn xét về sự giác ngộ, thì ngài đã đạt ngộ ở cấp độ nào? Trong Bồ-tát Giáo, có khi ngài tự xưng là “Pháp vương Minh Đăng Quang, Nhiên Đăng thượng cổ Phật, Giáo chủ cõi Ta-bà”. Trong bộ Chơn Lý, ngài nói: “Ai biết rõ tứ đại người ấy là Phật!”, mà chính ngài đã thuyết minh rất rõ về tứ đại, về vũ trụ nhân sanh, vạn vật, các pháp... Qua các dấu hiệu trên, chúng ta biết được ngài chính là một đức Phật!

 

Đặc biệt, sự thành tựu vĩ đại của đức Tổ sư đã được thấy rõ qua bộ Chơn Lý, một bộ sách kết tinh trí tuệ siêu việt của ngài. Chính từ những nội dung sâu xa và các tư tưởng đặc sắc của Chơn Lý mà người đọc cảm được tầm vóc của tác giả: một người chưa có thành tựu rốt ráo thì không thể nào nói ra được những then chốt của tạo hóa như thế!... Ngay hòa thượng Minh Châu, một đại học giả của Phật giáo Việt Nam cũng phải thốt lên: “Ngài phải là một bậc Thánh mới viết được như thế!”

 

 

        3. Đức Ngài vĩ đại vì sự nghiệp chấn hưng Phật giáo nổi bật của mình

 

Với sứ mạng khai tông lập đạo trong thời duyên nền Phật giáo nước nhà đang được chấn hưng, đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã làm được hai việc:

 

 

3.1 Góp phần chấn hưng giáo lý:

 

Là đem lại ánh sáng chánh kiến của Phật pháp chân chính cho hàng Phật tử đương thời, góp phần bài trừ mê tín dị đoan, tín ngưỡng quỷ thần; chỉ rõ những đạo lý của Thiền, Mật, Tịnh độ, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Quán Âm, Địa Tạng, Tứ y pháp, Số tức quán, Nhập định, Ăn chay, Thờ phượng v.v… Đây là những điều mà các bậc tôn túc đương thời của Phật giáo Việt Nam cũng đã làm để chấn hưng nền Phật giáo nước nhà đã suy vi một thời gian dài trong thế kỷ XIX.

 

Nhưng đặc biệt, đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã nhấn mạnh tinh thần vô ngã triệt để của Phật pháp, khi ngài đả phá những sai lầm trong sự chấp nhất về Tông, Phái, Giáo, đưa Phật giáo trở lại diện mạo chơn truyền của nó.

 

 

3.2 Góp phần chấn hưng giáo chế:

 

Là chấn hưng về Tăng đoàn và Giới luật, trong đó Giới luật thuộc về ngành lập pháp còn Tăng đoàn thuộc về ngành hành pháp.

 

Thông thường, một dòng đạo sẽ được trường tồn khi và chỉ khi nó có một hệ thống Giới luật căn bản. Tiền đề này một lần nữa đã được chứng minh đối với Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam: trong khi bên Khất Sĩ Bắc tông của Đại sư Huệ Nhựt bị suy yếu thì Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam đã phát triển rất mạnh.

 

Quả thật Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam đã có một hệ thống Giới luật căn bản và độc lập, tuy chưa hoàn bị đến mức thành một bộ Luật, nhưng đã tương đối đầy đủ. Nhìn chung, hệ thống Giới luật Khất Sĩ thể hiện rất rõ tính cải cách, trong sáng, tiện dụng, không màu mè rắc rối…

 

Đồng thời, các Tăng đoàn Khất Sĩ đã được Tổ sư Minh Đăng Quang nghiêm minh tổ chức; các Tăng sự như xuất gia, thọ giới, sám hối, tụng giới, an cư, tự tứ… đều được tổ chức quy củ, không cổ lổ cũng không quá tân thời. Đến khi các đức Thầy kế thừa vẫn duy trì được đạo phong đó. Do vậy Đạo Phật Khất Sĩ mới có được sắc thái như ngày nay.

 

 

 

III. THÀNH LẬP ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM

 

Sự nghiệp của đức Tổ sư Minh Đăng Quang là đã thành lập được Đạo Phật Khất Sĩ, với đầy đủ những nền móng hạ tầng là Tăng đoàn và hệ thống Giới luật, cùng kiến trúc thượng tầng là Tư tưởng Khất Sĩ, hay Giáo pháp Khất Sĩ, chính là bộ Chơn Lý 69 tiểu luận.

 

Chỉ trong 7 năm để làm nên một sự nghiệp vô cùng to lớn, tức là đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã phải gánh vác mọi việc, từ thuyết pháp, dẫn chúng hành đạo, dạy đệ tử, viết kinh, in ấn, xin phép chính quyền, cho đến công quả đắp nền tịnh xá… nói chung là hầu hết mọi việc đối nội đối ngoại Ngài đều phải làm để nền đạo được lập xong trong một thời gian ngắn!

 

Đến ngày 05 tháng 3 năm 1954, ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ lịch sử, đức Tổ sư đã thị hiện vắng bóng, một sự hy sinh cao thượng cho giáo pháp. Khi ấy Giáo hội Khất Sĩ còn vô cùng non trẻ, Tăng Ni Khất Sĩ khi ấy quả thật như đàn gà con lạc mẹ, chiu chít, hoang mang… Đức Thầy ra đi, giáo hội của Ngài thành lập chỉ mới có 8 tỳ-kheo Tăng:

 

– 4 vị thọ Đại giới vào tháng 7 năm Tân Mão 1951 là quý ngài Giác Tánh, Giác Chánh, Giác Như, Giác Tịnh.

 

– Và 4 vị thọ Đại giới vào tháng 7 năm Nhâm Thìn 1952 là quý ngài Giác Nhơn, Giác Hải, Giác Thần, Giác Hòa.

 

Với 4 vị tỳ-kheo hơn 2 tuổi đạo và 4 vị tỳ-kheo hơn 1 tuổi đạo, cùng với chúng sa-di khoảng trên 20 vị, giềng mối Đạo Phật Khất Sĩ đã được duy trì, được mở mang, để rồi đơm hoa kết trái sung mãn như ngày nay. Thật hân hạnh thay khi nhìn lại dòng lịch sử kỳ diệu của Đạo Phật Khất Sĩ! Trong niềm hân hạnh vô cùng đó, chúng ta không khỏi cảm thán:

 

Từ thuở trước bao người dong ruổi

Nay chốn này đến buổi chúng ta

Con dòng hưởng lấy tài gia

Đoái nhìn sự nghiệp, thương cha công trình!...

 

 

 

IV. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM BIỆT TRUYỀN CỦA GIÁO PHÁP KHẤT SĨ

 

Giáo pháp Khất Sĩ của đức Tổ sư Minh Đăng Quang có những đặc điểm biệt truyền, mà chúng tôi chỉ xin được lược nêu một số điều nổi bật. Nói về đặc điểm của Giáo pháp Khất Sĩ thì dĩ nhiên là có rồi, còn gọi rằng “Biệt truyền” là do đối với những tông môn pháp phái khác mà tạm nói. Xin lưu ý rằng ở đây chúng tôi không tranh luận, không tạo ra những bản ngã tông phái vô ích, mà chúng tôi chỉ cố gắng trình bày rõ vấn đề để quý thính giả được dễ dàng nắm bắt.

 

 

1. Nhất thừa:

 

Đến với Phật pháp, nhiều người băn khoăn: “Đây là Tiểu thừa, kia là Đại thừa, không biết Khất Sĩ thuộc thừa nào?”. Những băn khoăn về Thừa, về Tông, về Phái đều rơi vào phạm trù của ngã chấp, không khác nào kẻ lầm ngón tay chỉ trăng trước mắt là mặt trăng sáng ngời trên bầu trời!

 

Thế nên trong chơn lý Đạo Phật Khất Sĩ, đức Tổ sư đã viết một mục riêng với tiêu đề rõ ràng là “Việt Nam Đạo Phật – Không Có Phân Thừa”. Ngài khuyến khích mọi người nên lo tu chứ không nên phân thừa, vọng tâm chia rẽ, sái đạo. Thừa là trình độ tâm trí của mỗi người, hãy để kẻ khác biết cho mình, chẳng nên tự xưng.

 

Trong y bát chơn truyền như ba đời chư Phật có nội hàm toàn vẹn kho tàng Chánh pháp. Khi tiến bước theo đạo lộ của chư Phật, hôm qua người ta có thể là Thanh Văn, bữa nay người ta có thể là Duyên Giác, đến ngày mai người ta có thể tiến lên Bồ-tát… chứ chẳng ai làm Thanh Văn hay làm Bồ-tát mãi. Trong sự duyên thì có nhiều cấp độ tâm linh, nhưng nơi lý tánh thì tất cả đều thống nhất chung trong một nguồn, đều là phương tiện tiếp dẫn chúng sanh của chư Phật, nhất thừa! Do vậy, “Tiêu nha bại chủng” (Mầm hư hạt thúi), lời nhận xét có ý công kích giữa các phái Đại thừa và Tiểu thừa Phật giáo trong quá khứ xa xưa, rất có thể nó sẽ là nhận xét chung cho mỗi đệ tử Phật, cho những ai khư khư cố chấp trong sở kiến và sở hành của mình, không kể là Bồ-tát hay Thanh Văn.

 

 

2. Tứ đại duyên khởi:

 

Từ tứ đại Đất Nước Lửa Gió, muôn loài vạn vật đã dần dần được hình thành và tiến hóa không ngừng. Trong dòng tiến hóa đó, Phật quả là tinh túy, Niết-bàn là đích cuối cùng, Yên lặng Không không là chỗ mà chúng sanh phải đi đến… Qua nhiều bài trong bộ Chơn Lý, đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã chỉ rõ những chơn lý đó.

 

Với những chơn lý này, ngài đã giải thích rõ ràng ĐẠO LÀ CON ĐƯỜNG TIẾN HÓA CỦA CHÚNG SANH MUÔN LOẠI, trong tự nhiên chỉ có một, tuy mang muôn hình vạn trạng. Những lời dạy này rất quan trọng, có thể nói là đã vén màn Tạo hóa cho hết thảy mọi người đều được xem! Và Tứ đại duyên khởi là một đạo lý đặc sắc trong Giáo pháp Khất Sĩ.

 

 

3. 24 giới:

 

Bộ Chơn Lý của đức Tổ sư đã thuyết minh về 24 giới, gồm 8 trần, 8 thức và 8 căn ứng với 8 loại (9 hàng dưới đọc theo từng cột dọc):

 

8 LOẠI       8 TRẦN      8 THỨC      8 CĂN

Nước          Sắc            Thấy            Nhãn

Đất             Thinh          Nghe           Nhĩ

Cỏ               Hương       Hửi             Tỷ

Cây             Vị               Nếm            Thiệt

Thú             Xúc            Rờ               Thân

Người         Pháp         Tưởng          Ý

Trời            Huệ            Hiểu             Trí

Phật           Chơn          Biết              Tánh

 

Sự thuyết minh này đã đặt lại cả một hệ thống Duy Thức Học, hay nói cách khác, đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã vạch ra một con đường mới cho một hệ thống Duy Thức Học nữa được ra đời. Điểm đặc biệt của giáo lý này là ngoài 18 giới như trong Phật pháp căn bản xưa nay đã dạy, đã có thêm 2 trần, 2 thức và 2 căn vô vi của Phật và Trời; đồng thời cũng đã chỉ rõ 8 loại tương ứng với 8 trình độ tiến hóa trong tự nhiên. Nước có mắt, đất có tai, thì ra loài vô tình cũng có những cái biết sơ đẳng. Thức của bậc Người được gọi là Tưởng, không gọi bằng từ Hán Việt là Ý thức, phải nói là Tổ sư đã rất mạnh dạn trong sự dùng những từ ngữ Phật học…

 

 

4. Ngũ định:

 

Trong Pháp Vi Tế, nơi phần Bát Chánh Đạo đã nêu lên 4 Phần Chánh Định:

 

1. Sơ định: tầm sát, hỷ, lạc, tịnh, định.

2. Nhị định: hỷ, lạc, tịnh, định.

3. Tam định: lạc, tịnh, định.

4. Tứ định: tịnh, định.

(Ngũ định: định, đại định, Niết-bàn).

 

Và trong chơn lý Nhập Định, đức Tổ sư cũng dạy: “Tứ định là: tịnh, định; và sẽ đến định xả, là đắc đạo, đắc chơn ngã, chủ tể, kết quả.”

 

Theo những sự hướng dẫn trên của Tổ sư, chúng ta thấy rõ con đường đến Niết-bàn qua 4 bậc thiền định căn bản. Từ Sơ định đi lên như Bồ-tát Sĩ-đạt-ta đã tu trong 49 ngày tọa thiền dưới cội Bồ-đề năm xưa, qua khỏi Tứ định thì hướng tâm đến Ngũ định là định xả, để an trú Niết-bàn ngay. Giáo lý thiền định này của đức Tổ sư Minh Đăng Quang vô cùng đặc biệt, không hề có trong các hệ thống thiền định của Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền.

 

Trực chỉ và rất căn bản, là điều mà chúng ta nhận ra được trong giáo lý thiền Ngũ định của đức Tổ sư. Chứng nghiệm Niết-bàn, thành tựu đạo quả giải thoát, những mục đích cứu cánh của đời tu hành tưởng chừng xa vời, nhưng đức Tổ sư đã chỉ ra rất thẳng tắt. Chúng ta còn băn khoăn đi khắp các thiền viện lớn trên thế giới tìm kiếm gì nữa?

 

 

 

V. KẾT LUẬN:

 

Qua hơn 65 năm hình thành và phát triển, bây giờ nhìn lại sự nghiệp của Tổ Thầy, chúng ta dần dần nghiệm ra được những điều cao siêu trong đạo nghiệp của quý ngài. Sự ra đời và lập đạo của Tổ Thầy chúng ta không đơn giản chỉ là tình cờ, sự giảng dạy của các bậc ấy xét ra thật sâu xa khôn lường, và sự hành động của các ngài đến nay mới thấy ra là chí lý!... Nếu như ngày xưa đức Phật Thích-ca thường lưu ý các đệ tử rằng: “Những gì ta dạy cho các ông chỉ là nắm lá trên tay…”, thì đức Tổ sư Minh Đăng Quang của chúng ta quả thật là một bậc Đạo sư như chư Phật, khi ngài đã chỉ ra thêm rất nhiều điều ngoài “Một nắm lá” căn bản!

 

Nói về nét đặc thù của đức Tổ sư Minh Đăng Quang, bài tham luận này đã nêu lên được một số điểm như trên. Chúng tôi xin đại chúng Tăng-già khất sĩ, hàng hậu tấn của đức Tổ sư Minh Đăng Quang và các đức Thầy, hoan hỷ thảo luận. Kính mong các bậc trí giả hoan hỷ chỉ dạy thêm, và cám ơn đại chúng đã vui lòng theo dõi.

 

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật!

 

Kỷ niệm mùa Phật đản Phật lịch 2557.

Các bài liên quan