NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Lịch sử - Tổ chức / Nguồn Khất Sĩ Nam Việt

Tâm Nguyên , Thứ Tư 19-06-2013

Ban Biên Tập Ánh Nhiên Đăng trân trọng giới thiệu đến quý đọc giả một tư liệu lịch sử vô cùng quan trọng, do chính người trong cuộc tự bạch qua bài viết của mình, đã được in thành sách Chơn lý, xuất bản rất nhiều trước và sau khi người ấy mất vào tháng 5 năm 1954.

 

Qua tư liệu này, có những thông tin căn bản đã được khẳng định, mà không ai có thể nói khác đi được như sau:

 

1– Khất sĩ Minh Đăng Quang xuất gia năm 1944.

 

2– Khất sĩ Minh Đăng Quang xuất gia tại Vĩnh Long.

 

3– Sau khi xuất gia, ngài tự tìm tòi tu học theo hai nguồn giáo lý của Phật giáo Cao Miên và Phật giáo Việt Nam.

 

4– Năm 1946 ngài rời Cao Miên về Việt Nam tu hành tại tỉnh Mỹ Tho cho đến năm 1948. Tại đây ngài đã khai sáng Giáo pháp Khất Sĩ.

 

5– Năm 1948 Giáo pháp Khất Sĩ đến Sài Gòn. Bấy giờ Sài Gòn là thủ đô của nước Quốc gia Việt Nam mới thành lập, thuộc Liên hiệp Pháp. Trong câu “Giáo pháp Khất Sĩ đến Sài Gòn”, ta hiểu được lúc ấy mối đạo này chưa chính thức là một tổ chức hợp pháp.

 

6– Năm 1950 ngài Minh Đăng Quang dẫn các đệ tử Tăng Ni quay về vùng Vĩnh Long hành đạo.

 

7– Vào ngày rằm tháng 7 năm Quý Tỵ 1953, ngài Minh Đăng Quang thành lập Đoàn Du Tăng Khất Sĩ. Đoàn Du Tăng Khất Sĩ là mô hình hoằng pháp điển hình của Giáo pháp Khất Sĩ do ngài Minh Đăng Quang khai sáng. Đến đây, công đức lập đạo của ngài đã thành tựu.

 

  Ban Biên Tập Ánh Nhiên Đăng xin trích dẫn nguyên văn tư liệu:

 

 

ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ

 

NGUỒN KHẤT SĨ NAM VIỆT

 

       Khất sĩ là nhật nguyệt tinh quang, là ánh sáng giữa đêm trời tối để chỉ dắt người ra khỏi cảnh rừng nguy.

 

        Minh Đăng Quang khất sĩ xuất gia (1944 tại Vĩnh Long) đi tu tìm học nơi hai giáo lý Đại thừa, Tiểu thừa của Miên và Việt Nam. 1946 nạn khói lửa chiến tranh danh lợi, đốt phá núi rừng, làm cho người tu không chỗ ở, lại thêm nạn cướp bóc, không cho kẻ sĩ hiền làm việc nuôi thân sống tạm, Minh Đăng Quang rời khỏi xứ Cao Miên trở về Nam Việt thật hành giới luật Tăng đồ tại tỉnh Mỹ Tho cho đến năm 1948. Giáo pháp Khất Sĩ đến Sài Gòn năm 1948, ánh sáng của lá y vàng phất phơ thổi mạnh làm bật tung cánh cửa các ngôi chùa tông giáo, kêu gọi Tăng chúng tản cư khắp xứ kéo nhau quay về kỷ luật. Năm 1950 huỳnh y trở gió bay về hướng nam Hậu Giang, nổi lên lố nhố những núi vàng, pháp tháp. Nhất là ở tại giữa sông Cửu Long, Trung Giang, bửu tháp vượt cao hơn hết, năm 1953 Quý Tỵ.

 

        Và cũng là nơi đó tại xứ Vĩnh Long ngày rằm tháng bảy năm Quý Tỵ 1953, Đoàn Du Tăng Khất Sĩ chiếc thuyền trí huệ tạo thành, tách bến, lướt sóng ngược dòng trở lại miền trên, trở nên thuyền tế độ. Đoàn Du Tăng hay thuyền tế độ lúc nào cũng đang bọc gió rẽ nước giữa dòng sông, đứng giữa trung gian của đời và đạo; mục đích là đang tu tìm học, học để mà tu, vì đạo quả tương lai hơn là hiện tại. Cái sống của khất sĩ là đang vay của tất cả chúng sanh vạn vật các pháp, vay xin từ vô thỉ đến bây giờ, cho đến sau này khi đạt thành Chánh đẳng Chánh giác, chừng ấy mới sẽ đem giáo lý ánh sáng trả lại ơn người. Khất sĩ là những học sinh nghèo, xin ăn tìm học, mục đích tu học. Người giúp cho khất sĩ là giúp cho sự học tu, khất sĩ sẽ trả lại pháp thí sau này, chớ không đền ơn của tiền ăn mặc, sống bằng nô lệ! Bởi xét rằng: tự mình không ai có sẵn cái chi được trong mỗi lúc trước khi sanh, sau khi chết, hay ngày hiện tại, nên khất sĩ đang sống trong sự xin học, là nợ vay của tất cả, chỉ tạm xin để sống qua ngày, không dám cất để dư, phí thì giờ tu học, và cũng không muốn làm nặng lòng riêng một hai người, nên mới phải đi khắp đó đây, xin nơi người thú cỏ cây, tạm sống để nuôi cái Biết – Linh cho mau thành tựu. Tuy nói là sự xin vay, chớ trong phận sự vừa học tu, vừa bố thí pháp giáo hóa cho kẻ tối tâm kém trí mỗi ngày, ấy cũng là sự trả nợ, hay trao đổi pháp tài với nhau, để tạo nên một lối sống, một con đường sán lạn, cho kẻ đàng sau.

 

       Giáo lý Khất Sĩ, một là dứt các điều ác; hai là làm các điều lành tùy theo nhơn duyên cảnh ngộ, không cố chấp, vì lẽ không có thời giờ dư giả, và cũng biết rằng: các việc lành là để trau tâm, vì tâm mà làm sự phải, chớ không ngó xem nơi việc làm kết quả; và ba là cốt yếu giữ lòng trong sạch.

 

        Khất sĩ là danh từ chơn lý của tất cả chúng sanh, là sống xin, để cho được Biết – Linh tu học, chớ không vì tư kỷ. Khất sĩ mặc dầu là đang mang hình thức đạo Phật, nhưng khất sĩ cũng cố sức để hiểu rằng: Phật là giác chơn, là cái biết thật tự nhiên, là nghĩa lý của tiếng “Phật”, mục đích của cái biết nơi mình, chớ không phải mê tín mờ quáng, mà tự trói mình trong chữ “Phật”, tiếng “Đạo”, hay tông giáo riêng biệt! Nghĩa là, khất sĩ là đang học pháp Phật, mà cũng như là đang học với các giáo lý khác, học chung với các pháp trong võ trụ, tách mình xa với tất cả sự trói buộc, mực giữa không không, không dính nhập vào riêng với ai hết! Bởi lẽ khất sĩ là đang tập tu tìm học, lẽ phải nào, sự ích lợi nào, đời đạo cái chi tốt đẹp là khất sĩ sẽ về theo tu học. Quyến thuộc của khất sĩ may ra tạm có, ấy là những ai đã nhận ra và thật hành đúng chơn lý Khất sĩ như nhau, chớ ngoài ra tất cả chúng sanh là bạn chung, đang sống chung tu học. Khất sĩ là như của tất cả, tất cả cũng là như của khất sĩ. Khất sĩ như lòng võ trụ, trong đó bao bọc chung những chúng sanh, các pháp và vạn vật. Giáo lý Khất Sĩ là con đường sáng của nhật nguyệt tinh quang, là ánh sáng để chỉ rõ con đường trong sạch giải thoát, là hạnh phúc quý báu của cuộc sống chung tu học, yên vui, tiến hóa; là cảnh sáng giữa ban ngày, cũng là con mắt mở sáng tỏ rõ phân biệt, hay là con đường Trung đạo Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, là con đường tạm đi đến nơi chơn thật.

 

        Khất Sĩ là con đường tạm đi đến nơi chơn thật!

 

       Kìa Đoàn Du Tăng Khất Sĩ là con đường tạm hiện tại để đi đến nơi chơn thật.

 

MÔ PHẬT