NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Giáo dục - Hoằng pháp / TÂM TOÀN GIÁC

Tâm Nguyên , Thứ Năm 06-06-2013

 

Ban Biên Tập Ánh Nhiên Đăng xin trân trọng giới thiệu dịch phẩm đặc sắc TÂM TOÀN GIÁC của đức Thầy Giác Lý đến quý đọc giả gần xa. Sách này đức Thầy tuyển dịch từ những bài thuyết giảng của ngài Krishnamurti bên trời Âu trong thế kỷ XX. Sách tuy chỉ có 20 trang giấy khổ A5 nhưng nội dung phong phú và sâu sắc, chứng tỏ dịch giả đã kinh nghiệm về Bát-nhã Ba-la-mật mới có thể hiểu và diễn đạt được như thế!

 

Khi soạn dịch TÂM TOÀN GIÁC, đức Thầy Giác Lý lấy bút hiệu là Huệ Hải. Trong lời nói đầu sách, tác giả ghi: 'Viết xong ngày 11 – 11 – 1964 tại Tịnh xá Ngọc Tân tỉnh Vĩnh Long", thế nhưng các cư sĩ khi tái bản sách này đã trần tình rằng: "Nay nhơn ngày Lễ Vu-lan, Tự Tứ Tăng (Rằm tháng Bảy năm Bính Thân), nó được in ra với tấm lòng vàng của các nhà cư sĩ từ tâm...". Năm Bính Thân là năm 1956, năm đó ngài Giác Lý mới là một vị tân Tỳ-kheo Tăng Khất sĩ, còn đang tịnh tu trên núi Bà Đen ở Tây Ninh... Việc này khi có dịp Ban Biên Tập AND_ sẽ tìm hiểu và trình bày cho quý đọc giả được rõ biết. Trước mắt, chúng ta hãy chiêm nghiệm nội dung của TÂM TOÀN GIÁC, xem những chỗ uyên áo và trực chỉ của nó, để tự mình được tắm mát trong Suối nguồn Bát-nhã của chư Phật.

 

Kính chúc quý đọc giả được vô lượng lợi ích khi xem xong sách này! Cảm niệm công đức của Phật tử Thiện Tâm ở quận I, Tp. Hồ Chí Minh đã chịu khó đánh máy giúp. Mong sao Gươm Trí huệ Bát-nhã sẽ được trao tay cho những tráng sĩ đích đáng...

 

Mỹ Xuân, ngày 06/6/2013

Ban Biên Tập AND_

Cẩn bạch.

 

 

 

 

 

(CHỈ CHỖ ĐẮC ĐẠO CHO NGƯỜI TU HÀNH)

TẬP THỨ NHẤT

 

TÂM TOÀN GIÁC

 

PHẬT

Phật là tánh Giác tâm mình

Chẳng phải ngoại cảnh hữu hình rã tan

Hình tượng là cái giả danh

Giả danh để đặng tâm mình nương theo.

***

Hết nương tới chỗ tâm không

Tức là vô trụ không trong không ngoài

Hóa thành giải thoát cuộc đời

Không tâm không cảnh Phật thời tại tâm.

***

Nương hình tướng nghe tiếng nội tâm

Là tiếng vắng lặng chơn không tâm mình.

 

HUỆ HẢI

_______________________________________________

 

Celui qui cherche doit savoir où il va et celui qui guide doit savoir où il même. Losque tous 2 savent cela, le maitre n’existe plus.

KRISHNAMURTI

 

Người đi tìm phải biết chỗ nào mình đi tới, ông Thầy dắt dẫn cũng phải biết chỗ nào mình dắt tới. Nếu cả 2 đều biết được chỗ đó thì không còn có ông Thầy nữa.

 

(Chỗ 2 người đều biết đây là chỗ Tâm không vô hình thoát ly hết thảy ngoại tướng hữu hình. Ông Thầy thuộc về ngoại tướng nên đối trước Tâm không ông Thầy phải thối lui vì nơi đây thuộc về chỗ tự lực của người đệ tử.)

 

 

 

Bìa đầu sách, giấy dày. không màu

Bài thơ Thất ngôn Khoán thủ bên dưới là mặt trong của bìa:

 

 

GIÁO khuyên độ thế chẳng màng thân

HỘI hiệp cùng nhau tát biển trần

TĂNG lữ vẹt đường dìu khách tục

GIÀ-lam mở ngõ dắt xa gần

KHẤT khuyên sanh chúng tiêu oan nghiệp

SĨ nhủ quần mê dứt khổ tân

GIÁC ngộ mau qua bờ bỉ ngạn

LÝ minh tỏ rạng hiệp thiên chân.

 

 

 

 

 

Lời trần tình

 

Mô Phật! Tôi xin thay mặt một nhóm tín đồ cư sĩ, có đôi lời bộc bạch cùng nhà tác giả và soạn giả có công sanh đẻ ra quyển TÂM TOÀN GIÁC này.

 

Là người yêu chơn lý đạo, chúng tôi tìm học đạo lý nơi các học đường, các kinh sách, các hạnh tu, các tôn giáo, giáo lý… Hữu hạnh được gặp quyển TÂM TOÀN GIÁC do đức ngài Krishnamurti vẽ ra, và ngài Đại đức Trưởng đoàn Tỳ kheo Giác Lý soạn dịch.

 

Nơi đây, tâm và thức được trình bày một cách xác thật, biểu lộ trong mỗi hạnh, mà nhà sản phẩm khéo dụng thuật để ám chỉ, cùng dịch giả khéo âm dịch bằng lối kệ Việt văn, giản dị dễ cho đọc giả xem vào là nhận ngay được đại ý.

 

Một quyển kinh sách có giá trị rất lớn cho con người tìm học chơn lý, rõ được tâm thức, lý sự nội ngoại, trần duyên, thật giả, chỉ ngay đến chỗ lý chơn rốt ráo giải thoát, giác toàn tâm.

 

Nhen ngọn đuốc trí huệ soi tâm, chúng tôi được một số ít quyển trao truyền tay xem, vị nào cũng nhận thấy giá trị của nó, ước muốn quyển kinh này có bên mình để gẫm xem mỗi lúc. Sách in ngoài Trung Việt, chỉ được vào miền Nam một giới hạn không đủ cung cấp, mà mong mãi không thấy tái bản. Chúng tôi mới đồng xoay ra nghĩ in một số kinh đa thiểu để rộng truyền bá đạo lý cho số người tìm học chơn lý dễ nhận gặp ánh sáng.

 

Nay nhơn ngày Lễ Vu-lan, Tự Tứ Tăng (Rằm tháng Bảy năm Bính Thân), nó được in ra với tấm lòng vàng của các nhà cư sĩ từ tâm, phụng in kinh ấn tống trong mùa Vu-lan, với ý nghĩa giúp vào cơ tiến hóa, mở rộng nẻo đường giải thoát, cứu an, ban ân huệ đạo lý thấm nhuần trong muôn loại.

 

Tất cả công đức này, chúng tôi đồng nguyện hồi hướng về chỗ Đức và Công của các nhà có công đức được mau thành tựu quả Giác.

 

Trân trọng cẩn bạch đôi lời thành thật.

 

THIỆN TÂM CƯ SĨ

 

 

 

 

 

Vài lời

 

SÁCH này soạn của đức KRISHNAMURTI là đấng đã đắc đạo đi giảng khắp các nước bên Âu châu mấy chục năm nay, và hiện nay đương giảng mà bên ấy người ta cho là đức CHÚA lâm phàm còn bên ta cho là DI-LẶC giáng thế. Soạn, dịch và giảng lý những câu chỉ chỗ Đắc Đạo của Ngài đã giảng trong những bài thuyết pháp khắp thế giới. Ngài giảng bằng tiếng nước Anh và người ta đã dịch ra đủ các thứ tiếng. Đây tôi soạn trong những bài dịch ra tiếng Pháp.

 

Ngài chỉ chỗ đắc đạo là cái Tâm không vô hình thoát ly hết thảy ngoại tướng hữu hình là nơi sanh diệt khổ não. Trong chỗ Tâm không ấy Trí huệ viên mãn hằng ly nhất thiết nhiễm gọi là Tâm Toàn Giác, Tâm Phật, Tâm vô tướng vô trụ vô niệm vô ngã vô pháp, Tâm bất sanh diệt bổn tánh như như, Tâm Thiên đàng, Niết-bàn, Cực lạc, Tâm vô thỉ vô chung, Tâm trường sanh bất tử v.v…

 

Ngài đứng trong Tâm không vô hình ấy là nơi điều hòa thường năng vui vẻ của tâm tánh mãi mãi, Bình đẳng tánh vô phân biệt sẵn có trong mọi người mọi vật, mà phá hết thảy mọi sự phân biệt chia rẽ của ngoại tướng hữu hình là nơi sự khổ nguồn gốc chiến tranh bởi sự THAM và phá Nội tâm vô minh của lòng Ham muốn bằng sự phá Ngã phá Thức là cái nhiễm trước của ngoại cảnh mà con người đã mê chấp làm tâm thiệt nên phải chịu khổ não sanh diệt của tâm Thức.

 

Ngài chỉ Tâm phá Tướng chỉ Tướng phá Tâm, phá rốt ráo tới chỗ Tâm không tức là tự mình ngộ Đạo, nơi đó lìa hết tha lực và chỉ dùng tự lực Tâm tánh của mình. Ngài nói lặn mọc đôi bên đặng chỉ chỗ lìa mà vào chỗ Chơn không bất không, nơi đó là sự sống thật của tâm Cực lạc hằng vui với sự không Ta.

 

Trong cuốn Tâm Toàn Giác này giảng sư phá Ngã phá Thức và tả Tâm vô trụ vô niệm là cái tâm của sự đắc đạo. Những cuốn sau nói về “Vô thức là trạng thái chứng đạo” cũng đều tả rõ cái tâm đắc đạo bằng sự chỉ cách lìa Thức.

 

Người đọc cuốn Tâm Toàn Giác này phải đọc với cái tâm khát khao chơn lý tuyệt đích, tức khát khao sự đắc đạo là sự đạt cái Tâm chơn không Vô hình, thời mau lãnh ngộ. Nói một cách khác, phải dùng Huệ dùng Giác mà đọc, mà không dùng Thức dùng Ngã là cái thuộc về Ham muốn chấp trước che lấp Tâm không. Nói một cách khác nữa là đứng trong tâm rỗng không lòng Tham hoàn toàn với sự thoát ly bản ngã hình thức Tôn giáo mà đọc thì ngộ đạo ngay.

 

VẠN VẬT THÁI BÌNH!

Paix à tous les Êtres!

                                                    Viết xong ngày 11 – 11 – 1964

                                               Tại Tịnh xá Ngọc Tân tỉnh Vĩnh Long

                                                               TRƯỞNG ĐOÀN

                                                           TỲ-KHEO GIÁC LÝ

 

 

 

Bên trong sách

 

 

 


 

CHỈ CHỖ ĐẮC ĐẠO CHO NGƯỜI TU HÀNH

TẬP THỨ NHẤT

 

TÂM TOÀN GIÁC

 

HUỆ  HẢI

    

 

PHẬT

“Phật” là Tâm Không hóa ra,

Tu hành thờ Phật là thờ Tâm Không.

Tâm Không vô ngã vô Thức,

Vô Tham vô luyến vô chấp tột cùng.

***

Tột cùng quăng chỗ cùng đi,

Vào chỗ vô tận Thấy thì pháp Không.

Pháp không thì Tâm cũng không,

Tức là chỗ Phật lìa trong lìa ngoài.

 

HAM MUỐN

“Ham muốn” là cái nương ngoài,

Nên phải đau khổ những thời vô nương.

Quán ham muốn là tánh tùy nương,

Rồi thì giải thoát vô thường tánh đi.

***

Thấy mình vô nương một khi,

Vô nương giải thoát đường đi trong ngoài.

Đạo là sống tại chỗ đây,

Trốn đi thì bị đọa đày nội tâm.

 

NIỆM

“Niệm” là hỏi niệm cái chi?

Phải có một vật niệm thì mới sanh.

“Niệm với Vật” là hai thấy rành,

Hai là còn chỗ Diệt sanh Vô thường.

***

Lìa “niệm” là tánh tùy nương,

Thì thấy vô niệm Tâm không trong ngoài.

Đạo là vô niệm thời thời,

Hữu niệm thì bị trói ngoài trói trong.

 

GIỚI

“Giới” là tâm không hóa ra,

Tu hành thờ giới là thờ Tâm không.

“Tâm” không thờ giới là lầm,

Bởi vì giới trói thì Tâm phiền hoài.

***

Giới là vị ngã chế ra,

Ngã mà tiêu diệt thì là giới không.

Giữ giới để diệt thức Tâm,

Thức mà tiêu diệt thì không giới gì.

***

Hóa thành tự tánh giới hoài,

Gọi là giải thoát của đời giới không.

 

TA

“Ta” là cái xưng cảnh ngoài,

Xưng đặng ham muốn khổ hoài không thôi.

Ta đau khổ bởi tánh tùy đời,

“Tánh tùy” là chỗ tu thời quăng đi.

***

Hóa thành không Ta một khi,

Tức là giải thoát đường đi ta hoài.

 

PHÁP

“Pháp” là cái gọi ở ngoài,

Để đặng thâu thái của đời cái Ta.

Tâm không giải thoát bao la,

Ta, pháp phải diệt trước mà tâm không.

***

Chấp ta chấp pháp chấp thức,

Tức chấp Tâm cảnh là gốc khổ đời.

 

THỨC                                        

“Thức” là tánh biết nương ngoài,

Nên Thức sanh diệt theo đời diệt sanh.

Thức sanh diệt phiền não tâm mình,

Lìa thức thì thấy tâm mình thảnh thơi.

***

Thảnh thơi không tiếng không lời,

Không ta không muốn không đời diệt sanh.

Thức là gốc khổ Tâm mình,

Lìa thức thì thấy diệt sanh không còn.

 

THẤY

“Thấy” là hỏi thấy cái chi,

Phải có một vật thấy thì mới sanh.

“Thấy với vật” là hai thấy rành,

Hai là cái chỗ ngoài vành chữ Tâm.

***

Tâm là cái Thường Giác ở trong,

Thì là phải diệt thấy trong thấy ngoài.

Chấp thấy thì bị trói hoài,

Trói hoài với “cái” thấy thời nương theo.

***

“Thấy nương” là sự khổ đời,

Khổ đời là khổ những thời biệt ly.

 

THẤY (lìa thấy)                         

“Thấy” là không thấy cái chi,

Thấy Tâm, thấy cảnh thấy gì cũng không.

Thấy mà còn biết ở trong,

Thì bị cái biết trói trong trói ngoài.

***

Hóa thành phiền não buộc hoài,

Phiền não bởi chỗ gốc thời biết sanh.

“Thấy biết” tùy tánh đành rành,

“Tùy tánh” là chỗ tu hành dứt đi.

***

Hóa thành không thấy biết chi,

Tức là chứng Đạo “Vô Vi” Tâm mình.

 

MINH TÂM KIẾN TÁNH

Minh Tâm là minh Tâm Không,

Tâm Không thấy biết ở trong ở ngoài.

Kiến tánh là tánh thời thời,

Vô trụ vô niệm trong ngoài không hai.

***

Hẵn khi chực sẵn đổi dời,

Hẵn khi vô trụ là đời Tâm Không.

Cái Ta với cái Thức Tâm,

Hẵn khi giải thoát ở trong “không” này.

 

THẤY BIẾT NHỚ

Do thấy sanh ra biết trong,

Biết trong nhớ mãi trói tâm phiền hoài,

Tâm Cảnh luân chuyển buộc hoài,

Sanh ra phiền não là đời Biệt Ly.

***

Không thấy, không biết, không nhớ chi,

Rỗng không tự tại tâm thì trống trơn.

Đạo là vô niệm Tâm Không,

Hữu niệm thì bị phiền tâm buộc hoài.

 

THẤY BIẾT NHỚ

Thấy biết sanh ra Nhớ trong,

Nhớ trong phiền não cho tâm không hoài.

“Thấy biết nhớ” trói Tâm đời đời,

Trói Tâm nương dựa với thời cảnh luôn.

***

Tâm với Cảnh vô thường Sanh diệt,

Đạo là chỗ lìa Thấy Biết Nhớ chi.

“Thấy Biết Nhớ” tùy tánh dứt đi,

Thấy mình tự tại tâm thì thung dung.

 

THẤY BIẾT NHỚ

“Thấy biết nhớ” để trám Tâm không

Tâm không vô niệm Trám hoài đặng đâu

Tâm không không Trám đặng đâu,

Trám nó thì bị chấp Tâm niệm hoài.

***

Niệm thì trói buộc trong ngoài,

Vô niệm thì thấy Tâm mình thảnh thơi.

 

CÕI ĐỜI LÀ “VÔ AN TRỤ”

Cõi đời là bể “VÔ THƯỜNG”,

Không nơi an trú không đường dựa nương.

Những lúc đau khổ tang thương,

Bởi vì sanh diệt ta nương cõi đời.

Thức là Tánh Biết nương ngoài,

Lìa Thức thì thấy tâm mình vô nương.

Vô nương giải thoát hai đường,

Hai đường Tâm Cảnh không nương ngã nào.

***

Đạo là không Trụ nơi nào,

Hữu Trụ thì bị Trói vào CẢNH TÂM

 

ĐẠO

“Đạo” là khám phá nguyên nhân,

Chẳng phải Thay Thế nhiều lần Khổ Tâm.

Giác là thấy rõ Sự Lầm,

Bao giờ toàn giác mê lầm toàn không.

***

Khi đó mới thấy rõ Tâm,

Chơn không vô tận vô cùng lý vô.

Thấy mình tự hóa hư không,

Vô trụ vô trước giang hồ phiêu lưu.

 

GIẢI THOÁT

Tu hành là tập bỏ dứt,

Cái mà đã dứt thì đừng Tìm Lui.

Cũng đừng tìm mãi thế thay,

Bao giờ trơ trọi đến đời Như Lai.

***

Thấy mình cô độc lạc loài,

Ấy là giải thoát của đời Phật cho.

Tiêu diêu thì ở chỗ mô?

Chỗ mà “Ngã diệt” giang hồ vô biên.

 

DỨT BỎ

Tu hành là tập bỏ dứt,

Thân tâm trơ trọi tột cùng thì thôi.

Tột như cảnh chết chực lìa đời,

Tâm hằng như vậy thấy thời mới cao.

***

Tâm cao đừng trụ nơi nào,

Thì thức mới diệt trói vào nơi đâu.

Cái ta cũng diệt đồng đều,

Vì nó hết biết nương đâu sanh hoài.

***

Thức ta tiêu diệt xong rồi,

Tức là sự sống của đời Tâm không.

 

TÂM KHÔNG

Tâm không chẳng phải khô không,

Nhưng hằng chứa đựng vô cùng lý chơn.

Hóa thành như suối tuôn ra,

Giảng giải vô tận cứu người trầm luân.

***

Giảng Bản ngã là khổ vô cùng,

Phá tan bản ngã thì không khổ gì.

Giảng cái ta là gốc ngu si,

Nó hằng khổ mãi bởi vì dựa nương.

***

Giảng thức tâm là cái vô thường,

Nó không tự tánh luôn luôn đổi dời.

Giảng ham muốn là gốc khổ đời,

Khổ vì tự tánh dựa nương hoài hoài.

 

THỨC

“Thức” là tánh biết nương ngoài,

Lìa nương thì thấy thức thời vô nương.

Thức vô nương đau khổ lưng chừng,

Chết rồi thì hỏi thức sống nơi nao?

***

Thức nương thân nương cảnh ra vào,

Thức dời đổi như vượn hầu leo cây.

Thức bất mãn cảnh kia cảnh này,

Thức dời đổi thế thay liền liền.

***

Thức vào trong một hình thức,

Thức thỏa mãn thức liền dứt ngay

Thức sẵn chán đây đời đó,

Thức an trú thức khổ trói hoài.

***

Thức tìm giải thoát mà thôi,

Giải thoát trong chỗ đổi dời cảnh luôn.

Thức với cảnh vô thường sanh diệt,

Như bọt nước không thiệt có lâu.

***

Thức với cảnh như luồng điện chớp,

Thấy có rồi liền mất đó ngay.

Tâm đau khổ bởi sanh diệt vậy,

Vì ta ham muốn hay chấp thức hoài.

***

Quán thức là gốc khổ đời,

Nó không tự tánh rồi thời diệt đi.

Tâm mình tự hóa không chi,

Không Chi giải thoát đạo thì ở đây.

 

BỔN TÁNH CHƠN KHÔNG

“Tánh” người bổn thể hư không,

Vô trụ vô trước không phân trong ngoài.

Thể nó giải thoát linh đinh,

Giang hồ tự tại không vin vật nào.

***

“Vô minh trí huệ” một màu,

In tuồng hổn độn không đâu là bờ.

Phân chia là thuộc Thức Tâm,

Thức Tâm giải thoát thì không phân gì.

***

Thấy mình như kẻ ngu si,

Nhưng hằng giải thoát những khi đổi dời.

Trí huệ hằng soi mình hoài,

Soi Tâm soi cảnh thời thời không Ta.

***

Thấy biết cũng chỉ Tánh mà,

Tánh mà Thấy biết không Ta không người.

Thung dung tự tại đứng ngồi,

Đi lại ăn uống hết thời chấp nê.

***

Tâm không đã biết chỗ về,

Hóa thành giải thoát tứ bề thông lưu.

 

TÂM THỨC VỚI BÓNG TRONG GƯƠNG

Tâm thức là bóng dọi ngoài,

Cũng như trong kiếng bóng ngoài chiếu vô.

Cảnh qua rồi thì bóng mất theo,

Cũng như ly cảnh thức mất theo liền.

***

Tâm chấp thức như kiếng chấp hình,

Hóa thành ngăn ngại bởi hình chấp trong.

Tâm ly thức như kiếng ly hình,

Hóa thành sáng suốt đạo thành thông lưu.

***

Chơn tâm sáng suốt như như,

Cũng như kiếng nọ như như sáng hoài.

Cảnh đến thì sáng kiếng soi

Cảnh qua kiếng lại trở thành như xưa.

***

Chơn tâm thường giác vô tư

Bổn thể tự tại từ xưa đến chừ

Thức tâm che đậy chơn như

Nhờ ơn khai thị dứt trừ thức đi!

 

TÂM HUỆ, TÂM THỨC

Tâm huệ từ nay suốt lý mầu

Nhờ nghe Bát-nhã ngộ tâm sâu

Tâm sâu thức tánh, vô thức tâm

Thức tánh vô thức trí huệ thâm.

***

Thức tâm giả dối thiệt mê lầm,

Vô minh muôn thuở trói tâm tham hoài.

Thức tâm diệt trí quá thảnh thơi

Hóa thành tự tại đạo thời thung dung.

***

Tâm thức diệt Tâm huệ sanh,

Tâm huệ ở chỗ hiểu rành Tâm thức.

THỨC, HUỆ suốt lý đều dứt,

Hóa thành vô niệm, thể tức Niết-bàn.

***

Tâm thức tự hóa ngọn đèn,

Tự phản tự chiếu thấy mình diệt sanh.

Thấy mình tùy cảnh đành rành,

Thấy mình ly cảnh thì thành sân si.

***

Thấy mình tìm mãi thế thay,

Thấy mình khổ mãi bởi hay tùy ngoài.

Tự giác mình là tánh tùy đời,

Rồi tự giải thoát thức thời hóa không.

***

Hóa thành hình thức trống không,

Bởi vì thức diệt hết ở trong rồi.

Đạo là giải thoát cuộc đời,

Cuộc đời chấp trước khổ hoài Diệt Sanh.

 

MỘT NGÀY TU VÔ LẬU NGHIỆP

Xả Thức xả Ngã một ngày,

Thân tâm Giải thoát thiệt hay thanh nhàn.

Thung dung như kẻ thiên đàng,

Ngó về địa ngục muôn ngàn khổ tâm.

Niệm Vô sanh xả ngã không lầm,

Dùng ngã mà niệm Chơn không đọa hoài.

 

TIN

“Tin” là đợi cứu cảnh ngoài,

Cảnh ngoài không cứu chỗ thời Tâm không.

Tâm không giác ngộ tại Tâm,

Chẳng phải ngoại cảnh mà tầm đặng đâu.

***

Tin là ham muốn trong Tâm

Tâm không tự tánh không cầu cái chi.

Tin là cái Ta ngu si,

Cái Ta sáng suốt Tin thì hóa không.

 

NGHI

Tu hành ta phải nghi luôn,

Nghi Tâm, nghi Cảnh, nghi thời Ta luôn.

Bao giờ Thức chưa hóa không,

Thì còn nghi mãi, diệt trong diệt ngoài.

***

Bao giờ tâm cảnh đồng thời,

Đồng thời vô niệm ấy đời Thức không.

 

SỢ

“Sợ” từ Tâm không sanh ra,

Sợ do cái Thức sanh ra từ ngoài.

Sợ trên giải thoát cuộc đời,

Sợ dưới là cái trói ngoài trói trong.

***

Sợ hai ngả phải hiểu cho thông,

Sợ nào vô ngã thì không sợ gì.

Sợ của Tâm không gốc từ bi,

Sợ Ta ham muốn gốc thì của Thức.

***

Sợ nào cũng phải quán dứt

Quán Tâm, quán Cảnh, quán Thức mà lìa.

 

TÌM KIẾM

“Tìm” là hỏi tìm cái chi?

Đi tìm cái chỗ Tâm thì Chơn không.

Tâm Chơn không không tìm ở đâu

Nhưng chỉ phản chiếu soi trong lấy mình.

***

Soi tâm thức là bóng tùy hình,

Hiểu hình sanh diệt rồi tình dứt đi.

Thức diệt, tâm không biết chi,

Không biết là chỗ Đạo thì ở đây.

 

GIÁC

“Giác” là cái soi thức tâm,

Thức tâm không thiệt do chấp cảnh ngoài.

Lìa thức là tánh biết nhiễm ngoài,

Tánh mình thường giác hóa thời ở trong.

***

Giác là soi thấy sự lầm,

Sự lầm chấp trước của tâm thức hoài.

Thức do Căn Cảnh tạo ra,

Căn cảnh tiếp xúc thì là Thức sanh.

***

Thức sanh liền có giác mình,

Giác diệt sự nhiễm của tình thức sanh.

Tâm thức sanh cái ta hóa thành,

Hóa thành để đặng xưng danh ra ngoài.

***

Xưng danh là cái THAM đời,

Tham tâm nhiễm trước hóa lời tuôn ra.

Lời tuôn đều những chữ Ta,

Chữ Ta biến hóa hà sa muôn hình.

***

Mỗi hình đều có mỗi danh,

Hình danh là cái chứa tình trữ tham.

Tham là gốc ở thức tâm,

Thức tâm tiêu diệt tham trong không còn.

 

THẤY BIẾT NHỚ

Thấy biết nhớ do ham muốn trong

Ham muốn do chỗ thức tâm nhiễm ngoài.

Thức tâm nhiễm bởi Tình dục đời,

Tình dục là cái thân thời chấp nê.

***

Quán thân ô uế mọi bề,

Rồi thì giải thoát thân thì nghiệp đi.

Ham muốn diệt Thấy biết nhớ không chi,

Tức là giải thoát, tâm thì hóa không.

***

Tâm không giải thoát thung dung,

Nhờ dứt quá khứ tâm trong chấp hoài.

 

HỌC THỨC

Học thức là của học thức

Thức học trên chỗ hình thức ở ngoài.

“Thức, Học thức, Hình thức” gốc tham đời

Hóa thành trí nhớ chấp ngoài chấp trong.

***

Gọi là phiền não quá khứ tâm

Che lấp hiện tại chơn không tâm mình.

Tâm chơn không vô niệm thời thời,

Học thức hữu niệm thuộc đời sự chấp.

***

Tu hành thường phải phân tích,

Học thức là cái thuộc thức chấp hoài.

Học thức hoàn toàn tùy đời,

Tùy cảnh mà sống nên thời sợ luôn.

***

Học thức thuộc ham muốn tâm,

Ham muốn phiền não che lấp tâm hoài.

Học thức là cái Ta đời,

Cái ta ham muốn chấp thời học trong.

***

Ta, Ham muốn, Thức, Học thức một vòng

Một vòng chấp ngã ở trong tâm mình.

Đối ta hình thức là cái hữu hình

Làm thành ngoại cảnh tạo tình chữ tâm.

***

Tình là gốc ở sự THAM,

Do ta ham muốn chấp trong chấp ngoài.

Tình là cái giả dối đời,

Bởi khi thất bại tâm thời hóa hung.

***

Học thức là cái tùy căn,

Tùy căn, tùy cảnh mà hằng biểu ra

Căn cảnh chết, học thức hóa ra

Hóa ra vất bỏ tức là vô ích.

***

Học thức chỉ biết một cảnh,

Biết cảnh này không biết cảnh kia.

Qua cảnh kia thì bị vất bỏ,

Học thức là cái bất thỏa mãn mình.

***

Học thức thuộc thời và không gian.

Gánh nặng quá khứ buộc tâm nhớ hoài

Nó là sự sống của vị lai,

Trói tâm hiện tại chấp đuổi hai đầu.

***

Học thức rộng mấy cũng không giàu,

Vì gốc của nó thức nghèo luôn luôn.

Lìa thức trong chỗ Tâm không,

Học thức bị bỏ hóa không dùng gì.

***

Học thức gốc ở ngu si,

Trí huệ sáng suốt nó thì diệt tiêu.

Bát-nhã mới thiệt tiêu diêu

Học thức là cái thường nghèo không vui.

***

Học thức là gốc Luân hồi,

Bởi vì thân chết hóa đời kiếp sau.

Mang thân phải chịu kiếp đau,

Sanh, Lão, Bịnh, Tử trói tâm tham hoài.

***

Học thức khổ sau khi chết rồi,

Bởi vô nương dựa bị đời phân ly.

Học thức là bánh xe động tác,

Bởi tiếp xúc hoài tâm cảnh buộc nhau.

***

Gọi tịnh chỉ một sự ngưng nghỉ,

Chẳng phải thiệt tịnh của mình Tâm không.

Học thức là gốc chiến tranh,

Bởi vì chấp ngã học hành gia cấp.

***

Học thức phân biệt cao thấp,

Rồi thì chấp ngã chỗ thấp cao mình.

Học thức hay tự xưng danh,

Xưng danh để đặng làm ông cảnh ngoài.

***

Học thức thuộc trí xảo đời,

Trí xảo là cái phỉnh người đặng tham.

Học thức tạo trí cống cao,

Thấy người không học thì hay cao mình.

***

Học thức hay tạo khoe mình,

Khoe mình để đặng tìm tình người thương.

Học thức hoàn toàn tùy nương,

Tùy nương ngoài cảnh đặng thường xưng ta.

***

Học thức dầu biết rộng bao la,

Bản thể cũng chỉ cái Ta nghèo nàn.

Học thức thuộc tích trữ thời gian,

Thuộc tâm tham đoạt luân hồi chồng chất.

***

Học thức dầu chất chứa chồng mấy,

Gốc cũng chỉ tro bụi phải quăng.

Vì gốc nó là chỗ thức tâm,

Thức tâm mộng ảo quy không phải lìa.

***

Học thức dầu cao quý tuyệt vời,

Nhưng còn tùy cảnh tâm thời phải ly.

Bao giờ tự thể vô vi,

Thoát ly nương dựa tâm thì mới chơn.

***

Học thức tính toán chọn lựa luôn,

Nó là tích trữ của tâm tham ngoài.

Tâm tham tấn hóa nhiều đời,

Xem ra tốt đẹp nhưng rồi phải quăng.

***

Gốc tấn hóa là sự rã tan,

Cũng như hoa nở rồi tàn bỏ đi.

Học thức tấn hóa gốc không chi,

Giác Tánh mới thiệt gốc thì thường chơn.

***

Học thức thuộc nhơn quả đời,

Nhơn quả báo ứng tùy thời học ra.

Dữ lành tùy học của Ta,

Học mà nhơn ác thì là khổ luôn.

***

Tâm không giải thoát ngoài vòng

Ngoài vòng nhơn quả là tâm của đời.

Học thức là bờ bên nay,

Thoát ly bản ngã mới hay không mình.

***

Học thức phân biệt muôn hình,

Tâm không vô niệm muôn hình hóa không.

 

TỊCH CỐC

Tịch cốc là để đặng tịch tâm

Tịch tâm trong chỗ thức không kia mà.

Thức không tịch, tịch cốc là ma

Bởi vì tâm vọng hóa ra phiền lòng.

***

Tịch thức do trí huệ trong,

Trí huệ thấy chỗ thức không rồi lìa.

Tịch cốc ngoại tướng thức không ly,

Thức chỉ tạm nghỉ rồi thì thức sanh.

***

Dầu mà luyện pháp cho rành,

Thì thức cũng chỉ biến thành ở trong.

Thức không dùng pháp đặng đâu

Dùng pháp thì bị tâm thức trói hoài.

***

Thức pháp nương nhau không rời,

Nên gọi pháp trói thức thời ở trong.

Giới là sự cấm ở ngoài,

Cấm ngăn tạm đỡ rồi thì thức sanh.

***

Dời thức, thức chỉ hóa thành,

Hóa thành rồi cũng tái sanh kiếp mình.

Quán thức là tánh tùy ngoài,

Nó không tự tánh rồi thời diệt đi.

***

Thấy mình vô thức thường khi,

Vô thức tự tánh tâm thì thường chơn.

Chơn nhờ dứt “Ta ham muốn”

Vì “Ta ham muốn” nương thức sanh hoài.

 

ĐỜI, ĐẠO

Đời đâu Đạo đó không rời,

Đời là chỗ gọi thời thức tâm.

Hiểu thức là cái mê lầm,

Nương cảnh mà có nên không thường tồn.

***

Đạo là diệt thức chấp trong,

Thì thấy vô ngã tâm không của mình.

 

TA

“Ta” là: Tư tưởng, suy nghĩ, tìm kiếm, tình cảm, ý niệm, ý chí, ý thức, thức, học thức, trí nhớ, ý kiến, thành kiến, hoài nghi, vô minh, ham muốn, chấp trước, tham sân si, ý tưởng, ý nhờ, ý vui, ý mừng, ý thương, ý giận, ý ghét, ý buồn, ý muốn, (tức: hỷ nộ ai lạc ái ố dục, thất tình). Tất cả các món trên ấy gọi là cái ta ở NỘI TÂM, hay gọi là Phiền não tâm, Vô thường tâm, Sanh diệt tâm, Vọng tưởng tâm, Điên đảo tâm, Ham muốn tâm, Bản ngã tâm, Thức tâm.

 

Bao giờ các món đó tiêu diệt và trống trải trong tâm hồn thì gọi là chỗ chứng “Tâm không” hay là tâm toàn giác, lìa sanh diệt qua bờ biên kia bản ngã, đắc an lạc, gọi là GIẢI THOÁT.

 

TA

Pha cho Ta một chén nước trà. Giặt cái áo của Ta cho ta. Coi giùm nhà của ai cho Ta đi có việc. Ngày mai Ta sẽ đi thăm cha của Ta. Sao mi ăn cắp tiền của Ta? Ta đánh mi chết. Ôi, mẹ của Ta chết rồi! Thôi, Ta cũng chết theo mẹ của Ta. Ta đi cầu nguyện cho mẹ của Ta đã. Sao mi giữ con của Ta mà để nó khóc vậy? Sao mi nói động tới ông bà của Ta? Ta để cây súng đây ăn trộm vô thì Ta bắn nó chết. Ta phải đi ra chiến trường đã vì quân giặc đến cướp nước của Ta. Sao mi nấu cơm và đồ ăn dở thế ni? Ta đổ hắt trước mặt cho mi coi. Ta bắt mi ăn cho hết. Mi thường cái khác cho Ta. Sao mi phá hại quá!... Tội nghiệp người ăn mày vô xin kìa. Ta đi lấy đồ cho người ăn mày đã. Ta ác quá, Ta đi sám hối đã. Bữa nào Ta vô chùa cạo đầu đi tu luôn không thèm sống ở đời nữa, nó quá mệt quá khổ và quá phiền…

***

“Ta” là cái xưng với sự vật hoài: Ta là cái tham muốn mãi! Ta là cái nó cứ gọi của ta trên sự vật luôn. Ta là cái vô minh, chấp trước, phiền não, tham sân si, chia rẽ, ích kỷ, ác nghiệp! Ta là cái tội lỗi không thể tha được. Ta là cái nó tùy cảnh và chạy theo ngoại cảnh mãi nên nó đau khổ bởi sự vô thường của Hoàn cảnh. Ta là cái không phải tự tánh mà chỉ là tùy tánh nên nó cứ khổ mãi bởi sự dựa nương. Ta là cái đối cảnh thì nó sanh, ly cảnh thì nó diệt, tức Ta là cái không thiệt có tự thể. Ta là cái nó cứ làm đau khổ hoàn cảnh hoài bởi lòng ham muốn của nó. Ta là cái nương theo ngoại cảnh mà sống nên nó phải chết theo với ngoại cảnh.

 

Vì ngoại cảnh mỗi người cũng chỉ một cái ham muốn và tham sân si ác nghiệp như ta nên ta cứ bị lợi dụng bởi sự tham và ác của ngoại cảnh. Hiểu ta là sự tham, ham muốn, ác, tùy tánh, tùy cảnh mà không phải tự tánh, rồi quăng nó đi gọi là KHÔNG TA, tức là vô ngã giải thoát. Ta là nguồn gốc sự khổ nên phải diệt nó đi.

 

TA (là lời nói)

Khi cái ta ham muốn cái gì, thì cái ta hiện ra lời nói đặng xứng với sự vật để ham muốn. Tức lời nói là Ta.

 

TA (là việc làm)

Khi cái ta ham muốn cái gì thì cái Ta hiện ra việc làm đặng tiếp xúc, hành động làm lụng, tức việc làm là Ta.

 

TA (là động đậy)

Giơ tay đập con muỗi cắn mình là Ta. Giơ tay gãi chỗ ngứa là Ta. Cãi lại cái người ta nói là Ta. Nhúc nhích một chút cũng là Ta. Cảm giác vui buồn một chút ở trong tâm cũng là Ta.

 

Mỗi chút động đậy ở trong tư tưởng hay nơi xác thịt đều gọi là Ta. Bởi vậy trong Kinh Địa Tạng nói: “Nhất thiết động niệm vô phi thị tội”, Không có sự động niệm nào mà là không tội.

TA (là sự Nhớ Biết)

Người ta hay nói: “Tôi đêm này thao thức vì ngủ không được chi cả”. Thao Thức là cái Thức nó cứ nhớ biết những chuyện xấu xa đã qua khiến cho Tâm trí loạn động phiền não. Sự nhớ biết đã qua ấy gọi là “quá khứ tâm” và nó là cái thức chấp trước.

 

Kim Cang KinhPhật dạy: “Quá khứ Tâm bất khả đắc” là cái tâm “nhớ biết” đã qua phải dứt bỏ, tức phải quăng Thức đi!

 

Người tu cũng hay nói: “Khi tôi niệm Phật không biết tại sao nó cứ bắt nhớ những chuyện chi đã qua khiến tâm không Tịnh.”. Đó cũng gọi là Thức, tức “quá khứ Tâm” phải dứt bỏ.

 

TA (là cái Thức)

Thức là cái biết của cái Ta đặng Ham muốn. Khi cái Ta ham muốn cái gì thì cái Ta phải có cái Biết đi trước. Tức Biết (Thức) là Ta, diệt thức thì cái Ta ham muốn liền diệt. Vì thức cũng như hai con mắt của cái Ta dùng ngó đặng ham muốn. Diệt thức cũng như cất hai con mắt của cái Ta, tức thì sự ham muốn nó phải dứt và Ta cũng phải tự diệt lấy nó. Người đời đau khổ bởi cái “Ta ham muốn” nó cứ sanh hoài vì cái thức (là cái Biết) nó cứ dẫn đi chỗ này chỗ kia ở ngoại cảnh.

 

Muốn diệt đau khổ phải diệt cái ta ham muốn, muốn diệt cái ta ham muốn phải diệt thức vì thức là cái biết dắt dẫn cho chỗ tâm sanh cũng như người ăn trộm vì cái biết nó biết của người. Diệt cái biết thì cái Tâm ăn trộm không sanh được.

 

Mọi sự ham muốn của cái ở đời sanh ra lại cũng như vậy. Phật dạy cái “Ta” là nguồn gốc sự khổ, “Ham muốn” là nguồn gốc sự khổ, cái “thức” là nguồn gốc sự khổ. Phép tu hành muốn trở về cái tâm chơn như bổn tánh bất sanh bất diệt gọi là cái Tâm thiên đàng, Niết-bàn, cực lạc, thanh tịnh vô vi, thì phải diệt ba cái “Thức, Ngã, Ham muốn”.

 

TA (là Hình thức)

“Hình thức” là cái Hình do cái thức tạo ra đặng nó an trú trong đó. Thân người là cái hình thức, đồ đạt, nhà cửa sự vật, đều là hình thức. Những tiếng nói ra và những sự dội lại và những sự thấy nghe hay biết đều là hình thức. “Ta, ham muốn, thức, hình thức…” đều là vô thường, mộng ảo như bọt nước. Bao giờ các món đó tiêu diệt trong tâm trí mới đắc an lạc.

 

TA (là Học thức)

“Học thức” là sự học của cái Thức ở trên sự vật đặng thâu thái. Học thức thâu thái thuộc về cái Ta ham muốn tức “học thức” là Ta!

 

“Ta ham muốn, thức, học thức, hình thức …” là sự sống thuộc về sự tham và tích trữ, sự sống nương cảnh tùy cảnh nên phải sống chết theo hoàn cảnh. Tâm sống chết theo hoàn cảnh là tâm không tự chủ gọi là tâm không thiệt của mình và là tâm đau khổ bởi sự sanh diệt vô thường. Hoàn cảnh mỗi người cũng chỉ một cái tâm tham nó thường trói buộc tâm mình tham theo nên mình phải chết theo với sự trôi lăn của hoàn cảnh. Tham là nguồn gốc sự khổ sự ác nên sự sống nương theo hoàn cảnh phải bị sự tham giết mình. Học thức thuộc về sự tham nương cảnh nên nó bị vất bỏ trong khi trở về tâm tự tánh vô tham.

 

TA LÀ GÌ?

“Đưa cho ta một miếng trầu” trầu là cái gọi “của ta”, “ta” là cái xưng với sự vật đặng ham muốn, tức ta là “ham muốn”! Người đời vì cái thân có nhiều nghiệp: “Trầu, thuốc, rượu, thịt, sắc dục” nên cái Ta cứ xưng với sự vật đặng ham muốn, nên cái Ta đau khổ mãi bởi lòng ham muốn. Phật là người đã quăng cái Ta đi nên gọi Phật “VÔ NGÔ là không còn có cái Ta đau khổ nữa!

 

TA LÀ CÁI THÂN

Người đời gọi cái “Thân của ta” : Tức gọi con Mắt của ta, lỗ Tai của ta, lỗ Mũi của ta, lỗ Miệng của Ta, Tay Chân của ta, Xương của ta, Thịt của ta, Máu của ta, Tóc của ta, Da của ta, Lòng của ta v.v…

 

Mỗi chút làm ra cái Thân gọi là cái Ta. Tức cái Thân là “một bó Ta”, khi ai đụng chạm tới chỗ nào cái thân thì cái Ta chỗ đó nổi lên giận hờn, phản kháng giết hại. Tức cái Ta là sự tàn nhẫn. Và toàn Thân là một bó ác nghiệp. Mỗi người một bó ác nghiệp nên chém giết nhau trong chiến tranh khắp thế giới từ đời vô thỉ đến nay.

 

Phật dạy thân người là một đãy ô uế, làm bằng Xương Thịt, Máu huyết tanh hôi vi trùng sán lải, máu mũ đờm đẹn, dòi tửa, một khối sanh lão bịnh tử khổ từ trong chí ngoài, từ đầu chí chân, khắp cả châu thân chỉ toàn là sự gớm ghiếc thúi hôi bịnh hoạn, gốc nó sự chết, là thây ma vô tri giác, vô cảm giác, không có gì đáng thương, chấp tríu mến, không có gì đáng gọi “của ta” cả. Khi mình nói “Thân của ta”, cái “Mặt của ta”… gọi “của ta” đó chỉ là một đống xương thịt máu mủ tanh hôi không có gì quý trọng cả. Khi mình nói “của ta” tức có cái “Ta” xưng với cái của ta. “Ta, của ta” mà phấn đấu chiến tranh và chết với sự tham, sự chấp và sự bảo vệ. Phật đã xả bỏ cái thân nên không còn chấp “ta và của ta” nữa. Gọi Phật vô ngã là như vậy.

 

THỨC TA

Ta ham muốn chén nước trà vì biết nó uống ngon. Biết đó là thức. Vì thức là cái tánh biết ngon nên sanh ra cái ta ham muốn. Nếu không biết ngon, thì cái ta ham muốn không sanh. Tức thức là nguyên nhân sanh ra cái ta và lòng ham muốn. Tức ta ham muốn là do cái thức đi đầu. Sự cảm giác cái ngon chỉ chốc lát một khắc nơi cuống cổ rồi cảm giác tan mất, thức ta ham muốn cũng liền mất theo. Thức ta, ham muốn, tùy cảnh mà sanh tùy cảnh mà diệt, gọi là tâm, không tự chủ, không tự tánh, là cái tâm cứ bị sai khiến theo ngoại cảnh, gọi là khổ tâm, sợ sệt tâm. Chén nước trà gọi là Trần, cái lưỡi gọi là Căn, Căn Trần tiếp xúc sanh ra Thức. Thức tạo ra ta và lòng ham muốn. Ta ham muốn leo chuyền mãi gọi là nghiệp, nghiệp là thói quen của lòng ham muốn. Thói quen tạo ra sự tham tức là khổ.

 

TA

“Đưa cho ta một miếng trầu”, Trầu là cái gọi “của ta”, “Ta” là cái xưng với sự vật đặng ham muốn, tức ta là “ham muốn”. Đưa miếng trầu vô miệng nhai gọi là sự cảm giác, tức ta là sự CẢM GIÁC. Sự cảm giác thuộc về cái thân, tức ta là cái thân. Cái thân thuộc về tứ đại (đất nước gió lửa hiệp thành) tức ta là tứ đại. Tứ đại là nhơn duyên hòa hiệp. Nhơn duyên hòa hiệp rồi nhơn duyên tan rã, tức ta là nhơn duyên tan rã. Nhơn duyên tan rã là sự chết, tức ta là sự chết. Chết là sự dứt sạch cảm giác hoàn toàn, tức ta là vô tri giác, vô cảm giác, không chi, hư không. Ta bổn thị không tức ta là cái không thật có, không có gốc rễ, ta đặt bày ra vì vô minh rồi chấp trước. Giác ngộ ta là gốc rễ sự chết và vô minh, nó không thật có rồi lìa nó đi, tức là giải thoát vô ngã.

 

TÂM ĐÁO BỈ NGẠN

“Tâm đáo bỉ ngạn” là ở nơi chỗ giác ngộ cái THỨC, và lìa thức đi, tức thì qua bờ bên kia là chỗ vô thức. Trong chỗ vô thức cái ta bị tiêu diệt và lòng ham muốn cũng bị tiêu diệt, mà thức cũng tự diệt luôn. “Thức ta, ham muốn” là cái tâm của bờ bên nay bản ngã đã tiêu diệt thì còn lại cái tâm vô thức vô ngã, vô tham, vô niệm, vô trụ, vô tướng, gọi là “Tâm không”. Tâm không nhưng chẳng phải khô không là không biết chi mà là toàn giác tự tánh hằng đầy đủ sự sáng suốt trong mỗi thời khắc, năng lìa nhất thiết khổ của mọi sự chấp trước quá khứ vị lai bằng sự sống trong hiện tại luôn. Trong cái tâm hiện tại hằng đầy đủ sự sáng suốt trong mỗi thời khắc đó hết thảy mọi sự khát khao vọng tưởng đều tan mất và hằng thỏa mãn trong “Vô thức Toàn giác” gọi là Tâm Giải thoát đắc đạo, đáo bỉ ngạn, chỉ dùng Huệ dùng Giác mà không dùng Thức dùng Ngã.

 

TÂM VÔ THỨC

Tâm vô thức vô niệm đồng thời,

Vô niệm vô ngã tánh thời rỗng không.

Rỗng không trở lại cội lòng,

Cội lòng vô đáy bởi không trong ngoài.

***

Thấy mình vô tận không bờ,

Tức đáo bỉ ngạn đã qua bên này.

Giáp giới là chỗ thức đây,

Tống thức một đạp thì bay lìa bờ.

***

Thấy mình hỗn loạn lúc đầu,

Hóa thành bất định ở trong sợ hoài.

Thấy mình như kẻ chơi vơi,

Thấy mình như kẻ lạc trôi giữa dòng.

***

Rán sức thiền định cho hung,

Định trong vô định thì tâm rất giàu.

Thấy mình khoái lạc tiêu diêu,

Tiêu diêu trong chỗ một mình cô đơn.

***

Đạo là sống tại chỗ đây,

Bởi vì tới chỗ hết hay kiếm tìm.

Thấy mình cô độc quạnh hiu,

Hoàn toàn lãnh đạm, chỉ chiêm ngưỡng lòng.

***

Thấy mình giải thoát ngoài vòng,

Ngoài vòng đoàn thể cá nhân một lần.

Thấy mình trách nhậm toàn phần,

Trách nhậm với chỗ bản thân của mình.

***

Ăn mặc ở hóa thành đơn giản,

Bởi gốc nó là bản thể không.

Tư tưởng tình cảm hành vi,

Cũng gốc ở chỗ không chi hóa thành.

***

Thấy mình tự tánh giới hoài,

Giới tâm giới cảnh giới thời không ta.

Giới gốc vô niệm hóa ra,

Nên hằng giải thoát trói ta niệm hoài.

***

Thấy mình ly bàn thờ ngoài,

Chỉ dùng tự tánh là đời thờ tâm.

Bao nhiêu diệt hết sắc thinh,

Chỉ dùng vắng lặng là kinh trong lòng.

***

Thấy mình vô trụ tâm không,

Hằng khi giải thoát ngoài vòng dựa nương.

 

ĐI

Ra đi với Tâm trống không,

Đừng có định có đĩnh không cái gì.

Cũng đừng định làm việc chi,

Cũng đừng định cảnh tâm thì tiếp xúc.

***

Bởi vì bổn tánh chơn không,

Thoát ly hai ngã “thâu cho” trói mình.

Ngộ duyên thì tùy tâm mình,

Tùy tâm tự tánh sanh gì thì sanh.

***

Sanh gì cũng gốc “vô sanh”

Thị tâm giải thoát không trong không ngoài.

Nếu bằng trói buộc trong ngoài,

Thì quán tự tánh ly ngoài ly trong.

***

Tức quán vô thức tâm không,

Lìa Thức thì thấy tâm trong vô hình.

 

ĐI

Ra đi đừng hỏi đi đâu,

Bởi vì tự tánh chơn không đổi dời.

Hỏi thì bị Thức trong ngoài,

Bị tâm bị cảnh trói thời chữ Ta.

***

Tâm chơn không giải thoát bao la,

Bổn thể vô trụ thì là hỏi chi.

Cũng như gió nọ khởi đi,

Đầu đuôi hai ngả biết thì đặng chăng.

***

Hành động của tâm chơn không,

Tự tánh vô niệm thì không định gì.

 

VIỆC LÀM

Việc làm không có làm chi,

Bởi vì bổn thể tâm mình chơn không.

Việc làm là tâm Thường không,

Như như bất động hiện thì là chơn. (2)

***

Chấp Làm tức bị vọng tâm,

Bị Thức bị Ngã trói trong trói ngoài.

Hóa thành phiền não buộc hoài,

Phiền não bởi chỗ Tâm thời động luôn.

 

THAM THIỀN

Tham Thiền là Tham cứu Thức Tâm,

Tham cứu cái Ngã chỗ gốc cho rành.

Ta Thức gốc KHÔNG hóa thành,

Hóa thành bởi chỗ DỤC TÌNH nhiễm sanh.

***

LY “DỤC” Ta Thức hết sanh,

Tức là giải thoát Tâm mình chơn không.

 

HẠNH VÔ TRỤ

Thế gian hóa làm cư sĩ,

Cái nhà hóa thành cảnh chùa.

Cái chùa hóa thành hang sâu,

Hang sâu thanh vắng Đạo mầu một ta.

***

Hang sâu bỏ, giải thoát bao la,

Mang gương Trí huệ Ta-bà khắp nơi.

Bình bát ăn khất thực một thời,

Ca-sa bao phủ thân thời đủ che.

***

Đời giải thoát chẳng phải tu khoe,

Nhưng tại ham muốn hết che tâm mình.

Đời giải thoát có vẻ linh đinh,

Rày đây mai đó một mình thảnh thơi.

***

Gặp duyên thì hiện một thời,

Giảng đạo thuyết pháp xong rồi lại đi.

Mỏi thời treo võng nhành cây,

Nghỉ xong thân lại ra đi như thường.

***

Đi bất định trụ sự đi,

Nếu mà định cảnh ta thì vọng tâm.

Dứt vọng thì tâm định không,

Tâm hằng tự tại bởi không định gì.

***

Giải thoát khổ hóa từ bi!

________________________________________________

 

(1) Người đắc Đạo là khi người tự thấy mình như một cái “Không Chi” – Vous n‘atteindrez la Vérité que lorsque vous seriez comme un “Rien”. (Krishnamurti)

 

(2) Dans I‘immobilité présente est I‘eternel. (Krishnamurti) – Trong tánh hiện tại như như bất động bất sanh bất diệt gọi là Đạo, cái Vĩnh Viễn.

 

Các bài liên quan