NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Giáo dục - Hoằng pháp / CÁC PHÁP SANH DIỆT TRỐNG RỖNG

Tâm Nguyên , Chủ Nhật 07-04-2013

CÁC PHÁP SANH DIỆT TRỐNG RỖNG

 

 Minh Hiếu

 

Ngày nào sanh ra và lớn lên trong gia đình, được sự bảo bọc dạy dỗ của cha mẹ, thầy cô… rồi khi có duyên lành xuất gia trong Phật pháp, một điều mà vị Tỳ-kheo luôn ghi nhớ là “Duy tuệ thị nghiệp”. Thật vậy, trong sự nghiệp xuất gia cao cả có gì quý trọng hơn là trí tuệ? Chính trí tuệ là ánh đuốc soi đường trong đêm tối vô minh của nhân loại, chính nó cũng là thành tựu cao cả nhất của một người xuất gia tu hành.

 

Khi xác định “Chỉ có trí tuệ là sự nghiệp”, ta bắt đầu ý thức về Bát-nhã siêu việt, về Phật pháp thâm sâu vô lượng. Và từ đó, đề tài “Các pháp sanh diệt trống rỗng” đã được hình thành như một sự thai nghén trí tuệ, để một ngày nào đó bùng vỡ, cho một bậc Chân nhân Đại sĩ ra đời… Có lẽ bài viết này sẽ giải trình được những điều thao thức lâu nay.

 

 

DUY TUỆ THỊ NGHIỆP:

 

“Duy tuệ thị nghiệp” là một câu nói phổ biến trong Phật giáo. Nó được xem như là phương châm sống và hành đạo của các nhà sư đệ tử Phật. “Duy tuệ thị nghiệp” có nghĩa là “Chỉ có trí tuệ là sự nghiệp”. Mà Trí tuệ được Phật pháp chú thích nhấn mạnh hơn nghĩa thông thường người thế gian hay hiểu.

 

Trí tuệ trong Phật pháp được giải thích là khác với Thức. Tức là: cả hai đều là sự khôn ngoan và hiểu biết, nhưng cái hiểu biết do suy diễn tính toán được gọi là Thức, còn cái hiểu biết đúng thật sẽ được gọi là Trí.

 

Vậy tính chất của Thức và Trí tương đồng, chỉ khác nhau về mức độ chính xác. Ví dụ: ngồi nói chuyện với một người, nhà doanh nghiệp sẽ phán đoán những tư duy của người đối thoại, từ đó có sự ứng xử khôn khéo thích hợp. Cái phán đoán đó là suy luận, tính toán ước chừng, không xác định là đúng chắc 100%, được Phật pháp gọi là Thức. Còn người trí là người đọc được tâm niệm của người đối thoại luôn, do đó biết chính xác, được Phật pháp gọi là Trí. Hoặc có ví dụ khác: thế gian hay tung tin năm 2000, năm 2012… sẽ có tận thế. Những cái tin đó nằm trong phạm vi của Thức, không chắc là đúng thật như vậy. Còn trong Phật pháp, đức Phật đã dạy rõ: địa cầu có đời sống là một Đại kiếp, dài 1.334.000.000 năm, trải qua 4 Trung kiếp Thành – Trụ – Hoại – Không, gồm 80 Tiểu kiếp. Hiện nay, địa cầu đang ở Tiểu kiếp thứ 10 của Trung kiếp Trụ, tức là địa cầu mới quay được 1,5 trong số 4 phần đường của nó…

 

Để nhấn mạnh Trí tuệ khác với Thức, Phật pháp hay dùng từ ghép “Trí tuệ Bát-nhã”. Thật ra, “Bát-nhã” là phiên âm từ “Prajana” của tiếng Phạn, nghĩa chính là Trí tuệ rồi.

 

Trí tuệ Bát-nhã có 3 mức độ tu học:

 

1. Văn tự Bát-nhã: là Bát-nhã chữ nghĩa, là trí khôn của chư Phật, chư Bồ-tát cho chúng ta vay mượn. Chúng ta học theo Kinh Bát-nhã của Phật dạy, dần dần cũng sẽ được Trí tuệ Bát-nhã như Phật.

 

2. Quán chiếu Bát-nhã: nương văn tự, chúng ta tập chiêm nghiệm xem xét. Đây: con người là 5 nhóm Sắc – thọ – tưởng – hành – thức; đây: thế gian Thành – trụ – hoại – không… tất cả đều duyên sanh duyên diệt.

 

3. Thật tướng Bát-nhã: quán chiếu sâu dày, có ngày chúng ta bừng ngộ, từ đó sống được với Trí tuệ Bát-nhã, tự mình biết được những sự thật của vũ trụ, nhân sinh…

 

Quán xem muôn pháp trên đời

Dường như mộng huyễn, có rồi lại không…

 

Cuộc sống biến đổi khôn lường, sự vận động không ngừng của địa cầu lại chính là đời sống của nó. Chỉ có trí tuệ mới thấy rõ những điều vi tế, ảo diệu bên trong. Ví như ngày xưa có một võ tướng đến thử một thiền sư rằng: “Ông hãy cho biết cây kiếm trên tay ta có chém ông hay không? Nếu ông nói đúng sẽ được sống, bằng nói sai thì đừng trách ta!”. Lưỡi kiếm vô tình, nhưng tâm địa con người khó nói, đúng sai tráo trở làm sao lường? Do vậy thiền sư mới đứng lên lom khom mà hỏi lại rằng: “Ngài hãy cho biết tôi sắp đứng hay ngồi? Nếu ngài nói đúng tôi sẽ trả lời câu hỏi của ngài, còn nếu ngài nói sai thì xin miễn.”. Vị võ tướng đành khuất phục trước thiền sư…

 

Vì sao chỉ có Trí tuệ là sự nghiệp của một đời tu hành? Bởi vì:

 

– Công danh ở đời là tiếng vang, Trưởng Ban Trị Sự hay Chánh Đại Diện… rồi cũng chết, cũng luân hồi, nếu không biết rõ sanh tử.

 

– Chùa chiền, tịnh xá ví như cây chuối. Nó kiên cố với bàn tay bé nhỏ của con người, nhưng địa thủy hỏa phong của địa cầu dư sức bóp nát mọi chùa chiền tịnh xá…

 

– Thân tứ đại cha mẹ sanh cho ta là cái thân tội báo của nghiệp ái dục. Do ái dục là nhân, thân này nhơ nhớp nặng nề, đòi ăn đòi ngủ hoài, thật là mệt mỏi với nó…

 

– Cha mẹ, vợ con, anh em… chỉ là quyến thuộc tạm, đổi thay qua mỗi kiếp sống, biết ai thật là cha mẹ của ai?

 

– Ngay trong sự tu hành, các đạo quả đắc được cũng chỉ là chuyện bên trong tâm, là sự giác ngộ chủ quan chớ có gì.

 

Bởi vậy, giác ngộ và giải thoát là mục đích cao cả nhất của người tu hành. Giác ngộ và giải thoát là giác ngộ chân lý và giải thoát sự trói buộc của nghiệp, chúng không khác gì Trí tuệ:

 

– Ở nhân tu: Bát-nhã là pháp quán.

 

– Ở quả chứng: giác ngộ là sở đắc, từ đó giải thoát sanh tử.

 

Trí tuệ Bát-nhã có 3 bậc chứng đắc:

 

1. Nhất thiết trí: là Trí tất cả. Trí này biết chung về vũ trụ, nhân sanh, các pháp… đều vô thường (theo thời gian) vô ngã (theo không gian).

 

2. Đạo chủng trí: là Trí các món. Trí này biết các pháp sai biệt, những chuyện chi ly cụ thể. Hàng Bồ-tát mới có sức trí này.

 

3. Nhất thiết chủng trí: là Trí tất cả món. Trí này của Phật, biết cả tổng tướng và biệt tướng, biết khắp vũ trụ nhân sinh…

 

Thiền sư Thiện Năng đời Nam Tống từng nhắc nhở học Tăng rằng:

 

Chớ vì muôn thuở thường không mà không rõ gió trăng một sớm.

Cũng chớ vì gió trăng một sớm mà không rõ muôn thuở thường không.

 

Rồi ngài tự thán rằng:

 

Người người đều sợ nóng

Ta lại thích hè dài

Gió mát từ Nam lại

Điện gác sanh thanh lương!

Hiểu hay không hiểu

Kỵ nhất là thừa đương.

 

Thừa đương là biện biệt phải quấy, là thức. Các thiền sư dạy người tham thiền phải kỵ nhất là chữ THỨC. Thức đã khởi là danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái… cả đám sẽ khởi theo.

 

Về nguyên lý, Trí tuệ Bát-nhã có 2 loại:

 

1. Căn bản trí: diệu dụng của tâm, ai cũng có.

 

2. Hậu đắc trí: do tu chứng, cũng đồng căn bản khi đã thật trở về nguồn.

 

Gắng công tham thiền để giác ngộ chân lý, khai mở được những công năng kỳ diệu của tâm, cuối cùng thấy ra tu cùng không tu đều bình đẳng một diệu tâm, chứng và không chứng cũng bình đẳng một linh tánh.

 

Tóm lại, Trí tuệ Bát-nhã có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp tu hành của hàng đệ tử Phật. Thế nên Bát-nhã Tâm Kinh khẳng định:

Tam thế chư Phật y Bát-nhã Ba-la-mật-đa đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

 

Có nghĩa là:

 

Ba đời chư Phật khắp tàng

 

Nương thuyền Trí Tuệ mà sang bến bờ,

 

Quả linh hiển đắc kịp giờ

Chánh đẳng chánh giác, tôn thờ không trên!

                                              (HuệLuật Nghi Khất Sĩ)

 

 

CÁC PHÁP SANH DIỆT TRỐNG RỖNG:

 

Tìm hiểu khái quát về Trí tuệ Bát-nhã qua tiêu đề Duy Tuệ Thị Nghiệp ở trên rồi, bây giờ chúng ta quán Bát-nhã qua mệnh đề “Các pháp sanh diệt trống rỗng”.

 

Gọi là mệnh đề, bởi đây là chân lý tạm – chấp – nhận, từ đó ta quán tưởng…

 

1. Các pháp: trong Phật Học Phổ Thông, các pháp được chia 2 nhóm Hữu vi pháp và Vô vi pháp. Hữu vi pháp là pháp có tạo tác, pháp do duyên sanh. Còn Vô vi pháp ngược lại Hữu vi.

 

Dịch hơi quê một chút, thì “Hữu vi” là “Có làm”, “Vô vi” là “Không làm”. Nói chung, Hữu vi và Vô vi pháp là tất cả pháp.

 

Ví dụ: Cái nhà, được xây từ gạch, đá, ciment, sắt… nên cái nhà là một pháp hữu vi. Con người do 5 uẩn hợp thành thì con người là một pháp hữu vi. Bản nhạc Ánh Trăng của Mozart là một pháp hữu vi. To lớn như trái đất vẫn được đánh giá là một pháp hữu vi…

 

Còn Niết-bàn không sanh không diệt, do vậy Niết-bàn là vô vi…

 

Kết thúc Kinh Kim Cang, đức Phật nhắc nhở đệ tử thường nên quán xét thế này:

 

Những là các pháp hữu vi

Giống như mộng ảo, khác gì huyễn thôi

Tựa hồ bọt nước dòng khơi

Mảnh hình ảnh giả, chút hơi sương tàn

Thoáng qua, chớp nháng lẹ làng

Phải nên soi sáng hiệp tan đó là…

                                              (HuệLuật Nghi Khất Sĩ)

 

2. Sanh diệt: là sanh và diệt, có nhiều duyên, khi duyên hòa hợp thì sanh, khi duyên ly tán thì diệt. Xét ra chưa có cái nào là tự có.

 

Ví dụ: Thợ mộc cưa cây, lấy gỗ đóng bàn, phải có cưa, đục, bào, đinh… cuối cùng thành phẩm là một cái bàn. Qua mấy năm sử dụng, trường học trùng tu, nhân tiện thanh lý bớt bàn cũ, thế là họ đem cho chùa. Nhà chùa mới cho đập bàn ra, chẻ nhỏ làm củi chụm… Cái bàn học đã sanh diệt như thế.

 

Hoặc một con người, được hình thành từ tinh cha huyết mẹ, hơn 9 tháng thì chào đời, ăn mặc ở bệnh đủ món qua 20 năm mới trưởng thành. Một ngày kia theo bạn đi chơi, vì tranh hơn thua mà đánh nhau tử thương, cuối cùng ra nghĩa địa nằm trong những tiếng khóc than của thân quyến… Đó là duyên sanh diệt của một con người vắn số.

 

Sự sanh diệt của các pháp được cô đọng qua đạo lý Duyên khởi:

 

Cái này có mặt thì cái kia có mặt

Cái này không thì cái kia không

Cái này sanh thì cái kia sanh

Cái này diệt thì cái kia diệt.

 

Về mặt hiện tượng, trong vũ trụ này cái gì cũng sanh sanh diệt diệt. Hiện tượng là như thế, còn bản chất thì sao? Hãy xem phần kế tiếp…

 

3. Trống rỗng – Không:

 

Chữ “Không” trong tiếng Hán có nghĩa là “Trống rỗng”, là Sunyata. Chữ Không chẳng phải là Không có gì. Cái Trống rỗng là chỉ cho bản chất các pháp.

 

Ví dụ: Một cô gái đẹp, tính chất đẹp đó là nói theo cảm nhận của những chàng trai đang thích cô. Nếu gặp người dửng dưng, thì cô gái đó đẹp xấu gì người kia cũng chẳng chú ý. Lại nữa, khi đang mê say đắm đuối thì các chàng trai cho đối tượng của mình là đẹp. Tức là cảm xúc đã che mờ trí tuệ, từ đó có nhận thức “Đẹp” chủ quan. Trong Kinh kể chuyện khi đức Phật dẫn em trai lên cõi trời, gặp các thiên nữ, đức Phật hỏi: “Này Nanda, em thấy các thiên nữ này so với người vợ sắp cưới của em như thế nào?”. Nanda thật thà đáp: “Bạch Phật, người vợ sắp cưới của em so với các thiên nữ này giống như một con khỉ cái so với một cô hoa hậu của vương quốc!”. Một con khỉ cái thì xấu xí và hôi rình tới cỡ nào?…

 

Như vậy, một cô gái được đánh giá là đẹp hay không đẹp còn tùy trường hợp. Tức là: đẹp là đẹp hơn cái gì, xấu là xấu thua cái gì?... Cái đẹp vốn trống rỗng, tùy tiện, không chắc thật.

 

Về vấn đề thời gian, ta hãy xem nó có thật không? Lịch của người Ấn xưa chia một tháng có 2 tuần, mỗi tuần 15 ngày (trăng tối và trăng sáng). Còn người Trung Quốc xưa chia một tháng thành 3 tuần, mỗi tuần 10 ngày (nên nói Tam nguyệt an cư, cửu tuần cấm túc3 tháng 9 tuần…). Vậy khái niệm Tuần đã không đồng. Lại nữa, khi vui thì “Ngày vui ngắn chẳng tày gang!”, còn buồn thì “Nhất nhật tại tù như thiên thu tại ngoại!”. Hoặc 100 năm ở nhân gian bằng 2 ngày ở cõi trời Tứ Thiên Vương, bằng 1 ngày ở cõi trời Đao-lợi, bằng một thoáng trong định Diệt thọ tưởng…

 

Thời gian phản chiếu nhịp sống của tâm. Tâm biến hiện, thời gian thay đổi. Vậy thời gian không có thật chất. Còn không gian:

 

Yêu nhau mấy núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

 

Khi có tình cảm tác động, núi đèo không còn khó vượt, sông suối không còn xa cách. Nên không gian cũng không có nhất định là cao hay thấp, xa hay gần. Do đó Bát-nhã Tâm Kinh dạy rằng: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc.” Nghĩa là: “Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc chính là không, không chính là sắc.”. Sắc chất và hư không chẳng khác nhau, không những hư không là trống rỗng đã đành, mà vật chất cũng trống rỗng nữa. Thật chứng cái trống rỗng của vật chất, các nhà Yoga có thể đi xuyên qua đất, bước trên mặt nước, bay trên hư không… thật kỳ diệu!

 

Hiện nay chúng ta thấy cái gì cũng thật. Do tâm lượng đó nên chúng ta đâu thể bay bổng khỏi mặt đất. Trong cái tâm Chơn Không chẳng có 5 uẩn, 6 trần, giáo pháp và quả chứng… Tuy không có, mà năng lực của tâm này thật kỳ diệu theo lời mô tả của Tổ Thiên Thai:

 

Thấy rỗng không mà không nhãn giới

Biết hoàn toàn, thức giới cũng không…

Tánh Không sáng suốt đại đồng

Vô minh chẳng có, mựa hòng hết chi?

                                         (Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh)

 

Tóm lại, “Các pháp sanh diệt trống rỗng” là một nhận định khái quát cả hiện tượng và bản chất của các pháp. Đây là một nhận thức Bát-nhã thuần túy theo tinh thần Phật dạy. Và chúng ta cần lưu ý rằng Trống rỗng ở đây không có nghĩa là hư vô. Hay nói cách khác, nhận thức Trống rỗng là Không có gì chỉ mới dừng lại ở Nhất thiết trí. Phải đến mức Đạo chủng trí mới triển khai được các diệu hữu, từ đó không không có có gì cũng chỉ là lời nói bên ngoài khi bàn luận.

 

 

LỜI CUỐI:

 

Quả thật chính ta, mọi người và vạn vật đều đang sanh diệt. Cái sanh diệt đó lại chính là sự sống của các pháp Hữu vi. Ngay đến pháp Vô vi không sanh diệt cũng do đối đãi với pháp Hữu vi mà được thành lập.

 

Trong sự biến đổi sanh diệt không ngừng, ta không thể cố chấp một giá trị nhất định nào của các pháp. Cái này gọi là Vô ngã, là Không, là Trỗng rỗng, là Vô trụ, là Vô chứng, là Vô sở đắc… Do nhận thức này, sự sống cởi mở nhẹ nhàng:

 

Sao sao thôi cũng là sao

Sự chi cũng vậy, thế nào cũng xong.

Tâm không vạn vật đều không

Tâm chơn vạn pháp thảy đồng quy chơn.

 

Tinh tấn quán Bát-nhã là cởi mở mọi gút mắc, cuối cùng thấy ra Đạo và Đời đều có tính chất tương đối. Cái thiêng liêng, quý giá nhất nằm ngay trong tâm mỗi chúng sanh. Cuộc sống đẩy đưa qua qua lại lại không gì hơn chỉ là giúp cho mọi người có được Trí tuệ Vô chấp, để rồi giác ngộ không khác nào là như chuyện uống nước của mỗi người: “Như nhân ẩm thủy, lãnh noãn tự tri!”.

 

Cởi bỏ mọi chuyện Sinh tử và Niết-bàn, Trói buộc và Giải thoát, Đời và Đạo… người  ta đến được chỗ chư Phật an trú. Cảm tạ ân lành Pháp bảo đã rọi sáng tâm chúng ta. Cảm niệm ân đức của Hòa thượng Bổn sư đã dày công dìu dắt chúng con. Mong sao mọi người đều được an trú trong Ma-ha Bát-nhã, trở thành những bậc Chân nhân ngay trong cuộc đời này!

 

 

---------------------------------------------------------

 

 

Các bài liên quan