Đạo phật khất sĩ / Tư tưởng - Văn hóa / THIỀN ĐỊNH NHƯ MỘT GIẤC NGỦ NGON !
THIỀN ĐỊNH NHƯ MỘT GIẤC NGỦ NGON !
Hành Vân
Thoạt nghe lời phát biểu “Thiền định như một giấc ngủ ngon!”, chắc rằng có nhiều người sẽ lên tiếng: “Ô hay! Thế thì các thiền viện trên thế giới như Panditarama, Pa-auk, Shwe Oo Min… tổ chức tu thiền là dạy cho người ta cách ngủ ngon ư?” Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, mọi kiến giải đều được quyền tự do ngôn luận. Mà dĩ nhiên là mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về những lời nói và hành động của mình.
Trước khi bình luận câu nói “Thiền định như một giấc ngủ ngon!”, chúng ta sẽ phân tích sơ bộ nó. Đây là một câu nói nêu lên giá trị của thiền định bằng phương pháp so sánh. Chính đối tượng được so sánh với thiền định đã khiến chúng ta phải lưu ý. Mục đích của câu nói này tiềm ẩn trong những ý tưởng của người phát biểu. Có vẻ như người nói muốn lưu ý các thính giả đến một việc quan trọng nào đó. Câu nói “Thiền định như một giấc ngủ ngon!” không hề có tính miệt thị hay bài bác. Nó không tục, không hồ đồ, chưa hề tỏ ra là chê hay khen thiền định. Nhưng đối với phong trào hâm mộ thiền định ngày nay của giới trí thức Âu, Mỹ hay của nhiều Phật tử trẻ, chắc chắn là câu nói này sẽ gây ra những phản ứng mạnh…
Thiền định là gì? Mọi người đều thừa nhận thiền định là một phương pháp rèn luyện nội tâm cổ truyền của nền văn minh Ấn Độ nói riêng, của cả châu Á nói chung. Trọng tâm của những phương pháp thiền định là rèn luyện sự tập trung tư tưởng. Kết quả hiện tiền của sự tập trung tư tưởng sẽ đưa người đến những tầng thiền. Có nhiều tầng thiền chánh, tà, thế gian, siêu thế, Sắc giới, Vô sắc giới… khác nhau. Căn bản nhất, phổ biến nhất là bốn tầng thiền Sắc giới: tầng thiền thứ nhất, thứ nhì, thứ ba và thứ tư. Bốn tầng thiền này được trình bày tóm tắt như sau:
Sơ thiền, ly sanh hỷ lạc. Nhị thiền, định sanh hỷ lạc. Tam thiền, ly hỷ diệu lạc. Tứ thiền, xả niệm thanh tịnh. [1]
Do lìa những tâm vọng động thô tháo, hành giả đạt được sự yên tĩnh, lòng cảm thấy mừng vui, nhẹ nhàng như vừa đặt gánh nặng xuống. Sau đó, qua tầng thiền thứ hai, trong tâm hành giả xuất hiện những ấn chứng thiền như thấy người bay bổng, trước mặt có ánh sáng lòa, hơi thở như biến mất… Qua khỏi những hạnh phúc của nhị thiền, hành giả đạt được những niềm vui vi diệu ở tam thiền. Khi xả bỏ hoàn toàn mọi ý niệm khổ vui, hành giả đến tứ thiền, rất yên tịnh, định rất sâu. Cả bốn thiền đều mang lại cho người chứng nghiệm những hạnh phúc như của các vị trời ở cõi Sắc. Để vào được sơ thiền, người ta phải đình chỉ được các tâm tham dục, sân hận, hôn trầm, phóng tâm và hoài nghi…
Còn “một giấc ngủ ngon” phải được xác định với ý nghĩa nào? Như ngạn ngữ Việt Nam nhận xét về lòng người là “chín người mười ý”, thì cái giá trị “ngon” thật khó có một tiêu chuẩn. Nhưng thông thường, chắc ai cũng cho rằng ngủ ngon là một giấc ngủ không mộng mị. Với giấc ngủ không mộng mị, não bộ sẽ hoàn toàn được nghỉ ngơi, thần kinh được yên tĩnh, nên tinh thần của người vừa ngủ như thế sẽ sảng khoái… Đây là những nghiên cứu của các nhà khoa học.
Như vậy, thiền định tương đồng một giấc ngủ ngon, ở khả năng làm cho tâm sinh lý của con người được quân bình. Giá trị thiết thực này của thiền định thật rất quý. Nếu có thể thay tám tiếng ngủ mỗi ngày bằng một giờ thiền định thì quả thật rất tiết kiệm, đúng như quốc sách của Việt Nam…
Một giấc ngủ hay một sự nghỉ ngơi đều có lợi cho mỗi người. Đồng thời, ngủ nghỉ có nghĩa là ngưng hoạt động, không học tập, không lao động… Không ngủ nghỉ thì không có sức khỏe, ngủ nghỉ nhiều lại là một thói biếng nhác, là một dạng phiền não, bị ví là “như heo mê ngủ ham ăn” và bị nhắc nhở:
Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa,
Sang đâu đến kẻ say sưa suốt ngày.
Theo khía cạnh này, phải chăng tác giả của câu nói “Thiền định như một giấc ngủ ngon!” muốn cảnh giác mọi người chớ nên say thiền định? Không say mê thiền định có nghĩa là phải biết làm chủ nó, sử dụng nó. Phật giáo dùng thiền định để giúp người hoàn thiện nhân cách và giác ngộ chân lý. Từ cơ sở tư tưởng tập trung, người hành thiền định Phật giáo sẽ phải khám phá ra con người thật của mình, nhận ra những vấn đề của cuộc sống mà bình thường họ đã bỏ quên. Để rồi họ tự làm thăng hoa nhân cách và vun đắp cho cuộc sống được thêm tươi đẹp… Theo một hướng dẫn của nhà Phật thì người tu cần phải quán xét thân, tâm và các pháp sao cho nhận ra được tính vô thường, khổ não, vô ngã của chúng…
Lịch sử Phật giáo đã ghi nhận sự kiện thái tử Sĩ-đạt-ta tìm ra Trung đạo cho mình, sau khi gục ngã vì đã trãi qua năm năm tầm đạo và sáu năm khổ hạnh vô cùng gian nan. Tuy vậy, khi phân tích Trung đạo, đa số mọi người đều chú ý đến việc Thái tử chấm dứt khổ hạnh, sống vừa phải trong sinh hoạt và tu tập, mà ít ai để ý đến việc Thái tử cũng đã từ bỏ những tầng thiền cao như định Vô sở hữu xứ do tu sĩ Alara Kalama (A-la-lam) dạy và định Phi tưởng phi phi tưởng xứ do tu sĩ Uddaka Ramaputta (Uất-đầu-lam-phất) dạy cho ngài.
Áp dụng phương châm Trung đạo vào thiền định, thái tử Sĩ-đạt-ta đã chọn những tầng thiền thấp, thuộc về Sắc giới, để an trú và quán xét cuộc sống, mà cụ thể là quán Tam minh. Như vậy, Thái tử đã đi một con đường sáng tạo: dùng những thiền định căn bản để tập trung quán tưởng. Ngài không dựa vào cô định, thuần định, lại càng không sử dụng những tầng thiền Vô sắc. Trãi qua giai đoạn tham thiền quán tưởng dưới cội Bồ-đề, sự thành tựu giác ngộ tối cao của thái tử Sĩ-đạt-ta đã chứng minh con đường ngài đi là đúng, đồng thời cũng đã khai sáng ra thiền định Phật giáo: đó là Thiền định trung đạo, là Định huệ song tu… [2]
Chủ động dùng sức định tâm để quán tưởng các pháp là đường lối định huệ song tu đặc trưng của Phật giáo. Câu nói “Thiền định như một giấc ngủ ngon!” tuy chưa trực tiếp nêu lên điều này, nhưng chính sự ám chỉ của nó về mặt trái của ngủ nghỉ cũng là một phiền não đã góp phần đưa chúng ta đến những nhận định vô cùng quan trọng về thiền định Phật giáo: đó là Thiền định trung đạo, là Định huệ song tu, là mục đích tu để hoàn thiện nhân cách và giác ngộ chân lý…
Đặc biệt, chúng ta hãy lưu ý đến tính bình thường của ngủ nghỉ. Khi đem so sánh thiền định như một giấc ngủ ngon, thì người nói đã lột bỏ tính cao siêu và thần bí của thiền định, theo như hình dung xưa nay của mọi người. Hóa ra, bốn tầng thiền cũng bình thường như một giấc ngủ ư? Đây là một phát biểu chủ quan hay là một phát biểu khách quan? Nếu là một phát biểu khách quan thì người nói đã căn cứ trên những quan điểm nào?
Trong kinh Pháp Bảo Đàn, khi thầy Pháp Hải thỉnh Lục Tổ lên pháp tòa rồi xin được xem Y, Bát và được nghe lời dạy ở Huỳnh Mai, Lục Tổ đã đáp: Ngũ Tổ chẳng dạy về thiền định, giải thoát, ngài chỉ luận về kiến tánh. Kiến tánh hay kiến Không tánhlà giác ngộ bản chất của chúng sanh hữu tình và vô tình. Đây là yếu điểm để thấy được Phật, thông được Pháp và thành tựu được tam thân, tứ trí, ngũ nhãn, lục thông, thất thánh quả…
Giác ngộ chân lý là việc trọng đại, đạt được các tầng thiền định chỉ là việc khiêm tốn, tuy rất khó làm đối với người loạn tâm. Chính ngài Asita (A-tư-đà) còn phải bật khóc sau khi xem tướng cho thái tử Sĩ-đạt-ta. Tuy Asita tu hành đã lâu năm, đã đạt được các tầng định Vô sắc, vậy mà ông còn khóc than và tiếc nuối như thế, cho thấy rằng chân lý có giá trị vô cùng to lớn so với thiền định. Bàng bạc trong hệ thống Kinh Bộ (Nikayasutta) ta thấy được một sự thật: có những Tỳ-kheo đắc tứ thiền nhưng chưa hề chứng Sơ quả, lại có những Tỳ-kheo hay những cư sĩ chứng Sơ quả ngay sau khi nghe một pháp thoại của Phật nhưng họ chưa hề đắc tứ thiền. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa cũng đưa ra một dẫn chứng điển hình về trường hợp Bồ-tát Đại Thông Trí Thắng ngồi đạo tràng mười kiếp[3], thân và tâm không lay động, mà không đạt giác ngộ tối thượng. Hay chúng ta thường nghe những cảnh tỉnh về một số người bỏ ra nhiều năm tháng để tập định, không tích cực phát huy quán tưởng Phật pháp, nên đã đi sai khuynh hướng chung của Phật giáo là giác ngộ và giải thoát… Như vậy, khách quan mà nói, bốn tầng thiền không phải là quý nhất đối với một Phật tử chân chính. Nó chỉ là một phương tiện.
Trong bối cảnh ngày nay có nhiều Phật tử ngại thiền định, cho rằng thiền định khó tu dễ lạc; lại có nhiều người rất hâm mộ thiền định, sẵn sàng đi đến những nước khác để được vào tu ở các rừng thiền (Thiền lâm, Forest Monastery), thì câu nói “Thiền định như một giấc ngủ ngon!” hiển nhiên trở nên rất đặc biệt. Sẽ có nhiều người dễ dàng bỏ qua câu nói này, không cần bận tâm tìm hiểu. Nhưng với những người có chút quan tâm về thiền định Phật giáo, thì chắc họ sẽ có một vài suy tư về câu nói tưởng chừng như đơn giản này.
Tóm lại, câu nói “Thiền định như một giấc ngủ ngon!” đã khiến chúng ta phải chú ý xem xét lại một số giá trị của thiền định. Về mặt giá trị ứng dụng tu quán, thì thiền định như ngủ ngon và ngủ ngon như thiền định, chẳng nên bỏ ra quá nhiều thời gian và công sức để tìm cầu bốn định Sắc giới. Về mặt thái độ nhận thức, thì ngủ nghỉ là việc bình thường của mọi người và thiền định cũng phải là việc bình thường đối với những người tu hành theo Phật giáo. Do vậy, người con Phật chớ nên e ngại cũng như đừng say mê thiền định. Hãy dùng thiền định để làm sức mạnh quán xét chân lý, cũng như hằng tư duy về Phật pháp dựa trên một nội tâm an lành sau khi đã được ngủ ngon. Phải dùng thiền định theo phương cách hay nhất, an toàn nhất và hiệu quả nhất là Định huệ song tu hay Giới định huệ kiêm tu của Phật giáo. Về điều này, các thiền viện Panditarama, Pa-auk, Shwe Oo Min… vẫn áp dụng đúng. Nói chung là giới định huệ luôn được huân tu ở những thiền viện Miến Điện này…
Muốn biết câu nói “Thiền định như một giấc ngủ ngon!” thật có những ý nghĩa như đã tìm hiểu ở trên hay không, nếu có dịp đến Đà Lạt, ghé thăm thắng cảnh thác Prenn, mọi người hãy tìm gặp Hòa thượng viện chủ Tịnh xá Ngọc Thiền để hỏi cho rõ hơn. Bởi vì chính ngài là người đã hơn một lần phát biểu rằng: “Thiền định như một giấc ngủ ngon!”!
TV. Pa-auk, Myanmar, 20/06/2008
[1] Các kinh Nikaya thường nói dài hơn về bốn thiền, như trong kinh Bẫy Mồi, kinh Rừng Sừng Bò (Tiểu)…
[2] HT. Minh Châu (dịch), Trung Bộ Kinh, tập I,“Đại Kinh Saccaka”, Tp. HCM, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1992, tr. 538-544.
[3] 10 kiếp: bằng 10 lần trái đất sanh và diệt, bằng 10 ngày đêm ở cõi Đại Phạm Thiên Vương, khoảng 13 tỷ 340 triệu năm ở cõi người.
------------------------------------------------------------------------
Các bài liên quan
- xưa Minh Đăng Quang viết
- Nghĩa Trăm Năm
- Tại sao chọn Luật Tứ Phần?
- Hành Trang Vào Đời
- T Â M K H Ô N G
- Từ Nhân Loại Bước Đến Niết-bàn
- Phụ giải Công Lý Võ Trụ
- KHẢO CỨU BỘ CHƠN LÝ
- Ý ĐỊNH LÀ NIẾT-BÀN
- Đời là biển khổ
- TÍNH CHẤT CHỦ YẾU CỦA TRIẾT LÝ THIỀN
- Năm Lửa bắt Thầy
- NGHI THỨC ĐÓNG CHUÔNG U MINH
- KHẤT SĨ BỒ-TÁT
- A-LA-HÁN
- BỒ-TÁT TRỤ XỨ
- Nhà bác học Albert Einstein nói về Phật giáo
- GIÁP NGỌ – NHÂM THÌN 58 NĂM
- Theo gót chân Người
- Thờ phượNG
- VÔ NGÃ & NGÃ
- Dấu xương để lại cho đời
- Nghiên cứu BỒ-TÁT GIÁO
- Giáo pháp Khất sĩ
- Chân tình Vu-lan
- Ngày Tổ sư trở về
- Tết 2-0-1-6
- Minh Đăng Quang truyền dạy Chơn lý
- Ai lên núi lửa trần gian
- Câu chuyện Sư tử đá
- Kiến – tánh
- Biểu tượng Đèn Chơn Lý
- Pháp ngữ của TS. Minh Đăng Quang
- Tham luận của HT. Minh Hồi
- Pháp tu Quan Thế Âm
- Tham luận của HT. Đức Nghiệp
- Tham luận của TT. Minh Thành
- Tham luận của TT. Nguyên Thành
- Tham luận của TT. Huệ Thông
- Câu đố cổ xưa của người Hy Lạp
- Tinh thần Trung đạo trong bộ Chơn Lý
- TRÍ & THỨC
- TÀ KIẾN CỦA NHỊ THỪA
- Cha Mẹ bơ vơ
- Nét đặc thù của đức Tổ sư MĐQ
- Những lời Khách Sáo
- Vắng Bóng
- Chánh Pháp Vu-lan
- Ý nghĩa ngày Rằm tháng Tư Vesàkha
- Thuyền Bát-nhã (thơ Đạo)
- LỜI THẦY DẠY (Đức Thầy Giác An)
- “KINH CÀY RUỘNG” & Chơn lý “CHƯ PHẬT”
- HÃY SỐNG HẾT LÒNG MÌNH VỚI ĐẠO PHÁP (TT. Giác Tuấn)
- CON ĐƯỜNG TIẾN HÓA CỦA CHÚNG SANH (TT. Giác Pháp)
- SEN NỞ ĐÓN HẠ VỀ (Ni sư Minh Liên)
- LINH ẢNH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
- Ăn Chay và Sức Khỏe
- Thi hóa tiểu sử Tổ Sư Minh Đăng Quang
- KỆ HỒI TÂM (Tổ Thiên Thai)
- NHỮNG BÀI CA GIẢI THOÁT