NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Tư tưởng - Văn hóa / Chánh Pháp Vu-lan

Tâm Nguyên , Thứ Năm 30-08-2012

 

Chánh Pháp Vu-lan

 

Hành Vân

 

 

 

  Mùa Vu-lan thắng hội đang trở về! Xin kính mừng những người con hiếu thảo, mừng cho tất cả những ai đang ấm áp trong hạnh phúc Vu-lan!

 

Nhớ lại cách đây 26 thế kỷ, có một người con hiếu thảo đã từ giã thân quyến lên đường tìm chân lý. Qua một cuộc chiến đấu với chính mình, người con ấy đã thành tựu phạm hạnh, được đức Phật Thích-ca khen ngợi là vị đệ tử đứng thứ nhì trong giáo hội của ngài. Vị ấy không ai khác hơn chính là Mục-kiền-liên tôn giả, một đại A-la-hán đã khơi nguồn cho Chánh pháp Vu-lan tuôn chảy khắp nhân gian...

 

Chứng đắc thần thông đạo quả thành

Chạnh niềm nhớ lại tấm ơn sanh

Mở to mắt huệ nhìn soi khắp

Se thắt lòng con bóng vắng tanh!

Chua xót căn nguyên đường ngạ quỷ

Ngẩn ngơ hình phạt chốn u minh,

Bát cơm dâng mẹ lòng tha thiết

Hóa lửa, than ôi thảm sự tình!

 

Thỏa chí bình sanh với đạo quả giải thoát rồi, đại đức Mục-kiền-liên chạnh lòng nghĩ về cha mẹ, về ơn nghĩa sanh thành dưỡng dục như núi cao, như biển rộng vô bờ. Thương thay, cha đã yên phận, còn mẹ hiền lại đang bị đọa đày nơi miền âm cảnh, chịu đói khổ vô vàn! Đại đức Mục-kiền-liên vội đi khất thực được một bát cơm đầy mang xuống dâng mẹ. Người mẹ đáng thương lúc ấy liền ôm lấy bát cơm, một tay che đậy như sợ ai giật mất, còn một tay bốc vội mà ăn. Nhưng than ôi,

 

Lòng bỏn sẻn tiền căn chưa dứt

Sợ chúng ma cướp giật của bà

Cơm đưa chưa đến miệng và

Hóa thành than lửa nuốt mà đặng đâu!

 

Ghê gớm thay quả báo của Thanh-đề, của người mẹ khốn khổ ấy! Cơm đã hóa lửa, mẹ nào hưởng được bát cơm hiếu thảo của con!

 

Bát cơm dâng mẹ lòng tha thiết

Hóa lửa, than ôi thảm sự tình!

Sự tình bạch Phật rõ căn nguyên

Lệ đổ, lòng đau xót khẩn nguyền.

Thắng hội Vu-lan tuyên pháp nhiệm

Thần oai Tự tứ vận cơ huyền,

Thánh Tăng ngày ấy ban ân phước

Vong mẫu từ đây thoát nghiệp duyên.

Liên tưởng sau xưa niềm hiếu nghĩa

Hai phen cứu tế vĩnh lưu truyền.

 

Đạo lực của một vị đại A-la-hán cũng không chuyển được nghiệp lực của mẹ. Thật đáng thương thay cho người làm con khi phải chứng kiến sự khổ đau của mẹ mà mình không làm sao chia sẻ, san sớt được phần nào. Thế nên đại đức Mục-kiền-liên mới về tịnh xá xin đức Phật cứu giúp. Đức Phật đã từ bi ban truyền Chánh pháp Vu-lan cho đại đức Mục-kiền-liên, rằng phải nương vào oai lực Tự tứ Tăng để chuyển nghiệp cho người nơi khổ cảnh. “Oai lực Tự tứ Tăng” là gì? “Tự tứ Tăng” là tự bày tỏ sám hối trước mọi người, do biết ăn năn sám hối sẽ được tiêu nghiệp sanh phước, quả báo chóng dứt, pháp này có oai lực như thế. Đừng lầm rằng do các bậc Thánh Tăng hiệp lại cầu siêu mà bà Thanh-đề được siêu! Bà ta được siêu là do tâm bà đã chuyển hóa tốt.

 

Kể từ đó thế gian này có được một chánh pháp nhiệm mầu để siêu độ cho ông bà, cha mẹ, cho những ai đang đọa lạc trong những cõi tăm tối! Đây là tầng ý nghĩa thứ nhất của Chánh pháp Vu-lan - pháp siêu độ.

 

*****

 

Lưu truyền sự tích mấy ngàn năm

Mỗi độ Thu sang, mỗi độ rằm

Sắm lễ Vu-lan cam mỹ phẩm

Dâng Tăng Tự tứ chí thành tâm!

Mẹ cha kiếp trước duyên thanh thoát,

Cha mẹ đời này phước thậm thâm!

Mãn nguyện nhân sanh mùa báo hiếu

Nhớ ơn Tôn giả lệ khôn cầm!

 

Ba khổ thơ cuối trong bài Cảm niệm Vu-lan đã đưa chúng ta về sống lại với những nhân duyên hoàn cảnh thời xưa. Để từ đó tâm cảm Vu-lan sống dậy trong ta, tỏa ánh sáng soi cuộc sống hôm nay, tô đắp cho tâm hồn ta được đẹp xinh, vun đắp cho mỗi gia đình trên thế gian này được thêm ấm áp, hạnh phúc…

 

Như thế, 26 thế kỷ trước, tại Kỳ Viên tịnh xá ở xứ Xá-vệ có một vở kịch tuyệt hay là vở Vu-lan thắng hội hay vở Mục-kiền-liên cứu mẹ đã diễn ra. Trong vở kịch đó, đại đức Mục-kiền-liên đóng vai chính, tuy là một đại A-la-hán đã dứt sạch mọi tâm tham ái dù thô hay tế mà cũng than khóc và khẩn cầu, để trọn vai một người con chí hiếu. Còn đức Phật đóng vai một Đại sư trí tuệ và từ bi, Thanh-đề thụ động vào vai phản diện, và tất cả chư hiền Thánh Tăng khất sĩ là những diễn viên quần chúng, là những người đã đồng tác thành cho việc làm của đại đức Mục-kiền-liên được thành công.

 

Những ai, người làm con, chắc rằng khó nhớ được lúc chính mình tập đi 3 bước chân đầu đời như thế nào. Xin hãy nhớ lại:

 

Thuở lên ba con tập đi, tập đứng

Mẹ dìu con bước chập chững trên giường

Gối tai bèo che kín khắp quanh giường

Sợ con té trầy da non, gót nõn

Con dợm bước, mẹ cười vui sung sướng:

“Giỏi lên cưng! Bước nữa đi cưng!”

Bước thứ hai, con run rẩy ngập ngừng

Rồi bước sau, trên giường con quỵ ngã.

Mẹ ôm con trong vòng tay êm ả,

Mẹ vỗ về, lau nước mắt cho con…

 

Từ ba bước chân đầu đời mà có muôn vàn bước chân tiếp theo. Kẻ làm con khó sao biết được công ơn cha mẹ, chắc bởi mãi ích kỷ đòi hỏi, cho rằng cha mẹ phải chìu chuộng mình, phải phục vụ cho mình… Trong cái tâm ích kỷ, cái trí trở nên u ám, không thấy như thật, không hiểu nguồn cơn, không lường được tâm tình cha mẹ. Cứ thế, cuộc sống vô ơn bất tri đã kéo dài, đến một ngày làm cha làm mẹ, ngày ấy ta mới thấm thía ân đức cao cả của phụ mẫu song thân:

 

Ở đời ai cũng có lần

Làm cha mẹ mới biết ân sanh thành.

Người xưa khó nhọc nuôi mình

Khác gì mình đã hết tình nuôi con!

 

Hay khi nghe lời Phật dạy trong kinh ta mới cảm được hết bao nỗi:

 

Công dưỡng dục sánh bằng non biển

Cớ sao con chẳng biết ơn này?

Hoặc khi lầm lỗi bị rầy

Chẳng tuân thì chớ lại bày ngỗ ngang

Hỗn cha mẹ, phùng mang trợn mắt

Khinh trưởng huynh, nộ nạt thê nhi

Bà con chẳng kể ra chi

Không tuân sư phụ, lễ nghi chẳng tường…

 

Nước mắt chảy xuôi, những dòng nước mắt thương cho đời quanh quẩn. Hôm nay, Vu-lan đã về, hãy để cho những dòng nước mắt ăn năn tuôn tràn để rửa sạch những nỗi bất hiếu của kẻ làm con. Trong Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Trọng Ân, đức Phật đã dạy các đệ tử:

 

Thế Tôn lại bảo Anan:

Ơn cha nghĩa mẹ mười phần phải tin.

Điều thứ nhất giữ gìn thai giáo

Mười tháng trường chu đáo mọi bề.

Thứ hai sanh đẻ gớm ghê

Chịu đau, chịu khổ mỏi mê trăm phần.

Điều thứ ba thâm ân nuôi dưỡng

Cực đến đâu bền vững chẳng lay.

Thứ tư ăn đắng nuốt cay

Để dành bùi ngọt đủ đầy cho con.

Điều thứ năm lại còn khi ngủ

Ướt mẹ nằm, khô ráo phần con.

Thứ sáu sú nước, nhai cơm

Miễn con no ấm, chẳng nhờm chẳng ghê.

Điều thứ bảy không chê ô uế

Giặt đồ dơ của trẻ không phiền.

Thứ tám chẳng nỡ chia riêng

Nếu con đi vắng cha phiền mẹ lo.

Điều thứ chín miễn cho con sướng

Dù phải mang nghiệp chướng cũng cam

Tính sao có lợi thì làm

Không màng tội lỗi bị giam, bị cầm.

Điều thứ mười chẳng ham chau chuốt

Dành cho con các cuộc thanh nhàn

Thương con như ngọc như vàng

Ơn cha nghĩa mẹ sánh bằng núi cao!

 

Từ sanh đến trưởng, một quá trình có biết bao công sức của mẹ cha. Suốt những năm đầu đời, con cái hầu như thụ động hoàn toàn trong sự bảo bọc chăm sóc của cha mẹ. Khi trí khôn chưa có, khi chưa tự chủ được xác thân, ai cũng phải nhờ nơi ông bà, cha mẹ mà lớn khôn được như ngày hôm nay. Đến như lúc đầu tiên hết, lúc đang thành thai trong bụng mẹ, ta nào biết được một quá trình 10 tháng tạo hóa:

 

Thế Tôn mới bảo lời rằng:

Vì ngươi ta sẽ phân trần khá nghe.

Thân đàn bà nhiều bề cực nhọc

Sanh đặng con thập nguyệt cưu mang.

Tháng đầu thai đậu tợ sương,

Mai chiều gìn giữ sợ tan bất thường.

Tháng thứ nhì dường như sữa đặc,

Tháng thứ ba như cục huyết ngưng,

Bốn tháng đã tượng ra hình,

Năm tháng ngũ thể hiện sinh rõ ràng.

Tháng thứ sáu lục căn đều đủ,

Bảy tháng thì đủ bộ cốt xương,

Lại thêm đủ lỗ chân lông

Cộng chung đến số tám muôn bốn ngàn.

Tháng thứ tám hoàn toàn tạng phủ,

Chín tháng thì đầy đủ vóc hình,

Mười tháng thì đến kỳ sinh,

Nếu con hiếu thuận xuôi mình ra luôn.

Bằng ngỗ nghịch làm buồn thân mẫu

Nó vẫy vùng, đạp vấu lung tung

Làm cho cha mẹ hãi hùng

Sự đau sự khổ không cùng tỏ phân…

 

Nên nỗi gì mà phải bị sanh để rồi phải thụ động nhờ cậy hoàn toàn như thế? Sanh bởi vì đâu? Phật pháp dạy rằng bởi tâm ham dục, sau khi vừa xả báo thân mà có một niệm ưa thích cảnh ân ái của nam nữ là lập tức bị đẩy đến chỗ đầu thai làm con. Thai ấy là thai người, thai lừa, thai ngựa… gì thì chưa biết được! Thật ghê thay, ở trong thai nào mà không khổ, làm con gì mà không khổ!

 

Khi sanh ra rồi, thân tâm ngũ uẩn ấy là chánh báo phải thọ trong suốt một đời. Để rồi đảo điên say đắm, còn biết gì hơn ngoài cái bị thịt đang có! Nếu là thú, nghiệp chướng nặng nề, hành xử theo bản năng là những nghiệp đã huân tập trong đời trước. Nếu là người, đua đòi tạo gây, một đời tưng bừng theo hương sắc của trần gian, cho rằng như thế là khôn, là quý giá… Mệt mỏi, đáng chán, mang chi kè kè một cái bị thịt, để bỏ không được mà lấy cũng không xong!

 

Niệm tưởng về ân tình cha mẹ, người làm con trở về tham dự Đại lễ Vu-lan Báo hiếu. Đến với Vu-lan là đến với lễ hội Tôn Vinh Hiếu Hạnh, có bao kim ngôn ngọc ngữ đã được ôn nhớ, được trùng tuyên trong lễ hội này:

 

– “Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu!” (Ca dao)

 

– “Tôn kính quỷ thần không bằng tôn kính cha mẹ, vì cha mẹ là hai đấng thần minh trong tất cả thần minh!” (Kinh 42 Chương)

 

– “Gặp thời không có Phật, khéo thờ mẹ cha tức là thờ Phật!” (Kinh Đại Tập)

 

– “Này các Tỳ-kheo, một ít đất trên đầu móng tay ta nhiều hay đất trên địa cầu này nhiều? – Bạch Thế Tôn, đất trên địa cầu này rất nhiều. – Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, kẻ bất hiếu với cha mẹ thì nhiều như đất trên địa cầu này, mà người hiếu thảo với cha mẹ thì ít như đất trên đầu móng tay ta!” (Kinh Tương Ưng)

 

– “Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu. Điều ác tệ nhất không gì hơn bất hiếu.” (Kinh Nhẫn Nhục)

 

– “Ta trải qua nhiều kiếp tinh tấn nay mới thành Phật, toàn nhờ công ơn của cha mẹ ta. Vậy nên người học đạo không thể không hiếu thảo với cha mẹ.” (Kinh Phân Biệt)

 

– “Ở đời lấy gì làm sáng, lấy gì làm tối? Cha mẹ còn sống là mặt trời giữa trưa chói sáng, cha mẹ khuất bóng là mặt trời đã lặn. Cha mẹ còn sống là mặt trăng tỏa sáng, cha mẹ mất rồi là đêm tối âm u.” (Kinh Tâm Địa Quán)

 

– “Cha mẹ đối với con có ân đức cao nặng sâu dày: ân đức sản sanh từ tâm bú mớm, ân đức tắm giặt nuôi nấng trưởng thành, ân đức cung cấp các món cần dùng, ân đức chỉ dạy cách sống ở đời. Cha mẹ luôn luôn muốn con lìa khổ được vui, không bao giờ xao lảng nhớ thương con như bóng theo hình!” (Kinh Bổn Sự)

 

– “Có 5 tội nghịch đưa đến đọa xứ, đưa đến địa ngục, không thể cứu nỗi. Này các Tỳ-kheo, những gì là 5 tội nghịch? Đoạt mạng của mẹ, đoạt mạng của cha, đoạt mạng của vị A-la-hán, với ác tâm làm Như Lai chảy máu và phá hòa hiệp Tăng.” (Kinh Tăng Chi)...

 

Trong lễ hội Vu-lan, hương trầm kính nguyện, ngàn hoa tung rải, y bát được dâng cúng đến chư đại đức Tăng, Kinh Vu-lanKinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Trọng Ân được trùng tuyên, những nhạc phẩm Vu-lan được trổi lên, những lời chúc lành có ý nghĩa được trao gởi về nhau, những dòng nước mắt ăn năn tuôn tràn và những nụ cười ấm áp bừng nở… Trong lễ hội đó, người người thi nhau trì trai, giữ giới, bố thí, cúng dường Tam Bảo, tụng đọc kinh điển Phật ngôn, làm mọi thiện sự có thể… để hồi hướng công đức cầu nguyện cho hiện tiền phụ mẫu, cho thất thế phụ mẫu và đa sanh phụ mẫu đều được những phước lành an vui!

 

Trong lễ Vu-lan có lễ Dâng cúng Pháp y Ca-sa và Tứ vật dụng đến chư đại đức Tăng, những bậc thiện nhân đã vừa trải qua 3 tháng an cư tu học theo lời Phật dạy. Với lễ ấy, những người con hiếu thảo và kính tin Tam Bảo đã xếp y Ca-sa thành những bông sen vàng trên mâm, gói tứ vật dụng thành những phần quà xinh đẹp đặt vào mâm, rồi cùng nhau đội các mâm ấy trên đầu đi nhiễu quanh lễ đường, lần lượt kính dâng lên chư đại đức Tăng với lòng tha thiết vì cha vì mẹ…

 

Đáp lại chân tình và nghĩa cử đó của những người con hiếu thảo, chư đại đức Tăng tiếp nhận phẩm vật dâng cúng, chứng minh và cầu nguyện cho mọi điều tốt đẹp sẽ đến với những người con hiếu thảo trong cuộc đời. Sau đó, phần quan trọng nhất của buổi lễ là chư đại đức Tăng tuyên thuyết Chánh pháp Vu-lan. Trong không gian lễ hội tưng bừng, pháp âm Vu-lan vang vọng đánh thức lương tri của những người làm con, ca ngợi hiếu hạnh, quở trách sự bất hiếu vong ân, chỉ ra những lối sống đúng tư cách làm người, chỉ ra những bổn phận của cha, mẹ, con cái…

 

Người ta đi dự lễ hội Vu-lan để được chia vui sẻ buồn với nhau. Người ta đến với lễ hội Vu-lan để tìm lại những hình ảnh của cha mẹ, những hồi ức về thuở bé cho đến ngày lớn khôn trong sự đùm bọc che chở của cha mẹ. Người ta đến đó để được tắm mát trong dòng suối Vu-lan, để thấy mình như trẻ lại trong vòng tay của cha mẹ ngày nào!...

 

Vu-lan là thế! Vu-lan là lễ hội cao đẹp của tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo hay tín ngưỡng. Phật giáo đứng ra tổ chức những lễ Vu-lan Thắng Hội ở khắp mọi nơi vì đó là truyền thống, nhưng không phải chỉ có Phật giáo mới làm được như thế. Vu-lan vốn thật sự là một lễ hội của quần chúng. Ngày xưa, thuở đại đức Mục-kiền-liên cứu mẹ thì Vu-lan chỉ mới là một pháp siêu độ vong mẫu. Nhưng trải qua thời gian, khi gặp những điều kiện thích hợp, Vu-lan đã phát huy hết đặc tính của nó, trở thành một đại lễ vô cùng ý nghĩa trong xã hội loài người.

 

Tôn vinh hiếu hạnh, pháp Vu-lan đã trực tiếp xây dựng đạo đức nhân bản cho mỗi người, bởi ai cũng là một người con cả. Một ông vua, một tổng thống, một đại gia, một hoa hậu, một tướng quân, một bác sĩ, một công an, một bà bán cá, một gã lưu manh, một thường dân nào cũng đều là một người con hết! Hiếu là tri ân và báo ân. Đại ân cha mẹ mà còn không biết và không báo đáp thì nói gì đến những ân nghĩa cỏn con trong đời. Vô ân, đồng nghĩa với vô cảm, hạ đẳng, mất đạo đức, không có tư cách làm người. Nên mới nói Hiếu là gốc người (nhân bản). Do vậy củng cố Hiếu là xây dựng đạo đức nhân bản cho mỗi người, từ đó tạo nên những gia đình ấm êm hạnh phúc, mở rộng ra chính là lập một nền đạo đức nhân bản cho xã hội.

 

Do tầng ý nghĩa thứ hai này, Vu-lan là Chánh pháp phổ tế nhân gian của Phật-đà. Thật là khéo với những phương tiện của bậc Đại sư thuở xưa! Đây là giá trị thiết thực của Chánh pháp Vu-lan. Khi nhân cách con người được thăng hoa thì có ai là còn bị “đọa lạc nơi âm cảnh”? Vì mỗi người đều là một người con và đồng thời mỗi người đều là một người cha hay một người mẹ. Vị trí và vai trò xã hội của mỗi người đổi thay theo dòng thời gian, nhưng Hiếu đã đáp ứng cho tất cả!

 

*****

 

Mẹ ơi, mẹ có biết không?

Con thương mẹ lắm gian truân nhọc nhằn

Vì con bao quản tấm thân

Trèo non, lội suối, nắng mưa dãi dầu…

Mẹ cha ơn nặng nghĩa sâu

Con nguyền báo đáp trước sau vẹn toàn.

 

Cảm được công cha nghĩa mẹ rồi, người con nguyền báo đáp ơn nghĩa ấy. Báo đáp như thế nào? Đức Phật dạy:

 

Ân cha nghĩa mẹ nặng nề

Không phương báo đáp cho vừa sức đâu!

Ví có người ân sâu dốc trả

Cõng mẹ cha tất cả hai vai

Giáp vòng hòn núi Tu-di

Đến trăm ngàn kiếp ân kia chưa đền!

 

Dùng vật chất để đáp đền vật chất ư? Cuộc sống đâu có sòng phẳng trơ trẽn như vậy. Dùng công khó nhọc mà đáp đền ơn nghĩa sanh thành dưỡng dục ư? Làm sao cho cân xứng đây, bởi cuộc sống là đi tới, một chữ “Nợ” có nhiều ý nghĩa tế nhị của nó. Lại như Na Tra róc xương trả cha, đem thịt trả mẹ, cho rằng không còn ràng buộc gì nữa, thì đó chỉ là một thói ngang ngược lố bịch… Ai nuôi dưỡng cha mẹ sẽ được tưởng thưởng xứng đáng với hiếu hạnh đó:

 

Người nào theo thường pháp

Nuôi dưỡng mẹ và cha

Chính do công hạnh này

Được các bậc hiền Thánh

Hiện đời thường khen ngợi,

Sau khi chết sanh thiên

Hưởng an lạc thù thắng.

 

Nhưng nuôi dưỡng thôi chưa đủ, vì nuôi dưỡng và làm vui lòng cha mẹ chỉ mới là đem lại hạnh phúc tạm bợ, chưa giúp được cho cha mẹ tránh khỏi những quả khổ do ác nghiệp của chính họ mang lại. Như đại đức Mục-kiền-liên, ngài phụng dưỡng mẹ mà do ác nghiệp quỷ đói đang mang khiến cho mẹ ngài không thể hưởng được bát cơm hiếu thảo của con. Nên trong Kinh Tăng Chi đức Phật dạy:

 

“Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với của cải vật chất, tiền bạc thời không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỳ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin thì khuyến khích cha mẹ an trú vào lòng tin, đối với cha mẹ theo ác giới thì khuyến khích hướng dẫn cha mẹ an trú vào thiện giới, đối với cha mẹ xan tham thì khuyến khích hướng dẫn cha mẹ an trú vào bố thí, đối với cha mẹ theo tà kiến thì khuyến khích cha mẹ an trú vào trí tuệ… Cho đến như vậy, này các Tỳ-kheo tức là làm đủ và trả ơn đủ cho cha và mẹ.”

 

Cuộc sống là đi tới, mà cha mẹ và con cái lại là những nhân duyên lẫn lộn đắp đổi của chúng sanh. Trong kiếp luân hồi, người ta xuống lên làm cha làm mẹ lẫn nhau, cái vay cái trả cứ ràng buộc vướng vít, gọi chung là Nợ… Sự ĐI TỚI của cuộc sống là Ác phải đi tới Thiện, Khổ đau phải đi tới Hạnh phúc, Luân hồi phải đi tới Giải thoát, Mê muội phải đi tới Giác ngộ, Chúng sanh phải đi tới Phật… Tham cứu được một chữ NỢ và thấy ra được ý nghĩa chân chính của cuộc sống, thì khi đó mới dứt nợ, mới là trả sạch nợ, mới bình đẳng không còn trói buộc trong thân phận tạm bợ CHA – MẸ – CON CÁI nữa.

 

Đến đây, với tầng ý nghĩa thứ ba này, Vu-lan được hiểu qua cách trả NỢ trọn vẹn. Người ta sẽ giải phóng nhau ra khỏi những thân phận tạm bợ của thân tâm 5 uẩn. Và người người đều được ĐI TỚI, đều nhận được kết quả chân chính của cuộc sống này. Trong ý nghĩa đó, ta không quên cầu nguyện:

 

Đêm nằm niệm Phật Thích-ca

Cầu cha mẹ được kết hoa liên đài

Về cảnh Phật thấy hoa khai

Trầm luân chấm dứt, đáo lai Niết-bàn.

 

Nhưng ta không còn nhận riêng một cha mẹ nào là CỦA TA nữa. Ta cầu nguyện cho cha – mọi chúng sanh Nam và cầu nguyện cho mẹ – mọi chúng sanh Nữ mà ta đã gắn bó. Một cuộc sống chan hòa bừng nở, ấy bởi có Chánh pháp Vu-lan!

 

Vu-lan! Vu-lan! Rằm tháng 7, suối nguồn Vu-lan lan tỏa khắp nhân gian, rửa sạch bao cấu uế trong tâm hồn những người làm con, làm cha, làm mẹ. Mùa Tự tứ, pháp âm Vu-lan vang vọng khắp nhân gian, giải cứu cho tất cả mọi người khỏi những lụy phiền trong các quan hệ huyết thống. Vu-lan đến rồi Vu-lan qua, kính mừng chư tôn đức Tăng-già được thêm một Hạ lạp, kính mừng những người làm con được trọn xong Hiếu đạo, và kính mừng cho mọi người được thắm nhuần trong Chánh pháp Vu-lan, được giải tỏa khỏi những ràng buộc vướng vít của một chữ Nợ đã đeo bám con người từ bao thuở!

 

Như thế, Chánh pháp Vu-lan:

 

1. Là pháp cầu siêu cho người bị đọa, bằng cách tự sám hối ăn năn.

 

2. Là pháp tôn vinh hiếu hạnh, xây dựng đạo đức căn bản cho nhân loại.

 

3. Là pháp giải thoát khỏi các thân phận làm người: cha, mẹ và con cái.

 

Chánh pháp đã được sáng tỏ, thì Kinh Vu-lan với Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Trọng Ân do ai thuyết và do ai viết không còn quan trọng nữa. Trong tầm mức Phật pháp ứng dụng, bài viết này đã triển khai Chánh pháp Vu-lan, để góp thêm một tiếng nói trong sáng cho Phật pháp tại thế gian này!

 

 

---------------------------------------------------------------------  

 

 

 

Các bài liên quan