NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Tấm lòng vàng / Nghĩa trang của hơn 42 nghìn thai nhi

, Thứ Sáu 03-08-2012

 

Nghĩa trang của hơn 42 nghìn thai nhi

 

Uông Ngọc Tân

 

 

Hương cầm bó nhang đang nghi ngút khói mà tôi đưa cho rồi mắt nhòa đi: “Con anh cũng ở đây sao?”, giọng cô nghẹn lại, trên đôi gò má 2 hàng lệ đã khẽ trào ra. Trước câu hỏi hơi bất ngờ của Hương, tôi chẳng biết phải trả lời thế nào nên đành im lặng. “Vậy là anh còn tốt hơn khối thằng đàn ông! Anh còn nhớ đến con mình mà lên đây thắp cho nó nén nhang, chứ anh ta, thậm chí anh ta chẳng cần biết đến nó nữa!”…

 

 

 

Ông Trương Văn Năng thắp nén nhang cầu nguyện cho các thai nhi

 

 

Ánh nắng tàn còn vương trên đôi mắt đẫm lệ của người thiếu nữ trẻ tuổi. Nghĩa trang bào thai với hàng ngàn ngôi mộ nhỏ trắng xoá không tên cô liêu, hiu quạnh đến nghẹn lòng!…

 

Thắp xong những nén nhang lên các ngôi mộ nhỏ trong nghĩa trang, Hương ngồi xuống, trên gò má vẫn còn ướt đẫm những giọt nước mắt. “Không biết nó là trai hay gái anh nhỉ? Nó chắc là oán trách em lắm anh à!”. Trước những lời tâm sự đầy đau xót ấy, tôi hiểu rằng, với cô nỗi đau đớn khôn cùng này sẽ còn dằn vặt, đeo đẳng mãi. Hương thật tội nghiệp, cô chỉ là một thiếu nữ trẻ tuổi xinh đẹp nhưng trót lỡ trao thân cho một tên Sở Khanh. Hắn ta bỏ cô, để mặc cô với cái thai đã 4 tháng. Trước ngưỡng cửa tương lai, Hương đã phải dằn lòng đau đớn giải quyết cái thai để tiếp tục trở lại giảng đường đại học. Đó chỉ là một trong số hàng ngàn những cuộc tình buồn mà hậu quả của nó là mênh mông, trắng xoá những nấm mồ bé nhỏ không tên ở Nghĩa trang Anh Hài này.

 

Nghĩa trang Anh Hài, hay còn gọi với cái tên khác là Nghĩa trang Bào Thai, nằm ven hữu ngạn sông Hương, đoạn chảy qua thôn Ngọc Hồ, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Nơi đây, suốt 20 năm qua là nơi yên nghỉ của hơn 42 ngàn sinh linh bé nhỏ, tội nghiệp, đã bị tước đi quyền sống khi mà các em còn chưa kịp cất tiếng khóc chào đời…

 

Thấy có người đến viếng, một người đàn ông đang phát dọn những bụi cây rậm rạp gần đó bước lại. Ông tên Trương Văn Năng, 50 tuổi – người trông nom, quét dọn Nghĩa trang Anh Hài, cũng là người tiếp nhận, chôn cất những bào thai bị bỏ rơi và đưa tới đây. Ông chào tôi rồi cùng thắp nén nhang lên những ngôi mộ của các bào thai. “Ở đây, hầu như ngày nào cũng tiếp nhận những sinh linh nhỏ, mỗi nấm mồ là nơi yên nghỉ chung cho 3 đến 4 cháu, cháu nào nếu chưa đủ hình hài thì được đặt chung vào một om nhỏ (hũ sành nhỏ), còn đã đủ hình hài thì được đặt vào một om riêng. Có năm con số này tăng đột biến, như năm 2007, số hài nhi được đưa đến đây lên đến 3 ngàn cháu!”, ông Năng cho biết.

 

Cũng theo ông Năng, các sinh linh chôn cất ở nghĩa trang đều là những bào thai bị cha mẹ chúng bỏ đi ở các cơ sở nạo phá thai và sau đó được nhóm Thiện Nguyện của Hội Bảo Vệ Sự Sống Thành phố Huế nhặt nhạnh đem về. Họ đem về đây rồi ông Năng cùng ông Tống Viết Hiếu, một thành viên trong nhóm Thiện Nguyện cùng lo chôn cất.

 

Sinh linh đầu tiên được đưa về đây vào ngày 02–02–1992 và nhóm Thiện Nguyện cũng lấy ngày này là ngày thành lập Nghĩa trang Anh Hài. Sau 20 năm, con số những hài nhi yên nghỉ tại Nghĩa trang đã lên hơn 42.000. Trước kia, bào thai được gói gém bằng những bao nilon nhỏ hoặc giấy báo và được chôn cất trong những ụ đất. Từ năm 2000 trở đi, khi Hội Bác Ái địa phận Huế (viết tắt là KCARITAS) đứng ra tài trợ cho Nghĩa trang Anh Hài, những ngôi mộ đã được được xây cất bằng xi-măng.

 

Trước mắt tôi, khuôn viên chưa đầy 1ha dường như đã kín hết, bốn bề chỉ toàn là những nấm mồ trắng xoá, không tên, trước mỗi nấm mồ nhỏ chỉ có một cây Thánh giá ghi lại ngày chôn cất. “Mỗi năm, Nghĩa trang tiếp nhận khoảng 2000 hài nhi, thế nhưng cũng chỉ có khoảng 2, 3 mươi người đến đây để thắp hương. Họ đến để tưởng niệm đứa con bé bỏng mà mình đã trót bỏ đi. Vậy là… những sinh linh nhỏ đó cũng được ấm lòng khi còn được người thân đến tìm lại, chứ đa phần là các cháu đều rơi vào quên lãng!”, ông Năng nói.

 

 

 

Trong 42. 000 nấm mồ ở đây, duy nhất chỉ có một nấm mồ này

là có tên: Nguyễn Tâm Hân, mất ngày 15122009

 

 

Trong khuôn viên Nghĩa trang được trang trí đầy hoa tươi cùng những bức tượng thiên thần có cánh như để che chở và an ủi cho số phận oan nghiệt, tủi hờn của các thai nhi. Những vần thơ đầy thương cảm của những tấm lòng thiện nguyện được khắc lên trên các bia đá khiến cho những ai một lần đến đây khi đọc cũng trở nên xót lòng.

 

Thắp nén nhang phảng phất khói hương lên những nấm mồ nhỏ, ông Năng thở dài: “Yêu đương là duyên số cháu à! Nếu có yêu ai, gắng mà giữ gìn, trân trọng, chứ đừng phải một lần nào đó trong đời đến đây hối hận. Ở đây 20 năm, chú gặp nhiều rồi! Ở đời, có những gia đình mong mãi cũng chẳng thể có được một đứa con, vậy mà không ít người trẻ tuổi chỉ vì chơi bời, yêu nhau qua đường mà phải từ bỏ con của chính mình!”. Tôi im lặng trước lời khuyên của ông.

 

42 ngàn nấm mồ nhỏ là hồi chuông báo động cho tình trạng nạo phá thai trong giới trẻ Việt Nam hiện nay. Theo thống kê từ Ủy ban Quốc gia Dân số Kế hoạch hóa Gia đình, mỗi năm nước ta có khoảng 1,2 đến 1,6 triệu ca nạo phá thai. Đáng buồn thay, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tình trạng nạo phá thai cao nhất thế giới (đứng thứ nhất Đông Nam Á và thứ 5 trên thế giới). Nếu như tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên chiếm 5 – 7% tổng số ca nạo phá thai trong các năm trước, thì đến nay, tỷ lệ đó đã tăng lên 18 – 20%. Trong số những ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên thì có đến 60 – 70% là học sinh, sinh viên ở độ tuổi 13 đến 19 tuổi. Con số này gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng sống buông thả, trụy lạc của con em chúng ta.

 

Không chỉ tước đoạt đi quyền được sống của các sinh linh nhỏ vô tội, mà chính các cô gái – những người mẹ trẻ, những người phải sống trong sự ám ảnh đau khổ, dằn vặt còn phải đối mặt với những ẩn hoạ sau mỗi lần đi phá thai: Ở nước ta hiện nay, tỷ lệ vô sinh ở nữ chiếm 60% là do hậu quả nạo phá thai gây ra.

 

Bóng chiều tàn buông những tia nắng yếu ớt phủ lên Nghĩa trang một màu vàng nhạt, những ngọn gió rừng vi vu thổi làm rơi rụng những chiếc lá khô lên trên các nấm mồ nhỏ bé, bốn bề im lặng đến não lòng. Nghĩa trang vẫn còn đó những hố nhỏ nằm rải rác, theo lời ông Năng, đó chính là những nơi yên nghỉ cho những bào thai xấu số tiếp theo. “Hôm nay may mắn là không có bào thai nào đến cả, nhưng ngày mai, ngày kia… chắc sẽ có! Chú ước sao cho tụi trẻ bây giờ nó yêu đương có trách nhiệm với nhau. Thiệt tình, chú không muốn có thai nhi nào phải đến đây nữa!”, ông Năng thở dài nói thế...

 

KS. Minh Bình cập nhật

Nguồn:daidoanket.vn, ngày21/07/2012

 

 

Các bài liên quan