NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Tấm lòng vàng / Hộp Cơm Nghĩa Tình của nhóm cô Tuyết Nga

, Thứ 7 21-07-2012

 

Hộp Cơm Nghĩa Tình của nhóm cô Tuyết Nga

Hoài Thiệu

 

 

Gần một năm nay, mỗi tháng một lần, cô Nguyễn Thị Tuyết Nga (ngụ ở đường Phan Văn Khỏe, phường 5, quận 6, Tp. Hồ Chí Minh) lại nấu cơm từ thiện cho các bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Ung Bướu Tp. Hồ Chí Minh. Trung bình một lần nấu như vậy khoảng hơn 300 phần cơm, đợt cao điểm lên tới 400 phần. Cùng cô Tuyết Nga thực hiện công việc nghĩa tình này còn có các bạn tình nguyện viên.

 

Mỗi lần nấu cơm với số lượng lớn như vậy, cả nhóm phải chuẩn bị từ rất sớm, có khi từ hai hôm trước để công việc được trọn vẹn. Cô Tuyết Nga cho biết, toàn bộ rau, củ và thịt, trứng… đều do chính cô mua về từ chợ đầu mối Tân Xuân nên chất lượng được đảm bảo. Cùng thức đêm với cô nấu cơm, cảnh tượng chỉ bảo tận tình các tình nguyện viên của cô đã làm tôi thật cảm phục và quý mến. Cô luôn nhắc nhở mọi người phải làm việc cẩn thận, không được vì nấu cơm từ thiện mà làm ẩu, như vậy là thất đức. Từng bó rau muống, từng củ cà rốt đều được chọn lựa cẩn thận trước khi gọt, chế biến… Những món ăn được nấu ở đây có mùi thơm lừng và chất lượng lắm... Em Tuyết Mai, một sinh viên Trường Đại học Văn Hiến Tp. Hồ Chí Minh đã tham gia nấu cơm gần nửa năm nay cho tôi biết: Mỗi khi ai làm ẩu là cô Tuyết Nga đều bắt làm lại dưới sự giám sát của cô.

 

 

 

Đã hơn 3 giờ sáng, cả nhóm vẫn còn tất bật với công việc…

 

 

Như thường lệ, chiều thứ Sáu trước hôm nấu cơm, cô Tuyết Nga lặn lội xuống chợ đầu mối Tân Xuân, huyện Hóc Môn để mua rau củ quả cho rẻ. Rồi cũng chính cô dùng xe máy tự chở các túi đồ lỉnh kỉnh về nhà ở quận 6 để chế biến. Gạo cô chọn mua loại gạo Tài Nguyên, có giá khá đắt (hơn 17.000 đồng/kg) vì chỉ có gạo này mới nấu được với số lượng lớn và người nghèo cũng không thấy mặc cảm khi ăn cơm. Chừng 7 giờ tối, mùi thơm từ những nồi thịt đã nức mũi, màu sắc đậm đà và các lát sườn đều to hơn với ở các quán ăn bên ngoài. Để thay đổi khẩu vị cho bệnh nhân, cô luôn nấu các món mới và có lần nấu tới 4 món khác nhau như: thịt kho tiêu, xíu mại, thịt kho trứng và sườn tráng chảo. Thỉnh thoảng cô cũng nấu canh chua thay cho canh rau cải, và những lần đó mọi người ăn đều tấm tắc khen ngon.

 

Hơn 20 năm về trước, hai mẹ con cô vào bệnh viện chữa trị nhưng hoàn cảnh rất khó khăn. “Nhiều lần tôi tưởng mình không qua khỏi nhưng nhờ những phần cơm từ mọi người trong bệnh viện nên tôi đã có động lực để vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo.”, cô Tuyết Nga nhớ lại. Rồi sau này, mặc dù gia đình không khá giả gì nhưng cô vẫn cố gắng nấu cơm nhiều nhất có thể để mang đến giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ như mình ngày xưa. Những phần cơm do chính cô Tuyết Nga nấu không chỉ làm ấm bụng những bệnh nhân nghèo mà còn là sự tri ân cuộc đời đã giúp đỡ cô trong những ngày bệnh hoạn thuở nào. Người con trai năm xưa được cưu mang nay cũng cùng cô làm từ thiện, anh luôn ủng hộ mẹ nấu cơm và đóng góp tiền ủng hộ một phần cho mẹ.

 

Thức trắng đêm để nấu 5 nồi cơm lớn nhưng khuôn mặt cô Tuyết Nga và các thành viên vẫn luôn toát lên niềm hạnh phúc. Đến 4 giờ, nồi cơm đầu tiên đã chín, cô lại tiếp tục nấu những nồi khác cho đến tận sáng. Khi trời gần sáng, cả nhóm cùng nhau làm công việc quan trọng nhất là chia cơm vào hộp. Nếu để ý kỹ, mọi người sẽ thấy hộp cơm do cô Tuyết Nga mua to hơn những loại bình thường bán ở ngoài quán. Cô Tuyết Nga cho biết: “Nhiều lần thấy người bệnh ăn hết cơm nhưng đồ ăn vẫn còn, biết họ còn đói nên tôi mua loại hộp to hơn cho người bệnh ăn được no.”. Sự chu đáo của cô Tuyết Nga và cả nhóm còn thể hiện trong mỗi hộp cơm đều có một quả ớt. Mà không chỉ có vậy, lần nào được mạnh thường quân tài trợ thêm, cô Tuyết Nga còn mua thêm sữa tươi cho các bệnh nhi…

 

Khoảng hơn 8 giờ, cả nhóm lót bụng bữa sáng rồi chuẩn bị cho công việc phát cơm trưa. Trước khi thuê taxi chở cơm đi, cô Tuyết Nga đã cử hai người vào Bệnh viện Ung Bướu phát phiếu nhận cơm trước để không xảy ra cảnh chen lấn. 10 giờ, hàng trăm người xếp hàng ngay ngắn bên cổng bệnh viện để nhận cơm. Có lần cơm hết mà người bệnh vẫn còn đưa phiếu đến, cô Tuyết Nga phải đưa tiền để họ mua cơm bên ngoài. Và không phải chỉ có những bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Ung Bướu, ngay một số bác xe ôm ở gần đó cũng xin phiếu để được thưởng thức những phần cơm ấm áp nghĩa tình này của nhóm cô Tuyết Nga!…

 

 

KS. Minh Bình cập nhật

Nguồn: www.sggp.org.vn, ngày 01-7-2012

 

 

Các bài liên quan