Đạo phật khất sĩ / Lịch sử - Tổ chức / Nguồn gốc Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam
Sách được xuất bản năm 1971 do Tịnh xá Trung Tâm - Phú Lâm ấn hành
khổ 15 x 22cm, gồm 20 trang cả bìa.
NGUỒN GỐC ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM
Thượng tọa Giác Lý
LỜI NÓI ĐẦU
Kính bạch chư tôn Trưởng lão, Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni.
Kính thưa quý ông bà thiện nam tín nữ cùng toàn thể Phật tử xa gần.
Thời gian đã trôi qua, tôi muốn ôn lại những gì của dĩ vãng hay hiện tại và tương lai, của nguồn gốc Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, để cho tất cả các hàng Phật tử chúng ta, kẻ tại gia cũng như người xuất gia xem qua được am tường, để tri nguyên nguồn gốc nhận thức và thực hành đúng theo đường lối của Tổ Thầy chỉ dạy, ngỏ hầu đoạt được mục đích thành công của đạo quả.
Đạo Phật Khất Sĩ do đâu mà có? Và tại sao xuất hiện ra đời ở xứ Việt miền Nam này?... Tôi sẽ trình bày rõ rệt đường lối nguyên nhân và kết quả trong quyển sách nhỏ nhen này để cho quý vị thấy rõ nhơn duyên của Phật pháp.
Trong quyển Lược sử đức Tôn sư Minh Đăng Quang đã có nói rõ nguyên nhân của nguồn gốc Giáo lý Khất Sĩ rồi. Nhưng tôi xin trình bày thêm về cơ duyên Phật pháp ra đời đã hợp thời hợp lý trong thế kỷ XX đời mạt pháp này, với mỹ ý là để khơi thêm ngọn đèn Chơn Lý của Tôn sư Minh Đăng Quang sáng rỡ trên vòm trời xứ Việt Nam này, ngỏ hầu rước đưa những người có duyên với Phật pháp hãy quy tựu về nơi ánh sáng đạo vàng, để chúng ta tiến bước trên con đường giải thoát và an lạc.
Viết tại Tịnh xá Trung Tâm Phú Lâm
Ngày mùng 1 tháng 9 năm Tân Hợi, tức ngày 19/10/1971
Trưởng Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Việt Nam
Thượng tọa Giác Lý
NGUỒN GỐC ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM
Ánh bình minh vừa chói rạng phương đông, cảnh trời tươi đẹp, trăm hoa đua nở muôn sắc khoe màu, gấm vóc điểm tô nhuộm sơn hà cẩm tú, để làm tăng thêm vẻ đẹp thiên nhiên của kiền khôn vũ trụ, nhơn duyên hội đủ vị Bồ-tát lâm phàm…
Cơ duyên Chánh pháp ra đời
Nguồn gốc Đạo Phật Khất Sĩ có ra là do đức Tôn sư Minh Đăng Quang khai sáng, ngài xuất hiện tại xứ Việt miền Nam này. Trong quyển Lược sử Minh Đăng Quang có nói rõ, đây xin miễn bàn tổng quát, chỉ nói đại khái những yếu lý và đường lối phát huy của đạo pháp mà thôi.
Nhìn về quá khứ chúng ta đã thấy nghe và hiểu biết, đạo Phật phát huy từ Ấn Độ, rồi lần truyền sang các nước và đến Việt Nam của chúng ta.
Nhất chi sanh ngũ diệp
Từ khi Thích-ca Mâu-ni di truyền Chánh pháp Nhãn tạng cho ngài Đại Ca-diếp, đến Bồ-đề-đạt-ma là 28 vị Tổ, ở bên xứ Ấn Độ thảy đều thật hành theo giáo lý Y bát Chơn truyền. Bồ-đề-đạt-ma truyền giáo lý Y bát qua xứ Trung Hoa cho 5 vị Tổ là: Huệ Khả, Đạo Tín, Tăng Xáng, Hoằng Nhẫn và Huệ Năng, nên gọi là Nhất chi sanh ngũ diệp.
Đến Huệ Năng Lục Tổ, thì giáo lý Y bát chấm dứt tại Trung Hoa. Vì trong thời kỳ thế kỷ thứ III Phật giáo Trung Hoa bị ảnh hưởng của Nho giáo và Lão giáo, nên không còn thật hành theo giáo lý Y bát Khất sĩ nữa.
Nam tông và Bắc tông
Từ khi đức Thích-ca Mâu-ni ngài tịch diệt thì chư đại đệ tử của ngài truyền bá giáo lý lan rộng ra khắp các nước trên thế giới: có chia làm 2 miền Nam tông và Bắc tông.
Nam tông do ngài Ưu-ba-ly truyền sang các nước như: Tích Lan, Miến Điện, Xiêm La, Ai Lao, Cao Miên và Việt Nam.
Bắc tông do ngài Ca-diếp truyền giáo sang các nước: Trung Hoa, Cao Ly, Mông Cổ, Tây Tạng, Nhật Bổn và Việt Nam.
Sự trình bày trên đây chúng ta xét thấy rằng: xứ Việt Nam của chúng ta không có đạo Phật nên thường hay bị các tôn giáo khác họ mỉa mai rằng: “Nam vô Phật”, nghĩa là Việt Nam không có Phật.
Phật giáo Việt Nam có ra là do 2 con đường truyền giáo của Nam tông và Bắc tông, Bắc tông từ Trung Hoa truyền qua, Nam tông từ Cao Miên truyền lại, nước Việt Nam của chúng ta nằm chính giữa của 2 con đường truyền giáo ấy.
Bởi thế cho nên nhơn duyên Phật pháp ra đời, đức Tôn sư Minh Đăng Quang xuất hiện ra đời là mục đích nối liền 2 giáo phái giữa Nam tông và Bắc tông. Vì thế ngài lấy danh hiệu là: NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.
Giáo lý Khất Sĩ không phải Nam tông mà cũng không phải là Bắc tông; hành Y bát Giới luật thì Nam tông, kinh kệ tụng niệm Phổ Môn, Di-đà, Pháp Hoa, Địa Tạng là Bắc tông.
Như vậy Giáo lý Khất Sĩ ra đời là để phối hợp thống nhất giữa 2 giáo phái Nam tông và Bắc tông.
Thành phần của Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ Việt Nam
Gồm có Tăng, Ni và thiện nam, tín nữ gọi là tứ chúng. Chư Tăng, Ni hành đạo khắp nơi lập thành giáo hội đạo tràng trong toàn quốc: như miền Nam, miền Trung và Cao nguyên của nước Việt. Nơi nơi đều có tịnh xá đạo tràng, chốn chốn đều có ánh đạo vàng của Tăng, Ni xuất hiện. Từ thành đến thôn quê, thị xã, tỉnh, quận, phường, xã, ấp, đâu đâu cũng có 5, 10 ngôi tịnh xá chư Tăng, Ni rất đông và thiện nam tín nữ cũng rất nhiều không sao lường đếm được. Nói tóm lại: trong toàn quốc, miền Nam, miền Trung và Cao nguyên, chư Tăng, Ni khất sĩ trên 4000, phần nhiều là các vị đạo cao đức trọng, kẻ hành đạo đầu đà độc giác ở rừng, ở núi, ở cốc, ở hang, ở động, ở đảo, ở hòn… người hành đạo Bồ-tát hóa duyên khắp nơi thôn quê, thành thị; còn thiện nam tín nữ số đông vô số lượng, thảy đều nhiệt tâm hộ trì Tam Bảo; tịnh xá, cốc, am, tự viện cũng không thể đếm xiết được…
Về việc công tác từ thiện xã hội
Gồm có trường học, dưỡng lão đường, cô nhi viện, trại dục anh, chư Tăng, Ni tận tâm săn sóc dạy dỗ trẻ em. Ban Hoằng Pháp đi thuyết pháp khắp nơi tịnh xá, chùa chiền, bịnh viện, đề lao, công sở… Nếu nơi nào thỉnh rước thì giáo hội cũng không nài gian lao khó nhọc, cố gắng làm tròn bổn phận sứ giả Như Lai. Hằng năm thường có tổ chức ủy lạo, cứu trợ, tùy theo phương tiện giúp đỡ cho đồng bào nạn nhơn hỏa hoạn, thủy tai trong cơn khốn khổ; vật chất lẫn tinh thần, vật chất để nuôi thân, tinh thần nuôi tâm.
Nhờ vậy mà Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ Việt Nam hành đạo đến đâu cũng được đa số đồng bào hoan hô nhiệt liệt ủng hộ cúng dường, tận tâm giúp đỡ. Nếu nơi nào muốn cất tịnh xá, cốc am, giảng đường rất mau thành tựu và chánh quyền các nơi cũng tận tâm giúp đỡ mọi phương diện.
Cơ duyên phát triển của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam
Từ ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ 1954 đức Tôn sư Minh Đăng Quang vắng bóng, thì chư đại đệ tử kiên trì giới luật, tinh tấn dõng mãnh cố gắng tu hành lập công bồi đức, chia nhau đi hành đạo khắp nơi, thâu thập được nhiều kết quả khả quan, thành lập được 5 đoàn, tổ hợp lại thành một Đại giáo hội, phần nhiều là các bậc cao Tăng đại đức đạo cao đức trọng, từ bi trí huệ, biện tài vô ngại.
Thành phần hành đạo kết quả của 5 đoàn
Kỳ đại hội tại Hội sở Trung ương Tịnh xá Trung Tâm số 98 đường Nguyễn Trung Trực, Gia Định, điện thoại số 40420, tất cả 5 đoàn đều có về tham dự vào ngày 28 tháng 8 năm Tân Hợi 1971.
1- Đoàn Thượng tọa Giác Chánh gồm có Tri sự trưởng lão Giác Như, Giác Trang, Giác Giới, Giác Tường, Giác Nhu, Giác Thiền, Giác Long, Giác Hưng, Giác Hương, Giác Nghĩa v.v…
Đoàn Thượng tọa Giác Chánh phần nhiều đa số chuyên tu giới luật hạnh đức đủ đầy, hành đạo độc giác khổ hạnh đầu đà ngủ mồ ngủ mả gốc cây động đá, ăn ngọ ngủ ngồi, lo phần tự độ. Thâu thập chư Tăng rất đông, tịnh xá cũng rất nhiều và thiện tín rất đông nhiệt tâm hộ trì Tam Bảo.
Sư trưởng lão Tri sự Giác Như thì lo chăm nom dạy dỗ chư Tăng, nhắc khuyên thiện tín, giữ gìn tịnh xá, cốc am cho giáo hội, để chư Tăng hành đạo, khi Tăng tín về có chỗ nghỉ ngơi an trụ, lo phần tự độ, độ tha.
Bình phẩm về đức hạnh, thành thật mà nói: sư Thượng tọa Giác Chánh, sự khổ hạnh của ngài không ai bì kịp.
Sư trưởng lão Tri sự Giác Như hạnh đức đủ đầy đáng làm gương mẫu cho giáo hội, và trong đoàn còn có nhiều cao Tăng đại đức khác nữa. Đoàn Thượng tọa Giác Chánh chư Tăng phần nhiều thích tu tịnh hạnh, ít hay hoạt động.
Cách hành đạo của 5 đoàn
Từ khi đức Tôn sư vắng bóng thì chư đại đệ tử của ngài phân công đi hành đạo khắp nơi, đoàn sư Thượng tọa Giác Chánh hành đạo miền Nam, Hậu Giang các tỉnh như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Bình. Phần nhiều các vị hành đạo đầu đà độc giác ít trụ trì nơi tịnh xá, thật là đúng với tinh thần của bài kệ khất thực dưới đây:
Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Dục cùng sanh tử lộ
Khất hóa độ xuân thu.
Nghĩa là:
Một bát cơm ngàn nhà
Dạo chơi muôn dặm xa
Muốn dứt đường sanh tử
Khất hóa độ bốn mùa.
Gương khất thực thật là hy sinh và cao cả, hạnh độc giác đầu đà ít có người hành nổi, nên lúc ban đầu phát tâm hành đạo rất đông, dõng mãnh tinh tấn chuyên tu thiền định, ăn ngọ ngủ ngồi, lần lần rơi rớt không còn mấy vị. Vậy chúng ta nên giác ngộ, không nên thái quá bất cập là tốt hơn, hành theo phép trung đạo.
Hạnh giải thoát
Gót khất sĩ bốn phương trời rảo bước
Cõi Ta-bà đâu chẳng phải nhà ta
Một mình đi với bình bát, cà-sa
Đói xin ăn, dưới gốc cây nằm ngủ.
Mùi phú quý mặc ai người hưởng thú
Bả vinh hoa ta nào có ngại gì
Chỉ một niềm chuyên học đạo từ bi
Hạnh giải thoát trì trai và diệt dục.
2- Đoàn sư Trưởng lão Giác Tánh hành đạo miền Trung:
Gồm có đức Thầy Tịnh với các vị tài năng và sáng kiến, đại đức Giác Vĩnh, Giác Dung, Giác Kiên, Giác Thanh, Giác Thường và nhiều cao Tăng đại đức khác nữa.
Tầm hoạt động ban đầu rất mạnh, nhưng vì đức Trưởng lão càng ngày càng già yếu nên sự hoạt động trở lại mức bình thường. Nhưng còn hy vọng sau này chư đại đệ tử sẽ phát huy đạo đức thêm hơn.
Hiện nay chư Tăng hành đạo trong đoàn cũng rất đông, tịnh xá cũng rất nhiều, hàng muôn ngàn thiện nam tín nữ nhiệt tâm hộ trì Tam Bảo. Nên có bài kệ kết luận dưới đây:
Cỡi thuyền lướt sóng vượt ra Trung
Bão tố phong ba rất hãi hùng
Lèo lái sửa sang cho vững chắc
Buồm chèo sắp đặt phải bền công
Thầy trò hiệp trí nhau chèo chống
Huynh đệ đồng tâm ráng vẫy vùng
Qua khỏi những cơn giông gió lớn
Thì đoàn Tăng lữ mới thung dung.
3- Đoàn cố Trưởng lão Giác An: ngài vừa mới viên tịch, hành đạo miền Trung. Ban đầu thật rất gian nan gặp nhiều thử thách, nhưng ngài vẫn kiên tâm và bền chí theo bản nguyện cứu khổ độ đời, theo hạnh vô úy, bố thí máu cho bịnh nhân, thật là một tấm gương hy sinh cao cả mà ít có người làm được.
Nên có bài kệ khen rằng:
Đại hùng, đại lực, đại từ bi
Cao cả nêu gương ít kẻ bì
Bố thí mạng thân không úy tử
Cứu người bịnh hoạn lúc lâm nguy
Thân tàn sức kiệt không ngần ngại
Kỷ trưởng niên cao chẳng quản gì
Để lại mảnh gương đời sáng tỏ
Sau này đệ tử rán hành y.
4- Đoàn Thượng tọa Thích Giác Nhiên: hành đạo miền Nam nhưng phần nhiều phát huy đạo đức miền Đông Nam phần nhiều hơn và mở cơ quan Hội sở Trung ương tại thủ đô Sài Gòn.
Tầm hoạt động rất mạnh mẽ không đoàn nào sánh kịp, chư Tăng sư cũng rất nhiều, thiện nam tín nữ cũng rất đông, tịnh xá khắp đều có; nhưng lắm lúc cũng gian nan, vào tù ra khám vì tai nạn. Nên có câu: Chữ Tài liền với chữ Tai một vần…
Nhờ sự kiên tâm bền chí và nhẫn nại nên rồi việc gì cũng qua, tiền hung hậu kiết, và hy vọng của ngài còn nhiều kết quả thành công vĩ đại.
Nên có bài kệ rằng:
Pháp sư hoạt động thật là hay
Tất cả 5 đoàn chẳng nhượng ai
Tả giục hữu xông dường dõng tướng
Tung hoành ngang dọc tợ anh tài,
Thao thao bất tuyệt truyền chơn pháp
Lẩm lẩm oai nghi thọ đức dày
Vui vẻ nói năng thường bặt thiệp
Đáng làm mô phạm để tương lai.
5- Đoàn đức Thầy Lý: đoàn Thượng tọa Giác Lý hành đạo khắp cả 2 miền Nam Trung nước Việt, chư Tăng cũng rất đông, thiện nam tín nữ và toàn thể Phật tử trên 20.000 người, tịnh xá chừng gần 30 ngôi, tầm hoạt động cũng mức bình thường, thâu thập được nhiều kết quả, trong đoàn cư xử với nhau rất nên êm đẹp.
Sự hành đạo phát triển rất nhanh chóng, mặc dù đoàn ra sau mà sự kết quả không kém gì các đoàn khác, chỉ có thua đoàn Pháp sư thôi.
Lúc ban đầu mới ra hành đạo thật là rất gay go và khổ sở, bị ngăn chận đủ điều. Nhưng nhờ sự bền chí và nhẫn nại đối nội đối ngoại rốt cuộc rồi cũng được toại kỳ sở nguyện.
Nên có bài kệ kết luận rằng:
Trưởng đoàn Giác Lý thật từ bi
Khiêm tốn tu hành, cố gắng ghi
Vâng lịnh Tổ Thầy truyền Giáo lý
Nhủ khuyên đệ tử rán hành y,
Lướt thuyền đại nguyện ra sông biển
Bão tố phong ba chẳng ngại gì
Vững lái êm chèo thuyền tế độ
Đưa người đến tận cửa Từ Bi.
BÀI KỆ SAU ĐÂY ĐỂ TÓM KẾT 5 BÀI KỆ TRƯỚC
Minh Đăng xuất hiện cõi Ta-bà
Khắp cả Việt Nam được sáng lòa
Khất Sĩ ra đời truyền chánh giáo
Du Tăng mở đạo dẹp đường tà (1)
Nối liền chính giữa hai tông phái
Nam Bắc quy lai hiệp một nhà
Quả thật nhất chi sanh ngũ diệp
Đạo thành hiện tại Việt Nam ta.
CHÚ THÍCH:
(1)Giáo lý Khất Sĩ không bày âm thinh, sắc tướng, không làm bùa chú ngải nghệ, mê tín dị đoan.
(2)Tôn sư Minh Đăng Quang truyền giáo cho các đệ tử gồm có 5 vị dẫn đoàn hành đạo truyền bá giáo lý mãi mãi về sau đến khi đức Phật Di-lặc ra đời trở lại thời kỳ Chánh pháp cũng gọi là Nhất chi sanh ngũ diệp, đúng với bài kệ:
Nhất chi sanh ngũ diệp
Kết quả tự nhiên thành
Lưu truyền vi hậu thế
Bất diệt thị vô sanh.
NGHĨA LÀ: Năm đoàn họp lại thành một Đại giáo hội (khổng lồ) không thêm không bớt, vĩnh cửu trường tồn, không dời không đổi, bất di bất dịch.
Bình luận
Chúng ta xem qua quyển Nguồn Gốc Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam chúng ta sẽ thấy rằng: cơ duyên của Phật pháp vận chuyển nên Đạo Phật Khất Sĩ mới ra đời.
Đạo Phật Khất Sĩ ra đời với mục đích để khêu ngọn đèn Chơn Lý giữa cõi đời chiến tranh đau khổ u tối này, để thấy được ánh sáng huy hoàng, hầu quay về với nẻo đạo, sẽ cải tạo được con người mình được toàn chơn mỹ thiện, sống theo lẽ thật đúng y chân lý vũ trụ, bỏ kiếp phàm phu, trở nên Phật Thánh.
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ra đời là: với mục đích KHAI THỊ CHÚNG SANH NGỘ NHẬP TRI KIẾN PHẬT.
Đức Tôn sư Minh Đăng Quang khất sĩ ra đời là: mục đích NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, gắn liền giữa hai giáo phái Nam tông và Bắc tông cho đến khi đức Phật Di-lặc ra đời.
Như vậy chúng ta xét thấy rằng: mặc dù là thời kỳ mạt pháp này mà không cố gắng tu hành lập công bồi đức, đến khi thời kỳ Chánh pháp làm sao mà gặp được Phật pháp? Không gieo nhơn làm sao kết quả được?
Vậy nên chúng ta cố gắng tu hành đừng lùi sụt, hễ bất thối chuyển đạo là sẽ đắc đạo.
Mặc dù chúng ta chưa đắc quả kiếp này chớ khi gặp Phật ra đời thọ ký thì ta sẽ đắc quả hiện tại. Cũng như thời kỳ Chánh pháp đức Phật thọ ký cho các vị thọ giới Tỳ-kheo cụ túc trong 7 ngày thì liền đắc quả A-la-hán thần thông quảng đại tự tại vô biên.
Nên đức Tôn sư Minh Đăng Quang ngài có nói rằng: Thời kỳ sắp mạt pháp cũng như ngọn đèn sắp tắt, nhưng trước khi tắt nó chớp lên một cái rồi mới tắt.
Kết luận
Như vậy chúng ta nhận thức xét thấy rằng: đức Tôn sư Minh Đăng Quang có trách nhiệm rọi truyền giáo lý Y bát Khất sĩ tại xứ Việt Nam này, cho đến khi đức Phật Di-lặc ra đời cũng thật hành y bát như các đức Phật quá khứ: đức Phật Tỳ-bà-thi, Thích-khí, Tỳ-xá, Ca-la-tôn-đại, Câu-na-hàm-mâu-ni, Ca-diếp và Thích-ca Mâu-ni để lưu truyền mãi mãi trên thế gian này bất dịch.
Phật pháp ra đời rất thậm thâm
Ai người trí thức rán suy tầm
Thích-ca Chánh giáo lưu muôn thuở
Y bát Chơn truyền mãi vạn năm.
Khất Sĩ ra đời dường nhật chiếu
Minh Đăng xuất hiện tợ trăng rằm,
Ta mau giác ngộ tri nguồn gốc
Tinh tấn hành theo khỏi lạc lầm.
Trước khi gác bút, tôi thành tâm cầu nguyện ơn trên Tam Bảo chư Phật mười phương và đức Tôn sư Minh Đăng Quang từ bi ai mẫn chứng minh gia hộ cho chư đệ tử Tăng, Ni, thiện tín cùng toàn thể Phật tử đồng xem qua quyển Nguồn Gốc Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam này với kiến thức tinh tường, đặt vào một niềm tin vững chắc cố gắng tu hành, để khỏi phụ cái bản hoài công lao của Thầy Tổ, Bồ-đề tâm kiên cố, chúng sanh dị độ, đạo quả chóng viên thành, cùng cả thảy chúng sanh đều đồng thành Phật đạo.
NAM-MÔ BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT (3 lần)
Trưởng Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Việt Nam
Thượng tọa THÍCH GIÁC LÝ
-----------------------------------------------------
Các bài liên quan
- Khất Sĩ gì đây ?
- GHI CHÚ VỀ HỆ PHÁI KHẤT SĨ
- 70 năM
- ĐẠO TỔNG HỢP BẮC ‒ NAM PHẬT GIÁO
- so sánh 2 ĐẠO
- QUAN ĐIỂM TÍCH CỰC VỀ NĂM VIỆC ĐẠI THIÊN
- GIÁO HỘI TĂNG-GIÀ KHẤT SĨ VIỆT NAM
- Nối truyền Thích-ca Chánh pháp
- Vấn đề TRỤ TRÌ trong Giáo pháp Khất sĩ
- Chơn lý số 23 – HỌC CHƠN LÝ
- Các đoàn thể Khất sĩ ở Việt Nam
- CẦN CÓ MỘT TIỂU SỬ HOÀN CHỈNH
- Sen nở miền Châu Đốc
- Kỳ tích của Trưởng lão Giác Tỵ
- Nguồn Khất Sĩ Nam Việt
- Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
- Xem lại Minh Đăng Quang Pháp Giáo
- Album ảnh Ts. Minh Đăng Quang
- TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG TỪ HUỆ
- 405 CƠ SỞ TỊNH XÁ, TỊNH THẤT...
- 405 CƠ SỞ TỊNH XÁ, TỊNH THẤT
- BỨC THƠ GỞI CHƯ NAM NỮ KHẤT SĨ
- ĐỨC TỔ SƯ MỞ ĐẠO Ở LÀNG PHÚ MỸ
- LƯỢC SỬ ĐỨC TS. MINH ĐĂNG QUANG
- LƯỢC SỬ ĐỨC NHỊ TỔ GIÁC CHÁNH
- SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN của ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ
- Con đường ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ
- LƯỢC SỬ TƯỞNG NIỆM ĐỨC TÔN SƯ MINH ĐĂNG QUANG