Đạo phật khất sĩ / Giáo dục - Hoằng pháp / PHÁP THIỀN SỐ TỨC QUÁN
PHÁP THIỀN SỐ TỨC QUÁN
HT. Thích Giác Ngộ
Thiền định là một pháp môn trong Tam vô lậu học mà đức Phật đã dạy. Ai muốn diệt trừ được vô minh phiền não, giải thoát ra khỏi luân hồi sanh tử khổ, chứng được Thánh vị thì cần phải tu thiền định. Thiền là tỉnh giác, giác ngộ, là thấy biết rõ ràng, không mê mờ, vô minh. Định là tĩnh tâm yên lặng, không vọng loạn. Như vậy, Thiền định là phương pháp tập trung tư tưởng để cho tâm được yên lặng, trí tuệ sáng suốt, thấy rõ được chân tâm, hiểu thấu chân lý, đạt được sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Trong pháp môn Như Lai thanh tịnh thiền mà nhà sư hướng dẫn, bước đầu tiên cần phải thực hành là Số tức quán.
Người tu thiền định hàng ngày cần phải làm ba việc căn bản là điều thân, điều tức và điều tâm. Điều thân là điều dưỡng thân thể khỏe mạnh. Điều tức là làm cho hơi thở thông thoáng điều hòa. Điều tâm là giữ tâm thường an trú trong chánh niệm, không lo âu, sợ sệt, buồn rầu hay chán nản, không suy nghĩ buông lung trong 4 oai nghi, đi đứng nằm ngồi đều nhiếp tâm tỉnh giác, kể cả hơi thở vô và ra…
Khi tọa thiền thực hành pháp Số tức quán, chúng ta sẽ làm như sau:
Đầu tiên, cần phải vận động cơ thể cho khí huyết điều hòa, tinh thần thoải mái nhẹ nhàng. Nên đứng những nơi có không khí trong lành, thư giãn thân tâm, hít thở vài mươi hơi sâu dài thông thoáng… Sau đó, ta chọn nơi thích hợp để an tọa. Có thể dùng bồ đoàn để ngồi cho dễ dàng. Hãy ngồi kiết già, hai bàn chân đưa lên trên như hình đức Phật đang tọa thiền; hay ngồi bán già, một chân trên, một chân dưới… Lưng thẳng, đầu ngay, miệng ngậm, răng khít, lưỡi trải ra cho đầu lưỡi vừa đụng nướu răng trên. Mắt vừa khép mi, nhìn vào trong, tai nghe vào trong, tâm theo dõi hơi thở. Hai bàn tay bắt ấn Tam-muội hoặc để tay trên tay dưới đặt trên hai cổ chân bàn tọa…
Ngồi yên lặng tập trung tư tưởng vào hơi thở, hít thở ba hơi đầu:
– Hơi thứ nhất: hít vô thật đầy, thở ra thật hết để súc sạch buồng phổi.
– Hơi thứ hai: hít vô thật đầy rồi nén lại, đến khi không chịu nổi nữa thì thở ra từ từ cho thật hết.
– Hơi thứ ba: hít vô thật đầy rồi nén lại, đến khi không chịu nổi nữa thì thở ra tự nhiên, không cần ra hết.
Xong ngồi thản nhiên, buông xả hết các duyên, tâm vắng lặng rỗng không, vào định.
Tâm không vạn sự đều không
Tâm chơn vạn pháp thảy đồng quy chơn.
Ba hơi thở này có tác dụng mạnh mẽ phi thường với người tu thiền:
– Có khả năng đoạn diệt vọng tưởng.
– Phá được hôn trầm rã rượi.
– Toàn thân nóng ấm lên, buồng phổi căng tròn, chứa đầy khí lực, bá mạch được lưu thông, các lỗ chân lông đều thông hết.
– Thân được khinh an, tâm được ổn định, trí được sáng suốt.
Khi không thể an trú tâm Không, vọng tưởng sinh khởi, ta liền chuyển pháp theo ba bước:
1. Pháp chuyển tức: Tập trung tư tưởng vào minh đường, tức giữa hai chân mày. Hít hơi vào, niệm “Nam”; đưa tư tưởng xuống giữa lồng ngực, niệm “Mô”; tiếp tục đưa hơi thở xuống đan điền, dưới rốn ba phân, niệm “A”. Tại đây, bắt đầu thở ra, niệm “Di”, chuyển tư tưởng trở lên giữa lồng ngực, niệm “Đà”, rồi chuyển lên lại giữa minh đường, niệm “Phật”.
Xong mỗi hơi thở, mỗi câu niệm Phật là đếm một. Cứ đếm số từ 1 đến 10 và đến 100, không cho quên hay lộn, nếu bị quên hay lộn, hãy đếm lại từ đầu. Đây là phương pháp áp chế cái thói vọng tưởng mạnh mẽ của con người rất hữu hiệu. Do hít thở sâu dài mà khí lực được dồi dào. Do đưa hơi thở và tư tưởng lên xuống theo con đường đó mà bá mạch được lưu thông. Nhờ vậy, hôn trầm bị tan biến, vọng tưởng bị diệt trừ, tâm định tĩnh.
2. Pháp điều tức: Khi đã đủ, tư tưởng đã được tập trung, ta chuyển qua điều tức. Bây giờ làm cho hơi thở nhẹ nhàng lại. Ta thở một cách tự nhiên và đưa tư tưởng tập trung nơi đan điền (dưới rốn 3cm). Hít hơi vô, niệm “Nam Mô A”, thở ra niệm “Di Đà Phật.” Không cần đếm. Khi nào không muốn niệm nữa, ta buông xả, vô niệm, để tâm nhập vào Sơ thiền – Ly sanh hỷ lạc. Lúc này, ta chỉ tập trung tư tưởng một cách an nhiên, thư thái.
3. Pháp diệt tức: Hơi thở lúc này từ từ nhẹ dần, cho đến khi ta không còn thấy thở. Lúc bấy giờ các lỗ chân lông đều mở ra thở tiếp, toàn thân mát lạnh. Nghe trong mũi có mùi thơm mát, cổ họng cũng thơm mát với nước miếng ngọt ngào. Hai tai cũng mở thông. Đầu óc nhẹ nhàng, trước mắt thấy hào quang sáng ngời. Toàn thân dường như bay bổng trên hư không. Đạt được cảnh giới này gọi là ấn chứng thiền. Ta nhập vào Nhị thiền – Định sanh hỷ lạc. Ai có tu chứng mới biết sự hỷ lạc của thiền vị, vô cùng nhiệm mầu không thể diễn tả được, như người uống nước cam lồ, ngon ngọt tự mình hoan hỷ vậy…
Hãy buông xả mọi cảm giác hỷ lạc vui mừng ấy, nhiếp tâm vào định. Định càng sâu thì sự mầu nhiệm chứng ngộ càng nhiều hơn. Ta đang ngồi an định, nhưng trước mặt ta những cảnh quan kỳ diệu, tuyệt vời lại hiện ra mà ta chưa bao giờ từng thấy biết! Lúc bấy giờ ta đã nhập vào Tam thiền – Ly hỷ diệu lạc, niềm vui mầu nhiệm bên trong hiện ra rất huyền bí.
Mặc dầu ta đã đạt được cái diệu lạc ấy, nhưng hãy buông xả, đừng chạy theo cảnh, có thể bị ma dẫn vào ma lộ không tốt. Bây giờ định tâm đã sâu, cảnh giới thân tâm hoàn toàn vắng lặng như một giấc ngủ ngon, chỉ còn tri giác, ta đã nhập vào Tứ thiền – Xả niệm thanh tịnh.
Từ Tứ thiền, ta có thể vượt lên Tứ không định, nhưng nguy hiểm.
An trú trong Tứ thiền, ta chỉ chiêm nghiệm cho biết chứ không nên an trú lâu. Vì Tứ thiền có định mà không có tuệ. Hãy chuyển tâm sang Ngũ thiền là Định xả.
Định xả là xả Tứ thiền nhưng giữ tâm an định, không loạn. Bấy giờ, dùng tuệ giác chiếu soi vào bản thể tự tánh để được minh tâm kiến tánh. Hễ tâm thấy được tự tánh là giác ngộ, có giác ngộ mới được giải thoát. Tổ sư Minh Đăng Quang đã dạy:
Thiền tọa gốc cây hàng Huệ sĩ
Chôn mình trong đất bậc Chân nhân
Thân tâm thanh tịnh hưởng Niết-bàn
Trí tánh hành đạo chuyển Pháp luân.
Lộ bất hành bất đáo, sự bất tác bất tri. Chúng ta hãy thực hành theo những phương pháp tu hành trên rồi sẽ thấy được kết quả tốt đẹp của nó. Chúng ta chớ nên bôn ba mà sẽ bị vấp ngã. Người đi chậm thì đi được vững, đi vững thì đi được xa. Ngày xưa, khi tu 49 ngày dưới cội Bồ-đề, đức Phật Thích-ca cũng đã thực hành pháp Số tức quán và từ căn bản đó Ngài đã thành tựu được đạo quả Vô thượng Bồ-đề, khai sáng ra Phật giáo và truyền thừa cho đến ngày nay. Chúng ta nối truyền theo Thích-ca Chánh pháp chính là đi theo con đường mà đức Phật đã đi vậy.
---------------------------------------------------------------------
Các bài liên quan
- BÁT-NHÃ THẬT TƯỚNG
- Trí Huệ
- BỐN PHẦN CHÁNH ĐỊNH
- NGHI THỨC CÚNG NGỌ
- Sám Hối
- PHÂN TÍCH CHƠN LÝ SANH VÀ TỬ
- Tri thị không hoa
- KIỂM TRA 37 PHÁP CHÁNH GIÁC
- 37 PHÁP CHÁNH GIÁC
- Pháp
- Có tà kiến
- Tin mừng cho Giáo pháp Khất sĩ
- TÌM HIỂU 13 PHẬT NGÔN
- Môn oai nghi Sa-di NGÀY NAY
- Ăn chay là TU CÁI LƯỠI
- Giáo lý Địa ngục trong Phật pháp
- KHÓA TU TRUYỀN THỐNG KHẤT SĨ 11
- Tìm về Chân Nguyên
- TÂM TOÀN GIÁC
- BÁO CÁO TỔNG KẾT KHÓA TU 10
- Nội quy và Thời khóa biểu của Khóa tu
- NGÀY THỨ 3 CỦA KHÓA TU THỨ 10
- CÁC PHÁP SANH DIỆT TRỐNG RỖNG
- Tịnh xá Lộc Uyển khai giảng lớp giáo lý năm 2013
- LỄ RA MẮT LỚP PHẬT HỌC ÁO TRẮNG
- Phân tích Kinh Diệt Lòng Ham Muốn
- TRUYỀN TAM QUY NGŨ GIỚI
- Minh Đăng Quang đại nguyện thành Phật
- 49 câu nguyện của đức Minh Đăng Quang
- Nghi thức Truyền giới Khất Sĩ năm 2012
- KINH DIỆT LÒNG HAM MUỐN
- TỔNG LUẬN VỀ GIỚI LUẬT
- GIỚI LUẬT KHẤT SĨ
- MỘT DẤU HIỆU KHỞI SẮC
- Hoằng pháp bằng Nghệ thuật Viết Chữ
- NHƯ LAI THANH TỊNH THIỀN
- NỘI SAN ĐUỐC SEN - số 09
- Nội san TÌM LẠI NGUỒN XƯA - 2009
- Các trang Web hiện nay của Phật giáo Khất SĨ
- HOẰNG PHÁP Ở VÙNG SÂU VÙNG XA
- HÌNH ĐÈN CHÂN LÝ & HÌNH ĐỨC BỒ-ĐỀ ĐẠT-MA NÀY CHƯA ĐÚNG
- Nam-mô A-di-đà Phật !
- Pháp học Sa-di - 36 Pháp cú thuộc lòng
- Những Khóa Học Hè ở TX. Ngọc Nguyên - Ninh Gia
- LỜI CẨN BẠCH VỀ SỰ HÌNH THÀNH TRANG PHÁP HỌC
- BÀI HỌC SA-DI
- Y BÁT KHẤT SĨ