NAM-MÔ MƯỜI PHƯƠNG BA ĐỜI THƯỜNG TRỤ TAM BẢO!

Bản tin phật giáo / Gia đình Phật tử / Theo dõi HỘI THẢO NGÀNH GIA ĐÌNH PHẬT TỬ LẦN THỨ I

Tâm Nguyên , Thứ Hai 2013-07-29

THEO DÕI HỘI THẢO NGÀNH GIA ĐÌNH PHẬT TỬ LẦN THỨ I CỦA

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

 

 

 

Địa điểm tổ chức Hội thảo

 

 

 

Toàn cảnh hội trường trong lúc hát mừng Hội thảo

 

 

 

Lời ngỏ:

 

Trong Hội thảo Gia đình Phật tử lần thứ I của GHPGVN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tổ chức vào ngày 28/7/2013 vừa rồi tại Đại Tòng Lâm Tự, bài tham luận của Phật tử Tâm Hạnh là bài thứ 2 được đọc tại Hội thảo. Bài này viết phong phú và nói rất thẳng, vừa có tính lịch sử lại đậm chất thời sự, tuy văn phong còn nhiều lỗi. BBT. Ánh Nhiên Đăng trích đăng lên trang nhà từ quyển Văn kiện của Hội thảo, để quý đọc giả theo dõi, qua đó thấy được tính chất và tình hình của khối GĐPT Việt Nam hiện nay.

 

Những chỗ gạch chân là những chỗ BBT. Ánh Nhiên Đăng lưu ý quý đọc giả. Thiết nghĩ, một con chim muốn độc lập bay lên bầu trời cao rộng thì nó phải rời khỏi tổ của cha mẹ nó. Nếu con chim đó không thể rời khỏi tổ của cha mẹ, thì nó phải chan hòa với tổ ấm của mình. Nếu nó không bằng lòng (BẤT TRI TÚC) với điều kiện của mình, thì chính nó tự làm khổ lấy mình mà thôi!

 

Vẫn biết mình mãi mãi là hàng học trò của Tăng-già, mãi mãi đứng trong lòng Giáo hội, thì những cái ĐẶC TRƯNG, TÔN CHỈ, ĐƯỜNG LỐI, MÀ, VÀ, LÀ… gì đó hãy xem nhẹ như gió thoảng. Sinh ra và trưởng thành từ một bối cảnh của nước nhà Việt Nam, nay mình đã hoàn thành sứ mạng rồi, trong một giai đoạn lịch sử. Đừng hoài niệm mãi với những dư ảnh vang bóng một thời nữa. Nếu không từ bỏ BẢN NGÃ, thì mọi hình thức Phật giáo đều không phải là chơn truyền của chư Phật!

 

 

 

 

bìa của tập Văn kiện

 

 

 

Phật tử Tâm Hạnh đang đọc bài tham luận của mình trước chư tôn đức Tăng, quý vị đại biểu và toàn thể Phật tử trong buổi hội thảo

 

 

 

 

Tham luận:

 

GIA ĐÌNH PHẬT TỬ ĐỐI VỚI GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI

 

Huynh trưởng Cấp Tấn

Tâm Hạnh - NGUYỄN TRƯƠNG

(Chánh Thư ký Phân Ban GĐPT tỉnh BR-VT)

 

Kính bạch chư tôn đức Tăng Ni.

Kính thưa quý quan khách và các anh chị huynh trưởng.

 

 

I. LỜI MỞ ĐẦU:

 

Từ khi khai sáng cách đây 60 năm, Gia đình Phật tử (GĐPT) đã và đang là một tổ chức của Giáo hội, là một tổ chức lâu đời của Phật giáo Việt Nam đóng góp nhiều vào đời sống xã hội, và đã đóng góp vào sự phát triển của Phật giáo cũng như công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Nay trước thời hội nhập và phát triển, đất nước gặp rất nhiều thách thức lớn trong đời sống xã hội và cá nhân mỗi người. Sự thay đổi giá trị cuộc sống đã tạo ra những bất ổn giá trị văn hóa, khiến sự nuôi dưỡng và phát triển nhân cách con người trong thời đại ngày nay càng khó khăn. GĐPT và cư sĩ Phật tử bản chất là thành tố quan trọng trong tứ chúng Phật giáo. Do vậy, sự phát triển trên con đường tu học, sự hộ trì Phật pháp, và sự nghiệp hoằng dương chánh pháp đều có nhiệm vụ này. Là người sống tại gia gần gũi với những thay đổi hiện nay, cần có đủ khả năng để đem những giá trị trong đời sống Phật giáo vun đắp cho cuộc đời, thúc đẩy phát triển Phật giáo trong thời đại mới. Đây mới là sự thách thức to lớn, so với thời kỳ đầu tiên khai sinh và xây dựng GĐPT Việt Nam không có sự tranh chấp các đoàn thể như hiện nay.

 

Hôm nay, được sự đồng ý của Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh, Ban Hướng Dẫn Phật Tử, đại đức Thích Thiện Thông cùng toàn Ban Hướng Dẫn Phật Tử tổ chức một buổi hội thảo, mục đích định hướng và phát triển GĐPT trong thời đại mới, con người mới và hoạt động mới, để xứng hợp với hoàn cảnh hiện nay khi đất nước đang vươn mình lên tầm cao của thế giới khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin toàn cầu, môi trường sinh thái v.v...

 

 

II. SỰ QUAN TÂM CỦA GIÁO HỘI ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH PHẬT TỬ:

 

Từ những năm phôi thai của thập niên 40 và 50 là những đơn vị tiền nhiệm của GĐPTVN. Sau năm 1951 được mang tên GĐPT cho đến hôm nay. Thời gian ấy Giáo hội chưa ra đời, mãi cho đến năm 1964 Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mới được thành lập. Lúc ấy GĐPT chính thức trở thành một tổ chức trong lòng Giáo Hội, một bộ phận của tứ chúng đồng tu.GĐPT đã có nội quy và chương trình tu học từ ngành Oanh Vũ cho đến Huynh trưởng Vạn Hạnh.

 

Từ năm 1975, khi đất nước được toàn vẹn hòa bình trở lại thì người dân Việt Nam gặp khó khăn về kinh tế thời hậu chiến. Sau 5 năm, một số nơi đã hình thành trở lại và sinh hoạt theo nội quy cũ, từng đơn vị liên kết với nhau. Từ đó khắp mọi nơi của miền Nam Việt Nam, những nơi nào có gốc rễ GĐPT là lại thành lập, cho dù lúc ấy không ai quản lý nhưng vẫn lan tỏa màu lam như một điều kỳ diệu, cho dù tất cả mọi huynh trường và đoàn sinh gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế và xã hội nhưng vẫn đào tạo huynh trưởng và phát triển đoàn sinh rất mạnh mẽ.

 

Đến năm 1981 GHPGVN ra đời cùng với Hiến chương của Giáo hội nhưng chậm đánh giá tầm quan trọng của GĐPT, chính là tác nhân cho sự hoạt động của GĐPT thiếu ổn định. Nghi kỵ dèm pha, bất đồng ý kiến, chia rẽ... giữa các huynh trưởng về lập trường, vị trí, tư tưởng, ý thức hệ v.v... vì trong Hiến chương không có điều nào đề cập đến GĐPT. Từ đó GĐPT bơ vơ không nơi nương tựa, tuy vậy nhưng vẫn không dừng bước. Mãi cho đến năm 1997, Hiến chương GHPGVN đã bổ sung GĐPT vào Hiến chương thì sự phân hóa đã nẩy mầm từ những năm trước.

 

Năm 1992, GĐPT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức một cuộc họp để thống nhất GĐPT tỉnh, bầu ra một Ban Hướng Dẫn do anh Nguyễn Ngọc làm trưởng ban. Nhưng biên bản chưa khô mực thì mối rạn nứt đã hình thành, một số anh chị em huynh trưởng bầu ra một Ban Hướng Dẫn Lộ 2 kết hợp Châu Đức và Xuyên Mộc lại với nhau sinh hoạt tùy hứng.

 

Ngày 19/4/1998, Ban Trị Sự tổ chức một ngày hội thảo chuyên đề về GĐPT, mời huynh trưởng hai bên tham dự, nhưng anh chị em Lộ 2 không ai đến. Vào cuối năm 1998, Ban Hướng Dẫn GĐPT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra đời do anh Tâm Tuyên Lê Văn Dương làm trưởng ban. Như vậy BR–VT có 2 khối GĐPT cho đến hôm nay. Sự phân hóa và rạn nứt ấy kéo dài làm tổn thương rất nhiều cho tất cả anh chị em huynh trưởng và đoàn sinh trong tỉnh trong suốt thời gian vừa qua. Vì vậy, chúng con kính mong Giáo hội quan tâm đến GĐPT một số điểm sau đây:

 

1. Ngoài những sự giúp đỡ GĐPT tịnh tài, tịnh vật, Giáo hội nên nghiên cứu đưa đề tài Mục đích GĐPT vào các đạo tràng để các đạo tràng hiểu rõ sự giáo dục thế hệ trẻ về phương diện tâm sinh lý và tùy độ tuổi mà phát triển nhân cách theo giáo lý Phật-đà. Hiện nay, sự mê hoặc và cuốn hút con người vào những trò chơi bạo lực như Game online, tư tưởng văn hóa lai căn đồi trụy làm băng hoại đạo đức, nhân cách con người đang trên đà phát mãi. Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay phần đông là những tội phạm hoặc nhẹ nhất cũng là vi phạm an ninh trật tự, đó là hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội.

 

2. Kính mong tất cả các đạo tràng hãy xem các em, cháu trong GĐPT như là những thành viên của gia đình mình mà thương yêu xây dựng, vun đắp và giúp đỡ, tạo cho các em một không gian thật yên tĩnh, thanh bình để yên tâm tu học, nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học tròcái độ tuổi ngỗ nghịch nhất trong một đời người. Nhất là vận dụng, thuyết phục con cháu mình đến với GĐPT, dù một tuần chỉ đến 2, 3 tiếng đồng hồ được các anh chị trưởng chỉ dẫn cho các em biết thế nào là lễ Phật và học một số điều căn bản về giáo lý Phật giáo, vài trò chơi bổ ích hoặc một số bài hát đượm nhuần chân lý…

 

3. Vị thế của vị trụ trì là người có trách nhiệm tiếp nối giòng giống Như Lai, tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự, là bậc mà cư sĩ và GĐPT luôn tôn kính là cố vấn giáo hạnh cho GĐPT. Vậy, kính mong chư vị thùy từ lân mẫn, bao dung rộng lượng dung chứa các em trong GĐPT khi đến chùa, đừng nên thờ ơ lạnh nhạt, hoặc sai khiến những điều không cần thiết làm cho các em lo sợ và bơ vơ tội nghiệp.

 

Các em đoàn sinh của GĐPT đối tượng chính là học sinh, mỗi tuần việc học đã choán hết thời gian 6 ngày, ngày thứ Bảy họa hoằn lắm mới có em đến chùa khi không phải học thêm, nên đừng tạo thêm cho các em áp lực ảnh hưởng đến công việc tu học mà Ban Huynh Trưởng đã sắp xếp trong tuần. Nhất là chư vị Tăng Ni trẻ về làm trụ trì cho các chùa không biết rõ tổ chức, tôn chỉ, truyền thống, sinh hoạt GĐPT, nên vô tình làm cho các em không có cơ hội tham gia. Điều này rất mong nhận được sự độ lượng của quý ngài và quan tâm của Giáo hội.

 

4. Hiện nay, một số chùa hay niệm Phật đường coi GĐPT như là những công cụ của Giáo hội, sử dụng các em vào những buổi lễ cầu siêu cho các hương linh, cầm tràng phan cho đám ma, hoặc dàn chào cho các buổi lễ để có phần lợi dưỡng. Khi Ban Huynh Trưởng cung thỉnh thầy trụ trì giảng cho các em một bài Phật pháp, thì quý thầy rất hoan hỷ tham gia, nhưng bài giảng của quý thầy thì ở tận mây xanh các em không thể tiếp thu được gì cả. Coi các em như một buổi thuyết giảng cho các đạo tràng, quý thầy không nghiên cứu những đề tài dành cho GĐPT là những đề tài phù hợp với tâm sinh lý từng lứa tuổi, khế cơ khế lý vừa đủ cho các em thu nhận và có kết quả tốt.

 

5. Tình hình GĐPT của Bà Rịa – Vũng Tàu là hồi chuông cảnh tỉnh mọi người: sự phân hóa nghiêm trọng, các đoàn thể mọc lên, thời gian dành cho GĐPT thì bị hạn chế cùng cực, Giáo hội thì tổ chức các Câu lạc bộ Thanh niên Phật tử, Tuổi trẻ Phật giáo v.v... như thập niên 70 của thế kỷ trước, vô hình trung là kéo giãn đối tượng tham gia GĐPT, nhưng chỉ được một thời gian nhất định rồi các đơn vị ấy cũng bị tan rã, vì sự hoạt động của các tổ chức ấy không có mục đích cụ thể, không có lý tưởng đích thực nên không được dài lâu và không hiệu quả, chỉ còn lại GĐPT mà thôi.

 

Hòa thượng Thích Khế Chơn, Trưởng Ban Hướng Dẫn Phật Tử tỉnh Thừa Thiên – Huế đã yêu cầu tất cả các chùa hoặc niệm Phật đường chỉ dành riêng cho GĐPT, không được thành lập các câu lạc bộ nào khác, đó cũng là sự quan tâm cần thiết để phát triển GĐPT. Bà Rịa – Vũng Tàu cũng nên học tập cách làm ấy.

 

6. Gần đây nhất tại chùa Viên Quang huyện Châu Đức, thầy trụ trì là thượng tọa Thích Tâm Minh đã không chấp nhận GĐPT sinh hoạt ngoài Giáo hội. Thầy Tâm Minh đã đặt vấn đề với GĐPT Khánh Lương: Muốn sinh hoạt theo đường lối Thống Nhất thì hãy treo bảng hiệu là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lên mà sinh hoạt, nếu không thì hãy chấp nhận đường lối của GHPGVN hiện nay, phải đăng ký sinh hoạt theo chủ trương chung của Giáo hội. Chùa Phước Quang xã Suối Nghệ, chùa Phổ Quang xã Bình Ba cũng đang chuyển biến tích cực. Chúng con kính mong Giáo hội nghiên cứu và thúc đẩy nhiều hơn nữa thì GĐPT mới có cơ hội hòa nhập và mở rộng vòng tay để đón nhận anh em sau một thời gian dài chia cách.

 

7. Giáo hội nên tạo cho GĐPT một quỹ từ thiện để GĐPT có thể tổ chức trại tình thương, hoặc trại bảo vệ môi trường, vệ sinh đường sá, cảnh quan đô thị v.v... Vì GĐPT là một tổ chức bất vụ lợi, thường là những con người tự nguyện dâng hiến, túi không, tâm không, để mong mỏi xây dựng một thế hệ trẻ đầy đủ phẩm chất, đạo đức, nhân cách để hòa mình vào xã hội, xây dựng một cuộc sống tươi đẹp đượm màu Phật giáo.

 

 

III. GIA ĐÌNH PHẬT TỬ ĐỐI VỚI GIÁO HỘI:

 

GHPGVN là một tổ chức đại diện cho tất cả mọi người dân Việt Nam ở trong nước hay ngoài nước, những người tin đạo Phật, quy tụ chư tôn túc đạo hạnh cao siêu với các cư sĩ tân học, đồng tâm hợp lực, thực hiện lý tưởng Phật giáo. Vì thế hệ trẻ kế thừa cho Giáo hội và là những tinh hoa Phật giáo làm rường cột của đất nước. Quý vị có tầm nhìn xa trông rộng, biết ứng dụng tính sáng tạo các phương pháp, nội dung sinh hoạt, tổ chức cải tiến các phong trào Phật giáo trên thế giới, nhất là Châu Á.

 

1. GĐPT luôn luôn trung thành vào Hiến chương của GHPGVN, tin tưởng mọi chủ trương mà các bậc tôn túc đã nghiên cứu sáng tạo áp dụng vào mọi hoạt động để hoằng dương chánh pháp và tạo điều kiện cho GĐPT được lan tỏa mọi nơi trong đất nước Việt Nam. Nơi nào có chùa chiền, tịnh xá, tự viện, niệm Phật đường là nơi đó có màu lam đặc trưng vượt qua mọi thời đại và mãi tồn tại trong lòng dân tộc VN như một pháp môn mầu nhiệm, xứng đáng là một tổ chức lâu đời nhất của Phật giáo Việt Nam.

 

2. Gần gũi sát cánh với các cấp Giáo hội trực tiếp là Ban Trị Sự các cấp huyện để được chỉ giáo kịp thời trong các công tác Phật sự, vận động mọi người ái hộ chư Tăng Ni, không những về vật chất mà cả tinh thần. Thường xuyên thăm viếng, vấn an sức khỏe khi ốm đau bệnh tật, trường hợp nếu có chư Tăng Ni viên tịch thì GĐPT phải sát cánh cùng Giáo hội phối hợp lo hậu sự cho chư tôn túc viên mãn, những công việc mà trước đây GĐPT chúng ta thường làm.

 

3. GĐPT muốn tổ chức bất cứ điều gì phải sát cánh cùng với Giáo hội, trình bày phương án, kế hoạch để nhờ Giáo hội tham mưu, sắp đặt, bố trí và tài trợ cho GĐPT hoạt động đúng Nội quy GĐPT và Hiến chương GHPGVN những công tác Phật sự cần thiết. Mục đích là phụng sự chúng sanh, tạo cho màu lam được phát triển mọi nơi trong đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta. Nhiệm vụ này phải đưa lên hàng đầu của GĐPT.

 

4. Ban Hộ Tự là một tổ chức hành chánh cấp cơ sở của Giáo hội, có nhiệm vụ thừa hành các chủ trương đường lối của GH, có trách nhiệm chăm lo mọi Phật sự ở cơ sở, do vậy GĐPT cũng nên hòa mình và tham gia vào mọi công tác được phân công, phân nhiệm, phát huy đạo tâm kiên cố, có đức tin Tam Bảo tuyệt đối, tin vào tổ chức, tạo phong cách lối sống tri túc, nghề nghiệp chánh mạng, tự thân biết tàm quý, biết cách hướng dẫn gia đình mình sống theo tinh thần từ bi, hỷ xả, bao dung rộng lượng theo giáo lý Phật-đà.

 

5. GĐPT luôn xác định vai trò vị trí của mình, hơn ai hết phải nắm rõ tình hình thực tế tại địa phương của mình, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của từng đạo hữu, nếp sống, ước mơ để tạo giềng mối thân thiện và cùng hỗ trợ lẫn nhau. Tổ chức hướng dẫn sinh hoạt tu học, phương pháp tu tập bản thân và đạo tràng, luôn nhắc nhở đạo hữu, huynh trưởng, đoàn sinh khi đến tuổi lập gia đình nên chọn lựa đối tượng để xây dựng hạnh phúc là những con người yêu đạo, phù hợp với niềm tin để khuyến tấn nhau trên bước đường bảo vệ chánh pháp, bảo vệ mội trường xung quanh với mục tiêu xanh sạch đẹp và tinh thần thương yêu bền vững mang phong cách Phật giáo.

 

 

IV. GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VỚI XÃ HỘI:

 

Từ khi GĐPT ra đời cho đến nay như là một hiện tượng mới cho xã hội. Ngoài chương trình tu học đúng Nội quy GĐPTVN ra, còn tham gia rất nhiều công tác xã hội như tổ chức Trại Tình Thương, giúp đỡ mọi người khi gặp thiên tai, hỏa hoạn (Gom nhặt những tàn dư của hỏa hoạn, hay bão lũ, xây dựng lại nhà cửa, chòi trại để cho những người dân gặp thiên tai sớm ổn định trở lại, tổ chức những đoàn thể quyên góp tiền bạc, vật chất cứu trợ cho tất cả mọi nơi có thể…). Nhưng trong thời gian vừa qua những việc làm này rất hạn chế, GĐPT chưa giúp ích nhiều cho xã hội, màu lam chưa lan tỏa ra khắp nơi, chưa giúp ích cho mọi người, chưa thật sự cuốn hút thế hệ trẻ vì một số hoạt động đã thật sự lỗi thời và lạc hậu. Nhưng có một số đề tài từ lâu chưa thực hiện thì chúng ta nên coi lại. Vì vậy, trong bài tham luận kỳ Hội thảo này, xin đưa ra một số điều kiện như sau:

 

1. GĐPT phải đào tạo một số đoàn viên trẻ có căn bản Phật học và trình độ kiến thức về đời sống như: Một em oanh vũ khi đi các khu vui chơi gặp bất cứ ai có thể nhờ em chụp cho họ một bức hình bằng máy kỹ thuật số, các em có thể sử dụng được. Một em thiếu nam nữ sử dụng được máy vi tính, biết trình bày một văn bản và lưu vô ổ cứng, hoặc cài đặt phần mềm nào đó vào chương trình máy vi tính, có thể quay được một đoạn phim bằng máy quay phim để cho hoạt động xã hội được hiệu quả hơn…

 

2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giáo dục Phật học, hoạt động thanh niên và văn nghệ, môi trường, sinh thái, đa ngôn ngữ, để nắm bắt các hoạt động Phật học trên thế giới về cho Phật tử Việt Nam và đưa hoạt động Việt Nam ra toàn thế giới.

 

3. Vận động tất cả huynh trưởng và đoàn sinh phát triển lòng từ bi bằng cách tham gia hiến máu nhân đạođể giúp đỡ con người những lúc cần thiết và hiện nay GĐPT Ngọc Lâm đã làm. Việc làm này tuy rất mới mẻ với GĐPT, nhưng huynh trường của tỉnh BR–VT nên nghiên cứu và vận dụng tích cực để thực hiện thật hiệu quả.

 

4. GĐPT nên tổ chức Trại Tình Thương để giúp đỡ mọi người khi gặp thiên tai, hỏa hoạn; tổ chức đoàn Thanh thiếu niên tình nguyện tiếp sức mùa thi hoặc những bữa cơm chay cho sinh viên ở xa lên thành phố, quyên góp cứu trợ, nếu một đơn vị không thực hiện được thì các huyện, thành phố liên kết nhau thực hiện, có như vậy màu lam mới có thể tạo nên một số điều kỳ diệu.

 

5. Tổ chức các đoàn Thanh thiếu, chỉ cần một tháng một lần tham gia chương trình trồng cây xanh, vệ sinh đường sá, cầu cống rãnh, đắp bồi một số đường nông thôn, san lấp ổ gà, bảo vệ cảnh quan chùa chiền nơi mình đang sinh hoạt hoặc nơi mình sinh sống và vận động bà con cùng tham gia.

 

6. Thành lập một trang web của GĐPT tỉnh nhà, tập trung một số anh chị em huynh trưởng hay đoàn sinh có khả năng chuyên môn về kỹ thuật hoặc viết bài vở, tranh ảnh mang tính báo, chí cập nhật thông tin mọi hoạt động. Chủ trương đưa lên những tài liệu tu học, tài liệu tham khảo, thư viện kinh sách, văn học nghệ thuật, diễn đàn hỏi đáp v.v...

 

 

V. KẾT LUẬN:

 

Từ lâu GĐPT Việt Nam đã hình thành truyền thống học Phật theo thôn, xóm, làng, xã với các khuôn hội, các chùa, niệm Phật đường, tịnh xá, tự viện. Ngày nay đoàn viên GĐPT đi khắp năm châu, bốn bể và bạn bè từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam du lịch, hợp tác đầu tư, giao lưu văn hóa. Hoạt động Phật học là sợi dây nhân duyên liên kết các mối quan hệ đặc biệt, vi diệu giữa những người Phật tử, với những ngôi chùa Việt Nam ra toàn thế giới.

 

Không ai có thể đi ngược lại xu thế toàn cầu hóa của nhân loại, Phật giáo cũng chịu sự tác động toàn cầu hóa từng ngày, từng giờ. Hoạt động Phật học của GĐPT cũng cần phải linh hoạt tùy duyên mà bất biến giữa toàn cầu hóa và địa phương hóa trên cơ sở Phật học. Mặt khác giáo dục Phật học trong thời hội nhập kỹ thuật số và công nghệ thông tin với mục đích giúp con người sống giữ được sự an tĩnh nội tâm giữa các tốc độ kỹ thuật siêu nhanh và cao tốc của nhân loại. Người học Phật luôn cảnh tỉnh để thực hiện lời Phật dạy trong cuộc sống, hòa vào nhịp sống toàn cầu mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, gìn giữ mục đích GĐPTVN, khắc phục những địa phương tính cục bộ để đưa văn hóa Phật giáo Việt Nam hội nhập với văn hóa thế giới, góp thêm phần phong phú đa nguyên của văn hóa nhân loại.

 

NAM MÔ THƯỜNG TINH TẤN BỒ TÁT MA-HA-TÁT