Bản tin phật giáo / Tin Phật sự / Sư bà Hải Triều Âm tân viên tịch
Sư bà Hải Triều Âm tân viên tịch
Cư sĩ Huệ Minh
Cố Sư bà Hải Triều Âm
Đại lão Ni trưởng Hải Triều Âm (Sư bà Hải Triều Âm) sau một thời gian bệnh duyên chuyển hóa, đã an nhiên thu thần thị tịch hồi 11 giờ 56 phút ngày 24 tháng 6 năm Quý Tỵ, nhằm ngày 31 tháng 7 năm 2013 tại chùa Dược Sư, thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng; trụ thế 94 năm, 60 năm tuổi đạo.
Cố Đại lão Ni trưởng sinh năm 1920 tại tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), thân phụ – cụ ông Etienne Catallan là một công chức người Pháp, thân mẫu – cụ bà Nguyễn Thị Đắc là một y sĩ người Việt. Sư bà có thế danh là Nguyễn Thị Ni, tên tiếng Pháp là Eugénie Catallan.
Sau khi tốt nghiệp Diplome tại trường Pháp – Việt ở Hà Nội, Sư bà đã làm nghề dạy học. Ngoài giờ dạy học, Sư bà thường vào các bệnh viện, trại mồ côi, dưỡng lão để giúp đỡ, an ủi động viên những mảnh đời bất hạnh, và dành thời gian tu học Phật pháp với Sư cụ Thích Tuệ Nhuận. Từ khi đó, Sư bà đã biên tập và bỏ tiền ra in những cuốn kinh sách nhỏ phát cho những Phật tử, tới chùa tụng kinh hàng ngày…
Sư bà Quy y với Hòa thượng Pháp chủ đương thời là ngài Thích Mật Ứng, được ngài đặt cho pháp danh là Hải Triều Âm.
Sư bà đã lập các gia đình Phật tử, mở hội dưỡng lão, thanh thiếu niên, nhi đồng Phật giáo ở Hà Nội, Hải Phòng. Ngoài ra Sư bà còn viết bài cho báo Bồ Đề của Sư cụ Thích Tuệ Nhuận, dưới bút hiệu là Cát Tường Lan.
Năm 29 tuổi, Sư bà xuất gia với Hòa thượng Thích Đức Nhuận (sau này là đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN) ở chùa Quảng Bá; y chỉ và thọ giới với Ni trưởng Tịnh Uyển ở chùa Thanh Xuân, làng Phùng Khoang, thành phố Hà Nội.
Năm 1954, Sư bà vâng lời Hòa thượng Bổn sư di cư vào Nam, nhập chúng ở chùa Dược Sư, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay thuộc quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh), vừa lo tu học, vừa chăm sóc mẹ già bị bệnh liệt bán thân, vừa giảng dạy cho Phật tử. Sư bà tinh trì giới luật, nghe Kinh Kim Cương lĩnh ngộ được tông chỉ niệm Phật, tu quán Tứ niệm xứ để khai tuệ giác, sở đắc về bộ Kinh Lăng-nghiêm để khai tri kiến Phật.
Sau khi mẹ mất, vì muốn báo hiếu công ơn mẹ, thấy rằng không gì bằng công đức tu hành, Sư bà nhập thất 5 năm ở chùa Vạn Đức, quận Thủ Đức, với sự trợ giúp của Hòa thượng Thích Trí Tịnh (nay là Chủ tịch Hội Đồng Trị Sự GHPGVN), chuyên tâm niệm Phật. Sau đó Sư bà về Bà Rịa nhập thất 3 năm, chuyên tâm nghiên cứu nội điển Đại thừa, với sự trợ giúp của Hòa thượng Thích Thanh Từ.
Trong thời gian hành đạo tại chùa Dược Sư từ năm 1954 đến 1972, Sư bà đã kiến tạo Tịnh thất Liên Hoa ở Sài Gòn và chùa Viên Thông ở Đồng Nai.
Năm 1972, Sư bà với đôi bàn tay trắng đã lên thôn Phú An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng hành đạo, được sự giúp đỡ của các Phật tử thuần thành như ông Hai Diễn (đã mất), cô Ba Chỉ (hiện nay, 2013, đã hơn 90 tuổi, rất minh mẫn, đang tịnh tu tại thôn Phú An, xã Phú Hội, Đức Trọng)… Sư bà đã tu hành 7 năm tại một ngôi tịnh thất nhỏ trong khu vườn sắn, nay được khôi phục lại là Tịnh thất Linh Quang.
Trên cao nguyên, Sư bà gặp nhiều thiện duyên độ chúng. Ban đầu Ni chúng chỉ có vài chục vị, đến nay (năm 2013) tổng số sư ni được Sư bà độ có tới hơn 1.000 vị. Trong đó, số hiện còn đang tu theo chúng tại 8 chùa và tịnh thất của Sư bà là hơn một nửa (Tịnh thất Liên Hoa ở Tp. HCM, chùa Viên Thông ở Đồng Nai; chùa Dược Sư, chùa Hương Sen, chùa Bát Nhã, chùa Lăng Nghiêm, Tịnh thất Ni Liên, Tịnh thất Linh Quang ở Đức Trọng – Lâm Đồng). Mọi người đủ các căn cơ, già trẻ, Sư bà đều đưa tay tế độ, mong họ được kết duyên với Phật pháp. Còn Phật tử được Sư bà quy y thì không biết bao nhiêu mà kể.
Đã mấy chục năm nay, Sư bà ngày ngày lên lớp giảng dạy từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, lời lẽ uyên bác, chỉ mặt phải, răn mặt trái, nhắc đi nhắc lại, cặn kẽ từng lời, mong sao cho các đệ tử thấm nhuần kinh pháp… Lời giảng dạy của Sư bà ai nghe cũng thấy đúng với tâm trạng của mình, hợp thời, hợp cơ, giản dị dễ hiểu, lại rất thật tế.
Đối với đại chúng, Sư bà khiêm cung, giản dị, từ hòa; nhưng nghiêm khắc đưa đại chúng vào khuôn khổ giới luật, nội quy. Sư bà sửa trị những xấu ác, bao dung những lỗi lầm, chỉ cốt cho đại chúng thành những bậc pháp khí trong Phật pháp.
Sư bà một lòng lo cho đại chúng từ tinh thần đến vật chất, hy sinh sức khỏe thời giờ, từ đời sống tạm thời đến rồi đi, tới đời sống đạo vị lợi ích vĩnh viễn trong kiếp tương lai. Suốt ngày trọn đêm không giờ phút nào Sư bà ngơi nghỉ, luôn trong bổn phận tự giác giác tha.
Thấy đàn hậu lai trí kém tuệ ít, Sư bà đã thâu đêm đọc sách, dịch kinh viết sách, toát yếu lại những bộ kinh Hoa Nghiêm, Bát-nhã, Lăng-nghiêm, Pháp Hoa, Luật Tỳ-kheo Ni v.v… với lời văn giản dị, xác thực để học chúng dễ nắm được yếu chỉ của kinh luật. Sư bà đã dịch thuật, biên dịch, biên soạn, chú giải, toát yếu hơn 100 đầu sách và in ấn không biết bao nhiêu mà kể.
Mỗi một cuốn sách viết ra Sư bà không để tên mình bao giờ, mà lấy tên của các đệ tử đặt vào sách. Sư bà ấn tống các kinh Di-đà, Phổ Môn, Dược Sư… gửi khắp Bắc, Trung, Nam, để các Phật tử có kinh tiếng Việt tụng học, hành trì. Có thể nói hầu khắp các chùa ở Việt Nam đều có lưu thông kinh sách từ Sư bà.
Mang bệnh giật cơ trên đầu mấy chục năm nay, nhưng chưa từng vì đó mà Sư bà nghỉ ngơi. Có thời gian, để làm xong tác phẩm Hai Cánh Nhà Ni cho các Tỳ-kheo Ni mới thọ giới nắm vững giới điều, Sư bà đã thức suốt cả một tháng không ngủ.
Một lòng tôn kính Phật Pháp Tăng, gặp bất cứ hình tượng Phật nào Sư bà đều thành kính đỉnh lễ. Tận tình học pháp, nghiên cứu pháp, truyền bá giáo pháp, cả đời Sư bà nêu cao tấm gương vì pháp quên thân. Đối với Tăng Ni, Sư bà khiêm cung, kính trọng, dạy hàng đệ tử suốt đời phải thật hành Bát kỉnh pháp, thật hành nếp sống lục hòa, trên kính dưới nhường, lấy Giới Định Tuệ làm sự nghiệp chính của mình.
Sư bà kiệm đức, kiệm phúc trong từng hành động, 80 tuổi vẫn tự giặt áo, giăng mùng, xếp nép, không phiền nhọc một người hầu hạ. Phòng ở của Sư bà vô cùng giản dị, giường nằm chỉ là mấy tấm gỗ tạp đóng quây tạm dùng. Qua 80 tuổi, Phật sự đa đoan, tuổi già đau mỏi, Sư bà mới cho cắt đặt thị giả, cho hàng đệ tử trợ giúp.
Trước thời viên tịch, dù đã 94 tuổi, thân suy yếu, bệnh tật, nhưng chưa bao giờ Sư bà hiện tướng mỏi nhọc buồn phiền. Gặp ai Sư bà cũng nở nụ cười từ ái. Gặp Sư bà, ai nấy đều cảm nhận được sự mát mẻ từ bi, tất cả bao phiền não đều tiêu tan.
Với chúng sinh, các loài vật nuôi, đói cho ăn, khát cho uống, rét cho áo mặc, niệm Phật để nó kết duyên với Phật pháp từ đời này đến đời sau. Sư bà răn dạy: “Đó chính là những huynh đệ chúng ta từ kiếp trước, chỉ vì một chút lỗi lầm phải đọa làm thân chó, nên các con phải tận tình thương xót.”.
Sư bà đã làm nhiều chùa, xây dựng cho hậu lai nơi ăn chốn ở nghiêm tịnh. Nhưng Sư bà luôn nhắc nhở: thế sự vô thường, không bền chắc, chỉ có ngôi nhà Phật pháp mới là nơi nương tựa vững vàng nhất!
Tất cả mọi tịnh tài, vật phẩm thập phương cúng dường cho Sư bà đều thanh tịnh đúng Pháp. Sư bà chưa bao giờ cất lời khuyến giáo ai cả. Mọi tịnh tài tịnh vật thập phương dâng cúng lên Sư bà, ngài đều phân chia đều và hết cho tất cả chúng, không giữ lại cho riêng mình một chút gì.
Cố đại lão Ni trưởng vì đàn hậu lai mà đã mở ra một đường lối tu hành rõ ràng. Năm 1988, ngài đã viết một bài Di chúc, cũng là một tác phẩm Phật Pháp được gọi là Bốn Mùa Hoa Giác. Đây vừa là lời dặn dò, vừa là con đường tu hành của bản thân Sư bà và cũng là kim chỉ nam, chỉ lối đưa đường cho đàn hậu lai trên bước đường tu học.
Chùa Dược Sư
KS. Minh Bình cập nhật
Nguồn: phattuvietnam.net, 01/08/2013
Các bài liên quan
- Du Lịch Tâm Linh
- VONG BÁO OÁN ở Chùa Ba Vàng - Quảng Ninh
- QUÁN THẾ ÂM mặc váy cưới
- Hướng giải quyết đối với vấn đề tự viện do gia tộc quản lý
- Không rải vàng mã trên đường đưa tang
- Trung Quốc: Giới thiệu Robot tu sĩ Phật giáo
- Thầy giả tại New York
- Đà Nẵng chính thức có Bảo tàng Văn hóa Phật giáo
- 110 hành giả dự Khóa tu Truyền thống Khất Sĩ lần thứ XIV
- Trên 500 Tăng Ni, Phật tử dự khóa tu ở HVPGVN Lê Minh Xuân
- Cuộc họp mặt các truyền thống tâm linh ở Ấn Độ
- Lễ Dâng y Casa tại Pháp viện Minh Đăng Quang
- Vu-lan Báo hiếu với xã hội Việt Nam hiện nay
- Tu niệm Phật một ngày tại Cambodia
- Cung tống kim quan Đại lão HT. Thích Trí Tịnh nhập bảo tháp
- Một Giáo hội bị bầm dập, tổn thương và dơ bẩn
- Hội thảo khoa học về Hệ phái Khất Sĩ
- Tiền lẻ nhét đầy tay tượng Phật
- LỄ HỘI GIỖ TỔ TRÚC LÂM
- Thế giới có hơn 840 triệu người bị đói
- Một chuyến từ thiện cấp học bổng và phát quà Trung Thu cho học sinh nghèo 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre
- Giới đàn Tăng Khất Sĩ năm 2013
- Tp. Hồ Chí Minh: Cơm chay đắt khách, rau quả tăng giá mùa Vu-lan
- Tiếp sức mùa thi trong ngày cao điểm
- Bế mạc Hội nghị Ban Thường Trực HĐTS GHPGVN
- Khai mạc Khóa Tu Mùa Hè 2013 chùa Hoằng Pháp
- Thông Báo Khóa Tu Mùa Xuân 2013
- Lương y Võ Hoàng Yên chữa bệnh tại Tịnh xá Ngọc Thạnh - Núi Dinh
- Trọng thể khai mạc Đại hội VII Giáo hội Phật giáo Việt Nam
- Lễ lạc thành bảo tượng Quán Thế Âm tại Tịnh xá Trung Tâm
- Trung Thu ấm áp nghĩa tình
- HT. Thích Minh Châu (1918–2012), Nhà giáo dục Phật giáo lỗi lạc
- Hàng ngàn người đến kính viếng cố HT. Thích Minh Châu
- Giới Đàn Ni Khất Sĩ năm 2012
- GIỚI ĐÀN TĂNG KHẤT SĨ NĂM 2012
- Lễ Tạ Pháp Mãn Hạ năm 2012 tại TX. Trung Tâm
- CHO DÒNG MÁU ĐỎ
- Báu vật Kinh Lá
- Lễ Phật Đản Sanh ở TÂY ÚC
- Nồi cơm Từ Thiện của TX. Ngọc Nhơn
- Hai tịnh thất ở Đồng Hới
- Phật giáo Khất Sĩ thành phố Nha Trang tổ chức tuần tưởng niệm 2636 năm đức Phật đản sanh
- Đoàn Trợ lý Nghị sĩ Mỹ thăm Học viện Phật giáo Việt Nam
- LỄ CẦU NGUYỆN CHO MỘT NGƯỜI ÚC
- Công tác từ thiện xã hội tại Tịnh xá Ngọc Hiệp ở Tân Hiệp
- MỘT KHÓA TU BÁT QUAN TRAI Ở CHÙA QUÁN TÌNH
- TỊNH XÁ NGỌC SƠN 2 – Tp. RẠCH GIÁ TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ NĂM 2011
- BÁO CÁO KHÁNH THÀNH TỊNH XÁ NGỌC HÒA
- ĐẠO TRÀNG NHƯ LAI THANH TỊNH THIỀN tại Hà Nội
- Trên con đường đi về Ánh Sáng
- 30 năm: Giáo hội đã thành lập 57 trên 63 đơn vị hành chánh cấp tỉnh, thành trong cả nước
- MỘT NGÀY TU HỌC Ở TÂY ÚC
- Khóa tu Truyền thống lần thứ V của Phật giáo Khất Sĩ
- NGỌC QUÁN TỰ NAY ĐÃ KHÁNH THÀNH
- Đại Lễ Khánh Thành Tịnh Xá Ngọc Phước - Phước Long
- TIẾN ĐỘ CÔNG TRÌNH Tổ đình Pháp viện Minh Đăng Quang
- KHỞI CÔNG TÔN TẠO THÁNH TÍCH PHẬT NHẬP NIẾT-BÀN
- ĐỔ BÊ-TÔNG MÓNG SÀN Pháp viện Minh Đăng Quang, Q. 2, Tp. HCM
- KHỞI CÔNG XÂY DỰNG TỔ ĐÌNH PHÁP VIỆN MINH ĐĂNG QUANG