Bản tin phật giáo / Phật giáo thế giới / Cây Bồ-đề lịch sử và chùa Phật Nha ở Sri Lanka
Cây Bồ-đề lịch sử và chùa Phật Nha ở Sri Lanka
KS. Minh Bình
I. DẪN NHẬP:
Ai cũng thừa nhận cái nôi của Phật giáo Nam truyền ngày nay là đất nước Sri Lanka (Tích Lan). Sự thật này là một niềm đáng tự hào nhất của các dân tộc sống trên đảo quốc bé nhỏ ấy. Khi đến với cái nôi của Phật giáo Nam truyền, người ta sẽ được diện kiến những di tích vô cùng quý giá của Phật giáo Sri Lanka nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung. Với niềm quý trọng những di sản vật chất và tinh thần mà Phật giáo Sri Lanka còn gìn giữ, người viết muốn tìm hiểu về một vài di tích lịch sử của nền Phật giáo này. Trong động cơ đó, bài nghiên cứu về “Cây Bồ-đề lịch sử và chùa Phật Nha ở Sri Lanka” đã được ra đời…
Như đề tài của bài nghiên cứu đã nêu trên, thì nó gồm có hai phần. Người viết sẽ dành một chương để thuyết minh về cây Bồ-đề lịch sử ở Sri Lanka, bắt đầu từ cây Bồ-đề đầu tiên của Phật giáo, đến cây Bồ-đề đầu tiên trong truyền thống trồng linh thọ này của những người Phật tử… Và chương thứ hai là trình bày về xá-lợi răng Phật của Sri Lanka và chùa Phật Nha. Ngoài hai chương trên, phần nội dung chính còn có một chương Giới thiệu sơ lược về đảo quốc Sri Lanka và nền Phật giáo đặc sắc của nước này.
Cây Bồ-đề lịch sử và chùa Phật Nha là hai di tích lịch sử rất cổ xưa và rất quý trọng, thiêng liêng của Sri Lanka. Do vậy, chúng đã được bảo tồn rất kỹ lưỡng, cũng như đã được nói đến nhiều. Thế nên đề tài của luận văn này không phải là một đề tài mới mẻ, mang tính cách đột phá gì cả. Nhưng dù sao thì người viết cũng sẽ cố gắng để hoàn thành luận văn của mình sao cho tốt đẹp nhất.
Phương pháp nghiên cứu thích hợp ở đây là tổng hợp từ những tư liệu đã có. Trong điều kiện không có khả năng đi thực tế, vì Sri Lanka quá xa xôi, người viết sẽ cố gắng tổng hợp và trình bày sao cho bài viết được trung thực và sáng tỏ nhất…
Qua bài viết này, người viết đã hơn một lần tự nhìn lại về những di tích lịch sử của nền Phật giáo nước nhà. Biết trân trọng truyền thống của cha ông, nỗ lực gìn giữ những di sản tốt đẹp của tiền nhân, là những bài học rất hay mà chúng ta học được của Phật tử Sri Lanka. Mong rằng sau khi đọc bài viết này, mọi người không những hiểu được thêm về hai di tích lịch sử của Phật giáo Sri Lanka, mà hơn thế nữa, ai ai cũng sẽ có được một tinh thần hoài cổ chân chính…
II. GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC:
1. Đảo quốc Sri Lanka
Sri Lankalà một đảo quốc xinh đẹp và giàu truyền thống Phật giáo. Trước đây, Sri Lanka được gọi là Ceylan, là một hòn đảo nằm gần mũi phía nam của Ấn Độ. Diện tích Sri Lanka khoảng 65.500 km2 với dân số năm 2002 là 17,5 triệu người. Do đó, mật độ dân cư ở Sri Lanka là khoảng 267 người/km2. Ngày nay, thủ đô của Sri Lanka là Colombo.
Có người nói rằng Sri Lanka là xứ sở Phật giáo lâu đời nhất. Điều này xét ra cũng đúng. Bởi vì tuy Phật giáo được hình thành tại Ấn Độ, nhưng nó đã vắng mặt ở đất nước này trong suốt bảy thế kỷ, từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIX. Còn tại Sri Lanka, Phật giáo đã tồn tại từ thế kỷ III BC đến nay.
Theo chân tôn giả Mahinda cùng đoàn truyền giáo do vua Asoka (A Dục) lập ra, Phật giáo Theravada đã được truyền đến đảo quốc này từ năm 247 BC, vào triều đại vua Devanampiya Tissa của Sri Lanka. Sau đó, Ni sư Sanghamitta và chư Ni cũng đã sang Sri Lanka phụ tá cho chư Tăng. Họ đã mang một nhánh cây Bồ-đề chiết từ cây Bồ-đề nguyên thủy tại Bodh Gaya đến Sri Lanka. Cây Bồ-đề này đã được trồng tại cố đô Anuradhapura và được gìn giữ đến tận ngày nay. Cả hai ngài Mahinda và Sanghamitta đều là con của vua Asoka. Họ đã cùng với các trưởng lão Tăng, Ni khác truyền bá văn hóa Phật giáo Ấn Độ vào Sri Lanka, giúp đất nước này phát triển nhiều hơn trong mọi mặt (theo pháp sư Tịnh Hải).
Từ năm 1948, Sri Lanka đã dành được độc lập, sau 443 năm bị ba nước Bồ Đào Nha (từ 1505-1658), Hà Lan (từ 1658-1796) và Anh (từ 1796-1948) liên tiếp cai trị. Sở dĩ Sri Lanka bị các nước thực dân phương Tây dòm ngó và xâm chiếm lâu như vậy là do đảo quốc này có một vị trí trọng yếu trên tuyến đường hàng hải từ châu Âu và Tây Á sang miền Nam Á và Đông Á. Đồng thời, cũng do Sri Lanka rất giàu tài nguyên và cũng là một thị trường hấp dẫn để tiêu thụ sản phẩm của các tập đoàn tư bản phương Tây…
Ngày nay, Sri Lanka là nước đứng đầu vùng Nam Á về mức thu nhập bình quân đầu người và về tỷ lệ biết chữ trong dân chúng. Hiện có bốn tôn giáo lớn nhất ở Sri Lanka là Phật giáo, Ấn giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Cả bốn tôn giáo này đều đang hoạt động mạnh trong tình hình phát triển chung về mọi mặt của Sri Lanka.
2. Cái nôi của Phật giáo Nam truyền
Lịch sử Phật giáo thế giới đã ghi nhận rằng Sri Lanka là cái nôi của Phật giáo Nam truyền. Nhưng điều đó không có nghĩa là ở Sri Lanka chỉ có thuần túy Phật giáo Nam truyền, suốt mấy ngàn năm nay. Tại Sri Lanka cũng đã từng tồn tại trong một thời gian dài hai phái Phật giáo mang tư tưởng của Phật giáo Bắc truyền. Nhóm ngài Mahinda đến Sri Lanka đã lập ra phái Đại Tự theo tên ngôi chùa trung tâm là Mahavihara mà các vị ấy đã ở và hoằng pháp. Đến cuối thế kỷ I BC, xuất hiện thêm phái Vô Úy Sơn, cũng gọi theo tên chùa, còn gọi là Pháp Hỷ bộ. Đến đầu thế kỷ IV, từ Vô Úy Sơn đã tách thêm Hải bộ, còn gọi là phái Nam Sơn hay phái Kỳ Viên Tự. Hai phái Vô Úy Sơn và Nam Sơn đều chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo Đại thừa Ấn Độ. Đến đầu thế kỷ V, luận sư Buddhaghosa (Phật Âm) người Ấn Độ, đã từ miền Trung Ấn sang Sri Lanka, ở chùa Mahavihara, phiên dịch lại Tam tạng Thánh điển từ tiếng Sinhalese của Sri Lanka sang tiếng Pàli, rồi chú giải toàn bộ Tam tạng đó. Do những đóng góp to lớn trên của ngài Buddhaghosa, phái Đại Tự lại phát triển mạnh ở Sri Lanka và truyền bá sang các nước Myanma, Thailand …[1]
Tuy đã phát triển mạnh mẽ và phong phú ở Sri Lanka, nhưng Phật giáo Sri Lanka cũng đã từng suy yếu trong giai đoạn 443 năm bị nước ngoài cai trị. Tình hình suy yếu đó có khi đã đến độ không còn một Tỳ-kheo nào, phải nhờ Tăng đoàn Thái Lan sang truyền giới vào năm 1755. Đến năm 1802 và năm 1864, lại có hai phái Phật giáo Myanma truyền vào Sri Lanka, từ nhân duyên là các tu sĩ Sri Lanka hai lần sang Myanma thọ giới Tỳ-kheo rồi quay về nước nhà hoằng pháp. Từ đó đến nay, Phật giáo Sri Lanka gồm có ba phái là phái Xiêm La (Siam Syama Nikaya), phái Miến Điện (Amarapura Nikaya) và phái Tộc Môn (Ramanna Nikaya). [2]
Suốt thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, Sri Lanka chịu sự cai trị của Anh. Trong lần thứ ba bị nạn ngoại xâm phương Tây này, Sri Lanka đã hoàn toàn bị mất tự do từ năm 1815, không như hai lần trước chỉ bị xâm chiếm ở mọi miền duyên hải của quốc đảo. Dưới sự cai trị của thực dân phương Tây, tình hình tôn giáo ở mọi thuộc địa nói chung là chỉ có Thiên Chúa giáo được phép phát triển. Chúng ta hãy theo dõi những tường thuật sau đây của pháp sư Tịnh Hải:
…Phật giáo bị áp bức, ngày càng suy giảm, khiến những tín đồ Phật giáo có chí muốn đứng lên bảo hộ. Từ năm Phật lịch 2404 tới 2414 (1860 đến 1870), có một số Tỳ-khiêu đã dùng những cách thức gián tiếp để chống lại. Họ thành lập nhà in, ấn loát các loại sách bỏ túi để tuyên truyền, nói rõ tình trạng Phật giáo bị áp bức cho nhân dân biết. Họ xây dựng trường học, giúp đỡ con em tín đồ Phật giáo vào học trong các trường học Phật giáo, động viên tín đồ Phật giáo kính yêu và bảo vệ Thánh giáo của mình. Trong số Tỳ-khiêu đó, có một vị kiệt xuất dũng cảm tên là Yết-na-nan-đà (Mahotti Vatte Gunànanda) đã tổ chức cuộc tranh luận công khai giữa Phật giáo và Cơ đốc giáo, nói rõ giáo lý hai tôn giáo đó để cho mọi người hiểu rõ và tự quyết định nên theo tôn giáo nào. Cuộc tranh luận công khai đó, từ năm Phật lịch 2409 đến 2417 (1865-1873) tổng cộng được tổ chức năm lần. Lần cuối cùng, ở Ba-na-đô-la (Paradura) tranh luận với tín đồ Tân giáo Cơ đốc (Protestant), có quan hệ với vấn đề thiện, ác của hai tôn giáo. Lời lẽ của Yết-na-nan-đà hùng hồn bẻ gãy hoàn toàn lý luận của tín đồ Cơ đốc giáo. Sau cuộc tranh luận, Yết-na-nan-đà cho in thành tiếng Anh nội dung cuộc tranh luận đó, và cho gởi đi Âu Mỹ để tuyên truyền. Những cuộc tranh luận đó đã tạo ra sự phấn chấn rất lớn trong lòng người dân Xây Lan. [3]
Bị tác động bởi cuộc tranh luận này, năm 1880, vị đại tá lục quân Mỹ là Henry Steel Olcott và vợ là Helen Blavatsky (người Nga) đã qua Sri Lanka nghiên cứu Phật pháp và giúp đỡ tín đồ Phật giáo Sri Lanka. Để dễ bề hoạt động, họ đã tạo nên một tổ chức là Hội Thông Thiên Học (Budhist Theosophical Society) ở tại thủ đô Colombo của Sri Lanka. Và họ đã liên tục đấu tranh cho những quyền lợi của Phật tử Sri Lanka, cho giáo hội Phật giáo nước này…
Hưởng ứng việc đấu tranh của những Tỳ-kheo tiên phong và vợ chồng Đại tá Olcott, giới tu sĩ và Phật tử Sri Lanka đã tích cực tham gia, cùng xây dựng trường học Phật giáo, ngân hàng Phật giáo, thiết kế cờ Phật giáo, xuất bản tạp chí, viết sách, kiến thiết học viện Phật giáo, thành lập các hội đoàn Phật giáo, xin ngày Vesak là ngày quốc lễ… Chính trong hoàn cảnh này, có một Phật tử là ngài Anagarika Dhammapala cũng đã tham gia vào nhịp sống của thời đại, để rồi sáng lập nên Hội Maha Bodhi, góp phần to lớn cho sự phục hưng Phật giáo Sri Lanka và nhất là phục hưng Phật giáo Ấn Độ…
Như đã nói ở trên, cây Bồ-đề lịch sử và chùa Phật Nha ở Sri Lanka là hai di tích lịch sử rất cổ xưa và rất quý trọng, thiêng liêng của đất nước này. Hai di tích lịch sử trên đã tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử Phật giáo Sri Lanka, song hành theo những thịnh suy của đất nước, sống mãi cùng các dân tộc ở Sri Lanka cho đến ngày nay. Nên khi đến chiêm bái những nơi ấy, chúng ta phải luôn nhớ rằng cây Bồ-đề lịch sử và chùa Phật Nha đứng trong quần thể Phật giáo Sri Lanka, mấy ngàn năm nay, mang theo chúng những ý nghĩa tôn giáo và lịch sử nhất định…
III. CÂY BỒ-ĐỀ LỊCH SỬ:
Nói đến cây Bồ-đề lịch sử tại Sri Lanka, chúng ta cũng cần lần lượt tìm hiểu về ít nhất là hai cây Bồ-đề lịch sử khác trước cây này, ở nơi Phật giáo đã được khởi nguyên. Đó là cây Bồ-đề tại Thánh địa Bodh Gaya và cây Bồ-đề Ananda tại tịnh xá Kỳ Viên, Ấn Độ.
1. Cây Bồ-đề tại Bodh Gaya (Bồ-đề Đạo Tràng)
Chúng ta đều biết đức Phật thành đạo dưới cội cây Pippala (thường đọc là Tất-bát-la), một loại cây đa ở Ấn Độ. Vì đức Phật giác ngộ dưới cội cây Pippala nên chúng ta đã đặt tên cho loài cây này là cây Bồ-đề, nghĩa là cây Giác ngộ.
Hình dáng của cây Pippala rất dễ nhận diện nhờ vào những chiếc lá hình quả tim có đuôi lá dài của nó. Loài cây Pippala rất phổ biến. Chúng ta đi khắp nơi trên đất Ấn chỗ nào cũng thấy bóng dáng của nó. Ngày nay, loại cây này không còn lạ gì trong mắt người Phật tử Việt Nam, ai ai cũng quen thuộc với cây Bồ-đề, cây Giác ngộ…
Cội Bồ-đề cách nay hơn 2500 năm che mưa nắng cho đức Thế Tôn không còn nữa. Cây Bồ-đề tại Bodh Gaya ngày nay là cây kế thừa ít nhất là 5 đời được tính từ cây thủy tổ theo tài liệu của tiến sĩ H.W. Schumann và khoảng 7-11 đời theo một số tài liệu nghiên cứu khác. Do đó có nhiều giả thuyết khác nhau về lịch sử cây Bồ-đề, nhưng chúng ta biết chắc chắn một điều là cội cây này vẫn là cháu chắt nhiều đời từ thủy tổ của nó.
Cây Bồ-đề nguyên thủy vẫn còn sống đến thời của vua Asoka và được nhà vua xây rào bảo vệ. Bên cạnh đó, nhà vua cũng đã nhân rộng cây quý này bằng cách chiếc nhánh của nó gửi tặng cho vua Devanampiya Tissa của Sri Lanka, trồng tại cố đô Anuradhapura vào năm 247 trước Tây lịch.
Vì quá sùng kính đức Thế Tôn, vua Asoka chăm sóc cây Bồ-đề này rất cẩn thận. Hàng ngày nhà vua đến thăm cây Bồ-đề với cả lòng ưu ái và kính trọng, xem như một báu vật quốc gia. Do lòng ghen tỵ, quý phi diễm lệ của nhà vua là bà Tisyaraksita đã sai người lén chặt cây Bồ-đề và thiêu hủy nó. Bà tưởng rằng trong cây ấy có một tiên nữ đã làm mê muội nhà vua...
Vua Asoka đã trồng lại cây Bồ-đề từ một nhánh cây được chiết ở Sri Lanka đem về. Lần này nhà vua chăm sóc cây rất cẩn thận. Ông đã cho xây một bức tường thành cao 3m xung quanh để bảo vệ cây.
Việc phá hủy cây Bồ-đề lần hai xảy ra vào đầu thế kỷ VII, do vua Sasanka xứ Ganda (Bengal) ra lệnh. Vua Sasanka theo ngoại đạo nên không thích Phật giáo. Ông đã truyền lệnh đốn cây thiêng này đồng thời đem đốt toàn bộ gốc rễ làm cho tuyệt giống linh thọ Bồ-đề.
Đến cuối thế kỷ VIII, vua Purnaverma của Maghada, người nối dõi cuối cùng của triều đại Maurya (Khổng Tước), đã trồng lại cây Bồ-đề. Vua thành khẩn cầu nguyện và chăm sóc cây Bồ-đề cẩn thận, mong nó được tốt tươi và phát triển nhanh. Ngoài ra, vua còn cho xây bức tường cao hơn 7m để tránh kẻ xấu tàn phá cây Bồ-đề.
Khoảng 400 năm sau, quân đội Hồi giáo đã xâm chiếm Ấn Độ. Những kẻ cuồng tín và cực đoan Hồi giáo đã phá hủy toàn bộ các Thánh tích Phật giáo, trong đó tòa tháp Maha Bodhi và cây Bồ-đề thiêng liêng cũng chịu chung số phận. Mặc dù vậy, sức sống bất diệt của đạo Phật đã được minh chứng qua sự kiện hồi sinh của cây Bồ-đề. Ngay nơi gốc cây đã bị tàn phá, một chồi non đã nhú lên và phát triển nhanh chóng, cành lá sum suê, như báo hiệu một niềm hạnh phúc đã trở về trên quê hương Phật giáo.
Cây Bồ-đề tại Bodh Gaya, mọc kế bên Đại Tháp
Đến năm 1875, cây Bồ-đề đã bị khô chết. Rồi trong một cơn bão sau đó, cây Bồ-đề đã bị cuốn phăng đi, kết thúc một giai đoạn tồn tại và phát triển của cây này. Về sau cũng chính nơi đó chồi non lại tiếp tục nảy nở và phát triển, sự sống vẫn được liên tục kế thừa từ mạch sống của cây Bồ-đề tổ tiên. Cội Bồ-đề này đã lớn lên và phát triển đến ngày nay, đã hơn 130 năm, cách tháp chính khoảng 5m. Mặc dù trải qua nhiều lần sinh diệt, nhưng vị trí ngày hôm nay so với gốc cây ban đầu vẫn không có sự thay đổi chuyển dịch, vẫn định vị như gốc cây nguyên thủy, nơi khoảng 2600 năm về trước, nhà khổ hạnh Sĩ Đạt Ta đã giác ngộ thành Phật.[4]
2. Cây Bồ-đề Ananda
Cây Bồ-đề Ananda là cây Bồ-đề đầu tiên trong truyền thống trồng Bồ-đề ở mỗi chùa của Phật giáo. Do vậy, chúng ta cũng cần biết đôi nét về cây này.
Trong kinh Phật kể rằng, vào một lần đến tịnh xá Jetavana (Kỳ Viên) viếng thăm đức Phật, trưởng giả Anathapindika (Cấp Cô Độc) đã buồn tủi vì không được hầu cận và kỉnh lễ đức Phật. Nhưng lần đó đức Phật đi hoằng pháp hơi lâu, không riêng gì cư sĩ Anathapindika, các thiện nam, tín nữ khác cũng cảm thấy buồn khi vắng mặt đức Đạo sư. Đến khi đức Phật về lại tịnh xá Jetavana, tôn giả Ananda đã thỉnh nguyện lên đức Phật xin một cách nào đó để xoa dịu được những nỗi niềm trên. Đức Phật đã dạy tôn giả Ananda là các Phật tử có thể trồng cây Bồ-đề để xem như là sự hiện diện của đức Phật tại mỗi đạo tràng tịnh xá.
Chúng ta thử nghĩ xem, tại sao đức Phật không bảo phải làm tượng của ngài, mà lại dạy là nên trồng cây Bồ-đề? Truyền thống thờ tượng Phật đã có ngay từ thời đức Phật còn tại thế, mà người đầu tiền làm việc đó là vua Udena (Ưu Điền). Sau khi lên trời Đao Lợi thuyết pháp độ mẫu thân ba tháng, lúc về lại nhân gian, đức Phật đã cho phép tứ chúng đệ tử được thờ tượng của ngài, như vua Udena đã làm trong thời gian ngài đi vắng. Thiết nghĩ, tượng Phật và cây Bồ-đề đều có thể đại diện cho đức Phật, đều có khả năng nhắc nhở hàng Phật tử về một đức Phật lịch sử có pháp hiệu là Sakya Muni (Thích-ca Mâu-ni) tại Ấn Độ ngày xưa. Thế nhưng, trồng cây cũng có điều hay của nó. Việc trồng cây giúp con người trở về với tự nhiên, cũng là góp phần giữ gìn môi trường sinh thái…
Sau đó, tôn giả Moggallana (Mục-kiền-liên) đã đến Bodh Gaya chiết một nhánh Bồ-đề đem về tịnh xá Jetavana. Tôn giả Ananda đã trồng nhánh cây ấy trước hương thất của đức Phật. Mọi người đều hân hoan chăm sóc cây ấy và gọi nó là cây Bồ-đề Ananda. Từ đó, ai vào tịnh xá cũng viếng thăm cây này và việc trồng cây Bồ-đề trở thành một truyền thống đẹp của Phật giáo.
Ngày nay, cây Bồ-đề Ananda tại tịnh xá Jetavana vẫn còn, nhưng không già lắm, có lẽ là một cây mới được trồng lại sau này. Riêng tịnh xá Jetavana chỉ còn lại những nền gạch, do nhà khảo cổ người Anh là Alexander Cunningham khai quật vào những năm 1956-1969.
3. Cây Bồ-đề lịch sử tại Sri Lanka
Cây Bồ-đề lịch sử tại Sri Lanka là cây Bồ-đề do Ni sư Sanghamitta đem từ Bodh Gaya sang Sri Lanka vào năm 247 BC. Điểm đặc biệt nhất của cây Bồ-đề này là đến nay nó vẫn còn sống, tức là đã trên 2250 tuổi. Di tích cây Bồ-đề lịch sử này được gọi là Sri Mahabodhiya [Cây Bồ-đề Vĩ đại Cát tường ?], được tôn thờ như một Thánh tích của Phật giáo Sri Lanka.
Trong một tuần lễ đầu tháng 2 năm 2006, tiến sĩ Bình Anson đã cùng chư Tăng Việt Nam hành hương về xứ Phật Sri Lanka. Sau chuyến đi đó, tiến sĩ đã tường thuật về cây Bồ-đề lịch sử ở Sri Lanka như sau:
- Đến nay, dân chúng Sri Lanka vẫn rất sùng bái cội Bồ-đề này. Họ không cắt nhánh hay tỉa cành, để cây mọc tự nhiên, lại dùng những cột sắt để chống đỡ các cành ra quá dài, giúp chúng không bị gãy. Khi có cành Bồ-đề nào bị gió làm gãy rơi xuống, dân chúng Sri Lanka mang về thờ…
Do được vua Asoka cho con gái mang từ Bodh Gaya sang Sri Lanka, nên cây Bồ-đề này có một lai lịch rất lớn. Nó đã được khẳng định là cây con duy nhất còn lại ngày nay của cây Bồ-đề đã từng che mưa nắng cho Bồ-tát Siddhattha cách đây trên 2600 năm tại Ấn Độ. Điều này thật là hy hữu, trong khi cây Bồ-đề ở Bodh Gaya và cây Bồ-đề Ananda hiện nay chỉ còn lại với tính cách tôn giáo hơn là tính lịch sử.
IV. CHÙA PHẬT NHA:
1. Bảo vật của Sri Lanka
Bảo vật của Sri Lanka mà các chùa Phật Nha luân phiên gìn giữ là một chiếc răng của đức Phật Sakya Muni (Thích-ca Mâu-ni). Như chúng ta đã biết, sau khi đức Phật Sakya Muni thị hiện Niết-bàn, ngài đã để lại cho nhân loại rất nhiều xá-lợi. Số xá-lợi của đức Phật đã được Bà-la-môn Dona chia ra thành tám phần cho tám nước ở Ấn Độ đương thời. Theo dòng thời gian, sự vô thường của nhân sinh đã phân tán những phần xá-lợi đó đi khắp nơi. Trong những xá-lợi đó, có bốn chiếc răng của đức Phật…
Tương truyền sau khi trà-tỳ nhục thân Phật, có bốn cái răng của đức Phật còn nguyên vẹn, trở thành bốn xá-lợi đặc biệt nhất. Một trong bốn cái đó đã được tôn thờ từ hơn 1600 năm nay ở Sri Lanka. Nguồn gốc của chiếc răng Phật ở Sri Lanka và sự lưu chuyển của nó theo những thịnh suy của đảo quốc này được biết như sau:
Vua Sri Meghevanna đã cai trị Sri Lanka từ năm 362 đến năm 389. Vào năm tại vị thứ chín của nhà vua, có vương tử Danta Kumara cùng vợ là Himali đã từ nước Kalinga miền Nam Ấn Độ đến Sri Lanka lánh nạn. Hai vợ chồng đã mang theo một chiếc răng bên trái của đức Phật để hiến cúng cho nước Sri Lanka. Chiếc răng này đã được tôn thờ tại một tịnh xá có kiến trúc đặc biệt, thường gọi là chùa Phật Nha, ở kinh đô Anuradhapura.
Đầu thế kỷ XII, Sri Lanka đang bị loạn lạc, có vua Vikarmabahu I đã phá hoại Phật giáo. Chư Tăng tại Sri Lanka lúc ấy đã mang xá-lợi Phật, răng Phật và cái bát của Phật xuống miền Nam Sri Lanka lánh nạn.
Sau đó, vua Parakramabahu I đã lên ngôi, đưa Sri Lanka vào một giai đoạn ổn định và phát triển. Từ năm 1153-1186, ngài đã ra sức xây dựng đất nước và phục hưng Phật giáo. Cống hiến lớn nhất của nhà vua là đã đoàn kết được ba giáo phái Phật giáo lớn đã hoạt động lâu đời tại Sri Lanka. Ngài đã cho xây dựng nhiều chùa chiền, đúc tượng Phật, xây khu hỏa táng… Trong số đó, có một ngôi chùa Phật Nha hình tròn được xây gần vương cung. Bấy giờ, kinh đô của Sri Lanka là Polonnaruwa, ở phía Đông Nam của cố đô Anuradhapura. Như vậy, răng Phật lúc này đã được đưa từ miền Nam lên kinh đô mới.
Cuối thế kỷ XIII, Sri Lanka bị quân Tamil của Ấn Độ xâm lược trong 20 năm. Chiếc răng Phật đã bị người Tamil lấy đem về Ấn Độ. Đến khi vua Parakramabahu III lên ngôi (1302-1310), bằng phương pháp hòa bình, nhà vua đã mang được chiếc răng Phật đó về lại Sri Lanka, tôn thờ ở Polonnaruwa.
Cuối thế kỷ XIV, sứ giả Trịnh Hòa của Trung Quốc đến Sri Lanka đã thỉnh cầu răng Phật của nước này. Vua của Sri Lanka lúc ấy là Vijayabahu VI đã không cho và tỏ vẻ bất bình với Trịnh Hòa. Trịnh Hòa đem quân đánh, bắt vua, hoàng hậu và một số tùy tùng mang về Trung Quốc. Đến khi triều đình ở Sri Lanka cho người qua Trung Quốc nộp cống, người Trung Quốc mới chịu thả các tù binh Sri Lanka về nước. (Theo sách sử Trung Quốc thì sự kiện Trịnh Hòa bắt vua Sri Lanka xảy ra vào năm 1409.)
Đến khi vua Parakramabahu VI thống nhất và cai trị Sri Lanka từ năm 1410-1462, ngài đã cho xây chùa Phật Nha tại Kotte, gần Colombo. Có lẽ răng Phật lại được dời đi, đến ngôi chùa mới này.
Sau thời vua Parakramabahu VI cai trị, Sri Lanka lại rơi vào tình trạng phân chia. Đảo quốc này đã bị chia thành năm nước, trong đó Kandy là một nước lớn, chiếm giữ khu vực trung tâm và miền Đông của đảo. Đến cuối thế kỷ XVII, trong thời cai trị của vua Vimaladhammasuriya II, nhà vua đã cho xây dựng chùa Phật Nha tại kinh đô Kandy và mang răng Phật về tôn thờ tại đây. Kể từ đó, đệ nhất quốc bảo của Sri Lanka được an trí tại chùa Phật Nha ở Kandy, đến nay đã hơn 300 năm.
Trong thời gian gần 300 năm người Bồ Đào Nha và Hà Lan thống trị đảo Sri Lanka, chỉ riêng nước Kandy là còn độc lập. Đến năm 1815, khi người Anh cai trị toàn bộ Sri Lanka, họ đã quản lý chặt chẽ Phật giáo. Ngay cả chiếc răng Phật ở Kandy cũng bị họ quản lý. Tuy vậy, họ vẫn không dám chiếm đoạt quốc bảo này của người Sri Lanka.[5]
Đến năm 1948, Sri Lanka độc lập, chiếc răng Phật không bị cấm tham quan chiêm bái nữa. Nhưng trong tình hình bất ổn của Sri Lanka gần mấy chục năm qua, do nhóm ly khai Hổ Tamil, răng Phật đã không còn được rước đi dọc trên những con đường cho dân chúng chiêm ngưỡng và đảnh lễ nữa…
2. Đôi nét về chùa Phật Nha
Sri Lankađã từng có bốn kinh đô trong suốt chiều dài lịch sử của đảo quốc này. Bốn kinh đô đó là: Anuradhapura (trong khoảng 14 thế kỷ), Polonnaruwa, Kandy và Colombo (từ khi người Anh cai trị Sri Lanka đến nay). Ngày nay, Kandy cũng là một thành phố lớn của Sri Lanka.
Chùa Phật Nha, chùa Răng Phật, hay Tooth Relic Temple (Đền thờ Xá-lợi Răng) hiện nay tọa lạc tại Kandy. Một điều chúng ta cần lưu ý là trong lịch sử Sri Lanka, chùa Phật Nha có nghĩa là chùa được xây dựng để tôn trí cái răng Phật của Sri Lanka. Tức là đã từng có ít nhất bốn ngôi chùa Phật Nha trong suốt hơn 1600 năm nước này được sở hữu cái răng Phật.
Các chùa Phật Nha thường được xây cất rất trang nghiêm, quý giá. Năm 411, ngài Pháp Hiển người Trung Quốc đã đến Sri Lanka và ở lại hai năm. Ngài đã tường thuật lại trong Phật Quốc Ký rằng chùa Phật Nha được xây bằng thất bảo, to lớn và trang nghiêm, trong kinh thành Anuradhapura. Từ Điển Phật Học Huệ Quang mô tả chùa Phật Nha ngày nay rất quy mô, được xây trên một nền cao trên 6m, xung quanh có sông bao bọc. Chùa được chia thành hai tầng trên, dưới, kết cấu phức tạp, chủ yếu có điện Phật, lầu trống, kho đại bảo, nhà tụng kinh… Chính giữa là nội cung hai tầng, trong đó, trên một đài sen bằng vàng ròng có thờ răng Phật.[6]
Do tính chất thiêng liêng của răng Phật, nên các sự kiện trọng đại của Phật giáo Sri Lanka đã được diễn ra tại chùa Phật Nha. Vào ngày 25 tháng 5 năm 1950, một sự kiện trọng đại đã diễn ra tại chùa Phật Nha ở thành phố Kandy: 127 đại biểu Phật giáo của 29 nước đã vân tập về đây, thành lập Hội Phật Giáo Thế Giới (The World Fellowship of Buddhists). Đại diện cho tất cả Phật tử trên thế giới, các đại biểu hôm ấy đã long trọng đọc bản tuyên thệ sẽ hết sức phụng hành giáo pháp và giới luật của đức Phật. Qua hôm sau, Đại hội Phật giáo Thế giới lần thứ I đã khai mạc tại thủ đô Colombo…[7]
Chùa Phật Nha hiện nay rất đông người đến chiêm bái, nhất là vào ngày cuối tuần. Ngôi chùa được bảo vệ nghiêm mật. Chiếc răng Phật được tôn trí trong một tòa nhà nhỏ, mái bằng vàng. Hàng ngày có nghi lễ tôn kính xá-lợi răng của đức Phật tại chùa. Nhưng những đám rước xá-lợi răng Phật long trọng, hoành tráng và kéo dài hàng tuần liền như trong quá khứ thì không còn diễn ra thường xuyên nữa...
Chùa Phật Nha hiện nay của Sri Lanka không hùng vĩ bằng chùa Shwe Do ở Yangon, thủ đô của Myanma. Cả hai chùa đều thờ xá-lợi răng Phật. Vào chùa Shwe Do, ai cũng có thể được chiêm ngưỡng chiếc răng quý báu ấy ngay, chỉ là không thể đến gần để nhìn thật kỹ thôi…
Như trên, chúng ta đã lần lượt tìm hiểu về cây Bồ-đề lịch sử, xá-lợi răng Phật và chùa Phật Nha ở Sri Lanka. Phải nói rằng đây là những di tích lịch sử quý giá của Phật giáo Sri Lanka nói riêng và của cả Phật giáo thế giới nói chung. Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo luôn gia hộ cho những di tích ấy được trường tồn ở Sri Lanka.
V. KẾT LUẬN:
Để tìm hiểu đầy đủ về cây Bồ-đề lịch sử, xá-lợi răng Phật và chùa Phật Nha ở Sri Lanka, chúng ta đã trải qua một quá trình tìm hiểu và trình bày đầy đủ theo thứ lớp. Những điều đó là cần thiết theo phong cách của một bài nghiên cứu, nhưng cũng cần đúc kết lại những nội dung chính đã được triển khai trong bài.
Cây Bồ-đề lịch sử hiện nay ở thành phố Anuradhapura, Sri Lanka, đã có tuổi thọ trên 2250 tuổi. Nó là cây con duy nhất còn lại của cây Bồ-đề đã che mưa đỡ nắng cho Bồ-tát Siddhattha cách đây 2600 năm ở Ấn Độ. Còn xá-lợi răng Phật của Sri Lanka là một trong bốn xá-lợi răng Phật mà nhân loại còn giữ được. Nó đã được đem đến Sri Lanka vào khoảng cuối thế kỷ IV, đến nay đã hơn 1600 năm. Trong quãng thời gian đó, nó đã được lưu chuyển nhiều nơi, theo những biến động của đất nước. Và chùa Phật Nha thì ở Sri Lanka đã từng có ít nhất là bốn chùa ở bốn địa phương khác nhau. Chùa Phật Nha hiện nay ở tại thành phố Kandy, một thành phố lớn ở khu vực trung tâm của đảo quốc Sri Lanka.
Những di tích trên đều có những giá trị lịch sử và tâm linh rất to lớn. Chúng là những điểm tựa tinh thần bất diệt của dân tộc Sri Lanka ngoan đạo. Chúng đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng dân tộc này trong mọi thịnh suy qua năm tháng. Nhưng lịch sử cũng đã cho chúng ta thấy mặt trái của những cái gì mà con người xem là quý giá. Quả thật, dù là răng Phật hay là cây thiêng, thì rất có thể chúng vẫn là những miếng mồi ngon cho dục vọng xâu xé như thường…
Cây Bồ-đề lịch sử, xá-lợi răng Phật và chùa Phật Nha là những di sản văn hóa vật chất rất đáng tự hào của người Sri Lanka. Mà khi nhìn về Sri Lanka, chúng ta không khỏi nhìn lại mình, trong những cái gọi là 2000 năm Phật giáo Việt Nam… Nếu thân tứ đại của Phật để lại những xá-lợi và những vật liên hệ như vậy, thì pháp thân và hóa thân của ngài để lại cho chúng ta những gì? Pháp thân của đức Phật đã để lại cho chúng ta năm phần giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Còn hóa thân của ngài đã cho chúng ta vô số những bài học làm người, những nhân cách siêu thoát mà ngài đã thể hiện trong 80 năm.
Trước khi diệt độ ở Kusinara, đức Phật đã bảo ngài Ananda điều gì, đối với nhục thân của ngài? – Hãy để nhục thân của ngài cho hàng tại gia chăm sóc, sau khi ngài ra đi cũng như khi ngài còn sống. Còn các trưởng tử của đức Phật, những Tỳ-kheo và Tỳ-kheo Ni, hãy tôn thờ năm phần xá-lợi pháp thân Phật, bằng những việc làm cụ thể. “Các pháp đều vô thường. Hãy tinh tấn, chớ phóng dật!” Thế nên đức Phật đã khen ngợi một Tỳ-kheo siêng tu thiền định, khi biết tin ngài sắp Bát Niết-bàn, mà không hề quở trách vị ấy. Như thế, có lẽ chúng ta đã đến gần hơn với cây Giác Ngộ, với xá-lợi Phật rồi đó…
[1] Tịnh Hải pháp sư, Lịch Sử Phật Giáo Thế Giới, tập II, “Lịch Sử Phật Giáo Xây Lan”, Hà Nội, Nxb. Đại Học và Giáo Dục Chuyên Nghiệp, 1992, tr.32-42.
[2] Ibid., tr.101-103.
[3] Ibid., tr.90.
[4] Tổng hợp từ:
- Trần Phương Lan (dịch), Đức Phật Lịch Sử của H.W. Schumann, Tp. HCM, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 2000, tr.151-154.
- Thích Phước Tiến, Phật Quốc Ký Sự, Tp. HCM, Nxb Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2008, tr.42-47.
[5] Tịnh Hải pháp sư, Op. Cit., tr.39,58-63,76,88.
[6] Thích Minh Cảnh (chủ biên), Từ Điển Phật Học Huệ Quang, tập IV, “Phật Nha…”, Tp. HCM, Nxb Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2003, tr.3642-3645.
[7] HT Thích Thanh Kiểm, Lược Sử Phật Giáo Ấn Độ, Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2006, tr.177-180.
--------------------------------------------------------------
Các bài liên quan
- Thái Lan với nạn béo phì của các nhà sư
- Khai mạc Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2014 tại Bái Đính
- Tưởng nhớ Thiền sư Goenka
- Khai mạc Lễ hội Văn hóa Phật giáo châu Á lần thứ 2
- 1.500 đại biểu tham dự Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2013
- Thái tử Thánh Đức
- TẠNG VĂN Đại tạng kinh
- Sự hình thành và phát triển của Đại học Nalanda