NAM-MÔ MƯỜI PHƯƠNG BA ĐỜI THƯỜNG TRỤ TAM BẢO!

Bản tin phật giáo / Tin Phật sự / Báu vật Kinh Lá

, Thứ Sáu 03-08-2012

 

Báu vật Kinh Lá

 

Đoàn Đại Trí

 

 

Cũng tương tự như Mộc Bản Triều Nguyễn của người Kinh, Kinh Lá của người Khmer cũng được coi như một báu vật bởi lối viết khắc họa trên chất liệu lá và những ý nghĩa to lớn của nó với đời sống văn hóa đồng bào Khmer. Tuy nhiên, sau hơn 100 năm xuất hiện và truyền đến đời thứ 9, Kinh Lá đang có nguy cơ thất truyền bởi rất nhiều lý do khác nhau. Lần này, sau khi vượt quãng đường hơn 200 cây số từ Tp. Hồ Chí Minh, chúng tôi may mắn gặp được người duy nhất còn biết viết Kinh Lá, ông Chau Ty ở chùa Soài So thuộc xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

 

 

 

Kinh Lá – báu vật của người Khmer

 

 

Độc nhất vô nhị

 

Chúng tôi đến chùa khi mặt trời đã lên cao. Bắt đầu từ huyện lộ chạy vào, hai hàng cây thốt nốt đang mùa quả chín uốn lượn bao quanh càng làm cho khung cảnh ngôi chùa thêm phần cổ kính và thơ mộng. Đón tiếp chúng tôi, hòa thượng Chau Ty trụ trì chùa tỏ ra vui mừng và sai các đệ tử đi pha nước thốt nốt mời khách. Sau khi biết ý định của hai người khách phương xa, hòa thượng không ngần ngại dẫn chúng tôi vào thăm gian phòng lưu trữ kinh sách Phật của chùa. Cẩn thận mở ngăn tủ kính, lấy bộ Kinh Lá, lần dở từng lớp vải thêu bọc cẩn thận cho chúng tôi xem, hòa thượng tâm sự: Tôi năm nay đã gần 70 tuổi, cả đời chỉ còn bộ Kinh Lá này tâm huyết mà thôi. Đây là những điều được các vị Sư Tổ đời trước truyền lại để răn dạy cháu con, đệ tử và những người của dân tộc Khmer sống sao cho tốt đẹp, làm điều hay lẽ phải và biết ơn các đấng sinh thành.

 

Vừa nhâm nhi ngụm nước thốt nốt ngọt ngào sau quãng đường xa xôi, chúng tôi thấy hòa thượng Chau Ty ngước mắt nhìn lên đỉnh núi phía xa xa rồi nhẹ nhàng kể… Hồi hòa thượng còn trẻ, chùa Soài So này còn nằm ở lưng chừng đỉnh núi Cô Tô, một trong 7 ngọn núi danh tiếng vùng Thất Sơn (An Giang) này. Tuy nhiên, khoảng những năm 1960, phần do chiến tranh, phần do muốn cho hậu thế dễ dàng tiếp cận với đạo Phật nên các Sư Tổ ở chùa Soài So đã di chuyển xuống đây, giữa ấp dân cư người Khmer. Bắt đầu khi về ngôi chùa mới, hòa thượng mới được Sư Tổ truyền lại tinh hoa của nghề viết Kinh Lá. Theo tiếng Khmer, Kinh Lá có nghĩa là S-lấc-rích, một kiểu viết khắc họa rất tinh xảo và tỉ mỉ trên Sa-T-ra (cây buông).

 

Mặc dù chỉ ghi lại những điều giản đơn của Phật pháp để truyền cho hậu thế, nhưng công việc chuẩn bị và viết được kinh trên lá buông lại vô cùng khó khăn và rất cầu kỳ, nếu không muốn nói là vô cùng gian lao, phải những ai tinh thông Phật pháp, có trí lực phi thường mới làm được. Có lẽ, chính vì nguyên nhân này mà mỗi đời, các Sư Tổ của người Khmer chỉ truyền lại bí kíp viết chữ Kinh Lá cho duy nhất một đệ tử đủ tài đức và Phật hạnh mà thôi. Và, cũng chính vì nguyên nhân này mà Kinh Lá rất ít được phổ biến ra ngoài, chỉ được đọc cho đồng bào dân tộc Khmer nghe vào những ngày trọng đại như Tết cổ truyền Chol Chnăm Thmây hay lễ Dolta.

 

Kể về quá trình viết Kinh Lá, hòa thượng Chau Ty cho biết: nhìn bên ngoài, Kinh Lá có vẻ khá đơn sơ và thô mộc, nhưng để viết được một bộ kinh trên lá phải tốn rất nhiều công phu. Đầu tiên là việc chuẩn bị lá buông, một loại cây gần giống cây thốt nốt mà trước kia từng có ở vùng Bảy Núi này, nhưng nay thì không còn nữa. Tuy nhiên, không phải bất kỳ lá buông nào chặt trên cây xuống cũng có thể dùng để viết chữ được, bởi lá buông thường có màu xanh nâu, màu xám đá nên không thuận tiện cho việc chép kinh. Thế nên, muốn chọn lá chép kinh thì phải chọn từ lúc lá còn non, mới mọc khỏi thân cây. Những chiếc lá được chọn để viết kinh sẽ được che chắn cẩn thận và chờ cho tới lúc lá bắt đầu già. Khi ấy, sau khi chặt xuống, lá buông được bào nhẵn, ngâm trong một số loại dung dịch của các nhựa cây để lá không bị héo, không bị ẩm mốc và tăng độ bền với thời gian. Khi có lá ưng ý, việc chép kinh cũng vô cùng khó khăn chứ không đơn giản như người ta viết trên giấy, bởi bút dùng phải là loại chuyên dụng có tên Đéc-Cha. Đây là loại bút gỗ có gắn mẩu thép nhọn như kim ở đầu để khắc chữ xuống thân lá. Khi khắc phải luôn đều tay để nét chữ không nông, không sâu, đều đặn và thẳng hàng. Viết xong, người ta phải dùng loại bột lấy từ cây mặc nưa (một loại cây cũng thường xuất hiện vùng Bảy Núi) để bôi lên lá. Sau đó, bột mặc nưa sẽ ngấm vào lá buông, hiện lên những chữ viết như chúng ta thấy. Chữ viết theo lối chữ Nho, nghĩa là từ trái qua phải, từ trên xuống dưới. Mỗi tấm lá buông viết khoảng 5, 6 dòng, mỗi dòng trung bình 23 chữ. Vì thế, kinh viết trên lá buông phải là những điều căn bản, sâu sắc tinh tế và có giá trị cho hậu thế. Nói thì ngắn gọn vậy chứ để hoàn thành một bộ Kinh Lá, người ta mất cả năm trời chứ không ít.

 

 

 

Hòa thượng Chau Ty, người cuối cùng viết được Kinh Lá ở Việt Nam

 

 

Do tính chất cầu kỳ, tỉ mỉ và rất khó của Kinh Lá mà hòa thượng Chau Ty hiện nay là người duy nhất ở Việt Nam có thể viết được kinh trên lá buông bằng tiếng Khmer truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên, với ông đây không phải là một điều gì đáng hãnh diện mà thực chất lại là nỗi buồn, nỗi buồn để tìm được đệ tử có thể kế thừa ông viết Kinh Lá như ông đã kế thừa từ 8 vị tiền nhân trước đây.

 

 

Kỳ công sắp thất truyền…

 

Những âu lo của hòa thượng Chau Ty là hoàn toàn có cơ sở bởi hiện nay những người trẻ Khmer không đủ tâm và tài cũng như lòng kiên nhẫn để học cách viết khắc họa Kinh Lá. Hơn nữa, việc cây buông biến mất khỏi vùng Bảy Núi (gần như mất hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam) này cũng là nguyên nhân lớn khiến việc tìm được chất liệu viết kinh trở nên khó khăn hơn bội phần. Hòa thượng Chau Ty chia sẻ, trước đây ở quanh chân núi Cô Tô, người Khmer theo đạo Phật dòng Nam tông rất đông. Tuy nhiên, do sự giao lưu văn hóa và thay đổi trong quan niệm sống, Phật giáo không còn là nét văn hóa, tâm linh đậm nét của người Khmer nữa. Chính vì lẽ đó, từ vị thế một báu vật, được mọi người trân quý, đến nay Kinh Lá đã dần trở nên ít phổ biến trong đời sống người dân Khmer. Bằng chứng là việc trước đây rất đông đệ tử muốn học thuật viết Kinh Lá và ai cũng miệt mài tu dưỡng, thì nay tìm được đệ tử theo học thuật viết Kinh Lá lại rất khó, đa phần đều bỏ dở giữa chừng vì không đủ lòng kiên nhẫn và đức độ.

 

Theo tìm hiểu, hiện nay tại vùng Bảy Núi có khoảng hơn 100 bộ Kinh Lá nằm rải rác ở một số chùa lớn của người Khmer thuộc thị trấn Tri Tôn, xã Núi Tô… (huyện Tri Tôn, An Giang) có tuổi đời từ khoảng 120 năm trở lại. Tuy nhiên, hầu hết những bộ Kinh Lá ấy đều đang trong quá trình hư hỏng bởi vật liệu lá buông không thể tồn tại mãi với thời gian. Chính vì thế, việc tìm người kế tục để có thể chép lại những điều cổ nhân đã giáo truyền và có thể ghi những điều mới của kinh pháp cho phù hợp với thực tế cuộc sống hiện đại nhằm truyền đạt tới người dân là vô cùng khó khăn. Điều này đã làm ông Chau Ty khá buồn phiền bởi do tuổi cao sức yếu, gần 10 năm nay ông cũng không còn đủ sức chép thêm bộ Kinh Lá nào nữa.

 

 

KS. Minh Bình cập nhật

Nguồn: daidoanket.vn, ngày23/07/2012

 

 

Các bài liên quan