NAM-MÔ MƯỜI PHƯƠNG BA ĐỜI THƯỜNG TRỤ TAM BẢO!

Bản tin phật giáo / Phật giáo thế giới / Sự hình thành và phát triển của Đại học Nalanda

, Thứ Hai 2011-11-02

 

 

Sự hình thành và phát triển của Đại học Nalanda

 

Tâm Hương

 

Nhiều người khẳng định Đại học Nalanda đã giữ một vai trò và một vị trí có thể nói là độc nhất vô nhị trong nền tư tưởng của nhân loại và lịch sử phát triển của Phật giáo. Nalanda là nơi hun đúc và đào tạo các đại sư của Phật giáo và cũng là nơi phát sinh hầu hết các học phái lớn của Đại thừa. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các nhà khảo cổ đã khai quật trường Đại học Nalanda, một trường Đại học Phật giáo đầu tiên của thế giới, một trong những trường Đại học lớn nhất thế giới, bị chôn vùi vào lòng đất và sự quên lãng gần một thế kỷ. Các công cuộc khảo cổ được thực hiện tại vị trí Nalanda (1915-1985). Một số các học giả Tây phương cũng như các nhà khảo cổ cho rằng Đại học Nalanda phát triển từ thế kỷ thứ V sau Tây lịch. Điều này khá đúng vì Nalanda được sửa sang và xây dựng lại vào thế kỷ này và sự sinh hoạt cũng như sự giảng dạy cũng được tổ chức lại quy mô hơn. Tuy nhiên thật ra thì Nalanda có một lịch sử lâu đời hơn thế rất nhiều. Đề tài “Sự hình thành và phát triển của Đại học Nalanda” là một trong những đề tài hết sức quan trọng để chúng ta có thể hiểu rõ hơn lịch sử hình thành và phát triển của trường Đại học này.

 

Nalanda hiện nay là một địa danh thuộc bang Bihar[1] Ấn Độ. Nalanda nằm cách thủ phủ Patna của Bihar 55 dặm về phía đông nam, là trung tâm giáo dục của Phật giáo từ năm 427 - 1197 (có sách ghi 1199) sau công nguyên. Theo ngôn ngữ, người ta đã giải thích nghĩa Nalanda: “Nalan” tiếng Anh dịch “Knowledge” có nghĩa là kiến thức;  “Da”tiếng Anh dịch “Giving” có nghĩa là truyền trao, cho; “Nalan” và “Da” ghép lại thành “Nalanda’ có nghĩa là nơi truyền trao kiến thức. Đứng về mặt lịch sử, Nalanda có rất nhiều điều đặc biệt. Thời kỳ Đức Phật còn tại thế, khu vực Nalanda xưa vốn là ngôi làng Bragoan không những có một vườn xoài nổi tiếng Pavarika thoáng mát mà còn là nơi u tịch, thanh tịnh rất phù hợp với cuộc sống tu hành của Tăng đoàn. Nơi đây, Đức Phật thường xuyên dừng chân lại để truyền chánh pháp cho vô số Tăng Ni và Phật tử. Nơi đây là điểm giao thông quan trọng của Tăng sĩ. Nó là điểm giao giữa ba địa danh núi Linh Thứu, thành Vương Xá của xứ Ma Kiệt Đà và Trúc Lâm tinh xá. Tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên sinh ra ở bang này. Ngài Xá Lợi Phất đã chọn nơi đây để viên tịch. Bang Bihar là nơi kết tập kinh điển lần thứ hai và thứ ba của Phật giáo, là một trong những nơi được thành lập trường Đại học đầu tiên trên thế giới và là trường Đại học lớn nhất thế giới. Vua Asoka đã chọn nơi này làm trung tâm điều hành đất nước với tên Hoa Thị Thành. Vua Asoka cho tôn tạo lại hai ngôi tháp thờ xá-lợi của tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, xung quanh tháp, ông còn cho xây dựng các Tu viện để chư Tăng Ni sinh hoạt và tu hành.

 

Theo ngài Huyền Trang, “Phía Nam của ngôi chùa Nalanda trong rừng Am Một La có một ao nước, trong ao có con rồng tên là Nalanda, nên người xây dựng ngôi chùa này lấy tên ấy đặt tên cho chùa.[2] Một thuyết khác, Ấn Độ có vị vua Sakraditya, kính trọng giáo lý nhất thừa, và quy ngưỡng Tam Bảo, đã lựa một chỗ đất tốt đẹp, và lập nên Tu viện. Trong khi khởi công đào đất, người ta đã làm bị thương một thần rắn (có sách ghi là long thần). Một vị tiên tri có tiếng, thuộc phái Niganthas[3], khi thấy sự tình có để lại lời tiên tri như sau: "Ðây là một địa thế tối thượng, nếu lập một Tu viện trên chỗ này nhất định sẽ trở thành một Tu viện danh tiếng: Tu viện ấy sẽ làm gương mẫu khắp nơi. Trải 1.000 năm, Tu viện ấy vẫn còn thịnh đạt, sinh viên tất cả các cấp bậc đều thành tài một cách dễ dàng. Nhưng nhiều vị sẽ bị đổ máu vì vết thương của vị thần rắn này". Hay: “Đó là mảnh đất quý, sau khi xây chùa Phật, nhất định sẽ phát đạt hưng vượng, trở thành mô hình của Ngũ Ấn Độ, cả ngàn năm còn phát đạt. Đàn hậu tiến nhờ nghiên cứu tu tập ở đó mà làm nên sự nghiệp, nhưng phần đông bị bệnh thổ huyết vì làm tổn thương long thn”.[4] Lời tiên tri này được sự thật chứng nhận là nhiều Tăng sĩ đã bị chết dưới lưỡi kiếm của quân đội Hồi giáo. Năm 1199, Đại học Nalanda bị thiêu rụi do quân đội Hồi giáo được lãnh đạo bởi vua Bahktiyar Khilji. Đến thế kỷ XX, các nhà khảo cổ học đã khai quật và xác định Đại học Nalanda đã được hình thành và có một thời vàng son phát triển.

 

Vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch, hoàng đế Asoka cho xây một ngôi Tinh xá Nalanda bên cạnh hai bảo tháp thờ xá-lợi của hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Thế kỷ thứ II sau Tây lịch, hai anh em Udbhata và Samkarapati đứng ra sửa sang ngôi Tinh xá, cho xây thêm tám dãy Tịnh xá và từ đó Nalanda biến thành một Tu viện lớn Nalanda. Avitarka và Rahulabhadra là hai trong số các vị trụ trì đầu tiên khá nổi tiếng của Tu viện. Bồ-tát Long Thọ đã từng tu học tại Nalanda và sáng lập ra nền triết học Trung quán. Ngài đã trụ trì Tu viện Nalanda, nhưng sau đó nhường chức vụ này lại cho người đệ tử giỏi nhất của mình là đại sư Thánh Thiên. Đến thế kỷ thứ III, Tu viện Nalanda bị các đạo quân du mục xâm lược và đốt phá, thư viện và vô số kinh sách thuộc thời kỳ khởi nguyên của Đại thừa tại Nalanda bị thiêu hủy. Vua Buddhapaksa lại cho sửa sang và xây dựng lại Tu viện. Sau đó, Nalanda được điều khiển bởi hai vị Đại sư rất nổi tiếng là ngài Vô Trước và ThếThân. Giữa thế kỷ III đến giữa thế kỷ VI toàn thể vùng phía Bắc Ấn Độ được đặt dưới sự cai trị của triều đại Gupta, và triều đại này lại bảo trợ Phật giáo rất tích cực. Vua Kumaragupta (trị vì từ năm 415 đến 455) khởi công xây cất một chánh điện trung tâm thật đồ sộ cho Tu viện, nhưng rồi giặc giã lại xảy ra và các đạo quân du mục Hung Nô thuộc vùng Trung Á tràn vào Bắc Ấn. Lần này nhờ có vua Skandagupta (trị vì từ năm 455 đến 467) ra sức bảo vệ nên Tu viện Nalanda không bị thiệt hại gì nhiều.

 

Mặc dù không có một vị vua nào dưới triều đại Gupta chính thức nhận mình là người Phật giáo, nhưng tất cả đều tích cực bảo trợ cho Nalanda. Các vị vua kế nghiệp sau hai vị vua trên đây là các vị Buddhaguptaraja, Tathagataraja, Baladitya và Vajra lại tiếp tục xây dựng thêm và đến cuối thế kỷ thứ V thì Nalanda trở nên một Tu viện Đại học thật đồ sộ. Vào các năm từ 530 đến 535, có một vị vua thuộc miền Trung Ấn (có lẽ là vua Yoshodharman) cúng dường một Đại Tịnh xá (Mahavihara) và bức tường bao quanh toàn thể khu vực của Tu viện. Uy tín của Nalanda dần dần vượt khỏi biên giới nước Ấn và đã thu hút được nhiều đại sư và học giả tiếng tăm khắp nơi. Sinh viên khắp các quốc gia Á châu như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Indonexia đều tìm về đây tu học. Từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ XII, Đại học Nalanda đạt đến mức cực thịnh…

 

Tóm lại, tu viện Nalanda được khởi công xây dựng từ thế kỷ III trước Công nguyên do công của vua Asoka. Theo thời gian, hầu hết các triều đại không những tiếp nối sự nghiệp bảo vệ, trùng tu Nalanda mà còn xây dựng xung quanh Nalanda rất nhiều tu viện mới. Đến thế kỷ thứ VI, trường Nalanda chính thức được công nhận là trường Đại học Phật giáo đầu tiên và nổi tiếng của Phật giáo. Ngài Giới Hiền là vị hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Nalanda. Thế kỷ VII là thời kỳ phát triển cực thịnh của Đại học Nalanda và sự phát triển như thế nào, người viết sẽ tiếp tục trình bày trong phần tiếp theo.

 

Khi Nalanda trở thành một Ðại học Phật giáo, Thánh địa này mới thật sự được nổi tiếng khắp thế giới. Vua A Dục là người sáng lập ra Tu viện Nalanda, không phải là Ðại học Nalanda. Theo ngài Huyền Trang, “Trong chùa có mấy ngàn Tăng nhân, đều là những người tài năng xuất chúng, kiến thức uyên thâm. Họ tuân thủ giới quy, có phẩm hạnh thanh bạch, am hiểu giới luật, tín ngưỡng kiên định được người trong toàn Ấn Độ ngưỡng mộ sùng bái”.[5] Sinh viên học ở Nalanda đều được miễn phí, vì các phí tổn đều do các vua chu cấp hoặc các đàn việt đài thọ. Sinh viên chỉ chuyên lo tu học. Vào thế kỷ VII, Tăng sĩ ở Nalanda đông đến vài ngàn, họ đều là những bậc tài năng xuất chúng. Những bậc này phần nhiều là những vị kỳ tài, danh tiếng vang đến nước ngoài. Ðức hạnh của những vị này hoàn toàn thanh tịnh, không thể chê trách gì. Họ theo giới luật một cách chơn thành. Quy luật của Tu viện rất nghiêm khắc và tất cả Tăng sĩ đều bắt buộc phải tuân theo. Cả nước Ấn Ðộ đều kính phục và tuân theo những lời chỉ dạy của những vị này. Cả ngày họ không có đủ thời gian để hỏi và trả lời những câu hỏi có ý nghĩa sâu xa. Từ sáng cho đến tối, các vị này đều luôn luôn biện luận. Già và trẻ đều giúp đỡ lẫn nhau. Những ai không thể biện luận về kinh điển đều không được kính trọng và phải lẩn tránh vì xấu hổ. Những nhà học giả từ các thành thị khác, muốn mau có danh tiếng trong các cuộc biện luận đều đến Nalanda rất đông, để được giải đáp những điểm mình còn nghi ngờ. Vì vậy danh tiếng của những vị ở Nalanda được lan truyền rất rộng. Các người ở các giới khác muốn dự các cuộc biện luận phải bị người giữ cửa hỏi vài câu khúc mắc, nhiều người không trả lời được phải trở về. Mọi người phải học giỏi cả tân và cựu kinh điển mới được thâu nhận vào Đại học Nalanda… Thế kỷ VII, ngài Huyền Trang đến Ấn Ðộ, vào thời điểm này Nalanda đã thành một trung tâm học vấn nổi tiếng. Ngài học ở đây độ 13 năm, nghiên cứu các hệ thống triết học Phật giáo dưới sự chỉ dạy của Viện trưởng Giới Hiền.

 

Những bia ký cũng chứng tỏ sự vĩ đại của Nalanda và công nghiệp của các vị vua duy trì và cung cấp vật dụng phí tổn cho Ðại học đường ấy. Bia ký khắc trên lá đồng của Devapala (810 - 850) ghi rõ tiền thuế cả năm làng ở quận Ragjir được dùng để cung cấp các vật dụng ăn uống cho các vị Tăng sĩ, và chép các kinh điển tại Viện do vua Sumatra lập lên. Ngoài ra, những vua ngoài Ấn Ðộ cũng ủng hộ về tài thí cho Nalanda.

 

Nalanda còn là nơi sản sinh một số triết gia, văn phạm gia, luận lý gia và những lãnh tụ tôn giáo. Sách vở những vị này viết đến nay vẫn còn truyền tụng. Triết học Ðại thừa được nảy nở hoàn toàn tại đây, và nhờ Nalanda mà Ðại thừa Phật giáo được truyền bá khắp nơi. Hiện tại chúng ta chỉ biết được một ít tên những vị Viện trưởng có danh tiếng, nhưng chỉ những tên ấy cũng đã nói lên được giá trị của Nalanda và chứng tỏ rằng Nalanda thật xứng đáng là một Ðại học viện có tiếng nhất. Sách ghi lại “Chùa Nalanda gồm những bậc cao đạo đức trọng, tài cao học rộng, giỏi nhiều lãnh vực, vì tránh đời mà tìm đến. Họ là Hộ Pháp, Hộ Nguyệt, mà tiếng tăm lưu truyền trong học giới Phật giáo; là Đức Tuệ, Kiên Tuệ mà đạo đức vang danh trong đời; là Quang Hữu nghị luận cực kỳ thanh nhã; là Thắng Hữu lời lẽ rất cao minh; là Trí Nguyệt có phong độ trác tuyệt, kiến thức và sự thông tuệ tuyệt vời; là Giới Hiền đức hạnh cao thượng, kiến thức cao sâu... Họ là những Tăng nhân kiệt xuất, ai ai cũng đều biết cả, tài đức vượt hẳn những người đi trước, quán thông những trước tác xưa nay. Họ biên soạn, chú thích nhiều tác phẩm lý luận. Mỗi người có khoảng mười tác phẩm, lưu truyền rộng rãi, được tôn sùng.[6]

 

Những vấn đề giảng dạy và nghiên cứu tại Nalanda không những chỉ là Phật giáo mà cả các hệ thống triết học, văn học, thiên văn học, y học, số học, đạo học... do đó học giả khắp các nước đều nô nức đến học tập và nghiên cứu trong đó có ngài Pháp Hiển, Nghĩa Tịnh của Trung Hoa và còn nhiều người khác đến từ các quốc gia Sri Lanka, Nhật Bản, Triều Tiên, Indonexia, Việt Nam…

 

Nalanda là trường Đại học Phật giáo đầu tiên, là một trong những trường Đại học lớn nhất thế giới. Đây là Tu viện lớn tu tập theo học phái Đại thừa. Khu vực bốn bên Đại học Nalanda có cả hàng trăm di tích liên quan đến Thánh hiền.[7] Phạm vi của Ðại học đường Nalanda ước khoảng 14 hecta. Thời thịnh nhất chứa khoảng 10.000 Tăng Ni sinh, khoảng 1.500 giáo sư, không kể những người giúp việc. Có 1.000 giáo sư dạy 20 kinh luật, 500 vị dạy trên 30 kinh luật, 10 vị có thể giảng xuất sắc kinh luật luận (trên 50 bộ kinh luật luận). Chất liệu xây dựng Nalanda là gạch nung và một ít đá chẻ, nhiều Tu viện có 7 đến 9 tầng, phòng ốc với bề dày của tường trên một thước để chống lại khí hậu của Ấn Độ.

 

Vào khoảng thế kỷ VIII, tình hình chính trị Ấn Độ không ổn định đã ảnh hưởng đến Nalanda rất nhiều. Thêm vào đó, sự sa sút về giới hạnh của một số Tăng sĩ đã ảnh hưởng đến sự phát triển của Nalanda. Điểm quan trọng nhất, đội quân Hồi giáo do vua Bahktiyar Khilji chỉ huy đã đặt ách thống trị trên đất nước Ấn Độ và nhà vua này không kính trọng một tôn giáo nào khác ngoài Hồi giáo. Do đó, ông đã ra lệnh đuổi hoặc giết các Tăng sĩ Phật giáo, phá hủy các chùa, tháp, Tinh xá, đập nát các tượng Phật, Bồ-tát bằng đá và thiêu đốt kinh sách nữa.

 

Mặc dù Phật giáo tại Ấn Độ bị pháp nạn và Nalanda cùng chịu chung hoàn cảnh này, nhưng không có nghĩa là Nalanda đã hoàn toàn biến mất khỏi Ấn Độ. Trong thời kỳ hình thành và phát triển, Nalanda đã có những đóng góp quan trọng cho nền Phật giáo Ấn Độ nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung:

 

·        Thứ nhất, Nalanda là nơi các thuận lợi để các Tăng sĩ có thể phát huy tinh hoa của Phật giáo, trong đó nền tảng tư tưởng Đại thừa Phật giáo được phát triển và truyền sang các nước khác.

 

·        Thứ hai, Tam Tạng kinh điển Phật giáo và các nguồn sách khác đều tập trung tại Nalanda, mọi người đều có thể đến đây nghiên cứu, học tập, và thỉnh chuyển đi các nơi khác.

 

·        Thứ ba, Nalanda đã đào tạo nhiều bậc cao Tăng thạc đức tại đây như ngài Hộ Pháp, Giới Hiền, Huyền Trang, Liên Hoa Sanh... Ngài Huyền Trang đã đem sở học của mình về phát triển tại Trung Hoa. Ngài Liên Hoa Sanh đã vận dụng kiến thức mình học được để truyền bá thành công chánh pháp tại Tây Tạng.

 

·        Thứ tư, Nalanda làm lợi ích cho cho xã hội qua những ngành học phong phú như Phật pháp, số học, thiên văn học, triết học, y học.

 

·        Thứ năm, Nalanda đóng góp về mặt kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa như những Tinh xá, Tháp, tượng Phật, Bồ-tát, Bức phù điêu, Bia ký, Khuôn dấu, Đồ gốm...

 

Đến thế kỷ XX, trường Đại học Nalanda được các nhà khảo cổ học khai quật và tìm thấy được con dấu của trường làm bằng đất nung. Con dấu này giúp xác định trường Đại học Nalanda là trường Đại học đầu tiên của Phật giáo. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn phát hiện ra rất nhiều tháp, tượng Phật, tượng Bồ-tát, con dấu của các Tịnh xá xung quanh Đại học Nalanda, các bức chạm trổ, phù điêu, bia ký v.v… từ trong lòng đất. Nhiều con dấu và tấm đồng được tìm thấy trong các Tinh xá, có những khuôn dấu có khắc tượng Phật hoặc một câu trong kinh điển; lại có những khuôn dấu của Nalanda Ðại học viện, như khuôn dấu "Sri Nalanda Màhà Vihàrìyarya Bhikhsu Sanghasya", dịch là: "Của Giáo hội Ðại đức tại Tinh xá ở Nalanda". Hàng chữ khắc này có hình Pháp luân với hai con nai hai bên. Nhiều khuôn dấu chứng tỏ một Tinh xá hoặc trú xá đều có dấu riêng. Lại cũng có những khuôn dấu thuộc của Vua Narasinha Gupta và Kumà-Ragupta II thời Gupta, Bhàskaravarman ở Assam, Harshavaàrdhama ở Kanauj và nhiều vị vua hoặc thái tử khác. Những khuôn dấu ấy chứng tỏ các nhà vua đều đặc biệt chú trọng và ủng hộ Nalanda, Học viện có tiếng nhất ở Ấn Ðộ. Những đồ gốm được tìm thấy ở Nalanda chứng tỏ trình độ văn minh của dân chúng thời ấy đã lên một mức độ khá cao.

 

Gần Nalanda, Bảo tàng khảo cổ học có góp nhặt những vật cổ xưa được khai quật từ Nalanda và các vùng lân cận. Nó xác minh rằng Đại học Nalanda nổi tiếng vì sự phong phú của kiến trúc đá, đồng đúc và sơn tay. Cunningham định giá kiến trúc được khai quật ở đây là tinh xảo nhất trong Ấn Độ. Sự khám phá về nghệ thuật đúc kim với miếng kim loại vảy sắt (tháp vị trí 13) chứng minh rằng kim loại được đúc tại Nalanda. Một mẫu đồng tinh xảo nhất diễn tả Đức Phật trong tay bắt ấn kiết tường. Trường phái nghệ thuật Pala được tìm thấy tại Nalanda với một vài kiến trúc thuộc thời điểm này.

 

Thật vậy, Nalanda xứng đáng là một Đại học tầm cỡ quốc tế. Nalanda không những khẳng định tính sáng tạo, tư duy, độc lập của dân tộc Ấn mà cho cho nhân loại mọi nguồn tri thức vô giá về Phật pháp. Đại học Nalanda từng chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong lịch sử Phật giáo. Mặc dù, các biến cố liên tiếp đã đánh dấu trang sử cuối cùng của Phật giáo trên lục địa Ấn Độ vào cuối thế kỷ XII, nhưng Nalanda vẫn sống mãi theo tinh thần của Phật giáo ở khắp mọi nơi. Nơi nào có Phật giáo phát triển, nơi đó có sự đóng góp từ Nalanda. Nalanda là một trường Đại học Phật giáo lớn nhất thế giới, là nơi tàng trữ Tam tạng kinh điển lớn nhất, là nơi đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chúng sanh. Đây là nơi sản sinh ra những tư tưởng gia Phật giáo Ấn Độ vĩ đại, những bậc tòng lâm thạc học.

 

Ngày nay Phật giáo phát triển khắp năm châu, và Đại học Nalanda đang dần hồi sinh. Chúng ta hyvọng rằng, Phật giáo sẽ sớm được phát triển lại tại Ấn Độ và những người dân sống nơi thánh tích của Phật giáo sẽ có được một cuộc sống an lành, hạnh phúc trong dòng pháp nhũ của Phật giáo.

 

--------------------------------------------

 



 

[1] Bang Bihar hiện nay là một trong những bang nghèo nhất của Ấn Độ.

[2] Tiến sĩ Lê Sơn dịch, Đại Đường Tây Vực Ký – Bút Ký Đường Tăng, Nxb. Phương Đông, 2007, tr. 571-572.

[3] Niganthas, một vị ẩn sĩ của phái Ni Kiền Đà

[4] Tiến sĩ Lê Sơn, Sđd, tr. 572

[5] Sđd, tr. 574

[6] Sđd, tr. 574-575

[7] Sđd, tr. 578

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 

1.     Hsuan Tsang the pilgrim and scholar, Hy Ma La Son press, 1963, Thích Minh Châu chủ biên, Sa-di Ni Trí Hải dịch, Huyền Trang nhà chiêm bái và học giả, Sài Gòn, 1966.

 

2.     Thích Như Điển dịch, Đại Đường Tây Vực Ký, Trung Tâm Văn Hóa Xã Hội Phật giáo Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức xuất bản, PL. 2548 (2004).

 

3.     Tiến sĩ Lê Sơn dịch, Đại Đường Tây Vực Ký – Bút Ký Đường Tăng, Nxb. Phương Đông, 2007.

 

 

--------------------------------------------