NAM-MÔ MƯỜI PHƯƠNG BA ĐỜI THƯỜNG TRỤ TAM BẢO!

Bản tin phật giáo / Tin Phật sự / Trên con đường đi về Ánh Sáng

, Thứ Hai 2011-10-27

 

 

TRÊN CON ĐƯỜNG ĐI VỀ ÁNH SÁNG

 

Hành Vân

 

        Không muốn chỉ đưa ra một sự kiện với những con số và vài tấm hình chán ngắt, ở đây, người viết muốn chia sẻ, tâm tình với những ai có cùng tâm trạng, hay đã từng có mặt ở nơi ấy. Nơi ấy, phải, chính là Tịnh xá Ngọc Chánh – Dak Lak, vào mùa Thu năm 2011, trong một khóa thiền tập…

 

 

 

 

 

 

        Con đường mà các đức Đại Hùng đã từng đi qua, thì bây giờ những người con chân chính của các Ngài lại đang cố gắng lần bước. Người đời rong ruổi trên muôn dặm nẻo đường thiên lý, từ kiếp này đến kiếp khác, trong mọi hình hài, đi các nơi bằng xe, bằng ngựa, bằng mọi phương tiện vận chuyển; nhưng CON ĐƯỜNG NÀY thì không thể dùng một phương tiện chuyên chở nào hết, mà phải bắt đầu từ một cái TÂM, với vạn hạnh trang nghiêm, và chinh phục được cái TÔI thì sẽ đến đích!

 

 

 

 

 

 

        Ngày 23 tháng 9 năm Tân Mão, ngày 19/10/2011 vừa rồi, Tịnh xá Ngọc Chánh đã mở một khóa thiền tập 7 ngày cho các thiện nam tín nữ về tu học. Với sứ mạng thay mặt Tam Bảo xương minh Diệu Pháp, những việc như thế này quả thật là cần làm, là phải làm trong vai trò trụ trì đạo tràng của sư cô Hiếu Liên. Hòa thượng Giác Dũng trưởng Giáo đoàn III của Phật giáo Khất Sĩ đã về đây chứng minh và truyền giới pháp cho các thiền sinh rồi ngài đi. Có hai đại đức Tăng đã đến đấy trợ duyên cho Phật sự này: đại đức Giác Hoàng dẫn chúng tu học và hướng dẫn thiền tập, đại đức Minh Bình thì phụ giảng Chơn Lý. Có ba Ni sư cũng đã về tham gia đôi ngày để trợ duyên: Ni sư Hiệp Liên, Ni sư Cảnh Liên và Ni sư Lãnh Liên. Hội chúng Tăng, Ni, Phật tử có khoảng 80 vị, một số lượng vừa chật khít ngôi chánh điện. Ai ai cũng không quản công sức để tiến tu đạo nghiệp cho đời mình. Và những lộ trình mà mọi người đã đi qua, đấy mới là điều mà người viết muốn nói…

 

 

 

 

 

 

        Trên CON ĐƯỜNG THIỀN ĐỊNH, một con đường cổ truyền, thanh tịnh, trang nghiêm, khó nhọc mà vinh quang, con đường mà chư Phật hằng tán dương:

 

Tu Thiền trí tuệ sanh

Bỏ Thiền trí tuệ diệt…

 

        Trên con đường này, đại chúng ở Ngọc Chánh đang cố gắng tiến bước. Thời buổi nào mà còn nhiều người sẵn sàng gát bỏ gia duyên thế sự để đi vào con đường này? Quả thật là đã từng gieo trồng thiện căn nơi nhiều đức Phật rồi chớ không hề đơn giản! CON ĐƯỜNG ĐỜI tuy khó mà dễ, CON ĐƯỜNG NÀY tuy dễ mà khó. Nó khó bởi vì nó đi vào Tâm! Mà cái tâm thì còn hơn biển cả, không lường, vô hạn…

 

 

 

 

 

 

        Với nhiệt tình hoằng pháp và tinh thần trách nhiệm, đại đức Giác Hoàng đã trực tiếp dẫn chúng trong mọi thời khóa từ sớm tới tối suốt khóa tu, thật là vất vả. Đại đức dạy mọi người tu theo Tứ niệm xứ, với 7 ngày thì chắc những người theo chỉ mới học được phần nào. Đại đức Minh Bình thì đem bài Kinh Diệt Lòng Ham Muốn giảng giải để trợ duyên thiền định cho các hành giả, và chỉ mới giảng được phần I – 10 câu đầu. Các Ni sư, các sư cô thì đem những bài pháp không lời tặng cho mọi người đồng tu. Bao người đau chân ê ẩm nhưng chẳng ai chịu từ bỏ khóa thiền tập trước khi nó được kết thúc. Và lực tinh tấn cộng hưởng của cả đại chúng đã tạo ra một khóa thiền tập trang nghiêm nơi Tịnh xá Ngọc Chánh.

 

 

 

 

 

 

        Tuy vậy, nếu có điều kiện hơn thì nên tạo hai thiền đường cho hai phái nam, nữ. Khi trao đổi điều đó với đại đức Giác Hoàng, đại đức cũng thừa nhận là do cơ sở còn thiếu chỗ. Vậy khi đủ chỗ, thì nên thỉnh các sư cô Vân Liên, Hằng Liên về tham gia và hướng dẫn thiền cho bên nữ, còn đại đức Hoàng và chư đại đức khác thì hướng dẫn bên nam. Nhưng đại đức Hoàng cho hay là sư cô Hiếu Liên cũng có khả năng như các sư cô Vân, Hằng…

 

 

 

 

 

 

         Lại nữa, trong khóa thiền tập này, thời gian để nói và nghe tập thể hơi nhiều: 4 tiếng một ngày. Khi tâm còn thô, còn quen với nhịp sống của đời, thì các Phật tử còn thấy điều đó là bình thường. Nhưng với người đã quen sinh hoạt ở các thiền viện thì 4 tiếng nói – nghe một ngày là sức vọng còn nhiều lắm. Như nói: “Với người đã đạt chánh định, dù cả ngày cho 6 căn buôn bán làm ăn mà tâm người ấy vẫn không loạn.”, thì phải nói luôn: “Người đã đạt chánh định chẳng cần phải tu nữa!”. Còn chúng ta đang tu, ắt chúng ta phải có một sự sinh hoạt phải pháp. Nếu sống theo Lẽ Một của đức Tổ sư đã chỉ, thì chúng ta sẽ nói và nghe ít lắm…

 

 

 

 

 

 

        Cao nguyên là địa bàn giáo hóa của Giáo đoàn III. Hàng Phật tử Khất Sĩ ở đây đều còn giữ được các phép tắc truyền thống. Điều này thật quý. Do trân trọng Tăng Bảo, các Phật tử được nhiều phước báu, mà điều đó cũng là một sự trợ duyên lớn đến với chư Tăng, Ni, khiến hàng khất sĩ phải thường lưu ý chu toàn oai nghi phẩm cách, để xứng đáng với sự quý kính của các vị cư sĩ. Cái cách hộ pháp thế này thật là tế nhị: khi mình quý Tăng, Ni như Phật thì Tăng, Ni không làm Phật ắt là khó coi! Rồi từ đóng vai Phật đến thành Phật thiệt là chuyện sẽ diễn ra… Và ngược lại, khi chư Tăng, Ni tạo điều kiện cho các Phật tử có một trách nhiệm nào đó ở tịnh xá, họ sẽ gắn bó với tịnh xá nhiều hơn, dần dần ý thức rõ hơn vai trò ngoại hộ Phật pháp của hàng cư sĩ mà đức Phật Thích-ca đã phó chúc. Điều đang nói đến ở đây là một vấn đề xã hội trong lĩnh vực tôn giáo. Những điều này không biết trong kinh có dạy hay không? Nhưng chắc chắn là cuộc sống đã dần dần dạy cho mọi người biết cần phải làm gì: quý kính nhau để nâng cuộc sống của mình lên một tầm cao…

 

 

 

 

 

 

        Suốt mấy ngày liền, thời tiết ở thị trấn Ea Drang rất mát, mỗi ngày đều có mưa nhẹ. Tịnh xá Ngọc Chánh tọa lạc tại số 158 đường Giải Phóng, nằm ngay bên đường quốc lộ từ Buôn Ma-thuột qua Gia Lai, cách Buôn Ma-thuột 80km. Con đường này xe chạy nhiều quá, nhưng vị trí chánh điện thụt vào sâu cả trăm mét nên không bị ồn, thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng hoạt động của mỏ đá ở gần đó. Hàng ngày tu chung, nhìn các bà cụ đeo bảng tên “Nữ thiền sinh” mà không khỏi phải mỉm cười. Có vẻ như họ quý cái bảng tên đó, họ tỏ vẻ được hân hạnh đeo nó nơi cổ. Hay lắm! Có quý pháp thì mới được đắc pháp, có kính thầy thì mới được làm thầy, có biết tự trọng thì mới không bị sa đọa… những điều này rất hiển nhiên.

 

 

 

 

 

 

        Trên con đường đi về ánh sáng quang minh biến chiếu, thầy trò ở Tịnh xá Ngọc Chánh đã làm được những việc như thế. Nơi huyện Ea H’leo họ ở là một vùng quê, nhưng có lẽ nó chẳng quê chút nào trong lĩnh vực hoằng pháp. Đại đức Giác Hoàng có nhận xét là ngày nay Phật tử ở Việt Nam rất ham tu, chỉ cần mở khóa tu là có người hưởng ứng, dù là tu niệm Phật hay tu tọa thiền. Nhận xét này rất đáng để chư đại đức Tăng, Ni lưu ý và lập chí hoằng pháp lợi sanh đền ơn chư Phật. Chư sư cô là hàng nữ lưu mà còn làm được như thế, huống gì các đại đức Tăng, đã được giáo hội đào tạo qua nhiều trường lớp, sao cứ tập trung đông đúc nơi Thành phố Hồ Chí Minh để làm gì?

 

Hoài niệm Ea H'leo, 26/10

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

------------------------------------------

Các bài liên quan