NAM-MÔ MƯỜI PHƯƠNG BA ĐỜI THƯỜNG TRỤ TAM BẢO!

Bản tin phật giáo / Tin Phật sự / Du Lịch Tâm Linh

Tâm Nguyên , Thứ Năm 24-10-2019

 

Chùa vắng bóng người tu học trong khu du lịch tâm linh nghìn tỷ

 

THIÊN ĐIỂU

 

 

 

Du khách đổ về chùa Bái Đính chiếm gần nửa tổng số lượt khách nội địa đến Ninh Bình

- Ảnh: NAM TRẦN

 

 

Nếu biết rằng gần một nửa lượt du khách đến Ninh Bình trong vài năm qua là đến chùa Bái Đính, người ta sẽ hiểu vì sao mà nhiều đại dự án du lịch tâm linh đã ra đời, và vẫn tiếp tục có những dự án du lịch tâm linh ngàn tỷ khác đang được thi công hoặc "xin chủ trương".

 

Năm 2018, nhiều người được phen giật mình trước đề xuất đầu tư khu du lịch tâm linh ở danh thắng chùa Hương 15.000 tỷ đồng của doanh nghiệp Xuân Trường.

 

Dư luận còn chưa kịp quên đề xuất đại dự án tâm linh này thì mới đây, tỉnh Hòa Bình lại "mạnh dạn" trình xin Thủ tướng đồng ý cho xây dựng khu du lịch tâm linh rộng lớn trên đất nông nghiệp của tỉnh. Dự án khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) cũng đang được triển khai.

 

Tại Huế, Công ty cổ phần đầu tư Bãi Cả cũng đang xin UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép nghiên cứu phương án xây dựng khu du lịch tâm linh ở núi Hải Vân.

 

Và nóng nhất là dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú đang được triển khai ở xã Lũng Cú, vây quanh Núi Rồng - nơi có di tích cột cờ Lũng Cú - một điểm linh thiêng về chủ quyền biên giới của cả nước.

 

 

 

Chùa Tam Chúc - Ảnh vệ tinh Google Earth năm 2018

 

 

Liên tiếp các đại dự án khu du lịch tâm linh

 

Nhắc đến các dự án du lịch tâm linh, nổi tiếng nhất phải kể đến khu tâm linh núi chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) và khu du lịch tâm linh Tam Chúc (Hà Nam).

 

Theo bản quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2025, định hướng 2030 đã được Sở Du lịch Ninh Bình công bố ngày 14-9-2018, từ năm 2003 dựa trên nền tảng của ngôi chùa cổ, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã phát tâm đầu tư trùng tu và mở rộng chùa với tổng diện tích hiện nay là hơn 1.000ha.

 

Chùa vẫn còn nhiều công trình đang tiếp tục xây dựng tới năm 2020 như: công viên văn hóa Phật giáo, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh, công viên cây xanh...

 

Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường xác nhận doanh nghiệp được quyền khai thác du lịch với khu du lịch sinh thái Tràng An (bao gồm cả chùa Bái Đính) trong 70 năm.

 

Không giống các ngôi chùa truyền thống, ngay tại tầng hầm của tòa Tam Thế chùa Bái Đính và cả chùa Tam Chúc là một nhà hàng lớn cả nghìn mét vuông, có thể phục vụ ăn uống cho cả nghìn người và còn có nhiều phòng làm việc, phòng hội nghị.

 

Và giống như một địa điểm du lịch thông thường khác, chùa Bái Đính có cả một khu lớn bán đồ lưu niệm và dịch vụ ăn uống ngay gần cổng; bãi trông xe với giá khá đắt đỏ và dịch vụ xe điện, dịch vụ vệ sinh...

 

Ở các chùa này, hầu như không thấy bóng dáng nhà tu hành và thưa vắng hoạt động tu tập, hoằng pháp - vốn là những mục đích tồn tại chính yếu của một ngôi chùa.

 

Thượng tọa Thích Quang Minh, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam trực tiếp chăm sóc cho hai ngôi chùa Bái Đính, Tam Chúc, cho biết chùa Bái Đính thường xuyên có 300-400 người làm việc tại chùa nhưng không phải là người tu hành.

 

Đại đức Thích Tâm Thuần - phó ban quản trị Thiền phái Trúc Lâm, trụ trì Thiền viện Sùng Phúc (Hà Nội) - mặc dù ghi nhận công đức của doanh nghiệp xây chùa nhưng cũng chỉ ra một điều đáng tiếc ở những ngôi chùa làm du lịch này, đó là chưa làm tốt việc chính của một ngôi chùa: hoằng pháp.

 

Theo đại đức, một ngôi chùa lớn như Bái Đính lẽ ra "phải có 500 -1.000 người tu học".

 

 

 

Chùa Bái Đính - Ảnh vệ tinh Google Earth năm 2018

 

 

Lo lắng về tài nguyên đất đai

 

Nói về những dự án du lịch tâm linh hiện nay, luật sư Nguyễn Tiến Lập (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng đó là những dự án mập mờ, không rõ chùa trong các dự án này để thật hành tín ngưỡng hay là cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Luật sư Lập bày tỏ quan ngại về sự lập lờ giữa một công trình tôn giáo với một dự án du lịch có thể dẫn đến những tiêu cực về thuế, đất đai, nguồn vốn...

 

Bởi lẽ, một dự án kinh tế làm du lịch thì các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, nguồn vốn... rất khác với một công trình văn hóa tôn giáo, và các chủ đầu tư các dự án này đều nói doanh nghiệp xây xong là giao cho Giáo hội Phật giáo quản lý chứ họ không quản lý như một sản phẩm du lịch.

 

Thừa nhận thế giới cũng có du lịch tôn giáo (religious tourism), nhưng GS.TS Trần Ngọc Vương nói nó bắt nguồn từ những chuyến hành hương từ hàng ngàn năm qua của các tín đồ đến những điểm tôn giáo linh thiêng cổ xưa để cầu nguyện, hành lễ chứ không ai đến một cơ sở mới tinh để du lịch.

 

 

 

Cận cảnh công trình Khu du lịch văn hóa sinh thái tâm linh Lũng Cú - Ảnh: MAI THƯƠNG

 

 

Nhìn ở góc độ xã hội, góc độ nhà nước, GS Vương cho rằng du lịch tâm linh chính là "kinh doanh tài sản quốc gia". Bởi theo ông, "Đất đai, diện tích lãnh thổ là những thứ không đẻ thêm được, nhưng chúng ta lại đang có những quy hoạch du lịch tâm linh chiếm giữ vùng diện tích đất đai rộng lớn".

 

Trong khi đó, dưới góc nhìn của người làm du lịch, TS Trịnh Lê Anh - giảng viên khoa du lịch, Trường Đại học Khoa học, xã hội và nhân văn Hà Nội - lại có cái nhìn khác. Ông cho biết trên thế giới du lịch tâm linh đang là cơ hội cho ngành du lịch, vì thu hút được một lực lượng đông đảo người dân có tín tâm.

 

Còn ở Việt Nam, các khu du lịch tâm linh đang tạo ra một dòng lưu chuyển khách du lịch, tạo ra một điểm đến văn hóa của người dân, và đó là một sự thành công của những nhà đầu tư khôn ngoan.

 

Tuy nhiên, TS Trịnh Lê Anh cũng thừa nhận rằng song hành với những lợi ích của du lịch tâm linh sẽ là những thứ phải trả giá như "lãng phí về tài nguyên đất đai".

 

 

 

Chùa Khai Nguyên - Ảnh vệ tinh Google Earth năm 2018

 

 

Giật mình số lượng khách

 

Thông tin từ bản quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2025, định hướng 2030 cho thấy từ năm 2010-2016 khách du lịch nội địa đến chùa Bái Đính tăng trưởng liên tục, chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng số khách du lịch nội địa đến Ninh Bình.

 

Năm 2016 lượt khách du lịch đến chùa Bái Đính chiếm đến 48,5% tổng số lượt khách nội địa đến Ninh Bình.

 

Số liệu thống kê của Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An cũng cho thấy riêng lượt khách đến Bái Đính chiếm hơn một nửa lượt khách du lịch nội địa của cả Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm tới 7 khu du lịch cộng lại.

 

Năm 2016 tổng số khách đến chùa Bái Đính đạt trên 3,2 triệu lượt, trong khi tổng số khách đến Quần thể danh thắng Tràng An là hơn 5,7 triệu lượt. Con số tương ứng của năm 2017 là xấp xỉ 3,2 triệu và hơn 6,1 triệu.

 

 

 

Chùa Ba Vàng - Ảnh vệ tinh Google Earth năm 2018

 

 

"Chùa trong khu du lịch rất tốt nếu được quản lý tốt (?!)"

 

Trả lời Tuổi Trẻ về câu chuyện nở rộ các khu du lịch tâm linh thời gian gần đây, thượng tọa Thanh Quyết - Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - đánh giá đây là việc rất tốt (?!)

 

Theo thượng tọa, vừa rồi có một số doanh nghiệp đã xây chùa ở khu du lịch Bái Đính, Tam Chúc để thờ Phật, tạo điều kiện cho du khách vãn cảnh, thật hành tín ngưỡng.

 

Tuy nhiên, thượng tọa Thanh Quyết cũng thừa nhận những ngôi chùa này chỉ tốt, làm con người quy thiện, hướng thiện, hành thiện nếu được quản lý tốt. Bằng không thì chúng "dễ trở thành một vấn đề không ưng ý".

 

 

 

 

Bình luận (30)

 

  • Kim Trần Tôi du lịch Đài Loan, đến Phật Sơn Tự, vãn cảnh mênh mông cả buổi, gặp nhiều nhân viên dịch vụ nhưng không có đốt nhang và chẳng thấy một Tăng Ni nào cả. Họ tu học ở khu cách ly, họ không phục vụ du lịch. Tôi thích như vậy, tách bạch du lịch ra du lịch, tín đồ đi hành hương ra hành hương, tu học ra tu học. Không nên đưa Tăng Ni ra làm dịch vụ để thu hút khách du lịch. Cần học hỏi Đài Loan, kinh doanh du lịch tâm linh như vậy nên khuyến khích, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, không xả thải ô nhiễm, không mê tín dị đoan bôi bác tôn giáo, không buôn bán hàng kỵ hàng cấm, không trốn thuế...

 

  • Lê Tuấn Anh Tôi đã thấy mình đúng từ trước đây, khi mà nói về một số dự án du lịch tâm linh. Bản thân tôi vẫn luôn cho rằng vấn đề tâm linh hay tín ngưỡng là rất quan trọng trong đời sống - văn hóa của người dân VN mình. Tuy nhiên, một khi vấn đề đó bị lợi dụng - lạm dụng một cách quá đáng thì nó sẽ để lại một hệ lụy không hề nhỏ cho quốc gia ở cả hiện tại và sau này, như đất đai bị thâu tóm một cách vô tội vạ, sự linh thiêng của chốn tâm linh bị méo mó dưới sự quản lý du lịch mang tính thị trường như hiện nay (người dân hay gọi là BOT chùa), thất thoát tài nguyên đất đai - thiên nhiên, không kiểm soát được dòng tiền trong lĩnh vực này... gây mất niềm tin của người dân về lĩnh vực này. Trên hết, tôi nghĩ những cơ quan chức năng của cả TW và địa phương cần nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề đâu tư dự án "du lịch tâm linh" này, không thể để tình trạng "trăm hoa đua nở" về việc này, phải xử lý ngay và nghiêm khắc những đối tượng lợi dụng việc này để trục lợi cá nhân.

 

  • phuong nguyen Đơn giản vì các chùa đó chỉ là một cơ sở kinh doanh tâm linh, hoạt động như một doanh nghiệp và chưa được cơ quan thuế ngó đến.

 

  • Vương Tài Người tu hành chân chính không thể hoằng pháp tại các khu du lịch BOT này!

 

  • Hải Nói chung là dân mình còn thơ ngây nên mới coi mấy cái này là chùa. Bao nhiêu nguồn thu từ các khu du lịch này không hề có hóa đơn, chứng từ, không phải phải đóng đồng thuế nào. Nhà nước chả được lợi gì, chỉ có doanh nghiệp là giàu lên nhanh chóng.

 

  • Ttt Du lịch thì VN không thiếu mà còn thừa và đẹp nữa, mắc cớ gì lại lồng ghép vào từ du lịch tâm linh, chốn tu hành là tu, du lịch là du lịch, đừng để vẩn đục chốn tôn nghiêm

 

  • Việt Nguyễn Có lẽ đã đến lúc phải ghi nhận về ngành kinh doanh theo hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh và có hình thức quản lý và...thu thuế phù hợp. Còn nhà chùa thì cũng nên việc nào ra việc nấy, thầy chùa thì phải chuyên lo tu học, đã là sư thì đừng dính vào kinh doanh, đó mới là đúng đắn, đúng đạo. 

 

  • Vương Tài Gọi đúng tên là BOT tâm linh thì đúng với bản chất!

 

  • Trần Lãng Cảm ơn tác giả đã có những bài phản ánh. Đúng như cái gai trong mắt mình

 

 

  • Tư Lầy Chùa nên chia làm 2 loại rõ ràng: Chùa để tu tập và chùa để du lịch tâm linh. Một cần đóng thuế và một miễn thuế.

 

  • Nguyen Phuong Tôi nghĩ nên xem xét duyệt kinh phí xây thêm trường học cho các địa phương còn khó khăn sẽ thiết thực hơn

 

  • giapknguyen Tại sao đất làm trường học, làm bệnh viện, công viên thì không có mà làm chùa 1000ha cũng có?

 

  • thạch sanh Nêu xét về góc độ kinh doanh thì ở đâu có cầu thì sẽ có cung. Người dân cần một chổ để cầu xin may mắn, chức tước .... và sẵn sàng trả tiền cho việc ấy thì tại sao doanh nghiệp lại không tham gia? Hơn nữa tiền cúng dường không xuất hóa đơn và không nộp thuế cho nhà nước nên doanh nghiệp đầu tư du lịch tâm linh là siêu lợi nhuận và nhà nước thất thu thuế .

 

  • Đạt Xây chùa với tư tưởng kinh doanh, móc túi Phật Tử thì sẽ không bao giờ thành công được. 15 nghìn tỷ tương đương 648 triệu đô, đủ để xây dựng tòa nhà nằm trong top 15 tòa nhà mắc nhất nước Mỹ, quá lãng phí!

 

  • sáu Người làm kinh tế thì cái tên đặt ra cũng phải mỹ miều rồi quảng cáo linh thiêng cho những người có tâm mong cầu khoái chạy vô bẫy của họ. Ở  đây mình có chút suy nghiệm như sau: PHẬT THÍCH CA vì thương chúng sanh mà thị hiện cõi này nói pháp vậy thì hà cớ chi khi ngài còn tại thế ngài không giúp khi có người cầu xin mà chỉ nói pháp cho người đó ngộ ra? Còn cầu xin là còn khổ vì cầu thì hy vọng mà không được là khổ. Chỉ khi nào tâm ta muốn ít biết đủ thì không gì làm ta khổ. Chúng ta càng có tâm chạy theo cái gọi là linh thiêng thì tâm ma trong ta càng tăng trưởng và càng khổ mãi

 

  • Le Kim Cái tên "du lịch tâm linh" này như là một trong những slogan của các doanh nhân VN thời nay. Vừa nắm bắt được nhu cầu tâm lý của tầng lớp trung lưu tu theo kiểu trưởng giả vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch của địa phương.

 

  • Nguyễn Huy "Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người"

 

  • dân vũVới sự nhạy bén của DN du lịch tâm linh, tôi nghĩ sắp tới sẽ có ngay vài trung tâm tu tập và hoằng pháp trong khu vực nhà chùa để thu hút thêm bá tánh thập phương

 

  • Nguyễn Thanh Hiệp Chùa là nơi nuôi dưỡng và truyền thừa đạo đức khắp nơi, chứ không phải là nơi dùng để kinh doanh làm giàu vì vậy nếu bất cứ nơi nào được xây dựng và phát triển nhầm mục đích kiếm lãi đều không phải nơi để phát triển tâm linh.
    Vì vậy chính quyền không nên yểm trợ, về mặt Giáo hội Phật giáo nên thẳng thắn nói không với các nơi được gọi là “du lịch tâm linh”.

 

 

  • Robin Nói thật ra là doanh nghiệp lợi dụng sự tín ngưỡng để kinh doanh, chứ chùa mà không có sư, chỉ có tượng Phật thì khác gì thăm quan viện bảo tàng, làm gì có sự linh thiêng

 

  • Vũ Hồng Cái gì mà lạm dụng thì sẽ trở thành hoạ. Các vị đừng phân biện những công trình như thế tốt xấu làm gì mà hãy tìm cách đánh giá thực chất kết quả về tâm linh, về đạo đức của con người đã chuyển biến như thế nào khi họ đến những khu du lịch được gắn mác tâm linh như thế. Xã hội đầy người lương thiện, tội ác tiêu tan hay chỉ làm giàu cho các nhà đầu tư!?! Đánh giá được thực chất giá trị tâm linh là gì rồi hãy nói đến nó tốt hay xấu. Bản thân tôi cam chắc không ít người không hiểu từ “Phật” nghĩa là gì khi đến những nơi này!

 

  • Thanhabb Bạn hãy đến thăm thiền viện Trúc Lâm, đó mới là tâm linh.

 

  • Bang Nguyễn Đã buông bỏ hết mọi sự thế gian để tìm nơi thanh vắng tu tập thì làm sao tu hành được ở chỗ đông đảo người tụ tập ăn chơi sang chảnh?

 

  • Thiện Du Thiện ý ban đầu là vậy nhưng nếu không quản lý được thì vì lợi nhuận hình thức du lịch này sẽ biến tướng thành "chợ chùa" hoặc "chùa chợ" ngay, bát nháo cũng như các loại hình kinh doanh khác.

 

  • Vương Tài Người tu hành chân chính thì không bao giơ tu hành ở những nơi thị phi, xô bồ, bát nháo...

 

  • nguyễn văn hùng Ngày xưa Thái tử Tất Đạt Đa (Phật Thích Ca) hay sau này là vua Trần Nhân Tông từ bỏ cuộc sống xa hoa, xã hội lắm bụi trần để tìm đến chùa nơi yên tĩnh, tránh xa bụi trần, đề cao lối sống giản dị. Nhưng buồn thay ngày nay cất chùa càng lớn càng đẹp mục đích là đón khách thập phương càng nhiều càng tốt để kinh doanh là chủ yếu chứ trên đời không có người kinh doanh nào mà chịu bỏ ra số tiền cực lớn để không nhận được gì cả

 

  • Anh Thắng Đạo Phật là giác ngộ bản tính để hướng thiện, chứ không phải cầu khấn.

 

 

  • Nguyen Tùy theo đối tượng khách hàng. Như GS.TS Trần Ngọc Vượng nói ...nó bắt nguồn từ chuyến hành hương từ hàng ngàn năm qua của các tín đồ đến những điểm tôn giáo linh thiêng cổ xưa để cầu nguyện, hành lễ chứ không ai đến một cơ sở mới tinh để du lịch.

 

KS. Minh Bình cập nhật

Nguồn: tuoitre.vn, ngày 24/10/2019.

 

 

Các bài liên quan